Đêm giữa ban ngày (kỳ 4)

5

Năm 1956 được ghi lại trong trí nhớ của tôi như một năm đầy ắp sự kiện.

Tôi ở trong một căn phòng ba người trên tầng thứ tư của ký túc xá sinh viên Trường Đại học Điện ảnh Liên Xô nằm ở phía Bắc Moskva gần ga xe điện ngầm VDNK (Triển lãm Thành tựu Kinh tế Quốc dân). Ký túc xá của chúng tôi không lớn, nhưng lúc nào cũng nhộn nhịp tiếng chân người sầm sập ngoài hành lang, những cuộc tranh luận nghệ thuật thâu đêm suốt sáng. Đó là thời gian của những giọng ca vàng Ymma Sumac, Yves Montand, Robertino Loretti[1], những bộ phim tân hiện thực của Ý với những tên tuổi sáng chói một thời: Roberto Rossellini, Luchino Visconti, Vittorio De Sica, Giuseppe de Santis[2]… ; thời gian Serguei Eisenshtein[3] sống lại với bộ phim Ivan Bạo đế nhiều năm nằm mốc trong kho lưu trữ…

Tôi thiếu quá nhiều thứ để có thể tiếp cận cái mới – cả trí thông minh lẫn vốn kiến thức cần có. Theo truyền thống cha ông, tôi tìm cứu cánh trong sự học gạo. Đúng vào lúc tôi vùi đầu chuẩn bị thi kiểm tra, thì Đại hội lần thứ XX Đảng cộng sản Liên Xô khai mạc.

Tôi chẳng để ý gì tới nó. Những Đại hội Đảng, những hội nghị Trung ương của đảng này đảng nọ trong phe xã hội chủ nghĩa là chuyện chán ngấy, chuyện cơm bữa, cái nào cũng giống hệt cái nào. Tôi phát ớn những diễn văn dài dằng dặc kín mấy trang báo, những từ ngữ ồn ào, sáo rỗng và mòn vẹt vì lặp đi lặp lại. Chính trị, như tôi biết nó, chưa bao giờ quyến rũ tôi. Với tôi chính trị là thứ chỉ dành cho một số người phi thường và những tên cơ hội, hai loại nhân sinh có tài tìm thấy niềm vui trong trò chơi lá mặt lá trái của nó. Vì thế, ngồi dưới cái loa suốt ngày lải nhải tin tức và bình luận chính trị, tôi vẫn học bài được như thường.

Đó là một cái loa hộp già lão đã hỏng chiết áp, hỏng từ bao giờ không biết, tôi đến thì nó đã có đấy rồi. Già nua, xơ xác, nó lảm nhảm suốt ngày, nỉ non suốt ngày cho tới tận khuya, với sự kiên trì chỉ có ở máy móc. Tôi đánh vật với nó để bắt nó câm miệng, nhưng thất bại thảm hại. Làm đủ cách không xong, tôi lấy vải dày bịt nó lại, nhưng chỉ làm cho tiếng nó nhỏ đi được chút ít. Đành đọc sách, làm bài trong tiếng lẩm bẩm không dứt của cái loa cần mẫn, riết rồi cũng quên được sự hiện diện của nó.

Tôi đang chìm đắm trong số phận bi đát của Vua Lear thì Shpalikov[4] xồng xộc chạy vào:

– Trời đất ơi, đồ mọt sách! Đang xảy ra chuyện động trời mà cậu còn cặm cụi với cái ông Shakespeare của cậu được thì lạ quá! Nghe đi kìa!

Tôi ngẩng lên nhìn cái loa. Trong đầu tôi vua Lear tội nghiệp vừa bị các cô con gái cắt tiền tiêu, cắt cả lính hầu, khi vương quốc của ông không còn là của ông nữa, ông đã đem nó cho các cô con gái yêu của ông mất rồi. Tôi đang thương ông, đang ngán ngẩm cho tình đời. Cái loa lẩm bẩm điều gì đó, còn Shpalikov thì tươi cười, đôi mắt đen lấp lánh. Tôi không nhận ra ngay giọng nói của Nikita Khrushov[5]. Những tràng vỗ tay lớn và kéo dài quá mức làm cho cái khăn bịt màng loa rung lên bần bật.

Tôi tháo nó ra để nghe cho rõ. Thì ra chuyện động trời!

“Vào những năm cuối đời mình Yosif Vissarionovich Stalin[6] đã phạm những sai lầm nghiêm trọng… – giọng Nikita Khrushov sang sảng – Ông coi thường và vì thế đã vi phạm thô bạo những chuẩn mực sinh hoạt dân chủ… Những tội ác xảy ra trong thời kỳ Stalin đứng đầu Đảng và Nhà nước… Tệ sùng bái cá nhân là xa lạ với bản chất của đảng cộng sản… !!”

Tôi bàng hoàng. Cha mẹ ơi, gì thế này?! Đại nguyên soái Stalin, người thầy, người cha của nhân dân lao động toàn thế giới[7] và… tội ác??

Ngoài trời, tuyết bay thành những dải chênh chếch. Mới tháng Hai, mùa xuân Nga còn lâu mới bắt đầu.

– Nghe thấy chưa? Một cuộc cách mạng! Cậu hiểu không, một cuộc cách mạng? – Shpalikov nhảy lên, hoa chân múa tay dưới cái loa sứt sẹo. – Một quả bom nguyên tử ném thẳng vào dinh lũy của nền chuyên chế! Tự do muôn năm!

Tôi ngẩn người. Anh chàng xuất thân thiếu sinh quân học viện quân sự Suvorov, tất phải nồng nhiệt yêu chế độ xô-viết, sao lại có thể vui mừng đến thế trước cuộc tấn công trực diện vào lãnh tụ Stalin vĩ đại? Mà người mở đầu cuộc tấn công lại không phải là ai khác Nikita Khrushov, người mà báo chí hôm qua còn gọi là “học trò xuất sắc và trung thành” của ông?

Đến lúc ấy tôi mới nghe tiếng chân người đi lại rầm rập ngoài hành lang, tiếng mở cửa, đóng cửa ầm ầm ở các phòng. Giọng ai đó rung lên mãi một khúc aria không rõ lời. Tiếng vỗ tay rộn ràng theo nhịp một bài ca cách mạng năm 1917.

Từ hôm đó, nhóm bạn Nga tổ chức tại phòng tôi một bữa tiệc sinh viên. Chúng tôi uống vốt-ka Stolichnaia, nhắm với cá vobla sấy, xúc xích tiết lợn, bánh mì khô và tin nóng hổi nhận được từng giờ từ phòng họp Đại hội. Bữa tiệc kết thúc bằng cuộc cãi vã to tiếng giữa phái đến cùng đòi ngay lập tức phải tiếp tục đi xa hơn nữa những kết luận của Đại hội và phái chủ trương cải tổ từ từ. Phái “ngay lập tức” bỏ đi. Phái “từ từ” ở lại.

Tôi buồn ngủ. Trong cơn mơ màng tôi nghe Shpalikov hỏi:

– Cậu hiểu rồi chứ?

Tôi im lặng. Tôi không hiểu hoặc chỉ mới hiểu lờ mờ. Nhưng tôi tin Shpalikov. Nếu anh vui mừng đến thế mà tôi không cảm thấy như anh thì tôi cần xem lại mình. Chắc rằng trong tôi còn nhiều tăm tối, còn nhiều u mê. Cũng như tôi không hiểu hết được cái đẹp trong thơ Pushkin[8] vậy. Trong ngày hôm nay Puhskin được nhắc tới rất nhiều. Bài thơ Những Người Tháng Chạp[9] của ông được cả hai bên tranh luận ngâm nga.

Đại hội XX không phải chỉ vạch trần tệ sùng bái cá nhân Stalin, đòi phục hồi các chuẩn mực dân chủ trong mọi mặt sinh hoạt xã hội, trong sinh hoạt đảng… Nó còn mở ra tầm nhìn mới cho cả thế giới cộng sản. Nó mạnh mẽ bác bỏ quan điểm coi bạo lực là phương pháp giành chính quyền duy nhất của giai cấp vô sản, quan điểm coi mâu thuẫn giữa hai hệ thống thế giới là không thể điều hòa. Đó là Đại hội của tinh thần hòa bình – cùng tồn tại trong hòa bình, hợp tác hòa bình giữa các nước có chế độ xã hội khác nhau, tinh thần giải quyết mọi tranh chấp bằng thương lượng, chấm dứt mọi thứ chiến tranh nóng cũng như lạnh, giải trừ quân bị… Tuyệt vời! Trên lời nói, tinh thần Đại hội XX đúng là như thế.

Đó là ngày 25 tháng Hai năm 1956.

Hôm sau tôi vào trung tâm thành phố để xem phim Chiến tranh và Hòa bình của Mỹ tại Cung Điện ảnh. Hồi bấy giờ các rạp chiếu bóng không chiếu phim Mỹ và nói chung phim của các nước phương Tây. Những phim “tư bản” chỉ được chiếu ở vài rạp đặc biệt và phải có giấy mời. Tôi tưởng tôi không thể đến kịp giờ chiếu vì mọi con đường đều tắc nghẽn. Các ga xe điện ngầm đông nghịt. Những con đường dẫn tới Hồng trường cuồn cuộn cơn lũ dân chúng vui vẻ, hò reo, ca hát, mang cờ đỏ búa liềm, chân dung Nikita Khrushov tới điện Kremli để chào mừng Đại hội. Họ ôm nhau, họ hôn nhau, họ nhảy múa trong tiếng nhạc đệm của đàn bayan, đàn babalaika[10] chơi những bài dân dã. Một đám đông ngẩng cao đầu. mắt rưng lệ, trịnh trọng hát Quốc tế ca. Rải rác trên vỉa hè là những bức chân dung Stalin, cái còn nguyên, cái bị xé nát, nhem nhuốc dưới gót giày khách bộ hành. Chưa bao giờ tôi được thấy một cảnh tượng vui mừng của đám đông, thường được gọi là quần chúng, như thế. Những người hôm qua tưởng chừng chỉ sống cho mình bỗng nhiên tìm được nhau, có với nhau niềm vui chung trong ý nghĩa một cuộc sống khác, người với người biết sống cho nhau.

Tôi rùng mình. Những gì đang diễn ra trước mắt làm tôi bàng hoàng.

Những người chưa từng bị giáo dục (hiểu đúng là: chưa bị nhồi sọ) lòng yêu mến và kính trọng sâu sắc đối với lãnh tụ vĩ đại Stalin thì không thể nào hiểu nổi nỗi xúc động của chúng tôi khi thần tượng của mình bị lột mặt, bị quật ngã, bị phỉ nhổ, bị chà đạp.

Tôi còn nhớ tin Stalin qua đời đến với chúng tôi như thế nào. Cuộc kháng chiến trường kỳ bước vào năm thứ bảy.

Tôi đang ở Thanh Hóa. Hàng ngày, từng tốp máy bay Hellcat và Spitfire từ Hà Nội chốc chốc lại bay vào quần đảo trên những làng mạc thanh bình vùng tự do[11]. Thỉnh thoảng chúng thu hẹp vòng lượn và bên dưới, từ mặt đất, bốc lên những cột khói đen.

Tin Stalin qua đời đến với chúng tôi một ngày như thế. Người ta quên bẵng những máy bay – thần chết khi tiếng loa cất lên vang vang trong thôn xóm báo tin người Cha, người Thầy vĩ đại của nhân dân lao động toàn thế giới không còn nữa.

Lớp trẻ chúng tôi lặng đi. Ít lâu sau, học sinh các trường phổ thông đã ra rả học bài thơ Đời Đời Nhớ Ông của Tố Hữu[12], trong đó nhà thơ khóc Stalin:

Thương cha, thương mẹ, thương chồng

Thương mình thương một, thương Ông thương mười.

Yêu con, yêu nước, yêu nòi,

Yêu bao nhiêu lại thương Người bấy nhiêu,

Ngày xưa khô héo quạnh hiu,

Có Người mới có ít nhiều vui tươi…

Tôi quyết định bỏ Shakespeare đấy đã để tìm hiểu những gì đang xảy ra. Tôi đem những thắc mắc của mình hỏi giáo sư Valentin Konstantinovich Turkin. Ông là một trong những con chim đầu đàn của nền điện ảnh xô-viết, với tư cách tác giả kịch bản. Trong trường chúng tôi Turkin là giảng sư môn biên kịch điện ảnh. Nghe tôi hỏi, ông trợn mắt, xua xua hai tay như muốn đẩy ra xa một cái gì đó rất đáng sợ:

– Chính trị không phải thứ dành cho chúng ta đâu, anh bạn trẻ ơi. Chớ! Chớ đụng vào nó. Khi còn ở tuổi 20 tôi, nói tình thật, tôi cũng chú ý tới nó, y như anh bây giờ, sau đó thì… thôi, tôi chán. Chán ngấy. Mà không phải chán – tôi sợ. Thật đấy. Anh bạn hãy quên nó đi, tôi khuyên anh. Những việc anh thấy hôm nay có vẻ ghê gớm thật đấy, có vẻ chắc chắn thật đấy, nhưng ngày mai mọi sự lại có thể khác. Dây vào mà làm gì!

