Hỗn độn (kỳ 5)

Nguyễn Khắc Phục

 

 CON CHIM ĐEN

TRONG VƯƠNG QUỐC TÒ HE

 

Lần đầu tiên nàng thấy con chim ấy là một ngày nắng cháy da, mấy giờ sáng thì nàng không nhớ rõ nữa. Trong cơn hạn hán kéo dài tưởng chừng vô tận, nước trở nên hiếm hoi vô cùng. Nàng chắt chiu từng giọt, khẽ khàng tưới các cây hoa sặc sỡ bằng bình tưới hoa sen nhỉnh hơn cái gáo nhựa, nghe tiếng sột soạt, nàng ngước mắt lên ngạc nhiên thấy một con chim đen, đuôi dài điểm trắng nhảy từ bậc đá này sang bậc đá khác, ung dung đi giữa các cây hoa ngắm nghía. Nàng bật phì cười vì dáng điệu chủ nhà của nó. Sự có mặt của nàng chẳng làm nó giật mình sợ hãi bay đi. Nó nghiêng vẹo hẳn đầu, lóng mắt nhìn nàng, không vẻ gì ngạc nhiên, rồi bay lên hàng rào, đứng lặng yên nhìn nàng.

Chẳng biết nó từ đâu đến và tại sao nó lại đậu xuống vườn nàng nhỉ? Nó có kiếm được gì ở đây đâu, hay là nó cũng thích những cây bromeliad, hay đơn giản là nó khát? Nó thèm thuồng từng giọt nước nàng vừa tưới cho những cây hoa yêu thích của nàng?

00 Giờ!

Rơm hóa thành con chim đen, còn nàng, cô bé tưới hoa trong khu vườn của mình…

Phòng khách mở ra vườn bằng cửa kính lớn, từ bàn viết thỉnh thoảng nàng ngoảnh ra vườn, giật mình thấy nó đang lặng lẽ đậu ngay trên hàng rào đối diện với mình hay kín đáo hơn ở bờ rào phía bên phải. Nó là kẻ duy nhất thấy nàng trong lúc viết, miệng nàng hé mở hay mím chặt, lông mày nhíu lại hay giãn ra, mắt đăm đăm chăm chú hay lờ đờ mệt mỏi…

Chỉ nó thấy hai đùi nàng cứ bất giác dạng ra và khuôn mặt nàng phủ một làn sương kỳ ảo khi viết về Rơm. Nó lặng lẽ ngắm nàng trong các tư thế, ngả ngốn, thẳng thớm, tay đưa ra sau đấm lưng, đầu ngoẹo phải trái. Và các trạng thái, khóc nức nở, sụt sịt hay nhảy múa, hai chân tung dồn dập theo nhịp violon của Glass. Những lúc phát hiện ra nó đang lặng lẽ nhìn mình, nàng mới biết rằng nàng không hoàn toàn một mình. Nàng làm trò gì, nó cũng ngắm nghía, có vẻ thích thú, rồi nghĩ thế nào chợt bay vụt đi. Nó chợt nhớ ra công việc cần lao của mình hay không muốn để nàng ngại ngùng vì sự hiện diện của nó? Nó thuộc giống chim gì nàng cũng không biết nữa. Lúc đầu thoáng nhìn thấy bộ áo lờm xờm đen của nó nàng giật mình. Nhưng nó không phải là giống quạ, nó chỉ nhỉnh hơn con bồ câu, lông nó không đen tuyền mà điểm xuyết trắng ở đuôi. Đuôi nó xoè ra như cái quạt hẹp và dài. Mỏ của nó chỉ hơi cong, dài, cứng cáp, không còn đen bóng mà đã ngả màu nâu xám. Chẳng biết bao nhiêu con mồi nó đã kiếm được trong cuộc đời. Thoáng trông cũng biết là nó rất thành thạo việc săn mồi. Mắt nó long lên tinh tường dù mỗi lần nhìn cái gì nó cũng phải nghếch đầu, vẹo về một bên như thể cổ bị cứng khớp khó quay. Nó chắc không còn non trẻ. Bộ lông của nó không óng mượt, đen bóng mà lơ thơ mệt mỏi ở vùng bụng, cổ của nó không vươn ra mạnh mẽ, thẳng thớm mà hơi rụt lại. Mỗi khi nhìn nàng, nó lại vẹo cổ, nghếch đầu rất chăm chú.

Mấy ngày đầu tiên, nó sà xuống mặt đất, nhảy trên từng phiến đá đỏ xếp chồng như bậc thang, rồi đi lại giữa các cây hoa. Hình như nó chỉ đến chơi và thăm mà không có ý định kiếm mồi bởi mắt nó chỉ nghếch lên hết nhìn hoa lại nhìn nàng. Chắc lúc nó bay vụt đi là lúc nó sực nhớ ra bổn phận, có lẽ cả một đàn con đang há mỏ chờ nó. Vườn nàng là chặng nghỉ êm đềm của nó, nó có vẻ rất dễ chịu và thoải mái.

Chỉ khi lòng nàng tràn ngập Rơm con chim đen mới sà xuống tận những luống hoa. Khi nàng thanh thản, nó vững vàng đi lại từng bước dọc hàng rào gỗ, đuôi xoè cánh quạt, cổ thẳng tưng. Khi nàng buồn, lòng dạ ngổn ngang, nó thường xuất hiện bất ngờ, trong dáng điệu lù rù, màulông đen của nó trở nên buồn bã. Rụt rè, bồn chồn, nghiêng nghiêng đầu, nó hướng ánh mắt tha thiết về nàng…

Gần hai tuần nay liên lạc của họ bị trục trặc hết vì lý do này đến lý do khác, nàng bận việc và Rơm bận các mối lo lắng nhằng nhịt. Tình yêu của họ xem có vẻ bớt lãng mạn, không thơ, không âu yếm, không tò he. Nhưng nàng biết Rơm vẫn đang tần tảo xây lâu đài tình yêu, Rơm không ngừng nhớ nàng. Cũng lạ là nhớ nàng Rơm cứ để trong lòng, chẳng cần viết dòng nào nữa, nàng phải mặc nhiên hiểu rằng những dòng ngắn ngủi ấy không đủ diễn đạt tình Rơm. Và nàng cũng hiểu thật, nàng hiểu Rơm từ ngọn nguồn, từ cái ngày đầu tiên nàng thâm nhập vào cuộc đời Rơm. Chỉ cần đối chiếu hình ảnh con gấu cô đơn với cái xác như bằng sáp và ánh mắt bàng bạc vô hồn ngày ấy và Rơm của ngày hôm nay mà mỗi tế bào đều nồng nàn sức sống, mà ánh mắt long lanh bởi niềm vui ngất ngây tỏa rạng trong lòng. Chẳng cần Rơm nói gì, thấy Rơm vui, Rơm say sưa, Rơm ngất ngây hạnh phúc, nàng biết Rơm vẫn yêu mình thiết tha.

