Đêm giữa ban ngày (kỳ 16)

23

Nửa đêm, tôi choàng tỉnh vì tiếng la hét của ai đó.

Khu xà lim 3, theo tôi ước đoán, nằm ở quãng giữa Hỏa Lò, gần đường Hai Bà Trưng, nếu nhìn từ cổng trại giam. Nằm trong xà lim 3 không nghe thấy những tiếng động của thành phố vọng vào. Thành nói cửa xà lim chúng tôi ngoảnh mặt ra phố Quán Sứ.

Tiếng kêu gào nghe gần lắm, nhưng trong mê lộ những tường và hành lang tiếng động bị quăng đi quật lại chán chê rồi mới tới tai mình cho nên không thể biết nó phát ra từ đâu, bên phải hay bên trái, đàng trước hay đàng sau.

Thành bật dậy. Đối với những tiếng động khác thường trong nhà tù anh thính hơn tôi nhiều.

Một lát sau chúng tôi mới xác định được tiếng gào thét ai oán như lợn bị chọc tiết ấy là của một tù binh Mỹ, chắc là một phi công.

– Help… me! He.. lp m.. e![1]

Tiếng kêu cứu của con người trong cơn tuyệt vọng chẳng hướng về ai, chẳng gửi cho ai, vang to giữa đêm khuya trong một vùng bê tông lạnh lẽo.

Tôi nằm xuống, kéo chăn tới tận cằm mà vẫn thấy lạnh.

– Chắc tên Mỹ này mới bị bắn rơi chiều nay.

Thành, mắt đỏ cạch, ngáp dài:

– Có lẽ thế. Người ta đưa thẳng nó về đây.

Tên tù binh la hét mãi không thôi.

– Chắc nó bị thương. – tôi nói.

– Chắc thế. – Thành gật đầu.

Phải hơn một giờ sau mới nghe tiếng chân người rậm rịch, tiếng cửa xà lim mở, tiếng nói chuyện lao xao. Tên Mỹ thôi kêu cứu, chắc y được tiêm thuốc giảm đau. Tiếng gào nhỏ dần thành tiếng rên rỉ ai oán.

Thành nằm xuống.

– Này, cậu có thường gặp tù binh Mỹ không?

– Thỉnh thoảng. Tôi làm báo mà. Phi công bị bắn rơi luôn.

– Con số máy bay mà bên mình đưa ra là đúng đấy chứ?

Vào thời gian này, theo tin tức báo chí thì máy bay Mỹ rụng như sung, và bao giờ cũng bị rơi “ngay từ loạt đạn đầu”.

– Nếu tin vào những thông báo chiến sự của hai bên tham chiến thì trên các mặt trận chỉ còn lại những hồn ma đang đánh nhau, chứ lính của hai bên đã chết hết từ lâu rồi.

Thành cười khúc khích.

– Này, cậu làm báo, đi nhiều, gặp nhiều, có phải đúng là lính Mỹ hèn hơn lính Pháp không? – gối đầu trên đôi tay, Thành lơ đãng hỏi.

Tôi nằm xuống theo. Trong xà lim không ngồi lên nằm xuống thì còn làm gì nữa? Chẳng lẽ cứ đi bách bộ mãi – năm bước tới năm bước lui trong khoảng không gian hẹp giữa hai phản?

Sau khi biết tôi có thời kỳ ở bộ đội, Thành trở nên gần gụi với tôi hơn, nói chuyện với tôi nhiều hơn, giọng nói của anh cũng ấm áp hơn. Gì thì gì, chúng tôi cũng đã từng là anh em chung một chiến hào. Trong lòng Thành có một anh bộ đội sống dai. Có vẻ anh bộ đội này không bỏ bạn trong cơn hoạn nạn.

– Chưa chắc. – tôi đáp – Anh em trong Nam ra nói lính Mỹ đánh không xoàng, lâm trận cũng dữ ra phết, nhất là đám Mỹ đen… Nhưng khi đã bị bắt rồi thì cả đen lẫn trắng đều không coi thể diện là cái gì.

Chúng tôi thả hồn về quá khứ hào hùng những ngày kháng chiến. Nhờ Thành tôi mới biết quân đội ta có những bài bản rất độc đáo trong chiến tranh. Chẳng hạn, khi ta mở chiến dịch Tây Bắc thì ở Thượng Lào bộ đội rèn cán chỉnh quân. Vũ khí của bộ đội Thượng Lào được cấp tốc bó lại, chuyển ngay cho chiến trường mới. Địch choáng váng trước hỏa lực mạnh bất ngờ của ta ở Tây Bắc, chưa kịp hoàn hồn thì đã lại bị đánh rất dữ dội ở đồng bằng Bắc bộ, cũng với những vũ khí được chuyển qua chuyển lại như thế trong hoàn cảnh thiếu thốn của một quân đội trẻ tuổi.

Tù binh Pháp, chúng tôi nhận xét, láu cá hơn tù binh Mỹ. Trong hoàn cảnh nhục nhã nhất đời lính, người Pháp vẫn thông minh trong ứng xử. Họ lập tức làm ra vẻ thân thiện với kẻ thù, cứ như thể chiến tranh giữa hai bên đã chấm dứt thì mọi sự đương nhiên phải trở lại bình thường giữa kẻ thắng kẻ thua trong nền hòa bình cục bộ. Với nụ cười cầu tài, họ bả lả nài xin chúng tôi điếu thuốc, nặn ra dăm ba câu làm quà. Những mẩu đối thoại tầm phào như thế mà, lạ thay, lại có tác dụng xóa đi cái ranh giới tưởng chừng không vượt qua nổi.

Có lẽ do ảnh hưởng những thông tin sai lạc về đối phương, tù binh Mỹ rất khúm núm trước kẻ thắng. Gặp sĩ quan Việt Nam, họ cúi gập người, hai tay áp sát đùi mà chào, lễ độ lắm. Tù binh Pháp trong trường hợp ấy ứng xử khác hẳn. "Bonjour, mon capitaine! Comment allez-vous?"[2], họ toe toét, suồng sã. Ai cũng capitaine hết, từ anh lính trơn cho tới cấp chỉ huy cao nhất.

Chính sách nhân đạo đối với tù binh đã góp phần lôi kéo lính Pháp chạy sang hàng ngũ kháng chiến. Ý thức được cuộc chiến tranh mà họ tham gia là phi nghĩa, những người "Việt Nam mới" sát cánh bên người Việt Nam kháng chiến chống lại chính quân đội nước họ. Nhiều người trong bọn họ sau trở thành đảng viên cộng sản, thành sĩ quan trong quân đội Việt Nam.

Họ chỉ buộc lòng phải bỏ Việt Nam mà đi khi ở đây bùng lên ngọn lửa "đấu tranh giữa hai đường lối". Với màu da trắng, họ bị các nhà mác-xít nửa mùa coi là những tên xét lại bẩm sinh. Trên thực tế, đó là một dị bản của tệ phân biệt chủng tộc. Không thể trở về Pháp, nơi họ sẽ bị xử tội như những tên phản quốc, những người này lang thang tìm nơi tá túc tại các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Erwin Borchers (Chiến Sĩ) trở về Đông Đức, Georges Boudarel, Anbert Clavier, Targo… người về Pháp, kẻ đi Hungari, kẻ sang Tiệp Khắc.

Sau này, theo một điều khoản trong Hiệp định Genève về Đông Dương: các bên tham chiến không được có hành động trả thù với những người từng cộng tác với đối phương. Boudarel được trở về Pháp, trở thành giảng viên đại học. Cho tới khi tôi viết những dòng này cuộc chiến ở Đông Dương đối với anh vẫn chưa chấm dứt. Anh bị những cựu tù binh Pháp còn cay cú với thất bại ở Đông Dương tiếp tục đòi đưa anh ra tòa vì tội phản quốc. Điều đáng ngạc nhiên là nhà cầm quyền Hà Nội không hề quan tâm tới số phận người chiến sĩ đã chiến đấu cho nền độc lập của Việt Nam. Tôi quen thân với G. Boudarel khi anh làm việc cho tờ Courier du Vietnam ở Hà Nội. Chúng tôi vui mừng gặp lại nhau năm 1996. Boudarel còn giúi cho tôi ít tiền tiêu khi tôi vừa chân ướt chân ráo tới Paris. Tôi không gặp Erwin Borchers (Chiến Sĩ) lần nào nữa, anh đã qua đời ở Đức năm 1985. Đó là một con người có tinh thần quốc tế rất đáng quý. Anh quê ở Strasbourg, thành phố ngày nay thuộc Pháp, đảng viên Đảng cộng sản Đức. Trong thế chiến thứ hai anh bị bắt lính, anh bỏ trốn rồi gia nhập đạo quân Lê Dương của Pháp. Qua Việt Nam anh bắt liên lạc với những người cộng sản bản địa, năm 1944 đã hoạt động cùng với Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Đặng Kim Giang, và cha tôi. Lấy vợ Việt Nam, anh buộc phải trở về Đức năm 1966. Còn những người quen khác như các anh Albert Clavier, Targo, Bernard Duguet… tôi không tìm được địa chỉ, không rõ số phận của họ rẽ sang những ngả nào.

Hiện tượng trong quân đội Việt Nam có những người ngoại quốc là hiện tượng đặc biệt. Chạy sang hàng ngũ kháng chiến Việt Nam, họ không phải chỉ có dũng khí rời bỏ hàng ngũ quân đội xâm lược, mà còn phải hy sinh rất nhiều khi sống trong hàng ngũ kháng chiến: đói, rét, thiếu thốn đủ thứ.