Không tìm được lời giải thích ở ông giáo sư già, tôi tìm gặp Nina Anosova, giáo sư môn văn học nước ngoài. Bà còn trẻ, trong những bài giảng bà thường đưa vào những quan điểm mới, được trình bày một cách thận trọng, nhưng đủ để cho chúng tôi nhận ra. Bà lắng nghe câu hỏi của tôi rồi lẳng lặng ra hiệu cho tôi đi theo bà. Chúng tôi đi xuống tầng hầm của trường. Trong một góc tối, bà chỉ cho tôi cái thang dựng sát tường:

– Đối với tôi, thời Stalin gắn liền với cái thang này. Nó đã trở thành biểu tượng. – Nina Anosova nói khẽ, như thì thào – Anh có thấy chân dung các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước xô-viết treo trên hội trường không? Thời Stalin còn sống, cái thang được dùng đến luôn. Thỉnh thoảng anh thợ điện Stefan lại vác nó lên để tháo vài vị xuống, treo vài vị khác thế vào. Báo Pravda (Sự thật) thông báo: chúng là những tên phản bội, là “kẻ thù của nhân dân xô-viết”. Rồi chính những vị vừa được treo lên ấy, đến một hôm khác lại bị gỡ đi. Hóa ra họ cũng là “kẻ thù của nhân dân xô-viết” nốt. Tất cả đều từng được ngợi ca là bạn chiến đấu, là học trò ưu tú của Lênin và Stalin. Cứ mỗi vị bị bắt thì một loạt cán bộ khác bị bắt theo, cứ như là một đợt sóng vậy. Ngay tại trường ta này cũng có những cán bộ bỗng nhiên bị công an đang đêm tới nhà khoá tay tống lên xe chở tù. Hồi ấy chúng tôi chỉ biết ngạc nhiên thôi: chế độ mình đẹp thế, tốt thế, mà sao lại có lắm người chống lại nó đến thế, sao mà lắm “kẻ thù của nhân dân xô-viết” đến thế? Trong lòng, tôi không tin những người nọ là kẻ thù của nhân dân, tôi biết rõ họ mà, những người khác cũng thế, chẳng khác gì tôi, họ cũng không tin, nhưng chẳng ai dám nói ra.

Tôi bần thần nhìn bà.

– Thật xấu hổ, nhưng chúng tôi đã sống hèn như thế đấy! – bà thở dài.

Anosova là người trung thực. Bà không bịa đặt. Chẳng lẽ bà cũng là một trong những “kẻ thù của nhân dân xô-viết” giấu mặt?

Sau đó ít lâu tôi lại được nghe một người vừa từ trại tập trung Kolyma nổi tiếng[13] trở về phát biểu trong một cuộc họp chi bộ cộng sản trong trường[14]. Người đàn ông đứng tuổi, gày còm, mặt hốc hác, đen đủi, chôc chốc lại khịt mũi, nghe nói trước kia làm việc tại văn phòng trường, nói những lời không mạch lạc về công lao của đảng cộng sản trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa, thế rồi đang nói ông ta bỗng bật khóc nức nở:: “Các đồng chí ơi! Tôi bị đưa đi giáo dục mười một năm. Trở về, tôi như bị lạc vào một thế giới khác. Tất cả đều khó hiểu, mọi cái đều xa lạ. Hãy giúp đỡ tôi, các đồng chí! Tôi muốn làm một người bình thường… như mọi người”.

Người tù được tha không hề thốt lên một lời oán trách Đảng trong những câu nói ngô nghê, rất khó hiểu. Đặc biệt là ông ta chẳng nói gì tới lý tưởng cộng sản hết. Ông ta chỉ nói đến Đảng, hay đúng hơn, câu nào của ông ta cũng có chữ Đảng. Dường như cơn ác mộng vẫn còn đó, vẫn tiếp diễn, về tới Moskva rồi ông vẫn chưa hết sợ[15]. Nhưng lý trí phản bác rằng cảm giác của tôi sai, rằng nhờ tính đảng cao nên trải qua đọa đày, người tù được tha ấy vẫn một mực trung thành với Đảng. Chỉ đến khi chính mình nếm trải những gì mà những người cộng sản nọ nếm trải, tôi mới hiểu trực cảm của tôi là đúng.

Đó chính là cái sợ.

Không phải cái gì khác. Cái sợ không từ trên trời rơi xuống. Nó được gieo trồng, được vun xới, một cách có tính toán, một cách có ý thức. Dần dà, thấm vào từng chút một, nó trở thành tính cách của người dân xã hội chủ nghĩa. Valeri Fritz, một nhà biên kịch điện ảnh từng ở tù 11 năm trong các nhà tù và trại tập trung trong cái mà Solzhenitsin gọi là Quần đảo ngục tù GULAG[16], đồng ý với nhận định của tôi. Ông nói rằng sự sợ hãi dưới thời Stalin đã trở thành bản sắc xô-viết.

Trong những cuốn sách được xuất bản sau Đại hội XX, nhiều tác giả viết rằng khi nước Đức Quốc xã vượt qua biên giới Ba Lan tiến vào lãnh thổ Liên Xô, xé toạc hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau Xô – Đức, Stalin mới ngã ngửa người ra thấy các tướng lĩnh và cán bộ chỉ huy quân đội đã nằm gần hết trong các trại tập trung. Ông hạ lệnh tha khẩn cấp để họ trở về đi đánh nhau với Đức.

Điều đáng ngạc nhiên và hơn nữa, đáng khâm phục, là tất cả những người được tha đều sẵn sàng ra ngay mặt trận để chiến đấu chống quân xâm lược. Tôi được biết về tâm trạng kỳ lạ đó qua những cuốn hồi ký viết bằng giọng văn giản dị và trong sáng của những người không viết văn mà chỉ đơn giản kể lại chuyện đời mình,

Bên cạnh câu chuyện cảm động về lòng yêu nước của họ, họ cũng cho ta biết một chuyện quái đản là những người bị bắt oan nọ khi được tha về còn phải ký vào một tờ giấy cam đoan không nói lại với ai rằng mình bị đi tù.

Một trung tướng quân đoàn trưởng gặp cấp dưới của mình, một viên tư lệnh sư đoàn, tại nhà an dưỡng miền Nam Liên Xô: “Kìa, Ivan, lâu lắm rồi mới gặp lại đồng chí! – ông mừng rỡ kêu lên – Dạo này đồng chí gày quá!”, “Báo cáo thủ trưởng, tôi vừa đi công tác xa về. – tư lệnh sư đoàn trả lời – Tôi trông thủ trưởng cũng không được khỏe?”. Quân đoàn trưởng cười: “Tôi cũng vậy, đồng chí ạ, tôi cũng vừa đi công tác xa về”.

Trong từ điển tiếng Nga có một thành ngữ: “đi đến một nơi không xa lắm” để chỉ sự bị đi tù. Tiếng lóng này xuất hiện trong thời kỳ xô-viết.

Tôi không tin những người nói rằng do sống biệt lập trong điện Kremli, Stalin không hề biết gì về việc các nguyên soái, các tướng lĩnh của ông bị bắn hoặc bị đi đày. Cái huyền thoại về vị lãnh tụ anh minh bị cấp dưới bịt mắt, bị lừa dối, do đó không biết những việc xảy ra với các chiến hữu của ông, hoàn toàn bị những sự thật hàng ngày diễn ra bên cạnh những người dân biết suy nghĩ như giáo sư Anosova bác bỏ.

Một người bạn tôi ở khoa lý thuyết điện ảnh, anh Naum Kleiman[17], kể cho tôi nghe chuyện chính anh và gia đình anh bị đày đi Sibir gần chục năm như thế nào. Tội của họ dễ hiểu: họ là người Do Thái. Mà người Do Thái, theo Stalin, là giống người không tin được, mọi tên Do Thái, bất luận lớn bé già trẻ phải chịu tội chung cùng với những bác sĩ Do Thái bị bắt trong cái gọi là “vụ án bọn áo choàng trắng” ở Lêningrad[18]. Trong chuyện này giữa Stalin và Hitler không có sự phân biệt. Mãi tới khi Stalin qua đời, Naum mới được trở về Moskva. Anh nói anh không bao giờ quên chuyến đi tới miền Cực đông băng giá trong toa tàu chở súc vật với những thanh gỗ đóng chéo ngoài cửa. Cách di chuyển dân Do Thái đi tới các nơi lưu đày của cơ quan an ninh Liên Xô cũng lại giống hệt cách phát-xít Đức chuyển tù Do Thái tới các lò thiêu.

Câu chuyện của Naum Kleiman[19] làm tôi choáng váng. Chủ nghĩa cộng sản trong hình dung của tôi hẳn hòi là không có, và không thể có gì chung với tệ kỳ thị chủng tộc. Tôi quan niệm mọi giống người là như nhau, bình đẳng với nhau, người ta sinh ra là để thương yêu nhau. Tôi rất thích một ca khúc của anh Lưu Hữu Phước, một người Nam Bộ hồn nhiên, mở đầu bằng hai câu “Vàng, đen, trắng, nước da không chia tấm lòng. Biên giới kia khôn ngăn mối dây tâm tình… ”[20] Đó chính là thế giới mà tôi muốn được thấy khi đi với chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản của Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và Huỳnh Ngự không giống thế. Chẳng những không giống, nó khác hẳn, là hình ảnh ngược lại của cái chủ nghĩa cộng sản mà chúng tôi hình dung. Trong đầu những tên độc tài, Stalin cũng như Hitler và lũ lâu la của chúng trên khắp thế giới, không hề có khái niệm các dân tộc là bình đẳng. Trong khi sùng phục các nước cộng sản lớn là Liên Xô, Trung Quốc, đám lãnh tụ cộng sản mà tôi biết, trong mối quan hệ với những nước nhỏ láng giềng như Lào và Campuchia thực sự là những tên thực dân khinh rẻ người bản xứ. Lần đầu tiên tôi được thấy chủ nghĩa cộng sản phân biệt chủng tộc. Tất nhiên là tôi hiểu sai, mà họ mới là người hiểu đúng. Trong tôi, chủ nghĩa cộng sản có giáng dấp Thiên chúa giáo, nơi mọi người đều là con cái của Chúa. Trong họ, cái chủ nghĩa cộng sản đang được thực hiện kia mới là chủ nghĩa cộng sản đích thực, cho dù chính người khai sinh ra nó có lẽ cũng không hình dung nổi nó sẽ là như thế.

Cả những đứa trẻ cũng không được yên khi cuộc trấn phản đã bùng lên thành cơn cuồng tàn sát. Nhân danh cách mạng, những người cộng sản đích thực nọ chuyên chính với cả con nít. Cách suy nghĩ của nhà cầm quyền chuyên chính vô sản Liên Xô thật đơn giản: nếu cha mẹ của những đứa trẻ đã là “kẻ thù của nhân dân xô-viết” thì con cái chúng lớn lên nhất định cũng sẽ trở thành “kẻ thù của nhân dân xô-viết”. Một trong những nghị định của Bộ Nội vụ thời Stalin ghi rõ: “… Vợ con những tên phản bội Tổ quốc phải bị giam giữ trong các trại tập trung với thời hạn không dưới 5 – 8 năm tù, tùy theo mức độ nguy hại cho an ninh xã hội. Những đứa trẻ có hại cho an ninh xã hội phải đem xử án, tùy theo tuổi, tùy theo mức độ nguy hại và khả năng cải tạo chúng, chúng phải bị giam giữ trong các trại tập trung, các trại cải tạo lao động của Bộ Nội vụ hoặc giam giữ tại các nhà trẻ với chế độ đặc biệt”[21].

Thì ra dưới lớp vàng son lộng lẫy trưng ra mặt tiền một xã hội tuyệt vời lại là những vụ thanh toán cung đình, những vụ thủ tiêu mờ ám, những vụ trấn phản đẩy hàng triệu dân chúng vô tội vào các trại tập trung khủng khiếp, không trừ cả phụ nữ và trẻ em.

Tôi bị sốc thật sự.

Một phần trong những tội ác của Stalin – tôi nói “một phần” vì sau này người ta còn phát hiện nhiều tội ác khác, thí dụ như vụ thủ tiêu binh lính, sĩ quan và các nhà chính trị Ba Lan vào năm 1940 (lực lượng những người kháng chiến Ba Lan không cộng sản này chạy sang đóng quân nhờ đất bạn) tại khu rừng Katưn thuộc tỉnh Smolensk (nay thuộc Ukraina). Con số được nói tới khoảng 30. 000 người. Không thể nào tưởng tượng nổi: người ta hành quyết 30. 000 người rồi vùi trong các huyệt tập thể.

Còn khủng khiếp hơn nữa khi nghe lời bình trong một bộ phim tài liệu, rằng ở khu rừng ấy còn có cả di thể của chính các công dân xô-viết: “không rõ họ là những ai, con số họ là bao nhiêu, bởi vì chẳng ai quan tâm tới những người xấu số ấy”. Đấy mới là mặt thật của nước Nga vô tình với số phận chính những đứa con của nó. Bộ phim này cũng chỉ có thể ra đời sau khi đế chế xô-viết sụp đổ. Trong thời kỳ tồn tại của chế độ chuyên chế, mọi sự thật bất lợi cho nhà cầm quyền đều bị bưng bít.

Những gì được nêu lên trong Báo Cáo Mật[22] do Nikita Khrushov trình bày trước Đại hội XX, tuy vậy cũng còn xa mới tới được sự thật trong nghĩa đúng của nó. Nhà cầm quyền cộng sản sau Stalin, vì nhiều lý do đã không dám phơi bày hết những gì đã xảy ra sau bức màn sắt. Cái chính là họ không đủ can đảm miêu tả đế chế xô-viết như đế chế của tội ác, bắt nguồn từ chính mô hình cai trị xô-viết.

