Người thành muôn năm cũ…

Lê Học Lãnh Vân

Đường Cao Thắng có một con hẻm dài số 32. Trong hẻm đó, những năm sau thế chiến II, có một người sinh quán bên bờ sông Hậu tới lập nghiệp, mua đất của chú Hỏa cất một dãy nhà. Trong số những người từng ở các căn nhà đó, có ít nhất hai người về sau nổi tiếng: ông Văn Văn Của, bác sĩ, đô trưởng Sài Gòn giữa thập niên 1960, và ông Nguyễn Hùng Trương sau này là chủ nhà sách Khai Trí trên đường Lê Lợi giữa trung tâm Sài Gòn. Thập niên 1960 các ông không còn ở đó nhưng Vương được nghe gia đình kể lại như những người quen cố cựu.

Nửa sau thập niên 1960, khi học trung học, bữa kia Vương cùng chị Hai ra nhà sách Khai Trí. Đang ngắm dãy kệ dài thì có tiếng nói sau lưng:

– Chào chị!

Hai chị em quay lại. Người đàn ông vận tươm tất mà giản dị, áo trắng bỏ trong quần, hỏi:

– Lâu quá không gặp nhau. Cháu lớn vầy rồi sao?

– Em út tôi đó anh. Đang học đệ ngũ Petrus Ký!

Năm đó tên gọi lớp đã chuyển sang số, Vương học lớp tám, nhưng chị Hai còn quen tên gọi cũ. Ông Khai Trí nhìn Vương:

– Vậy cho tôi tặng em một quyển sách. Em thích quyển gì đây?

Như phản xạ, mắt thằng nhỏ liếc quyển từ điển Webster to nhất trên kệ mà nãy giờ nó mê mẩn. Chị Hai vội nói:

– Nãy giờ tụi tui tính mua quyển này.

Chị chỉ quyển từ điển khác nhỏ hơn nhiều. Vương hiểu ngay ý chị.

Ông Khai Trí nói: Quyển đó tui bán chị giá rẻ nghe!

Sau một hồi tiếp tục hàn huyên, hai chị em ra quầy trả tiền. Trả tiền xong, ông Khai Trí nói:

– Bây giờ, chị cho tôi giữ lời hứa.

Ông kêu người lấy quyển Webster lớn nhất ra, chị Hai từ chối. Ông Khai Trí nói:

– Một là tui đã hứa. Hai là em đang học ngôi trường tui rất thương. Ba là em còn nhỏ, mới lớp tám mà ham học thích quyển này thì tui phải tặng. Em nào muốn đọc sách học hỏi mở mang, tui cũng tặng.

Đặt tay lên vai Vương, ông Khai Trí ấm giọng ân cần:

– Em học giỏi là em tiếp tụi tui, tiếp chị của em. Thế hệ các em phải mở mang hơn các anh thì nước mình mới giàu mạnh được!

Lúc đang từ giã nhau, một người đàn ông thon thả mang kính trắng bước vào. Nhà văn Nhật Tiến. Nhật Tiến cùng nhà sách Khai Trí hợp tác ra tuần báo Thiếu Nhi. Từ khi còn tiểu học, Vương lục tủ sách gia đình đã thấy tên ông cùng với các tên tuổi Nguyễn Thị Vinh, Linh Bảo, Thế Uyên, Đinh Bằng Phi… trên tạp chí Văn Hóa Ngày Nay.

Té ra Nhật Tiến cũng quen với chị Hai vì cùng ngành giáo chức, hơn nữa chị Hai tốt nghiệp Hán Nôm nên cũng quen biết nhiều người trong giới viết lách. Ông Khai Trí mời chị Hai nán lại cùng nói chuyện. Vương không còn nhớ chi tiết, chỉ nhớ các anh chị bàn luận về tờ báo Thiếu Nhi và các em độc giả của nó. Bây giờ Mỹ vô, văn hóa nó cũng có điều hay, mà như gió to bão lớn, sợ cuốn hết văn hóa mình đi. Làm sao viết giản dị dễ hiểu, viết sao các em thích mà lồng được những kiến thức dân tộc truyền thống và kiến thức văn minh tiến bộ. Cần nhất là các em hiểu và thích, nhà văn Nhật Tiến và ông Khai Trí rất quan tâm điều đó! Hai ông hỏi chị Hai có thể tham gia một mục nào đó không, nhưng chị từ chối.

Bắt chiếc taxi vàng xanh về nhà, chị tôi nói Nhật Tiến chạy trốn Cộng sản mà không thù Cộng sản, chỉ là sống không hợp với họ mà thôi. Vương hỏi, sao chị không viết cho báo Thiếu Nhi. Chị viết rồi ai nấu cơm cho nhà ăn? Chị cười gõ nhẹ đầu Vương một cái. Còn trẻ, Vương vẫn biết các anh chị mình không muốn xuất đầu lộ diện trong thời cuộc những năm đó, khi đất nước phân đôi với cuộc chiến tương tàn, khi những giá trị tự do, dân chủ được không ít người cho là đứng bên này chiến tuyến, còn độc lập dân tộc đứng bên kia…

Sau đó vài năm, chững chạc hơn, Vương còn có dịp gặp nhà văn Nhật Tiến vài lần nữa cùng với nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, nhà giáo nhạc sĩ Cao Thanh Tùng và một anh người Bắc di cư bạn thân của Nhật Tiến, người này làm luận văn cao học Hán Nôm về Tào Thực tại trường Đại học Văn Khoa, về sau sang Rome thụ phong linh mục và ở lại châu Âu luôn… Các anh đều là bạn với gia đình và là đàn anh tuổi cách khá xa nên những buổi đó Vương chỉ lắng nghe và các anh cũng sẵn lòng giải thích!

