Sài Gòn – Những ngày phong thành (41)

Nghe podcasts: F0 TỪ CHỐI XUẤT VIỆN

Vnexpress – 14/8/2021

Khỏi Covid, anh Minh Tiến hai lần từ chối xuất viện để ở lại chăm sóc các bệnh nhân khác vì sợ họ bơ vơ và muốn san sẻ công việc cùng lực lượng y tế.

[Link: https://vnexpress.net/f0-tu-choi-xuat-vien-4340370.html]

 

DIỄN BIẾN BẤT NGỜ – ĐIỀU KHÔNG ĐƯỢC CHỦ QUAN TRONG QUÁ TRÌNH ĐIỀU TRỊ COVID CHO NGƯỜI LỚN TUỔI

FB Nguyen Hung Dang Khoa

“Diễn biến bất ngờ” là hiện tượng các bệnh nhân Covid tưởng chừng như có dấu hiệu hồi phục hay ngưng các triệu chứng nặng thì đột nhiên nó quật 1 phát làm lượng oxy trong máu giảm nhanh đến mức có thể trở tay không kịp.

Con Covid này nó ác thế đấy quý vị ạ.

Mình chưa tìm thấy các chuyên gia y tế hay kênh thông tin của Việt Nam nào mổ xẻ, ghi nhận vấn đề này. Tuy nhiên, “Diễn biến bất ngờ” là có thật và mọi người cần lưu tâm khi chăm sóc người lớn tuổi bị Covid.

Trong những đêm không ngủ canh chăm sóc mẹ, mình đã tìm hiểu rất nhiều về chủ đề điều trị Covid qua những bài viết và báo cáo nước ngoài. Mình cũng hỏi han bạn bè mình tham gia chống dịch hay những người quen có kinh nghiệm chăm sóc người lớn tuổi tại nhà. Mình chợt nhận ra rất nhiều người lớn tuổi gặp “diễn biến bất ngờ” làm trở nặng và thậm chí là dẫn đến nguy kịch.

Rất may là nhờ tìm hiểu chủ đề này trước nên mình đã cứu mẹ thoát được vụ trở nặng do hiện tượng tụt oxy trong máu (Hypoxia) đột ngột gây ra. Cụ thể là mẹ mình luôn bị cơn nhức đầu hành hạ từ khi mắc covid. Các triệu chứng khác đều nhẹ, chỉ có cơn nhức đầu hành liên tục khiến mẹ xuống sức nhanh. Đến sáng ngày thứ 7 hay 8 thì mẹ mình đột nhiên bớt những cơn nhức đầu, cũng như thần thái tươi tỉnh hơn những ngày trước. Đột nhiên chiều hôm đó mẹ mình đi vệ sinh ra thì báo với em gái mình là mẹ thấy mệt. Em gái mình lập tức đo SpO2 (lượng oxy trong máu) thì thấy giảm nhanh xuống mức 81-82. Dù những ngày trước dù mẹ yếu hơn nhưng SpO2 của mẹ luôn ổn định trong tầm >95.

Thế là ngay lập tức mình cho mẹ thở oxy bằng bình oxy còn sót lại của ông già. Nghĩ lại mới thấy lúc đó quá may mắn. Vì đáng lẽ bình oxy đó mình đã trả từ mấy ngày trước, nhưng không hiểu vì lý do gì mà bên cho mượn oxy không sang nhận. Nhờ mớm oxy kịp thời nên SpO2 của mẹ mình lên được 90, có lúc 93-94. Nếu lúc đó không có bình oxy còn sót lại thì có lẽ mẹ mình sẽ trở nặng hay thậm chí là nguy kịch.

Trong buổi tối, đánh giá tình trạng mẹ không ổn, nên nhà mình quyết định chuyển vào viện để nhận được sự chăm sóc y tế tốt hơn. Kết quả vào viện khám thì mẹ bị viêm phổi và rối loạn đông máu. Hiện giờ tình trạng mẹ đã tạm ổn.

Quay trở lại vụ “diễn biến bất ngờ”, không chỉ mẹ mình gặp hiện tượng này. Trước đó, bà của một thằng em mình cũng gặp. Nó kể bà nó tự chữa ở nhà thì sau 1 tuần có dấu hiệu hồi phục tốt. Tuy nhiên, qua ngày hôm sau đột nhiên trở nặng bất ngờ. Chính câu chuyện thằng em khiến mình tìm hiểu về “diễn biến bất ngờ” và không ngờ là nó cũng xảy đến với mẹ mình.

Mình có hỏi những người bạn tham gia chống dịch thì họ cũng nghe nhiều người thân những ca lớn tuổi bị nguy kịch kể câu chuyện giống vậy. Nó đến nhanh quá và nhà không có bình oxy thủ sẵn để mớm thì chỉ sau vài chục phút là trở nặng liền.

Mình tìm thấy các báo lớn của Mỹ hay Ấn Độ họ có ghi nhận và chia sẻ về hiện tượng này. Mình xin trích 1 đoạn trong bài của NYTimes: “Số đông sẽ hồi phục trong khoảng 1 tuần, nhưng sẽ có 1 phần nhỏ rơi vào giai đoạn thứ 2 rất kinh khủng do covid gây ra” – Tiến sĩ Ilan Schwartz, Phó Giáo Sư dịch tễ học ĐH Alberta cho biết. “Lúc này, các triệu chứng do covid gây ra sẽ không nặng thêm mà thậm chí còn có dấu hiệu giảm đi, và rồi cái gọi là diễn biến bất ngờ xảy ra.”

Link bài viết NYT ở đây: https://www.google.com/…/coronavirus-days-5-through-10…

Mình không biết dịch cái cụm “secondary worsening” sao cho chuẩn nên tạm gọi là “Diễn biến bất ngờ”. Vì nó diễn ra bất ngờ và khiến nhiều người trở tay không kịp.

Cũng trong bài báo của NYTimes, diễn biến bất ngờ thường xảy ra trong khoảng ngày 5-10 đối với người lớn tuổi hoặc những người có bệnh nền, béo phì. Người trẻ khoẻ cũng có thể gặp nhưng hiếm hơn và thường diễn ra vào ngày 10-12.

Cần chuẩn bị gì để đối phó với “Diễn biến bất ngờ” ở người lớn tuổi?

– Máy đo SpO2

– Bình oxy dự phòng

Như đã nói, sau khi tìm hiểu về Diễn biến bất ngờ thì mình với em gái thay phiên nhau theo dõi mẹ liên tục. Cứ 1 tiếng là đo lại SpO2 cho mẹ 1 lần. Dù trong 1 tuần trước ngày gặp diễn biến bất ngờ thì SpO2 của mẹ luôn nằm ở mức tốt.

Thế nên mình nghĩ các bạn tự chữa Covid cho người lớn tuổi cũng nên thường xuyên đo SpO2 để phát hiện càng sớm thì sẽ càng ít bị nặng. Nhớ là không đc chủ quan ở giai đoạn người bệnh vừa có tiến triển tốt. Covid nó đánh bất ngờ lắm.

Nếu đc nhà nên trữ sẵn 1 bình oxy hoặc mua luôn máy oxy tập trung nếu có điều kiện. Để chỉ số SpO2 tụt nhanh là mớm oxy kịp thời cho người bệnh liền. Sau đó tuỳ tình hình mà để ở nhà theo dõi tiếp hay đưa vào viện. Hãy tham khảo bác sĩ tư vấn từ xa để biết nên làm gì.

1. Nơi liên hệ mượn bình oxy miễn phí: Trạm Oxi cộng đồng Sài Gòn. Các bạn ở đây luôn trực 24/24 và cung cấp oxy rất nhanh. Kính mong các nhà mạnh thường quân ủng hộ cho đơn vị này để họ có thêm điều kiện cung cấp oxy cứu nhiều người hơn.

2. Cần sự tư vấn của y bác sĩ thì hãy vào nhóm này NHÓM BÁC SĨ HỖ TRỢ TƯ VẤN F1 – F0 ĐANG ĐƯỢC CÁCH LY TẠI NHÀ. Hoặc các bạn có thể liên hệ y tế phường để họ cử bác sĩ hỗ trợ điều trị từ xa.

Ở đây mình chỉ chia sẻ dựa theo kinh nghiệm điều trị mẹ mình và quá trình bản thân tìm hiểu về Covid. Mình không phải là bác sĩ hay chuyên viên y tế. Vấn đề mình nêu ra hy vọng sẽ giúp cho bạn và gia đình chuẩn bị, cũng như biết cách đối phó trong tình huống xấu nhất.

 

KIM DUYT KHOA HC TRONG MÙA DCH VÀ XÃ HI SAU COVID

FB GS Nguyễn Văn Tuấn

Phong toả có hiệu quả không? Câu hỏi đó tưởng chừng đơn giản và thuộc vấn đề khoa học nhưng hoá ra trong mùa dịch này thì nó trở thành gần như là một chủ đề cấm kị. Ai nói khác những phát biểu và chủ trương của các giới chức y tế là có thể bị ảnh hưởng đến sự nghiệp. Chưa bao giờ tôi chứng kiến sự kiểm duyệt (và tự kiểm duyệt) trong khoa học ghê gớm như ngày hôm nay.

1. Người của Hội và cá nhân

Hôm qua tôi xem một video clip về buổi phỏng vấn một giáo sư dịch tễ học đã nghỉ hưu và một bác sĩ đại diện cho hiệp hội AHPRA. Chủ đề phỏng vấn xoay quanh câu hỏi phong toả (lockdown) có hiệu quả giảm dịch hay không và có nên mở cửa trường học. Ông giáo sư trả lời dứt khoát là nên mở cửa trường học, và ông lí giải rằng phong toả lâu dài không có hiệu quả. Nhưng những gì xảy ra vài phút sau đó mới thú vị.

Khi bà bác sĩ được hỏi, bà thoạt đầu đồng ý với ông giáo sư, nhưng ngay sau đó bà … đổi ý. Phóng viên ngạc nhiên hỏi tại sao, thì bà trả lời là bà đại diện cho AHPRA nên bà phải nói theo quan điểm của Hội, không được nói khác đi. Quan điểm của Hội là phong toả có hiệu quả và không nên mở cửa trường học vào lúc này. Tuy nhiên, cách trả lời ngập ngừng và quanh co của bà, khán giả dễ dàng thấy bà có vẻ không tin vào những gì bà nói. Khi được hỏi thêm, bà rút tờ giấy trong cặp táp ra nói đây là tuyên bố của AHPRA và bà đọc tuyên bố đó!

Ông giáo sư nhìn bà đồng nghiệp với vẻ ngạc nhiên, nhưng lịch sự không nói gì. Đến gần cuối phỏng vấn, phóng viên hỏi rằng từ đầu đến giờ bà nói theo Hội, vậy bà có quan điểm cá nhân không; bà trả lời là có và chỉ trả lời khi ống kính thu hình được tắt đi. Ống kính tắt và cuộc phỏng vấn hoàn tất. Tôi không biết sau đó bà nói gì, chỉ có thể đoán rằng sau khi ống kính thì bà được nói ra quan điểm cá nhân, tức là đồng ý với ông giáo sư kia.

Các bác sĩ có chánh kiến hay chất vấn chánh sách vaccine đều không dám lên tiếng vì sợ bị hiệp hội y khoa kỉ luật. Giới khoa học cũng im lặng trong bất bình, vì họ sợ ảnh hưởng đến tài trợ và sự nghiệp. Nhìn đồng nghiệp bị ‘xâu xé’ mà họ cũng im lặng. Nhìn hàng trăm đồng nghiệp bị mất việc trong mùa dịch mà chẳng ai dám lên tiếng, vì sợ họ sẽ bị ảnh hưởng. Tình huống có vẻ giống các nước XHCN ngày xưa. Trí thức hèn cũng hiện diện ngay trong các đại học phương Tây.

2. Đồng thuận bất thường

Câu chuyện làm tôi liên tưởng đến sự kiểm duyệt trong khoa học trong mùa dịch này. Trong mùa dịch này có nhiều vấn đề nói theo cách nói ở Việt Nam ngày nay là ‘nhạy cảm’, thậm chí ‘cấm kị’. Đó là vấn đề lockdown / phong toả, vấn đề khẩu trang, là chánh sách tiêm chủng vaccine, là thuốc Hydroxychloroquine và Ivermectin, v.v.

Có thể nói rằng tất cả (xin nhấn mạnh: tất cả) các tập san y khoa và khoa học đều chỉ nói 1 tiếng nói. Tiếng nói đó là phong toả có hiệu quả tốt, khẩu trang có hiệu quả tốt, tiêm chủng vaccine là cần thiết, thuốc Hydroxychloroquine và Ivermectin là không có hiệu quả, v.v. Không có tiếng nói gọi là ‘phản biện’.

Sự ‘đồng thuận’ đó làm cho người ngoài y khoa và khoa học yên lòng. Yên lòng là vì các chuyên gia đều đồng ý (hay ‘nhứt trí’). Nhưng đối với người trong cuộc (y khoa) thì cảm thấy có cái gì đó … bất bình thường.

Trong thế giới y khoa và nghiên cứu khoa học, không bao giờ có chuyện đồng ý kết quả các nghiên cứu đều nhứt quán 100%, không bao giờ có chuyện các chuyên gia đồng thuận 100%, không bao giờ chỉ có 1 quan điểm và 1 tiếng nói. Lúc nào trên các tập san y khoa và khoa học đều có những quan điểm khác nhau trước đa số các vấn đề. Do đó, họ thường có những bài xã luận cho một bên là ủng hộ và một bên biện luận chống lại một quan điểm chuyên môn nào đó. Thế nhưng cuộc bầu cử Trump đến dịch Vũ Hán đã làm thay đổi tất cả những nghị luận dân chủ và văn minh đó. Hoàn toàn không có tranh biện.

Đó là một điều bất thường. Thật ra, phải nói là quá bất thường.

3. Chánh trị hoá khoa học

Chuyện gì đã xảy ra? Tôi đã từng trải nghiệm về sự kiểm duyệt và tự kiểm duyệt trong khoa học, nên có thể chia xẻ vài câu chuyện đằng sau sự bất bình thường đó.

Trong vai trò một Academic Editor (biên tập học thuật) cho một tập san lớn thuộc tập đoàn Nature, tôi được giao phụ trách các nghiên cứu về chuyên ngành xương, dịch tễ học, di truyền học, nhưng trong mùa dịch vì có quá nhiều nghiên cứu về Covid, nên tôi còn được giao phụ trách những nghiên cứu liên quan đến Covid, nhứt là nghiên cứu dịch tễ học. Những nghiên cứu này thường là nghiên cứu quan sát, nghiên cứu mô phỏng (simulation), nhưng cũng có thử nghiệm lâm sàng, về lockdown, khẩu trang, thuốc điều trị, và những bài ‘debate’. Nhìn lại tôi mới thấy tất cả 5 bài tôi phụ trách về lockdown đều bị từ chối ngoài ý muốn và không vì lí do khoa học.

