Hôm nay 27/7…

Lê Quang Hợp

Đêm qua trằn trọc khó ngủ.

Ân nghĩa với những người đã khuất thì lãnh đạo đảng, chính phủ, quốc hội đã cho đài báo nói ra rả mấy ngày nay rồi. Xem tivi thấy ngài thủ tướng đọc diễn văn đầy chất văn nghệ. Ông rất hào hứng với lời bài hát “Sáng chắn bão giông chiều ngăn nắng lửa” rồi “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ” sau đó ngân nga đọc thơ Bầm ơi “Con đi đánh giặc mười năm, chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi” cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng hầu hết đã ngoài 90 tuổi nghe!

Còn bà chủ tịch quốc hội thì hôm trước gặp mặt các Mẹ Việt Nam Anh hùng cũng vẫn thế. Áo dài tha thướt, mắt lúng liếng, giọng luyến láy du dương lên bổng xuống trầm nói cho các mẹ biết rằng đảng, nhà nước, quốc hội đang rất quan tâm và sẽ luôn quan tâm đến chính sách đền ơn đáp nghĩa. Chẳng biết nhiều mẹ lãng tai khi được triệu tập về hội trường Diên Hồng mà lỡ quên mang theo máy trợ thính liệu có nghe được lời vàng ý ngọc bay bổng của bà chủ tịch không. Nói tới điều này vì tôi biết ngày xưa khi mẹ tôi mới 85 tuổi bà đã lãng tai rồi. Lúc về phép tôi nũng nịu ngả đầu vào lòng mẹ và cố nói to câu người ta vẫn khen “Mẹ hiền để đức cho con” thì bà giật mình “Tiền hả, mợ không lấy tiền đâu, con để giành tiền mua sách vở cho mấy cháu”.

Chẳng muốn viết thêm điều gì về ngày này nữa, nhưng khi thấy trên mạng lan truyền bức ảnh của ông Bộ trưởng LĐ-TBXH (báo Dân trí đăng) thì tôi ngán ngẩm quá! Tôi thấy bức ảnh này cần được chú thích “Có ăn không thì bảo” mới đúng!

 

113936169_302080610993673_6120659958852576586_n

 

Nhìn bức ảnh, tôi lại nôn nao nhớ mẹ tôi với một nỗi xót xa. Nếu còn sống, năm nay bà tròn 100 tuổi…

Bố tôi gốc nhà Nho, đặt tên 5 anh con trai là Tình, Vinh, Hòa, Hợp, Thành. Nếu tôi có đứa em nữa, đoán chắc nó sẽ được mang tên là Nhân.

Anh Tình tôi hy sinh vào những ngày sắp khai giảng năm học 1972. Tôi nhớ rõ vì hôm trước xin được mấy quả pin cũ, tôi mang ra trường đập lấy than nhào với lá khoai sọ để trát lại bảng đen chuẩn bị cho năm học mới. Lúc đập quả pin thì táng luôn hòn đá vào ngón út, đau cả đêm không ngủ. Sáng sau dậy sớm thấy khuôn mặt mẹ tôi thẫn thờ “Thằng Tình chết rồi bố nó ơi”. Bố tôi mắng át đi “Chết là chết thế nào được”, nhưng giọng ông cũng đầy hoang mang. Mẹ tôi ấm ức khóc “Không, nó chết thật rồi, đêm nào tôi cũng ngủ mơ thấy nó về. Nó đứng ngoài ngõ, chẳng nói năng gì hết, quần áo dính bê bết máu. Tôi gọi nó không thưa, tôi cứ đến gần thì nó lại chạy ra xa rồi ngoái lại nhìn. Nó chết thật rồi. Con ơi!”.

Sau này chẳng biết có nhà khoa học nào ở Việt Nam nghiên cứu về những điều thần bí diệu kỳ của giác quan thứ 6, sự thần giao cách cảm giữa những người Mẹ có con ở chiến trường hay không. Bẵng đi gần một năm trời rồi mấy ông cán bộ xã cũng đưa giấy báo tử tới. Anh Tình hy sinh ngày 19/8/1972 (Thứ 7, ngày 11/7 năm Nhâm Tý), quãng đúng vào những ngày mà mẹ tôi đã ngủ mơ thấy anh về đứng đầu ngõ.

Suốt năm đó có lúc mẹ tôi như người lẩn thẩn. Bà thất thểu lần mò khắp làng trên xóm dưới chỉ để hỏi ai có thì xin lấy một tấm ảnh của anh Tình. Chắc mẹ tôi nghĩ rằng 20 tuổi, khoẻ đẹp như con trai của bà thì thể nào trước lúc đi bộ đội chẳng có tơ vương rồi giấm dúi ảnh cho một cô gái nào đó. Vậy mà không có. Sau này tôi tách từ tấm ảnh anh Tình bế đứa em út chụp kỷ niệm trước lúc đi bộ đôi để làm ảnh thờ cho anh.

Năm 2002 tôi về nghỉ phép lúc mẹ đã ngoài 80 tuổi, mẹ nói “Con cố đi tìm, nếu đưa được anh con về thì tốt, còn không thì cũng cho mợ biết nó nằm ở đâu để mợ yên tâm mợ chết”. Bà run run cởi cả chục lớp vải bọc rồi đưa tôi tấm giấy úa vàng, nhưng giở ra thì chỉ có mỗi thông tin rất mênh mông diệu vợi “Hy sinh năm 1972 tại mặt trận Quảng Đà”!

Để đến được ngày hòa bình thống nhất, trên 3 triệu người con hậu duệ của cái bọc trăm trứng đã ngã xuống. Cũng ngần ấy những bà mẹ khóc con, những góa phụ khóc chồng, người thân khóc người thân.

Chẳng ai lại có thể bất nhẫn đến mức so sánh người mẹ phía bên nào, hoặc người mẹ mất một con sẽ đau đớn ít hơn so với người mẹ mất ba con. Tôi ngậm ngùi nghĩ có lẽ trên thế gian này không một người mẹ nào mong đạt đủ tiêu chuẩn để được tặng danh hiệu anh hùng!

Đến tận hôm nay đã có bao nhiêu bà mẹ, bao nhiêu người vợ có được hạnh phúc như mẹ tôi để “yên tâm chết” khi biết chồng hoặc con của mình nằm lại ở đâu, hay khó nhắm mắt vì linh hồn người thân của họ vẫn lang thang lẩn khuất giữa những cánh rừng xa?

Trước những nỗi đau có thật nhưng nhiều người vẫn dửng dưng, thì với nỗi đau mắt thường không nhìn thấy như vậy sẽ có ai chia sẻ được với nhau?

Ngoài quê giờ cũng nháo nhác bon chen. Khắp nơi tưng bừng với khí thế “Công nghiệp hóa hiện đại hóa” và những cuộc đua tranh quyết liệt giành chức tước, giành đất đai, giành bổng lộc. Đâu còn bình yên nữa để anh trở về.

Thôi anh cứ nằm lại đó với bạn bè, đồng đội.

Biên ra đây, để người thân sau này nếu có nhớ đến thì biết chỗ mà tìm.

Nghĩa trang liệt sĩ xã Quế Châu, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Mộ nằm bên phải Đài tưởng niệm, hàng thứ 9, dãy thứ 6 tính từ ngoài đường vào.

116007673_302080550993679_3751296199199709608_n

 

Bia mang tên “Lê Văn Tình, quê quán Quế Võ Hà Bắc, Sinh 1950, Hy sinh ngày 19/8/1972”.

27/7/2020

L.Q.H

Comments are closed.