Hôm qua vừa ra cửa nàng đã gặp con chim đen. Lần này nó đậu ở hàng rào lối đi ra đường. Nàng đứng sững lại, chỉ cách nó có hơn một mét:

– A, thế sao không vào vườn lại ở đây?

Nàng hỏi, vui lắm vì gặp nó. Nó nghiêng nghiêng bối rối trong vài giây, rồi quay hẳn lại đối diện với nàng, nhìn thẳng vào mắt nàng hồi lâu bằng đôi mắt vàng long lanh sáng quắc của nó. Cổ nó vươn thẳng lên rất đỏm dáng như biết rằng trong giây  phút  được nhìn cận cảnh này nó phải ở tư thế quyến rũ nhất.

Nàng cười khanh khách vì việc làm đỏm hồn nhiên của nó, tiếng của nàng nhịu lại bởi âu yếm:

– Thế đứng đây làm gì thế, hử, hử?

Nó nhìn nàng chằm chằm hồi lâu, chẳng nói chẳng rằng, đầu nguẩy nguẩy như một đứa trẻ, ý bảo rằng:

– Biết rồi cứ hỏi mãi, đùa dai, bắt nạt người ta…

Vì chăm chú, cổ của nó rụt hẳn vào và cái đuôi lốm đốm trắng xoè ra. Nó chỉ nhìn thấy nàng mà chưa bao giờ nghe tiếng nàng nên nó lạ. Nó nghiêng đầu vụt bay lên một cành cây phía trên đầu nàng nhưng vẫn không thôi nhòm xuống, nửa tò mò, nửa ngượng nghịu.

– Sợ à, biết nhau lâu rồi mà vẫn dát thế?

Nàng vẫn không tha. Nó cứ đứng im nhìn nàng chẳng một lời phân bua, những chiếc lông điểm trắng phất phơ quanh cái bụng căng căng, đôi mắt long lanh da diết. Thế rồi bất chợt, nó xõa cánh bay vù đi. Nàng chẳng biết lần này nó định báo gì cho nàng.

Chiều, ông quản gia bị ốm, phải nghỉ việc về nhà sớm. Nàng và mấy người bạn trong hội từ thiện ngồi trong phòng khách nhìn ra vườn. Con chim đen lại bay vù đến. Nàng giật mình vì sự xuất hiện của nó.

Nó nhìn chằm chằm vào phòng khách, rồi quay lưng, nghiêng người, từng bước, từng bước nhích về phía họ như đang đi thăng bằng trên dây, đuôi xòe tõe ra và bộ áo đen chùng hẳn xuống vì cố gắng biểu diễn này.

Tách, tách, tách…

Nó nhẩy từng bước một ngộ nghĩnh. Cái trò bất ngờ của nó làm nàng sững lại ngạc nhiên. Nhẩy đến gần cửa kính, nó hất đầu vẻ tự hào, bay vù đi. Sự có mặt ngắn ngủi của nó làm lòng nàng bừng lên niềm vui rạo rực.

Bày tỏ ròng rã về tình yêu không thể đo đếm được, về sự phục sinh của mình, về việc nàng đã đập mồ dựng Rơm dậy, rằng Rơm yêu nàng đến chết, thế mà trong nàng vẫn còn ngoắt ngoéo những nghi hoặc…

Rơm cho là nàng không tin những gì chưa được chứng thực. Tại cái đầu óc đàn bà của nàng thích nắm vững trong tay cái gì đó cụ thể mà Rơm đã minh họa bằng câu ngạn ngữ: Bắtđược con chim sẻ còn hơn bắt được đàn sếu bay trên trời. Nhỏ thôi mà cầm nắm được vẫn tốt hơn là cái to ngoài tầm với. Phải chăng tình yêu tuyệt đối mà Rơm vẫn không ngừng diễn giải, nàng chỉ coi là đàn sếu bay quá cao không bao giờ với tới được, nên nàng vẫn cần có trong tay những biểu hiện cụ thể tình yêu của Rơm để yên lòng trong khi Rơm đã hiến dâng nàng cái lớn nhất, đẹp nhất.

Bởi tình yêu của Rơm ở ngoài tầm hiểu biết của nàng. Nàng không thấu đạt được nó. Người ta chỉ thực sự hiểu cái gì đó bằng những gì mình đã trải nghiệm. Trong hai người, hóa ra nàng lại là người của cái cụ thể chứ không phải Rơm. Nàng, kẻ luôn dùng những khái niệm trừu tượng để diễn đạt ý của mình. Nàng ì ạch tiến tới tình yêu tuyệt đối với tất cả hoài nghi. Nàng đang nghiệm nó bằng chính bản thân và tất cả sự vật vã. Hy vọng có ngày nàng sẽ ngộ được nó. Chẳng biết phải nói gì khi tất cả ngôn từ đều đã cũ mòn, Rơm thấy thơ không còn đủ nữa, phải làm cái gì đó mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, mới hơn, một cái gì nổ tung và bừng sáng.

Pháo hoa!

Rơm miệt mài mò mẫm trong mạng mới tìm được hình ảnh pháo hoa ưng ý rồi lắp ráp bài thơ vừa viết cho nàng vào giữa chùm pháo hoa rực rỡ.