Tư tưởng Mao Trạch Đông đòi hỏi người cộng sản phải có lập trường bạn thù rõ rệt, ranh giới địch ta phân minh. Vào thập niên 60, cách đối xử với tù binh Mỹ không còn tử tế như với tù binh Pháp. Dù là tù binh, họ vẫn là địch, là kẻ thù, xứng đáng với sự bạc đãi của kẻ thắng. Điều đó gây ra tổn thất cho cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc. Không như trong kháng chiến chống Pháp, trong cuộc chiến tranh mới không có một người lính Mỹ nào cầm súng chiến đấu bên cạnh nhân dân Việt Nam.

Tù binh Mỹ tuy thế vẫn còn may: cấp lãnh đạo quân đội Việt Nam không hoàn toàn nghe theo những lời chỉ bảo của các cố vấn Trung Quốc trong chuyện đối xử với tù binh. Không được đối xử tốt như với tù binh trong kháng chiến chống Pháp, họ vẫn còn được hưởng một số ưu đãi để không đến nỗi rơi tõm xuống một mức sống khác hẳn mức sống quen thuộc. Khẩu phần cho tù binh Mỹ tôi thấy ở Hỏa Lò rõ ràng khá hơn nhiều so với khẩu phần bộ đội: mỗi bữa một tô đầy súp thịt, một cái bánh mì nhỏ, hai điếu thuốc lá.

Những câu chuyện trên trời dưới đất như vậy có tác dụng làm cho đêm xà lim bớt nặng nề.

– Thằng Mỹ ngủ, cậu ạ – Thành nghiêng đầu nghe ngóng rồi nói.

Đã tới bốn giờ sáng rồi chứ không ít. Chúng tôi vẫn tỉnh như sáo.

– Có lẽ thế. Không thấy nó rên nữa. – tôi nói – Không hiểu họ đưa nó vào đây làm gì nhỉ? Nó bị thương thì đưa vào quân y viện, chữa cho khỏi đã. Làm như thế là không tôn trọng công ước quốc tế về tù binh.

Thành cười khe khẽ:

– Mình có ký vào cái công ước ấy đâu mà rộn. Cậu có thấy đói bụng không?

– Cũng hơi ngon ngót.

Tôi làm khách. Thực sự, tôi đói run. Cái rét làm cảm giác đói tăng gấp đôi.

– Ta làm cái bánh xốp đi.

– Nào.

Anh bẻ đôi cái bánh, chia cho tôi một nửa. Tôi không được liên lạc với gia đình, tôi không được tiếp tế. Thành được nhận tiếp tế mỗi tháng một lần.

Chúng tôi nhai dè xẻn từng mẩu nhỏ, cảm thấy vị ngọt của đường mía trôi qua thực quản, qua dạ dày, thấm ướt những tế bào khô héo.

Từ hôm cái “bánh mì bộ” ra đi, chúng tôi trở về với bữa ăn thường lệ: hai đồng mì luộc đầy xác mọt và rau muống tần đại dương. Tôi không còn thấy gớm cái nước rau đen xì như nước cống nữa. Tôi húp sạch sành sanh, chỉ chừa lại một chút cặn.

Nhìn tôi húp nước rau ngon lành, Thành tế nhị giải thích:

– Lạ một cái là nằm trong xà lim, cả trong mùa đông cũng vậy, mình có làm gì nặng nhọc đâu mà bảo mất mồ hôi, vậy mà cứ thèm chất mặn. Nhiều hôm nhạt mồm nhạt miệng quá, đành nói khó với mấy ông quản giáo, tạ sự rằng tôi đau răng quá, xin các ông làm ơn làm phúc cho nhúm muối để ngậm.

Đúng là như thế, như sau này tôi được biết.

– Khốn nạn, bỏ hạt muối vào miệng thấy ngọt như đường – Thành thở dài – Ấy là người ta thấy mình đứng đắn người ta mới cho, chứ tù khác đừng hòng…

Tôi ngạc nhiên:

– Mấy hạt muối đáng bao nhiêu mà họ không cho…

– Không phải chuyện đáng bao nhiêu hay không đáng bao nhiêu. Mà là người ta sợ tù trốn trại. Muối với nước tiểu hòa lẫn ăn mòn sắt dữ lắm. Tù dùng giẻ quấn quanh chấn song sắt, tẩm thứ nước ấy vào, cho sắt mục ra, dễ bẻ. Hỏa Lò chắc là thế mà họ vẫn sợ tù trốn lắm, thỉnh thoảng lại loại các phòng….

Tôi giương đôi mắt của thằng ngốc:

Loại là cái gì?

– Tiếng lóng mà, loại là lục lọi, khám xét.

– Có một nhúm muối mà lắm chuyện.

Thành nhún vai:

– Người ta loại còn để tìm ra những thứ khác nữa chứ: cưa sắt, dao, bật lửa…

– Mình thèm muối thế này là trong người thiếu cái gì đấy. Chứ theo khoa học thì ăn muối nhiều chỉ có hại…

– Khoa với chẳng học, quên đi. Khoa học không bao giờ bước chân vào đây. Cứ theo khoa học thì con người không thể sống thiếu ánh sáng mặt trời. Vậy mà trong xà lim có ánh sáng mặt trời quái đâu mà tù vẫn cứ sống nhăn. Có người ở chín năm trong xà lim chẳng sao…

– Chín năm? – tôi kêu lên, cơn ớn lạnh chạy dọc xương sống.

– Chứ sao! Hiện hắn ta đang ở đây, ngay trong xà lim 3 này này. – Thành thản nhiên – Tôi nghe tiếng hắn ta ho.

– Sao không bắn quách người ta đi cho rồi? Bắn còn nhân đạo hơn.

– Xì, bắn người đâu có dễ! Tòa tuyên án tử hình rồi đấy chứ, đã có lệnh mang đi bắn rồi đấy chứ. Thế mà vẫn sống, mới lạ. Tôi nghĩ con người ta có số, cậu ạ. Anh này ngụy quân, vẫn bị chính quyền địa phương để ý. Ngụy quân ngụy quyền đều trong sổ đen hết – cái giống ấy khó sống với chính quyền này lắm. Bỗng xảy ra một vụ án mạng, một em bé bị giết, xác vứt trên nắp cống. Điều tra thì biết em bé hay được hắn dẫn đi chơi, thế là hắn bị bắt. Chỉ có thế thôi. Người ta đồ rằng hắn bất mãn chế độ, giết em bé để gây hoang mang trong dân chúng. Chứ điều tra điều mẹ gì đâu. Chấp pháp hỏi cung cách nào không biết, hắn nhận. Tòa xử tử hình. Hắn phản cung, xin ân xá. Đơn bị bác. Hôm giải hắn đi bắn anh chỉ huy thấy tên tử tù cứ vật vã gào khóc, một mực kêu oan, nói tại cán bộ chấp pháp xui khôn xui dại hắn mới nhận tội, chứ hắn không giết người, chấp pháp bảo hắn cứ nhận hết thì sẽ xin toà tha cho, có ngờ đâu bị mang bắn thật…

– Người tù không bị giải đi bắn nữa?

– Xì, có thế hắn ta mới còn sống đến giờ chứ.

Câu chuyện hoang đường, khó tin quá.

– Người chỉ huy hành quyết thường cấp bậc gì?

– Trung úy, cũng có khi đại úy. Anh này trung úy.

– Anh trung úy rồi có bị kỷ luật không?

– Ai biết được. Tôi cũng nghe kể vậy thôi. Gan cóc tía, quân lệnh như sơn mà dám cưỡng. Giải tên tù tử hình trở lại xà lim xong, anh ta tức tốc đi gõ cửa các cấp đề nghị xem lại vụ án mà anh ta cho là có uẩn khúc…

– Rồi sao nữa?

– Rồi người ta đem vụ án ra xét lại!

– Thế thì cả anh trung úy lẫn những người chịu nghe ý kiến anh ta đều là những người cực tốt. – tôi suýt soa.

Thành nguýt tôi:

– Thế cậu nghĩ cán bộ các ngành công an, tư pháp bây giờ xấu hết à?

Tôi cười. Thành có thể làm chính trị viên xà lim được. Nhưng trong trường hợp này chính trị viên đã nghĩ oan cho tôi. Tôi không đến nỗi tệ như vậy. Đâu chả có người tốt, người xấu, trong xã hội nào cũng thế, dưới chế độ nào cũng thế. Vấn đề là ở bộ máy quản trị đất nước mà thôi.

Anh trung úy nọ đúng là to gan. Người như thế hiếm, hiếm lắm. Cán bộ đã nhiều năm chỉ được giáo dục tinh thần vâng lời, không ai được dạy suy nghĩ. Ngay trong ngành tòa án, được coi là độc lập, quan tòa[3] cũng phải xử theo ý Đảng chứ không theo luật. Một án xử đã xong, coi như bất di bất dịch, bởi vì Đảng (một Đảng bộ chẳng hạn) đã quyết rồi. Thế mà dám cưỡng lại thì liều thật.

Người tù bị bắn hụt tên là Nguyễn Văn Căn, nếu như Thành không nhầm và tôi nhớ không sai. Trong suốt những năm dài của cuộc đời tử tội anh ta đã đi qua hầu hết các xà lim Hỏa Lò. Thảo nào ở xà lim 3 tôi đã gặp những hàng chữ khắc nguệch ngoạc ký tên Căn trên tường. Đó là những lời thống thiết kêu than: "Tôi bị oan! Tôi không giết người!", trong xà lim tôi đang ở là những lời căm giận nguyền rủa bọn cộng sản dã man, vô nhân đạo. Lời kêu oan chắc được ghi trong thời gian đầu khi anh ta mới bị bắt. Lời nguyền rủa đến sau, khi anh ta ở xà lim quá lâu.

