Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 80): Khánh Trường – Có yêu em không?

Có yêu em không?

Nội chiến Nam-Bắc 54-75 để lại hai truyện ngắn kinh khiếp: Bạch Hóa của Cung Tích Biền viết ngay sau Mậu Thân 68 và Có Yêu Em Không? của Khánh Trường cuối thập niên 80. Tuy khác biệt trong văn phong, cả hai mang chung sức khốc liệt của bom đạn đã hủy hoại con người. Ở Bạch Hóa là sự phi lý của chiến tranh từ nông thôn ra đến thành thị, từ vùng phi quân sự vào đến trại tiếp cư, và trong một khí hậu trống rỗng con người sống chết như một con thú. Đến Có Yêu Em Không? tính chất vô lương tri được đẩy đến cực điểm. Lương tri nào trên thân thể em gái của đồng đội hãy còn quàn nhà dưới? Làm tình — có phải là một hành động di truyền chống lại thần chết? Xem là đặc sắc hay phản đối cho là vô đạo vì đã làm nhục quân lực Cộng Hòa như các hội đoàn từng nguyền rủa một thời, thì Có Yêu Em Không? vẫn là một truyện ngắn dữ dội. [Trần Vũ]

clip_image002

Tranh Khánh Trường

oOo

Căn nhà nằm sâu trong con hẻm nhỏ miệt Phú Thọ Hòa.

Những ngày nghỉ phép sau một cuộc hành quân dài, nhiều đêm Kh. với tôi thường la cà trong các snack bar dọc đường Nguyễn Văn Thoại. Rượu, gái, đập lộn cho đến khuya, thậm chí gần gà gáy sáng, Kh. chở tôi về căn nhà đó trên chiếc Honda 67. Ngồi sau yên xe, tôi vòng tay ôm eo ếch Kh., mặt tựa vào lưng hắn, không ngớt lảm nhảm la hét hay hát hỏng ầm ỹ. Có khi say quá, tôi nôn thốc ra mặt lộ, nhớt dãi, thức ăn chưa tiêu hóa kịp vướng bê bết trên lưng áo rằn ri của Kh. Hắn vừa cố điều khiển chiếc xe chạy ngay ngắn, vừa ngoạc mồm chửi rủa: Đụ mẹ, uống như củ cặc… Đụ mẹ, bộ quần áo ông mới giặt ủi… Đụ mẹ, tao hất xuống đường chết tốt bây giờ… Nhưng tội nghiệp thằng khốn, miệng tuy nói thế, tay hắn vẫn quàng ra phía sau, ôm chặt lấy tôi, sợ tôi ngã xuống đường, vỡ sọ. Hắn vẫn thường lên lớp rất nghiêm trang: Lính tráng, có chết, chết ngoài trận mạc, đừng ngu dại chết vì cái lỗ, vì rượu, vì tai nạn giao thông, hèn người đi. Khi ngang qua khu nghĩa địa, sắp rẽ vào con hẻm, lần nào tôi cũng buộc Kh. dừng xe cho tôi xuống, hoặc ói mửa, hoặc đái ỉa, hoặc bày trò liêu trai chí dị: tôi chân thấp chân cao len lỏi qua các hàng mộ bia, vừa đi, vừa lảm nhảm bậy bạ, kêu gọi hồn ma bóng quế đội mồ lên tán dóc chơi. Có khi tôi nằm lăn trên cỏ, trước tấm bia đá, dí mắt cố đọc tên người chết, rồi hai tay vòng ôm chiếc lư hương, giả vờ khóc lóc ca cẩm thảm thiết, sao không chết người trai khói lửa, mà chết người em gái hậu phương giữa xuân thì… Kh. chạy theo tôi, tóm cổ, lôi ra xe, ấn lên yên. Đụ mẹ, khuya quá rồi, đừng dở trò khỉ, về ngủ sáng mai còn vào trình diện. Tôi cưỡng lại, nhưng sức lực tôi mấy lăm hơi so với Kh. Hắn to như bò mộng, hai vai cuồn cuộn bắp thịt, lưng gấu, ngực hổ. Không cần tốn nhiều sức lực, hắn dễ dàng nâng bổng tôi trên tay, như xách một con nhái. Qua khỏi nghĩa địa, bắt đầu vào con hẻm. Mùa mưa, hẻm lầy lội như bãi sình, chiếc xe rẽ nước lao nhanh, bùn bắn rào rào hai bên. Những ngọn đèn vàng cạch tù mù, nhiều chỗ không có đèn, tối thui tối mò, Kh. phải chậm tốc độ dò dẫm. Căn nhà ở cuối hẻm, mái tôn lụp xụp, vách một bên bằng ván thùng và carton chắp vá vằn vện, được đề co bằng hàng trăm tờ báo mỹ mẽo tây tàu xanh đỏ vàng tím dán nối vào nhau, kín mít từ trần nhà đến chân vách. Một bên “ăn có” bức tường nhà hàng xóm, chẳng trát hồ quét vôi, trơ những viên táp lô xám ngoét lòi lõm trông rất… lập thể, dã thú.