Rơm hy vọng dấu hiệu của sự mãnh liệt nhường ấy sẽ phá tan mọi nghi hoặc rơi rớt trong nàng. Những tia pháo hoa được bắn ra từ mặt trời nóng rực là tim Rơm. Như để chứng thực tình yêu của mình, Rơm đã tự mở phanh lồng ngực. Và những chùm pháo hoa khổng lồ sáng rực lấp lánh bung ra vô số ánh hào quang, tình yêu tưng bừng, tâm thái rạo rực của kẻ vượt qua cõi Đại Im để trở về cuộc sống…

Thôi ta về chỗ đại im

Nằm nghe tăm cá bóng chim thế nào

Trông ra đất thấp trời cao

Nhớ em mọc cả trăng sao giữa ngày

Thương em gào gió bay mây

Yêu em quên hết đắng cay nhọc nhằn…

Mới bảnh mắt, thằng bé đã phởn chí rồi. Nó hớn hở báo cho con bé biết là nó sẽ tung tăng bát phố sáng nay. Con bé khuyến khích nó, dặn nó cứ nhởn nhơ nhưng nhớ là phải ăn cái gì đó. Thằng bé lội bộ rạc cẳng giữa mùa thu phố phường, đói quá, vớ ngay được hai khúc sắn luộc ăn với một cục phó mát có mùi thum thủm…

Mặc dù nó không thích cái mùi này, nhưng người ta bảo nó, loại phó mát có mùi rất đắt tiền. Nó luôn ăn cả những món nó không thích miễn là món ấy đắt tiền.

Rồi thằng bé quay về tổ dế, hớn hở khoe cái chiến tích vĩ đại ăn cái cục phó mát đắt tiền ấy. Con bé trố mắt ngạc nhiên vì thương thằng bé luôn bị ám ảnh bởi cái gốc gác đói khát, hèn mọn của mình. Ngay sau đó, con bé hôn lên môi thằng bé. Bỗng nhiên, thằng bé mặt mũi rạng rỡ, điệu bộ oai vệ, hùng dũng như một bậc vương giả…

Thế là ngay trong buổi sáng hôm nay, một vị hoàng đế ăn phó mát thum thủm đã đăng quang trên một vương quốc tráng lệ, huy hoàng bậc nhất thế gian!

Vương quốc Tò He…

Thằng bé yêu chiều con bé, mỗi ngày đều cố tìm một món đồ chơi mới cho con bé chơi. Nhưng nó nghèo khổ, toàn đi chân đất, mặc áo cộc, bụng luôn lép kẹp, làm sao sắm nổi những món đồ chơi đắt tiền cho con bé? Thằng bé bèn nhịn ăn, bòn mót từng hạt gạo, giã mịn thành bột, hì hục nặn những con tò he, nhuộm phẩm xanh đỏ. Nó vốn chẳng có hoa tay, lại vụng về đến nỗi những con tò he nó nặn ra chẳng giống con vật nào trên thế gian.

Trong số những con tò he ấy, thằng bé chăm chút từng litừng tí nặn con chim đen… Tất nhiên, con chim tò he trong tay thằng bé không giống một con chim bình thường. Nó không đường bệ, kiêu hãnh như một con phượng hoàng. Không dũng mãnh, háo thắng như một con đại bàng xứ Băng-gan. Cũng không mượt mà lông cánh sặc sỡ như một con công. Càng không thể hót véo von như chích chòe. Hay đỏm dáng như một chú bói cá. Không mảnh mai trịnh trọng đến mức thần bí như một con hạc…

Trong ba ngày rưỡi nàng giận Rơm con chim đen không đến. Chắc những lúc ấy, bộ điệu của nó sã xuống như bị sũng nước không bay được, nó đành thu lại dưới đôi cánh đen ủ rũ chờ đợi như Rơm chờ lúc ánh sáng lại tỏa rạng trong nàng.

Có phải vì mấy hôm trời trở lạnh mà nó không dám đáp xuống mặt đất, chỉ đậu trên bờ rào? Từ hôm Rơm bị nàng giận, nó không còn bước tự tin theo ý muốn trong vườn nàng nữa, mà chỉ rụt rè lặng lẽ đậu trên hàng rào quan sát, đôi khi bắt gặp ánh mắt nàng, có vẻ xấu hổ, nó rụt đầu sâu thêm vào cổ, nhưng mắt vẫn lóng nhìn nàng.

Hôm nay nó đậu trên bờ rào bên phải. Khác với các lần trước, bao giờ nó cũng đậu khuất vào những dây leo ngoằn ngoèo, hình như nó không muốn đánh động hay làm nàng giật mình. Lần này nó nhảy lên nhảy xuống cái cành cây nó đang đậu. Nàng tưởng nó bị lũ kiến đang bò trên cành, đe dọa. Nàng bước đến gần với ý định sẽ xua đuổi lũ kiến lửa. Chẳng có con kiến nào cả.

A, nó cố thu hút sự chú ý của nàng.

Thấy nàng chăm chú nhìn, mỉm cười khi tưởng nàng đã đoán ra cái mẹo vặt của nó, con chim đen ưỡn bụng, vẹo đầu nhìn nàng hồi lâu trông rất giống lúc nàng ngắm Rơm tập thể dục qua webcam…

Bất chợt nó bay vụt lên loạng choạng rồi bổ nhào xuống. Nàng hoảng hốt nhận ra, nó cầu cứu nàng. Nó vỗ cánh chầm chậm và bay là là. Nàng hiểu ý, nó muốn dẫn đường cho nàng. Cứ thế, nàng theo con chim đen ra bãi biển…

– Con chim bay đi rồi, em ngẩn ngơ tìm nó trong một cuốn từ điển chuyên ngành điểu học.

– Em ơi, nó chính là con Sáo Sậu trên đỉnh Không Tên đấy… Sáo Sậu dễ ghét quá.

– Ừ, ở Lạc Quốc còn gọi là Con Nhồng, giống chim học nói tiếng người rất nhanh.

– Thảo nào, em nói gì nó cũng hiểu. Tình hình là thèm anh quá đầm đìa. Con bé và thằng bé tự nhiên bị lớn vụt lên, làm kẻ đắm thuyền và Nàng Tiên Cá. Em tự hỏi, có ai yêu khốn yêu khổ như chúng mình không?

