Từ Những Chùm Hoa đến Phục Sinh của Những Mùa Đời

 Bùi Vĩnh Phúc

 BV Phúc-ảnhtacgia

                                          

 

 

.1.

 

Cái rét của những ngày đông giá đang bắt đầu dịu lại. Trời đất đang trong vòng quay chuyển mùa để đưa khí hậu vào Xuân. Những mầm cây, đang như từ trong một giấc đông miên, bật dậy. Háo hức. Đất trời đang chuẩn bị khoác lên mình một mầu xanh mới, trong khi nhựa cây đang dào dạt di chuyển trong thân, trong lá, trong cành. Nắng. Cái nắng thiết tha và mềm mại của mùa Xuân không chói gắt, hung bạo như nắng mùa Hè, nung đốt trời và đất, rồi để lại những vết thương tấy đỏ của mùa trong những vòm trời hoa phượng. Cái nắng của mùa Xuân tươi non, mạnh mẽ, nhưng vẫn mềm mại như sức trẻ đang vươn. Và rồi những chùm hoa, đủ mọi loại, sẽ lại dập dờn tự thả mình bay trước gió.

 

Tự những chùm hoa, người ta sống lại những hạnh phúc của đời.

 

Có phải thế không, khi nghĩ đến những phút giây đẹp tươi, hân hoan trong vòng tay cuộc sống, người ta thường nhìn thấy trong hậu cảnh của những niềm vui ấy thấp thoáng bóng dáng của những bông hoa, những chùm hoa. Trong không khí của mùa và của những niềm hạnh phúc cũ đang sống lại khi mùa về, chúng ta hãy thử nhìn ngắm những chùm hoa của một thi sĩ, nhà thơ Li-Young Lee, như tôi thử giới thiệu dưới đây. Và bao quanh những chùm hoa này là những chiêm nghiệm về những phút giây hạnh phúc khi chạm mặt và nhìn ra được những bí mật của đời. Có phải đó cũng là một thứ “hạnh của ẩn mật” như có lần Thanh Tâm Tuyền đã nói. (1)

 

 

From Blossoms

 

   From blossoms comes

   this brown paper bag of peaches

   we bought from the boy

   at the bend in the road where we turned toward   

   signs painted Peaches.

 

   From laden boughs, from hands,

   from sweet fellowship in the bins,

   comes nectar at the roadside, succulent

   peaches we devour, dusty skin and all,

   comes the familiar dust of summer, dust we eat.

 

   O, to take what we love inside,

   to carry within us an orchard, to eat

   not only the skin, but the shade,

   not only the sugar, but the days, to hold

   the fruit in our hands, adore it, then bite into   

   the round jubilance of peach.

 

   There are days we live

   as if death were nowhere

   in the background; from joy

   to joy to joy, from wing to wing,

   from blossom to blossom to

   impossible blossom, to sweet impossible blossom.

 

 

 

Từ những chùm hoa

Từ những chùm hoa

đến bịch giấy màu nâu đầy đào

mà chúng tôi mua từ cậu bé
tại chỗ quặt nơi con đường chúng tôi quẹo về phía
những dấu hiệu sơn hình Những Quả Đào.

 

Từ những cành cây trĩu quả, từ những bàn tay,
từ sự thân ái ngọt ngào bên nhau trong những hộp giấy,
đến mật hoa ở bên đường, mọng nước
những quả đào chúng ta ăn ngấu nghiến, vỏ pha bụi bặm và tất cả,
đến bụi đất quen thuộc của mùa hè, bụi đất mà chúng ta ăn.

Ôi, để đưa những gì chúng ta yêu thương vào trong lòng,
để mang theo trong tâm hồn chúng ta một vườn cây ăn quả, để ăn
không phải chỉ có vỏ, nhưng cả bóng râm,
không chỉ có đường ngọt, nhưng cả ngày tháng, để ôm giữ nâng niu
trái cây trong đôi tay chúng ta, tôn thờ nó, sau đó cắn vào
sự mừng vui hớn hở tròn trịa tuyệt vời của trái đào.

Có những ngày chúng ta sống
như thể cái chết là không hề có mặt
ở hậu cảnh; từ niềm vui này
đến niềm vui khác đến niềm vui khác nữa,                                                             

từ đôi cánh này sang đôi cánh nọ,
từ chùm hoa này đến chùm hoa kia đến

chùm hoa bất khả, đến chùm hoa bất khả ngọt ngào.  (*)

 

 

Li-Young Lee có một dòng dõi, một tiểu sử khá đặc biệt. Ông sinh năm 1957 tại Jakarta, Indonesia, xuất thân từ một dòng dõi danh tiếng Trung Hoa. Ông cụ/cố ngoại của ông là vị tổng thống Cộng Hoà đầu tiên của đất nước này. (2) Bố của ông đã từng là y sĩ riêng của Mao Trạch Đông khi còn ở Trung Hoa lục địa; sau đó, bố ông đưa gia đình sang sống cuộc sống lưu vong tại Indonesia để tránh độc tài Cộng sản, và, ở đó, bố ông đã giúp trong việc thành lập đại học Gamaliel. Năm 1959, gia đình ông lại phải chạy khỏi đất nước này để tránh nạn chống người Hoa ở đây do nhà độc tài Indonesia là Sukarno khởi xướng. Sau năm năm lang thang trốn chạy qua các ngả Hồng Kông, Ma Cao, rồi Nhật Bản, gia đình ông cuối cùng đã định cư tại nước Mỹ vào năm 1964.  Nhà thơ theo học tại các đại học Pittsburgh và Arizona, rồi tại State University of New York tại Brockport. Ông đã dạy tại nhiều đại học, kể cả Northwestern, Stanford, và University of Iowa. Ông là tác giả của nhiều tập thơ và hồi ký như Behind My Eyes, Book of My Nights, The City in Which I Love You, The Winged Seed: A Remembrance, v.v…

Kể từ khi cầm bút, ông đã có được nhiều giải thưởng danh giá. Từ Academy of American Poets, Whiting Writer’s Award, William Carlos Williams Award, PEN Oakland/Josephine Miles Award, I. B. Lavan Award, v.v., bảy giải thưởng Pushcart, và các tặng thưởng từ Hội đồng Nghệ thuật Illinois, Commonwealth of Pennsylvania, Hội đồng Nghệ thuật Pennsylvania, và từ National Endowment for the Arts, cũng như học bổng từ Guggenheim Foundation. Vào năm 1998, nhà thơ nhận được học vị Tiến sĩ danh dự về Văn chương do State University of New York tại Brockport trao tặng.