Không biết bằng cách nào, nhưng chỉ vài tuần lễ sau Đại hội, Báo Cáo Mật đã được đăng tải trên trang nhất những tờ báo lớn ở “thế giới tự do”. Những người cộng sản Liên Xô chỉ được biết về những chuyện kinh khủng xảy ra ở nước mình được nêu ra trong Báo Cáo Mật rất lâu sau những độc giả vô công rồi nghề ở các nước khác.

Lẽ đương nhiên, các đoàn đại biểu dự Đại hội đều được nhận Báo Cáo Mật. Ngay cả trong hình thức không đầy đủ của nó, nó cũng làm cho những người nhận được phải rùng mình vì những vụ thanh trừng đẫm máu được Nikita Khrushov phanh phui. Báo Cáo Mật là sự vạch trần đầu tiên những dối trá được che đậy bằng những lời lẽ mị dân mỹ lệ.

Ở Việt Nam, trừ các ủy viên Bộ Chính trị và vài ủy viên Ban Bí thư, không ai được đọc Báo Cáo Mật. Tôi được biết nội dung Báo Cáo Mật là do tướng Lê Liêm[23] kể lại tỉ mỉ, nhìn vào những dòng ghi chép trong sổ tay. Lê Liêmchỉ là ủy viên Trung ương dự khuyết, ông không có tiêu chuẩn đọc Báo Cáo Mật, muốn đọc nó ông phải đi mượn. Ông là người có quan hệ tốt với mấy uỷ viên Bộ Chính trị nên mới mượn được, chứ nhiều ủy viên Trung ương khác thậm chí chưa được cầm nó trong tay.

Báo Cáo Mật là tiếng nói bất bình, là sự lên án lối cai trị tùy tiện, độc đoán, tàn bạo nhưng chưa phải sự đoạn tuyệt với nó. Nikita đã không đi đến cùng. Điều này càng về sau càng rõ. Hoặc ông chưa đủ gan, hoặc ông còn bị kiềm chế bởi các thế lực thân Stalin, hoặc chính ông thấy xấu hổ nếu phơi bày tuốt tuột những cái xấu của chế độ xô-viết mà ông phục vụ. Hoặc, tệ hơn thế, ông vẫn là một người cộng sản mang trong đầu cái não trạng cộng sản Stalin mà không ý thức được điều đó. Vì thế báo cáo mới là mật, mới không là công khai. Cái còn thiếu rõ ràng trong bản báo cáo là thái độ sám hối. Trong báo cáo, Nikita xuất diện chỉ với tư cách người buộc tội. Ông xấu hổ trước những gì xảy ra trên đất nước xô-viết. Ông lên án những việc làm bất nhân, vô đạo. Nhưng chẳng lẽ không phải chính ông đã từng ở trong đám thuộc hạ của Stalin trong khi tội ác diễn ra, nếu không trực tiếp thì cũng gián tiếp nhúng tay vào máu? Ông cũng chưa một lần nói “Không!” để chặn đứng bàn tay giết người của Stalin.

Như một nghịch lý, những người dựng lên chế độ xã hội chủ nghĩa lại thiếu đức tính mà họ có thừa khi còn đấu tranh chống nền chuyên chế. Ấy là lòng dũng cảm. Chỉ tới Đại hội XX các đại biểu mới bàng hoàng trước sự thật được công bố: trong số 139 ủy viên Trung ương được Đại hội XVII (1934) bầu ra đã có tới 98 người bị bắn và tống giam. Vị chi là trên hai phần ba. Không một ai trong những người còn sống sót dám lên tiếng. Stalin đã thành công trong việc đánh thức bản năng sinh tồn trong mỗi nạn nhân của ông ta. Ai cũng sợ cái chết cầm chắc khi động tới lãnh tụ vĩ đại. Không cứ Ban chấp hành Trung ương, trong số 1. 956 đại biểu đi dự Đại hội XVII có tới 1. 108 người sau này bị kết án phản cách mạng, bị bắt và bị giết.

Hiện tượng Khrushov gây ra sự ngạc nhiên có lý trong hàng ngũ những người cộng sản Việt Nam. Kể cả những người có tư tưởng cấp tiến nhất trong thời kỳ ấy cũng không hiểu nổi vì sao ngay trong lòng chủ nghĩa xã hội đã được thiết lập vững chắc ở Liên Xô lại nảy nòi ra một Khrushov bặm trợn, dám đạp đổ thần tượng.

Tôi cho rằng trong khi giải thích hiện tượng Khrushov, người ta có khuynh hướng làm rối rắm vấn đề. Sự thật, theo tôi, đơn giản hơn.

Khrushov cũng là con người. Như mọi con người, ông thèm tự do. Chế độ toàn trị tước đoạt mọi quyền tự do không riêng của bầy nô lệ, mà của cả quần thần của nó. Chỉ có thấm nỗi đau bị mất tự do, ý thức được nỗi nhục nhằn của thân phận tôi tớ, Khrushov mới có đủ dũng khí từ bỏ quyền độc tôn thống trị “cho sống được sống, bắt chết phải chết” mặc nhiên có của ông trong cương vị bí thư thứ nhất của Đảng khi phanh phui tệ sùng bái cá nhân Stalin[24].

Trong ý nghĩa này Khrushov còn hơn một anh hùng, ông là một Con Người, viết hoa.

Cuộc tấn công của Đại hội XX vào tệ sùng bái cá nhân không phải chỉ là quả bom siêu mạnh ném vào dinh lũy chế độ chuyên chế ở Liên Xô. Nó còn làm rung chuyển toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa. Bất kỳ nước nào thuộc hệ thống này cũng có sự sùng bái cá nhân y như thế.

Nhưng nghịch lý vẫn còn đó: những người cộng sản mới hôm trước đi đầu trong việc xóa bỏ sùng bái cá nhân, bảo vệ quyền con người, thì hôm sau lại đàn áp những người dân thường tại Hungari chỉ vì những người này dám đòi thêm một chút tự do. Ông Khrushov chống sùng bái cá nhân biện bạch: xe tăng Liên Xô đến Budapest để bảo vệ chủ nghĩa xã hội[25]!

Thì ra sống bảo thủ dễ chịu hơn nhiều so với sống trong sự tự mình phải đổi mới. Người dám đổi mới là người dám đổi mới chính mình trước đã.

Một lần nữa, cuộc sống cho ta thấy nó đầy nghịch lý – trong chính có tà, trong tà có chính, trong người anh hùng của đại nghĩa vẫn có thể ẩn náu một tên tiểu nhân đểu cáng.

Hoàn toàn bị bất ngờ trước bước ngoặt trong phong trào cộng sản quốc tế do Đại hội XX ĐCSLX gây ra, ban lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam khéo léo chọn thái độ kẻ ngoài cuộc: dào, chống sùng bái cá nhân là phải thôi, là đúng lắm, lãnh đạo là phải tập thể chứ, lãnh đạo cá nhân đâu có được, nhưng đó là chuyện của Liên Xô, của các nước Đông Âu, đâu phải chuyện nhà mình. Ở ta làm gì có những chuyện tệ như bên họ.

Và thế là trong khi cả thế giới cộng sản chống sùng bái cá nhân hối hả dẹp đi những trò chướng mắt của thói xấu ấy, thì ở Việt Nam người ta vẫn ngang nhiên trương chân dung ông Hồ Chí Minh, ông Lê Duẩn, ông Trường Chinh, cỡ lớn trong những cuộc mít tinh, biểu tình.

Đại hội XX lôi tôi ra khỏi nghệ thuật, bắt tôi mở mắt ra để thấy ở bất cứ nước nào có chế độ độc tài, tình hình cũng thế cả. Những nhà độc tài của mọi nước chỉ cho phép tồn tại thứ nghệ thuật tay sai, nghệ thuật bồi bếp, để thực hiện chức năng tôn vinh nền chuyên chính và nhà độc tài, để đánh bóng mạ kền cho chế độ. Mọi hoạt động nghệ thuật ở bên ngoài không gian sinh tồn đã được qui định đều bị coi là bất hợp pháp.

Hậu quả trực tiếp của Đại hội XX ĐCSLX xảy ra ngay trong trường tôi.

Mùa đông năm 1956, sinh viên nước Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên Ho Un Pei, nhà thơ, đảng viên cộng sản, trong cuộc họp bất thường của chi bộ mà anh là bí thư, đã lên tiếng đòi Đảng Lao động Triều Tiên phải nghiêm khắc kiểm điểm chủ tịch Kim Nhật Thành[26] về những hiện tượng phi dân chủ, sùng bái cá nhân.

Trước khi sang Liên Xô học, Ho Un Pei là sĩ quan tình báo, hoạt động tại Hán Thành, nhiều lần bị thương, từng bị địch bắt. Sau khi anh gửi bản kiến nghị của chi bộ lên sứ quán, các nhân viên mật vụ Triều Tiên đội lốt cán bộ ngoại giao lập tức đến trường mời anh tới gặp đại sứ. Sẵn sàng để tranh luận, anh đến, nhưng vừa bước vào trong sứ quán thì lũ mật vụ đã l65tyk xô tới, chúng xúm vào đánh anh, giam anh lại trong một phòng của sứ quán. Ho Un Pei đã dùng mẹo nhà nghề lừa được bọn mật vụ. Anh năn nỉ xin chúng cho đi tắm rồi đập cửa sổ phòng tắm chui ra, nhảy từ tầng lầu thứ tư xuống, vùng thoát ra ngoài. Tuyết gom thành đống dưới chân tường đã giảm nhẹ cú rơi từ độ cao hơn hai chục thước. May cho anh, người lính Liên Xô gác cửa sứ quán đã không ngăn cản anh chạy ra.

– Chúng nó định thủ tiêu cậu? Ngay trong sứ quán? Thật càn rỡ!

Được tin anh thoát hiểm, chúng tôi kéo đến hỏi thăm.

– Không, chúng nó nói sẽ áp giải mình về nước. – anh kể về cuộc đào thoát, cánh tay bị sái treo trước ngực – Mình đề nghị chúng nó cho gặp vợ mình trước khi về (anh có vợ, cũng người Triều Tiên, học tại trường y Moskva), đề nghị cho mình quay lại ký túc xá lấy quần áo thì chúng nó cười đểu: “Về đến Triều Tiên mày không cần vợ nữa đâu, quần áo thì một bộ đã thừa đủ”.

Nước mắt ròng ròng, Ho Un Pei đọc cho tôi nghe những bức thư anh gửi Trung ương Đảng, chính phủ, quốc hội, gửi chủ tịch Kim Nhật Thành: “Tôi tuyên bố từ bỏ Đảng đã phản bội nhân dân Triều Tiên anh hùng và đau khổ… Tôi đau lòng từ bỏ quốc tịch Cộng Hòa Nhân Dân Triều Tiên, vì nó không xứng đáng với tôi, vì nó không phải là quốc tịch của tôi mà là dấu ấn đóng trên trán tên nô lệ… Trong mình tôi mãi mãi chảy dòng máu của tổ tiên và tôi mãi mãi mang trong tôi niềm tự hào là người Triều Tiên… ”

Tôi gai người khi nghe Ho Un Pei đọc những dòng chua xót.

Người của Kim Nhật Thành thất bại trong vụ bắt cóc Ho Un Pei.

Liên Xô sau Đại hội XX đã là Liên Xô khác. Nhưng cũng chưa khác lắm. Trường Đại học Điện ảnh Liên Xô đã làm một việc đáng xấu hổ. Người ta công bố lệnh đuổi học đối với sinh viên Ho Un Pei mà không nêu lý do.

Ho Un Pei bỏ đi Tashkent[27], ở đó anh được nhận làm giảng viên văn học Triều Tiên. Sau Đại hội XX, Liên Xô không hoàn toàn còn là Liên Xô cũ.

Sau việc xảy ra với Ho Un Pei, tôi kinh tởm Kim Nhật Thành và cái nhà nước của ông ta. Viên cựu trung úy Hồng quân Liên Xô đã biến Bắc Triều Tiên thành một trại lính, trong đó dân chúng bị cai trị theo cách lính tẩy.

Phản ứng của Mao Trạch Đông[28] đối với những kết luận của Đại hội XX mạnh mẽ hơn cả. Mao không tha cho Khrushov tội dám tấn công vào trật tự đã được thiết lập một lần cho mãi mãi tại cái quốc gia cho đến lúc ấy còn đứng đầu phe xã hội chủ nghĩa, mà phản ứng dây chuyền của nó chắc chắn sẽ làm lung lay ngai vàng của Mao.

Chống sùng bái cá nhân ở Liên Xô không thể không ảnh hưởng tới vị trí độc tôn của Mao. Để đối phó với tình hình mới, khi những tiếng nói đòi dân chủ và tự do vang lên ngay bên trong “bức màn tre” Trung Quốc, Mao nham hiểm gài bẫy “Bách hoa tề phóng, bách gia tranh minh” (trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng) cho “cỏ dại”, “tiếng lạ” lộ hình để trừ diệt. Một mưu kế thật hiểm độc. Cuộc vận động này được Mao Trạch Đông phát động từ tháng 5-1956, được đặc biệt đẩy mạnh sau Đại hội VIII ĐCSTQ, kỳ I (từ 15. 9-27. 9 năm 1956). Nó mở đầu cho cuộc tấn công nhằm vào những người muốn thay đổi trật tự xã hội Trung Quốc, gọi bất cứ ai không ưa Mao và không được Mao ưa là “phần tử hữu khuynh chống Đảng, chống chủ nghĩa xã hội”.