Tôi nhớ hoài 2 nghiên cứu, một từ Ấn Độ và một từ Thuỵ Điển. Cả hai nghiên cứu đó đều là mô phỏng, sử dụng nhiều mô hình toán kèm theo y khoa và dịch tễ học, được làm rất rất bài bản. Cả hai nghiên cứu đều kết luận rằng lockdown không có hiệu quả, và cả hai đều bị từ chối công bố.

Nghiên cứu từ Ấn Độ chỉ có 1 tác giả từ một viện nghiên cứu nổi tiếng bên đó. Bài báo dài hơn 30 trang (kể cả phần phụ chương) rất phức tạp về toán. Bài báo có nội dung phê bình chánh sách lockdown của các giới chức y tế Ấn Độ và chứng minh rằng lockdown gây ra nhiều tác hại hơn là kiểm soát dịch. Vì tính phức tạp của nghiên cứu, tôi phải rất khó khăn mới mời được các chuyên gia bình duyệt từ các đại học lừng danh như Imperial College, UCL, Oxford, UCLA, Harvard, Stanford, v.v.

Trong số 5 chuyên gia bình duyệt đọc và cho ý kiến, 4 người khen và đề nghị xuất bản sau khi chỉnh sửa gần 10 trang, còn 1 người từ Anh đề nghị từ chối. Tôi quyết định chấp nhận.

Nhưng người có tiếng nói sau cùng là Editor-in-Chief (EiC, tổng biên tập) chớ không phải tôi. Thường (99%) thì EiC theo quyết định của Academic Editor, nhưng trong trường hợp Covid thì … rất cẩn thận. Ông EiC xem quyết định và bình luận của tôi, và ông không đồng ý. Ông viết thư riêng cho tôi nói đại khái là "Nếu anh và tôi quyết định chấp nhận bài này, thì ngày mai CNN và New York Times sẽ hỏi thăm chúng ta. Tôi không muốn việc đó xảy ra." bàn qua, bàn lại thì chúng tôi đi đến quyết định từ chối bài báo.

Nhưng tác giả là người nổi tiếng và khó tánh. Ông viết lại cho tôi rằng tại sao các chuyên gia bình duyệt (ngoại trừ 1) đều có nhận xét ‘positive’ và ông cũng đã trả lời thoả đáng các nhận xét của họ, vậy tại sao tôi từ chối. Phải nói là tôi không có lí do từ chối. Tôi chuyển lá thư cho sếp EiC đọc, và sếp làm theo đúng qui trình: phải họp ban biên tập lại để bàn tiếp. Phải 2 tuần sau mới họp online, và kết luận vẫn là từ chối. Lí do từ chối không phải là khoa học, mà là … chánh sách. Nói cụ thể là chánh trị. Bởi vì bài báo phê bình chánh phủ Ấn Độ, phê bình lockdown trong khi đa số tiếng nói đều ủng bộ lockdown. Nguy hiểm quá. Các tập san khoa học rất ngại dính dáng vào chánh trị.

Là người trực tiếp phụ trách và liên lạc với tác giả, nên tôi hỏi ban biên tập là tôi sẽ trả lời sao cho tác giả? Họ nói trả lời là cứ viết rằng "bài báo không thuộc diện ưu tiên". Vậy là tôi trả lời tác giả y như lời khuyên. Nhưng tác giả lại không đồng ý, vì ông ta nói rằng nghiên cứu Covid là ưu tiên, rõ ràng như tập san đề ra. Thiệt là khó khăn. Tôi định bỏ cuộc và giao cho một Academic Editor khác, nhưng hình như chẳng ai chịu nhận cái ‘của nợ’ này.

Phải qua lại cả 3 email giữa tôi, sếp EiC và tác giả, thì sự việc mới ổn. Đó là một trải nghiệm khó quên trong vai trò Academic Editor, nhưng sự việc làm cho tôi hiểu rõ hơn về sự chánh trị hoá và kiểm duyệt khoa học trong mùa dịch này.

4. Tiên lượng và sai lầm

Một bài báo khác từ một nhóm bên Thuỵ Điển. Dạo đó (năm ngoái) khi nhóm Imperial College bên Anh công bố mô hình tiên lượng rất đình đám về tác động của dịch Vũ Hán ở Anh. Bài báo do chuyên gia dịch tễ học và toán Neil Furguon đứng đầu dự báo rằng dịch Vũ Hán sẽ gây ra 500,000 cái chết nếu Chánh phủ Anh không có hành động. Chánh phủ Anh lập tức ra chánh sách hạn chế đi lại, giãn cách xã hội, và lockdown.

Sau khi bài báo của Ferguson được công bố trên Nature vài tháng thì tập san tôi phụ trách nhận được một bài báo từ Thuỵ Điển. (Nên nhớ rằng Thuỵ Điển không có chánh sách lockdown). Bài báo này đã bị Nature từ chối, nên họ nộp cho tập san chúng tôi xem xét. Nội dung bài báo chỉ ra những sai sót trong mô hình của Ferguson (kể cả vấn đề coding mà tôi không cách nào hiểu hết, vì có đến 15000 dòng codes), còn chi tiết thống kê học đằng sau thì khá phức tạp nhưng có thể hiểu được.

Tôi cũng phải vất vả lắm mới mời được 3 chuyên gia bình duyệt, kể cả tác giả mô hình Ferguson. Khỏi nói thì ai cũng biết là tác giả của mô hình Ferguson đề nghị không công bố bài báo. Còn 2 chuyên gia kia thì gật đầu, thậm chí khen lí giải của nhóm Thuỵ Điển là ‘outstanding’ (xuất sắc). Tôi phải liên lạc với nhóm Ferguson và báo rằng chúng tôi sẽ chấp nhận cho công bố bài này, và đề nghị họ viết một commentary (bình luận) cho công bằng. Nhóm Ferguson đồng ý viết bài commentary. Thế nhưng sau đó thì chẳng hiểu sao họ từ chối, họ nói rằng đã chỉnh sửa lại mô hình rồi, nên không cần bình luận nữa, và họ vẫn kết luận rằng lockdown có hiệu quả tốt.

Tôi lại phải cầu cứu sếp tổng biên tập (EiC). Sếp cân nhắc cả tuần rồi khuyên tôi là từ chối bài báo. Ông không nói gì về cái khoa học đằng sau của bài báo, mà chỉ nói rằng trong thời điểm hiện tại mà công bố một bài đi ngược lại quan điểm lockdown thì đó không phải là "good idea". Tôi viết thư riêng cho tác giả nói rằng chúng tôi không thể công bố bài của họ, vì tình thế chưa cho phép.

Lại gặp nhóm tác giả khó tánh. Họ hỏi tôi ‘tình thế chưa cho phép’ có nghĩa là gì. Tôi giải thích rằng thứ nhứt nhóm Ferguson đã chỉnh sửa mô hình; thứ hai chánh sách lockdown cũng có hiệu quả; và thứ ba là lí luận của họ chỉ dựa trên toán mà không có chứng cớ thực tế. Họ không đồng ý với 2 lí do trước, nhưng đồng ý với lí do 3. Qua lại cả tháng trời, thì cuối cùng họ chấp nhận quyết định của chúng tôi.

Bây giờ thì chúng ta biết rằng mô hình Ferguson đã quá sai lầm. Sai nghiêm trọng. Rồi chính ông vi phạm qui định lúc lockdown, Ferguson từ chức vai trò cố vấn cho Chánh phủ Anh. Ông nổi tiếng khắp thế giới là "Giáo sư Lockdown".

5. Nghiên cứu DENMASK

Do đó, kiểm duyệt và tự kiểm duyệt khoa học trong mùa dịch là có thật. Tôi nghĩ các tập san khác cũng vậy, chớ chẳng riêng gì tập san này.

Một nghiên cứu khác có tên là DENMASK cũng lâm vào tình trạng bị kiểm duyệt. Nghiên cứu DENMASK là một thử nghiệm lâm sàng (RCT) do một nhóm bên Đan Mạch thực hiện trên 6000 người (rất qui mô), và kết quả cho thấy khẩu trang không có hiệu quả tốt giảm lây nhiễm. Tỉ lệ lây nhiễm ở nhóm đeo khẩu trang là 1.8% so với nhóm không đeo là 2.1%, và sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê.

Nhóm nghiên cứu nghĩ rằng kết quả của họ có ý nghĩa quan trọng đến y tế công cộng, nên họ gởi cho các tập san hàng đầu (tôi đoán là New England Journal of Medicine, Lancet, JAMA). Thế nhưng tất cả đều từ chối. Tác giả cho biết là ban biên tập không đưa ra một lí do khoa học nào cả; họ chỉ đơn giản … từ chối.

Cuối cùng thì nhóm tác giả cũng tìm một ‘nhà’ cho nghiên cứu: tập san Ann Int Med [1]. Bài báo sau khi công bố gây ra rất nhiều tranh cãi. Người thì ủng hộ kết luận, người thì chê rằng tác giả đã diễn giải sai dữ liệu, kẻ tấn công cá nhân. Riêng tôi cũng viết một commentary post lên tập san Ann Int Med đề nghị một cách diễn giải khác, và tác giả cũng có trả lời một cách lịch sự nhưng không thuyết phục.

Nhưng bài báo đó không chỉ bị kiểm duyệt bởi tập san y khoa mà còn bị kiểm duyệt bởi … facebook! Câu chuyện là giáo sư Carl Heneghan và Ts Tom Jefferson viết một cái note với tựa đề "Landmark Danish Study Shows Face Masks Have No Significant Effect" (Nghiên cứu quan trọng từ Đan Mạch cho thấy khẩu trang không có hiệu quả đáng kể). Nhưng facebook có lẽ qua thuật toán AI hay gì đó xếp cái note này vào loại "tin giả" (false information)!

Heneghan và Jefferson nổi nóng. Họ đặt vấn đề là làm sao FB có thể biết đó là thông tin giả hay thật, nhứt là họ là người trong cuộc. Thông tin của họ là hoàn toàn thật từ nghiên cứu đã được công bố. Vụ việc đặt ra vấn đề về tự do học thuật (academic freedom) và tự do ngôn luận (freedom of speech) đã bị các công ti như FB kiểm duyệt một cách vô cớ.

Tiếng nói khoa học không chỉ bị đồng nghiệp [trong các hiệp hội] khống chế, mà còn bị cả các tập đoàn ngoài khoa học không cho lên tiếng. Khoa học mà không có tranh biện và không có thảo luận, thì đó là giáo điều chớ không phải là khoa học nữa. Rất tiếc đó là điều đang xảy ra.

Người ta hay nói thế giới sẽ thay đổi vĩnh viễn sau dịch Covid. Thật ra, thế giới đã và đang thay đổi trong mọi phương diện. Từ quan hệ giữa người với người, chánh trị, xã hội, đến khoa học, chúng ta đã chứng kiến những biến đổi theo chiều hướng xấu hơn. Con người dần dần mất đi lòng vị tha; chánh phủ đã và đang trở thành độc đoán hơn, thậm chí Stalinist hơn; công dân sẽ sợ hãi Nhà nước hơn và ‘ngoan ngoãn’ hơn; quyền tự do truyền thống sẽ bị hạn chế nghiêm trọng; xã hội có vẻ thành cái viễn cảnh mà văn hào George Orwell cảnh báo trong tác phẩm "1984"; và quan trọng nhứt là khoa học đang mất đi sự khách quan. Một viễn cảnh như vậy không phải quá xa đâu, mà đang thành hiện thực ngay tại các nước phương Tây.

____

[1] https://www.acpjournals.org/doi/10.7326/m20-6817

 

PHÁT HIỆN XE TẢI VẬN CHUYỂN 46 THI HÀI TỪ TP HCM VỀ BẾN TRE HỎA TÁNG

Người Lao động, ngày 16/8/2021

(NLĐO) – Một tài xế chở nhiều lần với 46 thi hài từ TP HCM về Bến Tre để hỏa táng đã bị công an phát hiện. Trong số này có đến 41 thi hài tử vong do Covid-19.

Tối 16-8, Công an tỉnh Bến Tre xác nhận Công an TP Bến Tre đang điều tra xử lý về hành vi vi phạm kiểm soát lây lan dịch bệnh Covid-19 đối với tài xế Lê Phúc Hậu (SN 1992; ngụ tại huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long).

Theo thông tin ban đầu, ngày 16-8, cơ sở hỏa táng Phúc Lạc Viên (xã Phú Hưng, TP Bến Tre) báo với Công an xã Phú Hưng về việc tiếp nhận 46 thi hài từ TP HCM đưa đến cơ sở để hợp đồng hỏa thiêu. Người chở thi hài là tài xế Lê Phúc Hậu, lái xe tải biển kiểm soát 64C – 077.84.

Trước đó, vào sáng 15-8, Hậu lái xe tải nói trên chở 18 thi hài từ TP HCM tới hỏa táng (chưa có hợp đồng trước với cơ sở). Những thi hài này có nhiều địa chỉ khác nhau tại TP HCM, trong đó có 13 trường hợp tử vong do Covid-19. Hậu cho biết đã tới 2 cơ sở hỏa táng ở Long An và Tiền Giang nhưng đã quá tải.

Chiều 15-8, Hậu chở thêm 10 thi hài nữa đến đây. Sáng 16-8, Hậu tiếp tục chở thêm 18 thi hài. Công an xác định có tổng cộng 46 thi hài, trong đó 41 chết do mắc Covid-19. Cơ sở đã hỏa táng được 18 thi hài.

M. SƠN

 

TẠI SAO CÓ "LÀN SÓNG" MUỐN RỜI SG LẦN 2?

FB Quách Hạo Nhiên

1. Nguyên nhân:

1.1 Các gói cứu trợ chưa mang lại hiệu quả thực chất: hoặc không đủ, hoặc không đến kịp tay người dân do sự máy móc của chính quyền cơ sở (bắt dân phải kê khai, có xác nhận của địa phương nơi thường trú…)

1.2 Tâm lý bất ổn của người dân khi nhìn về tương lai trong bối cảnh "các gói giãn cách liên tục được gia hạn"…

2. Giải pháp nào?

2.1. Tiền, tiền và tiền. Đây là yếu tố quan trọng nhất để ổn định đời sống vật chất cho người dân. Vì vậy, phải phát tiền cho dân càng nhanh càng tốt. Ngoài ra, là miễn tiền điện nước, giảm lãi suất nợ vay ngân hàng, vận động các chủ nhà trọ miễn giảm cho các đối tượng là công nhân và lao động tự do…

Và để tránh cách làm ngu dốt máy móc, việc phát tiền nên giao cho lực lượng CA trực tiếp làm. Thời gian qua CA đã thu thập dữ liệu dân cư qua việc làm CCCD lên đến 70%. Nên việc phát tiền này chỉ cần ghi lại số CM hoặc CCCD, cần thiết chụp hình người dân lúc phát tiền hoặc chuyển khoản cho họ là xong.