Thằng bé một tay giữ cần câu trên vai, tay kia nắm chặt tay đứa con gái, bao giờ nó cũng nắm chặt thế, như sợ con bé sẽ tan biến mất. Bỗng đứa con gái rụt tay ra, mặt đỏ bừng ngượng nghịu. Đũng quần nó ướt nhễ nhại. Lần nào thằng bé thít chặt tay nó, dịch nhờn quỉ quái ấy cũng lại tiết ra. Một linh giác kỳ ảo chính xác lướt qua làm đôi mắt của thằng con trai rạo rực âu yếm. Nó bất giác vứt chiếc cần câu xuống đất như muốn ôm sát cơ thể tràn trề thanh xuân của đứa con gái vào mình. Dòng điện mãnh liệt từ đôi mắt của thằng bé tóe ra thiêu đốt hai khuôn ngực bỗng cong lên của con bé. Thằng bé đứng như trời trồng trân trân nhìn con bé bằng những tia rực lửa.

Thẹn thùng, con bé quay mình bỏ chạy, thằng bé vùn vụt đuổi theo. Chúng chạy trong đê mê, không còn biết dẫm đạp lên bao nhiêu vệ cỏ, bờ mương, chúng lao đi trong rạo rực, xuyên qua những cánh đồng nghiêng ngả sóng xanh. Thằng bé chỉ với tay là bắt được con bé nhưng lần nào giơ tay ra nó cũng đều rụt lại. Con bé chạy được một lúc nữa thì nằm vật giữa bãi cỏ may. Thằng bé cũng ngã đổ xuống bên nó.

Nằm cạnh nhau, ngửa mặt nhìn bầu trời cao xanh lồng lộng, thằng bé lại bất giác nắm chặt lấy tay con bé:

– Bắt được rồi nhá!

Con bé chợt rụt tay, lần này gương mặt nó phủ vẻ ngây ngất, nó kéo thốc áo lên để lộ ra hai bầu vú cong cứng: Áp môi vào đây đi. Thằng bé vồ vập ngậm vào bầu vú căng, như đứa trẻ háu ăn khát sữa. Bú đến đâu, đôi môi khô cằn của nó mơn mởn đến đó, bú đến đâu dòng sinh lực tràn trề giần giật chảy trong người nó đến đó. Nó chợt thấy mùa xuân của đất trời và đồng ruộng đang ào ạt chảy trong mình. Nó muốn tan hòa vào mùa xuân. Nó lột sạch quần áo trên người và chìm vào vùng tối vô đáy của con bé.

Chúng tan ra ngây ngất lẫn vào đất đá, cỏ cây và mùi hương ngai ngái của ruộng đồng.

Rơm ngủ hay thức mà không nghe điện thoại. Cũng chẳng lên mạng? Nàng đã gửi khá nhiều tin nhắn cho Rơm. Có lẽ Rơm buồn và thất vọng đến nỗi chẳng thiết nghe điện thoại của nàng nữa. Tất cả những gì đến từ nàng bây giờ có lẽ trở nên vô nghĩa vì nàng chỉ là đứa nửa vời. Nàng không dám đi đến tận cùng…

Mái tóc bạc phơ, hai mắt đau nhập nhèm, người ngợm rệu rã nhưng trái tim nóng nhức, còn hồn thì chẳng thèm bận tâm đến hết thảy vướng bận của cơ thể cũng như mọi cái bên ngoài, Rơm say sưa lãng đãng bay trong làn khói mờ nhẹ hư ảo. Rơm chỉ hít thở ngất ngây không khí huyền ảo, mầu nhiệm.

Rơm đang sống trong không gian thực thực ảo ảo. Khao khát ôm ghì lấy nàng làm đêm tối của Rơm tràn ngập giấc mơ trèo qua cửa sổ webcam. Đặt cạnh đấy, không gian siêu thực của Yves Tanguy, Dali và Magritte trở nên quá nghèo nàn tưởng tượng.

Rơm đang một chân trong, một chân ngoài trên bậu cửa sổ treo lơ lửng trong không khí. Vượt qua nó, Rơm quấn quýt với nàng, trở lại bên này, Rơm một mình trằn trọc nhức nhối với hai mắt sưng húp. Rơm đang sống mồn một sự kỳ ảo của Liêu Trai nhập thân vào tấm hình thiếu nữ.

Phải sau nửa thế kỷ, cái cảm xúc thích thú, rung động còn bàng bạc, mông lung khi đọc Liêu Trai mới được sống lại thật sự, cái sự kỳ diệu mà Rơm đang sống bằng chính bản thân mình. Cảm tưởng về sự biến hóa mầu nhiệm của hai đứa trẻ dắt tay nhau đi câu thôi lổi, đang được Rơm tự trải nghiệm. Và Rơm chợt hiểu căn nhà mầu nhiệm ấy là thật. Dằng dặc  năm  mươi  năm , Rơm mới quay trở về cái thư viện xệch xẹo ấy, điểm khởi đầu cảm xúc mơ hồ về Liêu Trai, để đang chiêm nghiệm nó với tất cả sự chân xác. Chỉ vòng qua ba phần tư đời người, Rơm mới trở về lại cảm xúc yêu trong trẻo, nguyên thủy, thô ráp của cậu con trai mới lớn ngày ấy, trở về điểm bắt đầu sau khi đã đi một đường khép kín, trở về nhẹ bỗng ngất ngây, như thể mọi hành trang nặng nề thu lượm trong cả cuộc đời bỗng hóa thành tro bụi.