Căn nhà nhỏ bằng cái lỗ mũi, phải dùng chiếc dù hoa phế thải căng ngang qua nhà đối diện bên kia con hẻm mới đủ chỗ kê bàn ghế cho bè bạn, bà con chòm xóm đến phúng điếu chia buồn. Giữa nhà, cỗ quan tài phủ quốc kỳ nằm choán gần hết chiều dài phòng khách. Trên nắp áo quan, hàng nến trắng cháy bập bùng, bức chân dung bán thân chụp Kh. cười tươi, áo hoa, mũ nồi, dây huân chương lòng thòng dựng phía sau ống lon sữa bò cắm nhang. Bức chân dung đen trắng, nhưng anh thợ chụp hình tài hoa nào đó đã nhuận sắc thêm bằng cách tô đỏ cái nón nồi và tô vàng hai hoa mai cùng sợi huân chương, màu đen nguyên thủy của bức hình cộng với hai màu đỏ vàng, cũng nguyên thủy, biến chiếc mũ đỏ nhảy dù thành mũ nâu biệt động quân, biến hai hoa mai vàng chóe và sợi huân chương thành một màu thâm xì thâm xịt không thể đặt tên. Chẳng sao, huynh đệ chi binh, nhảy dù hay biệt động quân thì cũng phe ta. Mai vàng hay mai xám xịt cũng cứ là mai. Trước lon gạo đầy nhang, một bát cơm tròn vun cắm đôi đũa tre, ly nước lạnh bên cạnh, tàn tro rụng xuống phủ đầy. Bàn thờ phía góc trái, trên mặt bàn hình đức Phật ngồi kiết già, mắt nhắm thanh tịnh; hai chân đèn bằng đồng sáng bóng, lư hương, đĩa hoa quả, bình huệ trắng…

Hoa, vợ Kh., bụng chửa vượt mặt, quỳ bên cạnh hai đứa con nhỏ, một trai lên tám, một gái lên sáu. Hai anh em mặt mày lem luốc, phờ phạc, thỉnh thoảng níu áo mẹ mếu máo. Hoa tái xám, thất thần, tiếng khóc không còn giữ nổi cường độ cao, ri rỉ như tiếng dế ngoài nghĩa trang những đêm khuya khoắt. Chiếc khăn tang trên đầu phủ lụp xụp đến vai, chiếc khăn tang làm khuôn mặt Hoa vốn xấu, càng xấu hơn. Khách phúng điếu khá đông, bạn bè đồng ngũ, thuộc cấp, thượng cấp, láng giềng, thân quyến xếp hàng dài. Tôi đứng cạnh quan tài trao hương. Hoa và hai đứa nhỏ quỳ lạy trả lễ.

Xế chiều, khách thưa. Tôi mệt đứng không muốn vững, đầu nhức như búa bổ. Suốt tuần nay, vừa về đến hậu cứ, tôi đã như cái chong chóng, chạy ngược chạy xuôi báo tin cho thân bằng quyến thuộc của Kh., đưa Hoa đến nghĩa trang nhận xác, chờ tẩm liệm, chờ ban nghi lễ đội chung sự hoàn tất thủ tục và truy điệu, mang xác về nhà, chỉ huy lính tráng căng dù, kê bàn ghế, mua sắm linh tinh. Cả tuần mất ngủ, hai mí mắt mọng cứng quầng thâm. Tôi thèm đờ đẫn một giấc ngủ. Tôi nói nhỏ với Hoa:

