Đầu tiên Thượng Đế làm gì: từ một chuyện vui đến một ý thức hệ

Nguyễn Hoàng Văn

Nếu cái gì cũng có bước khởi đầu của nó thì – ngoài công việc thường ngày là quan sát hành động của từng con người để có một phán xét cuối cùng thích hợp vào thời điểm thích hợp – đâu là việc làm đầu tiên của Thượng Đế?

Câu trả lời, theo một câu chuyện chỉ để cười chơi, rất thích hợp với bộ máy chuyên tạo nên cảnh rối ren hỗn loạn trên đất nước chúng ta. Cái câu chuyện về một cảnh trà dư tửu hậu khi những nhà chức nghiệp cãi nhau rằng nghề của ai có trước, dựa trên những tín lý từ bộ kinh Cựu Uớc, đặc biệt là chương Sáng Thế Ký.

Đầu tiên, một bác sĩ lập luận: Khi lấy bụi đất nặn ra hình thù con người rồi thổi sinh khí vào lỗ mũi, Thượng Đế đã đảm nhiệm công việc của một nhà giải phẫu, do đó nghề y khoa của ông ta là cái nghề đầu tiên trong cõi đất trời.

Một kiến trúc sư phản bác, viện dẫn Sáng Thế Ký theo đó thì thoạt tiên trời đất là một cõi hỗn mang, đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, Thượng Đế phải bỏ ra đến sáu ngày để kiến tạo nên vũ trụ của ngày hôm nay: thực chất, những gì ngài làm là công việc của một nhà kiến trúc, đó phải là nghề đầu tiên trong trời đất.

Đến đây thì một chính trị gia nhảy vào… phỗng tay trên. Nhà chính trị cười khẩy, nét mặt hớn hở theo cung cách của một tay cờ lúc hạ tay chiếu tướng: “Vậy thì ai đã tạo ra cái cõi hỗn mang kia?”

Lập luận như thế thì có khác nào khẳng định rằng nghề chính trị là nghề tạo nên sự hỗn mang? Đầu tiên vũ trụ là một cõi hỗn mang thì có nghĩa là việc chính trị phải diễn ra trước tất cả.

Nếu nghĩ sâu hơn một chút sẽ nhận ra một khiếm khuyết rất lớn về mặt logic ở đây. Nếu Thượng Đế tạo nên vũ trụ này thì ngài cũng chính là tác giả của cái cõi hỗn mang kia, và nếu vậy thì, tại sao, ngay từ đầu, ngài không tạo nó “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, lại mà tự làm rắc rối chính mình, để mất tới những sáu ngày dọn dẹp?

Nhưng chính khiếm khuyết rất lớn về mặt logic này lại rất… logic với cái hiện trạng cực kỳ bất bình thường nhưng lại được xem là… “bình thường” của đất nước chúng ta. Đất nước bị tù mù giữa bình thường và bất bình thường, giữa logicanti-logic là do cái nghề chính trị, ít nhất là từ ba phần tư thế kỷ qua, đã đóng trọn vai cho nghề kiến tạo nên sự rối ren, hỗn loạn. Chẳng thiết hậu quả thế nào, cứ duy ý chí hành động cái đã để, sau đó, nếu nhận ra sai lầm thì, lớn trên phương diện quốc gia, tất tả “sửa sai” hay “đổi mới”; còn nhẹ, trên góc độ cá nhân, lại “nghiêm túc kiểm điểm” và “rút kinh nghiệm sâu sắc”.

Đạo lý truyền thống và tình nghĩa xóm làng bao nhiêu đời đã bị đẩy vào… cõi hỗn mang với cuộc cách mạng thổ cải, kéo dài với năm đợt, từ năm 1953 đến 1956 trên toàn bộ vùng nông thôn miền Bắc và một phần miền Trung, chỉ để sau đó phải cay đắng sửa sai. Rồi, sau đó, đời sống nông thôn còn bị đảo lộn tận gốc rễ khi, chỉ bẳng một vài nghị quyết, toàn bộ nông dân bị biến thành… xã viên để lao vào cõi hỗn mang của sự túng đói, suy dinh dưỡng. Mà để vượt qua cái cảnh thiếu ăn ngày giáp hạt này thì lại đổi mới… như xưa, trả ruộng lại cho nông dân như họ đã mưu sinh bao đời.

Tạo ra bao nhiêu cảnh đảo lộn chỉ để, nói theo ngôn ngữ điện toán, “undo” những gì đã làm mà cũng hợm mình xưng là “đổi mới” được sao? Say cuồng “trói” mọi thứ trái với ý thức hệ của mình, một cách duy ý chí, chỉ để sau đó, khi thấy ra cái giá thảm khốc phải trả, lại tất tả cởi trói. Vậy thì tại sao, từ đầu, không thể lường được hậu quả?