Nhân có "quả “tắc”"[4] Thành dành mấy đồng bánh xốp cho anh tù bất hạnh.

Tiếp tế, đối với mọi loại tù, nhất là tù xà lim, là hạnh phúc lớn. Chẳng thế tù xà lim có câu: "Thứ nhất được tha, thứ nhì có “tắc”, thứ ba ra ngoài (trại chung)". Anh tù nọ, không hiểu sao, rất ít khi có quà gia đình. Muốn cho bạn tù quà không thể nhờ quản giáo chuyển. Chỉ có thể xin ra sân phơi quần áo rồi lén bỏ quà vào trong túi, hoặc móc vào dây phơi rồi lấy quần áo phủ lên. Người được cho cũng xin phơi quần áo như thế rồi khéo léo lấy quà vào. Một "hộp thư" tình báo cực kỳ thô thiển. Có lẽ những quản giáo đều biết trò này, nhưng nhắm mắt cho qua.

Người mở cửa cho chúng tôi sáng hôm ấy không phải Sứ giả hòa bình, chẳng phải Hách, mà là một quản giáo mới toanh, chưa kịp mỏi mệt hoặc chán nghề. Tên này vè vè theo chúng tôi từng bước. Đành chờ dịp khác.

Anh tù tử hình không hiểu cho chúng tôi, cho rằng chúng tôi chơi xỏ anh, cất tiếng chửi đổng, lời lẽ rất khó nghe. Tôi sôi máu, bảo Thành đừng cho quà tên khốn kiếp ấy nữa, nhưng Thành ngồi im, không nói gì.

Ngày hôm sau, người mở cửa là Sứ giả hòa bình. Thành lẳng lặng cho bánh vào túi áo bông xin phơi, rồi điềm tĩnh thông báo lần nữa cho anh tù tử hình biết. Việc chuyển giao diễn ra tốt đẹp. Đêm xuống, Căn nghêu ngao mấy câu vọng cổ bày tỏ lòng ân hận.

Cách nhắn nhủ nhau qua những bài ca, những vần thơ, là cách liên lạc độc đáo trong tù. Quản giáo có bắt được cũng không thể phạt nặng – ối giời ơi, tôi có vi phạm gì đâu, thưa ông, nằm đây mãi buồn quá tôi nghêu ngao tí chút, thế thôi, xin ông bỏ quá.

Căn có thâm niên xà lim cao nhất Hỏa Lò. Vì thâm niên này anh ta được các quản giáo nơi tay. Những người duy vật cùng mình hóa ra trong đáy lòng vẫn còn một chút duy tâm – chẳng ai muốn trong gia đình mình có thêm một con ma thù hận. Án tử hình đã tuyên rồi, chắc gì tòa đã xử lại, tòa xử lại chắc gì đã tha, một sáng nào đó đội hành quyết lại lôi cổ hắn ta đi chửa biết chừng.

– Sao anh không trả lời hắn một tiếng? – tôi hỏi Thành.

Anh lắc đầu:

– Hắn hiểu chúng ta không chơi xấu là đủ.

Tôi nói quả “tắc” là hạnh phúc lớn đối với tù xà lim là nói chung. Nó không đúng trong mọi trường hợp. Thành chẳng hạn, những lần nhận quà gia đình anh buồn rũ.

Cuối cùng, trong một đêm không ngủ Thành đã kể cho tôi nghe ngọn ngành câu chuyện vì sao anh vào tù.

Nhờ trước chiến tranh tiểu đoàn trưởng Thành có học trường Kỹ nghệ thực hành. Hòa bình lập lại anh được chuyển sang Bộ Công nghiệp. Trong một đợt tinh giản biên chế[5] anh xin hưu non, cùng các bạn bộ đội lập ra một hợp tác xã thủ công nghiệp. Cùng làm với anh có đại tá Trần, một nhân vật lịch sử của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ. Nhờ những mối quan hệ cũ với quân đội, hợp tác xã nhận được những hợp đồng lớn của Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật. Từ cổ chí kim ai cũng biết hợp đồng với quân đội bao giờ cũng béo bở. Hợp tác xã của các cựu chiến binh lớn lên như thổi. Mức sống của xã viên tăng nhanh đến chóng mặt.

Chuyện Thành vào tù nghe cứ như chuyện bịa.

Chả là anh nhận được một hợp đồng gia công chốt xích xe tăng, với số lượng lớn. Nguyên liệu để làm thứ chốt này là sắt Liên Xô, ký hiệu CT45. Đúng vào thời gian này người ta sực nhớ đến xe trâu, phương tiện vận tải thô sơ trong kháng chiến chống Pháp. Nó vẫn hữu hiệu trong công việc vận chuyển trên những đường xấu, đường rừng hẹp. Xe trâu được sản xuất hàng loạt. Mọi thứ để sản xuất xe trâu đều đủ, chỉ thiếu có trục xe, mà sắt thanh CT45, với độ cứng của nó, làm trục xe rất hợp.

Thành mầy mò tìm ra trong những núi sắt phế liệu thời Pháp nhiều sắt tròn có độ cứng tương đương CT45, nhưng ngắn, liền mua về làm chốt xích xe tăng, còn thép CT45 dài do Tổng cục Kỹ thuật cấp thì bán lại cho các hợp tác xã đóng xe trâu. Nhờ sáng kiến của Thành hợp tác xã thu được một khoản lãi kếch xù.

Các bà vợ ngây thơ làm hại các ông chồng. Lẽ ra phải tiếp tục sống kín đáo thì các bà lại đua nhau phô trương. Các bà sắm sanh đủ thứ, đi chợ không thèm mà cả, tha về làn to làn bé. Quá vui vì món quà bất ngờ của số phận, họ đánh mất sự tỉnh táo để biết sống cho phải đạo. Như một quy luật, nhà cầm quyền ngu dốt bao giờ cũng che đậy sự quản lý vụng về bằng chủ nghĩa khắc kỷ. "Sự bình đẳng hai người mặc chung một quần", theo cách nói dí dỏm của Nikita Khrusov, làm cho con người trở nên hẹp hòi, họ căm ghét kẻ nào sống sướng hơn họ. Người biết sống phải đạo muốn ăn thịt gà phải đi chợ xa để mua, lén lút mang về, lén lút vặt lông, lén lút ăn rồi lén lút đem lông đi đổ. Lòng ghen tị hiện hình thành những lá đơn tố cáo nồng nặc mùi cảnh giác cách mạng.

Những ông Bao Công vừa thoát nạn mù chữ nhảy vào cuộc.

Thành bị bắt. Cả ông đại tá danh tiếng cũng bị tống giam.

Trong quá trình điều tra, phía quân đội xác nhận hợp tác xã thực hiện đúng hợp đồng về mọi mặt – thời hạn, số lượng và chất lượng sản phẩm. Kèm theo, có biên bản giám định của Viện kỹ thuật quân sự. Mặc, họ bị buộc tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa, bị giam hết tháng này qua tháng khác, rồi năm này qua năm khác.

Thành ôm mối hận trong lòng. Theo thói quen của người thợ, anh dùng vật liệu đúng chỗ của nó. Thay vì Nhà nước phải nhập thêm một lượng thép làm trục xe trâu thì nay không phải nhập nữa. Những đoạn thép ngắn bỏ đi đã được tận dụng. Số trục xe trâu có đủ cho sản xuất, nhu cầu vận chuyển được đáp ứng.

Ông đại tá ỷ thế có công với cách mạng, là bạn của ông thủ tướng, và cái chính là ông tin lẽ phải thuộc về ông, nhất quyết không chịu nhún mình trước bọn chấp pháp.

Nhưng tội nghiệp cho ông. Ông thủ tướng bạn ông ngoảnh mặt đi. Ông là thủ tướng, ông muốn cho mọi người biết ông không bao giờ nể tình riêng mà vượt qua phép nước, cho nên ông không can thiệp.

Ông đại tá bị đôn lên làm đầu vụ, sẽ bị xử nặng nhất. Chuyện ấy làm cho Thành buồn phiền. Theo anh, các nhà làm án lầm – tội của anh mới là tội nặng. Chính anh đã đề xướng việc làm về sau này bị coi là "phạm pháp".

Không rõ rồi Thành lĩnh án bao nhiêu năm? Tôi hi vọng người ta sẽ tỉnh ra để không hành hạ những con người khốn khổ. Khi tôi rời Hỏa Lò Thành vẫn còn đó.

– Cậu có nghe thấy gì không? – Thành vụt nhỏm dậy, hỏi tôi.

Tôi lắng nghe. Có một tiếng xào xạc mơ hồ vẳng vào xà lim.

– Hình như chuyển trại. – anh nói.

Tai Thành thính hơn tai tôi. Đến lúc ấy tôi mới nghe tiếng người lao xao, tiếng dép lạt xạt trên mặt đường.

Một lát sau có tiếng xe vận tải nặng nổ máy, một chiếc rồi hai chiếc, ba chiếc. Tiếng người rộ lên một lát, sau đó đêm lại trở về yên lặng.

Thành cục cựa trở dậy làm điếu thuốc lào. Mặc dầu kế hoạch của anh chặt chẽ, nhưng gặp điều suy nghĩ là nó liền bị vi phạm.

– Họ chở tù đi đâu?

– Đi trại. Tết đến nơi rồi.

– Tết thì liên quan gì đến chuyển trại?

Thành nhìn tôi. Khi nào anh mải suy nghĩ, không muốn trả lời thì cái nhìn của anh không ấm áp.

