Vũ Ngọc Tiến
Bùi Chát-Trần Mạnh Hảo-Nhật Tuấn-Vũ Ngọc Tiến
Bạn đã đi xa hơn mười ngày rồi, sao lòng vẫn thấy trống trải, hụt hẫng, muốn khóc quá Nhật Tuấn ơi! Nhớ lắm những lần ngồi bên nhau nhâm nhi ly café Ban Mê ở quán Bích Câu trên phố Thích Quảng Đức, hay cái đêm lai rai đến tận khuya trong căn nhà của Tuấn ở hẻm nhỏ quanh co cuối đường Nguyễn Kiệm. Mỗi lần gặp nhau chớp nhoáng, hai đứa mượn hơi men cao đàm khoát luận đủ thứ chuyện trên giời dưới bể để rồi sớm hôm sau Tuấn lại tất tưởi phóng xe về tận Bình Dương, hứng bụi và hít no khói xe trên đường!…
Đêm nay vào FB, vừa đọc bài tản văn khá hay của Nghiêm Huyền Vũ – một thằng bạn khác nói đã qua nửa mùa thu năm Ất Mùi. Sao Tuấn không đợi hết mùa thu hãy đi “Về nơi hoang dã”, lên đỉnh Hua Ca? Người đời thường đưa tiễn bạn về Thiên Đường nơi nước Chúa hay cõi Niết Bàn của nhà Phật để linh hồn nhàn du tiên cảnh, sao tôi lại muốn bạn mình về cái nơi khỉ ho cò gáy chết tiệt ấy, hở giời? Hua Ca là cái đích đến hoang tưởng của mấy gã chỉ huy ngồi tít trên cao, đương lúc bù khú với rượu ngon và gái đẹp, vạch phứa ra trong bản đồ, nhưng đã là lệnh của chỉ huy thì không thể sai, bất khả kháng. Nó khiến cả lũ nhân vật ngu tín, thuộc đủ năm giai tầng xã hội trong kiệt tác của bạn tôi cứ thế lầm lũi mà đi, ăn mắm mút giòi mà đi, vượt bao ghềnh thác, dốc cao vực thẳm để đến nỗi cá tính nhòe vào nhau, nghi ngờ và có lúc cắn xé lẫn nhau; để đến nỗi khi về đích họ thành một lũ người không ra người, thú không ra thú. Khốn nạn thay, cái cọc tiêu chỉ đích đến Hua Ca ấy cũng là trò bịp bợm của thằng Học Giả lưu manh hóa, nửa đường cướp quyền lãnh đạo của trưởng toán Hộ Pháp và bất ngờ đóng bừa lên đỉnh núi hoang vu, bảo đó là Hua Ca cho tất cả reo hò, ăn mừng thắng lợi của chuyến đi lịch sử!… Có lần ngồi bên nhau lai rai, lúc ngà ngà hơi men, tôi đã túm ngực áo bạn hét to: “Hai tiếng Hua Ca của mày rất đểu, đểu đến thế là cùng, tiên sư thằng Nhật Tuấn…” Tuấn hỏi lại: “Đểu thế nào, mày nói thử coi?” Tôi lè nhè nói tiếp: “Hua Ca, hai tiếng ấy cứ ám ảnh một độc giả là thằng tao, chợt có lúc biến thành U-ra trong tiếng Nga, mày hiểu không? Cái thời mài đũng quần ở trường học ngoài Hà Nội, tao, mày, và cả một thế hệ chúng mình chẳng đã từng bị hớp hồn bởi cái âm thanh U-ra vang trời dậy đất của đám quần chúng đông như kiến cỏ, trong các bộ phim về cách mạng tháng 10 Nga, đúng không nào? Đểu, đểu đến thế là cùng, tiên sư thằng Nhật Tuấn, haha!…” Tuấn ngây người thở dài, nói: “Hiểu tao và tác phẩm đến mức ấy chỉ có mày.” Thế rồi hai đứa ôm nhau cùng ứa nước mắt. Vậy thì Tuấn ơi, trước lúc lên Thiên Đường hay cõi Niết Bàn, hãy rẽ về nơi hoang dã kia mà đái một bãi thật to cho trôi tuột cái cọc tiêu Hua Ca bịp bợm của nhân vật Học Giả – một sáng tạo văn chương tuyệt tác để đời của nhà văn Nhật Tuấn, còn chần chừ gì nữa?…
