Người mình

Vũ Thư Hiên

– Ông gì ơi, người ta đấy hử?

Câu hỏi phát ra từ mấy thân hình chăn trùm kín đầu trên ke metro làm tôi giật mình. Ngoảnh lại, tôi thấy một mái tóc bù xù ngóc lên khỏi tấm vải dày kẻ ô vuông đã có vài lỗ thủng và một hàm răng trắng nhởn trên gương mặt xương xẩu.

Tôi gật.

Chả là tôi nghe tiếng hai ông từ biệt nhau – người ấy nói, giọng khê đặc.

Ông bạn già nằng nặc lâu không gặp đòi đưa tôi tới trạm metro gần nhà. Bịn rịn mãi, tôi lỡ mấy chuyến tàu.

Hai thằng tôi hoạ hoằn mới gặp nhau. Xa thì không bao nhiêu, đường đi cũng thuận tiện, khốn cả hai đều ngại, tuổi già nó thế. Ông bạn ở ngoại ô, về mặt hành chính là tỉnh lỵ La Courneuve, một bidon ville của Paris, mặc dầu nó chẳng có gì dính dáng tới cái bi đông hết. Vùng này về đêm không an toàn. Rải rác vẫn có những vụ cướp bóc của những con nghiện ma tuý và dân nhập cư từ các nước hậu cộng sản.

Càng về khuya, tàu càng thưa.

Chờ tàu, tôi tản bộ. Ở cuối ke, bên dưới tấm pa-nô quảng cáo du lịch biển chiếm cả một khoang tường có đủ trời xanh, mây trắng, cát vàng, với một cô nàng xinh đẹp trần trụi nằm phơi nắng là những người vô gia cư, tiếng Pháp gọi là clochard. Chỗ họ nằm bao giờ cũng bốc mùi khăn khẳn.

Không phải trạm metro nào cũng có clochard tụ tập. Clochard tiếng tây là người vô gia cư. Nhà nước có chỗ cho các clochard ngủ đêm, khi trời quá lạnh thì cảnh sát hốt họ về nơi có chăn ấm đệm êm kẻo họ chết cóng. Nghĩa là nhà nước có quan tâm, nhưng clochard cứ thích ngủ đường ngủ chợ cơ. Tôi không hiểu clochard chọn nơi nào trong ga metro để ngả lưng. Những tưởng họ phải chọn nơi rộng rãi, thoáng đãng ở các ga trung tâm, hoá không phải. Nơi clochard chọn có khi là một ga ngoại ô, bên trên là một quận nghèo.

Mấy năm trước, metro nào cũng có ghế băng cho khách chờ tàu. Sau thấy các clochard dùng chúng làm giường, người ta liền thay bằng ghế nhựa, đặt cách xa nhau. Nhưng cách ấy cũng vô ích – clochard lăn luôn ra sàn.

– Sao… lại ở đây?

Tôi ngập ngừng. Tôi không biết nên gọi va bằng gì? Va chưa đủ già để gọi bằng ông, lại không quá trẻ để gọi bằng anh. Mà gọi bằng anh trong bối cảnh này rõ ràng không tiện.

Va nhìn tôi từ đầu đến chân. Cái nhìn khảo sát của va rõ ràng không mấy thiện cảm. Nhưng rồi va cũng đáp, lạnh lùng:

– Ờ… ở đây đấy. Thì đã sao?

Tôi ấp úng.

– Là hỏi vậy thôi… ông bạn bỏ quá.

“Ông bạn” là cách gọi tiện nhất mà tôi kiếm được. Nó không xa cách, lại có chút thân tình.

– Ờ… Không sao.

Tôi cười gượng, cảm thấy mình vô duyên:

– Xin lỗi, quả là… tôi có chút… không ngờ.

Va chống tay ngồi lên, cái chăn tụt xuống sàn. Giờ thì tôi nhìn thấy cả thân hình va – gầy gò, xương xẩu, trong bộ trang phục lụng thụng, nhem nhuốc.

Không biết nói gì thêm, tôi bỏ đi.

Mới được vài bước, tôi nghe tiếng va gọi:

– Này, ông đồng bào…

Tôi dừng:

– Gì vậy?

– Ông không thể nán lại vài phút sao? – va nói, giọng trách móc, nhưng không vật nài.

– Đến lúc tôi phải về – tôi ấp úng chọn câu phân trần – Tôi ở khá xa. Dù sao thì được gặp… ông bạn, tôi vui đấy.

– Tôi cũng thế – va nói – Còn hơn là vui nữa kia.

Chỉ những người lưu lạc nhiều năm nơi đất khách mới hiểu được tâm trạng những kẻ bất ngờ gặp người cùng xứ.