Nhưng đâu phải “đổi mới” và “cởi trói” một lần là xong, là chấm dứt, là học được những gì cần và nên học? Trên thực tế cái cảnh hỗn mang, rối loạn vẫn nối dài, đủ tầng, đủ bậc mà, mới nhất, nói theo ngôn ngữ báo chí Tây phương, là “cuộc khủng hoảng chủ tịch”. Nhưng cái cảnh nguyên thủ quốc gia bị thay như thay áo này, dẫu gì, cũng chỉ là một diễn biến trên bàn cờ quyền lực, đáng nói hơn là muôn vàn rối loạn trên khía cạnh văn hóa, đạo đức và giáo dục. Những rối loạn khi địa danh bị thay đổi xoành xoạch, tùy hứng, tùy ý, còn hơn thay áo, như cố tình làm khó học trò của tương lai trong các môn sử ký và địa lý, góp phần làm chúng mất gốc. Rồi cảnh hỗn mang về ngôn ngữ khi tiếng Việt trở thành một mớ hỗ lốn, ngay trên báo chí chính thống, trên văn bản pháp quy mà, để trình bày thấu đáo, phải viết đến mấy bộ sách dày.

Nhìn từ một góc độ khác thì, trong câu chuyện cười chơi kể trên, còn có một trục trặc khác về logic khi các nhà chức nghiệp cãi nhau về “việc” đầu tiên của Thượng Đế nhưng quy kết thành “nghề đầu tiên” của con người. Nhưng Thượng Đế phải khác với con người. Con người chúng ta thì hữu hình, mà Thượng Đế, cũng theo Sáng Thế Ký, là vô hình, không ai có thể nhìn thấy. Có vậy nên Do Thái Giáo mới cấm tuyệt việc tạc tượng vẽ hình Thượng Đế trong Mười điều răn chứ?

Như thế, để nói về nghề đầu tiên, tất phải nói đến công việc đầu tiên do con người làm, như là thành viên của một cộng đồng với sự phân công rõ ràng.

Mà sự phân công này, hay nghề đầu tiên kích thích sự tiến hóa của nhân loại đó, theo một số nhà nhân chủng học tiến hóa, là nghề mại dâm. Đó chính là giả thuyết “Man, the Hunter”, khi con người sinh sống chủ yếu dựa trên việc săn bắt thì, với sức vóc hơn hẳn, con người tiền sử đã hình thành nên sự phân công gọi là “meat-for-sex arrangement”, theo đó đàn ông đi săn mang thịt thứ rừng về để đánh đổi khoái lạc da thịt mà nữ giới có thể cung phụng.

Đó là thời mà Karl Marx gọi là “cộng sản nguyên thủy” và, theo lý thuyết thì, lúc đó, hết thảy đều là muôn sự của chung. Săn được một con thú, hái nhặt được một mớ sản phẩm của núi rừng, ai ai cũng có phần đề huề vui vẻ cả làng và cái việc yêu đương tình ái cũng thế khi mà ai cũng có thể chung chạ với nhau, loạn xà ngầu.

Đủ đầy thì không nói làm gì, đến khi khốn đốn vì cung thấp hơn cầu, đói rừng chẳng hạn, phụ nữ bị bệnh dịch chết gần hết chẳng hạn: người đông của hiếm thì sẽ xảy ra chuyện giành giật. Tưởng tượng cảnh một đám đàn ông nóng nảy hậm hực trước mẩu thịt bèo nhèo bạc nhạc còn sót lại hay trước một vài chị đàn bà mũm mĩm tươi tốt: ai cũng muốn phần hơn về mình, và cái hơn nhau, lúc này, lại là “một tiếng anh hùng mà thôi”!

“Tiếng anh hùng” này, trong ngày ấy, chỉ là những nắm đấm, những cú đá đạp hay cả những… hàm răng thật sắc, thật khỏe; đấm, đá, cào, cắn xé, ào ào, ào ào. Cần thiết thì gân cổ la hét cho thêm phần khí thế: sở dục đơn giản, tư duy đơn giản thì cách giải quyết cũng chẳng thể phức tạp hơn.

Đầu tiên có thể chỉ là “mạnh được”, nhưng đến khi ý thức được cái sự “đông được” trong nội bộ cộng đồng với nhau, ắt sẽ nảy sinh ra nhu cầu về lễ nghĩa và thiết chế để vận hành êm thắm hơn. Đó cũng chính là lúc con người phát minh ra chính trị và chính những lớp lang đó, đến lượt, sẽ bày ra cho con người cơ hội xoay xở và nhân danh. Bây giờ họ sẽ không đơn thuần dùng hàm răng để cắn xé mà còn múa may bộ lưỡi để lôi kéo đám đông, hay ít ra là lôi kéo kẻ “mạnh” về phía mình.