– Trước những ngày hội lớn, ngày Tết, bao giờ người ta cũng chuyển tù Hỏa Lò đi để lấy chỗ giam tù mới. Đủ loại: lưu manh, trộm cắp, ngụy quân, ngụy quyền, đĩ điếm, tình nghi phản động… Tất cả gom trong vài ngày, sau đó mới phân loại, đám đưa đi tập trung cải tạo, đám qua Tết cho về. Giam hết lấy chỗ đâu mà chứa!

– Bắt người thế thì tùy tiện quá.

Thành liếc xéo tôi, không buồn trả lời.

– Tôi cứ tưởng bắt một con người là phải qua nhiều thủ tục luật pháp, hóa ra không phải. Anh đừng cười tôi – chẳng riêng tôi, tất cả bọn nhà báo chúng tôi đều thong manh hết, đều bị bịt mắt hết, chúng tôi chỉ nhìn thấy một phía của cuộc sống.

Thành hút thêm điếu nữa.

– Anh lo chuyển trại à?

– Việc gì mà lo. Người ta không cho chuyển trại trong khi chưa có án đâu. Được chuyển trại còn phải lấy làm mừng ấy chứ. Nằm xà lim là cực kỳ hại cho sức khỏe.

Tôi thở dài.

– Chẳng biết bao giờ tôi mới ra khỏi xà lim…

Thành nhún vai:

– Họ xử sớm thì ra sớm. Họ xử muộn thì còn phải nằm… Một năm, hai năm không chừng.

– Nếu họ không xử thì sao? – tôi nhỏm dậy.

– Sao lại không xử?

Ngần ngừ một lát, tôi nói:

– Thế mà họ không xử chúng tôi đấy.

Đến lượt Thành ngạc nhiên:

– Bậy!

– Chấp pháp nói với tôi như vậy.

– Cậu là cán bộ tham gia kháng chiến chống Pháp thì phải xử chứ, nhất định thế. – anh nói bằng giọng quả quyết – Có một chỉ thị của Ban Bí thư Đảng nói về việc này rồi, rằng lệnh tập trung cải tạo không được áp dụng cho cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng Tám bốn mươi nhăm và cán bộ kháng chiến chống Pháp.

Tôi nhớ ra rồi. Chỉ thị đó tôi có được đọc. Bí thư chi bộ Hoàng Nguyên Kỳ thỉnh thoảng cho tôi xem một số chỉ thị và nghị quyết mới của Đảng, tất nhiên là những cái không bí mật, trong đó có một chỉ thị của Ban Bí thư về tập trung cải tạo. Lúc đó tôi không chú ý. Như vậy Thành cũng là đảng viên, mà không phải là đảng viên thường. Đảng viên thường không được nhận những chỉ thị loại như vậy.

– Họ nói vụ của chúng tôi nằm trong phạm trù mâu thuẫn nội bộ, tức là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, nội bộ Đảng, nội bộ phong trào cộng sản quốc tế…

Thành cúi đầu suy nghĩ:

– Họ nói thế à?

– Ừ.

– Thế thì không lo. Nhưng… – anh ngập ngừng – Cũng chẳng biết được nó là thế nào đâu, rất có thể vì thế mà nó lại dằng dai cũng nên… Vụ án của cậu khó hiểu… Cậu bị bỏ tù hẳn hoi, sao lại gọi là mâu thuẫn nội bộ?

– Thì thế mới lạ!

Tôi quyết định nói cho Thành nghe những nét chính của vụ án chúng tôi. Tại sao lại không nói nhỉ? Tại sao lại phải nghe lời chúng nó để giấu giếm cho chúng nó cái mà chúng nó muốn giấu giếm?

– Thế ra cậu bị cùng với các ông Hoàng Minh Chính, Đặng Kim Giang. Và cả ông cụ cậu nữa?

Tôi gật đầu.

– Hồi mới vào chắc cậu nghĩ tôi là chỉ điểm?

– Chẳng có sở cứ nào để nghĩ như vậy. Nhưng vẫn phải cảnh giác. Anh không trách tôi chứ?

Anh buồn rầu:

– Có gì mà trách. Cảnh giác là đúng thôi.

– Họ không cho anh biết tôi là ai?

Tôi thấy một chút lưỡng lự, rất nhỏ, trong khoảng cách giữa câu hỏi và câu trả lời.

Tên tù binh Mỹ đã ngủ yên. Hoặc đã chết. Tôi không nghe thấy bất cứ tiếng động nào từ phía xà lim của anh ta nữa.

24

Tôi bị cả Huỳnh Ngự, cả Hoàng, bỏ quên suốt tuần lễ cuối năm âm lịch.

Thành rầu rĩ. Anh nhớ vợ nhớ con. Đã lâu không nhận được thư nhà, anh lo lắng, không hiểu có chuyện gì xảy ra cho cái gia đình bé nhỏ của anh, nó đang phải chịu những cơn sóng gió nào? Mà sóng gió thì bao giờ cũng sẵn cho những gia đình bất hạnh có người thân ở tù.

Thành buồn làm tôi buồn lây. Gia đình Thành gặp khó khăn một thì gia đình tôi ắt khó khăn mười. Anh đã ra làm hợp tác xã thì chắc chắn kinh tế gia đình anh phải khá hơn những gia đình còn làm cho nhà nước. Vợ tôi sẽ gặp nhiều gian nan lắm đây, gian nan như thế nào tôi không hình dung được, nhưng đó là điều nhất thiết sẽ xảy ra, không thể không xảy ra[6].

Không khí Tết luồn vào tận trong các xà lim. Tết đối với người Việt ở nơi nào cũng vẫn là Tết, cho dù họ đang ở dưới đáy vực cuộc đời. Thông thường, vào những ngày giáp Tết, ở xà lim hay ở trại chung cũng vậy, người tù nhận được "quả “tắc” đậm", nghĩa là quà tiếp tế lớn hơn, nhiều thứ hơn so với trong những lần tiếp tế bình thường. Trong ngày Tết, đối với tù người ta khoan dung hơn, độ lượng hơn. Tù kỷ luật được tha cùm, ai bị cắt tiếp tế nay được phép nhận trở lại.

Tết mà!

Người tù xà lim thiếu thốn đủ thứ, thèm khát đủ thứ, cái gì đối với anh ta cũng quý, cũng là cái mơ ước, thành thử biết gia đình mình chẳng sung túc gì anh ta vẫn cứ ngóng đợi tiếp tế như thường. Tiếp tế trong dịp Tết lại càng quan trọng, bởi vì hơn mọi đợt tiếp tế bình thường nó chứng tỏ lòng thương nhớ của người bên ngoài. Lòng người tù dịu đi khi ôm bọc tiếp tế trong tay, anh ta xúc động ăn những món ngon lành, hợp khẩu vị do mẹ mình, vợ mình, con mình nấu cho, anh ta sung sướng thấy mình không bị bỏ rơi.

Khu xà lim chúng tôi nhộn nhịp hẳn lên. Nói nhộn nhịp là nói phóng đại lên cho vui, chứ nó là cái sự nhộn nhịp không ồn ào, cảm thấy được chứ không nghe thấy được. Cái khác ngày thường là ở chỗ chốc chốc lại có cửa mở ra, đóng vào, nhát nhát lại có tiếng chân người rậm rịch đi về trong yên lặng tịch mịch muôn thuở của nhà mồ. Đó là tù đi gặp gia đình, đi lĩnh tiếp tế.

Trong những ngày giáp Tết hiếm có trường hợp tù đi cung. Những người tù xà lim lợi dụng cán bộ quản giáo lơ là – ai mà chẳng bận bịu với gia đình mình khi năm hết Tết đến – làm hiệu cho nhau ở ô cửa kiểm tra, thậm chí thậm thụt gọi với sang nhau, hỏi thăm nhau vài câu. Vẳng tới tận xà lim tiếng dao thớt rộn ràng.

Tôi biết chắc sẽ chẳng nhận được quà gia đình, kể cả thư. Tôi là người mất tích mà. Gia đình tôi chắc chắn không được báo tin tôi ở đâu.

Cuối cùng Thành rồi cũng được gọi ra. Loáng sau anh đã về, lỉnh kỉnh gói bọc.

Mặt hầm hầm, Thành quăng cả đống lên phản.

– Sao thế?

– Chúng nó cho nhận tiếp tế, nhưng không cho gặp gia đình.

Lần đầu tiên tôi thấy anh gọi công an bằng chúng nó.

– Mọi khi anh vẫn được gặp mà.

– Lần này không.

– Lý do?

– Chúng nó chẳng lý do lý trấu gì hết. Không cho là không cho.

– Ít nhất thì chúng nó cũng phải cho biết vì sao chứ. Anh có bị kỷ luật gì đâu?

– Chúng nó không giải thích.

Thành nằm vật ra, tay vắt trên trán.

Tôi đành phải thu dọn đồ tiếp tế cho anh. Bọn mất dạy. Cái bánh mì bị bẻ thành nhiều mẩu. Thịt kho tàu đổ lẫn với ruốc. Kẹo nhiều, chúng không bóc hết, chỉ bóc một số ngẫu nhiên. Những cái kẹo không còn giấy bọc nhơm nhớp dính vào nhau. Cứ nghĩ đến những bàn tay nhơ bẩn đã lục lọi mà tởm.

Đêm, Thành không ngủ. Tôi cũng thao thức. Khi tôi nói có lẽ do tôi ở cùng anh cho nên chúng khám kỹ, lại không cho anh gặp gia đình, thì Thành im lặng hồi lâu.

– Đừng nghĩ lẩm cẩm. – anh gạt đi – Tôi có được chọn người ở cùng đâu. Cậu cũng vậy. Chúng nó cho tôi ở cùng cậu chứ không ở cùng một tên cướp của giết người là tôi đã phải cảm ơn chúng nó rồi.

