Phải sống (kỳ 4)

Tiểu thuyết của Dư Hoa (Trung Quốc)

Dịch giả: Nguyễn Nguyên Bình

PHẦN 1 (tiếp theo)

Không chỉ riêng đại đội tôi bị bao vây, có đến hàng mươi vạn quân Quốc dân đảng đều bị vây trong một khoảng đất mà mỗi bề chừng độ mươi cây số, đâu đâu cũng mội màu áo vàng khè, đông như trảy hội. Lúc này lão Toàn trông thật là lanh lợi, lão ngồi trên ụ pháo hút thuốc, chốc chốc lại chào người nọ hỏi kẻ kia, quả là lão quẻn biết nhiều thật. Lão đã nam chinh bắc chiến, đã từng sống ở bảy đơn vị khác nhau, lão tha hồ hi hi ha ha đùa tếu, nói bậy nói tục với những người quen cũ, hỏi thăm đến người này người khác, tôi nghe thấy nói người thì chết rồi, người thì vài hôm trước còn gặp. Lão Toàn nói cho tôi và Xuân Sinh biết, những người đó trước đây đã từng cùng lão chạy trốn. Lão Toàn đang nói thì có người từ xa gọi với tới:

– Lão Toàn, lão hãy còn sống à?

Lão lại gặp được người quen cũ rồi, lão cười:

– Chú mày bi bắt lại bao giờ vậy?

Người kia chưa kịp nói, một người khác đã gọi lão rồi, lão Toàn ngoảnh lại trông, chợt đứng phắt dậy nói to:

– Này, chú biêt lão Lương ở đâu không?

Người nọ cười hì hì la rằng:

– Chết rồi.

Lão Toàn tiu nghỉu ngồi xuống, chửi thề:

– Mẹ nó, hắn còn nợ mình một đồng bạc trắng đấy.

Rồi lão lại đắc ý bảo tôi và Xuân Sinh:

– Các cậu thấy không, chẳng ai chạy được cả.

Mới đầu thì chúng tôi chỉ bị bao vây thôi, quân giải phóng chưa đến đánh chúng tôi ngay, chúng tôi chưa lấy gì làm sợ, đại đội trưởng cũng không sợ, ông ta nói Tưởng uỷ viên trưởng(1) sẽ cho xe tăng đến giải vây cho chúng ta. Sau đó tiếng pháo từ phía trước nổ ngày một to, chúng tôi cũng vẫn chưa biết sợ, chỉ tội ai nấy đều quá rỗi rãi chẳng biết làm gì, đại đội trưởng chưa lệnh cho chúng tôi bắn pháo. Có người lính cũ nghĩ đến anh em phía trước chết chóc, đổ máu, chúng tôi cứ ở không mãi thì cũng chẳng được việc gì, anh ta bèn đi hỏi đại đội trưởng:

– Hay chúng ta cũng bắn mấy quả pháo?

Lúc đó đại đội trưởng đang rúc trong công sự đánh bạc, ông ta cáu tiết vặc lại:

– Bắn pháo hả? Bắn đi đâu?

Đại đội trưởng nói cũng đúng, mấy quả pháo bắn đi nhỡ bắn trúng đầu các anh em Quốc quân, anh em ở phía trước cáu lên quay lại giết cổ chúng tôi thì không phải chuyện chơi đâu. Đại đội trưởng lệnh cho chúng tôi cứ ngồi chờ sẵn trong công sự ấy, thích làm gì thì làm, chỉ đừng có bắn pháo thôi.

Sau khi bị bao vậy, lương thực đạn dược của chúng tôi đều tiếp tế theo đường không. Máy bay vừa xuất hiện trên đầu, Quốc quân bên dưới bèn chạy ngóng đằng nọ đằng kia trông như đàn kiến cỏ, đạn dược ném xuống chẳng ai buồn nhặt, tất cả chi nhong nhóng chực vồ các bao đựng gạo. Máy bay vừa bay khỏi, anh em Quốc quân nào cướp được gạo là cứ hai người khiêng một bao, người thứ ba cầm súng lăm lăm đi theo bảo vệ, cứ thế từng đống gạo vơi dấn, tất cả đều khênh về công sự của mình.

Ít lâu sau, hàng đàn hàng lũ Quốc quân lại kéo nhau đi đến các túp lều và cây trụi lá, trèo mái nhà dỡ rui mè cột kèo, chặt cây làm củi, chẳng giống đánh trận tí nào, tiếng ồn ào ầm ỹ gần như át cả tiếng pháo ngoài tiền duyên. Mới có độ nửa ngày những nhà và cây nào trong tầm mắt đều bị dỡ chặt hết, trên mặt đất chỉ còn trơ ít cột nhà, gốc cây và bọn binh lính mang vác những thứ dỡ được, chặt được, cướp được ấy về công sự của mình, rồi từng làn khói nấu cơm bốc lên ngoằn ngoèo trên trời.

Lúc đó, chỉ có đạn là nhiều nhất, nằm lên trên đó thì nó cộm đau mình lắm. Sau khi nhà cửa, cây cối xung quanh bị chặt phá hết, khắp nơi Quốc quân thi nhau dùng dao găm đi cắt cỏ khô, trông cảnh đó giống y như ngày mùa nông dân đi cắt rơm rạ vậy, có người mồ hôi mồ kê nhê nhại, hì hục đào bới rễ cây, có cả người bắt đầu đào mồ mả, lấy quan tài làm củi đun. Đào được quan tài rồi thì đem vứt xương cốt người chết ra miệng hố, cũng chẳng chịu chôn lại cho người ta nữa, đến lúc đó, chẳng còn ai sợ hài cốt người chết cả, ban đêm nằm chen chúc vào nhau ngủ, chẳng ai nằm mơ thấy ác mộng hết. Củi để nấu cơm ngày càng hiếm, ba chúng tôi đi cõng mấy bao gạo về trải trong công sự làm giường ngủ, như thế không sợ đạn pháo kênh lên đau lưng.