2.2 Việc phân phối hàng hoá thiết yếu đến từng k/v phong toả phải thường xuyên và kịp thời. Mỗi phường xã đều có các tổ khu phố. Việc phân phối hàng hoá nên tập trung ở các đầu mối để người dân dễ dàng tiếp cận…

Ngoài ra, chính quyền phải tạo đk tốt nhất để các tổ chức từ thiện và tình nguyện viên cùng chung tay.

Thực tế cho thấy, thời gian qua nếu không có các tổ chức thiện nguyện thì người dân có lẽ đã không cầm cự đến bây giờ mà có khi đã "phá rào" thậm chí nổi loạn.

Bởi NN dù cho có chu đáo đến mấy thì cũng kg thể bao quát hết. Đó cũng là lý do các quốc gia văn minh họ xây dựng hành lang pháp lý để các tổ chức XH dân sự ra đời và hoạt động.

2.3 Để ổn định tâm lý của người dân nên thay đổi cách tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông. Theo đó:

– Không nên chỉ nói 1 chiều hay thổi phồng về những điều tốt đẹp mà cần thông tin thật cho dân biết sự phức tạp và đau đớn về những thương vong để họ biết sợ mà không ra đường khi không thật cần thiết.

– Người đứng đầu chính quyền (Chủ tịch tỉnh, TP) nên xuất hiện trên TV thường xuyên để trấn an dân (nói cụ thể về chính sách hỗ trợ, an sinh cũng như kế hoạch, phương án phòng chống dịch). Ngôn ngữ nên bớt các khẩu hiệu sặc mùi chiến tranh đánh đấm (chống giặc, chiến dịch, tấn công, phòng thủ, bịt kín, hai mũi giáp công…) mà nên chân thành, giản dị.

– Song song đó là chuyên gia về y khoa, tâm lý (Bác sĩ, chuyên gia dịch tễ, tâm lý nổi tiếng, uy tín) nói với dân về cách phòng tránh để người dân hiểu rõ hơn những khó khăn mà họ đang gặp phải; cách thức để họ vượt qua, thay vì sống trong sợ hãi.

– Người dân ở mãi một chỗ nên bứt rứt vì vậy rất cần sự động viên về tinh thần. Muốn họ hợp tác thì cách ứng xử nói năng của lực lượng thực thi công vụ nhất là CA, dân phòng ở các chốt phong toả phải lịch sự, tế nhị, tôn trọng…

Thực tế, chính cách ăn nói kiểu nạt ngang hay cố tình hạch sách, làm khó dân (cho mình cái quyền ban phát rất trịch thượng và vô cảm) của lực lượng chấp pháp là nguyên nhân đưa đến sự cãi vã, đôi co thậm chí bất hợp tác từ phía người dân.

 

CHO CON VỀ LÁNH NẠN MẸ ƠI

FB Nồng Nàn Phố

Xin lỗi vì ngày trở về con vẫn trắng hai tay

Bao năm lang bạt xứ người chẳng có gì mang về làm quà cho mẹ

Chạy trốn khỏi thị thành phồn hoa với hai mắt đẫm lệ

Con khóc cho con và thương xót cho tất thảy mọi người

Ngày về của con không làm mẹ hãnh diện được trời ơi

Thằng bất hiếu chẳng có gì ngoài hành trang ngày đi mẹ xếp

Đừng đau lòng nếu thấy con gầy gò mỏi mệt

Nắng sạm da mưa nhếch nhác đường dài

Con về nhà lúc này là đúng hay sai

Phận người đớn đau phân bua sao trước miệng đời ác nghiệt

Kẻ ra đi nào mà chẳng mong ngày về vui cười như Tết

Làng xóm đợi trước sân như thể con cháu ruột rà

Kiếp làm thuê còng lưng nơi phương xa

Dành dụm từng đồng gửi về lo cho gia đình no ấm

Bát mì tôm sau giờ tăng ca chát mặn

Nuốt cho đỡ cơn thương nhớ quê nhà!

Giờ tới đường cùng khi dịch bệnh đi qua

Căn nhà trọ mấy mét vuông không đủ tiền trang trải

Quê mình mênh mông núi đồi xin cho con trú lại

Tạm lánh qua tai ương… sống sót làm người

Dắt díu nhau trở về trong lúc nước sôi lửa bỏng mẹ ơi

Đứt lòng tính suy mấy đêm mất ăn mất ngủ

Chỉ lo mở mắt ra gặp chuyện dữ

Hai tay trắng làm sao xoay xở trước đời

Cho chúng con về lánh nạn với mẹ ơi!

P/s: thương

Xin các bạn góp thêm một tiếng nói để các tỉnh thành đón những người con trở về…

Dịch bệnh đồng hương máu mủ còn chối từ thì đau đớn lắm ạ!

Xin được nhường vacxin cho các khu công nghiệp nơi mà có hàng ngàn số phận xa xứ mưu sinh. Các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương đang khốn đốn lắm ạ.

PHÚT XAO LÒNG

FB Xuân Sơn Võ

Những ngày này, đọc những thông tin thật của người trong cuộc, mà nếu không vững tâm, sẽ rất dễ bị suy sụp. Phải nói rằng, rất nhiều những thông tin đó làm cho chúng ta cảm thấy bế tắc.

Có thể nói, cái thiếu nhất của hầu hết các quyết định của các cấp chính quyền trong việc chống dịch là tính vì dân, cho dù tất cả các quyết định của họ đều nhân danh do dân, vì dân. Hầu như tất cả các quyết định đều chỉ nhằm thỏa mãn cái mong ước duy ý chí là làm cho số nhiễm không tăng. Còn người dân sống ra sao, sống bằng cái gì, có được cứu chữa hay không… có vẻ như không quan trọng lắm.

Những câu nói kiểu như ăn cháo nửa tháng không chết, nghe là thấy rõ sự vô cảm. Người ta ăn cháo cả mấy tháng rồi, và bây giờ cháo cũng không có mà ăn. Vậy mà họ xua cả một lũ đi tấn công những ai nói khác họ. Đang lúc dịch thế này, ai mà muốn xông pha ra đường để đi về quê đâu. Họ ra đi chỉ vì họ không còn có thể sống được ở cái nơi mà họ không có cách gì kiếm ăn, không có cái gì để sống.

Trong khi đó thì một ông bí thư thành ủy rất xông xáo, nhân văn, giải quyết công việc khá là có tình có lí. Nghe rất trái ngược với những gì đang diễn ra. Thực ra thì một mình ông không thể xoay chuyển được tình thế. Điều đó cần một bộ máy. Nhưng mà bộ máy này đã quen chạy theo kiểu của nó, tức là cái kiểu không có người dân trong đó, không có lợi ích của người dân trong đó, cái kiểu mà những gì nhân văn đều bị coi là phản động.

Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ nhìn vào những cái tiêu cực, vào sự bất lực của bộ máy, vào sự dốt nát và máy móc của đội ngũ thừa hành, thì sẽ thấy bầu trời toàn là xám xịt. Thực ra mà nói, trong cái bộ máy có thể nói là đã hư hỏng nhiều, vẫn còn những nhân tố tích cực. Bên cạnh những ông tổ trưởng, bà chủ tịch Phường, cô Phụ nữ, anh Thanh niên… hống hách, ra oai khi được giao quyền, vẫn có những người đang hết tâm hết sức, vừa lo cho dân, vừa lo đối phó với những nhát đâm từ sau lưng của các đồng liêu.

Với một bộ máy có nhiều khuyết tật như vậy, thì dù cho có nỗ lực của những người thực sự do dân, vì dân, thì hiệu quả công việc của bộ máy ấy rất hạn chế. Người dân vẫn cứ phải bảo bọc nhau, lo cho nhau. Trong nhiều trường hợp, bộ máy nhà nước với những qui định chồng chéo, không rõ ràng, và đội ngũ thừa hành “thiên lôi”, chỉ biết mỗi việc sai đâu đánh đó, chính là lực cản lớn nhất không cho người dân giúp nhau.

Nhưng thực ra thì nếu chúng ta đặt quyền lợi của người dân lên trên, chúng ta sẽ tìm ra cách để luồn lách, để có thể giúp được nhau. Trong đó, đôi khi sự “lơ đi” của những người trong bộ máy quản lí đối với những qui định phi nhân, những yêu cầu hại dân, lại tạo điều kiện cho dân giúp nhau tốt hơn.

CHỦ NHÀ TRỌ

FB Nguyễn Đức Hiển

Ba mẹ con bạn ấy sắp bị đuổi vì thiếu tiền nhà đã mấy tháng. Quỳ lạy, chủ trọ nói thôi dọn đồ đi giùm, qua ở ké ai cũng được. Coi như mấy tháng tiền trọ còn thiếu, chừng nào có thì quay lại trả. Mà không trả thì tôi chịu mất.

Cũng ông chủ trọ ấy mấy ngày trước còn cho ba mẹ con mấy ký gạo với chai nước tương, cho thêm con bé út hộp khô gà.

Tui không làm từ thiện. Ở thì phải trả tiền. Không thì tui xoá vân tay ổ khoá và cắt điện.

Đây là hai trong rất rất nhiều trường hợp mà tôi biết. Còn xóm trọ bên nhà tôi thì chủ trọ đã không thu được đồng nào 4 tháng nay rồi. Hai tháng 5, 6 chỉ thu được tiền điện nước, còn giờ thì đang "đài thọ" cho cả dãy trọ.

Tâm sự chủ trọ:

– Em mướn đất người ta 5 năm, trả tiền một lần, cầm đất ông bà già ở quê cho ngân hàng vay tiền xây dãy trọ 20 phòng. Em cũng ở một phòng trong dãy, bán lặt vặt ba cái tạp hoá. Cuối tháng công nhân trả tiền trọ với tiền mua thiếu tạp hoá, vừa đủ sống và gom trả lại ngân hàng. Giờ mới được ba năm mà có đứa nó thiếu cả 4 tháng tiền thuê trọ với mấy triệu tiền tạp hoá. Tụi nó nợ lên mấy trăm triệu rồi, tiền lãi ngân hàng thì phải trả mà tiền tụi nó nợ đòi không được. Giờ em biết làm sao?

Chuyện này xảy ra nhiều ở Vĩnh Lộc AB, Tân Tạo AB; Bà Điểm, Lê Minh Xuân, Bình Hưng, Bình Trị Đông…

Nhiều chủ nhà trọ cũng chạy ngược chạy xuôi xin quà cứu trợ cho người thuê, cũng chia sẻ ngặt nghèo. Nhưng giờ họ đuối. Họ khổ đâu thua gì người đang thiếu tiền trọ.

Nhiều người lên án các chủ trọ. Nhưng thời buổi khó khăn này, họ cũng khổ. Trừ người có đất rộng và tiền nhàn rỗi nên xây cho thuê thì nhiều "ông chủ trọ" cũng cay đắng lắm.

Bữa đầu anh em trong xóm phát hiện ra có ông chủ trọ xin cứu trợ cho xóm trọ của mình, còn trách. Sau này có những khu trọ, hễ cứu trợ công nhân thì cứu trợ luôn… ông chủ như vừa nêu.

 

BÍ THƯ TP.HCM: GIÚP ĐỠ NGƯỜI DÂN VÔ ĐIỀU KIỆN

Thu Hằng – Zing, 16/8/2021

[…]

"Không để ai bị thiếu đói"

Để giải quyết tình trạng người dân về quê tự phát, chiều 15/8, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng các lãnh đạo thành phố đã có cuộc hội ý nhằm đưa ra phương án để người dân yên tâm “ai ở đâu thì ở đó”.

Qua báo cáo ban đầu từ quận/huyện/thành phố Thủ Đức, Bí thư Nên cho biết người mong muốn về quê thuộc 2 nhóm: Người dân gặp khó khăn do giãn cách kéo dài và người không thật sự gặp khó khăn nhưng mong muốn về quê. Ông bày tỏ sự thông cảm với tâm lý này.

Thường trực Thành ủy TP.HCM đã yêu cầu các địa phương thuộc TP khẩn trương rà soát lại những trường hợp khó khăn để nhận gói hỗ trợ an sinh xã hội trong tháng 8 và tháng 9, đảm bảo “không để ai bị thiếu đói”. Trước mắt, nếu ai thật sự gặp khó khăn do kéo dài thời gian giãn cách như thiếu tiền nhà trọ, thiếu lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu, thành phố sẽ hỗ trợ ngay.

Với nhóm không quá khó khăn nhưng có nguyện vọng về quê, địa phương cần chia sẻ để người dân hiểu và yên tâm ở lại thành phố.

Trong trường hợp người dân vẫn muốn về quê, thành phố duy trì chủ trương cho đăng ký nguyện vọng, thành phố tổ chức tiêm vaccine rồi liên lạc với các tỉnh, thành phố để hỗ trợ tổ chức đưa đón.

Lực lượng chức năng lắng nghe và thuyết phục người dân trở về nơi cư trú. Ảnh: Chí Hùng.

clip_image002

Lực lượng chức năng lắng nghe và thuyết phục người dân trở về nơi cư trú. Ảnh: Chí Hùng.

[…]

Bí thư TP.HCM cũng cho biết thời gian qua, ông vẫn nhận được phản ánh về tình trạng một số nơi yêu cầu người nhận hỗ trợ phải có hộ khẩu. Ngay khi nhận những phản ánh này, ông đã lập tức trao đổi với các quận/huyện để đảm bảo hiểu đúng, thực hiện đúng chủ trương của thành phố.

Bí thư nhìn nhận việc hỗ trợ “không phân biệt” khó tránh khỏi nguy cơ có đối tượng lợi dụng để trục lợi. Để không xảy ra tình trạng này, các quận/huyện có trách nhiệm rà soát, thống kê kỹ lưỡng, không để bị lợi dụng, nhưng cũng không bỏ sót bất kỳ trường hợp khó khăn nào.

“Tuyệt đối không bỏ dân”

Ngay khi tiếp nhận thông tin về việc hàng nghìn người tổ chức về quê tự phát, Bí thư Quận ủy quận Bình Tân Lê Văn Thinh đã có mặt tại chốt nơi người dân tập trung để nắm tình hình, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Khảo sát nhanh một số người dân, ông Thinh ghi nhận ngoài vấn đề về tiền, nhu cầu sống, lương thực, thực phẩm, nhiều người lo lắng về sức khỏe, tính mạng. Thêm vào đó, thời điểm khó khăn, họ đơn giản chỉ là muốn hướng về quê nhà.