Thằng bé tóc rối bù xù, chân đất cáu bẩn, vàng ệch, chiếc áo cổ vuông, chiếc quần sờn cũ, hình như đó cũng là bộ quần áo duy nhất của nó. Trên người nó là sự vừa xoẳn tiết kiệm tối đa, một sinh linh mà tồn tại được duy trì bằng những cái tối thiểu. Người nó sắt lại như để chống đỡ sự nhục nhã vì bị dầy xéo, cơn bão âm ỉ trong lòng tàn phá ánh sáng ngây thơ của đôi mắt nó. Mắt nó ánh lên màu chì lì lợm của kẻ quen chịu đựng, màu thép của ý chí. Mùa đông cũng như mùa hè nó chỉ mặc độc cái áo cổ vuông, cái quần đùi sờn chỉ và chân đất…

Nó là thằng bé ở quê ra, nghèo hèn, nó ăn nhờ ở đậu. Mới tí tuổi  đầu, nó đã biết phải bươn bả để tồn tại, rằng cuộc đời nó không thể trông cậy được vào ai khác ngoài bản thân nó. Nó đã hiểu rằng nó phải tự kiếm miếng ăn bằng làm việc. Dậy từ  năm  giờ sáng, giặt quần áo cho vợ chồng chú thím nó mà thực chất là ông bà chủ, quấy bột cho em nó (con ông chú)…, xong xuôi công việc của một thằng ở, nó mới tất tả đến trường. Ở trường nó hiện ra với một chân dung nguệch ngoạc của thằng bé quê mùa, chẳng ai để ý đến nó. Thế mà trái tim của thằng bé nghèo khổ ấy lại tràn đầy kiêu hãnh, không phải từ sự tự huyễn hoặc ý đồ trả thù ngây thơ sự khinh miệt, mà bắt rễ từ những cuốn sách nó đọc trong cái thư viện ấy. Làm thay cho chị thủ thư trong những giờ người con gái đa tình bận tình tự với người yêu, nó vô tình rơi vào thế giới sách và chìm trong đó. Nó đọc các loại sách, tất tần tật sách có trong thư viện (chỉ vỏn vẹn bao nhiêu đầu sách mà mở cho nó một thế giới tuyệt diệu). Nó thích không gian đượm chất huyền ảo của Bồ Tùng Linh…

Thế giới sách ấy là nơi trú ngụ chắc chắn của nó, nơi che chắn nó khỏi những sự khinh miệt, kỳ thị của thế giới bên ngoài và những nỗi thèm khát dầy vò bên trong. Tim nó ấm áp và cứng cáp từ khi tìm được nơi trú ẩn thực sự. Nó chợt hiểu là nó mạnh hơn và may mắn hơn tất cả chúng sinh quay cuồng trong cuộc đời thực, chịu sự dầy xéo của hiện thực.

Thư viện là thế giới của nó, nơi duy nhất trả lại toàn bộ giá trị của nó, cái giá trị mà không một ai thấy, anh chị, cho đến bạn bè và thầy giáo nó. Không ai nhìn thấy nó, không ai thấy những ánh chớp sáng lóe chạy qua đầu óc nó làm bừng sáng tư duy của nó, không ai thấy tâm hồn đang rộng mở ra bao la của nó. Người ta chỉ thấy những gì có trong đầu óc và tâm hồn mình. Nó cứ hồn nhiên như một khúc gỗ thô mộc không được chú ý, kể cả chị thủ thư cùng những tiếng rên rỉ lộ liễu vọng ra từ kho sách, nơi chị thủ thư đang âu yếm nhân tình của mình.

Rồi đến một ngày kia, sáng dậy, thằng bé lớn lên như cây dại ấy tự nhiên thấy đũng quần ướt sũng, nó giặt quần mà cũng chẳng biết cái gì đã xẩy đến với mình. Nó xấu hổ, nhưng khác với nỗi xấu hổ lần nó ăn vụng mấy thìa sữa bột lúc khuấy bột cho cháu nó. Nó biết như thế là xấu, nhưng nó thèm đường quá. Đúng lúc nó vừa lén lút xúc lia lịa mấy thìa sữa bột trong cái túi ni-lông, tọng vào mồm thì anh rể nó bước vào bếp. Nó hoảng quá, nuốt chửng. Khổ nỗi những hạt sữa bột khô, thấm nước rất nhanh, vón lại trong miệng, quyện với nước bọt thành một cái nút chẹn ngang cổ họng khiến nó bị sặc đến mức gần nghẹt thở…

Phải, lần này nỗi xấu hổ khác hẳn. Nó không ăn vụng mà hình như vừa xảy ra một sự vụng trộm đáng trách nào đó. Nó ngượng ngập giặt cái quần ướt lầy nhầy sau một đêm ngủ mê. Lần đầu tiên nó xuất tinh mà nó không biết. Và bỗng cảm thấy một cái gì đó khang khác. Nguyên do thật mơ hồ, chỉ biết đấy là lần đầu tiên nó thấy xấu hổ bởi cái áo cổ vuông, cái quần sờn và đôi bàn chân nứt nẻ của mình. Cũng là lần đầu tiên nó thấy chị thủ thư xinh và duyên dáng, lần đầu tiên nó chợt ngường ngượng lén nhìn lên ngực chị ta và dường như chị ta cũng ngỡ ngàng nhìn nó. Nó yêu chị thủ thư nhưng không biết rằng nó đã yêu, cũng bởi chị ta hơn nó những năm tuổi . Sau đó, chị ta có gửi cho nó một bộ quần áo, một đôi dép nhựa. Dĩ nhiên nó không biết những món quà vô giá này đến từ đâu. Chị thủ thư gửi qua chị gái nó, nhưng chị nó chỉ lẳng lặng đưa mà không nói ai gửi.

 

NỮ THẬP TAM NAM THẬP LỤC

 

Những gì mà cậu bé mười ba tuổi cảm thấy mơ hồ, mông lung ngày ấy đang được Rơm sống ngày hôm nay một cách rõ ràng và đậm nét. Như thể tình yêu hiện tại làm sống dậy những cảm giác còn mơ hồ, dở dang, cho chúng đường nét, hình khối, biến tất cả những gì còn ẩn trong cát mờ của ký ức hiện lên rõ ràng. Rơm rơi về trạng thái bỡ ngỡ của  tuổi  mười ba, khi lần đầu tiên Rơm cảm nhận được kinh nghiệm giới tính và hưởng thụ một cách không tự giác, niềm khoái cảm tình dục. Thời gian vật lý biến mất, chỉ còn lại “thời gian – dòng sống”cuồn cuộn chảy…