Những lời bài bác Liên Xô vốn có sẵn trong Mao nay được nhấn mạnh thêm. Sự rạn nứt trong khối xã hội chủ nghĩa và trong phong trào cộng sản quốc tế bắt đầu.

Cuộc họp mặt các đảng cộng sản và công nhân trên thế giới năm 1957 và đặc biệt Hội nghị 81 đảng cộng sản và công nhân thế giới tại Moskva vào tháng 11 năm 1960, bốn năm sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Liên Xô, với bản Tuyên bố chung gượng gạo, chỉ là những thỏa hiệp bất đắc dĩ. Bị lôi kéo vào cuộc chiến ý thức hệ không những chỉ có những đảng cầm quyền ở một số nước xã hội chủ nghĩa, mà còn một loạt các đảng cộng sản và công nhân. Tình trạng phân liệt xảy ra trong hầu hết các đảng, có những nước có tới hai ba đảng, đảng nào cũng xưng mình là mác-xít-lê-nin-nít.

Trong cuộc chiến ý thức hệ, Mao hy vọng rồi đây Bắc Kinh dưới sự lãnh đạo của Mao sẽ trở thành trung tâm lãnh đạo phong trào cộng sản quốc tế. Báo chí Trung Quốc khua chiêng gõ mõ về một thời đại mới – thời đại “gió Đông thổi bạt gió Tây”, trung tâm cách mạng chuyển về châu Á.

Đến lượt mình, Khrushov lại phạm vào sai lầm tổ tông truyền của chủ nghĩa nước lớn: Liên Xô đơn phương cắt viện trợ cho Trung Quốc, rút toàn bộ chuyên gia giỏi về nước. Nếu căn cứ vào những nguồn tin Trung Quốc thời kỳ đó thì tháng 7-1960 Khrushov đã xóa bỏ 600 hiệp định và hợp đồng, rút toàn bộ chuyên gia đang làm việc tại Trung Quốc, làm tổn hại nặng nề cho nền kinh tế Trung Quốc. Một số tài liệu Liên Xô thì lại nói rằng chính Trung Quốc đã yêu cầu Liên Xô cho rút chuyên gia về. Khó có thể biết được trong hai nguồn tin trên cái nào là thật.

Lập tức các phương tiện truyền thông của cái quốc gia gần một tỷ dân được huy động toàn lực để vạch mặt những tên phản bội chủ nghĩa Marx-Lênin, vạch mặt bọn xét lại hiện đại và chủ nghĩa xét lại hiện đại. Những người dân Trung Quốc hiền lành chẳng biết gì đến các thứ chủ nghĩa xét lại hay không xét lại nọ liến bị huy động xuống đường đánh trống đánh phèng, ngớ ngẩn hô theo những khẩu hiệu được chế tạo từ Trung Nam Hải[29]. Phố xá loè loẹt khẩu hiệu viết bằng chữ lớn tố cáo, phản đối bọn xét lại Liên Xô dám làm lung lay ngai vàng của hoàng đế đỏ họ Mao.

Cuộc tấn công bằng nước bọt và mực in diễn ra theo đúng bài bản mà người Việt Nam đã hân hạnh được biết trong Cải cách ruộng đất: bắt đầu bằng đấu lưng (vạch tội kẻ bị đấu ngồi quay lưng lại), sau mới đấu mặt (đấu trực diện, chỉ tận mặt, gọi đích tên ra mà đấu).

Trong giai đoạn đầu tiên của cuộc cãi vã giữa hai nước đàn anh, ông Hồ Chí Minh, nhạc trưởng của cái dàn nhạc khôn lỏi chỉ biết chơi có một bài tủ “Kết đoàn chúng ta là sức mạnh”, liền cho cử nhạc lên, nhưng lần này tiếng kèn yếu ớt của ông bị tiếng trống của hai bên xung đột đang say máu ăn thua dập tắt.

Do học thức kém, các văn kiện lý thuyết của Liên Xô làm các nhà lãnh đạo Việt Nam thất đảm bởi giọng văn hàn lâm cao đạo, trong khi cách lý giải theo lô gích tam đoạn luận rất bình dân của các lý thuyết gia Bắc Kinh lại hợp với tầm kiến thức của họ, làm cho họ thấy cái gì Trung Quốc nói cũng phải. Ấy là chưa kể giữa hai nước cộng sản châu Á trước nay vẫn có một mẫu số chung là gốc rễ phong kiến, trong lòng mỗi người dân có một ông quan. Trong tâm trạng hoang mang trước một tương lai bỗng dưng trở thành không xác định của phong trào cộng sản, các nhà lãnh đạo Việt Nam, mặc dầu đã ngả theo Trung Quốc, vẫn kiên trì chủ trương đường lối khôn ngoan của nhà nghèo – gửi tiền vào hai ngân hàng cùng một lúc. Cho nó chắc ăn. Ít nhất thì đó cũng là lập trường của ông Hồ Chí Minh.

– Ông Cụ lừng khừng vì ông ấy lúng túng trong những vấn đề phức tạp của cuộc đấu tranh lý thuyết. – cha tôi giải thích lập trường trung dung của ông Hồ trong cuộc cãi vã quốc tế – Ông Cụ không rành lý thuyết. Ông ấy chỉ thích những cái đơn giản. Cái vụ ông chọn Đệ tam quốc tế chứ không chọn Đệ nhị quốc tế ở Đại hội Tours[30] là một thí dụ. Quốc tế tốt là Quốc tế ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc ở các thuộc địa.

Ông Hồ thuộc sử nước nhà lắm. Đánh nhau với thiên triều, thắng thì thắng đấy, mà vẫn phải sai sứ sang cầu hòa, xin được làm chư hầu. Noi gương các cụ, ông nhũn nhặn với bất kể Trung Quốc nào, Trung Quốc Tưởng hay Trung Quốc Mao. Đường đường là chủ tịch một nước độc lập, năm 1945 ông Hồ vẫn hạ mình thân đến chào các tướng Tiêu Văn và Lư Hán[31] vào ngày họ tới Hà Nội. Ông căn dặn cha tôi phải lo đầy đủ thuốc phiện cho Long Vân con[32] “Kẻo nó giận thì lôi thôi lắm, thằng nhóc ấy có thể ảnh hưởng xấu đến mối bang giao của ta với họ”. Khi La Quý Ba[33], đại sứ đầu tiên của Trung Quốc Mao tới Việt Bắc, ông sai cha tôi phải chọn địa điểm cho đẹp, dựng nhà cho đẹp để họ La ở: “Mình thế nào cũng xong, chứ với người ta thì phải chu đáo. Họ xét nét lắm đó!”. Ông nhớ lần ông bị bắt ở Hồng Kông[34], ngày một ngày hai sẽ bị chính quyền Anh trao cho chính quyền thuộc địa Pháp, nhưng các đồng chí Trung Quốc của ông thì lại lờ đi, mặc cho ông tự xoay xỏa. Ông cũng không quên lần ông tới Bắc Kinh để đi tiếp Moskva, năm 1950, bị Mao bắt chầu chực chán chê ở nhà khách rồi mới cho tiếp kiến. Ông nhớ, và ông để bụng.

Biết ông viện trưởng Viện Sử học Trần Huy Liệu[35] đang điên tiết vì bức ảnh đăng trên Nhân dân nhật báo Bắc Kinh với dòng chú thích: “Đồng chí Trần Huy Liệu, trưởng đoàn đại biểu Việt Nam đã được hân hạnh Mao chủ tịch cho bắt tay” nhân một forum Bắc Kinh bàn về hình thái xã hội chủ nghĩa năm 1965, ông Hồ Chí Minh an ủi ông Liệu: “Thôi, người ta bao giờ chả rứa, thiên triều mà!” Chuyện này tôi được nghe ông Liệu kể lại.

Một hôm tôi đến thăm ông Liệu, thấy bức ảnh Mao Trạch Đông vẫn thường treo trong nhà không còn ở chỗ cũ, tôi hỏi thì ông Liệu kể cho nghe chuyện xảy ra với ông ở Bắc Kinh, chuyện ông Hồ an ủi ông. Ông nói: “Tao cũng như Bác Hồ, tao ỉa vào thiên triều, tao là thằng dân tộc chủ nghĩa”. Chính thái độ lừng khừng trong giai đoạn này của Hồ Chí Minh làm cho lớp đàn em đang hăng máu chống Liên Xô coi thường ông[36]. Mặt ngoài họ làm ra vẻ kiên trì đường lối đứng giữa, trên thực tế họ đã sà vào chiếu bạc rồi, đã xỉa tiền vào cửa Trung Quốc rồi.

Phóng viên Klaus Pommerening của hãng thông tấn ADN (Cộng hoà Dân chủ Đức) thường trú tại Hà Nội vào thập niên 60 nhận định rằng từ năm 1960 đã thấy có một sự chuyển hướng rõ rệt của ban lãnh đạo Đảng Lao dộng Việt Nam về phía lập trường của Trung Quốc. Bằng chứng là việc đẩy mạnh chiến tranh chống Cộng hoà Việt Nam, cùng với việc thành lập Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam – dấu hiệu chống lại đường lối cùng tồn tại trong hoà bình giữa các chế độ khác nhau. Đến hội nghị trung ương 9 (tháng 12. 1963) thì lập trường cách mạng bạo lực của Bắc Kinh chiếm lĩnh con tim và khối óc của nhà cầm quyền Hà Nội[37]. Cũng từ đó những đảng viên tán thành đường lối cách mạng phi bạo lực và cùng tồn tại trong hoà bình bị đối xử xấu, rồi bị trấn áp.

Khởi đầu “cuộc đấu tranh giữa hai đường lối” ở Việt Nam là như vậy, theo cách nhìn của Pommerening. Trong nhận định ấy nó có diện mạo một cuộc thánh chiến vì lý tưởng mác-xít. Nhìn từ bên trong thì càng về sau, nó càng lộ ra tính chất đời thường với những tham vọng thế tục của mấy cá nhân nắm quyền lãnh đạo đảng, cũng là quyền cai trị cả nước.

Nói chung, chính trị cởi bỏ áo quần thì nó là đời thường, như tôi thấy.

Cuộc tấn công lý thuyết nhằm vào điện Kremli đã được họ Mao tính kỹ. Nó giúp Mao Trạch Đông bắn một mũi tên mà được hai con thỏ. Một mặt nó che lấp hậu quả nặng nề của “bước nhảy vọt vĩ đại”[38] đã và đang làm suy kiệt nền kinh tế Trung Quốc, mặt khác nhân cơ hội này Trung Quốc sẽ giành lấy vị trí lãnh đạo thế giới cộng sản. Mà đây đâu phải chuyện danh vọng hão. Với đường lối bành trướng của Mao về cả lãnh thổ lẫn kinh tế, Trung Quốc rồi sẽ được cả tiền thật, chứ không phải bạc giả.

Thế giới cộng sản đang tách đôi: hai con đường, gần như hai mô hình xã hội.

Bị trói buộc bởi ý thức hệ cộng sản, chúng tôi chỉ có sự lựa chọn hai lấy một. Không có con đường thứ ba cho những người còn nằm trong ý thức hệ cộng sản. Không lưỡng lự, chúng tôi âm thầm bỏ phiếu cho mô hình Liên Xô. Mô hình này, theo chúng tôi, tốt hơn hẳn mô hình Trung Quốc. Tại Liên Xô sau Đại hội XX đang manh nha một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó những quyền tự do và dân chủ được luật pháp bảo đảm. Nhà nước này chủ trương hòa bình tiến lên chủ nghĩa xã hội, chứ không lấy bạo lực áp đặt chủ nghĩa xã hội lên các dân tộc, là cái phù hợp với tình hình thế giới hiện tại.

Chế độ xã hội Trung Quốc, cũng như chế độ xã hội Việt Nam không hứa hẹn một cái gì tương tự. Nếu ở Trung Quốc là chế độ toàn trị cởi truồng thì ở Việt Nam, vẫn chế độ ấy, còn giữ lại manh khố.

Lấy Trung Quốc làm thí dụ.

Mao muốn thế giới thấy dưới sự lãnh đạo của ông ta, trong một thời gian cực ngắn Trung Quốc sẽ vươn lên ngang tầm với các nước tiên tiến trên thế giới. Chẳng hạn ông chủ trương trong vài năm Trung Quốc phải đạt được sản lượng gang vượt nước Anh. Ông hô hào, ông ra lệnh. Thế là từ năm 1958 trên đất nước bao la các lò luyện thép sân sau mọc lên như nấm. Nhà nhà luyện gang, người người luyện gang. Các hợp tác xã nông nghiệp không chú ý tới trồng lúa, trồng cao lương nữa, dồn sức vào luyện gang. Người ta phá tủ quần áo, chẻ bàn học, mang cả ban thờ ông bà ông vải ra đốt lò. Gang ra ùn ùn. Nhưng chẳng nền công nghiệp nào cần tới thứ gang ấy, chúng chẳng để làm gì.