“Tôi hỏi người dân rằng đi lên đây thế này có biết là vi phạm Chỉ thị 16 của Thủ tướng không. Họ nói biết. Nhưng nếu ở lại đây thì không biết sống bằng gì. Khi nắm được tâm tư của bà con, mình nói bà con về chỗ trọ. Địa phương sẽ vận động chủ trọ miễn, giảm tiền cho bà con. Nếu khó khăn nữa thì địa phương sẽ tìm nguồn hỗ trợ”, Bí thư Bình Tân nêu giải pháp.

Trường hợp đã trả phòng, không thể về chỗ trọ, ông Thinh cho biết quận bố trí cho người dân tá túc tạm tại những khu cách ly còn trống, sau đó tìm cách để giải quyết, “tuyệt đối không bỏ dân”.

Bí thư Lê Văn Thinh chia sẻ thời gian qua, quận đã phối hợp với Sở Lao động, Thương binh, Xã hội và triển khai 2 gói hỗ trợ cho người dân. Một số lao động tự do mất việc nhưng không thuộc diện được thành phố hỗ trợ 2 đợt đầu cũng được quận lên danh sách để gửi Sở làm đề xuất cho gói hỗ trợ thứ 3.

Ngoài nguồn này, quận vận động được khoảng 80 tỷ đồng thông qua Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể… “Quận huy động mọi nguồn để người dân khó khăn không được hưởng gói này thì hưởng gói khác, cố gắng không để người dân thiếu ăn, thiếu đói”, Bí thư Thinh chia sẻ.

Hiện, quận Bình Tân ghi nhận một số lao động có hợp đồng, có bảo hiểm xã hội nhưng chưa được hưởng hỗ trợ dừng việc, mất việc. Nguyên nhân là nhiều doanh nghiệp đóng cửa, hoặc chủ lao động không còn ở TP.HCM nên chưa thể lập danh sách đề xuất gửi bảo hiểm xã hội để chi cho công nhân. Nắm bắt việc này, UBND quận đã làm việc với doanh nghiệp để tìm hướng giải quyết, sớm lập hồ sơ, chi hỗ trợ cho công nhân gặp khó khăn.

Dù đã rất nỗ lực, ông Thinh thừa nhận không tránh khỏi việc có thể sót một số trường hợp. Lãnh đạo quận Bình Tân kêu gọi người dân gặp khó khăn lập tức phản ánh thông qua đường dây nóng của phường, quận để kịp thời hỗ trợ.

 

FB Nguyễn Hoàng

Đọc bài chia sẻ ở dưới, khá dài, của bạn Anh Hong Pham, một người tham gia chiến dịch tiêm vaccine tại TP HCM, mình chảy cả nước mắt…

Vốn dĩ mình là người chẳng biết sợ điều gì. Ngày bé, dù xuất thân gia đình cán bộ công chức, tri thức nhưng mình thuộc loại máu liều, dám chơi tới bến ngay cả với mấy thằng giang hồ hay bọn nghiện lõ đít nếu chúng dám đụng tới nhân cách của mình. Dạo này có lẽ do già, he..he… đâm ra hay mau xúc động…

Đọc những trường hợp khó khăn mùa dịch, lại nhớ thủa hàn vi, tuổi mới hơn 20, trong căn gác trọ đất Sài Gòn "hoa lệ", bị chủ chậm lương, mấy tháng liền ngày có một gói mì cầm hơi, có ngày phải nhịn đói… Lại càng thấy thương những thân phận như trong bài viết bên dưới…

Đọc để thấy đa số chúng ta còn hạnh phúc vô vàn…

*****

KÝ SỰ (KHÔNG HỀ) NGẮN NƠI TUYẾN ĐẦU:

NGÀY ĐẦU TRIỂN KHAI TIÊM SINOPHARM CHO QUẬN TÂN BÌNH – 3 LẦN ÉM LỆ.

LƯU Ý: BÀI VIẾT NÀY KHÔNG ĐỀ CẬP ĐẾN VẤN ĐỀ CHỌN HAY KHÔNG CHỌN LOẠI VẮC XIN NÀO, NÃO NẰM TRONG ĐẦU BẠN, ĐỪNG DÙNG TAY MÓC NÓ RA VÀ ĐẶT VÀO MỒM NGƯỜI KHÁC.

Sáng nay trước khi vào buổi đầu tiên tiêm Sinopharm cho bà con, team mình đã mường tượng rằng thể nào cũng rất vắng hoặc thậm chí không có ai thèm đến, rồi có đứa còn tưởng tượng sẽ bị chửi bới như trong cái clip được share bữa giờ, thế là mình phải lấy giấy viết thông báo dán ngoài cổng để bà con đỡ mất thời gian chờ đợi. Nhưng khi vừa mở cổng bắt đầu làm việc, việc xảy ra ngoài sức dự liệu, số lượng người dân đến tiêm rất đông, có thể nói là đông nhất từ đầu chiến dịch tới giờ và điều ngạc nhiên nhất đó là hôm nay cũng chính là ngày mọi người xếp hành ngay ngắn nhất, không tranh giành xin xỏ, không la hét, và không nói chuyện ồn ào như các buổi tiêm loại khác, cả sân trường mấy trăm con người im phăng phắc không tiếng động đến đáng sợ. Sao lại như vậy?

Để trả lời cho câu hỏi này, mình đã dành thời gian chú tâm vào khoảng 200 suất tiêm đầu tiên để xem phản ứng và cách mọi người tiếp nhận như thế nào. Và khi bắt đầu find out ra được, mình buồn đến ém lệ cả ngày trời. Do tính chất yêu cầu từ nhân viên nhập liệu, mình cần phải ghi rõ nghề nghiệp để cung cấp thông tin thì các bạn có biết không, 90% nghề nghiệp được ghi trong tờ khai tiêm của hơn 500 con người đến tiêm hôm nay đa phần là: làm hồ, giúp việc, sinh viên, shipper, nội trợ, buôn bán, ve chai, và khoảng 50% trong con số 90% ở trên ghi là THẤT NGHIỆP, những "nghề nghiệp" chưa từng xuất hiện trong các ngày tiêm trước đây.

– Lần mém khóc thứ nhất: khi mình ngước nhìn lên chủ nhân của những bộ hồ sơ "thất nghiệp" ấy, hỡi ôi các bạn còn quá trẻ, đa phần đều nhỏ tuổi hơn mình, ăn mặc và ứng xử cực kỳ trí thức. Và do thấy sự khựng lại ngạc nhiên của mình, các bạn chủ động giải thích "dạ chị ơi, em mất việc 2 tháng nay rồi nên em ghi thất nghiệp" , "dạ chị ơi, em hiện đang không có việc làm do dịch nên em ghi thất nghiệp"…"dạ chị ơi….", rồi khi mình ký giấy cho các bạn được vào tiêm, các bạn cúi gập người gần như 90 độ để cảm ơn, điều chưa từng có ở các ngày tiêm Astra và Moderna khác. Tim mình thắt lại, phải chăng mình đã quá may mắn để thời điểm này vẫn còn kiếm được ra tiền mà vô tâm quên đi xung quanh các em ấy mất việc đang chạy vạy lo từng miếng ăn qua bữa, từng cắc bạc trả tiền thuê nhà và một suất được tiêm vắc xin bất kể nó là loại gì? Và phải chăng do các bạn hiện đang nằm ở tầng lớp "thấp nhất" của xã hội nên quyền lựa chọn không nằm nơi cửa các bạn?

– Lần mém khóc thứ hai: phần nhiều độ tuổi hôm nay đến tiêm từ 1990 – 2003, rất trẻ nhưng có một vài những cô chú lớn tuổi như ba mẹ mình, và khi mình ngước lên nhìn một cô lớn tuổi và hỏi nghề nghiệp để ghi cô bảo cô làm ve chai, rồi cũng vài cô khác nói cô làm giúp việc hoặc làm thuê làm mướn, mình hỏi các cô để xác nhận xem các cô có biết hôm nay được tiêm loại gì không, cô bảo" cô biết, tiêm gì cũng được cháu ạ" . Nhìn đôi bàn tay chai sần và bộ quần áo bạc màu rồi sau khi mình ký giấy cho các cô được vào tiêm, các cô cúi gập người gần như 90 độ để cảm ơn, điều cũng chưa từng có ở các ngày tiêm Astra và Moderna khác, mình đã phải cắn môi tập 2. Phải chăng do các cô các chú là người nhập cư tỉnh lẻ, không có địa vị, không có công việc ổn định, sống chui rúc trong những dãy nhà trọ lao động chật hẹp chứ không phải vợ hay chồng của một công chức bình thường nên chỉ cần được tiêm bất kể loại gì đối với cô chú đã là cả một sự ân huệ?

– Lần mém khóc thứ 3: chiều nay mình nhận một bộ hồ sơ từ một bạn nữ sinh năm 1997 ghi "Có" vào ô "đã từng tiếp xúc với người nhiễm Covid", mình sợ em ấy đọc nhầm nên mình hỏi lại em tiếp xúc với ai? Em trả lời "dạ không, em chính là F0". Thề, H giật mình không hề nhẹ vì em ấy đứng sát tầm 1m, nhưng mình vẫn bình tĩnh hỏi lại là có phải em đã hết bệnh rồi không, em bảo mình em đã chữa khỏi bệnh được 3 tuần rồi và giờ em xin được tiêm. Cả khu nháo nhào, nhưng mình sợ mọi người làm quá lên mà kỳ thị em ấy giữa đông người nên mình bảo em ngồi chờ, đích thân mình sẽ mang hồ sơ em đi hỏi bác sĩ mà không để các bạn trẻ TNV khác đi vì mình sợ các bạn TNV còn nhỏ tuổi, không control được ứng xử và cảm xúc, sẽ la làng lên hoặc làm lố lên gây ảnh hưởng tâm lý cô bé ấy và mọi người xung quanh. Sau khi hội ý bác sĩ thì người có tiền sử Covid trong vòng 6 tháng không được tiêm, mình quay lại nói nhỏ với em ấy điều này và khuyên em ấy về nhà, 6 tháng sau có đợt thì quay lại tiêm và không quên dặn em ấy giữ sức khỏe em nhé. Cô bé lúc ấy ngồi co rúm vì sợ mọi người kỳ thị cộng với sợ không được tiêm, nhìn em nhỏ bé giữa một rừng con người chỉ chờ nhìn thấy F0 là sẽ như hổ đói lao vào miếng thịt kỳ thị là mình lại muốn ứa nước mắt, nếu không đang làm nhiệm vụ và không mặc đồ bảo hộ là mình đã lao đến ôm em vào lòng rồi, tự dưng thương em, thương một F0 đến lạ. Phải chăng con người ta luôn có xu hướng cho dù mình ở tầng cao nhất hay thấp nhất cũng đều muốn nhìn một cá nhân khác yếu kém hơn mình hoặc bất hạnh hơn mình để mà hả hê và thêu dệt những câu chuyện buôn bạn bán phường? Để mà thỏa mãn cái bản ngã luôn muốn được công nhận "tiến hóa" hơn các cá thể khác? Rồi nếu một ngày nào đó "vòng quay may mắn" đó rơi vào mình thì bạn muốn mọi người sống sao? Đừng có cười những người đang ngã vì lúc mình ngã chẳng lẽ họ khóc?

Có một bộ phim tuyệt đỉnh của Tây Ban Nha – Platform. Khi mà những người ở tầng trên ăn uống thịnh soạn bừa phứa không quan tâm người ở tầng dưới có đói không, rồi khi chiếc bàn thức ăn đưa xuống những tầng sâu nhất thì chỉ còn xương xẩu nhưng lạ là các “tù nhân” tầng dưới ăn rất ngon lành những gì còn xót lại với một thái độ rất mãn nguyện. H liên tưởng đến việc phải chăng sự chia sẻ và biết ơn những gì mình đang có chỉ xuất hiện với những người “không có gì”, “không sở hữu gì”, còn chúng ta, trong khi từng cá thể còn bận đồn đoán bình luận xem nên tiêm loại gì, chọn loại này, đừng chọn loại kia hoặc sẽ bài trừ những người tiêm “hàng Tàu” thì căn nhà kế bên chúng ta đang chờ từng bọc rau phân phát cứu trợ, hoặc họ chỉ cần được chọn đi tiêm thì có cả tiêm nước muối chắc họ cũng vẫn cúi gập 90 độ như thế . Bạn xấu xí quá nhỉ, Hồng xấu xí quá nhỉ và chúng ta xấu xí quá nhỉ. Thảm họa này không làm cho chúng ta tồi tệ đâu bạn ạ, nó chỉ làm cho những phần tồi tệ có sẵn của chúng ta thể hiện ra ngoài thôi.

Cũng có thể mình là người đa sầu đa cảm quá mà đi feel giùm họ nhưng đã từng không ít lần cách đây vài năm tự cho mình “thượng đẳng” hơn những cá thể khác (mình dám thừa nhận, còn bạn thì sao?), mình hoàn toàn xấu hổ với background của người dân đi tiêm ngày hôm nay vì mình vẫn chưa thực tập đủ để biết mình may mắn đến dường nào so với họ khi vẫn có tiền để sống, vẫn có bạn bè và các mối quan hệ xung quanh đủ để nâng đỡ H trong những lúc loạn lạc, trong khi họ hoàn toàn không có một bàn tay nào đủ mạnh giữa đất Sài Thành này mà nương tựa vào. Và hơn hết, mình đau lòng không phải vì vắc xin hôm nay là Sino mà vì cái cách mà xã hội này vận hành lên những số phận khác nhau dù cùng chung một dòng máu một màu da nó cay đắng quá, ánh mắt họ nhìn bọn áo xanh của mình hôm nay như những người “thượng đẳng”, những “đấng cứu thế” càng làm mình nghẹt thở và câu hỏi “chúng ta đã làm gì thế này” cứ lặp đi lặp lại trong đầu nguyên một ngày hôm nay. Mình tâm sự với một người chị rằng hôm nay mình buồn, nhưng mình không biết buồn vì cái gì và trách ai vì nó không phải là câu chuyện của một tập thể cụ thể nào đó, nó hình thành từ mỗi lời nói vô tình góp gió thành bão, những hành xử vô thưởng vô phạt của chúng ta hàng ngày để từ đó định hình nên cái xã hội nhiễu nhương ngày nay, trách ai bây giờ, trách người bạn đang nhìn thấy trong gương nhà bạn đấy.