Còn nàng mười ba tuổi, vẫn còn là một con bé. Điều này tưởng như trái khoáy, các cụ vẫn bảo: Nữ thập tam, nam thập lục…

Nó hay đứng lặng đăm đăm nhìn vào vật gì đó trước mặt, quên luôn xung quanh. Tưởng như nó quá đỗi tập trung nhưng kỳ thực tâm trí nó lại đang lang thang về căn hộ nhỏ của bố con nó, những buổi bố học bài cùng nó, những buổi chiều bố dắt tay nó tung tăng đi chợ. Nhưng cũng ngay tức khắc, tất cả những hình ảnh hạnh phúc ấy bị cào xé rách tươm bởi những ngón tay chới với của cái hình hài nát bét phủ đặc bùn đang chìm dần vào một cái hồ đen. Tất cả mọi giây phút  hạnh phúc ập về trong giây lát đều bị nuốt chửng trong cái hồ bùn ngâm các mảnh vỡ của bố nó. Cả quãng đời đã sống của nó đều chìm nghỉm trong cái hồ bùn trộn máu nằm ngay ở đáy lòng nó. Sự lúc nhúc của cái hồ bùn ấy gây nên những cơn đau bụng quằn quại.

Bà ngoại nó sợ đang đêm nó gặp ác mộng.

Bà hoảng hốt cho nó đi khám bệnh, chụp X-quang, chẳng có triệu chứng gì bất thường. Bà biết các bác sĩ muốn ám chỉ: Nhữngcơn đau vì nguyên nhân thần kinh. Nhưng bà sợ việc đưa nó đến chuyên gia tâm lý chỉ làm bức tường câm lặng của nó thêm dầy đặc.

Bà tin là bà hiểu nó, chỉ mình bà có thể giúp nó. Nó yêu cây cỏ, hoa lá, và đặc biệt là khoảng không bao la từ ngọn đồi của lâu đài công viên nhìn xuống cánh rừng. Mỗi lần đi công viên nó đều tung tăng nhặt hàng vốc hạt dẻ nặng trĩu vạt áo hay hàng xấp những chiếc lá tiêu huyền đỏ au, vàng ươm to như bàn tay, đi bên những luống hoa, nó ghé sát hà hít xem cây nào toả ra mùi hương nào. Ngồi trên thảm cỏ dưới chân lâu đài, mắt nó miên man ôm lấy cánh rừng bao la xen từng lớp đỏ rực, vàng óng, xanh rờn. Mắt nó rạng ngời khi rừng cây óng ánh trong nắng, và thẫm đen khi từng vạt rừng bị bóng tối nuốt dần đi. Nó hay nán lại, nhưng bà bao giờ cũng giục nó về nhà trước khi trời tối, không phải vì sương lạnh, bà sợ ánh mắt sầm xuống của nó khi cánh rừng chìm vào bóng tối. Khoảng không bao la thanh tĩnh, cánh rừng bạt ngàn. Và thời gian, thời gian sẽ làm mờ nhạt dần nỗi đau trong lòng nó.

Dường như nó chỉ thu nạp, sẽ đến lúc bên trong nó quá đầy ứ buộc phải thoát ra bằng một cách nào đó. Cũng có thể nó đang ở giai đoạn ngỡ ngàng trong khung cảnh hoàn toàn xa lạ, ngôn ngữ mới mẻ. Nó nghe nhiều hơn nói. Sự rụt rè của nó chỉ làm tăng thêm sự câm lặng vốn dĩ. Nó nhớ thăm thẳm đường phố nhà nó và nhà bà nội, trường học, cô giáo, những đứa bạn thân. Lúc ấy nó mới nhớ bà nội với mặc cảm tội lỗi nào đó, nó mới lặng lẽ khóc bà nội.

Mặc cảm ân hận với hương hồn bà nội vừa nhói lên đã bị nuốt chửng vào cái hồ bùn, cái ngày khủng khiếp vật lộn dưới mưa luốt thuốt, nấm mồ im lìm, chật hẹp của bố, đám tang bà nội. Những cái nhìn gượng gạo, những ánh mắt chần chừ của các cô các chú. Rốn Rồng hiện ra ảm đạm, ghẻ lạnh. Rốn Rồng dừng lại trong ký ức nó dưới lớp bùn u ám. Trên mảnh đất xa lạ này, sự không biết tất thảy về thân phận nó làm giảm đi sự ùng ục của cái hồ bùn trong lòng.

Bà và cô giáo đều ngạc nhiên về việc nó học viết tiếng Phù Lãng nhanh hơn nói. Bà chẳng thấy nó tập nói hồi nào, bỗng một hôm nghe nó nói chuyện bằng tiếng Phù Lãng trơn tru với ông Tống, giọng không hề pha phát âm Lạc Quốc, hoàn toàn như một con bé gốc Khai Hóa. Ông Tống vốn dĩ vẫn thích dùng tiếng Phù Lãng hơn tiếng Lạc và tiếng Trung Thổ, nên ông và nó nói tiếng Phù Lãng với nhau. Càng ngày cung cách của nó càng giống một con bé Phù Lãng, môi mím, mắt mở tròn, vai hơi nhún biểu hiện sự miễn cưỡng. Nó dần dà thoát ra khỏi cái vỏ e dè, sợ sệt. Nó không còn nghe ngóng bà ngoại nữa mà lẳng lặng chẳng cần hỏi ý kiến ai. Điệu bộ của nó toát lên một điều: Nó biết việc nó phải làm, nó có chủ ý riêng của mình, nó, chứ không phải ai khác có thể làm hay quyết định thay cho nó.

Nó chẳng nói nhiều hơn trước, nhưng mỗi khi nó nói, nó không còn rụt rè ngước mắt lên nhìn bà như trước. Dù đó là điều bà ngoại muốn, nhưng nhìn vẻ tự chủ, mạnh dạn của nó, cái vẻ chẳng còn sợ sệt ai và cái gì nữa, tự nhiên bà như thấy bị mất mát cái gì. Bà cứ thấy nuối tiếc cái e lệ, thẹn thùng, rụt rè của nó. Bà thấy ở đó bao dịu dàng, duyên dáng mới hợp với vóc người mảnh dẻ và đôi mắt một mí to dài của nó. Giờ đây mắt nó không còn e thẹn nữa mà mở to không cụp xuống bởi bất cứ lý do gì.