Tất cả những vinh quang mà những giải thưởng này mang lại cho ông đều bắt nguồn, đa phần, từ những bài thơ mà nhà phê bình/nhà thơ Gerald Stern cho là đã đem được cái ngây ngất vào trong trường suy tưởng của Lee và để nó bao phủ những suy tưởng ấy. Thơ ông là một sự dâng hiến cho ngôn ngữ, và một niềm tin vào sự thiêng liêng của ngôn từ. Ông được biết đến nhiều vì những hình tượng sống động trong thơ mình, vì sự im lặng/những khoảng lặng, cũng như từ những kinh nghiệm cá nhân hoặc hồi ức của ông. Vì có một tuổi thơ đầy chấn động, thơ của ông thường mang những chủ đề về sự xa lạ/sự vong thân và sự truy tìm bản sắc. Những di dân (trong đó có những con người Việt Nam) có thể, ở những mức độ khác nhau, chia sẻ cái cảm thức đánh mất mình và nỗ lực tìm về nguồn gốc, tìm kiếm bản sắc của Lee nơi một vùng đất mới.

 

Và nếu, một ngày nào đó, bạn gặp một người

trên quê hương thứ hai

mà bạn gọi là nhà, và bạn tin rằng

bạn nhìn thấy trên khuôn mặt người kia

một khung trời mở rộng,

một lời hứa nào đó cho một cuộc bắt đầu mới

điều đó có thể có nghĩa là

bạn đang đứng ở quá xa…

 

Với những câu thơ như thế, nhà thơ muốn nói là, nếu bạn đứng ở gần hơn, nếu bạn đến gần hơn, nếu bạn đã thật sự bước vào đời sống trên quê hương thứ hai này, bạn sẽ thấy nhạt nhoà dần đi những mơ tưởng lúc đầu, khi bạn chuẩn bị hoặc bắt đầu cuộc sống trên quê hương mới. Những lời hứa nhạt dần đi cái vị ngọt ban đầu của chúng.

 

Nhưng, có lẽ, chúng ta nên trở về với bài thơ “Từ Những Chùm Hoa” của Lee, trở về với những dấu chỉ, những cái-biểu-đạt (signifiers) đầy ắp trong bài thơ này, để nhìn ra những cái-được-biểu-đạt (signifieds), những cái được cất giấu bên trong chúng.

 

Từ những chùm hoa, đến những bịch giấy màu nâu, chỗ quặt, những dấu hiệu sơn hình những quả đào, đến những cành cây trĩu quả, những bàn tay, những hộp giấy, rồi mật hoa bên đường, cuối cùng, nhà thơ cho người đọc thấy những trái đào “mọng nước”, “sự tròn trịa hớn hở” của chúng, và “những quả đào chúng ta ăn ngấu nghiến, vỏ pha bụi bặm và tất cả”, “bụi đất mà chúng ta ăn”… Hình như trái đào của ông không chỉ còn là trái đào nữa. Mà nó là biểu tượng, là ẩn dụ về cuộc đời. Sự ngọt ngào của trái đào tiêu biểu cho những ngày vui, những giây phút hạnh phúc của cuộc sống. Những phút giây hạnh phúc khiến ông ăn không những “chỉ có vỏ, nhưng cả bóng râm, không chỉ có đường ngọt, nhưng cả ngày tháng”, và ông cứ muốn cất giữ trong tâm hồn “cả một vườn cây ăn quả” để có thể tìm kiếm, đào bới trong khu vườn ấy những tháng năm hạnh phúc cũ. Cuộc đời mong ước của gần như tất cả chúng ta chính là khu vườn kia. Khu vườn đầy bóng râm, mùi thơm và hoa trái chín mọng. Nhưng “ngày tháng” mà ông nhắc lại  khi nghĩ đến những “bóng râm” ấy có thể là ngày tháng, thời gian để cho những quả cây kia, từ chất nhựa mà mặt trời đốt nóng trong thân cây, trong cành, biến thành mầm, thành hoa, rồi, cuối cùng, mới thành những quả mọng nước lúc lỉu trên cành cây, trong tầm tay với của người. Những ngày tháng ấy cũng có thể nhắc cho chúng ta nhớ đến công lao của những người làm vườn, phải dang nắng bắt sâu, tỉa cành, tưới nước, để, một ngày nào đó, ta có thể, trong “những bóng râm” của đời, nâng niu những trái đào trong đôi tay và cắn vào sự mềm mại mọng nước tuyệt vời của nó.

 

Như thế, khi ăn trái đào, người ta có thể nhớ về tất cả. Nhớ lại là đã có một người làm vườn gieo hạt, trồng cây; đã có những kẻ phải tỉa cành, bắt sâu, tưới nước; đã có phân bón và những mùa nắng gió đi qua; và đã có mảnh đất nâng đỡ và làm lớn dậy cây đào và những trái ngọt thơm mọng nước lúc lỉu trên cành. Chúng ta nên nhớ lại tất cả. Như Kahlil Gibran đã nhớ lại nhiều điều khi cắn một trái táo hay khi uống một cốc rượu nho:

 

“(…) Và khi răng bạn cắn ngập vào trái táo, hãy thầm thì với nó trong trái tim mình:

‘Những hạt của mi sẽ sống trong thân xác ta,

và những mầm nụ tương lai của mi sẽ đơm hoa trong tim ta,

và hương thơm của mi sẽ thành hơi thở ta,

và cùng nhau chúng ta sẽ hân hoan hạnh phúc qua các mùa’,

 

(…) Rồi tới mùa đông, khi bạn lấy rượu nho, hãy cất lên trong lòng mình một bài hát cho mỗi một ly;

và hãy gửi vào bài hát ấy một nỗi hoài nhớ đến những ngày mùa thu, đến khu vườn nho, và đến cái máy ép nho.”  (3)