15/08/2021: Cảm ơn đời đã cho Hồng máu liều mà bước đi để rồi mình học được bài học lớn ngày hôm nay mà chắc mấy trăm con người kể cả team mình và bác sĩ, nhân viên, bảo vệ hôm nay cũng không ai đủ "rảnh" mà quan sát và học được như mình. Chỉ khi bạn rủ bỏ lớp áo "thượng đẳng" để nhận ra bạn và họ và chúng ta như nhau, bạn mới biết mình không "sạch" hơn họ là bao.

 

CHẾT LÀ ĐIỀU KHÔNG ĐÁNG SỢ

THỜI GIAN CHỜ CHẾT MỚI LÀ ĐIỀU ĐÁNG SỢ

FB Nguyễn Đình Tuấn

Cả gia đình 7 người ở giữa lòng SG (Chung cư Tôn thất Thuyết, số 04 vĩnh hội, phường 4, quận 4), tự test nhanh dương tính từ ngày 11/8 thì báo cáo cho phường nhưng phường không có bất kỳ động thái gì nên gia đình tự tìm đến Medic Hoà Hảo làm PCR có kết quả hầu như CT<30 là F0 phải cách ly tập trung theo qui định.

Nhưng đưa kết quả PCR cho phường thì phường cũng im re không hề có bất kỳ động thái gì không giám sát, không cách ly, không phong toả… Cho F0 tự do đi lại trong khi cả khu vực này F0 rất nhiều.

Người nhà cũng tự điều trị đến 15/8 thì có Cụ lớn tuổi suy hô hấp và SpO2 chỉ 82% nên đã xử lý thở oxy để duy trì và song song gia đình vẫn tự liên hệ BV Dã Chiến số 4 (Vĩnh Lộc – Bình Chánh) đồng ý tiếp nhận nhưng yêu cầu phường phải đẩy số liệu dịch tễ học lên cổng thông tin của hệ thống thì mới nhận b/n được.

Phía phường thì nói không biết cổng gì cả… và bệnh nhân thì ngày càng thoi thóp…

Khuyên người nhà cứ đưa ngay vào BV thì chắc chắn sẽ nhận… nhưng người nhà nói b/n yếu quá rồi nên phải có chỗ chịu nhận mới dám đưa đi – Nghe cũng phải thôi!

“Con gà và quả trứng”: Giữa lòng SG , biết kêu ai? Hay cứ duy trì thở oxy tại nhà và chờ chết?

Thật sự hết biết?

Càng triển khai mô hình điều trị F0 tại nhà nhưng phương án back up khi chuyển nặng không rõ ràng cụ thể cho cả hệ thống thì đúng là: “ai còn sống trong lúc này chỉ là ơn trời”.

Thôi thì phó thác cho số phận vậy?

P/s: Các anh / chị báo chí hỏi giúp giờ phải kêu ai? Chứ tui BS cũng botay.com rồi đó. B/n vẫn đang thở oxy và SpO2 ngày càng tụt. Tui cũng chỉ cho thở oxy duy trì được 2 ngày nay rồi đó. Bả mà có chết khi chưa kịp đến BV về kéo chưn tui là tui không chịu à nghen.

CÒN & MẤT

FB Binh Bong Bot

1. Hôm qua, một phụ huynh cũ gọi điện cho cô Phấn. Gọi là cũ vì con của họ đã mất mười năm về trước vì bệnh ung thư. Giữa bộn bề của hôm nay, họ lục tìm một số điện thoại cũ và bấm gọi lần đầu tiên sau một thập kỷ.

– Cô ơi, mừng quá, nghe giọng cô, nghĩa là cô… chưa mất.

– Ừa. Cô vẫn còn.

2. Trong một status gần đây, Bác sĩ Hùng Ngô viết về một hình ảnh đáng sợ. Chiếc máy monitor hiện đồ thị tim đều đều lên xuống bỗng dừng lại rồi biến thành đường thẳng. Một ông lão nhìn cảnh các bác sĩ hì hục ép tim cho người kia, rồi khóc. Khóc vì thương một người vừa mất, vì sợ sẽ đến lượt mình và vì nỗi cô đơn không có ai bên cạnh. Đó là một ngày bình thường của các y bác sĩ tại các bệnh viện COVID. Họ nhìn thấy mình vừa bị Thần Chết dẫn thêm một bàn và nhìn thấy nỗi sợ hãi bao trùm những người còn lại.

Điều gì giúp họ vượt qua cơn trầm cảm để tiếp tục ra sức cứu mạng những người còn lại? Câu trả lời ở cuối câu hỏi: những người còn lại.

3. Mai Quốc Ấn share câu chuyện của bạn mình. Vào ngày thôi nôi của con, anh không thể góp mặt. Anh viết status xin lỗi con vì phải xa con trong một ngày quan trọng như thế. Vì “ba phải cùng cô chú chạy xe chở thực phẩm để cách khu trọ, các xóm cách ly, nơi các bạn con và gia đình của các bạn ấy đang cần ba hơn con”, anh viết.

Anh sẽ đón sinh nhật thứ hai, thứ ba… cùng con. Nhưng có những điều nếu không làm nay lúc này có khi sẽ không còn nữa.

4. Bạn tôi, người lăng xăng suốt ở ngoài đường từ đầu dịch đến giờ, dính COVID. Không muốn người nhà lo, bạn giấu. Bà của bạn thèm ăn bò kho quá, muốn cháu nấu ăn đỡ thèm. Bạn nhắn tôi: “Giờ làm sao em nêm nếm hả anh?”. Bạn đã mất vị giác được mấy ngày rồi. May là còn… thở.

5. Anh công nhân dọn đồ, nói với đứa con gái: “Dọn đồ đi con, mình về nhà thôi”. Đứa con gái ngơ ngác: “Đây là nhà mình mà ba”. Anh muốn nói đến ngôi nhà thiệt ở dưới quê kìa, còn ngôi nhà thứ hai ở Sài Gòn đã không còn che chở cho anh được nữa. May mà anh vẫn còn quê để mà về.

6. Sáng nay tôi quay Đội tuyển tôi yêu, suýt khóc mấy lần. Giữa lúc lòng rối ren, tôi vẫn cố nói chuyện bóng đá, hoàn thành công việc của mình. Vì tôi nghĩ: giữa đại dịch này mà còn một công việc để làm đã là may mắn lắm rồi. Vả lại nếu buồn thì buồn đến bao giờ. Tôi còn ba mẹ, em trai, con trai… Tôi may mắn hơn biết bao nhiêu người ngoài kia. Và tôi còn một trang Fade In trước mặt, để những con chữ của tôi, những nhân vật của tôi kéo tôi qua đoạn trường này.

7. Cơn đại dịch này đã và đang tạo ra một cơn sang chấn tập thể. Nó sẽ khiến cách chúng ta nhìn thế giới hoàn toàn thay đổi. Và đã đến lúc ta phải quên đi mình đã mất những gì mà cần xem lại mình còn lại gì?

8. Tôi nhớ hình ảnh bạn gửi tôi. Một người nhặt ve chai khi nhận cơm từ thiện đã mang cho con chó. Anh ăn cơm không, đồ ăn để hết cho nó. “Tại cơm hơi khô á, nó hỏng ăn tui ăn”, anh nói. Khi mọi thứ quanh anh sụp đổ, anh cũng còn có nó, và nó may quá, vẫn còn có anh.

9. Tình người trong cơn mê vẫn xanh. Và rồi ta sẽ tái sinh đời ta và thành phố ta với những gì còn lại.

10. Cùng nhau, chúng ta sẽ bình an.

 

NHẬT KÍ LẦN ĐẦU THỰC ĐỊA

FB Chuyến Rau Vui Vẻ

Chào các bạn, mình là S. Trước dịch mình là một nhân viên chăm sóc khách hàng, tư vấn mảng thiết bị điện tử. Công việc của mình chẳng có gì liên quan tới rau cả các bạn ạ. Mình lên Sài Gòn ăn học và mưu sinh, có bạn bè và cuộc sống ở đây. Trước đó mẹ mình cũng lên Sài Gòn kiếm ăn và nuôi mình khôn lớn. Sài Gòn đối với mình như là một quê hương. Vì thế khi dịch bệnh bùng phát, mình tuy cũng có chút tích luỹ và có thể ở nhà ăn uống bình dân để tồn tại cho an toàn, nhưng mình canh cánh muốn đền ơn cho Sài Gòn. Trong thời khắc lịch sử này, nếu tuổi trẻ của mình không làm gì để cống hiến thì lòng mình không yên được.

Trước đây mình có tham gia một số nhóm tình nguyện đến các vùng sâu vùng xa cùng anh em bạn bè quen tại thành phố. Dịch bệnh thì cũng không ai đi đâu được. Có một bạn trong nhóm mình biết tới Chuyến rau vui vẻ và kêu gọi tham gia trong nhóm, thế là mình và ba bạn nữa đăng kí. Tổng cộng giờ có bốn đứa trong nhóm tụi mình đang hoạt động ở đây.

Mình là con trai, có sức vóc, nên được anh chị giao ở nhóm rau. Một số bạn của mình là nữ thì qua bên nhóm Trạm ô xy cộng đồng hỗ trợ nghe điện thoại và điều phối. Mình ở bên này còn bốc vác nữa chứ (cười). Lúc trước khi quyết định tham gia Chuyến rau vui vẻ, mình ở nhà xem tin trên mạng ngày nào cũng 4000 ca nhiễm, xem clip Sài Gòn thương vong nhiều, mình cũng sợ lắm. Các bạn trong nhóm tình nguyện cũ của mình cũng sợ. Đi làm bận rộn thì nỗi sợ cũng bị cuốn đi. Hằng ngày mình làm ở trên kho là chính, suốt ngày cắm cúi với rau củ. Không chỉ điều phối, sắp xếp đơn mà còn bốc vác nữa. Thời điểm này tuyển tình nguyện viên khá là khó vì mọi người đều sợ và giấy tờ đi đường cũng khó. Nên mọi người trong nhóm mình gồng lên, mỗi đứa vác nhiều thêm một chút.

Đợt 1 hồi tháng 7 thì mình có kể với mẹ là con đi tình nguyện phát rau. Nhưng tới đợt 2 này thì mẹ nằng nặc không cho mình đi nữa vì chết nhiều quá so với đợt 1. Cũng từng nghe tin có đội đi thiện nguyện không may bị nhiễm nên ngày nào mẹ cũng điện thoại kiểm tra mình. Bây giờ mình đang đi giấu mẹ, mẹ không rành công nghệ nên mẹ không biết đâu.

Ở trên kho từ đầu đến giờ nên mình rất muốn được một lần đi thực tế xem như thế nào. Mình cũng băn khoăn không biết việc mình đang làm có hiệu quả không, bà con nhận rau người ta có thực sự vui không? Số rau mình phân bổ cho mỗi đơn như vậy là nhiều hay ít? Các nhóm thiện nguyện nhỏ hơn đến chỗ mình lấy rau chở về các khu phố họ có dùng đúng mục đích hay không? Thế nên bữa nay có hai chị Mạnh Thường Quân tới xin 300 kg rau muống, bí đỏ, chuối xanh để phát cùng với gạo và cá khô mà các chị đã chuẩn bị cho một khu vực cách ly phong toả có nhiều F0 và đau thương, mình thấy hai chị vác không nổi nên đã xin đi theo.

Mình đã mặc đồ khử khuẩn làm rất nhiều công đoạn rồi hai chị tới, khuân rau lên xe rồi bắt đầu đi. Các chị chạc 40-50 tuổi, mặc đồ bảo hộ kín mít nên cũng không thấy mặt. Chị tự lái xe và kể rằng cũng có bạn bè người thân mắc Covid rồi qua đời. Công ty có đến 7 nhân viên là F0 cũng may là đã qua khỏi. Sau khi thấy Covid đến gần mình tới vậy, chị quyết định không ngồi im và muốn tiếp tục hỗ trợ những người khác nữa. Hôm nay có mình khuân đồ giùm chị, chứ nếu không có, thì chị vẫn tự đi.

Đây là lần đầu tiên mình đi thực địa, tận mắt thấy bà con quá khổ. Giãn cách quá lâu rồi nên họ gần như kiệt quệ. Khu vực mình xuống với hai chị là đoạn quốc lộ 13 cũ (quận 9 đi ra), nơi có nhiều F0 và chết chóc nên đầu chốt chặn đã có công an ngồi. Thấy xe chở rau lương thực tới, chú bảo vệ cân nhắc cho tụi mình lùi xe sát hàng rào để dỡ đồ xuống cho đỡ cực. Lúc mình tới, các cô chú lớn tuổi trong ngõ đã đeo khẩu trang đứng giãn cách chờ sẵn cả rồi. Thấy người tới họ rất mừng dù chẳng ai dám tới gần ai. Cảm giác khi mình ở ngay bên này rào, họ ở ngay bên kia rào, rất gần và cũng rất xa làm mình xúc động. Mọi người cố gắng chuyển đồ ăn thật nhanh rồi sau đó bà con trong hẻm có mấy anh trai tráng tự phân chia cho các hộ. Không ai dám nói gì nhiều và lâu. Lúc ấy mình mới cảm thấy con Covid này ác độc thật. Nó chia cắt người với người hơn bao giờ hết. Cô chú anh chị cảm ơn rất nồng hậu vì cả tháng nay đói khổ rồi. Mình cũng chóng từ biệt để lên xe rút lui, đảm bảo an toàn, dù trong lòng còn nặng trĩu.

Mình cảm ơn hai chị Mạnh Thường Quân dũng cảm lắm. Các chị thật chu đáo vì lấy rau từ Chuyến Rau Vui Vẻ rồi còn lo lắng thêm gạo và cá khô, sắp xếp như vậy được bữa ăn cho bà con. Bình thường ở kho mình gặp người trẻ đi làm tình nguyện thì nhiều rồi nhưng hai chị là nữ giới, ở tuổi trung niên, lại là doanh nhân, có nhà cửa, điều kiện, có xe con mà dám đi tới nơi toàn F0 để hỗ trợ thực sự là mình quá nể. Ngày mai mình lại về kho rau chia rau sỉ, mình mong ai cũng có cái tâm như hai chị Mạnh Thường Quân, góp thêm mì, thêm gạo vào vào cùng với rau cho bà con có bữa ăn. Mình cũng cảm ơn bội phần các nhóm thiện nguyện dũng cảm vẫn hay qua lấy rau từ Chuyến Rau Vui Vẻ rồi đến tận những nơi xa xôi này để chuyển tới cho bà con.

Nói không sợ khi đi tình nguyện là không đúng. Có những khoảnh khắc nỗi sợ loé lên, mình cũng nghĩ về virus, về cái chết, về mẹ và gia đình sẽ rất buồn nếu có chuyện gì xảy ra với mình. Cũng tặc lưỡi hay về ở nhà cho an toàn, nhưng cuối cùng không làm được. Rồi mình lại tự trấn an, nếu ai cũng sợ thì việc này sẽ để ai làm, thôi mình làm được cứ làm đi. Sau trải nghiệm lần đầu đi cứu trợ khu vực nóng này, mình nghĩ sẽ không giấu mẹ việc vẫn đi tình nguyện nữa. Hi vọng mẹ sẽ hiểu những việc mình đang làm giúp được nhiều người.