Mấy anh bác học nhà quê trình lên Mao một con toán lập theo quy tắc tam suất: nếu một con chim sẻ một ngày ăn hết bằng này hạt thóc thì toàn bộ chim sẻ ở Trung Quốc một ngày sẽ ăn hết bao nhiêu, một năm sẽ ăn hết bao nhiêu? Hiện ra những con số khủng khiếp. Người cầm lái vĩ đại bèn hạ bút một nhát ra lệnh tiêu diệt bằng hết lũ chim ăn hại. Gần một tỷ dân đổ ra đồng, khua chiêng, gõ mõ, thúc trống, đập mẹt, đập thùng, đốt pháo… làm cho trăm họ chim chóc kinh hồn táng đởm bay tán loạn, bay mãi, bay mãi, không dám đáp xuống, không còn chỗ nào yên để đáp xuống, cho tới khi rã cánh thì rơi xuống mà chết, hoặc để bị đập chết. Tôi rùng mình khi nhìn thấy những bức ảnh chụp xác chim chồng chất cao như đống rạ trên họa báo Trung Quốc. Thiên nhiên lập tức cho Mao một cái tát trời giáng. Mất mùa. Sâu bệnh. Không còn chim để bắt sâu. Cùng với chim sẻ, mọi giống chim biến mất trên đại lục mênh mông. Nạn đói hoành hành.

Chẳng bao giờ người cầm lái vĩ đại lẫn đám đệ tử của ông ta lặng lẽ nhận sai. Cái vụ tàn sát chim, cũng hệt như những vụ tàn sát người, rồi bị lờ tịt, cho chìm vào quá khứ, coi như chưa từng xảy ra[39].

Cơn cuồng phong bắt đầu từ Đại hội XX Đảng cộng sản Liên Xô lớn dần thành cơn bão trong khối nhân sinh cộng sản, mà mắt bão ở Trung Quốc. Chúng tôi cảm thấy rõ rệt bầu không khí ngột ngạt báo trước cơn bão sẽ tràn tới Việt Nam. Nhưng chúng tôi không có cách nào tránh nó.

Đành tự an ủi: mình còn may chán – ở Việt Nam chỉ có bão rớt thôi!

6

Hôm sau, tôi lại bị gọi ra. Thấy Huỳnh Ngự ngồi trong phòng hỏi cung, tôi quay ngoắt. Huỳnh Ngự nghiến răng ken két sai cai ngục đưa tôi sang phòng bên. Tôi ngồi đấy, một mình trong căn phòng trống rỗng, ngáp ngắn ngáp dài. Đến gần trưa quản giáo mới đến, đưa tôi về.

Suất ăn lạnh ngắt đợi tôi ở xà lim. Trên phản, bên cái bát men đựng suất cơm tù là bộ quần áo tôi mặc trên người khi bị bắt.

Trong khi tôi vắng mặt, quản giáo đã đem thức ăn vào cho tôi, nhân tiện trả lại tôi quần áo. Về sau, nhờ anh bạn tù, tôi mới biết rằng việc quản giáo đưa cơm vào tận xà lim cho tù là ngoại lệ. Theo anh ta thì người trong vụ chúng tôi được đối đãi cách khác, có vẻ được nể nang hơn so với tù thường. Tôi nghĩ không phải chúng tôi được Đảng yêu mến, mà chắc Đảng lo chúng tôi có thể gây chuyện om sòm, không có lợi.

Chẳng có chuyện gì để nói, anh bạn tù nhẩn nha giới thiệu cho tôi biết về cảnh sống trong xà lim.

Thường lệ, đến giờ ăn thì quản giáo mở cửa cho tù trong các xà lim ra nhận phần cơm, sau đó đóng cửa lại. Độ nửa tiếng sau, tính rằng tù đã ăn xong, họ lại trở vào mở cửa cho tù ra trả bát rếch. Đối với tù xà lim, không có hiệu lệnh cho giờ ăn, không kẻng cũng không trống. Người tù không có quyền được ăn đúng giờ. Quản giáo có khi bận việc riêng, để nhà bếp gánh cơm cho khu xà lim cả tiếng đồng hồ rồi anh ta cũng chưa buồn vào mở cửa cho tù ra nhận. Mùa hè còn đỡ, chứ mùa đông ăn nguội đối với tù là một cực hình.

Tôi rất muốn biết có ai cùng vụ với mình ở đây không, nhưng ngoài mấy tiếng ho khan, tiếng đằng hắng khe khẽ vẳng đến từ những xà lim gần, tôi không nghe thấy người ta nói chuyện với nhau. Trong xà lim, tù không được phép nói to. Mỗi lần tôi quên, hơi cao giọng một chút là anh bạn tù đã nhắc:

– Chết, chết, anh nói khẽ chứ!

Nói to, gây tiếng động lớn bị cấm ngặt. Chỉ có một lần tôi thấy người tù nói to, nói oang oang, bất chấp mọi cấm đoán. Anh ta điên. Điên thì phải cho đi bệnh viện, lệ phải thế, ở nước nào cũng thế. Nhưng để tin chắc người tù điên thật chứ không điên giả, Ban giám thị để anh ta trong xà lim một thời gian để theo dõi cái đã – ấy là tôi đồ rằng như thế. Suốt thời gian anh ta ở đây, những người tù trong khu xà lim phải chịu trận với những tiếng kêu gào xé họng, những bài ca ư ử như tiếng người bị bóp cổ, những cơn khóc lóc thảm thiết nghe rợn tóc gáy giữa đêm khua.

Cái cùm sắt dưới chân phản lúc nào cũng sẵn sàng ngoạm lấy cổ chân người tù nếu anh ta vi phạm nội quy, mà tội dễ bị phát hiện nhất, cũng là tội thường nhất, là tội nói chuyện với xà lim bên cạnh.

Thế hệ ông tôi trở lên không biết đến loại cùm này. So với cùm lim thời phong kiến, đó là sự cải tiến mà bản quyền thuộc về nền văn minh thuộc địa. Nó là một thanh sắt bản rộng nối với một thanh sắt khác bằng bản lề. Khi người tù đã tra hai cổ chân vào hai chỗ lõm được đánh lõ, cai ngục mới chốt lại bằng khóa ở bên ngoài. Cái cùm không có cỡ, dùng chung cho mọi loại chân. Anh bạn tù dí dỏm nói rằng trông nó hao hao giống cái cổng tam quan.

Vì cái cùm là biểu hiện quyền uy, cho nên cán bộ quản giáo khoái trưng nó ra lắm. Họ cũng chẳng ngần ngại dùng nó mỗi khi có dịp.

Quản giáo thường xuyên rình mò bên ngoài, người ở trong khó mà biết được. Tưởng quản giáo đi rồi, tù buồng nọ liền í ới gọi buồng kia, thế là bị bắt quả tang. Cách rình mò của đám quản giáo giống hệt trò trốn tìm của trẻ con – quản giáo vờ loẹt quẹt đi khỏi khu xà lim, rồi rón rén đi những bước chân mèo quay trở lại. Không phải chỉ có quản giáo rình mò, các “ông bộ đội” cũng khoái rình mò lắm. Tóm được một tên tù phạm nội quy để cùm chân nó cái chơi là thú vui gần như duy nhất của cánh lính tráng coi tù.

Tôi chiến thắng lần thứ hai trong ngày tù đầu tiên, không để sót cọng rau nào. Chỉ có nước rau đen xì, quá mặn, là tôi bỏ. Những con mọt luộc hoàn toàn không gây phiền nhiễu cho đường tiêu hóa, cả bèo tấm cũng vậy.

Huỳnh Ngự trả lại quần áo nhưng lại quên phát chăn chiếu. Anh bạn tù nói rằng đêm Noen, hơn nữa lại chủ nhật, thủ kho nghỉ. Tôi nghĩ khác: nếu đã có người để phát quần áo thì cũng có thể phát chăn chiếu chứ. Người ta không phát là vì trong kịch bản của vụ bắt, ngành công an gọi là phương án, đã ghi không phát, để cho tôi nếm cái rét Hỏa Lò.

Đêm xà lim khó chịu nhất ở cái bóng điện sáng choang, có dễ tới 200 oát, treo ở chính giữa, bên trong một cái rọ sắt. Nó sáng suốt đêm. Sau cái tranh tối tranh sáng ban ngày, ngọn đèn chói chang làm cho mắt rất nhức nhối. Tôi lấy cái quần gấp lại che mắt, nhưng ánh sáng vẫn luồn qua được mấy lần vải để chui vào võng mạc.

– Kệ nó, rồi quen tuốt ấy mà! – từ phản bên anh tù nói vọng sang.

– Hồi mới vào đây anh có khó chịu lắm không?

– Ai chẳng khó chịu. Chẳng ai muốn sống thế này.

Anh bạn tù ngủ không cần che mắt. Để cho tôi đỡ rét, anh đưa cho tôi cái màn.

– Anh cứ dùng, đừng ngại. Mùa đông ở đây thảng hoặc mới có vài con muỗi mắt, tôi chịu được.

Trong ánh sáng điện chói lòa, những con muỗi chui sâu vào bên trong gậm phản ẩn nấp chờ thời. Những con choai choai thiếu kiên nhẫn xông lên đốt chúng tôi đều bị tiêu diệt nhanh chóng. Trên tường đầy vết máu khô, di tích cuộc chiến hàng ngày của tù với muỗi và rệp. Anh bạn tù nói số tôi đỏ, Hỏa Lò vừa mới được phun DDT vài ngày thì tôi vào. Một tháng nữa xem, thuốc hả rồi ấy à, muỗi lại bằng trấu, rệp lại nhung nhúc. Hồi ấy chẳng ai nghĩ tới tác dụng xấu của DDT đối với môi sinh. Chuyện những thứ thuốc diệt các loại ký sinh có thể gây ung thư cho người là chuyện xa vời. Tù còn xin những quản giáo tốt bụng bột DDT rắc lên đầu để diệt chấy. Không có DDT, người tù còn là khổ với đám ký sinh nọ.

Anh bạn tù kể rệp khôn hơn muỗi nhiều. Khi người tù chống lại bằng cách trải nylon lên phản, chui vào màn rồi gấp chân màn lại nhiều lần, tạo ra một ma trận rắc rối cho rệp không chui vào được, tức thì chúng dùng cách nhảy dù từ trên trần xuống, tìm những chỗ vải thưa mà luồn vào.

Tôi tặc lưỡi, trùm cái màn lên người. Tôi nghĩ nói phải hôi lắm. Nhưng không phải, nó không hôi, chỉ có mùi ẩm mốc. Ở đây có được cái đắp lên người là may rồi. Nếu người khác quen được, thì rồi mình cũng sẽ quen.

Lúc mới bước chân vào tôi không sao chịu nổi bầu không khí tù hãm đầy mùi xú uế trong xà lim. Thế mà mới có mấy giờ đồng hồ qua, tôi đã không còn thấy khó chịu như trước. Lúc mới vào, cái im ắng trong khu xà lim đè nặng lên tôi, giờ tôi lại thấy nó thú vị – ở ngoài không phải lúc nào tôi cũng được yên tĩnh như thế.

Nói tóm lại, không phải là không thể chịu được.

Anh tù hóa ra không đến nỗi hà tiện lời như tôi tưởng. Dần dà anh cũng tâm sự với tôi chút ít. Anh cho biết anh tên Thành, hồi kháng chiến chống Pháp là bộ đội tình nguyện ở Thượng Lào.

Thấy tôi không có ý định cởi mở với anh, anh ngừng ngay lời tâm sự. Nét mặt anh không vui. Biết làm thế nào được, cần phải quan sát anh cái đã. Tôi tin rằng chúng tôi ở cùng nhau cũng là một phương án của công an.

Tôi thao thức. Phản bên, anh bạn tù ngâm thơ:

Lần này chị bước sang ngang,

Là tan cả giấc mộng vàng từ đây.

Rượu hồng em uống cho say,

Vui lên cùng chị vài giây cuối cùng

Rồi đây sóng gió bão bùng,

Đầy thuyền hận chị lo không tới bờ.

Miếu thiêng vụng kén người thờ

Nhà hương khói lạnh chị nhờ cậy em.

Đêm nay là trắng ba đêm,

Chị thương thân chị con chim lìa đàn.

Một vai gánh vác giang san,

Còn vai nữa gánh muôn vàn nhớ thương.

Lòng sầu tóc rối tơ vương,

Em còn cho chị lược gương làm gì?…

Trong tù tôi còn nhiều lần được nghe người ta ngâm Lỡ Bước Sang Ngang. Những vần thơ của Nguyễn Bính[40] không hiểu sao lại hợp với tâm trạng người tù đến thế? Cũng là một thứ lỡ bước trong cuộc đời, mỗi người một cách, chắc vậy.

Mỗi người tù là một số phận riêng, chẳng số phận nào giống số phận nào. Mà chẳng phải người tù nào cũng có nỗi niềm oan ức. Hầu hết họ đều phạm tội đối với xã hội, phạm tội thật sự, và họ đang bị sống cách ly, bị trừng phạt xứng đáng với tội của họ. Họ có chung nỗi buồn của kẻ cô đơn, bị giam cầm trong cái chuồng thú giống cái chuồng của tôi và họ than thở nỗi mình qua những vần thơ Nguyễn Bính.