Đến khi không còn có thể kiếm được thứ gì làm củi nữa, Tưởng uỷ viên trưởng vẫn chưa cứu được chúng tôi ra. May sao lúc đó máy bay không đổ gạo xuống nữa mà đổi thành đổ bánh mì xuống. Từng bao bánh to ném xuống đất, anh em vồ, giật, cướp lẫn nhau như bầy súc vật, xếp từng lớp từng lớp như mẹ tôi khâu đế giày, tất cả cứ hú om sòm chẳng khác gì đàn sói.

Lão Toàn bảo:

– Chúng mình chia nhau mà đi cướp.

Lúc đó thì chỉ còn cách chia nhau đi mà cướp thôi, vậy mới có thể kiếm được ít bánh về ăn. Chúng tôi bò lên mặt đất, tự mình tìm lấy hướng mà đi. Lúc đó đạn mảnh, đạn nhọn đã bay chiu chíu rất gần rồi. Có lần tôi đang cắm đầu chạy thì thấy người bên cạnh mình ngã lăn ra, tôi cứ ngỡ anh ta đói quá xỉu xuống, ai dè quay lại nhìn thì đã thấy mất nửa mảng đầu rồi, sợ quá chân tôi rủn ra, suýt nữa thì ngã. Cưóp bánh còn khó hơn cướp gạo, nghe nói Quốc quân ngày nào cũng có người chết vì liều mình cướp bánh, nhưng mỗi khi máy bay tới, ai nấy đều nhô lên khỏi hầm, trơ thổ địa hết cả ra trên đất trống, cứ như từng dãy cỏ lô nhô chạy theo máy bay, bao bánh ném xuống rồi, mọi người mới tản ra tự ý ngắm xem chiếc dù nào dễ kiếm nhất. Túi đựng bánh chẳng được bền chắc lắm, vừa chạm đất đã bục ra vãi bánh tứ tung, mấy chục đến hàng trăm người cứ thế mà vồ, mà nhặt, có người vừa vồ được bánh là ngã xỉu xuống luôn. Tôi đi cướp được mấy chiếc bánh về mà thấy thân mình cứ đau dần như phải đòn phải đánh vì chen chúc va chạm, giành giật. Cuối cùng cũng chỉ được có mấy chiếc đó thôi, về đến công sự của mình, lão Toàn đã ngồi đó rồi, trên mặt đầy những vết xanh vết tím, bánh cướp được cũng chẳng nhiều hơn tôi. Lão Toàn đã làm lính được tám năm, tâm địa vẫn còn rất lương thiện, lão đặt số bánh của mình lên chồng bánh của tôi, bảo để đợi Xuân Sinh về cùng ăn. Hai chúng tôi đành quì trong công sự nhô đầu lên ngóng Xuân Sinh.

Được một lúc, chúng tôi thấy Xuân Sinh ôm một đống giày cao su, khom lưng chạy về, thằng bé sướng quá mặt đỏ au lên, nó ngã mình lăn vào hầm, chỉ đống giày cao su, hỏi chúng tôi:

– Có nhiều không?

Lão Toàn ngó tôi, hỏi Xuân Sinh:

– Cái này ăn được à?

Xuân Sinh nói:

– Có thể nấu cơm được mà.

Chúng tôi nghĩ thấy đúng quá, nhìn kỹ trên mặt Xuân Sinh không có một vết thương nào, lão Toàn nói với tôi:

– Thằng bé này tinh hơn tất cả chúng mình.

Sau đó chúng tôi không đi cướp bánh nữa, bắt đầu dùng cách của Xuân Sinh. Khi những người cướp bánh xếp lớp lên nhau, chúng tôi liền lột giày cao su của họ, có một số cái chân không phản ứng gì cả, một số chân thì khua loạn xị lên, chúng tôi liền với bừa mũ sắt ở đâu đó nhằm vào những cái chân thiếu thật thà đó mà đánh thật đau, những cái chân bị ăn đòn rụt lại mấy cái rồi cứng đờ ra như đã bị chết cóng rồi ấy. Chúng tôi ôm đống giầy cao su trở về hầm của mình, nhóm lửa lên, đằng nào cũng có bao nhiêu gạo kia mà, thế là đã thoát được cái khổ về thân xác. Ba người chúng tôi vừa nấu cơm vừa nhìn cái bọn chân dẫm đất giữa trời đông, vừa đi vừa nhảy mà hì hì cười, muốn ngất.