Chiều 30 Tết, tưởng không còn ai được gọi ra nữa, tôi đang ngồi đánh cờ với Thành thì cửa xịch mở, Sứ giả hòa bình ngoắc ngoắc tay gọi tôi ra đi cung.

Trời rét. Xoa xoa hai tay vào nhau, người cóm róm để chống lại cái lạnh cắt da ở miền Bắc, Huỳnh Ngự run rẩy đón tôi ở cửa. Trong bộ dạ đen Tôn Trung-sơn làm cho nước da đã tái càng thêm tái, trông y giống một công chức nghèo trong những phim nói về thời kỳ tiền cách mạng Trung Quốc.

– Ở trỏng ra sao, đủ ấm chớ? Bữa ni rét dữ, hè?- y vui vẻ và run rẩy hỏi tôi thay lời chào.

– Cảm ơn, tôi chịu được. – tôi đáp, lịch sự vừa đủ, không lạnh nhạt mà cũng chẳng nhiệt tình.

Chúng tôi lẳng lặng ngồi đối diện trong tuần trà. Trời rét, uống trà nóng thật đã. Tôi bắt gặp trong tôi nỗi thèm muốn thật đơn sơ, thật khiêm tốn – được nhàn tản uống trà như thế này mỗi ngày.

– Bữa ni tui gọi anh ra là để thay mặt cơ quan chúc Tết anh.

Yên vị rồi, Huỳnh Ngự cất giọng trịnh trọng:

– Chúc anh chi bây chừ, hỉ? Hè hè, tôi chúc anh cải tạo tốt để mau chóng trở về trong lòng Đảng…

Nghe đến "cải tạo tốt" tôi đã sôi máu, nhấp nhổm định phản bác. Huỳnh Ngự vội xòe bàn tay gày guộc ra ngăn lại:

– Tôi nói thế có đúng không: mỗi chúng ta, hàng ngày, hàng giờ phải tự cải tạo mình để theo kịp bước tiến vũ bão của cách mạng, để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của cách mạng…

Xem ra y cũng vụng chèo khéo chống chẳng kém gì tôi.

Y rút bao Thăng Long, mời tôi một điếu. Tết có khác.

– Nhân dịp đầu Năm Mới cơ quan gởi cho anh chút quà mừng Xuân.

Cơ quan tôi gửi quà cho tôi ư? Anh em tự động hay công an gợi ý? Và người ta lại còn cho tôi nhận nữa chứ?

Huỳnh Ngự lúi húi lấy quà Tết đặt lên bàn, ngay trước mặt tôi – bánh chưng, hộp mứt, gói kẹo… Lúc ấy tôi mới để ý – đàng sau bàn làm việc là một ghế ngựa, trên đó xếp hàng chồng quà khác, giống hệt phần quà cho tôi. Thế thì không phải quà của cơ quan tôi rồi.

– Anh em trong cơ quan chẳng có gì hơn đâu – Huỳnh Ngự nói bằng giọng phân trần – tụi tui cũng như anh thôi, mỗi người một bánh chưng, một hộp mứt, một gói thuốc, một gói trà…

Tôi không hiểu y nói cơ quan nào ?

Vào những năm ấy cơ quan lo cho cán bộ, công nhân viên tiêu chuẩn Tết cũng đến thế là cùng. Mà ấy là cơ quan Trung ương, chứ cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện tiêu chuẩn Tết còn thanh đạm hơn nhiều.

Có nên nhận hay không, tôi nghĩ?

Không thấy Thành nói tới lệ trại giam có quà Tết cho tù.

Lại “đặc biệt” rồi, khốn nạn là thế. Các anh không phải là tù như các loại tù khác. Các anh là cán bộ mắc sai lầm, Đảng bao giờ cũng nhớ tới công lao của các anh, Họ vẫn nhai nhải thế đấy. Hãy yên tâm mà ở tù, để được xúc động trước tấm lòng ưu ái Đảng dành cho.

Sau vài giây suy nghĩ, tôi quyết định nhận quà. Những thứ này đâu phải của chúng nó, của nhân dân cả, tội gì không lấy. Tôi không lấy, Huỳnh Ngự sẽ lấy, hoặc đàn em y sẽ lấy, chắc chắn thế. Tôi đã dùng quá nhiều đồ tiếp tế của Thành. Có gì gia đình gửi vào cho anh, anh cũng xẻ cho tôi. Tôi có một chút góp vào vẫn hơn.

– Tôi xin cảm ơn cơ quan Công an đã cho quà…

– Không, không phải quà của cơ quan Công an. – Huỳnh Ngự bối rối cải chính – Đây là quà của Ban Tổ chức Trung Ương.

– Thế thì tôi xin cảm ơn Ban Tổ chức Trung Ương.

– Anh không chúc lại à?

– Có chứ. – tôi lạnh lùng – Tôi chúc Ban Tổ chức Trung Ương mau chóng xem xét và giải quyết vụ án của chúng tôi một cách công minh, chính trực, cho hợp pháp, hợp hiến… Và nhanh hơn. Ít nhất thì cũng đúng với tinh thần và lời văn những gì tôi đã được nghe phổ biến.

Mặt Huỳnh Ngự đanh lại. Tôi không hiểu lúc ấy y đứng ở cương vị nào, người của Bộ Nội Vụ hay của Ban Tổ chức Trung Ương, hay của cả hai cùng một lúc?

Tôi về. Huỳnh Ngự giữ lại gói trà, nói trong xà lim không có nước sôi, tôi sẽ dùng sau, trong những lần ra làm việc.

Thành vui vẻ đón tôi:

– Có quà nhà gửi vào à?

Đợi cho cửa xà lim đóng lại, tôi mới trả lời:

– Quà nhà đâu. Họ cho đấy.

– Ai? Ai cho?

Tôi kể cho anh nghe chuyện Ban tổ chức Trung ương gửi cho chúng tôi quà Tết.

Chúng tôi ăn một bữa vui vẻ. Trong xà lim không thể để dành thức ăn. Chuột xà lim rất hỗn. Thành tỉnh thức, một tiếng động nhẹ đủ làm anh bật dậy, thế mà có đêm anh mới ngủ quên một lát chuột đã mò lên cắn thủng cái áo bông anh bọc gói bánh quy.

Trong nhà tù, chuột là một thứ cư dân hết sức đáng ghét. Chúng chẳng nể ai. Có điều, trải qua nhà tù tôi mới thấy mình cần phải thay đổi cách nhìn đối với các sinh vật. Chẳng hạn, chuột không ngu như ta thường nghĩ. Chúng cực kỳ láu cá, tôi dám đánh cuộc như vậy.

Tôi xin kể chuyện này làm thí dụ. Xà lim Hỏa Lò kín lắm, gió vào còn khó, nhưng chuột thì lại ra vào thoải mái. Lối vào của chúng là lỗ thoát nước ở chân tường. Tù xà lim được phát mỗi người một bô, nhưng người tù xà lim thường lười, tè luôn vào lỗ ấy. Người sạch đi tiểu xong thì dội nước (nếu anh ta có nước trữ), người bẩn thì không. Thành kể khi anh mới bị đưa vào phòng này, mặc dầu nó đã được quét dọn, mùi khai thối vẫn nồng nặc, đêm không ngủ được. Anh phải lợi dụng lúc đi đổ bô buổi sáng lấy nước cọ rửa nhiều lần phòng mới được như bây giờ.

Trong số chuột quen thói mò vào xà lim, chúng tôi căm thù nhất con chuột già. Tôi sẽ phải kể riêng về nó khi có dịp, con chuột kinh khủng ấy. Nó già cốc đế, già đến nỗi lông bạc phếch và rụng từng mảng, cóc cáy. Chúng tôi đã tổ chức nhiều cái bẫy bằng mọi thứ có trong tay người tù để diệt nó, nhưng lần nào chúng tôi cũng thất bại, lần nào nó cũng thoát hiểm như thể nhờ phép lạ. Thế mà những người tù lâu năm, đã qua nhiều trại, nói rằng chuột Hỏa Lò chưa là cái gì. Chuột ở những trại khác còn tệ hơn.

Mấy ngày Tết là mấy ngày chúng tôi được ăn no. Suất cơm ngày thường ăn vèo cái đã hết. Suất ăn ngày Tết có buồng còn để thừa. Trong những ngày đầu tiên rơi vào đây, tôi không thấy đói, nhưng sau chừng một tháng thì đói không chịu được. Thành nói khi mới vào người tù không thấy đói vì hai lý do: thứ nhất, nỗi lo lắng cho số phận làm tê liệt mọi cảm giác; thứ hai, trong người còn một số năng lượng dự trữ. Trong tôi lực lượng dự trữ chắc cũng khá, bắt đầu từ tháng thứ hai trở đi tôi mới thấy cái dạ dày luôn nhắc tôi nhớ đến nó.

Trong cái chuồng chật hẹp người tù không thể kiếm nổi bất cứ một thứ gì khả dĩ bỏ bụng, cho dù bản năng kiếm mồi chưa thui chột. May cho tôi, đúng vào lúc ruột gan cồn cào nhất Thành lại giở kho thức ăn dự phòng ra rủ tôi cùng ăn, khi cái bánh quy, khi mẩu đường phên. Thành đúng là thuyền trưởng gang thép của con tàu mắc cạn trên hoang đảo – anh chỉ tự cho phép mình dùng chút một trong số lương thực ít ỏi mà anh có, hào phóng chia sẻ cùng tôi. Tuy nhiên, đề phòng tôi không chống nổi sự cám dỗ, anh cất nó rất kỹ, tận trong cùng bọc quần áo, thậm chí khi bất thình lình bị gọi đi cung anh còn kín đáo đánh dấu đồ đạc. Sau thấy tôi là một thủy thủ có kỷ luật, anh mới thôi dè chừng. Tôi buồn vì chuyện đó, nhưng suy đi nghĩ lại, tôi thấy anh đúng. Trong xà lim con người đánh mất mình như bỡn. Thành từng ở chung với một anh chàng cán bộ cấp bậc không đến nỗi xoàng, nhưng ăn vụng như chảo chớp.