Sau này khi dịch qua đi, nếu được về với mẹ mình sẽ kể cho mẹ rất tự hào rằng mẹ ơi con đã làm được một việc có ích thời gian qua. Cuối tuần sau, nếu cố gắng đi được nữa mình sẽ tiếp tục theo các chị đi. Các bạn ở nhà vẫn có thể giúp đỡ các công tác thiện nguyện vừa sức đó, các bạn đồng hành với chúng mình nhé!

S. – Trường kho Chuyến Rau Vui Vẻ – Quận 1, HCMC, tháng 8- 2021

clip_image005

clip_image007

clip_image009

ĐẤU GIÁ BỨC TRANH CỦA LÊ THIẾT CƯƠNG, GÓP PHẦN “CHỐNG DỊCH BẰNG RAU”

FB Truong Huy San

Họa sĩ Lê Thiết Cương, ca sĩ Giang Trang và tôi xin bán đấu giá bức tranh “Một Nắm Hột Khuya Rắc Vào Bến Lạ” của Lê Thiết Cương để góp cho Chương trình “Chuyến Rau Vui Vẻ”, cùng các bạn trẻ Sài Gòn “Chống Dịch Bằng Rau”. Giá khởi điểm 27 triệu VND, chốt giá lúc 12:00 ngày 18-8-2021. Xin các bạn bắt đầu.

Các bạn có thể tham gia đấu giá hoặc góp một bó rau vào đây: Tạ Thuỳ Trang, Số TK: 0441000628235 (Vietcombank, chi nhánh Tân Bình) [xin ghi: HoTên_vanchuyen97].

“Chuyến Rau Vui Vẻ” là sáng kiến của 4 bạn trẻ đang sinh sống và làm việc tại Sài Gòn, cách làm của các bạn là thu mua rau củ quả trợ giá tại đầu nguồn và cung cấp miễn phí cho bà con vùng dịch tại Sài Gòn – Bình Dương – Đồng Nai. Chương trình, vì thế, vừa giúp “giải cứu rau” vừa có rau tặng bà con miễn phí. Không chỉ chống dịch bằng rau, các bạn trẻ còn mong muốn lan toả những niềm vui, những điều tốt đẹp và tử tế một cách giản dị.

Trong đợt Một, từ 9-7-2021 đến 26-7-2021, các bạn đã mua và phân phát được 185 tấn rau + 1000 phần quà (5kg gạo, 2kg rau, 10 gói mì tôm, 2 hộp cá). Có khoảng hơn 200.000 người đã nhận được rau từ các “Chuyến Rau Vui Vẻ”. Trong khoảng từ 1-8 đến 30-8-2021, các bạn trẻ dự kiến tặng miễn phí bà con vùng dịch từ 200 – 400 tấn rau. Hãy tham gia đấu giá hoặc “góp một bó rau” cùng chúng tôi giúp bà con trong vùng dịch.

PS: “Một Nắm Hột Khuya Rắc Vào Bến Lạ”, 36x55cm, bột mầu trên vải màn/ bồi trên giấy dó.

https://www.facebook.com/chuyenrauvuive/ & Giang Diễm Quỳnh.

clip_image011

NGHẸN NGÀO, BẬT KHÓC NGÀY ĐẾN CHÙA GỬI CỐT CHA MẤT VÌ COVID-19

Báo Thanh Niên

Trong đại dịch Covid-19, việc tổ chức hậu sự cho người đã mất cũng phải thay đổi rất nhiều để thích ứng với diễn biến dịch. Nhiều gia đình đã lựa chọn hình thức gửi tro cốt người mất vào chùa thờ tự tạm trong thời gian giãn cách, chờ đến lúc có đủ điều kiện để đón tro cốt về nhà làm tròn đạo hiếu.

 

CHIỀU TỐI NAY, 315 NGƯỜI NỮA RA ĐI…

FB Lê Huyền Ái Mỹ

Hôm nay, ngày 16.8, Sài Gòn có 315 ca tử vong. Con số 315 ấy nằm chìm trong bản tin tổng hợp mà hầu hết các báo điện tử đều không dám rút làm tựa.

Còn những bản báo in? Tôi không rõ.

Nhưng liệu có một góc nào bên trái hay phải của manchett tờ báo dành riêng cho Họ một góc tưởng niệm, nhỏ thôi, điểm lên đấy một cái ruy băng màu đen.

Mỗi ngày, hàng trăm con người, là đồng bào mình, là người thân của ai đó đã nằm xuống vì đại dịch, một khi ta đã bất lực thì vẫn còn cứu rỗi nhau bằng một cái cúi đầu, mặc niệm. Cho cả người ở lại.

Một nguyên thủ, một nguyên lãnh đạo cao cấp từ trần là báo chí lại làm số đặc biệt, dành hẳn ít nhất 1-2 trang hay nhiều hơn thế để tưởng niệm, ghi ơn… Còn đồng bào ta, mỗi ngày, ngay tại thành phố này, hàng trăm người tử vong, sá gì một dòng tưởng niệm, một khoảng trắng không lời, ta chỉ đặt vào đấy 4 chữ “thành kính tiễn đưa”, là cũng trọn vẹn nghĩa tử sinh.

Linh hồn nào thì cũng cần được đưa tiễn.

Vậy thôi.

Hãy nhìn đây, ngày 19.4.2020, tờ Boston Globe dành 16 trang cáo phó, trắng đen. Trả lời phỏng vấn của CNN, biên tập viên Jaclyn Reiss nói: “Cáo phó in trắng đen thực sự cho thấy virus có sức tàn phá chết người thế nào”.

Tôi mường tượng, bên cạnh những thông tin về giải pháp chống dịch, những kết quả tích cực trong điều trị, số liệu tiêm chủng, những con người nỗ lực không ngừng nghỉ để mang lại sự an toàn, bảo vệ sự sống cho người dân… thì, một cái tên, một ngày tháng năm qua đời bé như con tem, được lưu cữu, cho mai này, khi qua cơn đại nạn, người thân tìm lại, giữ lấy…

“Sức dân”, muốn có, muốn lâu bền chính là một phần từ đó…

clip_image013

SAO KHÔNG CÔNG BỐ

FB Phạm Xuân Nguyên

Đại dịch Covid 19 vẫn đang hoành hành dữ dội trên khắp thế giới. Việt Nam đang trải qua thời kỳ căng thẳng nhất như một số nước đã trải qua khi bệnh dịch lên đến đỉnh điểm với số ca nhiễm mỗi ngày tăng, tổng số ca nhiễm cao và số người bị tử vong vì dịch cũng tăng lên mỗi ngày.

Tại TPHCM thực tế là đã có nhiều người chết vì Covid 19, việc hỏa táng và mai táng gặp nhiều khó khăn, đến mức chính Bí thư Thành ủy, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Nên đã chỉ đạo cho lực lượng quốc phòng thành phố đứng ra đảm nhiệm tiếp nhận tro cốt của người bệnh bị mất và chuyển về cho các thân nhân họ. Thậm chí ông Nên đã phát biểu và được các phương tiện truyền thông đưa lên là sẽ đề nghị Trung ương cho tổ chức Quốc tang các nạn nhân của đại dịch Covid.

Như vậy thực tế nước ta đang có nhiều ca tử vong vì Covid 19, tập trung nhất tại TP HCM. Đây là một sự thật đau lòng nhưng không thể giấu diếm, che lấp. Trên mạng xã hội đã có nhiều tin ảnh về chuyện này, và trong các quan hệ gia đình họ hàng bạn bè đồng nghiệp nhiều người đã báo cho nhau những tin buồn về sự ra đi của những người thân bị nhiễm Covid 19.

Chỉ các các phương tiện thông tin chính thống (báo giấy, báo nói, báo hình, báo điện tử) là không hề đả động gì đến con số tử vong vì đại dịch ở nước ta. Hàng ngày các bản tin đều có cập nhật số người bị nhiễm, sự truy vết lây lan, con số những người khỏi bệnh. Nhưng tuyệt nhiên không hề nói đến con số tử vong trong khi số người chết dịch là có và không phải là ít.

Có phải chính quyền làm thế là sợ người dân biết được con số tử vong sẽ hoảng loạn, sẽ không tin vào các biện pháp chống dịch của mình? Không, người dân cần biết và có quyền được biết sự thật đau buồn đó để càng có ý thức phòng chống bệnh và hợp tác với chính quyền sớm đẩy lùi dịch. Kênh chính thống không đưa tin thì người dân vẫn biết tin qua những con đường không chính thống, khi đó mới thực sự là lo sợ và hoảng loạn. Chưa kể, sự thật che dấu vẫn là sự thật, nhưng báo chí không đưa tin sự thật là đã không thực hiện đúng chức năng của mình.

Trong khi không đưa tin số người tử vong trong nước thì báo chí ta lại cập nhật rất nhanh tình hình dịch bệnh ở các nước khác, không quên thông báo con số tử vong của họ. Có được con số đó là do các nước công khai mọi diễn biến chống dịch của họ. Tôi xin lấy thí dụ nước Nga. Trên trang mạng của báo “Luận chứng và Sự kiện” (aif.ru) ngay trang chính có mục “Все о коронавирусе” (Tất cả về Coronavirus). Và đây là tin họ đưa hôm qua (15/8/2021):

“Число подтвержденных случаев заражения коронавирусом в России увеличилось за сутки на 21 624, до 6 600 836, следует из данных оперативного штаба.

Среди новых заболевших 8,1% не имели клинических проявлений болезни.

Число вылечившихся возросло за сутки на 16 426, до 5 884 316. Из-за коронавируса в России за сутки умерли 816 человек. Число летальных исходов превышает 800 уже четвертый день подряд. Всего за время пандемии болезнь унесла жизни 170 499 человек.”

(Số trường hợp được xác nhận nhiễm coronavirus ở Nga ngày hôm qua là 21.624, nâng tổng số người nhiễm lên 6.600.836 người, theo số liệu của Ban chống dịch.

Trong số các trường hợp mắc mới, 8,1% không có biểu hiện lâm sàng của bệnh.

Số người được chữa khỏi ngày hôm qua là 16.426, nâng tổng số là 5.884.316 người.

Do virus coronavirus, ở Nga một ngày có 816 người chết. Số người chết vượt quá 800 trong ngày thứ tư liên tiếp. Tổng cộng, trong đợt đại dịch, căn bệnh này đã cướp đi sinh mạng của 170.499 người.)

Từ những điều trên, tôi đề nghị: Hãy công bố số người tử vong vì Covid 19 ở nước ta trong các bản tin về đại dịch để mọi người dân được chia buồn cùng những người đã qua đời và nâng cao ý thức phòng chống dịch, hợp tác cùng chính quyền đánh bại Covid 19.

Pxn

clip_image015

Quân đội làm lễ truy điệu các nạn nhân Covid 19.

clip_image017

Quân đội chuyển tro cốt cho các gia đình nạn nhân.

clip_image019

Trang điện tử báo "Luận chứng và Sự kiện"

[TỔNG QUAN VỀ DỰ ÁN THIỆN NGUYỆN “QUỸ TỪ THIỆN MAI TÁNG 0 ĐỒNG]

FB Giang Kim Cúc và các Cộng Sự

Dự án thiện nguyện “Quỹ từ thiện Mai Táng 0 đồng” được thành lập bởi Chị Giang Thị Kim Cúc (Trưởng nhóm) từ cuối tháng 7 đến nay. Bởi tinh thần yêu nước, chị đã quyết định thành lập nhóm với mong muốn đẩy lùi dịch bệnh, giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn

Dự án thiện nguyện “Quỹ từ thiện Mai Táng 0 đồng” được thành lập với mong muốn hỗ trợ, vận chuyển, Mai táng bà con không may mất vì Covid có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng như góp phần đẩy lùi dịch bệnh trên cả nước. Ngoài ra nhóm được sự ủng hộ, chung tay của các Quý mạnh thường quân san sẻ nỗi đau thương, mất mát cũng như Gia đình có người mất tròng hoàn cảnh dịch bệnh phức tạp mỗi trường hợp 5 triệu đồng (0705705115 – Minh Hùng; 0362871227 Minh Châu)

Nhóm làm việc trực tiếp: Hiện tại được chia thành 02 đội với 09 xe cấp cứu với hơn 20 con người hoạt động không biết mệt mỏi, với niềm tin mãnh liệt nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh. Trong nhóm có khá nhiều Nam, Nữ với nhiều độ tuổi khác nhau, trẻ nhất đội năm nay mới 18 tuổi. Những công việc nguy hiểm nhất mùa Covid, phải đối mặt rất nhiều F0 mỗi ngày. Khi có CA họ chỉ kịp ăn vội một suất cơm hộp, hãy những phần Cơm được các Sư Cô, các Thầy chuẩn bị cho.

Nhóm làm việc Online: Cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình từ các bạn Truyền thông khi phải làm việc online ngày đêm tiếp nhận thông tin từ các hoàn cảnh cần hỗ trợ cũng như các Nhà hảo tâm giúp đỡ bà con. Với tinh thần tuổi trẻ nhiệt huyết đó các thành viên Nhóm mong muốn Sài gòn nhanh khỏe, trở lại cuộc sống vốn có. Để mỗi thành viên nhóm được đoàn tụ, được quay trở về mái âm của chính mình.

Cuộc chiến này không chỉ ngày một, ngày hai mà cần sự chung tay của tất cả bà con, hãy luôn chấp hành đúng theo khuyến cáo của địa phương. Động viên nhau những điều tích cực nhất vì chúng ta là người con “Việt Nam”. Nhóm sẽ chiến đấu hết mình!

—————————————————-

Mọi sự chung tay, đóng góp với chương trình xin gửi thông qua đơn vị tiếp nhận:

1. Ngân hàng ACB – Số tài khoản: 99991968 – Tên tài khoản: Giang Thị Kim Cúc.

Nội dung: HỌ VÀ TÊN + SOS SÀI GÒN.

