Lời khóc bạn

Nghệ sĩ nhân dân, Đạo diễn Trần Văn Thuỷ đọc tại lễ tang Bs Trần Hữu Ngoạn, ngày 26/5/2014 (tức ngày 28/4 năm Giáp Ngọ)

 

Kính thưa Ban tổ chức tang lễ!Minh hoa 6

Kính thưa các vị đại diện cơ quan, đoàn thể, bằng hữu gần xa, bà con lối xóm của Bs Trần Hữu Ngoạn.

Kính thưa chị Phạm Thị Yến, các cháu và thân quyến của tang chủ.

Thưa Quý vị,

Hôm nay là một ngày đặc biệt đau buồn của tất cả chúng ta. Quần tụ ở nơi đây, chúng ta cùng xót xa, cùng chợt nhận ra rằng, chúng ta đang chịu đựng một sự mất mát quá to lớn là chia ly với một người rất thân yêu, rất quý trọng, giàu lòng nhân ái và sự hy sinh cho những người bất hạnh, khổ đau trên cõi đời này.

Trong không khí vô cùng xúc động và thành kính, tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sự cảm kích sâu sắc của tôi khi tôi vinh hạnh nhận được sự rộng lòng của quý vị, cho phép tôi được thưa đôi điều, tâm sự đôi điều với người bạn lớn, quý trọng, thân thương của chúng tôi. Xin được gửi tới hương hồn người quá cố những lời ân tình này, tựa như người xưa gọi đó là “Lời Khóc Bạn”.

Anh Trần Hữu Ngoạn ơi! Tôi khóc Anh…

Tôi chỉ là một trong rất nhiều người ngưỡng mộ, yêu quý, kính trọng và khâm phục Anh. Chắc chắn trong chúng tôi, trong các đồng nghiệp của Anh, trong hàng ngàn con người bất hạnh vì bệnh phong cùi mang ơn Anh và đặc biệt trong những người ruột thịt của Anh đang có mặt tại đây đều có những kỷ niệm, có những chuyện kể xúc động lòng người về cuộc đời, về sự hy sinh và tấm lòng nhân ái của Anh.

Riêng tôi, lần đầu được gặp Anh, biết Anh, đó là năm 1985, cách đây 30 năm rồi Anh nhỉ! Lúc ấy tôi cùng đoàn làm phim vào trại phong Quy Hoà để quay bộ phim có tên “Chuyện Tử Tế”. May mắn cho chúng tôi, lúc đó Anh là Giám đốc. Anh đã chỉ bảo, giảng giải cho chúng tôi về sự bất hạnh khôn cùng của những người không may bị phong cùi, Anh truyền lửa cho chúng tôi tình yêu thương và sự sẻ chia cần thiết đối với họ.

Điều đặc biệt là Anh động viên chúng tôi vững tin ghi hình các bà xơ khi các xơ lén lút sống trong trại để được cùng Anh tận tuỵ phục vụ, chạy chữa cho những người phong.

Đoàn làm phim chúng tôi cảm nhận sâu sắc rằng, chẳng riêng gì các bệnh nhân mà tất cả các xơ dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức mẹ tá túc làm việc tại đó đều rất yêu quý, kính trọng và tin tưởng ở Anh như một Linh mục.

Anh Ngoạn ơi!

Anh có thấy không, hôm nay có rất đông người thân đến đưa tiễn Anh và cũng có sự hiện diện của các xơ, có xơ từ Sài Gòn ra đây để được kính cẩn đưa tiễn Anh.

Tôi rất nhớ, ngày ấy, ở Quy Hoà có lần tôi sang thăm nơi Anh ở. Rất đơn sơ, không người thân, không người phục vụ. Tôi hỏi:

– Trưa nay Anh ăn gì?

Anh chỉ vào mớ rau muống đã héo:

– Mớ rau này chia hai bữa. Bữa trưa một nửa, bữa chiều một nửa.

Tôi bất bình:

– Anh là Giám đốc, lo cho cả mấy trăm con người. Tại sao Anh lại sống khổ như thế này?

Thưa Quý vị! Quý vị có biết Bs Ngoạn đã ứng khẩu trả lời tôi như thế nào không? Anh thủng thẳng:

– Càng khổ càng sướng!

“Càng khổ càng sướng” (?). Khi ấy quả thực tôi chưa kịp hiểu. Thú thật rằng bốn chữ ấy đã đeo đẳng tôi mấy chục năm qua. Đến nay tôi cũng đã đi gần hết cuộc đời, cho tới tận ngày hôm nay cùng quý vị có mặt tại đây làm lễ tiễn đưa con người lúc sinh thời thản nhiên hạ một câu rất lạ lùng “Càng khổ càng sướng” về nơi vĩnh hằng. Cho phép tôi được nói rất thành thật là chưa bao giờ tôi được đọc, được nghe ai nói như vậy. Trong sự hiểu biết hạn hẹp của mình, tôi cho rằng chúa Giê su lòng lành chưa nói như thế, Đức Phật Thích Ca bác ái chưa nói như thế, Thánh Gandhi phong trần cũng chưa nói như thế.

Giờ đây tôi mới ngộ ra rằng, chỉ khi con người quyết dấn thân vào bể khổ để làm cho đồng loại mình bớt khổ, chỉ khi con người tìm thấy niềm vui của mình trong hạnh phúc của người khác như Bs Trần Hữu Ngoạn thì mới có thể hạ được một câu lạ lùng, kỳ cục và hay như trong kinh thánh đến vậy.