Tiếng súng pháo trên tiền duyên càng ngày càng nhặt, lại chẳng phân biệt ngày hay đêm nữa. Chúng tôi ngồi trong công sự nghe đã quen tai rồi, thường xuyên có cả pháo nổ ngay ở nơi không xa lắm, những khẩu pháo của đại đội tôi đều đã bị bắn gãy vụn ra rồi, chưa khẩu nào bắn được viên đạn nào mà đã thành sắt vụn, chúng tôi càng chẳng có việc gì để làm nữa. Ngày giờ cứ vậy mà trôi, Xuân Sinh cũng không sợ hãi gì lắm nữa, đến nước ấy thì sợ cũng chẳng làm được gì. Súng pháo càng ngày càng gần, chúng tôi vẫn cảm thấy như hãy còn xa lắm. Khó chịu nhất là trời ngày càng lạnh, cứ ngủ đi mấy phút là cóng quá phải tỉnh dậy một lần. Tiếng đạn pháo nổ ở ngoài hầm thường làm chúng tôi đinh tai nhức óc, Xuân Sinh dẫu sao vẫn còn là trẻ con, nó vẫn mơ mơ màng màng ngủ, mỗi khi có quả đạn pháo bay đến nổ gần hầm, làm nảy người lên, nó bị chọc thức dậy, cáu kỉnh hầm hầm đứng trên bờ công sự, quát lên với tiếng súng pháo:

– Mẹ chúng mày chứ, nhẹ một tý để ông ngủ.

Tôi vội vã kéo nó xuống, lúc đó mảnh đạn và đạn súng các loại đã đang bay ngang bay dọc bên trên chiến hào.

Trận địa của Quốc quân mỗi ngày một nhỏ đi, chúng tôi không dám tuỳ tiện bò ra khỏi công sự, trừ lúc đói quá mới đi ra kiếm cái ăn. Mỗi hôm đều có mấy ngàn thương binh phải khiêng xuông hầm, đại đội tôi sống ở phía sau, trận địa của chúng tôi đã trở thành thế giới của thương binh. Chỉ mỗi mấy hôm thôi, tôi với lão Toàn và Xuân Sinh nấp dưới hầm thò đầu ra đã nhìn thấy cơ man nào là thương binh mất tay cụt chân được khiêng trên cáng. Cách mấy hôm nữa, lại có một lô cáng được khiêng tới, những người khiêng cáng đều khom lưng chạy bán mạng, chạy tới một khoảng đất trống gần chỗ trước mặt chúng tôi, họ cùng nhau hô “một, hai, ba” thế là lật nghiêng cái cáng, hắt người thương binh xuống đất như thể hắt rác, rồi để mặc họ đấy mà đi, thương binh đau đớn kêu trời vạch đất rền rĩ từng hồi. Lão Toàn nhìn bọn khiêng cáng vừa bỏ đi, chửi lên một câu:

– Cái bọn súc sinh!

Thương binh càng ngày càng nhiều, hễ tiếng súng pháo từ phía trước vẫn còn nổ thì còn có cáng khiêng tới rồi “một, hai, ba” hắt người xuống đất. Trên mặt đất, lúc đầu là từng đống từng đống thương binh, ít lâu sau đã nối liền thành cả một lớp, tha hồ mà ở đó đau đớn kêu khóc rền rĩ. Tiếng kêu khóc đó cả đời tôi cũng không thể quên được, tôi với Xuân Sinh nhìn cảnh đó mà lạnh hết cả tim, đến lão Toàn cũng còn dựng cả lông mày lên. Tôi nghĩ đánh nhau kiểu gì thế không biết.

Trời vừa tối, tuyết lại bắt đầu rơi nữa chứ. Có một khoảng thời gian khá dài không có tiếng súng pháo, chúng tôi liền nghe thấy tiếng hu hu của mấy ngàn thương binh còn sống sót, nghe như là đang khóc, lại nghe như là đang cười, đó là tiếng kêu vì đau đến không thể chịu được đây, từ bé đến giờ tôi chưa từng nghe thấy những tiếng kêu ghê sợ đến thế. Cứ từng hồi, từng hồi một, giống như tiếng thuỷ triều, tiếng sóng biển đổ từng cơn xuống thân mình chúng tôi ấy. Tuyết rơi xuống, trời tối um, chúng tôi không nhìn thấy những bông tuyết, chỉ cảm thấy thân thể mình vừa lạnh vừa ẩm ướt, từng đám xốp mềm như bông dần dần tan trong lòng bàn tay, chỉ một lúc thôi, tuyết đã đổ xuống một lớp khá dày lên khắp mọi thứ trên mặt đât.

Ba người chúng tôi rúc vào nhau mà ngủ, vừa đói vừa rét. Lúc đó máy bay cũng đã ít bay tới rồi, rất khó kiếm được cái gì ăn. Chẳng còn ai mong gì Tưởng uỷ viên trưởng đến giải cứu nữa, tiếp sau đó sống chết ra sao cũng chẳng ai biết được. Xuân Sinh lay lay tôi, hỏi:

– Phú Quí, anh ngủ chưa đấy?

Tôi nói:

– Chưa.

Nó lại lay lay lão Toàn, lão không nói gì. Xuân Sinh xịt xịt mũi mấy cái nói với tôi:

– Phen này chắc không sống nổi mất.

Tôi nghe câu đó mũi cũng thấy cay cay, lúc này lão Toàn mới nói, hai tay giang giang ra cho đỡ mỏi:

– Đừng có nói gở.

Lão ngồi ngay người lên, nói tiếp:

– Lão già này chí ít cũng đã đánh mấy chục trận rồi, mỗi lần đánh nhau đều tự bảo mình: ông có chết cũng phải cố sống. Hòn đạn chưa sướt tí da nào của lão cả, tức chưa đụng được tới lão. Xuân Sinh ạ, chỉ cần nghĩ là mình không chết, thế là không thể nào chết được.

Sau đó chúng tôi chẳng ai nói gì nữa cả, đều miên man theo đuổi tâm tư riêng của mình. Tôi thì chỉ nhớ nhà dằng dặc, nghĩ tới Phượng Hà bế Hữu Khánh đang ngồi ở của, nghĩ tới mẹ tôi với Gia Trân. Nghĩ mãi nghĩ mãi, tim như bị thít chặt lại không thở được nữa, như bị ai bít hết cả mồm lẫn mũi vậy.

