Phù Thăng – Một bóng ven đời

Vũ Thư Hiên

Trong mơ màng, tôi nghe tiếng gọi dưới đường.

Đầu đông, sáng sớm. Lạnh. Tôi không muốn chui khỏi chăn.

Tiếng gọi vẫn dai dẳng.

Hé cửa sổ nhìn xuống thì thấy một bóng áo bông xù xụ, với mũ lá, ba-lô.

Cái bóng ngẩng lên:

– Tao đây mà, Phù Thăng đây!

Vợ con tôi còn ngủ. Tôi nhón gót xuống nhà đón Phù Thăng.

Nhà tôi là một căn phòng hẹp, trên gác. Chỉ có một giường, không bàn, không ghế. Chủ khách ngồi xổm trên sàn xi-măng.

– Tao ra ga bây giờ – Phù Thăng thì thào – Đến để chia tay với mày.

Chúng tôi làm báo, đi địa phương xoành xoạch, chia tay nỗi gì?

– Mày đi đâu mà nói chia tay?

Phù Thăng, tức Thằng Phu gọi ngược, nhếch mép, để lộ hàm răng ám khói, dân dã gọi là răng cải mả..

– Về quê.

Tôi không hiểu.

– Sao?

– Về quê là về quê, chứ còn sao.

– Bỏ việc? Bỏ tất?

Anh gật. Trong ánh sáng mờ, tôi thấy mặt bạn mình nghiêm trang. Không phải anh nói đùa.

– Cho tao điếu thuốc.

Tôi tìm bao Tam Đảo đưa cho Phù Thăng. Anh nhón một điếu rồi trả lại tôi. Tôi bật lửa cho anh.

– Tại sao?

– Tao chán. Ngấy tận cổ rồi.

– Vì cuốn Phá Vây?

Phu lắc:

– Không phải.

Phá Vây của Phù Thăng vừa ra đời đã có tiếng vang. Nó đồ sộ, 700 trang in, nhuận bút cao ngất ngưởng. Rủng rỉnh tiền, anh khao chúng tôi một bữa chim quay linh đình ở cửa hàng quen thuộc phố Tạ Hiền. Anh còn dư tiền để xây một ngôi nhà gạch ở quê.

Mừng cho anh chưa lâu thì, đùng một cái, Phá Vây bị đánh.

Chuyện một cuốn sách hay một bài báo bị đánh vào thời ấy không phải sự lạ. Nhất là khi nó được khen ngợi. Cuộc trừng phạt thường bắt đầu ở nơi khác, không phải ở báo chí với những nhà phê bình lăm lăm cây roi. Tác phẩm A hay tác phẩm B bị "đánh" chẳng làm người đọc ngạc nhiên. Bị đánh là có tội. Tên gọi tội nặng ấy chỉ có một – mất lập trường.

Khổ thân tác giả. Ai chẳng biết lập trường là thứ dễ rơi vãi nhất hạng. Xểnh một tí là mất béng.

Theo lời đồn, thì vụ này do chính ông tướng Nguyễn Chí Thanh khui ra. Là tướng võ chưa đủ, Nguyễn Chí Thanh còn rắp ranh tướng văn.

Người Việt Nam chuộng chữ nghĩa. Trước kia là sách thánh hiền. Nay là sách cách mạng.

May cho Phù Thăng. Không hiểu vì lẽ gì, nhưng ông tướng chủ trương không làm rùm beng vụ Phá Vây. Lời phê phán mang tính huỷ diệt của ông chỉ gói gọn trong một cuộc họp cán bộ trung cao quân đội. Ý ông tướng nhắn cho báo chí: không nói nhiều, hoặc lờ đi.

Bảo Phá Vây là tác phẩm chống chiến tranh, hiểu ngầm là chống đường lối cách mạng bạo lực của đảng, thì rõ ràng không phải. Phù Thăng không có ý chống cái đó. Ít nhất thì cũng không có cái gì na ná như thế trong cuốn tiểu thuyết miêu tả chiến tranh trong hình hài thực.

Chúng tôi, lũ viết văn trẻ, không đánh giá cao Phá Vây. Nói không đánh giá cao là nói lịch sự. Với chúng tôi tác phẩm có hai thứ không thể tách rời: nó nói cái gì và nó cái gì ấy như thế nào. Chúng tôi không đánh giá cao là đánh giá cái “thế nào” ấy của Phù Thăng.

Hứa Văn Định nói về Phù Thăng:

– Viết như bổ củi thì hay sao được.

