Luật An ninh mạng sẽ giúp củng cố chứng cứ buộc tội tại tòa?

Trần Thành

Trong phiên xét xử phúc thẩm vụ án “Phong trào Chấn hưng nước Việt” tại Tòa án nhân dân cấp cao Hà Nội hôm 10-7, có một tình tiết được viện dẫn cho bào chữa: Bộ Thông tin và Truyền thông không có chức năng giám định về vấn đề An ninh thông tin, mà chỉ có chức năng về An toàn thông tin – Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 17/2017/NĐ-CP (thay thế NĐ 132/2013/NĐ-CP).

Như vậy, phải chăng Luật An ninh mạng sẽ có hiệu lực thi hành vào đầu năm 2019 sẽ giúp khắc phục được thiếu sót nói trên trong tố tụng?

Ảnh minh họa

Trong hai vụ án “Hội Anh em dân chủ” và “Phong trào Chấn hưng nước Việt”, các giám định viên tư tưởng của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng vắng mặt tại phiên sơ thẩm và phúc thẩm, mặc dù đã nhận lệnh triệu tập của tòa án theo đúng trình tự tố tụng.

Các luật sư tham gia trong hai vụ án nói trên, thuật lại rằng những vị giám định viên từ Bộ Thông tin và Truyền thông tuy vô hình, không bao giờ xuất hiện, nhưng lại có sức mạnh vô cùng lớn, khi họ quyết định được tính mạng pháp lý của những người bị cáo buộc, và những quan chức của Bộ Thông tin và Truyền thông đóng vai “giám định viên” đã kết tội hành vi của các bị cáo thay cho các cơ quan tiến hành tố tụng.

Cảnh sát tư tưởng

Trong số phát hành ngày 22-08-2014, tờ StrategyPage đã đăng tải bài viết về chiến dịch “cảnh sát tư tưởng” trên Internet của Bắc Kinh. Theo đó, Chính phủ Trung Quốc bố trí lực lượng nhân viên hùng hậu chuyên chịu trách nhiệm theo dõi và kiểm duyệt các thông tin, nội dung và tài liệu được người dân đăng tải trên Internet, qua đó sẽ ngay lập tức loại bỏ những thông tin được Chính phủ cho là sai lệch, hay tin đồn có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình chính trị cũng như gây bất ổn xã hội trong nước. [https://www.strategypage.com/htmw/htiw/20140822.aspx]

Theo bài báo, vào năm 2013, Bắc Kinh cho hay có đến 2 triệu nhân viên chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động kiểm duyệt Internet. Hoạt động này được gọi là Golden Shield hay còn gọi là “Tường lửa Trung Quốc” (Great Firewall of China).

Trước khi xuất hiện những thông tin tiết lộ về Golden Shield, người ta tin rằng hệ thống này có ít nhất 40.000 nhân viên Bộ Công an quản lý, chuyên để giám sát và kiểm duyệt hoạt động sử dụng Internet của người dân Trung Hoa đại lục. Golden Shield không chỉ “kiềm giữ” tin tức ở lại trong lãnh thổ Trung Quốc mà còn hạn chế lan truyền rất nhiều tin tức gây mâu thuẫn trong chính phủ đến toàn người dân Trung Quốc.

Viện dẫn Nhật Bản, nhưng làm theo… Trung Quốc

Trên trang Dự thảo Online, thuộc Thư viện Quốc hội, Văn phòng Quốc hội cho biết khi ban soạn thảo trình dự luật An ninh mạng, có đính kèm tham khảo “Đạo luật cơ bản về An ninh mạng của Nhật Bản” được dịch sang tiếng Việt [tải về tại http://bit.ly/2zxkU4A]

Tuy nhiên nội dung của Luật An ninh mạng do Bộ Công an chấp bút soạn thảo lại tương đồng với Luật An ninh mạng của Trung Quốc (hiệu lực từ 01-06-2017).

Nếu như “Đạo luật cơ bản về An ninh mạng của Nhật Bản” có khách thể là an ninh trong việc bảo đảm an toàn đối với hệ thống các thông tin, dữ liệu trước những hành vi tấn công có chủ đích của những kẻ xấu, thì Luật An ninh mạng của Việt Nam lại giống như Luật An ninh mạng của Trung Quốc ở chỗ nhắm vào việc kiểm soát các thông tin và dữ liệu đối với các chủ thể là các cá nhân, tổ chức trong mọi tầng lớp xã hội, trong đó bao gồm cả những chủ thể kinh doanh các dịch vụ mạng.