Cho dù yêu thương những tháng ngày hạnh phúc, tươi vui, người ta cũng không nên quên đi những ngày khổ đau, mưa gió, thất bại và buồn chán trong đời. Tác giả nhắc, “những quả đào chúng ta ăn ngấu nghiến, vỏ pha bụi bặm và tất cả, (…) bụi đất mà chúng ta ăn.” Bụi bặm đất cát kia là những gì bám vào lớp vỏ mềm, phơn phớt lông tơ, dịu dàng, tròn trịa, cất giữ bên trong nó chất nước mọng thơm ngọt ngào của trái. Ôm ấp trái đào trong đôi bàn tay, người ta cắn vào sự tròn trịa mềm thơm kia một cách ngất ngây, ngấu nghiến. Bụi bặm đất cát bám trên trái đào nhắc con người nhớ đến những ngày tháng không hẳn là hạnh phúc trong đời hắn, những chông gai, những trở ngại. Có thể đó chính là những khổ đau mà hắn đã được chia phần trong đời. Hãy ôm lấy khổ đau và chiêm nghiệm chúng. Vì chúng cũng là một phần của cuộc sống. Khổ đau và niềm vui sướng đi chung với nhau. Và, nhiều khi, chính buồn đau thống khổ lại là mặt bên kia của lạc thú hân hoan. Hay là ngược lại.

 

Và, tôi nhớ, Kahlil Gibran cũng đã có dịp nói về những điều này:

 

” (…) Niềm vui của bạn là nỗi ưu sầu mình không che mạng.

Và tự cùng giếng khơi lòng mình nơi tiếng cười bạn vang lên lại thường khi là nơi chứa đầy nước mắt bạn.

Mà làm sao có thể khác đi?

Nỗi buồn càng khoét sâu chừng nào vào hiện sinh bạn thì niềm vui bạn chứa được càng nhiều.

Chẳng phải sao, cái ly đựng rượu nho của bạn chính là cái ly được nung đốt từ lò của người thợ gốm?

Và chẳng phải sao, chiếc tỳ-bà xoa dịu lòng bạn đã không từng là khúc gỗ bị dao khoét rỗng?

Khi vui, hãy nhìn sâu vào trong lòng mình, và bạn sẽ thấy rằng những gì đã khiến bạn buồn đau giờ lại đang đem cho bạn niềm vui.

Khi buồn, cũng hãy lại nhìn vào lòng mình, và bạn sẽ thấy rằng thực ra bạn đang khóc vì những gì đã từng làm bạn ngất ngây vui sướng.

 

(…) Chúng [vui buồn] không thể tách rời. 

Cùng nhau chúng đến, và khi điều này ngồi chung với bạn ở bàn ăn, hãy nhớ rằng điều kia đang ngủ ngon trong giường bạn.” (4)

Những thao tác liên-văn bản như thế này, tôi nghĩ, một phần có thể mở rộng những suy tưởng của Lee; mặt khác, chúng cũng có thể đào sâu vào một số điều ẩn mật mà bài thơ này của Lee cất giữ. Thật sự, tất cả những điều ẩn mật của đời vốn đều đã nằm đâu đó trong cuộc sống. Và những con người nhạy cảm, những nhà thơ, những nhà thấu thị đã nhìn thấy chúng, và kéo chúng vào giữa cuộc đời. Họ đưa chúng lên trang giấy, chiếu một ánh sáng trắng nguyên sơ vào chúng. Và, từ đó, từ những góc cạnh cảm nhận khác nhau trong lòng mình, những người đọc khác nhau sẽ chiếu vào cái ánh sáng trắng tinh tuyền kia những rung động riêng. Một phổ ánh sáng sẽ xuất hiện và cho ta đủ loại mầu sắc. Đó là sự giao ứng của cái viết và cái đọc. Và, qua đó, những thế giới được hình thành.

 

Đời sống là những đắp đổi giữa vui và buồn, hy vọng và thất vọng, tiếng khóc và nụ cưởi. Và, nhìn kìa, những quả đào. “Những quả đào mà chúng ta ăn ngấu nghiến, vỏ pha bụi bặm”. Nhưng ngay cả khi được bọc trong bụi bặm như thế, những quả đào vẫn cứ ngon và ngọt và mọng nước. Ngay trong những ngày buồn nản trong cuộc sống, người ta vẫn có thể trở lại “khu vườn xưa”, “cái vườn quả” trĩu nặng ấy trong hồn mình, để sống lại những giờ phút hân hoan, hạnh phúc. Một bờ tường nắng, một tiếng chim kêu đầu ngọn cây, những hạt mưa lấm tấm rồi lào rào loang lổ trên sân chiều, mùi thơm của ổi, của đào, của na, của mít, v.v.  Tất cả những giây phút long lanh sáng láng và dịu thơm trong đời ấy sẽ che giấu hết đi những buồn đau của những ngày đen xám và trống vắng. Chỉ cần một vài khoảnh khắc bừng sáng trong đời để người ta nhìn ra ý nghĩa của cuộc sống.

 

Trong một bài phỏng vấn, Li-Young Lee nói, “Tôi tin sự hiện hữu mang tính chất thẩm mỹ, tôi tin ý thức thẩm mỹ, là dạng thể toàn vẹn hay cao vời nhất của sự hiện hữu mà chúng ta có thể đạt đến. Nó thiêng liêng hoá những gì chúng ta quan sát, hoặc những gì mà ta chú tâm đến. Nó làm linh thiêng, tôi không nên nói là ‘làm linh thiêng’, nó bật mở tính chất thiêng liêng của cuộc sống chúng ta. Bật mở tính chất thiêng liêng, bởi lẽ anh không dự phóng nó, anh không làm cho nó trở thành thiêng liêng, nó là sự thiêng liêng.”

 

Trong hướng nhìn ấy của nhà thơ, tôi tin rằng mỗi lần một bông hoa nở, sự sống lại bắt đầu cuộc phục sinh của nó.

 

Mỗi lần trở lại “vườn quả kia” trong hồn mình, người ta cũng sẽ sống lại như thế.

 

“Vườn quả” mọc lên trong lòng ta không phải chỉ từ quả đào, quả ổi ta ăn, mà còn từ đất đai mà từ đó cây ổi, cây đào đã mọc lên, từ đất cát bụi bặm bám trên quả ổi, quả đào. Từ sự ăn ấy, cái bên trong và cái bên ngoài, cái ta và cái không-ta, cái ăn và cái được ăn, cái cụ thể và cái trừu tượng, trong thoáng chốc, bị xoá nhoà hoặc như tan biến vào nhau. Một ngất ngây bừng ngộ, một epiphany. Một sự kết hợp rất thánh. Một cảm quan đầy ánh sáng tôn giáo.

