Khoan Dung và chọc tức Khoan Dung

Phạm Toàn

 

Cuối năm 2015 Tân Mùi, trước ngày đầu năm Bính Thân 2016 này hai tháng, một thành viên cao tuổi trong nhóm Cánh Buồm, nhà thơ Hoàng Hưng đã cho công bố bản dịch tác phẩm thơ của Walt Whitman trong tập thơ đồ sộ đó, ta được đọc một tinh thần khoan dung có một không hai trên thế gian này. Nhà thơ Mỹ Walt Whitman, ngay từ khi nước Mỹ sắp rơi vào nội chiến tanh bành, đã ngân nga những lời hào sảng

          Tôi đến với nhạc hùng, cùng cây kèn và cỗ trống của tôi,

          Tôi không chỉ chơi hành khúc cho những kẻ thắng được chấp nhận,

                   tôi chơi hành khúc cả cho những người bị chinh phục

                             và bị giết thảm thương.

          Bạn đã nghe rằng giành chiến thắng là điều tốt đẹp?

          Tôi cũng nói rằng thua cũng tốt, những trận thua

                   với những trận thắng cùng chung một tinh thần.

          Tôi đánh trống vì những người chết,

          Vì họ tôi thổi vào miệng kèn những âm thanh vang dội

                   và vui nhất của tôi.                 

          Hoan hô những ai chiến bại!

          Và những ai chiến thuyền đắm giữa biển khơi!

          Và chính những ai chìm thân giữa biển!

          Và mọi tướng lĩnh thất trận, và mọi anh hùng bại trận!

          Và vô kể những anh hùng vô danh cũng ngang bằng những anh hùng

                   lớn nhất nổi danh!

(Walt Whitman “Bài hát chính tôi” Khúc 18, Hoàng Hưng dịch, Hội nhà văn, 2015)

         

Đem khoe Hoàng Hưnggiới thiệu một Walt Whitman khoan dung, vì nhóm viên Cánh Buồm cao tuổi ấy biết tụng ca tính khoan dung lại còn biết tổ chức công việc mang tính khoan dung. Nhờ đó mà anh (à quên,cụ) đã tập hợp được một vài người cả cao tuổi và “măng tơ”, để tạo thành cột sống của Tủ sách Tâm lý Giáo dục Cánh Buồm. Trong có vài ba năm, tủ sách của nhóm chúng tôi sắp ra đầy đủ bộ ba kinh điển đầu đời của nhà tâm lý học Jean Piaget, “Sự ra đời trí khôn ở trẻ em”, Sự hình thành biểu tượng ở trẻ emvà “Sự xây dựng cái thực ở trẻ em. Cộng thêm một tác phẩm tâm lý học nữa của nhà tâm lý học Hoa Kỳ dương đại Howard Gardner, cuốn Cơ cấu Trí khôn  …  có lẽ những nhá hoạt động giáo dục và các bậc cha mẹ, các nhà hoạt động xã hội (và các nhà Cải cách Giáo dục) hẳn sẽ thấy yên tâm. Chúng ta muốn có một đời sống xã hội khoan dung, chúng ta sẽ không chỉ kêu gọi về lòng khoan dung, các nhà giáo sẽ có cơ sở kỹ thuật tạo ra con đường tổ chức hình thành tinh thần khoan dung của con trẻ tức là dần dà, từ từ  mà tiến, cũng sẽ là hình thành tinh thần khoan dung của cả Dân tộc,. 

 

Khiêm tốn thì mới Khoan dung …

Cơ sở tâm lý học mà nhóm Cánh Buồm đeo đuổi, cơ sở lý luận dắt dẫn công cuộc thí nghiệm thay đổi chương trình học và sách giáo khoa phổ thông, công trình lặng lẽ nhiều năm nay của nhóm Cánh Buồm có liên hệ gì tới tinh thần khoan dung đang vô cùng cần thiết cho đân tộc này?