Hứa Văn Định không ngoa. Phù Thăng viết khoẻ thật. Hết sách này lại sách khác theo nhau ra đời: tiểu thuyết có Phá Vây, Tấn Công, truyện vừa truyện ngắn in thành tập có Con Những Người Du Kích, Con Nuôi Trung Đoàn, Đáy Suối, Trận Địa Mới. Rồi đến các kịch bản phim Biển Lửa, Tiếng Gọi Phía Trước… Vân và vân vân.

Các nhà phê bình lập tức vung roi đánh Phá Vây khi phát hiện Phù Thăng có viết một câu ở một trang nào đó: “Chẳng có cuộc chiến tranh nào là đẹp”.

Thế là thế nào? Đảng đã dạy đi dạy lại: có hai loại chiến tranh, chiến tranh chính nghĩa và chiến tranh phi nghĩa cơ mà. Nhét cả hai vào một rọ rồi phán rằng chúng đều không đẹp, chúng đều xấu như nhau, không mất lập trường còn là mất cái gì?

Bất hạnh cho cuốn Phá Vây là nó ra đời đúng vào lúc nổ ra “cuộc đấu tranh giữa hai đường lối”.

Hai đài Moskva và Bắc Kinh được tiếp âm bằng hệ thống loa phường oang oang từ sáng tới khuya. Các phát thanh viên sùi bọt mép rủa xả nhau bằng những lời độc địa nhất. Bắc Kinh nhiếc Liên Xô là “đồ xét lại”, Moskva chụp cho Trung Quốc cái mũ “lũ giáo điều “.

Hai dị bản mác-xít ấy trong con mắt người thường đại khái giống hai bệnh phong tình: tim la và lậu. Tránh chúng càng xa càng tốt.

Trong các cơ quan báo chí, mọi người chờ đợi cấp trên của mình giải thích. Cấp trên thì lại chờ cấp trên nữa. Cấp trên cùng, trên hết các cấp trên, giữ thái độ im lặng, tảng lờ như không nghe, không thấy.

Dấu hiệu một cơn bão rõ dần.

Người khôn tìm cách ẩn nấp. Người không đủ khôn thì ngậm miệng. Khốn sự không chịu nói ra ý nghĩ của mình hoặc tảng lờ như không quan tâm đều nguy hiểm như nhau. “Đảng ta” tuy không nói ra miệng nhưng ai cũng thấy là nghiêng về phía Trung Quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không dại để chọn một trong hai bầu sữa. Ông muốn cả hai. Ông bắt nhịp cho đảng của ông ca bài “Kết đoàn chúng ta là sức mạnh…”

Dân đen chẳng dại gì xớ rớ một trong hai cái của nợ ấy. Đụng vào không chết cũng bị thương.

– Mày ngấy cái gì?

Phù Thăng nhìn vào mắt tôi, cái nhìn gây sự:

– Ngốc ạ, mày không hiểu thật hay giả vờ không hiểu?

Tôi lắc:

– Tao không hiểu mày muốn nói gì?

– Tao nói toạc ra nhé: mày còn tin được cái chủ nghĩa cộng sản không? Liên Xô, Trung Quốc, hai thằng anh cả, anh hai, ném cứt vào mặt nhau, chửi nhau té tát như quân thù quân hằn. Còn chúng ta, một lũ vịt, thì được dạy dỗ để tin cái thứ ấy như tín đồ tin Kinh Thánh.

Tôi nghe, tôi ngạc nhiên, nhưng tôi nín lặng.

Không phải tôi không tin Phù Thăng. Anh là người ai từng gặp đều phải tin. Mộc mạc, chất phác, thật thà – đức tính ấy hằn trên gương mặt vừa góc cạnh, vừa hiền lành của anh.

Tôi sợ là sợ cái tính thẳng ruột ngựa của Phù Thăng. Anh mà nhắc lại ở đâu đó câu trả lời không cân nhắc của tôi, ắt vạ sẽ rơi xuống đầu. Cái sợ nằm sẵn trong bản năng sinh tồn. Thời ấy nó thế. Với ai vũng vậy.

– Cái chuyện cãi cọ này lôi thôi lắm đấy, mày ơi. – Không phải chuyện lý thuyết đơn thuần đâu.

– Tao biết thừa. Vì thế mới hỏi mày.

Tôi đánh trống lảng:

– Mày thừa biết, tao không quan tâm chính trị. Mà mày cũng nên như vậy – đừng để nó dây vào mình. Chính trị không phải cái dành cho chúng ta. Dây vào cái thứ ấy làm gì?

Phù Thăng hấm hứ:

– Mình không dây vào nó, nó cũng dây vào mình. Mày là thằng sáng dạ. Tao muốn biết mày nghĩ thế nào?