 

Cảm nghiệm rất tôn giáo này đã từng được Patricia Schlutt chỉ ra khi nói về bài thơ “The Gift” (“Món Quà Tặng”) của Lee. Đây là một bài thơ nổi tiếng khác của nhà thơ, kể chuyện người cha nâng niu bàn tay của đứa con mình để giúp kéo cái dằm trong bàn tay bé nhỏ ấy ra. Để làm cho đứa con yên tâm và quên đi cái đau, người cha vừa tìm cách kéo cái dằm ra khỏi bàn tay nhỏ bé, vừa kể một câu truyện cho cậu bé nghe để cậu quên đi cái đau kia. “Tiếng nói của người cha là ‘một cái giếng sâu đầy nước tối, một lời cầu nguyện’ (‘a well of dark water, a prayer’). ‘Lời nguyện’ này tạo ra một ẩn dụ trong một quan hệ linh thánh giữa đứa bé và cha nó. Đó là một khoảnh khắc dịu dàng và đẹp. ‘Nếu bạn đi vào buổi chiều hôm ấy / Hẳn bạn sẽ nghĩ là bạn thấy một người đàn ông / trồng một cái gì đó trong bàn tay đứa con trai / một giọt lệ bạc, một ngọn lửa nhỏ’ (‘Had you entered that afternoon / You would have thought you saw a man / planting something in a boy’s palm, / a silver tear, a tiny flame’). Người đọc đã đọc nhiều tác phẩm của Lee có thể tự hỏi có phải ngọn lửa này chính là tình yêu hay không: tình yêu dành cho ngôn ngữ và tình yêu dành cho Thượng Đế, vì những chủ đề này xuất hiện trở đi trở lại nhiều lần trong sáng tác của nhà thơ.”

 

Để tóm kết, có lẽ chúng ta cũng nên để ý đến đoạn cuối bài thơ “Từ Những Chùm Hoa” của Lee:

 

Có những ngày chúng ta sống
như thể cái chết là không hề có mặt
ở hậu cảnh; từ niềm vui này
đến niềm vui khác đến niềm vui khác nữa,                                                             

từ đôi cánh này sang đôi cánh nọ,
từ chùm hoa này đến chùm hoa kia đến

chùm hoa bất khả, đến chùm hoa bất khả ngọt ngào. 

 

Con người ta, trong cuộc sống, thường không mấy ai nghĩ đến cái chết sắp đến của mình. Chính tác giả, trong niềm thiết tha với những “tặng phẩm của trần gian”, những tặng phẩm từ thiên nhiên, từ cuộc đời, cũng nhắc nhở chúng ta yêu những phút giây hiện tại, những phút giây hân hoan mà cuộc đời hiến tặng cho con người. Nhà thơ như nhắc cho chúng ta câu danh ngôn nổi tiếng Carpe diem. Hãy nắm lấy ngày hôm nay, vì mọi thứ sẽ qua rất nhanh.

 

Nhưng cái chết vẫn ở đó. Cái chết định nghĩa và khuôn buộc cuộc sống của mỗi người. Cái chết đứng trên cao và dọi cặp mắt nghiêm trang/nghiêm khắc của nó xuống đời sống con người. Rồi nó sẽ thống trị mỗi cái sống ấy, ở đoạn kết. Nhưng chính cái năng lực có tính cách thống trị này lại trở nên mất đi sức sống nếu nó không được nuôi dưỡng bởi dòng máu của đời sống, của những niềm vui rất thoáng qua, cho dù không toàn vẹn, bởi cái ánh sáng hồng ửng loé lên rất nhanh rồi vụt tắt vào đêm kia. Cái chết chỉ có ý nghĩa khi đã có sự sống mọc vươn lên trước nó.

 

Tôi nghĩ có lẽ nhà thơ cũng đã nghĩ đến điều ấy khi ông nhắc đến cái chết ở phần cuối bài này. Dù sao, chính những “chùm hoa bất khả, những chùm hoa bất khả ngọt ngào” của ông đã nở rộ trong trái tim người đọc, chứ không phải cái sức mạnh có tính thống trị kia.

 

Thơ của ông cho thấy sự đối thoại giữa cái vĩnh cửu và cái thoáng chốc. Cái mỹ học, và, có thể nói, cả cái đạo học, của thơ ca mà nhà thơ trình ra trước cuộc đời, có lẽ nằm ngay trong những cái nhìn, những suy tưởng, những cảm nghiệm đầy tính thiêng liêng ấy của ông.

 

 

 

.2.

 

Mùa Xuân cũng là mùa của sự phục sinh, sự sống lại.

 

Ở đây, tôi muốn chia sẻ thêm một đoạn văn, cũng có thể coi như một bài thơ xuôi, của Henry David Thoreau, một nhà tư tưởng có nhiều ảnh hưởng của Mỹ.

 

Tác phẩm nổi tiếng của ông, Walden (ban đầu được đặt tên là Walden; or Life in the Woods), được xuất bản vào năm 1854, là một chiêm nghiệm của ông về cuộc sống giản dị trong khung cảnh núi rừng. Nó bắt đầu từ sự kiện Thoreau, vào tháng Ba năm 1845, một thân một rìu, bỏ thế giới phồn tạp của con người, vào sống bên hồ Walden trong khu rừng núi thiên nhiên do người bạn (cũng là người thầy tinh thần) của ông là Ralph Waldo Emerson làm chủ. Nơi đây, ông đã xây một cái ngôi nhà nhỏ và tự mình trồng khoai tây, đậu, ngô, củ cải, v.v., quanh ngôi nhà nhỏ này. Ông đã sống và cảm nghiệm đời sống tự nhiên mà ông cho là lý tưởng ấy trong vòng hai năm, hai tháng, hai ngày tại ngôi nhà nhỏ, bên hồ Walden, gần Concord, Massachusetts. Quyển sách được xuất bản lần đầu, vào chín năm sau đó, một phần là một tuyên ngôn độc lập của ông, phần khác là một diễn tả về một thử nghiệm mang tính xã hội, một cuộc du hành khám phá những cõi bờ tinh thần, một thiên châm biếm, và một hướng dẫn luận về cuộc sống tự lực.