Đến nửa đêm về sáng, tiếng rền rĩ của thương binh dần dần nhỏ đi, tôi nghĩ chắc nhiều người đã ngủ được rồi hay sao. Chỉ có một số ít người vẫn còn ô ô kêu, những tiếng đó lúc tỏ lúc mờ, rập rờn như tiếng gió hay như tiếng người đang nói chuyện, người này hỏi một câu, người kia đáp một câu, giọng thê lương lạnh lẽo nghe như không phải tiếng của người còn sống. Cứ thế một hồi rồi chỉ còn có một giọng vẫn tiếp tục rền rĩ thôi, giọng nhỏ dần như muỗi kêu rất nhẹ nhàng vo ve trên mặt tôi nghe mãi nghe mãi lại thành ra không phải tiếng rên mà tiếng hát một điệu gì khe khẽ. Chung quanh yên ắng đến không còn một tiếng gì nữa, chỉ còn cái tiếng kia cứ dai dẳng truyền qua truyền lại. Tôi nghe mà chảy cả nước mắt ra, nước mắt hoà tan lẫn cả tuyết, chảy vào họng lạnh như gió thổi vào tận trong cổ.

Khi trời sáng, không còn một âm thanh nào nữa, chúng tôi nhô đầu lên nhìn ngó, trời, mấy nghìn thương binh tối qua còn kêu khóc đã chết hết tất cả, họ nằm ngổn ngang mặt đất, không động cựa, mặt phủ một lớp tuyết trắng. Những người còn sống nấp trong công sự như chúng tôi đều ngây ra mà nhìn, không ai nói một lời. Cả lão Toàn là người không biết đã bao lần nhìn thấy chết chóc mà cũng đờ ra rất lâu, mãi mới trút ra một tiếng thở dài, lắc lắc đầu nói với chúng tôi:

– Thảm quá.

Nói rồi, lão Toàn bò ra khỏi công sự, đi tới chỗ người chết nhắc người nọ, kê người kia, lão khom khom lưng, sải từng bước qua xác nọ sang xác kia, lúc lúc lại quì xuống lấy tuyết rửa sạch mặt cho một người nào đó. Lúc này súng pháo lại bắt đầu lên tiếng, những mảnh đạn cũng đã bay tới. Tôi với Xuân Sinh lúc đó mới hoàn hồn, vội vã gọi ra phía lão Toàn:

– Lão về đi, nhanh lên.

Lão không để ý đến chúng tôi, tiếp tục nhìn ngó chỗ này chỗ kia. Được một lúc, lão dừng lại ngó quanh quất mãi rồi mới đi về phía chúng tôi. Khi tới gần lão giơ ra bốn ngón tay cho tôi với Xuan Sinh, lắc đầu nói:

– Có bốn người tôi quen họ.

Vừa nói xong, đột nhiên lão Toàn trợn mắt lên với chúng tôi, hai chân lão như đã cứng lại ngay tại chỗ, rồi thân mình chợt khuỵu xuống. Chung tôi không hiểu tại sao như vậy, chỉ thấy có đạn bay tới, liền ráng sức gào to:

– Lão Toàn, hãy nhanh lên.

Gào mấy lượt rồi mà lão vẫn giữ nguyên bộ dạng như vậy, tôi mới nghĩ thôi rồi, lão Toàn bị rồi. Tôi vội vã bò ra khỏi công sự, chạy về phía lão Toàn, tới chỗ lão nhìn kỹ, trên sống lưng lão đang rỉ máu ra, mắt tôi tối lại, tôi oai oái gọi Xuân Sinh. Khi Xuân Sinh chạy tới, hai chúng tôi khiêng lão xuống hầm, đạn vẫn bay vèo vèo qua mang tai.

Chúng tôi đặt lão nằm xuống, tôi đưa tay bịt vào chỗ đang rỉ máu ở sống lưng lão, chỗ đó vừa ướt vừa nóng, máu vẫn tiếp tục chảy qua kẽ ngón tay tôi. Mắt lão từ từ chớp một hồi, như muốn nhìn rõ chúng tôi thêm một lúc nữa, rồi miệng lão mấp máy, lão khàn khàn hỏi chúng tôi:

– Đây là đâu?

Tôi và Xuân Sinh ngẩng lên nhìn ngó xung quanh, chúng tôi không làm sao biết được đây là đâu. Đành lại nhìn xem lão thế nào, lão Toàn nhắm mắt lại một lúc, rồi lại từ từ mở ra mở mỗi lúc một lớn hơn, miệng lão méo đi, giống như đang cười cay đắng, chúng tôi nghe thấy lão nói giọng khàn đặc:

– Lão già này, chết ở đâu cũng không được biết.

Lão Toàn nói xong câu đó, chỉ một lúc nữa là tắt thở. Khi lão chết đầu ngoẹo sang một bên tôi với Xuân Sinh biết thế là lão đã chết rồi, cùng nhìn nhau lâu lắm, Xuân Sinh bật khóc trước tiên, Xuân Sinh khóc tôi cũng không nén nổi, bật lên khóc.

Sau đó, chúng tôi nhìn thấy đại đội trưởng, ông ta đã thay quần áo dân thường vào rồi, giắt bên hông quần rất nhiều tiền, xách một cái tay nải, đi về hướng tây. Chúng tôi biết là ông ta chạy trốn, số tiền lận trong quần phía dưới vạt áo làm cho ông ta giống như một bà già bó chân đang lúc lắc mà đi vậy. Có một chú lính trẻ con gọi với theo ông ta:

– Đại đội trưởng ơi, Tưởng uỷ viên trưởng có cứu chúng tôi không?