Sau năm 1975, đa số các anh chị chọn ở lại Việt Nam. Thời gian đầu các anh, dù ít nhiều lo lắng, vẫn hy vọng tương lai sáng sủa, người Việt với nhau chắc dù sao cũng đậm đà tình đồng bào, hết chiến tranh dân mình giàu mạnh mấy hồi! Sau đó thất vọng nhanh chóng bao trùm. Trí thức mà, người ta nhìn trước thời cuộc, ngó các chính sách như bắt “ngụy quân, ngụy quyền” đi học tập, tịch thu sách xuất bản trước năm 1975, đánh tư sản… là biết tương lai đất nước sẽ trầm luân, lòng nào không thất vọng đớn đau! Các biến chuyển tiếp theo của đất nước cho thấy anh chị nhìn đúng. Chính trong thời gian đó, Vương vào lứa tuổi hai mươi còn anh chị có ít việc làm nên hay la cà với nhau. Đứa em này bắt đầu mở mắt, mở tai học cuộc đời sâu hơn từ các anh chị…

Trong cơn lốc thời cuộc dữ dội, những người quen bị xô dạt xa nhau tứ tán. Hai chục năm vèo trôi và năm 1997, 1998 gì đó, ngạc nhiên thay, ông Khai Trí tới thăm gia đình Vương. Lúc đó chị Hai đã mất. Ông biểu Vương cùng đi dạo một vòng, thăm căn nhà ông ở bốn chục năm trước, thăm nơi đặt cái phông-tên nước mà các cô gánh nước xếp thùng hàng dài chờ tới phiên. Ông còn nhớ nhiều kỷ niệm xưa, nhớ cái bàn uống la-ve trong quán Bảy Hổ…

Rồi ông bàn với Vương nhiều việc.

Đầu tiên ông nhờ Vương tập họp người sưu tầm văn thơ cũ, nhất là ca dao, tục ngữ trữ tình. Ca dao mình hay quá, càng đọc càng thấy hay. Anh không viết được nên làm nghề in sách bán sách, kiếm người viết được, nghiên cứu cái hay, cái sâu sắc rồi viết ra. Mình nên phổ biến cái hay cho giới học sinh.

Ông cũng chú ý sưu tầm các bài văn bài thơ mới viết và được truyền tụng, được lưu trữ trong dân sau năm 1975. Ông Khai Trí khoái những câu như:

Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý

Đồng Khởi thành danh mất Tự Do!

hay:

Cụ cưới cô, cái cụ có cô cóc cần, cái cô cần cụ cóc có!” (nói về đám cưới tục huyền của một người cộng sản nổi tiếng)

Văn chương bình dân như vậy hay lắm nghe em, như là tấm hình chụp thời đại, thế hệ sau sẽ tìm gặp thế hệ trước qua văn chương. Anh tin chắc người ta viết nhiều lắm, tại chưa in được, cái mình biết chỉ là một phần rất rất nhỏ. Em tiếp anh sưu tầm để lại cho đời sau. Mình tập họp được, chú thích về tác giả, hoàn cảnh… Bây giờ chưa in được thì sau này in, sẽ là tài liệu vô giá cả về văn học lẫn lịch sử.

Ông cho biết anh chị Nhật Tiến cũng có ý định thu góp tài liệu để viết về cuộc sống trong nước. Nhà văn không viết được thì buồn lắm. Mà viết cho bạn bè, bà con, em cháu mình đọc chớ cho ai!

Buổi nói chuyện đó để lại Vương những cảm nhận phân vân. Trước mặt Vương là một người lớn tuổi, lụm cụm, coi có vẻ mệt mỏi và già hơn tuổi sau những cơn bão cuộc đời. Thấy tấm lòng đáng quý của ông, lại thấy ý định của ông không thực tế trong hoàn cảnh Việt Nam lúc đó. Muốn giúp ông nhưng biết không giúp được gì. Chưa kể lúc đó Vương đang rất vướng bận lo cuộc sống gia đình và có hướng phát triển khác…

Ông Khai Trí không làm được điều ông mong muốn. Vương tới thăm ông hai lần tại căn nhà đường Điện Biên Phủ (trước năm 1975 là đường Phan Thanh Giản), ngồi với ông trên hai chiếc ghế thấp nơi cửa nhà ngó ra đường. Vương cũng tự lái xe chở ông thăm Thủ Dầu Một, ông vui thấy Bình Dương phát triển. Tuy nhiên ý định sưu tầm và phổ biến văn thơ nhạt dần nơi ông, có lẽ ông chấp nhận hoàn cảnh. Nói chuyện với ông mới thấy tấm giao tình giữa ông với Nhật Tiến có nhiều nét đẹp của nghề chữ nghĩa. Khi đang làm việc tại Hồng Kông, Vương được gia đình báo tin ông mất.

Mấy ngày nay, tin buồn về anh chị Nhật Tiến – Phương Khanh qua đời khiến lòng Vương chùng xuống và càng nhớ ông Khai Trí. Những con người của một thời, suốt đời cặm cụi với nghề sách, nghề viết cùng các giá trị đạo đức, văn chương trên từng trang với một sứ mạng đặt ra rõ ràng cho đời mình.

Những người đó chưa xa, nhưng đã trở thành “người muôn năm cũ”, biết tìm “ở đâu bây giờ” trong xã hội hôm nay?

Ngày 17 tháng 9 năm 2020

Comments are closed.