Va đọc được ý nghĩ của tôi, chắc thế.

Va cười, cố làm tươi, vì cố, nụ cười không thành, nó méo mó:

– Nói thật, tôi có ý ngó, nhưng không gặp ai. Ông là người đầu tiên đấy.

– Ở Paris này người mình cũng nhiều mà.

– Nhưng ông là người đầu tiên – va cãi – Tôi đã nhầm nhiều lần. Toàn Tàu là Tàu, ông ạ. Sao mà ở Paris này lắm khựa thế không biết? Thiên hạ nói ở đâu có gián, ở đó có khựa, quả không sai. Gặp ông, tôi mừng lắm.

– Khuya rồi, tôi lại ở xa – tôi nhắc lại điều đã nói – Một bận khác, nhé?

Va nhìn tôi đăm đăm, chờ tôi nói tiếp. Tôi thì chẳng có gì hơn để nói.

– Ông nói thế thôi, chứ ông chẳng tìm tôi đâu, tôi biết thừa – mặt chảy dài, va cụp mắt, hạ giọng – Hay là…

– Gì cơ?

Con tàu sầm sầm vào bến, tiếng bánh xe lăn trên ray làm tôi không nghe rõ câu tiếp theo của va. Những cánh cửa đồng loạt mở ra, thả xuống vài người khách hiếm hoi rồi con tàu lại hối hả chạy đi.

Tôi lỡ thêm chuyến nữa.

– Ông bạn vừa nói gì ấy nhỉ?

Va nín lặng, ngập ngừng một lát, vẻ suy nghĩ:

– Thế này được không? Nhân ta gặp nhau, ông vui lòng thết tôi một bữa nhá?

Thì ra va nói chuyện với tôi chỉ để dẫn tới chỗ ấy. Tôi thò tay vào túi.

Va lắc, mặt sa sầm:

– Tôi không phải ăn mày.

Tôi không hiểu: vậy va muốn gì?

– Tại sao chúng ta không thể đi ăn cùng nhau? – va tiếp – Trong bữa ăn mình tâm sự được nhiều hơn.

– … Nhưng vào giờ này?

– Đâu đã khuya. Không lẽ một yêu cầu nhỏ nhoi như thế mà mình lại từ chối? Tôi tần ngần vài giây. Rồi quyết định:

– Được thôi.

– Hay quá! – va cười tươi, nhe hàm răng có mấy lỗ thủng.

– Ông bạn muốn ăn gì? – tôi cũng cười theo – Âu hay Á?

– Gì cũng được. Tôi không kén.

Tôi gật lần nữa.

Va nhanh chóng rũ chăn, đứng dậy, xốc lên vai cái túi vải to bằng cái va li, bước theo tôi.

2

Chủ quán bít tết nổi tiếng Diabolo trên đường Oberkampf chăm chú nhìn chúng tôi. Không phải, ông ta quan sát người đi cùng tôi.

Clochard là thứ người có bộ dạng không lẫn vào đâu được, loại người ông không muốn tiếp. Họ cũng chẳng bao giờ đặt chân vào quán ông. Né mình nhường lối, tôi thấy cánh mũi ông phập phồng. Hẳn người đi với tôi bốc mùi, một đặc điểm không thể thiếu ở các clochard. May, va không nặng mùi cho lắm. Cái đó chứng tỏ va mới gia nhập bộ lạc clochard chưa đủ lâu.

Quán vắng. Những người khách cuối cùng đã lác đác rời đi.

Tôi chọn bàn trong cùng, dưới đầu lâu một con bò không có gì chứng tỏ là bò Arhentina chính cống, dù với cặp sừng cong nguyên vẹn.

Tôi không đói. Bữa tối đợi tôi ở nhà. Tôi có thói quen ăn muộn.

– Hai bít tết – tôi nói, không cần nhìn thực đơn.

– Tái, chín vừa hay chín kỹ?

– Tái, như mọi khi – tôi nói, nhìn va clochard.

– Tái xanh, cho tôi – va nói.

Người sành món này lắm mới gọi nó. Tái xanh gần như thịt sống.

– Cũng 250 gam?

Va liếc nhanh tôi rồi hất hàm:

– 250 gam cho ông này, 350 gam cho tôi. Mà không, tôi 500 gam.

– 500 gam? – ông chủ quán hỏi lại.

Va gật, điềm nhiên. Tôi trợn mắt.

– Rượu?

Không đợi tôi, va liếc nhanh lũ chai trên quầy:

– Saint Émillion Grand Cru!

– Nửa chai?

– Không, cả chai.

Tôi ngẩn người. Va nháy mắt:

– Với bít tết, phải nó mới xứng, phải không, ông chủ?