 

Cho dù ông đã xác nhận rõ Walden không hoàn toàn toàn nằm trong vùng hoang dại của thiên nhiên, mà nằm ở chỗ tiếp giáp của thiên nhiên và đời sống “văn minh”, nằm trên bờ ranh của ngôi làng ông sống với rừng núi, ông đã học được nhiều điều từ cuộc sống này. Qua cuộc sống ở đây, Thoreau hy vọng ông có được một sự hiểu biết khách quan hơn về xã hội qua chính những cuộc thăm dò nội tâm đầy tính riêng tư của mình. Và quả có như thế, Walden chính là một thứ quê hương tinh thần của Thoreau. Ở đó, ông có thời gian lắng đọng, nghe ngóng, theo dõi, cảm thụ và trầm tư về đời sống mình, về tâm hồn mình.

 

Từ những chiêm nghiệm trong quyển sách mang nhiều chất trí tuệ này, Thoreau mang lại cho người đọc sự yên tĩnh trong tâm hồn qua việc hướng họ tới một cuộc sống giản dị, không cầu kỳ, phức tạp, và không chìm đắm vào vật chất. Phần nào, ông đưa người đọc trở về với cái triết lý của Đông phương, của người xưa, mà Nguyễn Công Trứ đã phát biểu trong bài “Chữ Nhàn”: “tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc / tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn”.

 

Đoạn văn dưới đây trích từ đoạn kết của Walden:

 

“The life in us is like the water in the river. It may rise this year higher than man has ever known it, and flood the parched uplands; even this may be the eventful year, which will drown out all our muskrats. It was not always dry land where we dwell. I see far inland the banks which the stream anciently washed, before science began to record its freshets. Every one has heard the story which has gone the rounds of New England, of a strong and beautiful bug which came out of the dry leaf of an old table of apple-tree wood, which had stood in a farmer’s kitchen for sixty years, first in Connecticut, and afterward in Massachusetts — from an egg deposited in the living tree many years earlier still, as appeared by counting the annual layers beyond it; which was heard gnawing out for several weeks, hatched perchance by the heat of an urn. Who does not feel his faith in a resurrection and immortality strengthened by hearing of this? Who knows what beautiful and winged life, whose egg has been buried for ages under many concentric layers of woodenness in the dead dry life of society, deposited at first in the alburnum of the green and living tree, which has been gradually converted into the semblance of its well-seasoned tomb — heard perchance gnawing out now for years by the astonished family of man, as they sat round the festive board — may unexpectedly come forth from amidst society’s most trivial and handselled furniture, to enjoy its perfect summer life at last! 

I do not say that John or Jonathan will realize all this; but such is the character of that morrow which mere lapse of time can never make to dawn. The light which puts out our eyes is darkness to us. Only that day dawns to which we are awake. There is more day to dawn. The sun is but a morning star. “

(  “Cuộc sống trong chúng ta cũng giống như nước trong dòng sông. Nó có thể dâng lên cao hơn năm nay so với kinh nghiệm mà người ta từng biết, và làm ngập ngụa các vùng núi khô cằn; ngay cả điều này có thể khiến năm nay là năm đầy sự kiện, sẽ nhấn chìm đi tất cả các con chuột xạ của chúng ta. Nơi chúng ta trú ngụ không phải lúc nào cũng là nơi đất khô. Tôi nhìn xa vào đất liền nơi các bờ đất mà dòng nước xưa rửa sạch, trước khi khoa học bắt đầu ghi nhận về những dòng chảy của nó. Mọi người đều đã từng nghe câu chuyện được truyền tụng tại New England, về một chú bọ đẹp và mạnh mẽ thoát ra từ một cánh bàn khô của một cái bàn cũ làm bằng gỗ cây táo, cái bàn đã đứng trong nhà bếp của một nông dân trong sáu mươi năm, đầu tiên ở Connecticut, sau đó chuyển về Massachusetts—từ một cái trứng bé tí, được vùi đặt trong một thân cây sống từ nhiều năm trước đó, như người ta đã nhận ra bằng cách đếm các lớp vỏ mọc ra hàng năm, mà người ta nghe lạo xạo trong suốt nhiều tuần, không chừng đã nở ra do nhiệt của một chiếc bình đựng trà hay cà-phê nóng. Ai mà lại chẳng cảm thấy niềm tin vào sự phục sinh và sự bất tử được gia tăng qua việc nghe những điều này? Ai biết được cái cuộc sống đẹp đẽ và có cánh nào, phát xuất từ một cái trứng bé tí được vùi lấp bao nhiêu năm dưới nhiều lớp vỏ đồng tâm của chất gỗ cứng trong cuộc sống khô chết của xã hội, đầu tiên được đặt trong dát gỗ của cái cây xanh và sống động kia, rồi dần dần hình thể nơi đó được chuyển biến thành một cái mộ bền vững từ năm này qua năm khác—tiếng gặm lạo xạo không chừng cái gia đình đầy ngạc nhiên này đã nghe được trong suốt bao nhiêu năm khi họ ngồi quanh bàn tiệc—có thể bất ngờ xuất hiện từ giữa món đồ nội thất tầm thường như một món quà tặng của xã hội, để cuối cùng tận hưởng cuộc sống mùa hè hoàn hảo của nó!

Tôi không nói rằng một người bình thường sẽ nhận thức được tất cả điều này; nhưng đó chính là tính cách của ngày mai mà chỉ khoảng cách của thời gian không thôi không bao giờ có thể làm cho bừng dậy. Nguồn sáng đậy lại cặp mắt của chúng ta là bóng tối đối với chúng ta. Bình minh chỉ bừng dậy vào ngày mà chúng ta tỉnh thức. Còn nhiều ngày bừng dậy nữa. Mặt trời chỉ là một ngôi sao buổi sớm.” )

Là người theo thuyết Siêu-việt luận (Transcendentalism), một hệ thống triết lý và xã hội phát khởi ở New England vào khoảng năm 1836, mang tính lý tưởng, chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn, của triết luận Platon và Immanuel Kant, phần lớn dựa trên ý tưởng là để nắm bắt được tính chất của thực tại, con người trước hết phải khảo sát và phân tích cái tiến trình của lý luận vốn chi phối tính chất của kinh nghiệm, Thoreau đã “đi vào rừng” để có cơ hội và không gian (cả vật lý lẫn tinh thần) sâu lắng hơn trong việc dò tìm này. Siêu-việt luận ra đời để chống lại sự lên ngôi có tính “toàn trị” của chủ nghĩa duy lý. Nó cho rằng thần tính đi vào trong mọi ngóc ngách của thiên nhiên và con người. Trong nền văn học Mỹ, Ralph Waldo Emerson và Henry David Thoreau là những khuôn mặt nổi bật của Siêu-việt luận.