Thật đơn giản: Piaget và Gardner không cổ súy việc đi tìm kiến thức, mà đều chỉ ra con đường đi tới một phương phápvàmộttinh thần tự học. Bộ ba sách kinh điển Piaget (đã kể bên trên) là những công trình nghiên cứu trên thực địa những đứa con của chính tác giả từ phút thứ nhất các cháu chào đời. Những ghi chép của Piaget về các hành động của các cháu liên quan tới việc bú mút (phải ăn đã, không ăn thì sống sao nổi?) đã cho thấy một chân lý hiển nhiên và giản dị vô cùng: các cháu đã bộc lộ những hành động tự học trong việc ăn uống. Việc các cháu hoàn thiện dần bằng cách đem dùng các cơ quan cảm giác và vận động, đi đến cả những hành động học và nhận thức trừu tượng, thì cũng vẫn sẽ nối dài công cuộc tự học khởi đầu từ năng lực tự học ăn uống đó.

Thế đấy, từ môi trường kín mít trong bụng mẹbò ra ngoài, từ môi trường mấy tháng trời bơi trong nước trong bụng mẹ chỉ với cái cầu nối mong manh nhưng sống còn là cái cuống rốn với cái nhau, ăn cũng đó, uống cũng đó, thở cũng đó… bây giờ, chào đời, sự nghiệp nặng nề bắt đầu bằng tự học bú mút, tự học nhìn, tự học nghe … rồi tự học sờ và cầm và nằm … để tiến dần những nấc thang của loài tay khéo và loài có tư duy có ngôn ngữ… một chặng đường hoàn toàn dựa vào tự học. Đơn giản thôi, vì không ai học ăn học uống hộ em bé, chẳng ai nhìn hộ nghe hộ và sờ-cầm-bóp-nắm hộ em… Các thiên tài và những ngươi bình thường, các tài năng lớn nhỏ và những con người thô kệch chỉ dùng hai bàn tay thô mà lao động… tất cả đều xuất phát từ những hành động tự học bú mút nguyên sơ.

Chúng ta dễ hình dung vì sao nhà bác học thiên tài Albert Einstein lại đánh giá công trình nghiên cứu tâm lý học phát triển của Jean Piaget là “giản dị như một thiên tài”!

Khởi thủy cuộc đời sống bằng lao động nhờ sự tự học của chính mình không khiến cho con người xa xôi cách biệt với nhau. Những thực thể tự học bao giờ cũng biết mình biết người, bao giờ cũng khiêm tốn, Và chỉ có sự khiêm tốn – một cách vô thức hoặc có ý thức – mới dẫn đến thái độ và tinh thần khoan dung. Những thói hư tật xấu sẽ chỉ xuất hiện khi nảy nòi ra cái dạng thức kép con người ỷ lại-quan lại. Dạng thức con người ỷ lại-quan lại ấy lại được tạo ra và được củng cố và được nhân bản nhờ hệ thống Giáo dục không mang tính tự học. Hệ quả lại càng ghê gớm khi một nền Giáo dục nhồi sọ và khoa cử được hỗ trợ bằng hệ thống đề bạt và thăng tiến xã hội … không cần khiêm tốn và khoan dung, không giống bốn phương thiên hạ.

 

Vài thí dụ về tự học

Ngày xuân vui nhưng ngắn, quanh năm lao động mới dài. Ngày xuân, nếu bạn đã ngấy với nhiều trò đã chơi mãi đã nghe mãi đã ăn mãi và uốngmãi cũng đã thành nhàm, xin bạn ngó qua vài trang sách Văn và Tiếng Việt bậc tiểu học của nhóm Cánh Buồm. Chí ít cũng ngó qua nó để chộp lấy một chi tiết gây tò mò cái tò mò như một nét đặc thù mang tính loài, để rồita sẽ còn tìm hiểu dài dài sau này.

