Một kỷ niệm

Mười lăm năm ngày mất của GS Nguyễn Ngọc Lan (26/2/2007-26/2/2022)

Ý Nhi

Tôi gặp GS Nguyễn Ngọc Lan lần đầu tiên vào khoảng cuối năm 1990, khi ông đang bị quản thúc tại nhà và Linh mục Chân Tín bị trục xuất, chịu quản chế ba năm tại xã Cần Thạnh, Cần Giờ. Khi tôi ngỏ ý đến thăm ông, một người bạn can ngăn, cho rằng nên đợi đến khi ông được tự do. Nhưng tôi lại nghĩ, đến lúc ấy thì đâu cần thăm nom nữa.

Người đón chúng tôi ở cửa là bà Thanh Vân, vợ ông – một người phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu và nụ cười ân cần. Lần nào chúng tôi đến thăm Nguyễn Ngọc Lan ở căn nhà rất nhỏ trên con đường nhỏ ở quận 10 ấy, bà cũng là người đón khách. Tôi nghĩ, bà cũng từng phải đón thay ông những vị khách mà họ không chờ đợi.

Thực lòng, tôi có chút lo lắng vì sự đường đột của mình.

Tôi từng nghe về Nguyễn Ngọc Lan tương đối nhiều với những Đối Diện, Đồng Dao, Đứng Dậy, với Hà Nội tôi thế đó, với Nhật ký 1000 ngày (1/1/1989-30/6/1991)… Và, với nhận xét của nhiều người về ông, về một người “trách nhiệm về ý thức của mình và “có ý thức về trách nhiệm của mình” (Đặng Tiến); về một người “có nhãn quan tinh tế, khối óc thông minh, trái tim nhạy bén”, có “thái độ sòng phẳng và sự lương thiện, minh bạch, dứt khoát” (Trần Phong Vũ)…

Ngược lại, ngoài cuộc điện thoại tự giới thiệu và xin gặp, có lẽ ông chưa biết hoặc biết rất ít về tôi. Bởi vậy, vẻ niềm nở của bà Thanh Vân khiến tôi an lòng phần nào thì nụ cười đón khách của Nguyễn Ngọc Lan đã xóa hết nỗi ngại ngần.

Không dè dặt, khách sáo, gần như ngay lập tức, ông nói tiếp câu chuyện của Đối Diện, của Đứng Dậy, của Nhật ký, của Tin nhà.

Lần đầu ấy và mãi sau này, mỗi lần thăm, ông lại cho tôi mấy số Thư nhà – tờ báo ông tự làm, để tiếp nối tờ Tin nhà vừa đình bản.

Tinh tế, sắc sảo, dí dỏm, cay đắng, phẫn nộ… Tôi lắng nghe ông, nhận ra nỗi đau khôn xiết của một con người lương thiện trước cái xấu, cái ác, trước sự giả dối.

Dần dà, tôi thành khách quen của ông bà. Lần nọ, tôi và vài người bạn có ý mời ông bà ra ngoài dùng bữa trưa. Trong khi chúng tôi nghĩ nên tìm một nhà hàng gần, tránh những phiền phức không cần thiết cho ông thì ông cười, giọng bình thản, đừng lo ngại quá, làm sao biết được giới hạn của phường chính xác là nơi nào (nghĩa là, chúng tôi có thể cãi lý nếu có ai đó làm phiền).

Sau này, khi hết hạn quản thúc, Nguyễn Ngọc Lan thỉnh thoảng ghé lại nơi tôi làm việc, tại 371/16 Hai Bà Trưng, quận 3. Lúc này thì chúng tôi tha hồ chọn lựa một quán nhỏ nào đó, ở bất cứ đâu giữa Sài Gòn rộng lớn, đông đúc. (Tôi còn giữ bức ảnh chụp cùng ông ngoài một quán ăn nhỏ trên đường Phạm Ngọc Thạch).

img564

 

Và, câu chuyện vẫn được tiếp tục, như nó cần phải thế, bởi cuộc sống vẫn bày ra trước ông, trước chúng tôi, tất cả những gì cần phê phán, cần thay đổi, cần sửa chữa.

Nhìn ông, không ít lần, tôi tự hỏi, làm sao con người gầy ốm này lại có một sức lực mạnh mẽ, bền bỉ đến vậy.

Nguyễn Ngọc Lan không bao giờ dừng lại. Thác là thể phách!

Nhưng với bài viết này, tôi xin kể một câu chuyện khác về ông.

Năm 1995 tôi nhận được thư mời từ Bộ Ngoại giao Pháp cho chuyến thăm và làm việc tại Pháp trong vòng một tháng. Vài người bạn khuyên tôi nên nhờ dịch một ít bài thơ của mình để phòng khi cần dùng đến trong giao tiếp.

Tôi nghĩ ngay đến GS Nguyễn Ngọc Lan, GS Cao Xuân Hạo và Dịch giả Nguyễn Minh Hoàng. May mắn cho tôi, cả ba vị đều vui vẻ nhận lời.

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, tôi đã nhận được bản tiếng Pháp tập thơ Người đàn bà ngồi đan (La Tricoteuse Assise) với 25 bài thơ, trong đó có 19 bản dịch của Nguyễn Ngọc Lan, 3 bản dịch của Cao Xuân Hạo, 2 bản dịch của Nguyễn Ngọc Giao và 1 bản dịch của Nguyễn Minh Hoàng.

Tôi có thể nói gì và liệu có lời nào để nói về sự tận tâm, về lòng hào hiệp, về sự giúp đỡ vô tư của họ?

Gần 30 năm đã trôi qua, ngồi nhìn bản viết tay của GS Cao Xuân Hạo, nhìn những dòng chữ sửa lỗi trên bản đánh máy của GS Nguyễn Ngọc Lan, đọc bức thư xin lỗi vì đã chỉ dịch được 1 bài thơ của dịch giả Nguyễn Minh Hoàng, lòng không khỏi nghẹn ngào.

GS Nguyễn Ngọc Lan đã ra đi, GS Cao Xuân Hạo đã ra đi, Dịch giả Nguyễn Minh Hoàng cũng vừa từ giã mọi người. Những gì họ để lại cho riêng tôi là vô giá.

Những dòng chữ trong bài viết nhỏ này là nén hương tưởng nhớ, xin gửi đến hương linh những người thầy, những người bạn lớn của tôi.

Cầu mong sự bình an cho họ.

IMG_20220205_103255 image IMG_20220205_102800

Bản Nguyễn Ngọc Lan sửa lỗi đánh máy

 

IMG_20220205_102524 image

Bản dịch viết tay của Cao Xuân Hạo

image

Thư của Nguyễn Minh Hoàng

Capture

Comments are closed.