“Anh mệt quá, cần nằm một lát. Có gì gọi anh ”

Hoa gật đầu. Tôi vào nhà trong, lên gác, chùi người trên mặt sàn, thở dốc. Tôi tưởng sẽ ngủ được ngay, cổ họng khô đắng, chân tay rã rời, những vòng tròn ngũ sắc chấp chới trước mắt. Tôi nằm, mặt hướng lên mái tôn. Hơi nóng hừng hực phả xuống, đầu càng nhức tợn, mồ hôi tươm ra ướt nhẹp dưới lưng. Tôi cởi áo, cởi luôn chiếc quần lính ném vào góc, dạng chân tay nhắm mắt cố ngủ.

Nhưng giấc ngủ không đến, giấc ngủ nhất định không đến.

Kh. đứng trên gò đất cao, hét khản giọng: Thằng Toàn mang cây M.60 qua góc trái… Rồi, bắn vào chỗ bụi cây kia cho tao… Không phải, bụi cây lớn phía sau đám tranh kia kìa. Đụ mẹ ngu như bò. Tao bảo bụi cây sau đám tranh, mày không thấy lửa khạc ra chỗ đó à? Tiếng đại liên nổ thành chuỗi giòn giã, lá cây tung tóe, những chiếc nón tai bèo phóng chạy như biến vào góc rừng. Tiểu đội khinh binh đâu? Theo tao. Kh. nhảy xuống gò đất, khoát tay ra lệnh, miệng không ngớt: Lên, lên… lên mau… Tôi chạy lúp xúp sau Kh., một thằng lính vượt qua mặt tôi, nó hét: Chuẩn úy cúi thấp cái đầu xuống, coi chừng không có chỗ đội nón… Tôi chưa kịp nhìn xem thằng lính là ai thì hắn bỗng bật ngửa ra sau, giãy đành đạch, cái nón sắt văng khỏi đầu, lăn long lóc vào đám cỏ cao, cánh tay trái của hắn bung lên, đập vào ngực tôi, rơi xuống chân, co giật liên hồi. Tôi điếng người, vội nhủi vào một gốc cây, úp mặt sau lớp vỏ sần sùi. Tay chân tôi run bắn, cây súng trên tay chực muốn rớt. Mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ ơi… Tôi lắp bắp như một thằng điên. Chung quanh tôi, tiếng đạn rít, tiếng B-40 bùng bùng. Trên trời, chiếc phóng pháo cơ chúi thấp đầu, hai tia lửa dài ngoằng phóng ra. Tiếng nổ váng óc, cột khói bùng cao… Tôi được bổ sung về trung đội của Kh. vừa tròn hai tháng, chưa nắm chức vụ gì, theo Kh. làm phụ tá, học hỏi kinh nghiệm chỉ huy. Vài lần trước cũng đụng trận lai rai, nhưng chẳng có gì đáng kể. Một hai viên đạn bắn sẻ, vài du kích bị khui hầm… Lần này mới thực sự chí chát. Tôi nhìn Kh. xông xáo, phục hắn sát đất. Trông Kh. hùng dũng như một mãnh hổ. Tôi tự hỏi đến bao giờ mình mới có được sự tự tin bình tĩnh như thế?

Tôi xoay người đổi thế nằm. Mặt sàn gỗ ướt nhẫy. Bóng tối đã nhá nhem nhưng hơi nóng vẫn chưa giảm. Tôi nhìn xuống, qua khoảng hở của tấm màn giăng ngang lan can căn gác lửng. Hai vị sư đã tới, đang sắp xếp chuông mõ lên bàn thờ. Tôi muốn ngồi dậy xuống phụ giúp Hoa, nhưng sự mệt mỏi khiến tôi không thể nhúc nhích. Tôi thở dài tự nhủ đêm nay sẽ trực quan tài cho Hoa nghỉ, bây giờ phải ngủ một chút. Tôi lại nhắm mắt.