Tôi đã đọc bài viết của ai đó, trên trang Web của lão Trần Ham Vui đại ý nói rằng, Nhật Tuấn đã ra đi, văn còn ở mãi cõi người. Đêm nay nhớ bạn, tôi nhòe lệ lục lọi ô lưu trữ trong ổ cứng PC, lướt nhanh 2 tài liệu quý liên quan đến đời văn và tác phẩm của Tuấn: một là tập bản thảo 14 trang, trên giấy “năm hào hai” đã úa vàng của nữ sĩ PTMT viết về cuốn “Đi về nơi hoang dã”; hai là bản thảo có tên “Trí khôn các bác để ở đâu?…” dài gần 300 trang vi tính của chính Nhật Tuấn viết về bảy nhân vật thuộc hàng cây đa cây đề trong làng văn nước Việt. Tài liệu thứ nhất, có lẽ nữ sĩ PTMT vô tình để quên ở nhà tôi vào đầu những năm 90 thế kỷ trước. Hồi ấy PC còn là của hiếm ở Hà Nội, hầu như 80- 90% người Việt ta còn mù vi tính. PTMT nhờ vợ tôi dạy nàng học vi tính và có lẽ đã mang tập bản thảo này đến nhà tập gõ bàn phím. Bản thảo được in lại bằng máy in dạng kim phun của gia đình cho nàng mang về, nhưng không thấy đăng ở đâu cả (!?). Đây có lẽ là một chuyên luận viết sớm nhất, viết kỹ và chân thực, xác đáng nhất về đời văn Nhật Tuấn cũng như tác phẩm “Đi về nơi hoang dã”. Trong lần dọn nhà từ biệt thự trong làng Hòa Mục lên ở tại tầng 11 chung cư N5A, tôi vô tình tìm được nó, khoe với Nhật Tuấn rồi số hóa và gửi qua Email cho bạn. Anh gọi điện cám ơn, nghẹn ngào nói: “Nó sẽ là kỷ niệm đẹp, đáng nhớ nhất của cả ba người.” Tài liệu thứ hai, rất ít người biết. Gần đây trên vài trang mạng đăng tải nhiều kỳ “Chân dung chân tướng nhà văn” của Nhật Tuấn. Đó chỉ là những bình luận cô đọng, chấm phá vài nét về các nhà văn; còn bản thảo “Trí khôn các bác để ở đâu?…” thì khác. Đó là một công trình dày dặn, viết rất sâu, rất kỹ về 7 nhà văn lớn. Cách đây 3 năm anh mail cho tôi, nhờ đọc và góp ý. Anh bảo, những lúc nhàn rỗi, nằm khèo ở trang trại heo hút tận Bình Dương, Tuấn đã có thì giờ đọc lại rất nhiều tác phẩm tiêu biểu nhất của họ. Anh không xu thời, chạy theo trào lưu xô đổ thần tượng mà tận đáy lòng anh tiếc nuối cho văn tài của họ, từng vang bóng một thời để rồi miễn cưỡng hay tự nguyện viết theo chủ nghĩa quan phương hay “văn học phải đạo” (Chữ dùng của HNH). Và vì thế những câu thơ, trang văn của họ cứ dần trở nên dễ dãi, khô cứng, thậm chí ngây ngô, thớ lợ qua những trích dẫn không thể phủ nhận mà anh đã dày công sưu tập. Có vị anh viết chỉ mươi mười lăm trang, nhưng có vị anh trải lòng viết tới sáu, bẩy chục trang vi tính. Tất cả chỉ nhắm tới một câu hỏi đớn đau, đầy nuối tiếc: “Trí khôn các bác để ở đâu?…” Tôi không dám công bố tài liệu này vì chắc hẳn sẽ có ngày bác Nhật Tiến và gia đình sẽ tu chỉnh, cho xuất bản để mọi người thưởng lãm công trình khảo cứu tâm huyết của bạn mình…
Đêm đã gần về sáng. Tiết thu se lạnh. Sương giăng mờ ô cửa sổ phòng văn. Nhớ bạn tôi nghẹn ngào ngồi viết mấy dòng rời rạc thế thôi. Đi nhé Tuấn ơi! Đời người là kiếp phù du, cõi người là cõi tạm. Ở nơi vĩnh hằng Tuấn có nghe tiếng gọi thì thưa lên một tiếng cho đêm thu này đỡ cô quạnh…
HN đêm 18/10/2015
VNT