Chẳng cứ tù mới đói. Chính sách kiểm soát dạ dày của người dân là một chính sách nhất quán của các triều đại tổng bí thư mà tôi sống qua. Dân no thì hỗng, dân đói dễ trị. Cho nên, người dân bao giờ cũng phụ thuộc họ bởi nhiều sợi dây tam cố, mà sợi dây chủ yếu trong giai đoạn đó là chính sách lương thực, thể hiện rõ nhất trong phiếu gạo. Người nông dân làm ra thóc gạo, được bao nhiêu phải bán cho Nhà nước. Sau khi làm nghĩa vụ xong có thừa chút đỉnh đem bán ra ngoài cũng phải bán chui, bởi vì như thế là vi phạm chính sách lương thực.

Lớp cán bộ ở thành phố sống trông vào phiếu gạo. Nhà thơ Quang Dũng[7] to lớn gấp đôi tôi, chỉ được hưởng phiếu gạo 13,5kg/tháng, trong khi tôi còn được phiếu 15kg, tiêu chuẩn phóng viên. Nói tóm lại, tác giả những bài làm nức lòng quân sĩ một thời chẳng được ưu đãi gì hết. Anh than thở:" Lắm bữa mình ngon miệng, bà vợ thương quá, cứ xới cho liên chi hồ điệp, mình thì cứ hồn nhiên xơi mãi, chẳng biết là mấy bát. Sực nhớ ra, mới vội dừng lại. Chao ôi, nhìn các con mà thẹn. Cứ như thể mình ăn thâm vào phần chúng nó vậy". Anh gặp may trong một lần đi thâm nhập thực tế ở Thái Bình với mấy nhà lãnh đạo Tổng cục Lương thực, vào năm 1960 hoặc 1961 gì đó, tôi không nhớ chính xác. Trong một bữa chiêu đãi, thấy anh làm liền tù tì mười bát cơm mà vẫn còn tỏ vẻ thòm thèm, ông cán bộ Tổng cục mới hỏi anh ăn được như vậy thì tiêu chuẩn anh bao nhiêu. Khi biết Quang Dũng chỉ được 13,5kg, ông thương tình, ra lệnh đặc biệt cho anh được đổi sang tiêu chuẩn nhận phiếu 21kg. Cho anh tiêu chuẩn cao hơn nữa ông không có quyền. Quang Dũng kể chuyện này cho tôi nghe, cười hì hì: "Bình thường mình cũng chẳng ăn nhiều đến thế đâu, ăn ít quen dạ rồi, nhưng hôm đó phải ra sức biểu diễn một đường hào hùng cho các vị thấy. Mới được cái phiếu 21 ký ấy chứ". Tôi hỏi nếu thả cửa anh ăn được bao nhiêu bát, anh nói cái đó còn tùy thức ăn nhiều hay ít, ngon hay không ngon, và khổ chủ nào dám liều mạng thết anh một bữa ăn mặc sức như thế.

Dù có thể ăn no trong mấy ngày Tết Thành vẫn cương quyết hạn chế cả hai: "Ăn ở đây mà bội thực còn khổ nữa. Không thể “Báo cáo ông quản giáo, cho tôi xin thuốc tiêu!”. Họ không cho thì chớ, còn nhiếc móc cho đã đời, vuốt mặt không kịp. Trong mấy ngày đầu năm đã xảy ra chuyện đúng như vậy. Chúng tôi nằm dài trên phản nghe tiếng quản giáo Hách sang sảng dạy bảo đám tù khốn khổ chỉ vì tội hạnh phúc đến với họ quá dồn dập và họ không chống cự nổi sự cám dỗ quá mạnh mẽ. Tiếng người nói to trong xà lim im ắng âm âm như tiếng cha xứ giảng đạo trên tòa cao nơi giáo đường.

Chúng tôi choàng tỉnh giữa đêm khuya vì tiếng loa quá lớn. Vang vang giữa những trào sóng giao thừa là tiếng phát thanh viên đọc thơ chúc Tết. Đã thành lệ, năm nào Tết đến đài Tiếng nói Việt Nam cũng truyền đi thơ chúc Tết của chủ tịch Hồ Chí Minh. Còn nhớ Tết năm trước gia đình chúng tôi quây quần bên ban thờ tổ tiên, thoảng trong khói pháo giao thừa có mùi hoa thủy tiên, hoa huệ, cha tôi lầm rầm khấn khứa, mẹ tôi đứng sau, sau nữa là chúng tôi, bên ngoài nhà chúng tôi là cả một Hà Nội râm ran tiếng pháo, tiếng quốc thiều, giọng sang sảng của người đứng đầu cả nước bay trong sóng điện.

Tết năm nay gia đình tôi tan tác. Cha tôi đêm nay nằm ở xà lim nào, trong cơn đau không người chăm sóc? Mẹ tôi chắc đang lặng lẽ chảy nước mắt thương chồng thương con. Còn cái gia đình nhỏ của tôi nữa, giờ này chắc vợ tôi đang ôm hai đứa nhỏ trong lòng, đang sụt sùi khóc cho đời mình và cho hai đứa con còn nhỏ đã mất cha?

Nhờ Đảng gỡ hộ cho tôi cái màng ảo tưởng, lần đầu tiên trong đời tôi thấy mắt mình nhìn sự vật sáng rõ đến thế. Tất cả tuột hết vẻ hào nhoáng bề ngoài, lớp vàng mạ bong ra, phơi hình thù thật của chúng, trần trụi, lõa lồ dưới ánh mặt trời.

Cũng nhờ Đảng tôi trút bỏ được niềm sùng kính đối với ông Hồ Chí Minh. Tại sao tôi lại có thể mê muội đến thế nhỉ? Ông làm sao yêu được đồng chí khi người làm việc sát cánh cùng ông trong những năm khó khăn bị Lê Đức Thọ bắt giam mà ông vẫn điềm nhiên không hề can thiệp, dù chỉ để tìm hiểu ngọn nguồn?

Trước khi bị bắt, đầu tháng 12 năm 1967, tôi có gặp ông Hoàng Quốc Thịnh, bộ trưởng Bộ Nội thương. Ông Thịnh kể mới đây ông vào Chủ tịch phủ báo cáo với ông Hồ Chí Minh về công tác thương nghiệp. Ông hỏi ông Hồ chuyện cha tôi vì sao bị bắt thì ông Hồ ngơ ngác, hoặc làm bộ ngơ ngác: "Tại sao lại bắt chú Huỳnh? Chú ấy làm chi mà bắt?". Trong tình bạn với cha tôi, Hoàng Quốc Thịnh là người chung thủy. Ông im lặng, như mọi người hồi đó đều phải im lặng trước Lê Đức Thọ, nhưng từng hoạt động với cha tôi quá lâu, từng ở tù cùng cha tôi, ông không thể tin những lời bịa đặt của Thọ. Trước khi gặp ông Hoàng Quốc Thịnh, ông Hồ không biết cha tôi bị bắt? Hay ông biết mà giả vờ không biết? Giả thử ông không biết thật thì nghe ông Hoàng Quốc Thịnh nói rồi ông phải biết chứ. Biết rồi, nhưng ông cũng có làm gì đâu. Sự thật ở chỗ nào? Ông Hồ bị tước bỏ mọi quyền hành hay ông còn quyền hành nhưng ông làm ngơ?

Trong xà lim tôi có thừa thời gian để suy ngẫm. Trong những điều tôi suy ngẫm, có sự rà soát lại bệnh sùng bái ông Hồ Chí Minh mà thế hệ chúng tôi, kẻ ít người nhiều, đều mắc phải.

Chúng tôi sùng bái ông bởi đạo đức vô song của ông. Chúng tôi nhìn ông như người tốt nhất, đẹp nhất, trong mọi người. Ông là người duy nhất rũ sạch được mọi toan tính cá nhân để chỉ sống cho Tổ quốc, cho đồng bào. Không gia đình, không tài sản, không công danh.

Đó là những gì ngành tuyên truyền nói về ông. Nói hằng ngày, nói ra rả, năm này qua năm khác, ở bất cứ nơi nào, với bất cứ ai muốn nghe hay không muốn nghe.

Nhưng hoá ra ông không phải là người như thế.

Người ta ca ngợi ông Hồ ông đi sâu đi sát, việc nhỏ việc lớn đều được ông để mắt đến, không có gì cần phải giải quyết mà ông bỏ qua.

Vậy những gì đã xảy ra dưới thời ông trị vì? Đã có bài học Giảm tô Giảm tức, tại sao còn có sai lầm Cải cách ruộng đất và Chỉnh đốn tổ chức làm chết biết bao nhiêu người vô tội, bao nhiêu gia đình tan hoang? Tôi không có mặt trong thời kỳ cuộc cải cách ruộng đất được tiến hành, nhưng năm 1956 tôi có dịp đi khắp miền Bắc, được nghe rất nhiều nhân chứng của cái tội ác ghê gớm này, tôi không hiểu nổi tại sao người với người lại có thể tàn ác với nhau đến thế[8]?