Anh Ngoạn ơi! Tôi khóc Anh…

Anh còn nhớ không? Thời gian ấy chúng tôi lưu lại quay phim ở trại phong Quy Hoà của Anh khá lâu. Có đêm   không ngủ được, tôi mò ra bãi biển nhìn những tia sáng lân tinh ánh lên trên đầu ngọn sóng. Tôi sững người khi thấy Anh. Tôi thấy Anh ngồi  trên bờ cát khoanh chân như một vị thiền sư. Tôi thấy Anh bất động và hướng về phía biển tối mịt mùng một cách huyền bí. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không hiểu được lúc ấy Anh nghĩ gì.

Anh cho phép tôi thưa một điều mà tôi cho là quan trọng đối với việc làm nghề của tôi, đó là nhờ vào cảm hứng và sự mách bảo từ những con người tử tế, hiếm hoi, tưởng như không có thực trong cuộc đời như Bs Trần Hữu Ngoạn mà tôi đã đủ liều lĩnh để viết lời bình phim Chuyện Tử Tế, đoạn cuối như sau:

“Vậy ra, nghĩ cho đến cùng, ở trên đời này, không có một nghề nghiệp nào, không có một công việc gì và cũng không có một con người nào trở nên TỬ TẾ nếu không bắt đầu từ tình thương yêu con người, sự trân trọng đối với con người và đi từ nỗi đau của con người…”

Như vậy, nói không sai rằng trong hồn cốt của phim Chuyện Tử Tế là có hơi hướng của Anh, có “men đời” cuả Anh.

Rồi, mấy ngày này lo tang lễ cho Anh, chúng tôi, những người bạn ngưỡng mộ Anh, yêu quý Anh, vội vàng lục tìm và đọc lại cuốn “Bệnh Phong”. Cuốn sách khổ lớn gần 600 trang Anh dày công viết bằng những trải nghiệm, tích luỹ của cả một đời người làm nghề thầy thuốc. Anh còn nhớ không, ở trang cuối cùng, dòng cuối cùng của cuốn sách quý đó Anh đã ghi lại điều sâu thẳm của lòng mình:

“Lời cảm ơn gia đình:

​Nhớ ơn Cha mẹ, các anh, các chị, các em…

​Vợ: cô giáo Phạm Thị Yến

​Và các con: Trần Hữu Bách

​​            Trần Hữu Bích

Thị Kim Bình

Đã chịu nhiều khó khăn, gian khổ cho tôi có điều kiện giúp đỡ những người mắc bệnh phong”

Và điều đặc biệt hơn, chưa từng có trong những cuốn sách xuất bản ở xã hội này hơn 60 năm qua là trong trang đầu của cuốn sách đó có những dòng tạ ơn của Anh làm lay động lòng người:

“… Biết ơn những người tu hành dòng Franciscaine mà Bà Clara Nguyễn Thị Triệu là người chị cả, những người đã tâm nguyện sống hết mình và hy sinh không đắn đo cả cuộc đời cho những người mắc bệnh phong. Chính những hành vi cao đẹp đó đã giúp tôi tìm được chân lý của tình yêu thương.

Ân hận và đau xót khi tưởng nhớ tới những người bệnh phong tội nghiệp đã chịu sống cả cuộc đời tủi nhục bởi thành kiến sai lầm của xã hội đã qua đời và những người còn để lại trên thân thể mình những dị hình, tàn tật do sự thiếu hiểu biết và sự chăm sóc còn sơ xuất của tôi trong quá khứ”

Thưa Quý vị! Tôi không thể không khóc bạn tôi…

Có lẽ bởi những cảm xúc không thể kìm nén được trong tôi về một con người nhân hậu, đau đời đến mức thánh thiện như vậy nên gần đây khi cùng một người bạn thân, Tiến sỹ Lê Thanh Dũng viết cuốn tự truyện mang tên “CHUYỆN NGHỀ CỦA THUỶ”. Ở trang 223 tôi đã viết:

“May mắn là Ông Giám đốc trại phong Quy Hoà vào thời điểm quay bộ phim Chuyện Tử Tế nay vẫn còn sống, Ông tên là Trần Hữu Ngoạn, nhà ở ngay đầu chợ Bưởi, gần nhà tôi. Ông như một Ông Thánh vậy, tốt bụng đến lạ lùng. Ông chính là hiện thân của một con người tử tế. Nhờ Ông, chúng tôi mới được vào trại phong Quy Hoà để quay phim, được chứng kiến đời sống thật của các nữ tu. Trong phòng của các bà xơ thời đó không có bất kỳ cái gì ngoài cái giường bề rộng 80cm, bề dài 1m8, một bộ quần áo tu treo trên cái đinh và trên cao là cây Thánh giá. Và họ sống bất hợp pháp, không có hộ khẩu, họ trốn chui trốn lủi từ một nhà thờ nào đó đến trại từ thiện để được phục vụ người mắc bệnh phong…”.

Anh Ngoạn ơi! Tôi khóc Anh và trộm nghĩ rằng Anh là mẫu người của thời xưa, mà đời nay mỗi ngày một hiếm. Tôi thực lòng không muốn nói lời vĩnh biệt Anh vì tôi chắc chắc là Anh vẫn hiện hữu trong gia đình, họ mạc, xóm giềng và bạn bè.

Xin chân thành đa tạ quý vị, đa tạ chị Yến và các cháu.

Xin cầu chúc sự an bình cho tất cả chúng ta.

Tất cả chúng ta mãi mãi nhớ về Anh – Một con người Tử Tế viết hoa.

 

Tác giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.