Nghề chính trị, như thế, ở một mức độ nào đó, có thể diễn đạt như là nghề “nhân danh” hay, cụ thể hơn, là nghề… tuyên giáo và, do đó, trong cái nhìn trên, phải đi sau nghề bán trôn nuôi miệng.

Theo Marx thì đầu tiên nhân loại sống trong hình thái “cộng sản chủ nghĩa nguyên thủy” và, cuối cùng, sẽ hạnh phúc đời đời trong mô hình “cộng sản chủ nghĩa”. Thế nhưng, với những gì đã thấy, đã trải nghiệm, tôi chỉ nhờn nhợn nhận ra một thứ “cộng sản tân nguyên thủy”. Thì nó vẫn hiện đại hơn, cao sang hơn, xôm tụ hơn với cả một “khoa học nhân danh” nhưng cái cảnh giành giật nhau vẫn không hề kém phần man rợ, vẫn đấm, vẫn đá, vẫn đạp, vẫn cào cấu cắn xé như xưa.

Hãy nhìn lại cho kỹ. Cái cảnh cào cấu, cắn xé trong cuộc “khủng hoảng chủ tịch” vừa rồi có khá hơn gì cái cảnh giành thịt thú và giành những ả đàn bà mũm mĩm thời tiền sử? Và tiền đề dẫn đến cuộc “khủng hoảng” đó là gì, nếu không là cảnh giành giật nhau trong việt hút máu đối với tài nguyên và sinh lực của đất nước? Nó man rợ ở cảnh giành giật và tàn sát. Và nó, mỉa mai thay, lại “văn minh” với những bài bản nhân danh có sự nhúng tay của đám cò mồi mà, về bản chất, có khác gì một bọn ma cô chính trị, chăn dắt những kẻ có tiềm năng quyền lực như thể chăn gái mại dâm?

Tác giả của câu chuyện tưởng chỉ để cười chơi trên có ý nhạo báng nghề chính trị nhưng lịch sử vẫn cho thấy những nhà chính trị sáng suốt, có viễn kiến, đã kiến tạo lại đất nước, đưa đất nước bước qua giai đoạn loạn lạc để đi đến thời thái bình, thịnh trị. Và khi làm như thế thì, đầu tiên, họ phải xây dựng lại niềm tin của nhân dân, xây dựng đất nước như một khối thống nhất để tập trung nhân tài và vật lực để đưa quốc gia vượt qua khủng hoảng.

Họ khác với đám cai trị sống bám và sự chia rẽ và hận thù.

Đám này làm tôi nhớ đến quyết định chọn nghề của Voltaire khi cãi lời cha, muốn trở thành một nhà văn thay vì luật sư, và sau này, đâu đó, đã cho một nhân vật của mình bài bác cái nghề này như là nghề “sống bám vào sự xung đột” của người khác, sau khi bài bác cả nghề y, cho rằng đó là nghề “sống bám vào bệnh tật” của người khác.

Dĩ nhiên là cuộc đời vẫn có những chức nghiệp đầy lương tâm trong cả hai nghề, thầy thuốc và thầy kiện. Cái nhìn trên của Voltaire là cái nhìn chua chát, đầy tính châm biếm và, nếu thế giới vẫn đầy rẫy hai thứ thầy vô đạo đức này, đất nước chúng ta, lại hình thành một mô thức kết hợp hoàn hảo giữa hai hạng vô đạo ấy.

Nếu những thầy thuốc vô đạo sống bám vào bệnh tật người khác thì chúng ta có cả một hệ thống “thầy”, thậm chí kết hợp thành đảng để sống bám vào bệnh… ngu của nhân dân, bám vào tình trạng dân trí thấp của dân tộc. Và nếu những thầy kiện vô đạo sống bám vào sự xung đột của thân chủ thì hệ thống “thầy cai trị” kia cũng bám vào sự chia rẽ và sự thù hận. Như một thứ ký sinh trùng chính trị, chúng chỉ có thể tồn tại dựa vào những thủ đoạn hù dọa công chúng với những mối nguy nào đó mà chúng phóng đại hay dựng lên.

Đó là thực tế đau đớn của đất nước ta từ mấy chục năm nay với cái ý thức hệ hình thành trên nền tảng của sự mâu thuẫn và xung đột. Ngày nào mà bộ máy truyền thông chính thống còn nhai nhải về những “thế lực thù địch” vô hình, ngày đó đất nước vẫn tiếp tục rối ren và lộn xộn như là một cõi hỗn mang!

Comments are closed.