Đại đội trưởng ngoái lại nói:

– Đồ ngu, đến lúc này thì mẹ mày cũng không đến cứu mày nữa đâu, hãy đi mà tự cứu mình đi.

Một người lính già đã bắn ông ta một phát nhưng chưa trúng, đại đội trưởng vừa nghe thấy tiếng đạn bắn về phía mình, thì chẳng còn một chút uy phong nào nữa cả, co cẳng chạy chối chết nhưng mấy người nữa đều đưa súng lên nhằm bắn ông ta, đại đội trưởng kêu oai oái, nhảy tưng tưng trên tuyết mà chạy đi mất.

Tiếng súng pháo đã vang lên ngay trốc mũi chúng tôi, chúng tôi đều đã nhìn thấy rõ hình dáng người đang nổ súng bắn mình rồi, trong khói súng từng người từng người lảo đảo ngã xuống, tôi tính mình chưa chắc đã sống được đến trưa, chưa đến buổi trưa nay nhất định là đã đến lượt mình chết đây. Một tháng trời nay lăn lộn trong tiếng súng pháo, nhưng tôi không cảm thấy sợ chết cho lắm, chỉ cảm thấy mình chết vô duyên vô cớ thế này thì quả thật là oan uổng, mẹ tôi với Gia Trân đều không biết tôi chết ở đâu hết cả.

Tôi nhìn nhìn Xuân Sinh, một tay nó vẫn đặt trên mình lão Toàn, nó nhìn lại tôi, mặt mày khổ não, buồn rười rượi. Chúng tôi đã ăn mấy ngày gạo sống, mặt Xuân Sinh đã phù lên rồi. Nó thè lưỡi liêm liếm môi, nói với tôi:

– Em muốn ăn bánh mì.

Đã đến nước này thì sống chết nào có quan trọng gì nữa đâu, trước khi chết mà được ăn một miếng bánh ngon lành cũng đủ lắm rồi. Xuân Sinh đứng dậy, tôi chẳng buồn dặn nó cẩn thận kẻo bị ăn đạn nữa, nó nhìn tôi bảo:

– Cũng may ngoài kia còn có bánh, em đi tìm xem sao.

Xuân Sinh bò lên khỏi công sự, tôi không cản nó, đằng nào thì chưa đến buổi trưa chúng tôi cũng phải chết, nếu nó kiếm được bánh ăn thì quá tốt. Tôi nhìn nó đang cố hết sức bước qua các xác chết, thằng bé đã đi mấy bước còn ngoái lại bảo tôi:

– Anh đừng đi đâu nhé, em tìm được bánh sẽ trở lại.

Nó buông xuôi hai tay, cúi đầu đi vào màn khói dày đặc ở phía trước. Lúc đó không khí nồng lên mùi cơm cháy và mùi thuốc đạn, xộc vào cố, vào mắt cảm thấy rát như phải bỏng.

Chưa đến buổi trưa, những người còn sống trong các công sự đều bị bắt làm tù binh hết. Khi Quân giải phóng cầm súng xông tới, có một người lính cũ bảo chúng tôi giơ hai tay lên, ông ta hồi hộp đến xanh cả mặt, quát bảo chúng tôi không được động vào súng của mình, ông ta sợ rằng có khi chính ông cũng xui xẻo theo. Một người giải phóng quân trạc tuổi Xuân Sinh chĩa nòng súng đen sì sì vào tôi, quát tháo câu gì không rõ, tôi tưởng phen này thì chết thật rồi, nhưng cậu ta không bắn, tôi cố nghe mới hiểu cậu ta bảo tôi lên khỏi công sự, tim tôi đập thùm thùm trong ngực, tôi lại có hi vọng được sống rồi. Sau khi bò lên miệng công sự, tôi nghe cậu ta bảo:

– Bỏ tay xuống đi.

Tôi bỏ tay xuống, quả tim bị treo lơ lửng của tôi cũng như vừa được hạ xuống. Hơn hai mươi tù binh của trung đội một bọn tôi bị anh lính trẻ con đó áp giải đi về hướng Nam. Đi không bao xa thì hội nhập vào một tốp tù binh còn đông hơn. Khắp nơi đểu là những cột khói đen đặc bốc thẳng lên trời, cùng ngả theo một hướng. Trên mặt đất chi chít những hố những vũng, đầy những xác người và súng pháo đã bị phá huỷ, những xe quân sự bị cháy đen vẫn còn đang nổ lốp bốp, gãy lách tách. Chúng tôi đi được một đoạn đường thì có độ hơn hai chục giải phóng quân gánh những gánh bánh bao to từ phía Bắc đi về chỗ chúng tôi, bánh đang còn nóng hôi hổi, trông mà chảy nước miếng. Một vị quan lớn áp giải chúng tôi nói:

– Các anh tự xếp thành hàng ngũ.