Câu chuyện về con bọ “đẹp và mạnh mẽ” kia nhắc cho ta thấy sự mầu nhiệm của đời sống. Nó nhắc nhở ta về sự phục sinh. Và vĩnh cửu. Có vẻ như Thoreau tin rằng những điều tốt đẹp mà con người thực hiện trong đời sẽ không bị chôn vùi đi cùng với cái chết của người ấy. Nó giúp con người không để hình ảnh cái chết đè nén năng lực sống trong nó. Trong quyển The Quest for Life in Amber (Cuộc Truy Tìm Sự Sống trong Hổ Phách) mà tôi có dịp đọc vào khoảng mùa Xuân năm ngoái, hai tác giả George Poinar và Roberta Poinar, hai nhà khoa học nổi tiếng làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu côn trùng, tuyến trùng (nematodes) và vi sinh vật trong các phòng thí nghiệm, nghiên cứu của University of California tại Berkeley, sử dụng các kính hiển vi điện tử (5), đã tường trình một cách tỉ mỉ và công phu những nỗ lực đi tìm sự sống trong các mẩu, các khối hổ phách (6) mà họ đã tìm được tại nhiều nơi trên thế giới. Những kết quả nghiên cứu mang tính đột phá của họ đã làm sững sờ cộng đồng khoa học trên khắp thế giới: họ đã “bắt giữ” được những sợi DNA “sống” từ một con côn trùng có tuổi thọ trên 40 triệu năm. Bước đột phá này có ý nghĩa thật lớn lao đến nỗi nó trở thành một bản tin chính xuất hiện trên báo chí khắp nơi. Kể từ đó, phòng thí nghiệm của họ tiếp tục hoạt động tích cực và được khắp thế giới theo dõi. Và vào năm 1993, hai tác giả này và nhóm nghiên cứu của họ tại UC, Berkeley đã có thể tuyên bố với toàn nhân loại là họ đã thành công trong việc lưu giữ những sợi DNA có tuổi sống trên 125 triệu năm. Từ đó, giới khoa học có được DNA, những phân tử nguồn mạch của sự sống, để nghiên cứu từ thời sơ khai giai đoạn mà loài khủng long có mặt trên trái đất. (7)

Hãy trở lại với Walden. Đoạn kết của Thoreau trong cuốn sách này cho ta một vài suy nghĩ:  Cuộc sống con người, tuỳ theo hoàn cảnh và thời gian, cũng như một dòng nước, lúc vơi lúc đầy, chảy mãi chảy mãi. Giống như dòng sông được làm đầy bởi những cơn mưa, càng nhận được nhiều nước nó càng trở nên vạm vỡ, lực lưỡng, xiết chảy, con người cũng thế. Hiểu biết càng nhiều, sức mạnh tinh thần càng trở nên lớn lao. Nhưng khi đã đạt đến một dung lượng “tới mức”, nó phải tìm cách san sẻ cái năng lực ấy đi, bằng một cách thức nào đó, chẳng hạn như qua sự trao truyền, dạy dỗ. Nếu không, có lẽ sự tràn đầy, thừa mứa đó cũng không hơn gì, có khi lại còn nguy hại hơn, là có ít hoặc không có nước. Bởi lụt lội và sự tàn phá sẽ là điều khó tránh khỏi. Sự tích tụ năng lượng tinh thần cũng thế, mà sự tích tụ vật chất cũng thế. Sẽ là điều tốt nếu đó là một sự tích tụ vừa phải. Vượt quá một mức độ nào đó, trở nên thừa mứa, là sự nguy hại.

Thoreau, trong tác phẩm của mình, cho thấy sức mạnh của sự tưởng tượng, của sự sử dụng ẩn dụ, của nhận thức và lý giải, cái sức mạnh của con người mang tính liên kết và xây dựng cái nhìn trên huyền thoại, một thứ mythopoeia. Ông nhắc chúng ta là cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng, không phải lúc nào con người cũng sống trên “những vùng đất khô ráo”, mà, có khi, cuộc sống của chúng ta “ngập nước” với sự lụt lội, tàn phá. “Chuột xạ” là những sinh vật sống trong dòng sông. Thoreau, ở đây, có lẽ muốn dùng ẩn dụ này để ám chỉ những năng lực tiêu cực trong cuộc sống. Con người phải tìm cách dứt bỏ những năng lực mang tính tiêu cực ấy khỏi tinh thần, khỏi đời sống mình. Rồi những cơn mưa, những dòng nước mới sẽ lại chảy đến, làm tràn đầy và làm tươi mới sự sống, năng lực của ta. Đừng giữ nước ao tù, tồn đọng. Nó sẽ làm ung thối dòng sống. Mà phải đổi mới. Rửa sạch và làm đầy dòng nước của cuộc đởi mình.

Đoạn văn kết này còn đưa đến cho ta một bài học về sự hy vọng và lòng kiên nhẫn, tin tưởng. Hy vọng luôn nuôi dưỡng sự sống. Hy vọng vào những cái tưởng như đã bị vùi chôn, mất đi mãi mãi. Những cái tưởng là không còn, đã chết đi ấy, có thể, vẫn còn giữ trong chúng mầm sống. Chúng chỉ ẩn tàng ở đâu đó, chờ đợi một buổi sáng phục sinh. Và chúng ta sẽ được thấy lại sự sống đẹp đẽ, bay lượn vào một ngày mai. Nếu chúng ta biết kiên nhẫn chờ đợi. Và tin tưởng.