Nguyễn Bính qua đời, theo người ta kể, vào đêm trừ tịch Bính Ngọ (1966) trong một hoàn cảnh bi thảm. Hàng xóm thấy mấy ngày ông không ra khỏi nhà, báo công an đến phá cửa vào thì thấy nhà thơ nằm chết còng queo bên chai rượu uống dở, trên manh chiếu rách. Cũng lại xóm giềng chung tiền mua cho ông cỗ ván mộc và cùng nhau đưa chân nhà thơ đã để lại một Lỡ bước sang ngang đến nơi an nghỉ cuối cùng. Hội nhà văn chỉ được biết về cái chết của ông sau khi ông đã mồ yên mả đẹp.

Tôi không có hân hạnh quen biết Nguyễn Bính. Hồi Nguyễn Bính làm báo Trăm Hoa thì tôi đang ở Liên Xô. Tôi chỉ có hân hạnh quen Thiết Vũ, cán bộ Sở báo chí, người đã đánh Nguyễn Bính (theo nghĩa đen, thượng cẳng chân hạ cẳng tay). Trong một cơn yêu Đảng ác tính, cho rằng Nguyễn Bính dám chửi xỏ Đảng, Thiết Vũ đã nện Nguyễn Bính một trận dữ dội, đến nỗi các báo phải lên tiếng. Kể chuyện cũ, Thiết Vũ tỏ ra ân hận, anh nói sau đó anh đã xin lỗi Nguyễn Bính. Và Nguyễn Bính đã tha lỗi cho anh.

Theo lời đồn, và theo những lời kể không rõ ràng trong Cát Bụi Chân Ai của Tô Hoài, Nguyễn Bính chết đi còn để lại đứa con trai. Trước hôm chết, ông bế con ra phố, cho không một người qua đường. Người xin chắc cũng chẳng biết người cho là Nguyễn Bính. Đứa bé sẽ lớn lên với họ khác tên khác, không biết nó là con nhà thơ dân dã tuyệt vời, một nhà thơ lớn của thi ca Việt Nam. Những thiên tài thường giàu linh cảm. Nguyễn Bính tiên đoán cuộc ra đi cuối cùng của ông sẽ diễn ra trong nỗi cô đơn bậc nhất mà con người có thể gặp:

Chân bước hững hờ theo bóng lẻ,

Một mình làm cả cuộc phân ly.

Cũng theo Tô Hoài thì dường như tờ Trăm Hoa là một tờ báo do Đảng chủ trương, bằng chứng là nó được cung cấp giấy in giá rẻ[41].

Tính từ ngày khởi đầu vụ đánh Nhân văn – Giai phẩm cho tới nay là sắp trọn một con giáp. Phải chăng lịch sử trận chiến hư cấu với những vết thương có thật đã đi được một vòng để quay lại với hình dạng khác?

Trước ngày bị bắt không lâu, tôi gặp Trần Dần[42]. Anh dơ xe điếu dứ dứ vào mặt tôi mà phán:

– Này, cẩn thận đấy ông nhá! Nhìn đây này!

Anh chỉ cái sẹo ở cổ, nó được Nguyễn Sáng ghi lại trên bức ký họa bút sắt trên tờ Nhân Văn, kỷ niệm một cuộc tự vẫn không thành.

Văn Cao khó chịu với Trần Dần. Lý do: Trần Dần trong khi tự kiểm thảo đã đụng tới nhiều người, kéo họ vào cuộc với anh, làm cho họ điêu đứng.

– Thằng Dần tiếng thế mà không có gan. – Văn Cao nói – Mới bị đánh đã gục, đã phản tỉnh lung tung. Nó khai với Tố Hữu rằng Văn Cao khuyên tụi nó phục xuống mà đánh. Mà mình có nói thế bao giờ đâu. Mình chẳng chủ trương đánh ai. Thằng văn nghệ làm văn nghệ, thằng chính trị làm chính trị, mỗi thằng mỗi việc. Mình chỉ bảo tụi nó: làm gì thì làm, phải từ từ, phải ngó trước ngó sau. Làm gì có cái câu “phục xuống mà đánh”…

Văn Cao kể anh có gặp Nguyễn Hữu Đang[43], Trần Dần, Hoàng Cầm, Trần Duy vài lần thật, trong thời gian báo Nhân Văn ra, nhưng chỉ bàn chuyện sáng tác, chuyện làm báo, không phải họp bàn chuyện chống lãnh đạo. Qua những lần trò chuyện với Trần Dần, Trần Duy[44], và những người khác trong vụ Nhân văn – Giai phẩm, được nghe các anh kể những chuyện rất khác nhau về giai đoạn cực kỳ đen tối đối với văn nghệ sĩ và trí thức trong những năm 1956 – 1957, thì trong rất nhiều chi tiết rối rắm, bùng nhùng, cái thật, cái giả, cái phải, cái trái lẫn lộn, không biết đâu mà lần, tôi thấy nổi bật lên một điều – những nhà lãnh đạo cộng sản rất giỏi xui nguyên giục bị. Sau trận đánh, hàng ngũ văn nghệ sĩ tan tác, người nọ sợ người kia, người này hận người khác, mọi người nói không đúng về nhau, thậm chí nói xấu nhau. Nghe mà buồn, mà ngán cho thế thái nhân tình.

Tôi tin Văn Cao, nhưng tôi không nghĩ Trần Dần hèn[45]. Tôi đã được biết chỉnh huấn là thế nào. Trong không khí chỉnh huấn, con người có thể bị biến đổi trong một tập thể tự kỷ ám thị, như trong cuộc lên đồng. Trần Dần, khi tâm thần hoảng loạn, lại bị xúi giục, có thể bị ám thị rằng Văn Cao đã nói như thế. Còn Văn Cao, trong tâm trạng hậm hực cũng dễ hiểu nhầm bạn mình lắm.

Thỉnh thoảng lắm tôi mới rẽ vào thăm Trần Dần, vào nhanh rồi đi ngay. Anh cũng muốn thế, tôi ngồi lâu một chút là anh giục, sợ cho tôi hơn là sợ cho anh. Nhà cầm quyền nhìn anh như con bệnh suốt đời có khả năng gây ra lây nhiễm. Tôi thì lại không thấy ở anh bất kỳ sự nguy hiểm nào. Hồi mới ở Liên Xô về tôi thương Trần Dần, tôi nghĩ mình may mắn hơn anh. Bây giờ anh thương lại tôi, anh bảo anh còn may mắn hơn tôi. Dường như Trần Dần đã thấy trước, bằng trực giác, trận đòn thù tôi sẽ phải chịu.

Trần Dần ít nói (hay bị đánh nặng quá mà thành ít nói?). Có khi ngồi cả buổi với nhau anh chỉ nói vài câu tào lao. Nói cho đúng, nói thì vẫn nói, nhưng không bao giờ có chuyện về một đề tài cụ thể, mà là những mẩu độc thoại cần có hai người để thành đối thoại.

Tôi nhớ một hôm anh thủ thỉ: “Này, mình cũng người Nam Định đấy, cậu ạ. Cái vùng đất thịt này nổi tiếng vì những văn tài và những kẻ bất phục. E rằng trong máu chúng ta có cả hai thứ. ”

Anh hút thuốc lào liên tục, tiếng điếu bát ròn tanh tách trong căn phòng vắng lặng. Tôi tha hồ mày mò những mẩu bản thảo vương vãi quanh cái điếu, lặng lẽ đọc, thỉnh thoảng lại giật mình bắt gặp một tia chớp chói lòa trong chữ nghĩa của anh. Nhưng dù anh rất quan tâm tới bộ cánh cho ý nghĩ của mình, tôi thấy những ý thơ của anh luôn luôn cảm thấy chật chội vướng víu trong cả bộ cánh cách tân. Anh là người suốt đời đi tìm mà không thấy. Những kẻ chẳng bao giờ tìm ghét anh. Chúng sợ một lúc nào đó anh sẽ tìm được cái anh muốn tìm và cái đó sẽ làm lu mờ chúng. Sau những cuộc đối thoại tâm thần ấy, lúc chia tay, anh thường hỏi tôi: “Cậu hiểu mình muốn nói gì chứ?”. Tôi gật đầu. Thú thực, tôi chẳng hiểu gì hết trong những lời ngắn ngủi và lộn xộn của anh, câu trước không ăn nhập với câu sau, chưa nói hết mà đã tưởng nói hết rồi. Nếu anh muốn truyền tâm trạng anh sang tôi bằng ánh mắt của anh để tôi hiểu tâm trạng đó thì đúng là tôi đã hiểu. Tôi hiểu và tôi buồn. Buồn cho anh. Buồn cho tôi.

Trần Dần thương tôi, muốn tôi học được nết sợ hãi. Như anh đã học.

Thế hệ chúng tôi bất hạnh: chúng tôi ra đời trong thân phận nô lệ, lớn lên trong khói lửa chiến tranh và trưởng thành trong nỗi sợ hãi các đồng chí.

Tôi chạnh nghĩ đến cha tôi. Giờ này ông ở đâu? Theo lời đồn thì ông bị giam trong một biệt thự đầy đủ tiện nghi tại Hà Nội. Tôi không tin. Lời đồn không thể kiểm chứng nọ chắc hẳn do một trung tâm có chỉ đạo tung ra. Cũng như trong mọi việc đồi bại khác, các nhà lãnh đạo Hà Nội bao giờ cũng thích trưng ra bộ mặt tử tế – “các đồng chí tuy có sai lầm khuyết điểm thật, nhưng đều là người có công với cách mạng, cho nên đối xử với các đồng chí phải khác”.

Tôi lo cha tôi đêm nay lại bị cơn đau gan dày vò. Bệnh gan là hậu quả những cơn sốt rét rừng mà ông kiếm được từ trại giam Sơn La của Pháp. Nhưng ông còn đau đớn hơn bởi sự đối xử tàn nhẫn của những đồng chí ngày hôm qua.

Dòng suy tưởng lan man dẫn tôi về năm 1949, khi tôi bắt đầu cuộc đời người lính. Khi ấy tôi chưa đủ mười sáu tuổi. Để được nhận vào bộ đội, tôi và mấy người bạn thân rủ nhau nhét đá vào túi quần cho đủ cân để vượt qua cuộc sát hạch. Súng sính trong bộ quân phục kaki mới tinh do mẹ may cho, tôi đứng vào hàng ngũ bộ đội, lòng tràn đầy tự hào. Cả trường Nguyễn Khuyến đổ ra tiễn chúng tôi. Mẹ tôi, nước mắt lưng tròng, dúi cho tôi mấy đồng bạc phòng khi tôi cần đến. Sự săn sóc của mẹ làm tôi xấu hổ. Tôi vùng khỏi mẹ, chạy đi. Tôi đã là anh bộ đội cụ Hồ rồi mà mẹ còn coi tôi như bé bỏng lắm.

Chúng tôi hành quân theo đường Kim Tân, Kiểu, Bái Thượng, qua Nho Quan, giữa những đồi sim hoa tím Hữu Loan[46], qua những rừng lau sậy Trọng Hứa, trong ráng chiều Phạm Duy[47], xóa đi những mỏi mệt, những cơn sốt rét bằng những bài thơ, bài hát của các anh: “Bông lau ngập ven đồi. Đây đồi xưa, đây rừng xưa in bóng cô nàng… Chiều ơi, lúc chiều về rực nắng nương khoai, trâu bò về giục mõ xa xôi, hỡi chiều”

Tôi nhớ chuyến đi gian nan vượt đường số 6, ở quãng giữa hai bốt Đồng Bến và Đồng Bái gần Lương Sơn. Lần đầu tôi giáp mặt với cái chết hiện hình trong những bộ xương người trắng hếu trong cỏ rậm mà những tên lính mới chúng tôi phải chúi vào đó để trốn đạn cối địch bắn cầm canh trong ánh hoàng hôn ảm đạm.

Tôi nhớ đêm vượt dốc Sống Trâu trên đường từ Khu 3 lên Việt Bắc trong mưa tầm tã, trong ánh chớp xé rách bóng tối dày đặc của rừng già. Chúng tôi chặt cây làm gậy chống, người nọ bám vào người kia mà đi, mà vẫn ngã oành oạch trên triền dốc dựng đứng. Lên được đến đỉnh rồi, bắt đầu đổ dốc thì tôi bị cảm lạnh. Run lẩy bẩy, tôi loạng choạng ngã sấp mặt vào bùn, sặc sụa. Tôi cứ nằm đấy, nhổ phì phì những vốc bùn lợm giọng, cố hết sức cất mình lên mà không nổi. Trên lưng tôi là cái ba lô sũng nước mưa, quanh bụng tôi là cả yến gạo chứa trong hai ruột tượng, kèm theo khẩu mút-cơ-tông[48] nặng chịch bám chặt vào vai. Bỗng có ai đó dừng lại bên tôi, cúi xuống tháo từng thứ trên người tôi, tháo hết, rồi vực tôi dậy. Tôi luống cuống bám chặt lấy người ấy. Khi trên người tôi không còn vật nặng nào, tôi thấy tôi nhẹ bỗng, nhẹ đến mức tưởng chừng trong khoảnh khắc đó, không còn gì giữ lại, tôi sẽ bay vụt lên trên bầu trời đen kịt. Một ánh chớp lóe lên, tôi nhìn thấy anh Môn, trung đội trưởng của tôi, đang ôm chặt tôi trong tay. Anh lấy khăn lau mặt cho tôi và dìu tôi đi, trên người anh chồng chất gấp đôi trọng lượng hàng ngày. Tôi xấu hổ vì sự kém cỏi của mình, tôi nằng nặc đòi anh trả tôi những thứ anh phải mang đỡ tôi, anh nhất định không nghe. “Cậu sốt bừng bừng rồi đây này, đừng gắng thêm nữa. Đường ta đi còn dài”.