Không ngờ họ lại đem cái ăn đến cho chúng tôi, nếu Xuân Sinh còn ở đây thì tôt biết bao, tôi nhìn tít ra xa, chẳng biết thằng bé sống hay chết. Chúng tôi tự động xếp thành một hàng hơn hai mươi người, người nọ dựa vào người kia, mỗi người lính được hai cái bánh màn thầu. Chưa bao giờ tôi nghe thấy người ăn mà lại to như vậy, tiếng nhai còn to hơn cả tiếng hàng trăm con lợn đang ăn cám. Mọi người đều cắn những miêng thật to, một số người ra sức mà ho, tiếng ho cứ to dần lên, một người đứng cạnh tôi ho to hơn ai hết, anh ta ôm lấy thắt lưng mà ho đến chảy cả nưốc mắt, số người bị nghẹn cổ lại càng nhiều hơn, tất cả đều trợn ngược mắt, ngửa cổ lên trời, thân hình không động cựa gì được.

Sáng sớm hôm sau, chúng tôi được tập hợp trên một bãi đất trống, tất cả ngồi ngay ngắn dưới đất. Trước mặt là hai chiếc bàn, một vị có dáng quan lớn nói chuyện với chúng tôi, trước hết ông ta nói về ý nghĩa của việc giải phóng một mạch toàn Trung Quốc, cuối cùng ông tuyên bố ai muốn tham gia Quân giải phóng thì tiếp tục ngồi yên, ai muốn về nhà thì đứng dậy, đi lĩnh hành lý để về.

Vừa nghe nói có thể về nhà, tim tôi phập phù đập gấp, nhưng nhìn thấy ông quan lớn có đeo một khẩu súng ngắn thì lại sợ, tôi nghĩ làm gì có việc tốt đến thế. Rất nhiều người đều vẫn ngồi không động đậy gì cả, chỉ có một số người đi ra và đến bên chiếc bàn để lĩnh đồ đạc thật, ông quan lớn nọ cứ nhìn mãi bọn họ, họ lĩnh tiền xong thì lĩnh giấy thông hành, thế là lên đường ngay. Tim tôi thót lên tận cổ họng, ông quan lớn kia thế nào cũng rút súng ra bắn họ cho mà xem, giống như đại đội trưởng của tôi ấy. Nhưng bọn họ đã đi xa rồi mà quan lớn vẫn chưa rút súng ra. Lúc đó tôi thấy hồi hộp quá tôi biết thế là Quân giải phóng thực sự muốn thả chúng tôi về nhà. Trận này đã là đánh nhau rồi tôi đã biết thê nào là đánh nhau, tôi tự bảo mình không bao giờ dám đi đánh trận nữa, tôi phải về nhà. Tôi liền đứng lên, đi thẳng đến trước mặt quan lớn, quì thụp xuống rồi khóc rống lên. Tôi vốn định nói tôi muốn về nhà, nhưng lời nói chưa lên đến mồm thì đã biến khác đi, tôi cứ nói đi nói lại rằng:

– Đại đội trưởng, đại đội trưởng, đại đội trương ơi.

Những câu khác không thể nào nói ra được. Vị quan lớn đỡ tôi dậy, hỏi tôi muốn gì. Tôi vẫn cứ gọi ông là đại đội trưởng, vẫn cứ khóc. Một giải phóng quân đứng cạnh bảo tôi:

– Ông ấy là trung đoàn trưởng.

Anh ta nói vậy đã khiến tôi càng sợ hết hồn, nghĩ bụng thôi chết rồi. Nhưng nghe thấy các tù binh đang còn ngồi họ cười ầm lên, rồi lại thấy trung đoàn trưởng cười mà hỏi tôi:

– Anh định nói gì?

Tôi lúc đó mới yên tâm, nói với trung đoàn trưởng:

– Tôi muốn về nhà.

Quân giải phóng cho tôi về nhà, còn cho tiền đi đường. Tôi đi một mạch theo hướng Nam, đói thì dùng tiền Quân giải phóng cho mua chiếc bánh rán ăn, buồn ngủ thì tìm một chỗ bằng phẳng một tí mà ngủ. Tôi nhớ nhà quá rồi, cứ nghĩ đến đời này kiếp này còn đươc đoàn tụ với mẹ với Gia Trân và hai đứa con thì tôi lại vừa khóc vừa cười mà mải miết quáng quàng bước gấp về hướng Nam.

Khi tôi đi đến bên bờ sông Trường Giang, phía Nam còn chưa được giải phóng, Quân giải phóng đang chuẩn bị vượt sông. Tôi không qua nổi, bị tắc ở đó mất mấy tháng, tôi liền ngược xuôi kiếm việc làm, để khỏi chết đói. Tôi biết Quân giải phóng thiếu người chèo thuyền, trước đây khi còn giàu có tôi ham chơi, có học qua chèo thuyền. Đến mấy lần tôi đã định tham gia Quân giải phóng để chèo thuyền cho họ qua sông. Nghĩ đến việc được Quân giải phóng đối xử tốt, tôi định báo ơn. Nhưng quả thật tôi sợ đánh nhau lắm, sợ không gặp được người nhà nữa. Vì bọn Gia Trân ở nhà, tôi đã tự nhủ mình:

– Mình không báo ơn nữa, mình ghi nhớ cái tốt của Quân giải phóng thôi.

Tôi bám theo đít đoàn Quân giải phóng đánh xuống hướng Nam mà về được nhà, tính thời gian, thì tôi đã xa nhà đến gần hai năm rồi. Khi ra đi là cuối mùa thu, khi trở về là đầu mùa thu. Người lấm bê lấm bết, tôi đi lên con đường quê hương mình, chưa hề thay đổi gì cả, tôi vừa nhìn là nhận ra ngay, tôi hăm hăm hở hở đi tới. Nhìn thấy ngôi nhà ngói của nhà mình khi trước, rồi lại thấy túp lều tranh của nhà mình ngày nay, vừa trông thấy túp lều tranh tôi không đứng nổi, co giò chạy tới.