Kh. thăng chức đại đội phó, giao trung đội lại cho tôi. Một năm xông pha trận mạc, tôi tương đối đã trưởng thành. Nhưng nếu tôi không bổ sung về trung đội của Kh., nếu hắn không thăng chức, biết đâu cái chết đã không đến với hắn, cái chết vô duyên lãng xẹt. Nửa đêm một trái pháo vu vơ rơi ngay hầm chỉ huy. Kh. chia ba vớỉ thằng tà lọt và tên lính truyền tin quả đạn. Khi đào hầm lên, phải cố gắng lắm bọn lính mới gom được một đống thịt xương trộn lẫn cùng đất cát. Phần Kh., tôi chỉ nhìn ra hắn nhờ chiếc thẻ bài và hai cái hoa mai trên cổ áo. Cái chết đúng như lời một bài hát, chết thật tình cờ… Chết thật tình cờ! Phải, nhưng nhất định không nằm chết như mơ! Các ngài nghệ sĩ đôi khi lãng mạn một cách tàn nhẫn. Các ngài chẳng biết mẹ gì trận địa, thậm chí có ngài chưa từng thấy mặt ngang mũi dọc cây M-16 nó ra làm sao? Trái M-26 nó tròn méo thế nào so với trái MK-3? Nên trí tưởng tượng của các ngài đôi khi làm bọn lính tráng chúng tôi những muốn văng tục. Chết như mơ! Đụ mẹ, bảy năm trong một đơn vị tác chiến thực thụ, tôi chưa bao giờ nhìn thấy một cái chết như mơ! Chỉ có chết tan xương nát thịt, như Kh., chết cụt đầu cụt tay, chết cháy đen giống cây nem lụi quá lửa, chết banh ngực lòi phèo lòi phổi, chết phơi bụng đổ ruột cứt đái lòng thòng…, như bao nhiêu thằng lính lớn lính nhỏ. Chết như mơ. Đụ mẹ, nói phét cũng vừa thôi!

Có tiếng chân bước nhẹ nhàng lên thang gác. Tôi vẫn tiếp tục nhắm mắt. Tiếng chân đến gần bên, tiếng chân dừng lại. Mùi nước hoa rẻ tiền phảng phất trong không khí. Đàn bà. Ai? Tôi mở mắt. Lệ, cô em gái của Hoa nhìn tôi cười nhẹ. Con nhỏ quỳ xuống, hai bắp đùi mập mạp căng tròn chiếc quần mỹ a trắng láng, vòng xì líp cong cong nổi rõ như một cánh cung, chiếc áo cánh quá chật căng hở những khoảng trống giữa các cúc áo, tôi nhìn thấy cái nịt vú màu mỡ gà mỏng tang nâng hai gò vú lớn, trắng nhễ nhại.

“Anh đói không? xuống ăn chút gì đi.” Con nhỏ nói.

Tôi xoay nghiêng, co một chân lên. Khốn nạn! Dù mệt tắt thở, dù thằng bạn thân đang nằm dưới kia, trong bốn vách gỗ lạnh lẽo, cảm giác rạo rực vẫn cứ đến với tôi khi nhìn thân hình khiêu khích của con nhỏ. Tôi biết con nhỏ rất mết tôi, bao nhiêu lần đi chơi khuya với Kh. chính con nhỏ thức đợi mở cửa. Bao nhiêu lần tôi bắt gặp tia nhìn trộm đắm đuối của con nhỏ dành cho tôi. Bao nhiêu lần, có khi rất lộ liễu, con nhỏ săn sóc tôi từng miếng ăn, từng cái mặc. Bộ đồ mới thay ra, quay qua quay lại đã thấy con nhỏ mang xuống nhà sau ngâm giặt vội vàng, như sợ ai đó cướp mất quyền… hầu hạ. Tôi vốn thích món thịt heo ba chỉ chấm mắm nêm, lần nào tôi tới, con nhỏ cũng te tái ra chợ lựa thứ thịt ngon nhất, loại mắm tuyệt nhất, mớ rau tươi nhất để tôi xơi. Kh. nói con em vợ tao nó yêu mày, muốn không, tao gả? Tôi chỉ cười cười không trả lời. Một con vợ như thế kể có thích thật, tha hồ muốn làm trời làm đất gì cũng được tất. Nhưng thuở đó tôi còn trẻ, thiếu úy nhảy dù oai phong lẫm liệt, răng không hô, mắt không lác, chân không vòng kiềng, cao ráo sáng sủa trên trung bình, lại có thêm tí tài vặt vẽ vời lăng nhăng, thỉnh thoảng tên tuổi xuất hiện dưới một hai bài thơ trên nhật trình. Ngon lành thế mà đi lấy chị thợ may nhan sắc khiêm nhường, chỉ ăn khoản tướng tá khỏe mạnh nẩy nở, thì còn ra thể thống gì! Tôi cần vợ, đâu cần con sen, chị vú chuyên trị bổ củi, nuôi heo, chăn gà, ngăn bờ, tát nước? Người yêu của tôi, trong ước mơ, phải là em nữ sinh Gia Long tóc dài da mướt, vóc hạc, xương mai, mắt nai, mũi dọc dừa, miệng trái tim chúm chùn cười nửa nụ, thích văn chương âm nhạc, đàn giỏi, hát hay, yêu anh chiến sĩ miền xa tóc bời lộng gió.

