Khi tôi trở về

Trần Mộng Tú

Gửi theo Bùi Bích Hà

Khi tôi trở về từ một “Đám Tang” không có thật, chỉ có những tiếng lao xao về một người đã qua đời, một người có thật của cộng đồng có thật với đầy đủ đa đoan, đầy đủ những tin tức khác nhau.

Tôi có thật và tôi hiện hữu 10 ngày ở thành phố đó. Gặp những người bạn có thật và nói về một người bạn vừa bỏ đi. Bỏ đi như một chiếc lá bay vèo vì gió thổi mạnh, thổi sang vườn khác hay chiếc lá đó vướng vào một chiếc cành nào quá cao không bay xuống thấp được nữa. Mất hẳn rồi, mất thật rồi, vướng vào ngọn cây nào hay đã bay hẳn sang một thành phố khác bên kia ngọn núi. Biết đâu mà tìm!

Chuyến bay trở về thành phố nhà của tôi, dày đặc hơn ba trăm người chung quanh, sao tôi vẫn thấy mình như ngồi giữa một bãi đáp mênh mông, tôi nhẹ tênh và tôi lơ lửng như một chiếc đèn lồng giấy. Hơn 2 tiếng bay trên bầu trời tôi cứ lơ mơ nghĩ tới mấy chữ cuối của vé tôi mua trên mạng là RIP. Lúc tôi vào máy để in vé ra tôi cứ lấn cấn trong đầu, sao lại là ba chữ RIP (Rest in Peace). Ba chữ đó cho người bạn vừa mất hút hay là cho chính tôi sắp lên máy bay? Thì đã sao, phó thác cho Thượng Đế thôi.

(Confirmation Letter – WGYRIP 07/13/21 – from Alaska Airlines)

Khi tôi trở về, bước lên bực thềm khô ran không một dấu giày, những chậu hoa thiếu nước, những đóa hoa ngoẹo đầu sang một bên, gió chiều mùa Hạ cong như một hơi thở của người vừa bỏ đi hay một người vừa trở lại với mảnh hồn rạn đau?

Khi tôi trở về, vào đúng đêm rằm tháng Hạ, mặt trăng có màu hỏa hoàng, to tròn như một chiếc đĩa bàn treo trên bầu trời, chiếu ánh sáng lung linh xuống hồ làm mặt nước như có bàn tay ai khua nhẹ.

Có phải người về khua vầng trăng

Có phải người khua nỗi tôi thầm

Những giọt lệ vàng rơi trong nước

Hay tiếng người cười đã vỡ tan

Tôi nhớ tiếng cười trong trẻo của bạn, tôi nhớ những giọt nước mắt cũng trong veo tự quẹt trên lưng bàn tay bạn.Tôi nhớ những đêm trăng, chúng mình đôi khi tình cờ được chia sẻ cùng nhau ở nhà tôi hay ở nhà bạn. Những mảnh trăng rơi trong mắt nhau, mềm như lệ, đôi khi trăng giòn như tiếng bạn mình cười. Bây giờ trăng ghé hiên nhà tôi sao không có bạn, không bao giờ có bạn được nữa.

Có phải người đi trăng cũng vỡ

Những mảnh vàng mỗi mảnh một nơi

Trên những con đường xa ngái đó

Có một người gọi mãi một người.

Nắng, Gió, Ánh Trăng, Câu Thơ, Đời Người. Cái nào có thật?

Nắng, Gió, Ánh Trăng, Câu Thơ đều có thật, vì nó mất đi rồi sẽ quay lại, dù đó không phải là vạt nắng cũ, ánh trăng xưa, gió sẽ quay về và câu Thơ sẽ được đọc lại. Chỉ có Đời Người là không có thật.

Bạn tôi đã mất là mất luôn không quay lại nữa, không vực được dậy, không hà hơi cho thức tỉnh được. Cho dù người ta có đánh lừa tôi bằng đủ mọi lời huyễn hoặc, tôi cũng biết “Chết là MẤT vĩnh viễn”. Tôi đã trải qua nhiều kinh nghiệm đau thương này rồi, không ai đánh lừa tôi được nữa.

Ở cuối đường kia còn bóng nắng

Mặt trăng còn đọng ở bài thơ

Gió thổi mười phương còn quay lại

Người MẤT rồi, tôi đứng chơ vơ.

Khi tôi trở về, những tập sách báo, những lá thư, sách mới của bạn xa gửi tới tặng, xếp một chồng khá cao ở chân cầu thang. Lật, lật sơ qua, những chữ là chữ. Tôi nhớ đến bạn mình, người một đời với chữ.Chữ vui, chữ buồn, chữ cười, chữ khóc. Chữ đôi khi cô đọng, đôi khi sa đà, bay bổng kéo bạn tôi tới một con đường không có chân trời. Bạn tôi dạy chữ, dịch chữ, viết chữ, khi ra đi tình cờ như vậy chắc còn nhiều trang giấy dịch nửa chừng, nhiều bài viết chưa hết câu, chưa kết thúc. Chao ôi sao mà thương quá! Bao giờ cũng nửa vời, vầng trăng trên đầu bạn bao giờ cũng bán nguyệt, cũng khuyết một mảnh và bạn suốt một đời đuổi theo một vầng trăng huyễn hoặc.

Thôi nhé, bây giờ bạn tôi đã có cho riêng mình nguyên một vầng trăng rằm.Tôi hình dung ra bạn đang hạnh phúc trong vùng ánh sáng huyễn hoặc đó.

Tôi thấy người trong một cõi không

Những mảnh vàng rơi tiếng gọi thầm

Đánh dấu đời mình trong trang sách

Đặt giữa hai trang một mảnh rằm.

Dù ở thế giới nào chăng nữa, hãy giữ cho chặt mảnh trăng rằm, cho bạn và cho tôi.

Chẳng phải cả hai chúng ta đều yêu trăng đêm rằm hay sao.

tmt

25/7/2021 – Bùi Bích Hà mất 14/7/2021

Comments are closed.