Chủ quán gật, cái nhìn hướng về tôi.

Va cũng nhìn tôi:

– Ông nghĩ sao?

Tôi có chút lưỡng lự. Rồi gật:

– Cũng được.

Tôi không khi nào gọi Saint Émillion Grand Cru ở nhà hàng. Nó đắt khủng khiếp. So với giá siêu thị, giá ở nhà hàng giá phải gấp bốn, nếu không gấp năm.

Tôi là khách quen của quán. Bí tết ở đây ngon, giá cả lại phải chăng, nhưng rượu thì cũng chẳng rẻ hơn các quán khác bao nhiêu. Tôi thường gọi vin de table, thứ vang rẻ nhất.

Cách chọn rượu của tay clochard làm tôi ngạc nhiên. Phải nói là sửng sốt mới đúng. Chỉ một tay sành sỏi mới chọn thứ rượu sang như thế cho món bít tết. Sự đời dun dủi thế nào mà con người đang ngồi bên tôi lại ra nông nỗi này?

– Mấy khi – va nháy mắt – Có phải không ạ?

Tôi chỉ còn biết gật. May, túi tôi có đủ tiền.

Va ăn say sưa. Va uống say sưa. Như không có tôi ngồi bên. Va quên bẵng nhu cầu tâm sự như va nói. Thỉnh thoảng va ngừng nhai, ngẩng lên, ợ một tiếng khoái trá.

Trong bữa ăn tôi có thời gian quan sát kỹ ông bạn bất ngờ. Va có gương mặt của người khôn ngoan, với đôi mắt đen láy, linh hoạt. Ý tôi muốn nói: không phải một gương mặt đần độn. Tiếc nỗi cái trán ngắn và cặp môi mỏng làm hỏng gương mặt. Là tôi từng nghe nói thế, chứ tôi không biết xem tướng.

Ăn xong, va lấy giấy chùi mép, từ tốn như một quý ông.

– Giờ ta về, hả?

– Về thôi. Cũng khuya rồi. Ta chia tay ở đây – tôi đứng lên, chìa tay cho va – Hẹn gặp lại.

Nhưng cuộc phiêu lưu về đêm của tôi đến đây chưa kết thúc.

Va nhìn sâu vào mắt tôi:

– Thế này: tôi ngủ ở nhà ông, nhá?

Tôi ngập ngừng:

– Không tiện đâu.

Va nhìn tôi, ra chiều ngạc nhiên. Cái nhìn không hỏi. Nó khẳng định.

– Có gì mà không tiện? Ông ở một mình mà.

Làm sao va biết tôi ở một mình?

– Tôi có khiếu quan sát. Người có đàn bà trong nhà không bao giờ mất tới hai khuy áo mà không được đính lại.

Va tinh thật.

– Tôi không làm phiền ông. Tôi không ngáy. Đặt mình xuống là ngủ như chết.

Tôi chết trân:

– Nhà tôi chật. Nó là một studio dành cho người già.

– Tôi biết, tôi biết. Nhưng tôi không cần giường. Một chỗ trống trên sàn là đủ – va nói bằng giọng khẳng định, không cho phép tôi từ chối – Cũng không cần chăn. Chăn trong này rồi – va vỗ bèn bẹt vào cái tay nải.

Tôi là kẻ yếu lòng bẩm sinh. Tôi ngần ngừ thêm vài giây để tìm câu trả lời. Tôi chưa tìm thấy nó thì va đã kéo phăng tôi đi.

3

Tôi nhường va nằm sô pha, tôi dùng túi ngủ. Tôi quen dành cho khách thứ tốt nhất mà tôi có. Gì thì gì va cũng là khách.

Đêm đã khuya. Tôi tắt đèn, chúc va ngủ ngon.

Nhưng va không ngủ. Trong bóng tối, va đánh giá căn phòng của tôi:

– Hừm, có sang tới bên này mới biết không phải cứ Việt kiều là khá giả, nhiều anh rách như tổ đỉa… Nhà bằng cái lỗ mũi.

– Paris là một thành phố đắt đỏ. Về giá cả, nó chỉ thua Tokyo, London…

– Hà Nội đắt không kém đâu ông ạ, có khi còn đắt hơn, nhưng người dân trung bình có số mét vuông để ở thì lại có phần thư thả hơn dân Paris nhiều…

So với chỗ này của tôi, ý va muốn nói thế, nhưng kịp giữ lại.

Va đúng. Căn phòng của tôi rộng có 12 mét vuông, lại ở tầng áp mái. Loại phòng này người Pháp gọi là chambre de bonne (phòng con sen).

