Ghi chép Ngô Nguyên Dũng
NĂM NGÀY Ở SÀI GÒN
Trong một quán cà phê ở con đường sách Nguyễn Văn Bình, Sài Gòn.
Sài Gòn vào mùa mưa, chiều nào trời cũng rớt một cơn rã rượi. Đôi khi, vừa hừng sáng, tôi chợt thức giấc vì tiếng mưa lao xao mái ngói. Những ngày này, không còn nghe vang vẳng tiếng rao hàng ghi âm lè rè thường lệ. Tôi nằm trong căn phòng kín màn, nhá nhem sáng tối, lắng nghe nhạc mưa vỗ về, rạo rực hân hoan như trẻ nhỏ một sáng không phải đi học.
Nhớ lại chiều hôm trước, tôi và bạn tới tham dự bữa cơm tái ngộ cùng các cháu trong một quán ăn Tây của đứa cháu trai ở Bình Thạnh. Đường từ quận bảy về Phan Xích Long xa diệu vợi. Vì đường sá chưa rành, nên chúng tôi lạc lối, chạy lòng vòng mất gần một tiếng mới tới nơi. Dự tính trước đó tạt ngang chùa Vạn Thọ ở đường Hoàng Sa, bên dòng kênh Nhiêu Lộc, Tân Định, để thắp nhang hồi hướng công ơn sinh thành và dưỡng dục của ba má, cũng như để tưởng nhớ vợ chồng cô em gái, phải dời lại ngày hôm sau.
Trong ký ức tôi, thuở thập niên một chín sáu mươi, chùa Vạn Thọ nằm sâu trong xóm Chùa, bên một ao nước thủy thảo thưa thớt, bùn lầy, rác rến hôi hám. Chỉ thấy thôi, chứ chưa lần nào tôi vào trong. Giờ đây, chùa đã được tân trang, tọa lạc trên đường Hoàng Sa, ven kênh đào Nhiêu Lộc, mà tôi nhớ thuở trước được gọi là sông Cầu Mới. Tro cốt ba má và vợ chồng đứa em gái được anh chị em và các cháu tôi đem gởi trong đó. Mỗi lần về Sài Gòn, tôi đều ghé thắp nhang.
Trưa nay, trong khi tôi còn đang loay hoay cúi tìm hộp đựng tro cốt vợ chồng đứa em gái, thì một sư bà áo lam bước lại, giọng ân cần:
"Ông tìm tên ai?".
Tôi nói tên và reo lên tiếng nhỏ, đây rồi, rồi trỏ tay vào hai hộp dán bài vị người quá cố nằm kề nhau. Sư bà nhoẻn cười, chặc lưỡi bâng quơ:
"Lâu rồi, không thấy ai tới thắp nhang".
Nói xong, sư bà ngồi xuống, kéo hộc tro cốt ra đặt trên đùi, rút khăn lau bụi. Cử chỉ bà chậm rãi, thận trọng, như sợ làm đau những nỗi niềm sinh tử.
Tôi thắp nhang, thầm thì, anh về thăm hai em. Cũng như mới nãy, con về thăm ba má…
Tôi ngỏ lời cảm ơn sư bà, rồi ra về. Xế trưa hôm ấy, lúc trời còn thắp nắng, tôi nhờ bạn chở đi thăm lại những con đường tuổi hoa niên. Từ Hoàng Sa về phố Tân Định, nơi tôi mở mắt chào đời, quẹo phải Trần Khắc Chân, rẽ phải Trần Khánh Dư, chạy tới cuối đường rẽ trái Nguyễn Văn Nguyễn, lúc trước là Nguyễn Hữu Cảnh. Rồi Trần Quý Khoách. Và Đặng Tất, số bảy. Cảm xúc tôi lần này không như lần đầu tiên. Nỗi nhớ xòe lên. Như que diêm vừa bật, chợt tắt ngúm trước mưa gió cuồng bạo những thay đổi. Không còn thấy cây trứng cá sau cổng sắt sơn xanh. Không còn thấy hàng rào cắt tỉa tươm tất. Không còn thấy thấp thoáng bên trong từng vạt ngói rực nắng… Lúc chạy ngang, tôi chỉ thốt được mấy tiếng:
"Đây rồi! Nhà cũ của anh… không còn cây trứng cá… em ơi!".
Giọng tôi bạt gió, tan theo những mất mát… Và những Đặng Dung, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Văn Thạch, Bà Lê Chân chợ Tân Định, Hai Bà Trưng, … Tôi về thăm lại. Tôi băng ngang, băng ngang những lối cũ một chiều mây giăng, khi những giọt mưa đầu mùa bắt đầu rơi xuống, ngỡ như những giọt nước mắt chia sẻ cùng tôi những hoài niệm.
