Tây Nguyên (3)

Nguyên Ngọc

Gừng và Riềng

Hôm nay xin nói về rượu cần, về cây cỏ và về vai trò của người phụ nữ trong một khía cạnh đặc biệt, độc đáo của xã hội Tây Nguyên.

Người Tây Nguyên quan niệm đứa bé sinh ra chưa thành người, một người phụ nữ sẽ làm cho nó thành người bằng cách thổi linh hồn vào cho nó qua lỗ tai – điều này cho thấy người Tây Nguyên là dân tộc chủ yếu có văn hóa truyền khẩu, đối với họ nghe qua lỗ tai là quan trọng nhất. Đưa linh hồn, đưa trí tuệ, đưa trí nhớ vào cho đưa bé để nó thành người là người phụ nữ, là bà mụ. Cách đưa linh hồn vào cho đưa bé như sau: bà mụ ngậm một củ gừng (Zingiber officinale) đã nhai nát trong miệng, và thổi vào tai đứa bé qua một ống sợi chỉ dệt. Triết lý của họ là con người phải biết nhớ thì mới thật thành người. Nhớ cha mẹ, anh chị em, vợ chồng, bạn bè, nhớ xóm làng, nhớ giọt nước đầu làng, nhớ nghĩa vụ của mình ở đời, v.v. Nhớ cũng tức là gắn bó, yêu thương.

Nhưng con người nếu chuyện gì cũng nhớ thì lại không thể sống nổi. Lại phải biết quên. Phải biết vứt bỏ. Đấy là một triết lý quan trọng để sống trên đời. Người phụ nữ là người đã đem lại khả năng nhớ cho con người, cũng lại là người làm ra ‘‘thuốc quên’’ cho con người: rượu cần. Nên biết ở Tây Nguyên làm rượu cần, thuốc quên, là công việc riêng của phụ nữ, đàn ông không bao giờ mó tay vào. Chất gây say, để mà quên, của rượu cần chủ yếu là do ở men, làm bằng các thứ lá, vỏ, rễ cây trong rừng chỉ phụ nữ thành thạo, và do tự tay các bà hái. Trong các chất gây say ở rượu cần, đặc biệt có củ riềng (Alpinia officinarum) trộn vào men sẽ gây say đến không còn biết gì nữa, như chính lời người phụ nữ khấn trong khi làm rượu, say đến nỗi “nôn ngay ra sàn nhà, ỉa ngay tại sát ghè, đàn ông ngủ với vợ người khác, đàn bà với chồng người khác…”. Quên sạch mọi thứ. Vứt bỏ hết mọi ràng buộc.

Có điều lạ: gây say đến thế là do trộn củ riềng vào men. Trong khi đó bà mụ đưa trí nhớ vào cho con người thì lại thổi gừng. Mà gừng và riềng lại là hai loại củ của cùng một họ thực vật. Đây quả thật là một ảo thuật của người phụ nữ Tây Nguyên.

Người Tây Nguyên, qua chuyện này, biểu hiện một triết lý sống sâu xa: muốn sống như con người ở đời đương nhiên phải biết nhớ, nhưng lại cũng phải biết quên bớt đi. Và chính người phụ nữ giữ lấy triết lý sống thiết yếu đó cho con người. Và cho xã hội.

Comments are closed.