Đây, môn Tiếng Việt từ lớp Một đã không học kiến thức (những con chữ và trò đánh vần ê a) mà mở đầu bằng học ba thao tác Ngữ âm tiếng Việt. “Nói” khác với “phát âm” thế nào? Chư vị phụ huynh nên tự trạng bị để biết đồnghành với con em khi các em không học theo cách cũ, “nhớ chưa, đây là a, b, c…” … “đây là i tờ… đây là o cờ… đây là e bờ …nhớ chưa?” Hết thời rồi cáchhọc nhồi sọ đó. Bây giờ các em học ba thao tác: phát âm như thế nào, phân tích âm đã được phát ra và tiếp nhận (nghe được) như thế nào, ghi lại như thế nào là đúng chính tả, và tự đọc lên để tự kiểm tra như thế nào. Các nhà văn và các nhà văn hóa nói chung hãy vui mừng, vi học sách Tiếng Việt Cánh Buồm, đến cuối lớp Một, trẻ em sẽ phải có năng lực đọc thầm. Chỉ khi nào con người đọc thầm, khi đó mới có nền văn hóa đọc. Chỉ khi đã đọc thầm như một thói quen văn hóa, khi đó mới có những cuộc “hội thảo tay đôi” giữa người đọc thầm với chàng Hamlet, với nàng Kiều, cũng như với chú Hoàng tử bé…

Lên lớp Hai, học sách Cánh Buồm, các em sẽ không học theo cách đã có từ thời cụ Trần Trọng Kim, cụ Nguyễn Văn Ngọc, từ những năm 1920, nghĩa là học những bài “gọi là văn” với giá trị văn chương đáng ngờ, từ đó trích ra “học kỹ” dăm ba từ ngữ, chủ yếu là từ Hán Việt.Học như thế, theo lối năng nhặt chặt bị như thế, sao có thể làm chủ một ngôn ngữ có bộ phận từ ngữ khó học đến lạ kỳ. Nhóm Cánh Buồm dạy con em học từ ngữ không theo lối nhặt nhạnh thu gom, mà học theo lốisản sinh và dùng từ ngữ.

Đó thực sự là cách học mới, hoàn toàn mới, khiến cho tới cuối lớp Bốn sang lớp Năm, các em đã có thể viết được một văn bản, hơn thế nữa, viết một văn bản vơi đề tài do chính mình tự đề ra cho mình viết. Đó vừa là cách huấn luyện phương pháp tự học vừa là kết quả của năng lực tự học. 

 

Sách Tiếng Việt và sách Văn bậc tiểu học Cánh Buồm…

Bắt đầu có thêm 2 tập lớp Sáu …

 

Nhìn vào sách giáo khoa của nhóm Cánh Buồm, không ít người lo lắng “ôi chao, cao quá, khó quá, mới lớp Bốn lớp Năm mà hơn cả lớp Mười”. Nghĩ vậy không sai là mấy, nếu đem so với … hiện thực của cuộc sống. Chỉ hiềm một nỗi, cách nghĩ đó không hợp lắm với “Bộ Luật Dạy Học” (cái bộ luật không thành văn mà các nhà sư phạm hiện đại cần hướng đến). Bộ luật đó phát biểu thầm rằng “Người lớn cần biết cách tổ chức từng bước cho trẻ em tự chiếm lĩnh kiến thức”.

Lấy một thí dụ: thơ haiku Nhật Bản khó hay không khó? Ở Việt Nam, “người lớn” nhìn thấy ở thơ haiku một tầm cao triết học. Thế thì khó rồi! Nói đến thơ haiku, ai cũng suýt soa về tính Thiền của nó. Thế thì khó rồi! Hiểu như vậy chẳng sai. Chỉ sai một chút về sư phạm, khi người lớnchưa biết cách tổ chức từng bước cho trẻ em tự đến với thơ haiku.

Lấy thí dụ bài thơ haiku mẫu sau đây

       Một đóa hoa rụngđang bay trở về cành?…

ô không phải!