Mẫu người như thế, tôi đọc thấy nhan nhản trong tiểu thuyết của Nhã Ca, của Nguyên Vũ, của Văn Quang, của Mường Mán, của Từ Kế Tường, của Đinh Tiến Luyện, đến nhập tâm, khó lòng tẩy xóa để bê về một em nhà quê cục mịch thích cải lương Dưới Hai Màu Áo, khoái kép Hùng Cường một trăm phầm trăm em ơi, mê Chế Linh ước gì nhà mình chung vách, anh khoét tường anh đến với em! Kh. dạy tôi kinh nghiệm cuộc đời: Mày trẻ người non dạ, lại bị mấy thằng văn sĩ ấm ớ đầu độc, cho nên có mắt như mù. Lấy vợ, phải chọn giống khỏe mạnh, làm việc ngang sức trâu mà tứ thời bát tiết vẫn hùng hục, chớ bao giờ nhức đầu sổ mũi vớ vẩn. Lấy vợ, phải chọn con ngu ngu, chữ nghĩa chỉ cần đọc thông viết thạo, có sai chính tả, cú pháp, văn phạm cũng chẳng sao, đỡ mắc công tranh luận thơ ông Tản Đà hay, thơ Thanh Tâm Tuyền rối rắm, văn ông Phạm Công Thiện tiếng Tây tiếng Mỹ, tiếng Đức tiếng Phạn vừa đọc vừa tra tự điển mờ người. Lấy vợ, phải chọn con xâu xấu để nó đừng dở thói đứng núi này trông núi nọ, mè nheo hạch sách trăm điều. Nghe lời tao đi, lấy con em vợ tao đi, bảo đảm cơm no bò cỡi. Nhỡ mai mốt mày có bất đắc kỳ tử leo lên tàu suốt, cũng còn chút hy vọng nó thủ tiết thờ chồng, dưới suối vàng đỡ tủi vong linh… Thằng này thuộc loại võ biền, thảo nào đánh đấm xôm trò, thảo nào huy chương đỏ ngực. Tôi tâm hồn phong phú, cầm kỳ thi họa làu làu tinh thông, nghe theo lời hắn đời còn chi thơ mộng?

“Anh… Xuống ăn chút gì đi. Sáng giờ em thấy anh chẳng ăn uống, nhỡ bệnh, khổ. ” Con nhỏ năn nỉ.

“Anh mệt quá. Để anh nằm nghỉ một chút, lát nữa sẽ xuống.” Tôi nói. Con nhỏ chu miệng nũng nịu:

“Em đã múc cho anh tô cháo gà. Anh không ăn bây giờ, lát nguội, uổng công em…”

Tôi nhìn kỹ con nhỏ. Hai má phình phình, mắt lá răm, răng trắng. Kể con nhỏ cũng chẳng xấu lắm. Tại mình đèo bòng mơ cao, tại mình tự kỷ ám thị, tại bụt nhà không thiêng. Con nhỏ thật chẳng xấu lắm. Cái mũi phông phổng bề ngang, tướng số gọi mũi túi mật, mũi túi mật hậu vận sang giàu, tiền dư của để. Cái miệng tum túm, đàn ông rộng miệng thì sang, đàn bà rộng miệng tan hoang cửa nhà, miệng này tằn tiện, chân chỉ, làm được chín đồng rán kiếm thêm đồng nữa đủ mười bỏ ống, biết lo xa, tương lai không sợ húp cháo. Con nhỏ thật chẳng xấu lắm. Tôi nhìn xuống hai bắp đùi chắc nịch nung núc, tôi nhìn khuôn ngực to khỏe vạm vỡ… Người tôi rờn rợn. Tôi đưa tay cầm bàn tay con nhỏ. Để yên. Tôi thả bàn tay, đặt lên đùi con nhỏ. Để yên. Tôi bóp nắn nhè nhẹ khoảng da thịt mát trơn. Để yên. Tôi gọi khẽ:

“Lệ.”