Xem ra va không chịu ngủ ngay. Chắc đã lâu không được nói chuyện với người cùng xứ, va thèm nói. Va muốn dốc bầu tâm sự.

Tôi ngáp. Va nghe tiếng.

– Ông buồn ngủ rồi à? Không muốn nói chuyện với tôi nữa à?

– Không, ông bạn cứ nói, tôi nghe.

– Ở Hà Nội tôi có hai ngôi nhà thênh thang, hai biệt thự, nói cho đúng – va bắt đầu câu chuyện.

– Thế à? Sao ông lại bỏ đi?

Va hứ một tiếng.

– Bỏ đi? Có mà điên! Chúng nó thu chứ.

– Chúng nó là ai?

– Ông nghe rồi sẽ hiểu.

Bắt đầu một đêm mất ngủ đây, tôi ngán ngẩm.

– Tôi lớn lên trong một gia đình bậc trung – va kể – Cha mẹ tôi mất sớm, các cụ để lại cho thằng con trai duy nhất là tôi một ngôi nhà.

– Nhất rồi – tôi nói để mà nói – Có một ngôi nhà, lại là của mình, còn gì bằng.

– Nhà chẳng lớn, cũng chẳng đẹp. Suốt thời bao cấp, tôi sống vất vưởng, vắt mũi bỏ miệng. Ông biết bao cấp là cái gì chứ?

– Biết.

– Thế rồi con tạo xoay vần thế chó nào mà một thằng nghèo kiết xác là tôi lại trở thành giàu có. Là nhờ cái nhà, ông ạ – va chống tay, ngóc dậy – Ông có gì uống không?

– Còn Coca trong tủ lạnh.

Va đứng lên, mò mẫm trong bóng tối. Ánh sáng của tủ lạnh mở hắt lên mặt va – nó khác gương mặt hốc hác, căng thẳng tôi nhìn thấy lúc trước – một gương mặt tự hào, đầy kiêu hãnh.

– Nhà mặt tiền, ông ạ. Không rộng, nhưng ông biết đấy, nhà Hà Nội ăn nhau ở cái chiều sâu, lại ở ngay trung tâm.

– Tuyệt.

– Người ta gọi chỗ ấy là đất vàng. Ông hiểu đất vàng là thế nào chứ? Sau hai cuộc chiến tranh khốn khổ khốn nạn, thiên hạ cứ gọi là phát điên lên vì nhà. Cứ như thể người ta ra đời chỉ có một mục đích: kiếm được một ngôi nhà, rồi chết.

– Tôi có nghe kể – tôi nói.

– Gặp cái cơn sốt bất động sản ấy nhà cửa loại gì cũng đắt, toàn giá trên trời không à. Tưởng tượng không ra, nằm mơ không thấy. Người ta không mua cái nhà xập xệ, tường rỗ, mái thủng, vừa ở vừa sửa, đến tôi còn không thiết đâu. Là người ta mua đất đấy.

– Chuyện ấy tôi biết.

– May, tôi có thằng bạn thân thời học trò, bố nó làm quan, không phải quan thường mà quan to. Nó khuyên tôi bán quách cái nhà, lấy tiền mua đất ngoại thành. Rồi ra đất ở đấy sẽ có giá lắm. Thì ra nó biết trước quy hoạch thành phố sẽ mở rộng đến đâu, quái thế. Tôi nghe nó, thuê tạm một chỗ chui ra chui vào, rồi cầm nắm tiền bán nhà đi mua đất. Mua khoảnh này, được giá thì bán, mua khoảnh khác, cứ thế. Chẳng mấy chốc tôi trở thành đại gia. Ông hiểu đại gia là cái gì chứ?

– Là nhà giàu.

– Không phải chỉ giàu, mà là rất giàu. Chẳng riêng tôi, nhiều người trong thời kỳ ấy phất lắm. Có thằng hàng phở ở Moskva chạy qua Ukraina mở xưởng mì ăn liền rồi phất lên, về nước buôn bán bất động sản mà trở thành tỷ phú đấy.

– Khiếp! – tôi đế.

– Mà không phải tỷ phú thường đâu, nó còn là tỷ phú cỡ thế giới cơ. Ông có nghe tên thằng Thịnh Phở không?

– Chỉ buôn bán đất mà giàu thế kia á? – tôi chậc chậc.

– Cóc phải – va giảng giải – Đã giàu rồi thì giàu thêm mấy hồi. Tiền đẻ ra tiền. Kẻ không tiền là cái hoa đực, không bao giờ ra quả. Giàu nhất là các quan. Chúng nó ăn đủ, ăn thừa mứa, bằng mọi thứ quyền thế đem lại – dự án, giấy phép, nghị quyết, chỉ thị, bằng cả luật nữa… Khó nhai thì ra luật mà gặm. Ăn bẫm rồi thì phải có cách yểm tiền. Chúng nó mới hùn vốn với ba thằng đại gia mới nổi từ các nước Đông Âu về, như cái thằng nọ – thằng giàu do buôn máy tính, thằng khác do buôn quần áo… Tiếng là giàu, nhưng ở trong nước bọn này chỉ là cái sân sau của các quan thôi.