Cuộc cách mạng này là cái gì vậy, khi người của nó không còn tình thương? Chỉ cần thấy một đứa trẻ như tôi trong một đêm hành quân cực khổ vì cách mạng thôi, người cách mạng có lương tri không nỡ đối xử với nó thế này.

Một tiếng sấm nổ gần làm tôi giật mình. Thành bật dậy, mắt đỏ ngầu:

– Cái gì thế?

Một tiếng sét tiếp theo làm màng nhĩ muốn rách. Trong những xà lim bên cạnh, những người tù cũng đồng loạt tỉnh giấc. Tiếng ho húng hắng. Tiếng người thì thào. Tiếng nước tiểu chảy vào bô.

Lắng nghe, tôi biết mình lầm. Bên ngoài xà lim có ai đó đang đập rầm rầm vào những tấm tôn, như thể giơ cao rồi ném mạnh chúng xuống nền xi măng trong cơn giận dữ. Những tiếng động vang dội bên trong những bức tường xà lim làm chúng tôi tưởng là sấm sét.

Tiếng động chát chúa vừa lặng đi thì lại đến tiếng béc-giê tru lên từng hồi. Thì ra có một con chó được thả vào khu này. Nó lồng lộn đòi ra. Mọi lối ra đều đóng, nó nhảy chồm chồm lên những tấm tôn xếp nghiêng ngoài sân.

– Quái lạ, sao họ lại thả chó vào đây nhỉ?

Thành ngồi hẳn dậy, lẩm bẩm. Anh chậm chạp vê rất lâu một điếu thuốc lào.

Con chó lại tru lên một hồi dài, như tổ tiên nó từng tru như thế trong những rừng thẳm nguyên khai. Tôi biết chắc đó là một con béc-giê. Những năm lâu rồi, khi gia đình tôi còn ở phố Nhà Rượu, đêm đêm tôi vẫn nghe tiếng những con béc-giê tru lên từng hồi như thế từ những chuồng sắt, cũi sắt của Nhà thương chó ở đầu Lò Đúc.

– Buổi chiều nghe có tiếng người ta xếp gì loảng xoảng bên ngoài mình đã nghi nghi – Thành nói – Mình nghĩ: xưởng thợ còn rộng chán, họ xếp nguyên liệu vào đây làm gì? Lúc đi cung ông có thấy gì ngoài sân không?

– Tôi không để ý.

– Lúc về cũng không?

Tôi gật đầu.

Chúng tôi không ngủ lại được. Thành hút thuốc lào. Điếu thuốc đầu tiên sau giấc ngủ làm anh say dúi dụi. Tôi sợ anh ngã xuống sàn nhưng anh chỉ đảo đồng đảo địa một hồi rồi tỉnh.

– Hôm nay ông đi cung chắc có chuyện không bình thường?

– Là thế nào?

– Có căng không?

– Cũng như mọi khi.

– Không xảy ra cãi cọ gì?

Tôi không muốn kể cho Thành nghe chuyện tôi làm cho Huỳnh Ngự tức tối. Nhưng tôi cũng không muốn nói dối.

– Nói cho đúng, cũng không được êm dịu cho lắm.

– Thế thì hiểu rồi -Thành cười – Con chó được đưa vào đây là có tính toán cả đấy, ông ạ. Cả những tấm tôn nữa. Người ta chơi ông đâm ra chơi luôn tụi tôi, tệ quá!

Tôi cười gằn:

– Tệ gì? Chó má ấy thì có!

– Thây kệ, nghĩ làm đếch gì! – Thành đua hai bàn tay lên mặt vuốt râu, từ trên xuống, như tín đồ đạo Hồi – Coi như chuyện vặt đi. Ông biết chơi cờ không?

Tôi lắc đầu. Về cái khoản cờ bạc tôi đặc cán mai. Tôi không biết chơi bất cứ thứ gì. Của đáng tội, hồi còn nhỏ tôi có biết chơi tam cúc. Nhưng tam cúc không được coi là bài bạc. Trẻ con nhà quê đứa nào mà không biết chơi tam cúc. Những ngày Tết trẻ con có tiền mừng tuổi, chúng chơi tam cúc để tập làm người lớn. Người lớn quê tôi mê đủ mọi thứ bài bạc, từ xóc đĩa cho tới tổ tôm. Nhất là cánh lái gỗ. Rời quê hương lên rừng làm thuê, giàu lên thì mở lối, trở thành lái. Những ông lái gỗ làm nhà trên bè, tài sản cóp nhặt được trong nhiều năm, đánh tổ tôm tài bàn suốt con đường lênh đênh về xuôi, đánh cho tới nhẵn túi, cho tới khi trở thành anh chân sào cho một lái khác, trên con bè trước kia là của mình.

Thành ngáp trẹo quai hàm, nói:

– Ngày tù nhiều khi dài ơi là dài. Rồi tôi sẽ dạy ông chơi cờ cho khuây khỏa. Ông mới vào chưa biết, chứ sống trong xà lim nhiều lúc mệt lắm. Phát điên lên được. Chơi cờ cũng vợi đi được một phần. Nhưng chơi một mình thì chán…

Con chó lại tru lên. Nó chỉ ngừng từng lát khi quá mệt.

Tôi định bụng hôm sau tôi sẽ phản kháng chuyện này. Họ muốn hành tôi thì cứ việc hành, nhưng không được làm khổ lây người khác.

– Họ cũng đã chơi anh thế này? – tôi hỏi.

– Không phải y như thế. Họ có nhiều bài bản. Với mỗi người mỗi khác. – Thành lửng lơ – Mình cứ phải tỉnh táo, ông ạ, tùy cơ mà ứng biến. Đã ở trong tay người ta rồi nhất cử nhất động đều phải cân nhắc. Nhưng cũng chẳng nên gây sự với họ làm gì…

Cứ rỉ rả như thế, Thành cho tôi rất nhiều kiến thức bổ ích cho đời tù của tôi sau này.

– Đã nói gì thì cứ thế mà nói, trước sao sau vậy, kẻo họ hành cho tới số đấy. Lại nữa, nói về mình thì lỡ miệng còn được – mình làm mình chịu. Lỡ lời làm hại người khác thì ân hận cả đời. Trong một vụ án người ta chú trọng nhất cái anh đầu vụ. Với người có liên quan thì họ nhẹ nhàng thôi. Cũng có khi không bẻ gãy được người đầu vụ, họ đôn người khác lên thay…

Thành nằm xuống. Lát sau tôi đã nghe anh ngáy khe khẽ. Con chó vẫn cứ thế, thỉnh thoảng nó lại tru lên một hồi, giọng mỗi lúc một yếu. Nó thấm mệt, nó tuyệt vọng, hay là chúng tôi đã quen với nỗi tuyệt vọng của nó, tôi không rõ.

Tôi tập trung tư tưởng vào một điểm trong hư vô, cố tách mình khỏi những ý nghĩ vẩn vơ, thở đều đều theo phương pháp khí công.


[1] Những ca sĩ nổi danh giữa thập niên 50.

[2] Những đạo diễn tên tuổi của trào lưu Làn sóng mới của điện ảnh Ý.

[3] Serguei Mikhailovich Eisenshtein (1898-1948), đạo diễn, nhà lý luận điện ảnh Liên Xô. Bộ phim Ivan Bạo Đế gồm ba phần: phần một được giải thưởng Stalin năm 1945, phần hai miêu tả Ivan Bạo đế có nhiều nét giống Stalin nên không được dựng và chiếu, mãi tới năm 1956 mới được đưa ra công chúng, phần ba tác giả chưa hoàn thành, tôi chỉ được xem toàn bộ phim này vào năm 1991 tại Viện bảo tàng điện ảnh.

[4] Về sau Guenadi Shpalikov viết kịch bản, làm đạo diễn, làm thơ. Cuộc đời anh kết thúc bi thảm. Anh nghiện rượu nặng rồi tự vẫn, thất vọng thấy cuộc sống xã hội chủ nghĩa không đẹp như anh muốn thấy. Shpalikốp để lại những bộ phim mà khán giả xô-viết rất yêu mến: “Lang thang trên phố phường Moskva, Cửa ô Ilích, Những chuyến xe điện đi về tỉnh xa. Thời gian trở lại nước Nga sau ba chục năm tôi chỉ tìm được đứa con gái độc nhất của bạn mình, đã trở thành một diễn viên điện ảnh, rồi bỏ điện ảnh vào sống trong một tu viện.

[5] Nikita Sergeevich Khrushov (1894-1971), Bí thư thứ nhất Đảng cộng sản Liên Xô 1953-1964. Tên của Khrushov phiên theo cách phát âm Nga, ở phương Tây họ của ông được viết là Khroushchev.

[6] (1879-1953). Tên thật là Iosif Vissarionovich Dzugashvilli, con một gia đình nông dân tỉnh Gori (nước Cộng hòa Gruzia), thời niên thiếu theo học Chủng viện Tbilisi, bị bắt và đi đày ở Sibir vào những năm 1902-1904, tham gia Đảng xã hội dân chủ Nga từ năm 1899, “học trò và bạn chiến đấu của Lênin”, như được ghi trong lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô. Sau khi Lênin chết (1924), trở thành tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô.

[7] Những danh hiệu được các đảng cộng sản dùng để tôn vinh Stalin, đã trở thành quen thuộc với dân chúng ở các nước gọi là xã hội chủ nghĩa.

[8] Pushkin A. S. (1799-1837), nhà thơ lớn của nước Nga.

[9] Các sĩ quan quý tộc trong cuộc nổi dậy chống lại Nga hoàng Nikôlai Đệ nhất vào Tháng Chạp năm 1825. Cuộc nổi dậy bị đè bẹp, ngoài 5 người bị treo cổ, 120 người bị đầy đi vùng băng giá hoang vu Sibir. Những người vợ trung thành và dũng cảm của họ đã đi theo chồng tới tận nơi lưu đầy, nêu một tấm gương sáng cho phụ nữ Nga.

[10] Hai thứ nhạc cụ phổ biến ở Nga. Bayan giống như ắc-coóc-đê-ông, babalaika giống đàn măng-đô-lin với hộp đàn hình tam giác.

[11] Vùng thuộc quyền kiểm soát của chính phủ kháng chiến, để phân biệt với “vùng tề” do quân đội Pháp và quân đội Bảo hoàng chiếm giữ.

[12] Tố Hữu, tên thật: Nguyễn Kim Thành (1920-2002), Nhà thơ cộng sản, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ủy viên Bộ Chính Trị trong thập niên 60. Sau vụ đánh “Nhân Văn-Giai Phẩm”, trở thành tổng tư lệnh nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong một thời gian dài. Một thời gian làm phó thủ tướng phụ trách kinh tế.

[13] Một trong những trại tập trung nổi tiếng nhất Liên Xô thời Stalin, được miêu tả tỉ mỉ trong tiểu thuyết “Quần đảo ngục tù” của Solzhenitsyn.

[14] Hồi bấy giờ Đảng cộng sản Liên Xô chủ trương công khai hóa mọi công việc của đảng, trong một lý thuyết được gọi là đảng toàn dân. Khrushov cho rằng đảng cộng sản không có gì bí mật đối với dân bởi vì mọi công việc đảng làm là vì dân. Trong cuộc họp mở rộng mà tôi được dự người ta chỉ bàn chuyện mắc thêm máy điện thoại công cộng cho nhà ở tập thể của sinh viên, chuyện làm vệ sinh quanh trường sở, chuyện kết nạp đảng viên mới.

3 Trại tập trung với 3 đặc điểm: 1/ người bị giam không được xét xử, 2/ thời hạn giam giữ là tùy tiện, 3/ chế độ giam giữ, trừng phạt là tùy tiện, xuất hiện từ cuối thế kỷ thứ 19. Người Tây-ban-nha đã lập các trại tập trung tại Cuba từ năm 1898, người Anh đã lập các trại tập trung giam 20. 000 người mà đa số là đàn bà và trẻ em tại Nam Phi. Tại Mỹ 70. 000 công dân Hoa Kỳ gốc Nhật và 42. 000 người Nhật định cư tại Mỹ bị dồn vào những trại tái định cư trong thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ II… Tại Liên Xô, trại tập trung được lập ra từ năm 1918 để giam giữ những “kẻ thù bên trong”, hệ thống trại tập trung này đặc biệt phát triển trong thập niên 30-40. Tại Đức, nhà nước Quốc Xã sau khi giành được chính quyền năm 1933 lập tức thiết lập hệ thống trại tập trung với chế độ giam giữ hà khắc và sự thủ tiêu tàn bạo nổi tiếng thế giới.

[16] Tổng cục Quản lý Các Trại Cải tạo Lao động Glavnoye Upravleniye Ispravitelno-trudovykh Lagerey i kolonii.