Mặt trời chỉ mọc cho những ai sẵn sàng đón đợi nó. Nếu con người chỉ nằm vùi trong chăn mà không chuẩn bị để có mặt trước sân nhà mỗi sáng chờ đợi một vầng hồng, ta sẽ không thể thấy mặt trời lên. Bình minh chỉ bừng dậy vào ngày mà chúng ta tỉnh thức. Ta chỉ thấy được mặt trời bằng những nỗ lực của chính mình, không phải qua ánh sáng của những kẻ khác.

Rồi một mặt trời mới sẽ lại mọc lên. Còn nhiều ngày bừng dậy nữa. Mặt trời chỉ là một ngôi sao buổi sớm.

Cuộc phục sinh kia sẽ không xảy ra chớp nhoáng. Nó cần thời gian. Sự kiên nhẫn. Sự chuẩn bị. Niềm tin. Và, dĩ nhiên, những nỗ lực phải có của con người.

 

.3.

Hai bài thơ cho mùa Xuân. Những Chùm Hoa và Sự Phục Sinh. Phục Sinh có nghĩa là sống lại, nhưng nó cũng có nghĩa là bắt đầu một chu kỳ mới.

Một tác giả hiện đại và một tác giả sống cách ta trên dưởi 150 năm. Hai bài thơ của họ, đọc lại trong một mùa Xuân sắp đến này, lại mang đến cho tôi những máy động và phấn khích mới. Chúng làm ấm nóng trở lại những điều đã mòn, đã cũ, và, có thể, đang chết đi. Chúng nhắc cho tôi đến những nhịp đi của mùa màng, trời đất. Đến những lá hoa luôn chờ đợi để bừng dậy, để bước trở lại những bước nhảy dịu dàng và đằm thắm của tiết mùa.

Trong thời tiết của một mùa Xuân đang đến, tôi muốn nghe chảy xiết lại trong hồn mình cái tiếng reo của dòng sông kia. Tiếng reo của những nhịp sống luôn luôn bồi hồi luân chuyển. Tôi muốn giữ lại trong tai mình tiếng lạo xạo, nghiến nhịp trên thớ gỗ. Những thớ gỗ đã cả trăm năm. Tôi muốn đôi mắt mình còn giữ lại được những vòng bay của một con bọ có đôi cánh đẹp, đập theo những tiết tấu kỳ lạ của trái tim nó. Một trái tim còn rất mới, cho dù đã phát xuất từ một cái trứng bọ cũ kỹ, lâu đời, vốn vùi sâu trong dát gỗ.

 

Và tôi cũng muốn giữ lại trong tầm nhìn mình những chùm hoa kia. Những chùm hoa đang đong đưa trước gió. Muốn giữ lại trong lòng mình mùi thơm của ổi, của đào, của na, của mít.

 

Tôi cũng muốn giữ lại trong lòng mình cái vườn quả trĩu ngọt kia, với nắng mưa, gió máy, và mùi thơm ngọt ngào thiết tha của nó.

 

Và hãy để nở bung trước mắt chúng ta những chùm hoa. Những chùm hoa bay bay trong nắng mới.

 

Bùi Vĩnh Phúc

Tustin Ranch,

Calif., tháng Giêng 2016

 

______________________________________

 

Chú thích:

 

(*)  Tất cả các bài thơ, đoạn thơ trích trong bài đều được dịch ra tiếng Việt bởi tác giả bài viết này.

 

(1)  Tên thật của ông cụ/cố ngoại Lee là Viên Thế Khải (Yuan Shikai), một trong những nhân vật quyền thế của thời kỳ đầu Trung Hoa Dân Quốc (中华民国), là một chính thể tiếp nối sau triều đình nhà Thanh năm 1912, chấm dứt hơn 2000 năm phong kiến của Trung Hoa. Đây là chính thể cộng hoà hiện đại đầu tiên của Trung Hoa, từng lãnh đạo (trên danh nghĩa) toàn bộ đất nước Trung Hoa từ năm 1911 đến năm 1949, và lãnh đạo vùng lãnh thổ Đài Loan từ 1949 đến nay. Tôn Dật Tiên là tổng thống đầu tiên của Trung Hoa Dân Quốc thuộc Chính Phủ Lâm Thời (1/1912 – 3/1912); Viên Thế Khải là phó tổng thống. Viên lên nắm chức tổng thống trong Chính Phủ Lâm Thời vào tháng 3 cùng năm. Rồi vào tháng 10, 1913, ông được bầu làm tổng thống đầu tiên của Trung Hoa Dân Quốc (Republic of China). Tháng 3, 1916, Viên thoái vị. Ông chết vào tháng 6 của năm ấy.

 

Nói nhà thơ Li-Young Lee có một dòng dõi, một tiểu sử đặc biệt là vì, ngoài Viên Thế Khải mà hành trạng chúng ta không bàn ở đây vì đã được lịch sử Trung Hoa hiện đại soi chiếu, bố nhà thơ, cho dù là y sĩ riêng của Mao Trạch Đông, khi Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa/Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hoà Quốc (中华人民共和国,People’s Republic of China) được thành lập bởi Mao, lại đưa gia đình lánh nạn sang Indonesia. Lee được sinh ra tại Jakarta năm 1957. Rồi, lại do hoàn cảnh chính trị thúc đẩy, gia đình ông phải trốn chạy một lần nữa (sau khi bố ông bị giam 19 tháng, vì không khí chính trị chống người Hoa do tổng thống Indonesia lúc ấy là Sukarno khởi xướng, tại một trại dành cho người cùi). Sau khi định cư tại Hoa Ky, bố ông lại vào chủng viện ở Pittsburgh học và trở thành một mục sư và sống đời mục vụ, coi sóc một giáo hội Presbyterian tại Pennsylvania. Về phần mình, nhà thơ lúc đầu học Sinh-Hoá (Biochemistry), sau mới chuyển sang thi ca. Thơ ông cho thấy nỗi cô đơn của người xa xứ, lòng hoài nhớ cùng với một ký ức mang nhiều chấn thương, cảm thức lưu vong, mất mát và sự truy tìm căn cước, bản sắc, nguồn cội, sự khiêm hạ, vị tha, tình yêu thiêng liêng dành cho ngôn ngữ và Thượng Đế, Nhiều bài đi rất gần với cảm thức tôn giáo.