Tôi chậc chậc:

– Ra thế.

– Chứ lại không à? Thằng quan nào chả nói nó nghèo, là vợ con nó giàu đấy chứ. Mánh ấy thiên hạ biết cả, nhưng cái thời nó thế – “khôn chết, dại chết, biết thì sống”.

– Tôi hỏi thật nhé, ông bạn đừng giận: ông cũng từng là đại gia theo cách ấy sao?

Va thở dài:

– Không hẳn thế. Nhưng cũng na ná. Có tiền rồi, tôi làm tà lọt cho một thằng đại đại gia, vốn nó bằng nghìn lần vốn tôi. Thôi thì theo voi hít bã mía, mèo nhỏ bắt chuột con.

– Tôi không hiểu.

– Ông không hiểu là phải thôi. Chưa kể đến cái số.

Tôi gật trong bóng tối. Hắn nói phải. Các cụ cũng có nói thế thật: người có số, nước có vận.

– Tôi trở thành tay chân thằng đại đại gia ấy – va nói tiếp – Chả là nó biết tôi thân với một thằng con quan, mà quan rất lớn – một mối quan hệ tốt, cần phải nắm. Tôi làm giám đốc một công ty con bên dưới cái công ty mẹ, gọi là tập đoàn của nó.

Trong im lặng tôi nghe va gãi sồn sột.

– Thế rồi nó còn lo cho tôi vào vào đảng nữa…

– Tức thị… ông còn là đảng viên?

Va cười hích hích:

– Đúng là ông chẳng biết cái khỉ khô gì hết. Ở nước ta muốn phất lên thì phải là đảng viên. Có thế mới chắc chân. Vào đảng tôi học được nhiều chiêu cực kỳ. Ông sang đây bao lâu rồi?

– Cũng lâu đấy. Tròm trèm nửa thế kỷ.

– Thảo nào.

Tôi lại ngáp. Lần này tôi ngáp to, va nghe thấy.

– Ông buồn ngủ rồi à? Còn muốn nghe nữa không?

– Còn. Ông kể tiếp đi.

Im lặng một lát, va kể, nhưng giọng không còn mấy hào hứng:

– Mọi hợp đồng mua bán ngon nó cho tôi đứng tên. Nó dạy tôi các cách rút tiền ra từ những hợp đồng béo bở ấy – hàng mua giá mười tỷ thì tăng lên trăm tỷ, hai bên mua bán chia nhau số dư…

– Ông bạn cũng có phần chứ?

– Có chứ, sao không? Nhưng là phần bèo, miếng ngon là của nó. Các dự án nước ngoài đầu tư nó chặt phần trăm…

Từ dưới đường vẳng lên tiếng xe tải giao hàng về đêm. Tôi kéo khóa túi ngủ lên tận cổ. Thời tiết Paris thế – ban ngày nóng mấy thì nóng, ban đêm vẫn phải đắp chăn.

Giọng đều đều, va tiếp tục dài dòng về những hợp đồng mà va gọi là phi vụ. Một phi vụ lớn đổ bể, va bị đưa ra chịu tội thay cho người khác.

Đoạn sau tôi nghe câu được câu chăng, tai vẫn nghe giọng va mà chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.

4

Va không bỏ đi như tôi nghĩ.

– Vì sao ông bạn sa vào cảnh không nhà? – trong bữa sáng, tôi đặt câu hỏi bằng giọng tế nhị nhất.

– Tôi kể rồi mà.

– Đoạn ấy tôi ngủ quên.

– Ờ, tôi thấy ông thở đều. Rồi còn nói sảng nữa.

– Ông kể lại đi, tôi xin lỗi.

Va kể:

– Có một vụ, cũng chẳng lớn lắm đâu, bị khởi tố. Là do mấy thằng nhà báo rách việc khui ra. Mà chắc gì tại chúng nó. Có khi cũng là do mấy ông lớn khác thuê chúng nó làm, ghen ăn tức ở ấy mà, thói đời nó thế…

– Hừm, khó sống thật.

– Đầu chẳng phải phải tai, chúng nó đôn tôi lên thành đầu vụ…

– Khổ!

– Nói trở thành thì không đúng. Là do thằng ông chủ lớn sắp xếp. Phải có thằng giơ đầu chịu báng chứ.