Khuya ấy, trở về nhà trọ, tâm tư tôi cứ mãi vướng víu giai điệu và lời hát: "Em có nhớ căn nhà xưa bên khu vườn cải. Nơi những sớm mai nằm nghe nắng giòn trên mái… Ở đó có những… Ở đó ngó thấy…"[1]
Vậy mà, đêm nọ, khi tôi và bạn tới một quán nhạc hát với nhau ở đường Điện Biên Phủ (Phan Thanh Giản cũ), tôi không hát ca khúc này mà rên rỉ "Tiễn Em". Tôi và bạn, ai cũng thích âm nhạc và thích hát. Bạn tôi hát kiểu này nhiều lần rồi. Còn tôi, đêm ấy là lần đầu tiên tôi thử nghiệm. Tôi hát như trẻ thơ thuở nào, chiều chiều cầm cuốn nhạc tự chép trên tay, ra ngồi ghế xích đu, một mình thỏ thẻ. Nhiều lúc tôi trẻ thơ chẳng hiểu nhạc sĩ bóng gió điều chi, cứ vậy mà hát thôi. Cất giọng để nhớ tới tiếng hát cô Lệ Thanh năm xưa, cớ gì cứ xui "người ta" khóc là sao? Có gì vui đâu, sân ga đèn vàng một đêm chia tay tuyết trắng não nùng? "Nơi em có trăng soi. Anh một mình rét mướt. Trời mùa đông Paris, suốt đời thèm trăng soi..."[2].
Để rồi, nhiều thập niên sau, tôi thấy mình tóc trắng chuốc giọng đê mê về một đêm mùa đông tha hương tiễn đưa người yêu dấu trở lại quê nhà. Tôi như thằng bé vướng hội chứng tự kỷ, đứng ôm con thú bông nhồi vụng về những hình ảnh quá khứ đã vỡ nát từ lâu, vỗ về lời ru:
"Có bao giờ em hỏi
Quê hương mình ở đâu
Có bao giờ em đợi
Tháng mấy trời mưa ngâu
…
Bây giờ em mới biết
Em đã chết từ lâu"[3]
Tôi cũng tưởng mình "đã chết từ lâu"… Nhưng không, trong lần về thăm quê nhà này, mới hay rằng, đáy lòng tôi vẫn còn âm ỉ tro than những mưa nắng thanh xuân.
***
Trước nhà hát thành phố đường Đồng Khởi (Tự Do cũ), Sài Gòn.
Sài Gòn đang hồi sinh sau hơn hai năm hôn mê vì dịch bệnh. Công trình xây cất tuyến đường xe điện Bến Thành – Suối Tiên dở dang được tiếp tục và đang dỡ bỏ rào chắn. Cầu Thủ Thiêm 2 đã xong, chỉ còn chờ ngày lành tháng tốt để được cắt băng khánh thành. Tuy nhiên, chợ Bến Thành và những ngã đường thương mại sầm uất trước đây hai năm vẫn chưa hồi tỉnh. Cứ mỗi lần đi ngang ngã ba Tự Do – Lê Lợi hay Nguyễn Huệ, lòng tôi lại bồi hồi hồi tưởng những công trình kiến trúc cũ. Góc này, ngày xưa, là tiệm bánh Givral. Nơi đây là rạp chiếu phim Rex. Chỗ nọ là nhà hàng Thanh Thế. Còn đây là nhà sách Khai Trí, quán kem Pôle Nord, thương xá Tam Đa. Trên con đường này là tòa soạn báo Sống, ở tầng ba là nhà một người bạn, tôi thường lui tới…
Năm ngày đầu tiên tôi trở lại Sài Gòn là khoảng thời gian để tôi lần giở những trang hồi ức ngổn ngang những mặt người, những khung cảnh, những cảm xúc, cũng như làm quen với những biến đổi của thời cuộc và tâm tình mình.
Và sửa soạn hành lý cho hành trình sắp tới.
[1] Căn nhà xưa – Nhạc và lời: Nguyễn Đình Toàn
[2] Tiễn em – Nhạc: Phạm Duy – Lời: Chưa bao giờ buồn thế, thơ Cung Trầm Tưởng.
[3] Có bao gờ em hỏi – Nhạc: Phạm Duy – Lời: Bấy giờ, em ơi, thơ Duyên Anh.