Một con bướm trắng!

                    Moritake

Sách Văn Cánh Buồm lớp Hai dùng bài thơ đó, nhưng không khai thác phương diện “thiền” của nó. Cánh Buồm dùng vật liệu haiku đó chỉ để dạy trẻ em thao tác tưởng tượng. Nào, nhắm mắt lại, em thấy gì? Một cành hoa với bao nhiêu bông hoa… Thế rồi có một bông hoa rụng xuống… Lạ chưa kìa, nó rụng mà không rơi xuống đất, mà lai chỉ như là bay đi khỏi cành hoa … Đúng rồi… Nó đang bay baybay, và rồi bông hoa đó chợt quay trở về chỗ cũ… Ồ con bướm. Đến đây thì tính trẻ thơ trong nhà thơ già đời sẽ gặp những em nhỏ vừa trẻ thơ trong con mắt nhìn cuộc đời, và lại cũng đang già dặn dần trong cách nhìn đời qua phương pháp tưởng tượng.

 

 

 

Ba sản phẩm trong Tủ sách Tâm lý học Giáo dục Cánh Buồm

Theo cái mẫu đó, trẻ em lớp Hai tập tưởng tượng. Chẳng hạn, các em nhìn thấy những cụm rơm màu vàng đang chạy, và ngạc nhiên ồ, nhưng chú gà con thì như vậy cũng tốt chứ sao? Nếu bạn chiếu cố mở trang blog của nhóm Cánh Buồmwww.canhbuom.edu.vn, bạn sẽ bắt gặp nhiều bài haiku học sinh làm tinh tế hơn thế nhiều. Đến nỗi, lần đầu bắt gặp loạt bài haiku đầu tiên của học trò lớp Năm cô giáo Phạm Hải Hà (trường Olympia, Hà Nội), nhà thơ Dương Tường đã thốt lên: “Hồn thơ của những nhà thơ thực thụ”.

Bầu trời tối mù mịt
Đèn đường đỏ quạch
Bà cụ đứng lom khom

                                      Mai Tiến Thắng

Gió heo may
Cây nghiêng mình
Mình t
a…

                                      Thùy Trang

Gió mùa đông thổi qua
Lạnh thấu xương thấu da
Một người đi qua phố

                             Bảo Duy

Nhà thơ Hoàng Hưng, trong một lần vừa “nổi máu” nhà thơ lẫn máu nhà giáo, đã vui vẻ tặng học trò cô giáo Hải Hà và thách dịch một bài thơ haiku tiếng Anh. Nguyên tác như sau:

 

Night in the garden

Moonlight drops softly

From small flowers. Night wind sings

Like a lost lover

GeleMehlam, 17 tuổi, lớp 11 (Ohio)

 

Còn đây là vài bản dịch xin bạn chú ý cách dùng từ ngữ hoàn toàn khác nhau của các dịch giả 11 tuổi chuyển ngữ Moonlight drops softlyA lost loverkhông ai giống ai:

 

Mặt trăng nhẹ nhàng lặn

Từ những cánh hoa nhỏ. Gió cất lời

Gửi người tình đã mất

(Ánh Minh dịch)

 

Ánh trăng mơn man

Gió cất lời từ những nụ hoa

Như người tình xưa

(Anh Kiệt dịch)

 

Ánh trăng nhẹ rơi

Từ nhành hoa nhỏ. Gió và đêm cùng hát

Như chuyện tình đã qua

(Gia Kiên dịch)

 

Ánh trăng từng giọt nhẹ rơi

Từ bông hóa nhỏ, gió cất lời  

Nó hát về người yêu đã mất.

(Ngô Minh Hà dịch)

 

Ánh trăng rớt xuống nhẹ nhàng

Từ bông hoa nhỏ. Đêm về gió hát

Như người tình lạc mất nhau.