– Tội ông quá.

– Cũng may, ông ạ. Lúc ấy tôi lại đang ở Tây Ban Nha. Bọn cùng phe báo cho tôi biết sự tình, hứa sẽ thu xếp mọi việc, đâu sẽ lại vào đó.

– Rồi sau ra sao?

– Tôi đợi. Chứ còn biết làm thế nào? Ở nhà chúng nó điều đình với nhau, chuyện thường mà. Chắc chắn rồi sẽ có thoả hiệp. Thoả hiệp thế nào, tôi biết sao được. Nhưng lúc này tôi không thể về. Về là vào tù tắp lự.

Va thở dài, ngán ngẩm.

– Ông đi du lịch?

– Không, tôi dẫn một đoàn khách. Có cái lệ thế – sau một hợp đồng được ký kết, ngoài khoản lại quả, bên đối tác được chiêu đãi bằng một chuyến du hí ở nước ngoài, gọi là tham quan, học tập kinh nghiệm…

– Hay nhỉ?

– Bằng tiền chùa ấy mà.

– Tiền chùa là tiền gì?

– Là tiền không phải của mình bỏ ra.

– Ông ngớ ngẩn vãi. Ông tưởng ở các nước châu Âu này người ta không biết hối lộ. Có nước nghiêm, nhưng cũng có nước biết lui tới, Đức chẳng hạn, nhất là anh Siemens…

– Tôi hiểu.

– Rồi thấy tình hình có mòi rối ren, tôi phắn.

– Phắn là cái gì?

– Là chuồn cho nhanh. Tôi bỏ đoàn, rút tiền mặt đút túi, được bao nhiêu hay bấy nhiêu, lấy máy bay sang Ý…

– Rồi đến Pháp?

– Ờ, tôi chọn Pháp. Tôi đã đi khắp châu Âu rồi, tôi biết nước nào dễ, không hay bị kiểm tra giấy tờ, Pháp là nhất hạng đấy, ông ạ.

Ờ, tôi nghĩ. Không phải là tay chơi lang thang mọi thành phố lớn, ở các khách sạn sang, nếm đủ của ngon vật lạ, thì va không thể sành điệu đến thế khi chọn rượu.

– Tôi ở đây mấy chục năm chưa bị hỏi giấy tờ lần nào.

– Nhưng đó là chuyện sau. Ở Ý tôi bị mất sạch mọi thứ. Đau nhất là mất các thẻ tín dụng chưa kịp rút tiền. Bọn Ý là bậc thầy móc túi.

– Các tài khoản không bị khóa?

– Khóa chứ. Nhưng có cái không. Cũng là anh em chúng tôi với nhau cả.

Va thừ ra, nhớ những người anh em tử tế.

– Mà thôi, nói đến những thằng khốn nạn làm đếch gì.

Rồi không kể thêm, va xắn tay áo, va thu dọn nhà cửa giúp tôi:

– Ông thật vô tích sự. Nhà lộn xộn thế này mà ở được.

Tôi nhìn va làm cái việc lẽ ra tôi phải làm. Tôi ăn ở có luộm thuộm thật, nhưng nó là cái trật tự của tôi, tôi biết cái gì nằm chỗ nào, không phải tìm. Thành thử tôi phải chăm chú dõi theo va để biết cái trật tự mới va đặt ra cho tôi, quên bẵng chuyện va đã quyết định ở lại mà không cần hỏi tôi có bằng lòng hay không.

– Tôi lấy tiền đi chợ.

Nói là làm, va móc ví trong áo tôi treo trên móc ở cửa, tự nhiên lấy mấy tờ bạc, rồi bỏ đi.

Ngồi nhà một mình, tôi bóp trán suy nghĩ. Đúng là va biết chỗ yếu của tôi – va ở lì, còn tôi thì không thể đuổi khỏi nhà một người cùng xứ trong cơn cơ nhỡ. Làm thế thì còn ra giống người à?

Đồng bào! Hai chữ ấy mới thiêng liêng làm sao! Chỉ tiếng Việt của ta mới có nó. Không một thứ tiếng nào trên thế giới có cái tương đương. Sự gắn kết những đứa con cùng một bọc của mẹ Âu Cơ thật là đẹp. Nó là cái mà bất cứ đứa con nào thuộc dòng giống Việt đều biết, đều nhớ, đều dùng, từ ông học giả tóc bạc phơ cho tới tên lưu manh đầu đường xó chợ, từ nhà hiền triết siêu nhân bản cho tới nhà cầm quyền đầy thủ đoạn. Nó là cái có khả năng gây ra mọi cung bậc cảm xúc tuỳ theo người dùng muốn. Chẳng ai tin ở cái truyền thuyết vô lý ấy. Bà cụ tổ nào có thể mang thai một bọc trong có trăm trứng để nở ra trăm con cơ chứ? Nhưng truyền thuyết cứ thế trường tồn, sức sống của nó là vĩnh cửu. Và giờ đây nó đang làm cho một đứa con lưu lạc là tôi nao núng trước một quyết định hai chọn một.