Con nhỏ cúi gầm mặt, hai má đỏ ửng

– “Dạ..”

Tôi di chuyển bàn tay lên khoang bụng, lên cao hơn… Con nhỏ rùng mình liên tiếp. Môi trên cắn chặt môi dưới, con nhỏ ậm ự không thành tiếng. Tôi chồm người, vùi mặt vào hai gò vú lớn. Con nhỏ ngã ra, bật kêu:

“Anh… đừng…”

Làm sao đừng được, khi cờ đã phất, khi bia đã lên, khi đạn đã trong nòng? Làm sao đừng được khi thắng đã đứt? Tôi đè con nhỏ xuống, hôn hối hả khắp mắt mũi môi miệng. Nụ hôn trườn xuống phía dưới, nụ hôn làm bật tung cúc áo trên cùng. Chiếc xú chiêng sệ xuống. Tôi thọc bàn tay vào lớp vải mỏng, vân vê đầu vú săn mềm

“Anh… anh ơi… đừng… đừng…”

Con nhỏ tiếp tục kêu nho nhỏ, tiếng kêu hổn hển, tiếng kêu kích thích thằng bê bi trong tôi ngóc đầu đứng lên đòi quyền tự trị. Dưới nhà, tiếng kinh tụng của hai vị sư bắt đầu hòa cùng nhịp chuông mõ. Tôi nhìn xuống những ngọn đèn cầy trên nắp áo quan lao chao sáng. Ánh sáng hắt lên căn gác mù mù. Hoa vẫn quỳ bên cạnh quan tài, bụng Hoa trồi hẳn về phía trước, chiếc khăn tang phủ trùm xõa ngang vai trông giống một hồn ma. Tôi gác chân đè nghiến hai đùi con nhỏ, bàn tay còn lại mò tìm cái khuy quần. Tôi thầm rủa mấy chị thợ may bày đặt chi loại quần cài khuy rắc rối, cứ dây thun tròng vào tụt ra vừa nhanh vừa tiện, đỡ tốn bao nhiêu công sức. Cả đời, tôi thù ghét thậm tệ những cái khuy cái móc kể cả những cái khuy cái móc vô hình trừu tượng, đại loại kiểu nói năng ba que xỏ lá móc hầu móc họng làm cho con người ta nghe xong tức ói máu trào đờm. Con nhỏ vội chụp bàn tay tôi lại.

“Em lạy anh… đừng anh… anh… anh… đừng…”

Không thể đừng được nữa rồi. Đã bước lên diễn đàn, đã hiệu triệu quốc dân, ai quăng súng cuốn cờ bỏ của chạy lấy người, mặc bố chúng nó, đồ hèn nhát Việt gian bán nước! Chúng ta phải sát cánh cùng nhân dân chiến đâu đến giọt máu cuối cùng! Không thể đừng được nữa rồi. Tôi thì thào bên tai con nhỏ:

“Cho anh đi. Anh yêu Lệ. Cho anh đi.”

“Anh yêu em thật không?”

Con nhỏ lỏng bàn tay, trong hai hố mắt tối của con nhỏ, lửa lấp lánh hy vọng. Bây giờ không thật thì còn đến bao giờ? Tôi đã cởi được cái khuy quần chó chết. Tôi đã cơ bản chiếm được đất, tôi phải đấu tranh chính trị để dành thêm dân:

“Thật chứ. Anh Kh. có nói em yêu anh. Anh, anh cũng thế, anh yêu em, anh định mai mốt nhờ anh Kh. mai mối, ai ngờ…”

Tiếng kinh, tiếng mõ đều nhịp, lúc nhanh, lúc chậm. Ánh sáng đèn cầy phủ trên tấm chân dung Kh. chập chờn. Chiếc mũ đỏ đội lệch, đôi mắt nhìn về phía trước đăm đăm, nụ cười rất tươi khoe hai hàm răng bóng, sợi huân chương vắt lòng thòng bên vai… Đứa con gái nhỏ của Kh. ngủ gục, đầu gối lên đùi mẹ. Một dòng nước dãi ứa ra bên khóe miệng. Hoa tựa đầu vào thành quan tài hai vai rung động, tiếng khóc tiếp tục, ri rỉ. Tôi lại thì thào:

“Cho anh đi em… Yêu em quá.”