Cách đầu làng không xa, có một đứa bé gái bảy tám tuổi dẫn đứa em trai ba tuổi đi cắt cỏ. Tôi vừa nhìn thấy đứa bé gái ăn mặc rách rưới đã nhận ra ngay, đó là Phượng Hà của tôi. Phượng Hà dắt tay Hữu Khánh, Hữu Khánh bước đi còn lẫm chẫm chưa thạo lắm. Tôi liền hướng về phía chúng mà gọi to:

– Phượng Hà, Hữu Khánh.

Phượng Hà có vẻ như không nghe thấy, nhưng Hữu Khánh thì quay lại nhìn tôi, nó bị Phượng Hà kéo nên vẫn tiếp tục đi, đầu nghẹo về phía tôi. Tôi lại gọi:

– Phượng Hà, Hữu Khánh.

Lúc đó Hữu Khánh lôi chị nó đứng lại, Phượng Hà quay mình về phía tôi. Tôi chạy tới trước mặt chúng, quì xuống hỏi Phượng Hà:

– Phượng Hà, có còn nhận ra cha không?

Phượng Hà mở to mắt nhìn tôi một hồi, miệng nó mấp máy, nhưng không thấy tiếng gì cả. Ngay lúc đó tôi liền cảm thấy có gì không bình thường, có điều không kịp nghĩ tiếp là gì nữa. Tôi biết Phượng Hà đã nhận ra tôi rồi, nó toét miệng ra cười với tôi, răng cửa đã rụng hết. Tôi đưa tay vuốt má nó, mắt nó sáng lên, nó liền áp hẳn má vào tay tôi. Tôi lại nhìn sang Hữu Khánh, tất nhiên nó không nhận ra, nó liền né người đi, tôi nói với nó:

– Con ơi, cha là cha con mà.

Hữu Khánh vẫn kiên quyết trốn sau lưng chị, đẩy đẩy Phượng Hà, nói:

– Chúng mình đi đi nào.

Lúc đó có một người đàn bà chạy về phía chúng tôi, réo gọi tên ầm ỹ, tôi nhận ra đó là Gia Trân, cô ấy chạy bổ sấp bổ ngửa, đến trước mặt tôi thì gọi to lên một tiếng:

– Anh Phú Quí.

Thế rồi thụp xuống đất ngồi khóc to lên. Tôi nói Gia Trân:

– Khóc cái gì, khóc cái gì.

Nói vậy nhưng tôi cũng hu hu khóc lên.

Thế là tôi đã về đến nhà, nhìn thấy Gia Trân và hai đứa con vẫn được mạnh khoẻ, tôi đã yên tâm được rồi. Bọn họ ôm tôi cùng đi về nhà, vừa đến cửa lều, tôi đã gọi rối rít:

– Mẹ ơi, mẹ ơi.

Vừa gọi tôi vừa chạy vào nhà, vào đến nhà đưa mắt nhìn, không thấy mẹ tôi đâu, lúc đó mắt tôi tôi sầm đi một lúc, tôi quay lại hỏi Gia Trân:

– Mẹ đâu rồi?

Gia Trân chẳng nói gì sất cả, chỉ rưng rưng nước mắt ngó nhìn tôi, tôi cũng đã biết mẹ mình đi đâu rồi. Tôi đứng ở cửa nhà, đầu gục xuống, nước mắt rào rào tuôn ra.

Tôi xa nhà được độ hai tháng hơn một tẹo, thì mẹ tôi mất. Gia Trân nói cho tôi biết, trước lúc mất, mẹ tôi cứ nói đi nói lại với Gia Trân:

– Phú Quí không đi đánh bạc đâu.

Gia Trân lên thành phố hỏi thăm tin tức không biết bao nhiêu lượt, vậy mà chẳng ai bảo cho cô ấy biết tôi đã bị bắt lính, vì thế mẹ tôi mới nói như vậy. Tội nghiệp mẹ tôi, đến khi chết vẫn chẳng biết rằng tôi ở đâu. Phượng Hà của tôi cũng thật đáng thương, một năm trước đây nó phải một trận sốt cao, sau đó không nói được nữa. Gia Trân khóc mà nói với tôi những chuyện đó, thì Phượng Hà ngồi ngay trước mặt tôi, nó biết là chúng tôi đang nói đến nó, liền khe khẽ cười với tôi, lòng tôi thấy đau đớn như bị kim châm vào ruột. Hữu Khánh cũng đã chịu nhận tôi là cha nó rồi, chỉ tội nó vẫn còn hơi sờ sợ tôi, tôi vừa định bế là nó đẩy ngay ra đòi Gia Trân và Phượng Hà. Nói gì thì nói, tôi cũng đã về đến nhà rồi. Buổi tối hôm đầu tiên, tôi không làm sao ngủ được, tôi với Gia Trân, lại cả hai đứa bé đều nằm chen chúc vào nhau, nghe gió chạy trên mái nhà, nhìn ánh trăng sáng vằng vặc chiếu qua khe cửa, tôi thấy vừa ấm áp vừa yên ổn, chốc chốc tôi lại chạm tay vào Gia Trân và hai đứa bé, tôi cứ nói đi nói lại với bản thân mình:

– Mình đã trở về nhà rồi.