Chẳng lẽ người thông minh như ông lại không biết vụ Nhân văn – Giai phẩm là do Trường Chinh dựng nên để chạy tội, bức hại nhiều văn nghệ sĩ có tâm huyết với dân tộc, từng theo ông suốt cuộc kháng chiến chống Pháp?

Và còn bao nhiêu việc khác nữa.

Tôi nghĩ ông phải biết. Tôi tin chắc rằng ông biết.

Cha tôi kể: ông Hồ rất chăm đọc báo chí hàng ngày, ai đến làm việc với ông cũng được ông hỏi han đủ chuyện, chẳng lẽ ông không biết gì về việc vừa xảy ra? Tôi nhớ một hôm cha tôi đi gặp ông trở về, bảo tôi:"Con vừa viết cái gì mà hôm nay bố đến chơi, Ông Cụ kêu "Thằng Hiên viết truyện trên tờ Văn Nghệ, nó định nói cái chi tôi không hiểu". Thì ra đó là ông Hồ đã đọc truyện ngắn Đêm Mất Ngủ[9] của tôi trên tờ Văn Nghệ mà chính cha tôi chưa đọc. Một việc cỏn con như thế ông còn biết nữa là.

Tôi từng là một trong những đứa cháu gần gụi của ông trong những năm đầu cách mạng. Những ngày ông phải lẩn trốn bọn Tàu Tưởng, luôn thay đổi chỗ ở, ông từng ngủ ở nhà tôi, hai bác cháu chung giường. Mẹ tôi lo lắng cho sức khoẻ ông, bà thường làm các món tẩm bổ cho ông ăn khi ông mới từ chiến khu về Hà Nội, cha tôi phải xách cặp lồng vào Bắc bộ phủ hàng ngày cho ông, chẳng lẽ ông không nhớ?

Ai cũng biết cho dù ông không còn xử lý công việc hàng ngày mà giao hết cho đàn em, nhưng nếu ông nói "không được" thì chắc chắn bọn Duẩn – Thọ sẽ phải chùn bước trước việc bắt bớ hàng loạt người vô tội, trong đó có những người từng giúp rập ông làm nên sự nghiệp.

Nhưng ông im lặng.

Bây giờ tôi mới hiểu: thì ra con người đối với Hồ Chí Minh chẳng là cái gì. Ông mơ thấy “cưỡi rồng lên thượng giới”, ông thấy “sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”[10] Con rồng, ai cũng biết, là biểu tượng của nhà vua. Ông mơ thấy ông cưỡi nó thì ông đâu phải là một người trong chúng ta. Than ôi, lũ dân thường chúng ta làm gì có những giấc mơ như thế. Chúng ta chỉ mơ thấy cưỡi trâu, cưỡi bò, cưỡi ngựa. Sang lắm thì cưỡi bình bịch là cùng. Lẽ ra tôi phải hiểu sớm hơn mới phải: bác Hồ của tôi từ lúc đang phải sống lẩn lút để làm cách mạng đã ôm ấp mộng ước làm vua. Ông có chí lớn để thực hiện nó. Và ông đã thực hiện được.

Con người là vốn quý nhất, tôi từng nghe ông nói với mọi người trong lần ông tiếp anh hùng La Văn Cầu ở Thác Dẫng, mùa thu năm 1950.

Stalin cũng nói thế. Mao Trạch Đông cũng nói thế.

Mà đúng: con người chỉ là vốn thôi, để sử dụng vào việc kinh doanh cái gì đó. Khi là vốn, nó thôi là Người.

Trong hành xử ông là một diễn viên kỳ tài, như sau này tôi được biết. Cha tôi có kể chuyện khi đi thăm bức tường công xã Paris ở nghĩa trang Père Lachaise, năm 1946, có các quan chức lễ tân Pháp tháp tùng, ông Hồ sụt sùi khóc, lấy khăn tay thấm nước mắt. Trở về khách sạn, cha tôi hỏi làm sao ông khóc được, ông trả lời: "Mình làm chính trị, khi cần khóc phải khóc được, khi cần cười phải cười được, mới làm chính trị được chứ". Cha tôi có ghi lại việc này trong hồi ký Tháng Tám Cờ Bay.

Một lần tôi quay cảnh ông thăm đồng bào nông dân ở Hải Dương, mùa hè năm 1957. Sáng sớm hôm ấy trời mưa to, trên đường còn lại những vũng nước lớn. Đến một đoạn đường lầy lội ông tụt dép, cúi xuống xách lên. Trong ống ngắm của máy quay phim tôi nhìn rõ hai bên vệ cỏ không bị ngập. Tôi chợt hiểu: ông không đi men vệ đường bởi vì ông muốn chưng đôi dép. Vì lòng kính trọng đối với ông, không muốn rồi đây người xem sẽ nhận ra trên màn ảnh lớn diễn xuất lộ liễu của ông, tôi tắt máy. Nghe tiếng máy Eymo 35 ly đang kêu xè xè đột ngột im tiếng, ông ngẩng lên nhìn tôi, nhưng ngay đó ông hiểu ra rằng tôi biết ông đang diễn xuất, mà diễn xuất kém, tôi mới không tiếp tục quay cảnh ấy nữa. Chứ không phải tôi không muốn quay. Có lẽ vì thế mà sau tôi thấy ông không bực bội với tôi.

Một thời gian dài, bằng nhiều thí dụ cụ thể trong cách xử thế của ông Hồ, người ta không ngớt tán tụng tính cách bặt thiệp của ông, nghệ thuật ứng xử tuyệt luân của ông, để rồi, trong khi học tập ông họ luyện cho mình thói quen đạo đức giả lúc nào không biết.

Tôi được đọc khá nhiều sách viết về Stalin, Mao Trạch Đông, Kim Nhật-thành, Ceaucescu… Mới thấy chúng ta còn may lắm – Hồ Chí Minh của ta hơn hẳn họ về mức độ nhân ái, nói cách khác, và nói cho đúng, ông thua xa họ về mức độ tàn bạo. Nếu không phải ông mà là họ, chắc chắn tấn bi kịch xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã lớn hơn nhiều. Và riêng tôi, hẳn đã đi tù sớm hơn, hoặc đã chết trong tù, nếu như không bị bắn tắp lự. Tôi cho rằng sự biết ơn kẻ có quyền giết mà không giết mình cũng là cái nên có trong lòng chúng ta.

Cuộc chia tay với thần tượng không nhẹ nhàng gì. Cần phải là người trong cuộc mới hiểu được chuyện đó.

Cái giá tôi phải trả cho cuộc chia tay đắt lắm. Nhưng tôi đã chia tay được.

Ông Hồ cũng có bi kịch của chính ông. Tôi hi vọng rồi đây sẽ có người viết về những bi kịch đó. Những bi kịch xảy ra khi ông còn trẻ, ở xa tổ quốc, sống trong thiếu thốn, trong sự khinh miệt của những đồng chí cộng sản cùng quê và khác quê, trong những mối tình dang dở… Những bi kịch khi ông về già, trong cuộc sống cô đơn, ngay trên đất đai quê hương.

Tôi rất muốn tin những gì người ta đã viết về ông là đúng. Đó là những mặt tốt của ông. Chúng có thể có thật, bên ngoài những tô vẽ. Ở đây tôi chỉ kể ra những gì tôi nhận xét trong mối quan hệ giữa ông và tôi, những ý nghĩ của riêng tôi về ông trong khi rà soát lại mối quan hệ với chủ thuyết ông mang về từ nước ngoài làm quà tặng cho dân tộc, trong đó có phần dành cho tôi.

Ông chỉ là một con người, như mọi người, với những cái tốt và những cái xấu, những mặt mạnh và những mặt yếu, mà mỗi cá thể người phải có. Chính chúng ta sai khi nhìn ông như thánh nhân.

Tôi nhớ năm 1946, tôi thường ra vào Bắc bộ phủ và được gặp ông Hồ Chí Minh nhiều nhất, do cha tôi làm việc và ở sát với ông. Đó là năm sóng gió nhất của chính quyền cách mạng. Nạn đói do thực dân Pháp và phát-xít Nhật gây ra giết chết hơn hai triệu người[11] để lại những hậu quả nặng nề. Ngoài Bắc quân Thưởng Giới Thạch tràn sang, trong Nam quân Anh-Ấn kéo vào, theo chân họ là quân đội Pháp lăm le chiếm lại Đông Dương màu mỡ[12]. Những người Quốc dân đảng biểu tình, mít tinh, phát truyền đơn, bắc loa điện ở đường Quan Thánh ra rả suốt ngày chửi Hồ Chí Minh bán nước. Họ giết các chiến sĩ tự vệ thành, cả dân lành, rồi chôn trong một trụ sở ở nhà số 7, phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều). Họ bắt cóc rồi thủ tiêu ông Trần Đình Long, ông Nguyễn Văn Phúc, biệt hiệu Phúc ghẻ, cả hai là bạn tù Sơn La của cha tôi. Tôi cũng nghe nói có những vụ Việt Minh giết người của Quốc dân đảng, tuy bản thân chưa được thấy vụ nào. Nhưng tôi tin tất cả những sự kiện đó là có thật, cũng như sự kiện này là có thật: chính những người cộng sản đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Tháng Tám chứ không phải là một sự tranh công của các đảng phái khác như có một số tác gia đã viết. Các đảng phái này đã không lợi dụng được thời cơ để giành chính quyền do không có tổ chức tốt như đảng cộng sản.

Trong những ngày nước sôi lửa bỏng như thế, chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn điềm tĩnh ngồi trong phòng làm việc trên tầng hai Bắc bộ phủ. Ông như một thuyền trưởng can trường, bình tĩnh chỉ huy con tàu trong cơn bão.