[17] Naum Kleiman về sau trở thành nhà phê bình điện ảnh, chuyên gia về Sergey Mikhailovich Eisenstein (đạo diễn Chiến hạm Potemkin, Ivan Bạo đế…)

[18] Vụ này bắt đầu bằng một bức thư tố giác của nữ bác sĩ Timashuk, người sau này được trao giải thưởng Stalin. Ngày 13. một. 1953 tờ Pravda loan tin chính quyền xô-viết vừa khám phá một âm mưu phản loạn của “một nhóm khủng bố gồm các chuyên gia y tế”. Thoạt đầu, có 9 rồi sau 15 bác sĩ bị bắt, trong số đó quá nửa là người Do Thái. Họ bị buộc vào các tội: hãm hại Andrei Jdanov (chết năm 1948) và Alexandre Sherbakov (chết năm 1950), hoạt động tình báo cho Intelligence Service (Anh). Tiếp đó nhiều chuyên gia y tế khác cũng bị bắt và bị hành quyết. Ngày 19. 2. 1953 thứ trưởng Bộ Ngọai giao Ivan Maisky cũng bị bắt vì tội làm tình báo cho nước ngoài. Những biện pháp tra khảo thời trung cổ được áp dụng. Stalin ra lệnh trói viện sĩ Vinogradov bằng xích sắt. Mục đích của nhà tộc tài xa hơn – qua vụ “áo choàng trắng” ông muốn lợi dụng lời khai của các bị can để triệt hạ các đối thủ tiềm tàng của mình trong Bộ chính trị.

[19] Sau Đại hội XX, những người Do Thái bị đi đày lần lượt được cho phép trở về nguyên quán. Naum Kleiman sau trở thành một chuyên gia về lịch sử điện ảnh, giám đốc Bảo tàng điện ảnh Nga tại Moskva.

[20] Lưu Hữu Phước, nhạc sĩ, tác giả nhiều ca khúc cách mạng, trong đó có hai bài được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và chính quyền lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chọn làm quốc ca (quốc ca của Việt Nam Cộng Hoà là bài Tiếng Gọi Sinh Viên, được đổi thành Tiếng Gọi Công Dân, quốc ca của Cộng hòa miền Nam Việt Nam là bài Giải phóng Miền Nam, ký tên Huỳnh Minh Siêng).

[21] Trích chỉ thị của bộ trưởng Bộ Nội Vụ nhân dân số 00486, đề ngày 15. 8. 1937. Sau cuộc chính biến mùa thu năm 1991 báo chí Liên Xô (cũ) khui ra được rất nhiều văn kiện mật và tối mật của chính quyền xô-viết liên quan tới những vụ trấn áp. Chỉ thị này tôi chỉ được biết năm 1992 khi đã trở lại Moskva sau hơn 30 năm.

[22] Tên chính thức của bản Báo Cáo Mật là: “Về tệ sùng bái cá nhân và hậu quả của nó” do Nikita Khrushov đọc gần 4 giờ đồng hồ liềnvào đêm 24 rạng ngày 25 tháng Hai năm 1956 trong một phiên họp bí mật của Đại hội XX ĐCSLX, mà người ngoài không được dự. Sau đó, bản báo cáo được trao tay cho các đoàn đại biểu các đảng anh em. Theo một nguồn tin phương Tây thì John Rettie, người của hãng thông tấn Reuters, đã được biết về bài diễn văn này nhờ một người thân cận của giới lãnh đạo Liên Xô cho biết vài giờ trước khi Rettie rời Liên Xô. Bàn báo cáo được nói đến ở phương Tây vào đầu tháng 3. 1956. Đến tháng 6 thì nó được đăng trên tờ New Yor Times lần đầu tiên. Người đọc ở Việt Nam trong nhiều năm sau Đại Hội XX không hề biết đến sự tồn tại của một bản báo cáo như thế. Tờ Tiếng Thợ – cơ quan tuyên truyền của Nhóm trốt-kít Việt Nam ở Pháp – đã trích dịch nhiều đoạn và viết bài bình luận về bản báo cáo này, tuy nhiên mãi tới năm 1982 nó mới được in riêng thành tập trong Tủ sách Nghiên cứu của nhóm này.

[23] Lê Liêm, cục trưởng Cục Dân quân kiêm cục trưởng Cục Chính trị QĐNDVN từ 1947, chủ nhiệm chính trị mặt trận Điện Biên Phủ, uỷ viên trung ương dự khuyết khoá VI ĐCSVN. Bị khai trừ khỏi Đảng năm 1968.

[24] Đáng ngạc nhiên là trong chuyện vạch tội Berya, Nikita Khrushov cũng dùng đúng những phương pháp bịa đặt đặc trưng của thời kỳ Stalin. Berya bị xử như một tay sai đế quốc. Thực ra, như ngày nay mọi người đã biết, Berya vào đảng từ năm 1930, trở thành ủy viên Trung ương năm 1934 (cùng một lượt với Khrushov và Bunganin), là ủy viên Bộ Chính trị từ năm 1939. Berya còn là bộ trưởng Bộ Nội Vụ, thống chế quân đội Liên Xô, một trong ba ủy viên Bộ Chính trị được vinh dự đọc điếu tang Stalin. Berya phạm tội ác, chắc chắn là như vậy, nhưng tại sao lại cứ phải lên án Berya là tay sai đế quốc?

[25] Ngày 23. 10. 1956, nhân dân Hungari, với trí thức và sinh viên đi đầu, nổi dậy chống chế độ độc tài. Imre Nagy (1896-1958), một nhà lãnh đạo chủ trương cách tân trong đảng cộng sản lên làm thủ tướng. Ông kêu gọi chính phủ liên hiệp, dân tộc tự trị, kinh tế nhiều thành phần, nhưng ngày 4. 11 quân đội Liên Xô mang sang Rumani, rồi bị chính quyền Hungari (thân Liên Xô) mang về nước năm 1957, hành quyết năm 1958.

[26] Kim Il Sung, tên thật là Kim Song Ju, (1912-1994), Kim Nhật Thành, theo phiên âm tiếng Việt, chủ tịch nước Cộng Hòa Nhân Dân Triều Tiên. Trước khi được Liên Xô đưa về Triều Tiên sau chiến thắng phát-xít Đức, Kim Nhật Thành phục vụ trong Hồng quân Liên Xô, cấp bậc trung úy.

[27] Thủ đô nước Cộng hòa xô-viết Uzbekistan.

[28] Mao Trạch Đông, hay Mao Trạch-đông (1892-1976), cố chủ tịch nước CHNDTH.

[29] Biệt khu gồm những lâu đài và biệt thự dành riêng cho những nhà lãnh đạo đảng cộng sản và chính quyền cộng sản Trung Quốc, một thứ Tử Cấm Thành thời các vua chúa Trung Hoa.

[30] Đại hội lần thứ 18 của Phân bộ Pháp thuộc Quốc tế Công nhân (SFIO) nhóm họp ngày 25. 12. 1920 tại thành phố Tours. Trong Đại hội này tổ chức SFIO bị vỡ ra làm hai khi đa số đại biểu đứng tra thành lập Phân bộ Pháp thuộc Quốc tế Cộng sản (Đệ Tam Quốc tế), tức là ĐCS Pháp sau này.

[31] Hai tướng chỉ huy các cánh quân của quân đội Trung Hoa Dân quốc vào Việt Nam (gọi là quân tiếp phòng) để giải giáp quân đội Nhật bại trận.

[32] Một tướng của quân tiếp phòng Trung Hoa, để phân biệt với tướng Long Vân bố ở lại Vân Nam chứ không sang Việt Nam

[33] La Quý Ba ((1908-1995) đại sứ đầu tiên của nước CHNDTH tại Việt Nam, đến chiến khu Việt Bắc ngay từ năm 1950, La Quý Ba còn kiêm nhiệm chức vụ trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc tại Việt Nam.

[34] Ông Hồ Chí Minh bị cảnh sát Hồng Kông bắt năm 1931

[35] Trần Huy Liệu (1901-1969), đảng viên Quốc dân đảng, năm 1928, gia nhập hàng ngũ cộng sản trước 1930 ở Côn Đảo. Sau 1954 là Viện trưởng Viện Sử học, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam.

[36] Năm 1965, trong một cuộc nói chuyện với cán bộ tuyên giáo ở Hưng Yên, trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Tố Hữu nói: “Ông Cụ lẫn cẫn rồi, mọi việc bây giờ đều do anh Ba (Lê Duẩn) và tụi tôi giải quyết”.

[37] Tài liệu được bạch hoá sau khi nước Đức thống nhất.

[38] Bước Nhảy Vọt Vĩ Đại nằm trong ba chủ trương lớn do Mao Trạch Đông đề xướng (Đường lối chung, Đại nhảy vọt, Công xã nhân dân), trên thực tế là mệnh lệnh trại lính, bắt toàn dân tuân theo. Hậu quả là nền kinh tế Trung Quốc sa vào suy thoái trầm trọng, một nạn đói khủng khiếp kéo dài 6 năm làm cho hàng chục triệu người chết (những con số được nói tới, không bao giờ chính xác vì không có thống kê, nằm trong khoảng xấp xỉ 40 triệu người).

[39] Càng thấy rõ Mao Trạch Đông chẳng hề đọc sách của Marx và Engels. Trong cuốn Phép Biện Chứng Của Tự Nhiên, Engels đã cảnh cáo loài người chớ có kiêu ngạo, chớ tưởng mình có thể chế ngự thiên nhiên. Cứ mỗi lần loài người mưu toan chế ngự thiên nhiên là mỗi lần bị thiên nhiên cho một cái tát xiếc kèm theo lời mắng mỏ: “Hãy ngồi lại vào chỗ của mình, hỡi loài người cao ngạo. Ngươi chỉ là một thành viên của thiên nhiên mà thôi” (ghi lại theo ý trong sách, không phải nguyên văn).

[40] (1918-1966) Nhà thơ dân dã nổi tiếng với các tập Lỡ bước sang ngang, Hương cố nhân, Mười hai bến nước… Đoạn người tù ngâm có khác với nguyên bản của bài thơ.

[41] Hồi ấy, theo lệ cũ của chính quyền chiếm đóng Hà Nội, nhà nước cung cấp giấy in cho các tờ báo còn được phép tồn tại, lời chứng của Tô Hoài khiến người ta có thể nghĩ rằng tờ Trăm Hoa là do Đảng Lao động Việt Nam chủ trương, mà Nguyễn Bính là người thực hiện, nhằm đối phó với phong trào đòi tự do, dân chủ của văn nghệ sĩ, trí thức. Nếu Nguyễn Bính làm báo theo chỉ thị của Đảng thì ở Sở báo chí những cán bộ cỡ Thiết Vũ phải được biết, và như thế vụ Thiết Vũ đánh Nguyễn Bính khó có thể xảy ra. Trong những lần trò chuyện với Thiết Vũ, tôi không thấy Thiết Vũ nói đến chuyện Nguyễn Bính làm việc cho chính quyền.

[42] (1926-1996) Nhà thơ cách tân, năm 1946 cùng với một số nhà văn nhà thơ tiên phong: Trần Mai Châu, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Địch, Vũ Hoàng Chương thành lập nhóm thơ tượng trưng với bản tuyên ngôn Dạ đài.. Tác giả tập thơ Ta Nhất Định Thắng, tiểu thuyết Người Người Lớp Lớp, một trong những nhân vật bị coi là đứng đầu nhóm Nhân văn-Giai phẩm.

[43] Nguyễn Hữu Đang (1913), bị thực dân Pháp bắt (1930) vì tham gia cách mạng, nhưng vì nhỏ tuổi nên chỉ bị quản thúc. Tham gia Mặt Trận Dân Chủ Đông Dương, viết báo Ngày Mới, Thời Báo và các báo Tin Tức, Đời Nay, tham gia Hội truyền bá quốc ngữ cùng Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai. Đảng viên cộng sản từ năm 1943, năm 1945 là thứ trưởng Bộ Thanh Niên. Năm 1956 bị kết án 15 năm tù. Mãn hạn, còn bị quản thúc 20 năm.

[44] Nhà thơ Trần Dần, nhà thơ Hoàng Cầm, họa sĩ Trần Duy là mấy nhân vật được nói tới rất nhiều trong vụ Nhân văn – Giai phẩm. Trần Dần được coi như người đứng đầu nhóm Nhân văn – Giai phẩm, người phát ngôn của bộ phận trí thức “đòi chia quyền lãnh đạo” với Đảng.

[45] Theo một số nhân chứng, Trần Dần là người không biết sợ, Trần Dần không hèn. Câu “phục xuống mà đánh” là do Hoàng Cầm phát ra, nhưng Trần Dần đã gánh cho Hoàng Cầm. Tôi cũng nghiêng về nhận định như vậy, căn cứ những gì tôi được biết về Trần Dần.

[46] Nhà thơ (sinh năm 1916 tại Thanh Hóa), rất nổi tiếng với bài những bài thơ Đèo Cả, Màu Tím Hoa Sim, Nhửng Làng Đi Qua, Hoa Lúa… Bất bình với chính sách coi văn nghệ sĩ trí thức như nô lệ của Đảng cộng sản và nhìn thấy bản chất việc ruồng bố văn nghệ sĩ trong vụ “Nhân văn – Giai phẩm” ông bỏ việc làm với chức vụ cao ở Bộ Văn hoá về sống ở Nga Sơn, Thanh Hóa.

[47] Nhạc sĩ rất nổi tiếng trong thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, sau bỏ vào thành.

[48] Mousqueton, một loại súng trường cổ của Pháp, rất phổ biến trong thế chiến thứ nhất.

(Còn tiếp)

Comments are closed.