Điểm giống nhau nữa, là Trung Quốc và Việt Nam đều trao quá nhiều quyền hành cho cơ quan cảnh sát, công an: đó là việc Luật An ninh mạng trao toàn quyền chủ động hành động trong các trường hợp mà không có giới hạn dưới hai hình thức – kiểm tra đột xuất hoặc yêu cầu bằng văn bản.

Cơ quan cảnh sát, công an có quyền buộc một công ty kinh doanh mạng phải cung cấp thông tin cá nhân, hoặc dữ liệu người dùng cho lực lượng chuyên trách để xử lý hành vi vi phạm pháp luật, yêu cầu không được cung cấp dịch vụ mạng cho cá nhân, tổ chức mà cơ quan cảnh sát, công an chỉ định – doanh nghiệp phải phản bội lại chính khách hàng của mình mà không cần biết đến quyền và sự tổn hại của họ.

Cơ quan này cũng được phép thay chức năng của toà án để phán xét về nội dung một thông tin nào đó là xấu hay không xấu, trong khi bản chất vấn đề là nội dung thông tin có đúng sự thật hay không, và hơn hết là chúng phải được phán xét thông qua một chu trình thẩm định theo trình tự tố tụng hình sự, hoặc ít nhất là kiện dân sự tại cơ quan tư pháp bằng một phán quyết. Đó cũng chính là câu chuyện của hai vụ án tại Hội Anh em dân chủ, và Phong trào Chấn hưng nước Việt đã nói ở phần trên.

Không có luật định về ‘giám định tư tưởng’

Trên thực tế tới nay trong hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam, không có văn bản nào quy định về ‘giám định tư tưởng’.

Luật Giám định tư pháp 2012, trước đó là Pháp lệnh Giám định tư pháp đều không có bất kỳ điều khoản nào về ‘giám định tư tưởng’. Theo Luật này, thì “Giám định tư pháp” là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này.

Như vậy cho đến nay trong hệ thống đào tạo bậc đại học, sau đại học của Việt Nam không có chuyên ngành liên quan công tác thực hành ‘giám định tư tưởng’, nên trong hệ thống luật pháp chỉ có giám định liên quan về pháp y tâm thần, chứ không có giám định tư tưởng mang tính cáo buộc hình sự như đã xảy ra trong hai vụ án tại Hội Anh em dân chủ, và Phong trào Chấn hưng nước Việt.

Cựu thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao TP.HCM) nhận xét rằng trong giám định tư pháp luôn đòi hỏi nhân sự hoạt động phải là những chuyên gia đầu ngành, giỏi nhất ở các lĩnh vực được trưng cầu giám định. Ngoài khả năng chuyên môn cao, khi nhắc đến họ thì xã hội phải thừa nhận cả uy tín, danh dự của cá nhân họ nữa. Thế nhưng cho tới nay Việt Nam chưa có bất kỳ một giám định viên nào là chuyên gia trong lãnh vực ‘giám định tư tưởng’, thì làm sao có thể đưa ra những kết luận quyết định số phận pháp lý của những người bị cáo buộc?

Luật An ninh mạng đã giao cho các công an, cảnh sát, các điều tra viên quyền được tự mình làm luôn vai trò của ‘giám định tư tưởng’. Đây chính là nguy hiểm của sự độc quyền về một lãnh vực áp đặt ‘tư tưởng chuẩn bị phạm tội’. Đơn cử, ở Bộ Luật Hình sự, Điều 117 “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, có một điều rất vô lý là chỉ cần ‘mới suy nghĩ phạm tội’, đã có thể phải chịu mức án tù từ 1 đến 5 năm.

Lâu nay ở Bộ Công an có Cục An ninh mạng, hay còn gọi là Cục A68, chức năng đấu tranh về an ninh mạng. Với Luật An ninh mạng hiệu lực từ 01-01-2019, Cục A68 được ví như “hổ thêm cánh” trong việc đấu tranh với các thế lực chống lại Đảng và Nhà nước.

Nguồn: http://www.vietnamthoibao.org/2018/07/vntb-luat-ninh-mang-se-giup-cung-co.html

Comments are closed.