Không biết sao, bà vẫn thấy một nàng Phù Tang cúi chào nhẹ nhàng duyên hơn một nàng Phù Tang cười ha hả mà thoáng trông đã thấy hoàn toàn nhiễm Tây. Với người mình cũng vậy, không biết có phải vì bà là người hoài cổ? Nhưng bà yêu cái dịu dàng, lả lướt của con gái Long Đỗ.

Nó dần dần nghĩ cả bằng tiếng Phù Lãng. Nó nói tiếng Phù Lãng với ai thì nói nhưng trừ bà ngoại, nó đủ thông minh để hiểu rằng, với bà phải nói tiếng Lạc thuần Lạc, không chêm tiếng Phù Lãng nào. Thay vào thuê gia sư dạy nó tiếng Phù Lãng trước đây, bà tự kèm nó viết và đọc tiếng Lạc. Cảm giác như nó hiểu được nhiều điều, cái gì bà cũng tâm sự với nó, đi đâu cũng tha lôi nó. Nó trở thành bạn tri kỷ của bà. Với nó bà không cần giữ kẽ. Nó chứng kiến sau bao lần đón tiếp hoặc gặp gỡ các bà bạn gốc Rốn Rồng hay Không Mùa, bà nó văng tục một tràng, đập cửa xe rầm rầm hay đóng tủ lạnh đánh soạt. Bà nó phải tiếp nhận và quan hệ với các bà bạn này như là một di sản bà phải “thừa kế”từ bà chị đã quá cố. Bà kể. Lúc đầu bà cũng phải chịu đủ các lời cạnh khóe của các bà ấy. Nào là: Cô vừa từ Rốn Rồng sang cũng biết Guerlain là gì, ngày xưa chị cô thích 24 Fourbourg, thoáng thấy mùi Hermes ở đâu là đã biết bà ấy ở đấy.

Các bà ấy lúc nào cũng nhắc đến chị bà như một chuẩn mực. Trong các bữa nhẩy đầm, họ thì thầm chê ỏng chê eo trang phục của ngoại bụi đời quá, áo, váy jean lố lăng quá.

Mà ngoại lại chúa ghét những chiếc áo vét hộp bó sát người, hai cổ tay viền óng ánh hai chữ CD (Christian Dior) hay những chiếc kính, chiếc ví YSL (Yves Saint-Laurent) vàng óng…

Bà thích đồ không có nhãn mác, kể cả váy áo mua ở chợ đồ cũ, ông Tống không thích như vậy, nhưng bà mặc đẹp đến nỗi ông cũng ngẩn ra mà ngắm…

Bà ngoại và ông Tống khác nhau, từ dáng điệu, quần áo, khẩu vị, đến các thú vui. Tóc ông nhuộm đen nhánh như cái mũ chụp xuống khuôn mặt trắng xanh, lấm tấm những mảng da chết màu nâu. Môi ông nhỏ, rõ nét, đỏ nhờ nhờ. Giọng nói của ông như bị ép cứng trong cổ trước khi phát ra bởi sự hơi cường điệu khi phát âm các vần un, em, chữ l và r của tiếng Phù Lãng. Trong ông lúc nào cũng có một cái gì đó không tự nhiên như thể bộ tóc giả của ông sắp rơi tụt xuống, hay chiếc mặt nạ bằng sáp trắng sắp bị bong ra. Kể cả khi nói, cười, miệng ông cũng chúm chím như trẻ con sợ mất môi son. Đôi chân của ông có vẻ như quá ẻo lả, tong teo khi phải đỡ chiếc bụng đã hơi phình ra…

Không thấy ông bơi bao giờ, chỉ thấy ông nhắm mắt tựa lưng bên bồn massage. Cũng có thể, trước bà ngoại, bể bơi chỉ là vật trưng diện không được ai sử dụng. Ông cũng không thích mấy các trò thể thao cần sức mạnh và nhanh nhạy như quần vợt. Môn thể thao duy nhất mà ông thích là chơi gôn. Ông bảo mỗi lần chơi gôn tương đương với việc ông đi bộ đến mườicây số, đủ để giữ người cường tráng. Nhưng mười cây số ấy không bù lại được cường độ chạy của chiếc máy tính trong đầu ông: đầu tư vào ngành buôn bán thuốc, mua cổ phần của hãng bảo hiểm AXA, mua những lô đất từng mười héc-ta trên đảo Ibiza, xây những nhà nghỉ để bán hay cho khách sang trọng thuê…

Thư, điện thoại, những cuộc gặp gỡ, mặc cả chuyện làm ăn, kinh doanh, tiếp cơm khách, họp mặt…, dồn dập cả ngày, đêm đến ông vẫn còn phải chong đèn kiểm tra sổ sách, giấy tờ, gẩy bàn tính lách cách hay bàn chuyện với những người tin cẩn dưới phòng bi-a.

Các nàng thư ký của ông đều rất đẹp, kiểu Barbies, có lẽ ông thích mẫu tóc vàng, mắt xanh, chân dài thon, nhưng chỉ để ngắm, đúng kiểu chơi búp bê, bà bảo giời phạt ông, miếng ngon đến miệng mà không xơi được.

Thư ký, chiến hữu nhan nhản đấy mà trước khi quyết định việc gì ông lại cứ thích hỏi ngoại, như người ta hỏi thầy số, thầy tướng hay bà đồng, tưởng như ông mê tín nhưng kỳ thực ông biết ngoại sắc sảo tinh tường, dù là người ngoại đạo, dù chỉ cảm thấy bằng trực giác thì ông cũng nghiệm thấy sự nhạy bén bất ngờ của ngoại. Ông yêu chiều ngoại không chỉ vì mê mẩn nhan sắc, sự quyến rũ chăn gối, mà còn vì cần ngoại. Ông muốn ngoại có mặt trong các cuộc họp làm ăn của mình chứ không chỉ trong các cuộc tiệc tùng ngoại giao, nhưng ngoại trốn lủi mỗi khi có thể. Ngoại chỉ muốn dành thời gian cho nó và người tình của ngoại – ông Nhân – người mà ngoại rước về dưới danh nghĩa thầy dạy nó học dương cầm.