2.Số HOTLINE Dự án "Thiện nguyện Mai Táng 0 đồng: 0949.050.789: 0705.705.115 0868.111.999

clip_image031

 

TP.HCM KIÊN CƯỜNG CHỐNG DỊCH: LO HẬU SỰ MIỄN PHÍ CHO NGƯỜI QUA ĐỜ̀I VÌ COVID-19

Trác Rin – Thanh Niên, 16/8/2021

Bất kể ngày đêm, nhóm cứu trợ hoạt động xuyên suốt để khâm liệm, chở thi hài người qua đời đi hỏa táng giữa lúc dịch bệnh Covid-19 còn căng thẳng. Những nghĩa cử hoàn toàn miễn phí này đã giúp nhiều gia đình khó khăn ở TP.HCM vơi bớt nỗi đau thương.

clip_image033

Nhóm cứu trợ mặc đồ bảo hộ trước khi vào nhà chị Đ.T.D khâm liệm thi hài người chồng

ẢNH: TRÁC RIN

“Nghĩa tử là nghĩa tận”

Chị Giang Thị Kim Cúc (33 tuổi, ngụ TP.HCM) là trưởng nhóm cứu trợ cho những gia đình không may có người thân mất vì Covid-19. Nhóm cứu trợ tình nguyện này không có tên. Đơn thuần đây chỉ là nơi tập hợp của những người có lòng thiện nguyện trên tinh thần “nghĩa tử là nghĩa tận”. Hiện nhóm có 35 thành viên, riêng đội hỏa táng miễn phí có 20 thành viên. Hằng ngày nhóm sinh hoạt và ăn ở tại chùa Pháp Minh (xã Tân Quý Tây, H.Bình Chánh). Trước khi hỗ trợ một trường hợp nào đó, nhóm sẽ liên lạc với chính quyền địa phương nơi có người cần hỗ trợ để trao đổi, xin phép.

“Những ngày qua, thấy người dân lên mạng xã hội kêu cứu trước nỗi đau mất người thân mà không có điều kiện mai táng, chúng tôi không thể ngồi yên. Những ngày đầu hoạt động nhóm chỉ có 1 xe cấp cứu, hiện đã có 6 xe, trong đó có xe được các cá nhân cho mượn. Nguồn kinh phí hoạt động từ một số bạn bè của tôi, cùng nhiều nhà hảo tâm quyên góp, hỗ trợ”, chị Cúc nói và chia sẻ biết nhóm hoạt động hỏa táng miễn phí cho bà con nghèo, nhiều cá nhân, tổ chức cũng “xắn tay áo” vào cuộc. Hiện việc đổ xăng, rửa xe, sửa chữa xe cấp cứu chở thi hài đi hỏa táng đều được một số cá nhân ở TP.HCM hỗ trợ miễn phí.

“Tình hình chung hiện khó khăn nhiều bề, nên nhóm chúng tôi cũng muốn góp một phần nhỏ san sẻ với chính quyền và mong muốn cuộc sống của người dân bớt khó khăn”, chị Cúc chia sẻ.

Dịch bệnh khiến đám tang thêm đau buồn

Một ngày tháng 8, nhận được lời kêu cứu của chị Đ.T.D (32 tuổi, ngụ P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân), nhóm cứu trợ nhanh chóng đến hỗ trợ đưa thi hài chồng chị D. (trước đó xét nghiệm nhanh dương tính Covid-19) đi hỏa táng. Sau khi trao đổi với cán bộ Công an P.Bình Hưng Hòa A về việc giúp gia đình chị D., nhóm cứu trợ được vào hỗ trợ lo hậu sự cho người qua đời.

Mặc đồ bảo hộ kỹ càng, hơn 10 thành viên tiến sâu vào hẻm. Lúc này chỉ mới 19 giờ 30 nhưng trong hẻm không một bóng người. Nhà nhà đóng kín cửa, chỉ còn tiếng khóc của chị D. trước nỗi đau mất chồng. Đại đức Thích Tâm Nhơn (trụ trì chùa Pháp Minh), một thành viên trong nhóm, vào nhà khâm liệm thi thể. Các bước thực hiện tuân thủ theo đúng hướng dẫn của cơ quan chức năng về lo hậu sự đối với người qua đời vì Covid-19.

Một đám tang buồn thê lương trong đêm vắng lặng. Trong căn nhà người qua đời chỉ có người thân duy nhất là chị D. Chị đứng trước nhà, vừa khóc vừa lấy điện thoại ghi lại khoảnh khắc tiễn biệt chồng chia sẻ với những người thân ở quê (Thừa Thiên-Huế). “Ở ngoài quê, người thân cũng tổ chức đám tang cho chồng tôi. Mọi người khóc thương, tiễn biệt anh ấy qua màn hình điện thoại”, chị D. nghẹn ngào.

clip_image035

Chuẩn bị quan tài để khâm liệm người qua đời

ẢNH: TRÁC RIN

Sau khi xong các thủ tục khâm liệm, nhóm cứu trợ đưa thi hài vào quan tài. Các thao tác xịt khuẩn, bịt kỹ nắp quan tài được thực hiện kỹ lưỡng. Thi thoảng, các thành viên lại ra ngoài để đồng đội xịt khuẩn và… hít thở. “Dù gì thì tụi mình làm việc này cũng chưa quen. Đối diện với người qua đời vì Covid-19 nên vẫn có một chút lo lo”, một thành viên chia sẻ.

Là người trực tiếp khâm liệm, đại đức Thích Tâm Nhơn ngậm ngùi, đau xót vì dịch bệnh nên người qua đời không có nhiều người thân bên cạnh. “Nếu ai cũng sợ hãi, xa lánh thì ai sẽ làm mấy việc này! Dù khó khăn, nguy hiểm, cả nhóm tình nguyện vẫn quyết tâm hết khả năng, sức lực, để thân nhân người qua đời không đơn độc, hiu quạnh”, đại đức Thích Tâm Nhơn chia sẻ.

“Dịch bệnh khiến sự ra đi của một kiếp người thêm đau buồn, thậm chí cô độc trong chính căn nhà của mình. Vì vậy, chúng tôi sẵn sàng đối diện với rủi ro nhiễm bệnh, đảm nhận công việc của một nhà đòn thực thụ. Trong khả năng có thể, chúng tôi sẽ đồng hành với những hoàn cảnh không may để cùng vượt qua khó khăn lúc này”, đại đức Thích Tâm Nhơn bày tỏ lòng trắc ẩn.

Ngày 14.8, chị Đ.T.D cho biết sau khi nhóm tình nguyện đưa thi hài chồng chị đi hỏa táng trong đêm, ngay ngày hôm sau, chính quyền địa phương đã cử cán bộ phường xuống thăm hỏi, hỗ trợ một phần kinh phí cho chị xoay xở trong mùa dịch.

Đêm trắng ở nghĩa trang

Chiếc xe cấp cứu ngay trong đêm chạy thẳng đến Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân) để hỏa táng thi hài người qua đời. Anh Nguyễn Hoài Thuận (26 tuổi, ngụ H.Bình Chánh) là người đảm nhiệm việc lái xe. Khoảng 3 năm nay, anh Thuận vẫn thường xuyên lái xe cấp cứu chở bệnh nhân nghèo về quê. Giờ là lúc anh Thuận tập trung hết thời gian, sức lực để hỗ trợ chở các thi hài đi hỏa táng. Lượng thi hài có lúc được đưa đến hỏa táng nhiều nên phải đợi rất lâu mới tới lượt.

Đêm trắng ở nghĩa trang. Giấc ngủ xung quanh chỉ có mồ mả và… những chiếc xe chở quan tài. “Anh sợ ma không?”. Anh Thuận bảo: “Mình tình nguyện chở người mất đi hỏa táng, thậm chí cả trường hợp mất vì Covid-19 nên đã xác định tư tưởng trước. Chỉ sợ nhất là muỗi chích và không khí nóng bức, bí bách giữa nghĩa trang thôi”.

Do phải chờ hôm sau mới đến lượt đưa thi hài vào hỏa táng, anh Thuận cùng nhiều tài xế khác đành qua đêm ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa. “Cơm có thịt đây, cháo gà, bánh giò đây bà con…”, một người dân đem cơm từ thiện đến phát miễn phí cho các tài xế. Chợp mắt chốc lát rồi choàng tỉnh, anh Thuận cùng một tài xế khác ra gần cổng nghĩa trang ngồi nghỉ ngơi. Họ nói đủ thứ chuyện, nhưng cũng chỉ xoay quanh nỗi mất mát, cảnh sinh ly tử biệt vì dịch bệnh…

Anh Võ Thành Long (22 tuổi, ngụ Q.1), cũng là một tài xế trong nhóm cứu trợ tình nguyện. Mấy ngày đầu gia nhập “đội quân” tình nguyện, anh Long cũng hơi run khi thấy đồng đội hỗ trợ xử lý các thi hài nhiễm Covid-19. Đi được vài ba lần, tinh thần của Long đã vững hơn. “Tôi vô tình lướt mạng xã hội Facebook và biết đến nhóm cứu trợ. Ngưỡng mộ các anh, chị đã không ngại khó khăn, nguy hiểm để giúp đỡ người nghèo khiến tôi quyết định xin gia nhập”, anh Long chia sẻ.

“Tôi ngủ chập chờn trên xe chờ tài (chờ tới lượt đưa quan tài vào hỏa táng) chứ không dám ra ngoài. Phần vì sợ nguồn lây nhiễm Covid-19 từ bên ngoài, phần cũng chưa quen lắm với giấc ngủ ở nghĩa trang thế này”, anh Long nói rồi cho hay dù biết là nguy hiểm nhưng anh sẽ cố gắng đem sức trẻ hỗ trợ cho những hoàn cảnh nghèo khó, góp phần giúp họ vơi bớt nỗi đau trong đại dịch.

Nhà chùa hỗ trợ lưu giữ tro cốt

Đại đức Thích Tâm Nhơn cho biết khi nhóm cứu trợ thực hiện khâm liệm, chở thi hài người mất vì Covid-19 đi hỏa táng ở Bình Hưng Hòa xong, nếu gia đình nào không có điều kiện lưu giữ, có thể liên hệ chùa Pháp Minh để lưu giữ tro cốt. “Hiện cũng có rất nhiều gia đình nhờ chùa lưu giữ tro cốt, việc này hoàn toàn miễn phí nên bà con có nhu cầu cứ liên hệ với nhà chùa”, đại đức Thích Tâm Nhơn chia sẻ.

clip_image037

Anh Nguyễn Hoài Thuận (26 tuổi, ngụ H.Bình Chánh, TP.HCM) thường xuyên thức trắng đêm để chở thi hài đi hỏa táng

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

 

CÔ GÁI ĐỀ NGHỊ TP.HCM CHO SỬ DỤNG 10 CONTAINER ĐỂ CHỨA TỬ THI COVID-19

Vạn điều hay – 15/8/2021

Một cô gái tham gia hỗ trợ người dân TP. HCM từ những ngày đầu bùng phát dịch đã mạnh dạn gửi tâm thư đến lãnh đạo Thành phố kiến nghị cho đặt 10 container để giải quyết vấn đề ùn ứ và các áp lực tại Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa.

Cô gái tên Giang Thị Kim Cúc vào hôm ngày 10/8 đã gửi tâm thư đề xuất phương án đặt container lạnh để lưu trữ tử thi trong lúc chờ đến lượt hỏa táng. Mục đích cuối cùng của lá tâm thư là muốn đưa ra giải pháp để tránh tình trạng lây lan của nạn nhân tử nạn vì dịch bệnh và lo liệu “hậu sự” của những người tử vong vì COVID-19 được chu đáo hơn.

clip_image039Hình chụp màn hình điện thoại toàn văn bức tâm thư. Ảnh: Đã được sự đồng ý của Group Giang Thị Kim Cúc và các Cộng sự.

Vì trực tiếp tham gia hỗ trợ hỏa táng cho rất nhiều trường hợp bệnh nhân trong những ngày qua nên Cúc hiểu rất rõ thực trạng. Đầu thư cô viết: Hiện tại tình trạng xếp hàng của xe tang, xe cứu thương, thậm chí xe lam, xe kéo… tại các cửa lò thiêu đã lên đến 2-3 km. Bên cạnh đó là những dư luận xấu về tình trạng tiêu cực của các dịch vụ mai táng…

Cô viết tiếp “…nhưng ít ai hiểu được các dịch vụ mai táng cũng có nỗi khổ riêng của họ, họ rất khó khăn trong việc tìm người đi gom tử thi và tài xế chấp nhận đứng chờ mòn mỏi tại các lò thiêu…, rất khó nhận được thanh toán từ bệnh viện, từ những hộ nghèo sau khi đã xong nhiệm vụ…

Đó là những bất cập khi làm việc không có kế hoạch, gây lãng phí về người và của, tạo nên dự luận xấu trong dân, kể cả không an toàn trong phòng chống dịch…”

Để minh chứng cho nội dung này Giang T. Kim Cúc đưa ra một phép tính để ví dụ: “Nếu trung bình chiều dài các xe đang xếp hàng chờ đến lượt là 5m mà kéo dài 3km tức là 600 xe, đồng nghĩa 600 quan tài chứa 600 tử thi, cộng thêm một xe ít nhất 2-4 người phục vụ, như vậy sẽ cần tối thiểu là 1.200-2.400 người phục vụ”.

Qua phép tính đơn giản có thể thấy vấn đề ùn ứ xe hỏa táng tại Trung tâm Bình Hưng Hòa (Tp.HCM) ẩn chứa nhiều nguy cơ nguy hiểm từ việc tập trung đông người lẫn khâu bảo quản tử thi và phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm. Đó là chưa kể đến các vấn nạn xã hội khác phát sinh mà thực tế đã xảy ra khi lực lượng chức năng mới đây đã phát hiện và tạm giữ một số đối tượng có hành vi “cò hỏa táng”.

Cô gái còn đưa một vấn đề khác khá nguy hiểm đó là thời tiết nắng nóng hiện tại cộng với việc người chết lâu ngày vì bệnh dịch đã có gây ra tình trạng bục nắp quan tài, bốc mùi hôi và nguy cơ lây nhiễm cao.

Giải pháp mà cô gái đề xuất là: “Để giải quyết kiến nghị này TP chỉ cần cho đặt 10 container lạnh loại 40 feet (chiếm khoảng 300 mét vuông) tại lò thiêu Bình Hưng Hòa, chỉ cần tốn ít điện là đã giải quyết được 3km chiều dài các xe đang chờ đợi và hàng ngàn con người cùng chờ… vừa an toàn dịch bệnh, vừa đỡ tốn sức người sức của”.

Theo phương án sử dụng container của Giang T. Kim Cúc, mỗi container 40feet có thể chứa được 60 tử thi, và với 10 container thì chứa được 600 tử thi và giải quyết được 3km xe chờ đợi như thực trạng đã nêu.

Cúc và nhóm của mình thời gian qua đã hỗ trợ đắc lực cho bà con TP.HCM trong việc hỏa táng người thân. Trực tiếp tham gia nên họ có phản ánh và đánh giá rất chân thực về những khó khăn mà công việc này gặp phải. Những phân tích của Cô trong tâm thư cũng đơn giản mà rất thuyết phục. Đề xuất này là một phương án khả thi.