Khi tôi trở về, trong làng bắt đầu cải cách ruộng đất, tôi được nhận năm mẫu ruộng, tức là năm mẫu đang thuê của Long Nhị đây. Long Nhị bị xúi quẩy to rồi, ông ta lên làm địa chủ, mở mày mở mặt chưa đầy bốn năm, vừa mới giải phóng là liền hỏng cả. Đảng cộng sản tịch thu điền sản của ông ta, chia cho các hộ tá điền, ông ta còn ngoan cố không chịu nghe, đi đe doạ các hộ tá điền đó, cũng có người không sợ ông ta, không chịu mua lại văn tự, ông ta bèn cho người đánh họ. Long Nhị đã tự chuốc vạ vào thân, chính quyền nhân dân đã cho bắt ông ta đi, nghe nói ông ta là địa chủ cường hào gian ác. Bị giam vào nhà lao trên thành phố, Long Nhị vẫn chưa biết thời thế, miệng lưỡi vẫn trơ như đá, cuối cùng để bị bắn chết.

Hôm bắn Long Nhị tôi cũng đi xem. Long Nhị chết đến mang tai rồi mới xuống nước, thấy bảo khi bị giải từ trên tỉnh về nước mắt ông ta dàn dụa bọt mép vã cả ra, ông ta nói với những người quen biết:

– Nằm mơ cũng không thể nghĩ là mình sẽ bị đem bắn.

Long Nhị quá là mơ hồ chứ, ông ta cứ tưởng mình chỉ bị nhốt mấy ngày là xong là lại thả ra, không hề tin là mình bị bắn chết. Hôm đó vào buổi chiều -xử bắn Long Nhị ở thôn bên cạnh làng tôi, họ đã đào sẵn một cái huyệt ở bên đó. Hôm ấy những mấy làng quanh đó đều đến xem, Long Nhị bị trói tréo cánh khuỷu giải đến, gần như bị kéo lê đến, miệng há hốc ra, thở hổn hển. Khi đi qua chỗ tôi, Long Nhị cố liếc tôi một cái nhưng tôi cảm thấy như ông ta không nhận ra tôi, tuy vậy đi khỏi mấy bước, ông ta vẫn ngoái cô lại khóc sụt sịt kêu to với tôi:

– Phú Quí, tôi chết thay anh đây mà.

Nghe ông ta hét lên như vậy, tôi sợ quá cuống cả lên nghĩ bụng hãy cứ rời khỏi đó đi thì hơn, đừng cố nán xem ông ta chết thế nào nữa. Tôi chen chân ra khỏi đám đông, một mình lui lủi đi, đi được độ mươi bước chân thì nghe “pằng” một tiếng tôi nghĩ Long Nhị thế là hỏng hẳn rồi, nhưng lại nghe thấy một tiếng “pằng” tiếp nữa, sau đó còn bắn thêm ba phát, tổng cộng là năm phát súng tất cả. Tôi nghĩ không biết có phải có người khác nữa cùng bị xử bắn không, trên đường về nhà tôi hỏi thử một người cùng làng:

– Bắn mấy người thế?

Anh ta nói:

– Chỉ bắn mỗi Long Nhị.

Long Nhị quả thật là xúi quẩy to rồi, ông ta xơi những năm viên đạn, cho dù ông ta có đến năm tính mạng thì cũng tiêu luôn cả năm thôi.

Xử bắn Long Nhị xong, trên đường trở về nhà tôi cảm thấy cứ lạnh hết cả gáy lên, càng nghĩ càng thấy khiếp, nếu mà trước kia cha tôi với tôi không phải là hai tên phá gia chi tử thì đúng là tôi cũng bị bắn thế kia rồi. Tôi sờ sờ vào mặt mình, lại nắn cánh tay mình, vẫn còn nguyên, tôi nghĩ mình đúng là đáng chết mà lại chưa chết, từ trên chiến trường tôi đã nhặt được một mạng sống, đến lượt Long Nhị lại thành ra ma thế mạng cho tôi, mả tổ nhà tôi đã được đất táng hay sao, tôi tự nhủ mình:

– Đã vậy phải sống cho thật tử tế đàng hoàng.

Khi về đến nhà, tôi thấy Gia Trân đang khâu đế giày cho tôi, cô ấy trông thấy sắc mặt tôi, tự nhiên giật nảy mình tưởng là tôi bị ốm. Tôi đem những suy nghĩ của tôi nói cho cô ấy biết, cô ấy cũng hết hồn, xanh cả mặt, miệng nói líu nhíu:

– Nguy hiểm thật đấy.

Sau đó lại nghĩ ra, cảm thấy chẳng việc gì phải tự mình doạ nạt mình, tất cả là số phận hết. Thường nghe có câu nói, đại nạn không chết, tất được phúc về sau. Tôi nghĩ nửa đời về sau của mình sẽ phải càng ngày càng tốt chứ nhỉ. Tôi nói điều đó với Gia Trân, Gia Trân dùng răng căn đứt đoạn chỉ đang khâu, nhìn tôi mà nói:

– Em cũng chẳng nghĩ đến phúc phận gì nhiều, chỉ cầu mỗi năm đều có thể khâu cho nhà một đôi giày mới thôi.

Tôi hiểu câu nói của Gia Trân, đàn bà nhà tôi đang cầu mong cho chúng tôi từ nay trở đi không bao giờ phải chia lìa nữa. Nhìn khuôn mặt cô ấy đã già đi rất nhiều, lòng tôi chua xót từng cơn. Gia Trân nói rất đúng, chỉ cần cả nhà ngày nào cũng được ở cùng nhau là đủ, có gì mà phải mong ngóng cái may mắn ở tận đâu đâu.

D.H.

1 Ủy viên trưởng là chức vụ trong Quốc dân Đảng của Tướng Giới Thạch lúc đó.

Comments are closed.