Có một sự thay đổi không biết từ lúc nào trong căn phòng hẹp của tôi, tức ngôi nhà của tôi. Nói rõ ra là không biết từ lúc nào tôi không còn là chủ nó nữa. Chủ bây giờ là va.

Cái máy hút bụi Phillips, hàng hiệu hẳn hoi, không phải mua ở cửa hàng đồ cũ hay ở chợ giời, dùng đã mấy năm vẫn chạy tốt, bỗng nhiên biến mất. Thay vào đó là cái chổi đót.

Nhìn va quét nhà, tôi ngẩn người:

– Sao không dùng máy hút bụi?

– Bán rồi. Để làm gì cho chật nhà!

– Bán khi nào?

– Hôm kia. Chợ đồ cũ mở ngay phố mình. Tôi mang ra thử. Được giá là bán liền.

Tôi nén một tiếng thở dài. Tôi thở dài đã thành quen, từ khi va đến.

– Lẽ ra cũng nên hỏi qua tôi một tiếng.

Va hứ:

– Ông thì có biết tính toán gì cơ chứ! Già rồi, phải vận động chân tay nó mới khoẻ. Không vận động thì các cơ sẽ teo. Theo Mác, con người từ khỉ mà thành là nhờ lao động.

Tôi chả bao giờ đọc Mác. Chả biết ông ta có nói thế không? Xem ra va nói cũng phải. Con người văn minh cái gì cũng nhờ vào máy móc không phải là điều hay.

Nhưng khi mấy giò địa lan tôi đặt ngoài ban công không cánh mà bay, thay vào đó là những chậu rau thơm, thì tôi nổi giận thật sự:

– Ông bạn quá đáng nhá. Từ lúc nào ông không còn coi tôi ra gì? Tôi yêu hoa, ông có hiểu không?

Va nhăn nhở:

– Hoa là thứ ba lăng nhăng, ông ơi. Nó chỉ có thể làm ta vui thêm một chút khi ta đã có đủ thứ. Mà ta thì đã có đủ thứ chưa? Chưa. Cứ mỗi lần ta nhậu là tôi lại phải ra chợ Tàu mua rau thơm, ông không thấy sao?

– Ông không có phép làm thế mà không hỏi tôi.

Lần này va cười toác. Đoạn, xịu mặt:

– Tôi xin lỗi. Tôi ân hận rồi. Tôi không biết ông yêu hoa đến thế. Tôi nghĩ mình làm việc tốt: trong nhà có sẵn rau thơm, khỏi phải đi mua. Đừng cáu nữa, nhé? Tha cho tôi đi mà.

Tôi còn biết nói gì khi va đã thốt lên như thế, với bộ mặt biết lỗi ỉu xìu thế kia.

5

Ông bạn già ở La Courneuve đến thăm tôi.

Va đón tiếp ông nồng nhiệt, còn hơn chính tôi. Va nhanh nhảu pha trà, tíu tít hỏi han. Mới gặp mà hai người trò chuyện râm ran, như thể bạn lâu ngày không gặp. Va chạy ra chợ Tàu kiếm món nhắm, tạt qua siêu thị mua rượu.

Ông hỏi tôi khi va đi khỏi nhà:

– Ông kiếm được ông bạn mới đến ở chung từ khi nào vậy? Quý hoá quá!

– Nào có kiếm – tôi ngao ngán – Tự hắn ta theo về.

Nghe tôi kể chuyện tôi gặp va rồi va về ở với tôi như thế nào, ông bạn hốt hoảng:

– Chết chửa, ông dễ tính thế? Biết hắn ta là người thế nào? Nhỡ là quân du thủ du thực thì sao?

– Du thủ du thực thì không phải. Va con nhà tử tế, có một quá khứ đàng hoàng. Là gặp cơn bĩ cực thôi.

Ông chăm chú nghe những gì tôi được nghe được từ va.

– Dù sao hắn ta cũng có ích – tôi nói – Nhờ hắn tôi mới biết tình hình trong nước mà chúng ta lơ tơ mơ.

Ông bạn chậc chậc liên hồi.

– Nghĩa là hắn ta nằm trong chính những cái ổ tham nhũng mà ta chỉ nghe nói.

– Chắc vậy.

– Thế thì ông chứa cái giống tham nhũng ấy làm gì?