(Thùy Trang dịch)

 

Và đây là điều hết sức thú vị: một phụ huynh họa sinh cũng tham gia dịch với con mình và các bạn của của con mình:

Ánh trăng rơi nhẹ nhàng

Từ bông hoa nhỏ. Gió đêm thì thầm

Như người tình lỡ hẹn

(Mẹ Gia Kiên dịch)

 

Liệu có thể gọi tên cái không khí học tập đó là sự Khoan Dung trong thực tiễn đời sống của con em trong một môi trường học tập ở đó học là niềm vui, học không vì lấy điểm, học không vì tiếng khen học như một hơi thở tự nhiên của cuộc sống… 

 

 

Chọc tức sự khoan dung

Ngày còn bé, tôi yêu bà ngoại vì được bà dạy chữ Nho và những điều phải trái nho nhã. Nhưng tôi cũng rất thích bà nội vì được nghe những chuyện ma, những chuyện gây cười, những điều thô nháp trong cuộc đời. Đây là một chuyện bà nội kể (có thể khác với những “dị bản” của bạn) về sự chọc tức. Chuyện kể về một cô gái con nhà giàu, sắc đẹp thì tuyệt rồi, lại giàu, thế rồi cô thất tình nên lập ra cái am con trong vườn nhà để tu tại gia. Điều ông bố lo sợ là cô gái do cố tình không nói nữa, nên lâu ngày đã thành người câm. Ông bố ra một hẹn, ai chữa cho cô gái hết câm thì ông sẽ gả cô cho kèm theo hồi môn là nửa gia sản ông đang có. May là không có vị hòa thượng nào hoặc một bà già nào chữa chạy được cho cô gái hết câm! Nhưng theo chuyện kể, thì vô số thày cúng, thày bói, thày thuốc, đều qua chữa thử, nhưng đều bó tay. 

Một hôm, chính anh lực điền trẻ trai, khỏe mạnh, vốn lâu nay vẫn làm công cho gia đình ông nhà giàu. Anh lực điền này hẳn là không ngốc, nên anh đoán được cô chủ bị tâm bệnh. Anh nói với cô ra xem anh làm thịt lợn. Cô chỉ nhìn anh, không nói gì (câm mà) và cũng không đi đâu sất, vẫn cứ ngồi trong phòng riêng tụng niệm … tụng niệm và nhìn theo anhtrai cày xem anh làm gì. (hè hè, điểm yếu trong tâm lý của cô giáo là ở chỗ đó, và anh bác sĩ tâm lý trai cày chữa theo hướng đó – sau này các bác sĩ thời hiện đại chắc sẽ gọi phác đồ đó là phép chọc tức).

Thoạt tiên anh mang con lợn ra, đặt trên tấm phản ở giữa sân. Anh cho nó cái gối hoa cho nó nằm như người đang nghỉ ngơi. Rồi anh bắc bếp nấu nước làm lợn. Nhưng anh lại lật úp cái nối ba mươi xuống, và bắc ba ông đầu rau bên trên cái đít nồi. Sau đó anh nhóm bếp. Lửa cháy đùng đùng, anh đi múc nước dội vào. Lửa tắt. Anh lại hì hụi chất bếp, lại chờ cho lửa nổi đùng đùng thì đi “đổ nước”. Mãi rồi anh mới biết cách đun nước như mọi người vẫn làm. Nước sôi. Anh lấy dao chuẩn bị chọc tiết lợn. Anh loay hoay ướm con dao vào khắp người con lợn nhưng chẳng vừa ý chỗ nào để kề dao vào. Cuối cùng, anh kề mũi dao vào lỗ đít con lợn. Đúng lúc ấy, cô gái bật dậy nói to “Không phải!…” Rồi cô đỏ mặt quay đi. Thế là thằng to rồi! Chẳng lẽ tu tại gia bao nhiêu lâu, không nói bao nhiêu lâu, bây giờ lại giảng giải cho anh trai cầy rằng không được chọc tiết lợn đằng đít?