Ông Nhân ngoài tài chơi đàn, còn có giọng trầm ngọt lịm thường đệm piano và hòa với ngoại những bài hát tiền chiến du dương. Khi cần, ông còn có thể ngồi gõ phách hay gõ trống chầu cho bà ngoại hát ả đào cho đỡ nhớ những ngày tháng vàng son…

Ông Tống bày ra hai tối nhẩy đầm cuối tuần cũng cốt để bà con Lạc kiều tụ tập nhưng ông lại nhẩy đầm rất kém, đôi chân châu chấu của ông cứ nguều ngoào chẳng theo nhịp theo điệu gì cả. Ông tự biết mình không nhẩy được nên đành giữ chiếc mặt nạ cười cười trong khi ngoại lượn bay bướm trong vòng tay của võ sư Nhân, kiêm nhạc sĩ dương cầm, trẻ hơn ông đến hai chục  tuổi . Thân hình cao, uyển chuyển như con báo của ngoại óng lên trong những chiếc váy bó sát người thường xẻ rất cao để lộ ra đôi chân dài còn rắn chắc, điều làm các bà ngoại ngũ tuần, cập kề lục tuần trong những chiếc áo vét CD và YSL vòng nhẫn vàng chóe không chịu đựng nổi. Những chiếc váy áo khoét rộng ngực, để lộ vai trần của ngoại làm họ nhức mắt. Cái vẻ quyến rũ, sexy của bà như cái gai chọc vào mắt họ.

Thời gian đầu bén hơi ông ấy, ngoại luôn trễ hẹn với nó. Nó chờ không thấy thì tự động về nhà, hay đến nhà Mala, đứa bạn thân gốc Bắc Phi của nó.

Bố Mala ở lại Tunisia, mẹ về Khai Hóa lấy chồng khác, có hai đứa con. Còn cả bố lẫn mẹ nhưng nó có cảm giác là Mala cũng cô đơn chẳng khác gì nó ở giữa gia đình mình. Nhà Mala chật chội, chỉ có hai phòng ngủ, nó phải ở chung phòng với hai đứa em. Cái khoảnh riêng của nó là giường trên cùng của chiếc giường tầng. Nhưng dù gì thì Mala cũng vững vàng hơn nó, Mala coi nó như một đứa em cần được bảo vệ.

Từ khi ngoại thậm thụt với ông Nhân, nó cần Mala hơn bao giờ hết. Nó cảm thấy bị bỏ rơi.

Biệt thự của ông Tống là nơi tị nạn của nó thì đúng hơn là nhà. Nó không làm sao tự nhiên được giữa những đồ đạc sang trọng sạch li lau. Có lẽ bà ngoại cũng có cùng cảm giác khách trọ như nó. Sống đến hơn mười năm mà bà nó vẫn chẳng gắn bó với ngôi biệt thự lạnh lẽo như bảo tàng này.

Hình như cũng giống bà ngoại, nó chỉ có một căn nhà mà nó đã để lại ở Long Đỗ. Nó chỉ có thể gọi nơi duy nhất ấy, căn hộ vôi vàng bạc phếch của bố con nó là nhà. Nhà chỉ có thể là những vỉa hè bày bán rau, cá mà bố con nó dắt nhau đi mua, những đường phố thoảng hương hoa sữa ban đêm và mù mịt bụi ban ngày mà gió pha thêm mùi cống rãnh vào mùi chợ chiều… Nhà chỉ có thể là những đường phố oi bức, những khuôn mặt xạm nắng, đen đủi quai gồng lam lũ. Chỉ có thể là những chợ đêm lụp xụp những ngọn đèn dầu hắt ra từ các quán nước chè, cái sân khấp khiểng mờ ánh đèn đường, tối tối bố đưa nó từ nhà bà nội về. Trong biệt thự, nó đi đứng nhẹ nhàng, rón rén, bà Sáu lúc nào cũng nhìn nó xét nét lắm. Bà Sáu là vú nuôi, rồi quản gia của ông Tống, ngày nào cũng có người ở lau chùi tám tiếng đồng hồ mà bà quản gia không lúc nào rời tay khỏi cái hộp giấy Kleenex. Bà không lau đồ đạc và các vòi nước bằng giẻ lau, đến dùng vải bà cũng còn sợ các vòi dát bạc và các mặt bàn bằng đá bị xước, bà mua loại giấy xỉ mũi mềm như lông tơ lau chúng. Những đồ quí giá, bà không cho người giúp việc động vào. Ai dọn dẹp, lau chùi cũng không vừa ý bà. Cũng chẳng lạ khi một con bé từ Rốn Rồng sang, luôn bị bà theo dõi và dậy bảo kỹ lưỡng.

Trong phòng tắm của nó bà trữ đầy các hộp giấy Kleenex. Và bà luôn mồm nhắc nó, cứ đánh răng rửa mặt xong là phải lau ngay những giọt nước bám trên vòi và dưới lavabo, như thế, nước không làm hoen vàng các bồn, chậu và đen nhà tắm. Những ngày thấy kinh phải lót khăn bông màu đỏ bà đã đặt sẵn trong phòng ngủ. Với bà ngoại, bà Sáu cũng đặt sẵn những chiếc khăn bông trắng ngà để cho những cuộc gần gũi của bà và ông Tống không làm ố khăn trải giường CD. Bà đâu có biết rằng, ông chủ của bà chẳng còn gì nhiều nhặn để có thể làm bẩn cái gì, nên khăn trải giường trên tầng ba luôn trắng bong, mà như trêu ngươi, khăn trải giường tầng hai của ngoại cứ phải thay xoành xoạch. Bà Sáu ngấm nguýt ngoại lắm, ngoại chỉ độc làm ngược lại những nguyên tắc của bà. Nhưng ngoại bất chấp. Được ông Tống chiều, ngoại làm gì, mặc gì, trồng cây gì, mua đồ gì, thay đổi nội thất thế nào ông cũng gật gù.

N.K.P.

Comments are closed.