Trên thực tế báo chí trong nước cũng có thông tin về nhiều nước trên thế giới đã từng sử dụng container trong lưu trữ bảo quản tử thi COVID-19. Ví dụ như Thái Lan trong thảm họa Sóng thần 2004 và mới đây họ lại tiếp tục sử dụng phương án này với các trường hợp tử vong do COVID-19.

Giang Thị Kim Cúc có gửi tâm thư đến lãnh đạo TP.HCM và chia sẻ nội dung lá tâm thư này trên trang cá nhân của mình và nhóm mai táng “0 đồng”. Cô mong muốn cộng đồng chia sẻ và lan tỏa tích cực đề xuất này. Rất nhiều ý kiến tỏ ra tán thành, ủng hộ thậm chí ngưỡng mộ cô gái cùng các bạn tình nguyện viên trong nhóm.

Để minh họa rõ thêm phương án Cúc đã công bố hình ảnh 2 container theo cách gọi của cô là “hình ảnh chiếc container lạnh lùng” mà cô đã mua và cùng các cộng sự nhanh chóng cải tạo công năng phù hợp lưu trữ tử thi.

clip_image041Container được nhóm Giang T.Kim Cúc cải tạo lưu giữ tử thi. Ảnh: chụp từ video Giang T. Kim Cúc

Không dừng lại ở đó Giang T. Kim Cúc còn chia sẻ rằng nếu phương án container được chấp thuận, Cô sẽ bàn tiếp các công việc chi tiết hơn sao cho “hậu sự” của các nạn nhân tử vong COVID-19 được chu đáo như là cầu siêu hay đọc kinh thánh cho những người có đạo khác nhau…

Do cần thêm nhiều nguồn lực cho việc thiện nguyện đầy ý nghĩa của mình nên Cúc cùng các cộng sự vẫn tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân khắp nơi. Để tránh các đối tượng xấu trục lợi, Cô công khai thông tin địa chỉ nhận hỗ trợ trên tài khoản facebook của mình và các cộng sự.

Thời gian qua Chính quyền TP.HCM có nắm bắt và ủng hộ nhất định với hoạt động của nhóm Cúc và các cộng sự. Trước đề xuất của cô gái trẻ, khả năng rất cao là Chính quyền TP.HCM sẽ đồng ý và có phương án triển khai hiệu quả.

Vũ Nam

TRÂN QUÝ NHỮNG TẤM LÒNG

FB Anmai CSsR

Những ngày này, có lẽ hơn bao giờ hết : cần và cần lắm những tấm lòng.

1. Nhỏ em bị nhiễm. Dĩ nhiên sức khỏe không như bình thường và đang trong thời gian hồi phục. Ấy vậy mà lòng vẫn không yên với người nghèo và bệnh tật.

Nhỏ hỏi:

– Cha có quen ai phục vụ trong bệnh viện dã chiến hay khu phong tỏa cách ly không?

– Ờ thì cũng có! Bệnh viện dã chiến thì có sơ AS, lo cho khu phong tỏa thì có 228 Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

– Cha cho xin địa chỉ để liên lạc nhé!

Sau khi liên lạc, Nhỏ trả lời là đã liên lạc được với sơ AS. Sơ nói trong bệnh viện hiện giờ đang cần máy giặt để giặt cho nhân viên phục vụ vì quá tải cũng như cần cái tủ lạnh để trữ thức ăn.

Tưởng chừng từ từ để chạy! Bỏ cả cơm trưa và giờ nghỉ trưa. Hỏi thăm sao không nghỉ thì Nhỏ bảo: "Con đã liên lạc nhờ mua tủ lạnh và máy giặt để giao cho Sơ rồi! Sơ ở đó đến 22/9. Cha khen con đi! Cha thấy con giỏi không?".

Ờ thì giỏi! Khen thì khen nhưng cần phải an dưỡng sau những ngày lành bệnh. Hiện trạng vẫn ở cách ly để hồi phục sức khỏe.

Dẫu người nhỏ thó và yếu ớt nhưng khi nghe đến người nghèo là hắn lại nhảy cẫng lên và lo. Cùng với một vài người bạn, Nhỏ cũng đã không bỏ sót những chuyến viếng thăm và chia sẻ cho Thầy Nhật nuôi trẻ mồ côi ở huyện Chư Sê – Gia Lai.

2. Vừa ngồi máy, Cha bề trên dòng Tên vùng Pleiku chia sẻ:

– Tối qua chuyển đi Đồng Nai! Tối nay đi 1 xe tầm 2 tấn rồi! Còn nhiêu đây đang chờ gửi xe khác.

Dừng một lát, Cha tiếp:

– Toàn bộ hàng củ quả hiện nay đưa về SG (trừ một số sả phải mua) còn lại do anh em đồng bào đóng góp. Người Kinh thì đóng hiện kim. Có người góp chỉ 1 bịch gạo nhỏ tầm 1kg. Đó là những đồng xu bà góa làm nên những chuyến đi trong tuần rồi!

Thương chưa! Có người chỉ góp bì gạo tầm 1 ký! Lòng của anh chị em người đồng bào là vậy đó! Họ nghèo nhưng khi nghe ai nghèo hơn là họ chia sẻ thôi.

Các "cụ" Dòng Tên cũng buồn cười! Dòng Tên nọ giờ nghe kinh sách và giảng dạy cũng như linh thao. Ấy vậy mà giờ đây lại "nhảy" qua cái chuyện lo cho người nghèo!

Chắc có lẽ lòng của "cụ" Phục và nhiều người khác nữa không yên trước những mảnh đời vất vả.

3. Mới sáng sớm. Sơ nguyên Tổng phụ trách Dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum nhắn hỏi:

– Cha! Cha có quen chỗ nào cách ly Cha chỉ để chị em con gởi gạo và rau củ quả?

Nhớ đến bà chị đang lo cho nhiều khu trong Sài Thành nên nhắn:

– Sơ, Sơ cứ gọi cho Sơ N theo số không chính không ba ba hai không ba bảy … nhé! Sơ này và Nhà Dòng đang lo đó!

– Dạ thưa Cha! Con sẽ liên lạc với Sơ đó! Con cảm ơn Cha đã giới thiệu Sơ… cho con.

Lát sau thì nhận tin nhắn:

– Dạ Cha, con sẽ sắp xếp có thể gần cuối tuần mới đi lên TP được vì tài xế phải xuống Trà Vinh mua các loại củ quả. Còn tại Nhà Dòng con liên lạc mua gạo. Đi như vậy phải “tét“ nhiều chỗ, qua các tỉnh đòi hỏi nhiều thủ tục… để bảo đảm an toàn cho mọi người. Con sẽ liên lạc với sơ N khi xe chuẩn bị chở quà lên SG. Con cám ơn Cha đã tạo điều kiện tốt để chúng con có dịp chia sẻ cho người nghèo. Và chúng con phải xin Chính quyền Xã, Huyện chứng nhận mới đi được. Chúng con cố gắng càng sớm càng tốt.

Ơ hay! Vậy là là bà chị và Nhà Dòng cũng sẽ có dịp để trung chuyển chuyến xe tình nghĩa đến từ MTG Cái Nhum.

4. Mới nhắn tin cho bà chị về chuyện MTG Cái Nhum chia sẻ, bà chị quăng cho tin nhắn:

– Ngày nào chị cũng nghe điện thoại báo là Sơ ơi! Tụi con đói quá… Buồn quá!

Đọc dòng tin nhắn của bà chị mà nhói lòng!

Chị lại gửi thêm:

Họ siết xe cộ! Không cho di chuyển nhiều! Hôm qua phải cầu nguyện để các xe tải qua được các chốt công an mới tới nơi!

Lòng càng buồn hơn nữa khi những chuyến xe hàng bị ngưng trệ. Giá như mà đi buôn đi bán để rồi hoạch họe cũng xem là được. Đàng này tất cả cũng là tấm lòng và tấm lòng thôi mà.

Vậy đó! Ở đời, khi gặp nghịch cảnh ta mới biết ai thương ai. Có những người bằng mọi giá để lo cho anh chị em nghèo và bất hạnh. Ngược lại, có những người tìm đủ mọi cách để vén vun và hạch sách đủ điều trên những chuyến hàng trung chuyển.

Thôi thì ở đời cũng có người này người kia. Ta cũng chẳng có giờ để mà trách bởi lẽ thời gian lo việc cũng như chú tâm đến người nghèo đã "ngốn" hết ngân quỹ thời gian của chúng ta.

Lm. Anmai, CSsR

clip_image043

clip_image045

clip_image047

NHỮNG BỨC ẢNH BIẾT NÓI

[Văn Việt: Dưới đây là những bức ảnh của Sài Gòn những ngày biến động gần đây, với những câu chuyện nhiều cảm xúc đằng sau đó]

clip_image049

Ngồi giữa trưa nắng trên thành của cổng vào bến xe, Hồng Mến cho biết đi từ 6h sáng, đến đây cô bị chặn lại. "Em nghe trong hội đồng hương Hà Tĩnh báo hôm nay cùng nhau chạy xe máy về quê nên cũng đi theo. Ba tháng nay em không có tiền, ráng cầm cự mà giờ không lo nổi nữa rồi", cô gái 25 tuổi nói. (Vnexpress)

clip_image051

Gia đình chị Lê Thị Mỹ Hồng, 30 tuổi, trải áo mưa, ngồi từ sáng đến trưa cạnh bốt bảo vệ. Người phụ nữ quê Bình Định cho biết: "Hai vợ chồng làm công ty may mà thất nghiệp ba tháng nay rồi. Bữa giờ không có đoàn nào của tỉnh đón nên nay hai vợ chồng liều chạy xe về. Giờ phòng trọ cũng trả, cả nhà còn đúng 500.000 đồng đi đường mà chính quyền bắt quay lại thì biết ở đâu". (Vnexpress)

clip_image053

Chờ đợi nhiều tiếng không được giải quyết khiến mọi người mệt mỏi, nhiều bé ngủ thiếp trên thảm cỏ. (Vnexpress)

Có thể là hình ảnh về một hoặc nhiều người và ngoài trời

Bé thơ ơi! Gặm đỡ bánh mì đi cho qua cơn đói! (Ký ức đại dịch)

Có thể là hình ảnh về 1 người, trẻ em, đang đứng và ngoài trời

Nín đi con! Sắp về đến nhà rồi! (Ký ức đại dịch)

Có thể là hình ảnh về trẻ em

Bây giờ thì vẫn còn sữa! (Ký ức đại dịch)

clip_image055

Ngồi chờ suốt 5 tiếng, bà Nguyễn Thị Hoàng vẫn mong được chạy xe về Thanh Hóa. Bà cùng cháu trai làm phụ hồ, hết tiền nên đã trả phòng trọ hai ngày nay, phải sống tạm dưới gầm cầu An Sương (quận 12). Khi nghe tin có nhóm hội đồng hương rủ nhau về quê nên bà cũng chạy xe máy về. (Vnexpress)

clip_image057

Nữ sinh quê Quảng Ngãi bật khóc khi nói về hoàn cảnh của mình. Cô cho biết, vừa mới ra trường nên chưa kịp xin việc làm thì dịch bùng phát, để có tiền trang trải phải bán laptop. "Giờ hết sạch tiền, phòng trọ cũng trả nên không về quê thì biết đi đâu được nữa", cô gái 22 tuổi nói. (Vnexpress)

clip_image059

Lực lượng chức năng liên tục phát loa yêu cầu người dân giãn cách và quay về nơi ở, chính quyền địa phương sẽ có biện pháp hỗ trợ. (Vnexpress)

clip_image061

(BIẾT ĐI VỀ ĐÂU?

NƠI ĐÂU LÀ NHÀ?

NƠI ĐÂU LÀ CHỐN BÌNH YÊN?

FB Huy Nguyen)

clip_image063

Tranh của họa sỹ Đạt Hoàng

clip_image065

Một chú chó nhỏ đang kiên cường trên đường về nhà. Thấy thương chú cún quá luôn. Con như một người bạn hiền nên không ai bỏ con lại trên đường mà cùng đồng hành. (FB Nguyễn Thị Bích Hậu)

clip_image067

Lạy trời đừng mưa! (FB Huy Vo Đinh)

clip_image069

12 giờ sau chuyến hồi hương bất thành, ông Huỳnh Văn Sơn (50 tuổi) cùng vợ buồn bã trở về phòng trọ ở phường Bình Hưng Hoà A, quận Bình Tân. (Vnexpress)

clip_image071

Vợ chồng ông Sơn thuê căn gác rộng khoảng 15 m2 với giá 1,5 triệu đồng một tháng để làm phụ hồ. Đợt dịch thứ tư khiến cả hai thất nghiệp nhiều tháng, không còn tiền để ăn uống. "Nhiều lần đăng ký về quê không được nên tôi buộc phải tìm đường về bằng xe máy", ông Sơn nói. (Vnexpress)

clip_image073

Nhà không còn đồ ăn, vợ ông Sơn chế mì gói được phường Tân Thới Nhất, quận 12 hỗ trợ để lót dạ. (Vnexpress)

clip_image075

Ông Sơn cho biết, do hôm qua được cháu gọi điện thông báo "Hội đồng hương Bình Định sẽ dẫn người dân về quê" nên ông và vợ đã mượn 800.000 đồng để xét nghiệm, gom hết quần áo để về nhà ở xã Cát Tân, huyện Phù Cát. (Vnexpress)

clip_image077

Người đàn ông 50 tuổi trải nệm để nghỉ ngơi, cố bám trụ lại TP HCM vì không thể về quê bằng xe máy. (Vnexpress)

Có thể là hình ảnh về đang đứng và đường

ĐƯA EM VỀ

Thằng bé cao gần mét tám, nặng 80 kg hai tuần trươc vào viện. Hôm nay được các anh Bộ đội đưa về. Gia đình nhắn tin và gửi ảnh cho tôi: Em nó được về trang nghiêm, chu đáo. Nhìn các anh cầm dù che nắng cho em về, gia đình khóc vì thương con lẫn vì xúc động. Dịch giã và mất mát, nhưng gia đình được an ủi nhiều.

Cám ơn các Anh! (FB Nguyễn Đức Hiển)

 

TRANH Thăng Fly Comics

When a man cries

clip_image079

TRANH Tuổi Trẻ Cười

Hú hồn với chàng Tarzan đô thị

clip_image081

TRANH Tuổi Trẻ Cười

Ván cờ tướng ngày giãn cách

clip_image083

NGƯỜI TU SĨ THIỆN NGUYỆN

Tổng Giáo phận Sài Gòn

Sáng tác và trình bày: Sr Monica Ngọc Điệp (Dòng nữ Đa Minh Gò Vấp)

Comments are closed.