– Tôi cũng nhẹ nhàng nhắc hắn ta đi mấy lần rồi, nhưng, ông tính, hắn cứ ì ra… Tôi biết làm thế nào?

Ông bạn nhăn mặt:

– Ông không kiên quyết. Phải tay tôi ấy à…

Tôi không biết phải tay ông, ông sẽ làm gì?

Tôi đặt câu hỏi. Ông thừ người ra.

Tôi kể thêm cho ông nghe sự biến mất của cái máy hút bụi, những giò địa lan…

– Hắn ta chỉ có một cái tật – ấy là thích nhậu. Ngoài ra thì cũng không khó chịu cho lắm.

– Ông cũng nhậu với hắn?

– Thì ông tính: ở đây chỉ có hắn với tôi.

– Nhậu nhẹt là thói xấu. Ông quen đi mấy hồi. Rồi ra thành nát rượu lúc nào không biết.

– Ông đừng lo. Tôi biết chừng mực.

Ông bạn xì một tiếng:

– Ông đàn bà lắm. Thương người rồi khổ đến thân…

– Ông bảo tôi phải làm gì nào? Nói thì nói rồi, nói mấy lần rồi. Hắn cứ ì thần cụ ra.

– Ông phải báo cảnh sát!

Tôi xua xua hai tay:

– Chết chết, sao thế được? Ông không biết mới đây người ta vừa bắt được một vụ “trồng cỏ” cả một khu đất rộng mấy mẫu tây do người Việt làm à? Mà không phải ở Anh hay ở Canada đâu nhá. Ở ngay ngoại ô Paris này này. Rồi một vụ nữa, họ bắt được cả một xe đông lạnh nhét đầy người trên đường từ mấy nước Đông Âu đánh đường sang Anh… Cũng là người Việt tổ chức đấy. Chưa đủ xấu hổ sao?

Nghe tôi nói thế, ông không nói thêm. Ông ngồi thừ ra, chắc nghĩ mưu giúp tôi. Nhưng đến đoạn tôi kể anh chàng clochard của tôi còn là một đảng viên cộng sản thì ông bật dậy khỏi ghế:

– Lại còn thế nữa! Thế mà ông còn chứa nó? Phải tay tôi ấy à?

Tôi quên chưa nói: chúng tôi đi từ hai miền khác nhau, tôi từ miền Bắc, ông từ miền Nam. Nhưng giữa hai đứa lại không có sự phân biệt như thường thấy. Có lẽ do chúng tôi cùng có chung một cái quê đất thịt, khác nhau ở chỗ năm 1954 ông di cư vào Nam, tôi ở lại. Hoặc vì chúng tôi không đụng chạm tới chính trị là thứ cả hai đã ngán đến mang tai. Có điều, sâu thẳm trong lòng ông dị ứng kinh khủng với bất cứ thứ gì dính dáng tới cộng sản. Khi nói tới cộng sản là giọng nói của ông trở nên lắp bắp. nghe không hiểu ông nói gì. Tuy nhiên ông cũng không đến nỗi cực đoan đến mức như những người khi gặp người giống mình thì không hỏi “Đằng ấy người Việt hả?” mà hỏi ”Anh cộng sản hay anh chống cộng?”.

– Cứ phải báo cảnh sát! Còn chần chừ gì nữa? Ông chứa chấp đứa nào cũng được, nhưng chừa cái giống ấy ra. Cái giống ấy à, tôi thừa biết, một khi nó bám được vào đâu là nó bám dai như đỉa. – ông to tiếng với tôi – Ông sẽ không thoát được nó đâu. Ông không làm, tôi làm.

Tôi phải vất vả mới kéo được ông ngồi xuống. Mặt ông đỏ bừng. Ông thở dốc.

6

Câu chuyện đến đây là hết.

Nhưng nó không phải là kết thúc một truyện ngắn. Chẳng có thứ truyện ngắn nào lại kết thúc dở hơi như thế.

Nhưng tôi chán rồi, chán lắm lắm. Tôi không muốn kể thêm nữa.

Là một câu chuyện kể bằng văn xuôi, nó cụt lủn. Nhưng nó cụt lủn là bởi vì nó đúng là như thế. Bởi vì nó không có, hay chưa có, cái kết khác.

Va vẫn ở với tôi. Va không đi. Nói cách khác, va không có ý định bỏ đi, chưa đến lúc va bỏ đi.

Còn tôi thì cứ ngồi đấy mà nhìn va hiện diện trong nhà mình. Tôi hoàn toàn lúng túng với hai chữ đồng bào.

Trời hỡi, tôi biết làm sao bây giờ? Với cái trứng trong cùng một bọc với tôi kia.

2017

Comments are closed.