Bàn tay con nhỏ thả xuôi theo thân mình. Tôi tuột chiếc quần mỹ a xuống sâu, co chân kẹp đáy quần kéo ra. Nửa thân thể con nhỏ phơi trần dưới mắt tôi, vòng hông con nhỏ đầy đặn, mu no tròn phơn phớt vàng sẫm. Con nhỏ mười bảy tuổi. Mười bảy. Tuổi dậy thì, tuổi mộng mơ, tuổi thèm khát vuốt ve mê đắm. Bàn tay tôi úp giữa háng con nhỏ, xoa nắn. Con nhỏ lại rùng mình liên tiếp, da gà nổi khắp người nham nhám. Điệp khúc đừng anh vẫn lặp lại đều đều, nhưng yếu hẳn, và đứt quãng giữa những tiếng thở gấp.

“Anh yêu em thật không?… Thật chứ?” Con nhỏ bỗng hỏi nữa.

“Thật mà, anh yêu em mà”. Tôi trả lời như máy.

Trườn lên người con nhỏ, tôi vừa cởi vội chiếc quần đùi nhà binh lùng thùng, vừa dùng đầu gối nông hai chân con nhỏ dạng rộng.

“Anh ơi… Em sợ…”

“Đừng sợ, có gì mà sợ.”

“Anh ơi… Em sợ…”

“Trước sau gì em cũng là vợ anh. Vợ chồng ăn ở với nhau, chuyện bình thường…”

“Anh ơi… em sợ…”

Khổ quá, biết rồi. Cái quần đã tuột ra, ván sắp thành thuyền. Tôi biết con nhỏ đã mụ mẫm, nói, nhưng chắc chẳng hiểu mình nói gì, nói, như một cái máy hát có cây kim mòn, chạy hoài trên đường rãnh nhựa. Tôi lựa thế đưa dương vật vào cửa mình ướt đẫm. Con nhỏ oằn người, hai đùi khép nhanh, miệng vọt ra tiếng kêu thảng thốt:

“Ối… Ối… Đau em.”

Tiếng kêu lớn quá. Tôi vội vã bụm miệng con nhỏ.

Cũng may, dưới nhà tiếng chuông mõ nhịp nhàng leng keng lốc cốc đã át mất lời tán thán hùng hồn của con nhỏ. Tấm màn che lan can lay động, khoảng hở hé rộng. Một người đàn ông lớn tuổi bước qua ngưỡng cửa, đứng nhìn rất lâu tấm chân dung Kh., ông ta khẽ lắc lắc mái tóc lốm đốm bạc, lại bàn thờ rút ba cây nhang, đốt, trở về đứng trước quan tài cúi đầu chắp tay lâm râm cầu nguyên. Vái ba cái. Cắm ba cây nhang vào lon sữa bò. Hoa quỳ mọp sụp xuống lạy đáp lễ. Hoa sụp lạy nhưng không thể sát đất, chiếc bụng chửa nặng nề lấn cấn. Ông ta đến bên, vỗ vỗ bàn tay sạm đen lên vai Hoa, nói nhỏ vài lời. Hoa đưa chiếc khăn trắng chậm mắt, mếu máo Dạ… dạ… cảm ơn bác Ba… Kh. tiếp tục cười, nụ cười sáng bóng hai hàm răng trắng. Kh. tiếp tục cười… Thằng này bao giờ cũng cười, ở đâu cũng cười…