 

(2)  Nguyên văn:  “Ðầm mình trong hạnh của ẩn mật / Mắt hoen nhòa hứng giọt thiên thâu”, trong bài “Ngã trên núi Việt Hồng khi đi vác nứa” của Thanh Tâm Tuyền. Đây là một thứ hạnh phúc khác, một thứ bí mật khác của đời sống. Người ta có thể nhìn thấy hoặc cảm nhận được “hạnh phúc”, ngay cả trong những giờ phút khốn khổ, cùng quẫn nhất của cuộc sống. Miễn là người ta có một trái tim nhậy cảm trước những vẻ đẹp đời, hay ngay cả trước những nỗi đau đời. Bí mật của hạnh phúc con người, có khi, nằm trong những phút giây kỳ bí ấy.

 

(3)  Trong The Prophet của Kahlil Gibran, phần “On Eating and Drinking”:

   

“(…) And when you crush an apple with your teeth, say to it in your heart,

‘Your seeds shall live in my body,

And the buds of your tomorrow shall blossom in my heart,

And your fragrance shall be my breath,

And together we shall rejoice through all the seasons.’

(…) And in winter, when you draw the wine, let there be in your heart a song for each cup;

And let there be in the song a remembrance for the autumn days, and for the vineyard, and for the winepress. “

 

(4)  Cũng trong The Prophet của Kahlil Gibran, phần “On Joy and Sorrow”:

 

” (…) Your joy is your sorrow unmasked.
And the selfsame well from which your laughter rises was oftentimes filled with your tears.
And how else can it be?
The deeper that sorrow carves into your being, the more joy you can contain.
Is not the cup that holds your wine the very cup that was burned in the potter’s oven?
And is not the lute that soothes your spirit, the very wood that was hollowed with knives?
When you are joyous, look deep into your heart and you shall find it is only that which has given you sorrow that is giving you joy.
When you are sorrowful look again in your heart, and you shall see that in truth you are weeping for that which has been your delight.
(…) They are inseparable.
Together they come, and when one sits, alone with you at your board, remember that the other is asleep upon your bed.”

(5)  Về tuyến trùng: đó là giống giun tròn, có kích thước rất nhỏ, mắt thường chúng ta không nhìn thấy được. Chúng có khoảng hơn một ngàn loài, và gây hại cho nhiều loại cây trồng. Vòng đời của tuyến trùng được chia làm 5 giai đoạn. Trứng tuyến trùng tuổi 1, tuổi 2, tuổi 3, tuổi 4 và trưởng thành. Tùy vào cây ký chủ và nhiệt độ mà vòng đời của tuyến trùng kéo dài từ 40-60 ngày. Con cái đẻ hàng loạt trứng trong túi gelatin do chúng tự tiết ra trong trong quá trình sinh sản để bảo vệ trứng khỏi yếu tố bất lợi bên ngoài. Con đực phát triển theo chiều dài. Con cái phát triển theo chiều ngang và thành hình bầu dục hay hình giọt nước.

Về kính hiển vi điện tử (electron microscope): đó là loại kính hiển vi với độ phóng đại và phân giải cao, sử dụng những tia electron thay cho tia sáng thường. Được thiết kế như một kính hiển vi ghép, nó tập trung những tia electron này qua một hệ thống kính phóng đại để đạt được hiệu ứng nói trên.

 

(6)  Tổng quát về hổ phách: “Mặc dầu được xem là một loại đá quý, hổ phách là một chất liệu hoàn toàn hữu cơ phát xuất từ nhựa cây của những loài cây đã tuyệt chủng. Trong những khu rừng dày đặc của những thời Trung kỳ Cretaceous và Tertiary, khoảng giữa 10 và 100 triệu năm trước, những loài cây mang nhựa này đổ xuống và được các dòng sông mang về các vùng hải ngạn. Ở đó, những cây này và nhựa cây của chúng được bao phủ bởi các trầm tích, và, qua nhiều triệu năm, chất nhựa này đặc cứng lại thành hổ phách. Mặc dầu nhiều lớp trầm tích hổ phách còn đọng lại nơi đáy cặn của đại dương, các biến cố địa chất thường đem các trầm tích hổ phách này đến những nơi khác.

 

Trong hàng ngàn năm, hổ phách thường được đẽo gọt, khắc chạm thành hạt, thành các đồ trang sức và các dạng thể mang tính trang trí khác. Tuy nhiên, ngày nay hổ phách được trân quý trên hết vì các mảng hoá thạch được lưu giữ bên trong chúng. Khi chất nhựa cây dẻo và dính tiết ra từ cây cối, các con vật, khoáng chất, và các chất liệu thuộc về cây bị giam giữ trong đó. Khi chất nhựa cây này cứng lại, những hoá thạch vừa nói—được gọi là những chất liệu bị vùi lấp—được bảo quản toàn vẹn, cung cấp cho các nhà khoa học hiện đại những thông tin quý giá về các loài đã bị diệt chủng.” (Dịch theo đường nối của encyclopedia.com tại http://www.encyclopedia.com/topic/amber.aspx ).

 

(7) The Quest for Life in Amber, George & Roberta Poinar, 1995. Reading, Massachusetts: Helix Books (Addison-Wesley Publishing Company). Qua những đoạn văn mà người đọc có thể cảm nhận như xem một cuốn phim về Indiana Jones hơn là đọc một nghiên cứu khoa học, vợ chồng Poinars đã mô tả chuyện làm thế nào mà một thú hobby lại biến thành một điều gần như sự ám ảnh rồi, cuối cùng, đưa đến một đột phá về mặt khoa học. Trên con đường đó, họ đã gặp đủ loại nhân vật bất thường, từ những tay buôn bán chợ đen nguy hiểm, những tay du kích sẵn sàng nổ súng, đến những nhà khoa học tài năng kiệt xuất, và, dĩ nhiên, những miếng hổ phách long lanh tuyệt đẹp lưu giữ những mẫu vật sống mấy trăm triệu năm. Những mẫu vật sống mà San Francisco Examiner/Chronical Book Review đã nhận xét là, “Với một loạt những bức hình chụp màu sống động và tuyệt vời, [các tác giả] đã rất thành công trong việc chia sẻ sự hào hứng ngất ngây trong việc cầm trong tay mình một mẩu hổ phách được hình thành có thể đến tận 225 triệu năm về trước.”

 

* tranh Van Gogh, “Blossoming Chestnut Branches”, 1890.

 

 

 

 

Comments are closed.