– Có sự không bằng lòng nhau giữa Liên Xô và Trung Quốc, tao nghĩ thế – tôi loay hoay tìm chữ – Không bằng lòng vì cái gì tao không biết. Đã không yêu nhau thì cả hai bên bới bèo ra bọ.

Phù Thăng xì một tiếng:

– Có nghĩa cái chủ nghĩa cộng sản ấy đếch là cái gì hết, mày nghe cho rõ tao nói. Một vật dụng tuỳ người dùng, thằng hít hà, thằng nhổ bọt.

– Thì thế – tôi lửng lơ.

Phù Thăng xì một tiếng. Rồi vỗ mặt:

– Câu hỏi của tao: đến giờ mày còn tin nó không?

Tôi không trả lời. Tôi còn phải chọn chữ.

– Nó là của riêng kẻ sở hữu nó – tôi ba phải – Chẳng phải của tao, chẳng phải của mày. Nó tồn tại không thèm đếm xỉa đến tao hay mày tin nó hay không tin. Băn khoăn chuyện ấy làm quái gì. Nó tồn tại là nó có cái hạt nhân duy lý của nó, nói theo Trần Đức Thảo. Tức là, tao muốn nói, nó mang trong nó cái tất yếu.

Phu bĩu môi:

– Đừng giở giọng nước đôi với tao – anh nhăn mặt – Mày sợ sự dứt khoát. Mày cũng y như những thằng khác – một lũ giun. Tao tưởng mày khá hơn kia. Tao nhầm.

Phù Thăng đứng phắt dậy.

Ở ngoài đường, chúng tôi không nói gì thêm, chỉ ôm chặt nhau, vỗ vỗ lưng nhau.

Tôi linh cảm cuộc chia tay lần này không hứa hẹn gặp lại. Mà thật, đó là cuộc chia tay cuối cùng của tôi với Phù Thăng.

Đám chúng tôi ngày ấy là sự tụ tập của những cây bút trẻ, có tác phẩm được in cũng như không được in. Nơi tụ tập là nhà Hứa Văn Định. Phù Thăng, tức thằng Phu, đọc lộn ngược, không phải là người có mặt thường xuyên. Anh đi ngang thì ghé vào. Anh bao giờ cũng là khách.

Hứa Văn Định nói về Phù Thăng:

– Văn gì thằng ấy. Rặt một thứ người tốt việc tốt.

Tôi không tỏ thái độ đồng tình hay không đồng tình.

– Tao cũng chẳng hơn nó – Hứa Văn Định thấy tôi không tán thưởng, nói chữa – Tất cả chúng ta đều một phường, chỉ làm ra một thứ vằn vện.

Vằn vện là tên hai giống chó có mặt khắp nơi.

Cuộc gặp Phù Thăng hôm ấy cho tôi thấy một Phù Thăng khác. Cuộc đời không biết tự bao giờ đã trở thành sân khấu. Mỗi người mang một cái mặt nạ. Người tự xé cái mặt nạ ấy để được là mình là người tự trọng. Nhưng hiếm.

Phù Thăng là người duy nhất trong chúng tôi trung thực với chính mình, không thèm giấu giếm.

Tôi không bao giờ gặp lại Phù Thăng nữa.

Tôi đi tù dài – chín năm.

Phù Thăng bỏ Hà Nội, về quê, chăn vịt.

Khi tôi được thả (thả chứ không phải tha), Xuân Sách chuyển cho tôi lời nhắn của Phù Thăng:

“Về đây, tao nuôi”.

Phù Thăng là người không hứa hão.

Tôi không về quê Phú Thăng để bạn nuôi. Tôi còn đủ đầu và tay chân. Tôi có thể tự nuôi tôi.

Nhớ bạn, tôi viết mấy dòng này.

Giờ đây chẳng còn mấy ai nhớ tới Phù Thăng.

Nếu thỉnh thoảng có người nhắc đến anh thì người ta chỉ nhắc đến những tác phẩm đậm màu cách mạng của anh – một cuộc cách mạng đẹp đẽ, sôi nổi, hào hùng cho một thế hệ văn chương.

Tiếc thay, thế hệ này chỉ toàn những đứa con vắn số với những tác phẩm ra đời để nuôi các hàng giấy vụn.

Phù Thăng rồi chìm nghỉm trong quên lãng. Nghề văn đối với anh quá bạc bẽo!

Xuân Sách vẽ chân dung bạn mình thế này:

Chuyện Kể Cho Nguời Mẹ nghe

Biển Lửa bốc cháy bốn bề tan hoang

Đứa Con Nuôi Của Trung Đoàn

Phá Vây xong lại chết mòn trong vây”.

1993

Comments are closed.