Trong thơi hiện đại cũng vậy, có nhiều cách con người chọc tức sự Khoan Dung viết hoa. Chỉ có điều, so với anh trai cày, nhưng người chọc tức hiện đại liệu có khôn hơn anh hay không?!?

Lấy một trò chọc tức này thôi.Chuyện học tiếng Anh cho con em. Biết bao nhiêu người chạy vạy cho con từ bốn năm tuổi đi học ở trường có quảng cáo “giáo viên bản địa dạy tiếng Anh giao tiếp…”  Một cô hiệu phó một trường kể cho tôi chuyện này: Buổi sáng, có phụ huynh lớp Một xin rút con, lý do không hài lòng chuyện học tiếng Anh trường bên này! Phải học như Đỗ Nhật Nam ấy! Vừa trả hồ sơ xong, thì lại có phụ huynh nơi khác đến xin cho con chuyển trường vào học bên này. Lý do cũng vì không hài lòng chuyện học tiếng Anh (ở trường bên kia)… Phải học như Đỗ Nhật Nam ấy!Một ông hiệu trưởng trường kia khoe với người viết bài này rằng trường ông “vinh dự được thực hiện Nghị quyết số xxx…với mục tiêu cho học sinh của ông kể từ lớp Sáu sẽ phải học hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Mấy dòng sau đây của nhà giáo cực kỳ yêu nước Hoàng Xuân Hãn chẳng biết có chữa được bệnh cho những ai. 

Tôi đã sớm nhận thấy thiếu hoàn toàn phần “Quốc học”, và càng lên càng thấy phần Quốc học suy đồi, anh em ít người chú tâm; đến cả thày giáo cũng vừa non nớt vừa uể oải. Tôi lại nhận thấy rằng nếu tiếng mình thiếu phần tối thiểu về khoa học, thì dân ta không thể có những lí luận chính xác nghiêm túc và những kiến thức “cách trí” không thể truyền bá vào tập quán dân ta, chỉ quen với từ chương mơ hồ luộm thuộm. Vì những lẽ ấy, khi tôi được vào trường Polytechnique(tức trường “Bách Khoa” của Pháp – PT) năm 1930, tôi bắt đầu nghĩ cách đặt Danh từ Khoa học cho có nền tảng hữu lý và quốc gia […]

Phần lớn trí thức trẻ Việt Nam liền thấy vận mênh nước mình sẽ thay đổi, theo hướng trở lại với nền văn hóa gốc. Tôi cùng một nhóm lập ra Tạp chí Khoa học và tôi tự in Danh từ Khoa học của tôi.  […]

Hoàng Xuân Hãn, dẫn theoNguyễn Quốc Thắng, Khoa cử và Giáo dục Việt Nam, nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2005)          

Nên nhớ, cuộc Cải cách Giáo dục đầu tiên sau Tháng Tám 1945 là cuộc thay đổi cách dạy học bằng tiếng Việt. Bao nhiêu sương máu để ra, bao nhiêu hoài bão chết trong tù ngục, những mong có ngày toàn dân Việt được học bằng tiếng Việt, ngửa mặt với năm châu cũng nhờ tiếng Việt đích thực (thay vì tiếng Việt lơ lớ như hiện thời) – chưa nói tới việc tiếng Việt đang bị thay thế dần (cả trong tâm lý và trong những giải pháp) bằng các ngôn ngữ xa lạ khác. 

Một thứ chọc tiết lợn đằng đít kém thông minh hơn nhiều. Ngược hẳn với phác đồ chữa bệnh của anh trai cày, chữa cô gái câm như lợn què thành lợn lành, mà lợn đang lành bống bị làm cho thành lợn què tuốt tuột.

Thách thức sự Khoan Dung đến thế là cùng chứ còn có thể có thách thức nào hơn?

Hà Nội, 21 tháng 1 năm 2016

 

 

 

 

Comments are closed.