Tôi còn nhớ cha tôi lo lắng thế nào khi ông Hồ Chí Minh bị Lư Hán và Tiêu Văn giữ lại trong lần ông thân tới hành dinh quân tiếp phòng Trung Hoa của tướng Chu Phúc Thành để đàm phán. Ông có bị giữ lại mấy giờ ở đấy thật. Nhưng bằng cách nào ông thoát hiểm thì ông không kể. Nghe cha tôi kể lại thì dường như ông doạ dẫm rằng nếu không thả Hồ Chí Minh ra thì không ai có thể thu mua lương thực cung cấp cho quân Tưởng như ông, mà đó là chuyện người Tàu đang lo lắng – những đoàn quân phù thũng đang rất cần được ăn no. Ttrở về Bắc bộ phủ, Hồ Chí Minh vẫn là Hồ Chí Minh – tự tin và ung dung, như không hề có chuyện gì xảy ra.

Ông làm việc với cường độ rất căng, thỉnh thoảng ông mới rời phòng để sang các phòng khác hỏi han, lấy tài liệu. Thấy tôi quanh quẩn ở đấy, ông gọi tôi vào phòng, giao cho tôi mấy mảnh giấy nhỏ để tôi chạy xuống đưa cho các chú các bác làm việc ở tầng dưới, hoặc đang chờ việc ở phòng cảnh vệ. Từ trong phòng làm việc của ông, bao giờ cũng tối bởi sàn lim và những đồ gỗ sẫm màu, tôi có thể nghe tiếng bánh xe hơi chạy rào rào trên sỏi. Hồ Chí Minh bỏ bàn viết chạy đến bên cửa sổ. Từ tay ông bay ra một mẩu giấy nhỏ. Nó đung đưa trong gió làm cho người đứng dưới vồ trượt nhiều lần. Vồ được, người đó vội vã đọc lướt qua, rồi nhảy lên xe, Chiếc xe lại rào rào phóng thẳng ra cổng. Đó là ông ra lệnh chuẩn bị những kho muối cho cuộc kháng chiến chưa biết chừng xảy ra lúc nào. Từ sáng sớm ông đã gắt gỏng với ông Vũ Xuân Sắc[13] về chuyện này. Tôi nhớ rõ hình ảnh ấy và tôi nghĩ nó sẽ đắt trong một bộ phim nói về năm 1946 hào hùng.

Lúc đó ông Hồ Chí Minh còn là Bác Hồ tôn kính, Bác Hồ yêu mến của tôi.

Ông mở đầu pho sử hoành tráng cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc chống lại chế độ thuộc địa toàn cầu, với tư cách một phong trào, chứ không phải cuộc đấu tranh của riêng một Việt Nam. Trận thắng Điện Biên phủ đã thổi vào lòng các dân tộc bị trị niềm phấn khích chưa từng có, mở ra cao trào đấu tranh cho độc lập dân tộc trên khắp thế giới, thúc đẩy sự chấm dứt chế độ thực dân, làm tan rã hệ thống thuộc địa.

Thế giới biết tên ông cùng với tên đất nước nhỏ bé dám dùng gậy tầm vông chống lại vũ khí hiện đại để giành độc lập, tự do.

Tượng đài cho ông, với tư cách nhân vật lịch sử, đã được đúc.

Nhưng tôi buồn. Tôi còn tiếc nữa. Tôi đã quen nhìn ông không phải chỉ là chủ tịch Hồ Chí Minh, mà là Bác Hồ của tôi.

Không buồn sao được khi nhìn lại tôi thấy trong tôi chỉ còn trơ trọi một nhận định duy lý, một tình cảm lạnh lẽo đối với ông, như đối với một nhân vật lịch sử. Mà một thời ông đã từng có vị trí không nhỏ trong tim tôi.


[1] Cứu tôi với! Cứu tôi với! (tiếng Anh).

[2] Xin chào ông đại úy! Ông vẫn được mạnh giỏi chứ ạ? (tiếng Pháp).

[3] Các quan tòa Việt Nam hồi này phần nhiều không có chuyên môn. Họ được rút từ các ngành khác, được dự những khóa huấn luyện cấp tốc để trở thành quan tòa. Ngành tư pháp nói chung ở trong tình cảnh tội nghiệp. Do ảnh hưởng của sự sợ hãi nguyên “tắc” tam quyền phân lập, Đảng luôn dè chừng ngành này.

[4] Quà gia đình được phép gửi cho tù, ở miền Bắc gọi là tiếp tế.

[5] Những đợt tinh giản biên chế diễn ra thường xuyên trong bộ máy nhà nước cộng sản mỗi ngày một thêm cồng kềnh, như một quy luật. Trong tinh giản biên chế những người xin ra ngoài thường là những người tài năng, không cần phải sống bám vào bộ máy nhà nước. Ông Phạm Văn Đồng ví tình hình này như việc đập lúa, những hạt mẩy nhất bắn ra đầu tiên, những hạt lép thì bám rất dai.

[6] Ban Tổ chức Trung ương không quên trấn áp gia đình những người bị bắt trong vụ "Nhóm xét lại chống Đảng". Sau khi tôi bị bắt vài tháng, vợ tôi đang làm việc ở Viện quy hoạch thuộc Bộ Kiến trúc thì bị đột ngột chuyển công tác tới Ty Kiến trúc Hà Sơn Bình (tỉnh gồm ba tỉnh cũ: Hà Nam, Sơn Tây, Hòa Bình). Hàng ngày vợ tôi phải đạp xe đi về 40 cây số để trông nom các con nhỏ. Các em tôi không được phép thi vào đại học, trừ một cô được thi vào Đại học Thư viện sau khi mẹ tôi đấu tranh rất dữ với Lê Đức Thọ.

[7] Quang Dũng, tên thật Bùi Đình Dậu, tức Diệm (1921-1988), nhà thơ quân đội thời kháng chiến chống Pháp, nổi tiếng với những bài thơ Tây Tiến, Đôi Bờ, Mắt Người Sơn Tây, Mây Đầu Ô, Cô Hàng Cà Phê…

[8]Người ta ước đoán có khoảng 15. 000 người bị giết trong cải cách ruộng đất. Bernard Fall (1926-1967), được coi như một nhà phân tích khách quan về Đông Dương, đưa ra con số 50. 000. Nếu tính tổng số xã đã Cải cách ruộng đất là khoảng trên 3. 000, mỗi xã có trung bình một hoặc hai người bị bắn (ít có xã mà số người bị bắn lên tới ba hoặc bốn, năm người) thì số người bị giết (kể cả trong cái gọi là Chỉnh đốn Tổ chức trong nội bộ Đảng) có thể phỏng chừng từ 10. 000 đến 12. 000 người. Số người chết do những nguyên liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp tới cải cách ruộng đất chắc chắn lớn hơn nhiều. Theo số liệu về Cải Cách Ruộng lọt ra từ kho tư liệu nội bộ ĐCSVN (2005) thì: Cải cách ruộng đất đã được thực hiện 8 đợt giảm tô, 5 đợt Cải cách ruộng đất tại 3. 314 xã, với 10 triệu dân, số địa chủ được phân định là “cường hào gian ác” bị quy sai là 77%; số địa chủ thường bị quy sai là 66%; tổng cộng tỷ lệ quy sai (gồm cả địa chủ kháng chiến, phú nông) là 71,66%. Tỷ lệ địa chủ quy định phải tìm ra bằng 5,68% dân số là một con tính hoàn toàn duy ý chí. Bản thống kê này không hề nói tới số người bị giết. Chẳng bao giờ chúng ta biết được con số chính xác những nạn nhân của Cải cách ruộng đất nếu không có một cuộc điều tra khoa học, không thiên vị.

[9] Báo Văn Nghệ, 1961.

[10] Nhật Ký Trong Tù, Hồ Chí Minh.

[11] Vụ lúa 10. 1944 ở miền Bắc bị tàn phá nặng nề vì đê vỡ. Trong khi đó Pháp và Nhật thi hành một chính sách thu mua tàn bạo (giá thị trường 200 đồng Đông Dương một tấn lúa, chúng bắt dân bán với giá 25 đồng). Một số vùng bị Nhật bắt dân nhổ lúa trồng đay phục vụ nhu cầu chiến tranh. Con số 2. 000. 000 người chết là tôi viết theo con số được báo chí đưa ra, không phải con số thống kê.

[12] Tháng 9. 1945 tướng Dougles Gracey chỉ huy quân Anh-Ấn kéo vào Việt Nam giải giáp quân đội Nhật từ vĩ tuyến thứ 16 trở xuống phía Nam theo quy định của Hiệp ước Postdam (7. 1945). Dougles Gracey đã lấy vũ khí tước được của Nhật trang bị cho 1. 400 tù binh Pháp mới được thả ra và một đại đội thuộc trung đoàn thuộc địa số 5 (5è RIC) cộng với một số Pháp kiều hung hãn để bọn này tấn công cách mạng Việt Nam. Ngày 11. 10. 1945 ngoại trưởng Anh Ernest Bevin còn tuyên bố thừa nhận chủ quyền của Pháp tại Đông Dương (là điều hoàn toàn không được ghi trong Hiệp ước Postdam).

[13] Ông Vũ Xuân Sắc làm công tác kinh tài cho Đảng ở Liên khu 3 trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Ông là người phụ trách công ty Nam Tiến đóng trụ sở tại Đồi Lạo, huyện Nho Quan tỉnh Ninh Bình. Công ty Nam Tiến này cũng làm những công việc tựa công ty Bắc Thắng của ông Nguyễn Lương Bằng ở Tuyên Quang.

Comments are closed.