Hành quân Lam Sơn 719… Hai bên vách núi sừng sững, con suối cạn bò quanh co ở giữa. Đơn vị muốn chạy ra quốc lộ 9 phải sử dụng con suối như một đường thoát, duy nhất. Đại liên địch đặt trên cao, dọc theo con suối, chĩa xuống. Chẳng còn cách nào khác. Nhứt chín nhì bù. Phước đức ông bà phù hộ đừng bù. Canh bạc tử sinh. Được, Sàigòn hoa lệ, Sàigòn đèn xanh đèn đỏ ngã bảy ngã sáu, Sàigòn hẻm 92 Lê Văn Duyệt, ngã Ba Chú Ía, ngã Năm Chuồng Chó có em đít bự vú to phơi hĩm chờ chàng. Thua, xác sình chương quạ tha ma bắt, thanh minh trong tiết tháng ba cha mẹ chồng con muốn tảo mộ đạp thanh cũng không một nấm mồ! Chẳng còn chọn lựa nào khác… Chúng tôi được lệnh lội dọc theo suối. Quân trang, ba lô bỏ hết, chỉ giữ lại súng, lựu đạn. Càng gọn nhẹ càng tốt, càng gọn nhẹ di chuyển càng nhanh. Đơn vị đi đầu vừa đặt chân xuống lòng suối, đại liên địch liền khai hỏa… Nhanh, nhanh, nhanh… Tiếng đạn rào rào, tiếng la hét réo mẹ kêu cha, gọi trời khấn Phật, tiếng những thây người ngã ùm xuống nước, tiếng bọt sóng xoáy quanh chân… Nhanh, nhanh… Máu loang đỏ dòng nước, thây người càng lúc càng nhiều. Nhanh, nhanh… Thây người chồng chất lên nhau, thằng chạy sau đạp bừa lên thằng vừa ngã, thằng vừa ngã giẫy đành đạch cứu tôi, cứu tôi… Đụ mẹ, cứu thân chưa chắc nổi còn cứu được ai? Nhanh, nhanh… Máu phun tứ phía, máu biến con suối thành một dải nước đỏ lềnh, bắn tung tóe dưới chân, bắn tung tóe khi vướng vào thây người. Máu đỏ, máu tươi rói, máu có vòi, bắn tung tóe lên mặt mũi tay chân quần áo những thằng còn sống. Nhanh, nhanh… Khi chúng tôi vượt hết con suối, đến được quốc lộ thì đại đội đã vơi hơn phân nửa. Những thằng thoát chết mặt mày thất đảm, nét kinh hoàng làm cho những đôi mắt trắng dã, lạc thần. Tôi ngã chúi bên cạnh Kh., thở không ra hơi, cái nón sắt rơi lúc nào chẳng hay, một bên vai áo cháy sém rát bỏng. Hú hồn, viên đạn chỉ nhích vào một phân là đi đứt cánh tay, hú hồn. Tôi quay qua nhìn Kh., thằng khốn nạn ngã người ra sau, lưng tựa vào một gốc cây, toét miệng cười: “Đụ mẹ, còn sống sao con?”. “Đụ mẹ, cười con củ cặc, còn cười được à?”. “Đụ mẹ, không cười chẳng lẽ khóc sao con?”

Tôi vừa tìm cách đi sâu vào người con nhỏ, vừa vỗ về: “Không sao đâu em, đừng la lớn. Ráng một tí… em.”

“Thôi anh ơi, em chịu không nổi. Đau quá anh ơi…”

“Nổi mà, chút thôi mà. Anh yêu em, hãy nhớ anh yêu em…”

“Người ta yêu nhau bằng tinh thần mà anh, đâu có thế này, chưa chi anh đã thế này…”

Bắt đầu tuồng tích gì đây? Trái Khổ Qua? Dây khổ qua nhụy dzàng bông trắng, trái khổ qua tuy đắng nhưng đượm thắm hương… tình. Tôi hơi bất mãn. Tôi bỗng khựng ngang. Nhưng đoạn đường chiến binh đã qua già nửa, cũng phải rán tiến chiếm mục tiêu. Đạn đã lên nòng, chốt an toàn đã mở. Nhảy dù mà, nhảy dù cố gắng, nhảy dù súng cầm tay, ba lô trên lưng, M-26 tám trái, 400 đơn vị hỏa lực đạn, một quả mìn claymore, một cây M-72, hai trái khói màu, hai trái lân tinh, bốn ngày lương thực cộng mền mùng chăn gối thuốc lá cà phê đường trà nước mắm bột ngọt hành tiêu muối ớt… Nhảy dù mà. Nhảy dù cố gắng… Người ta yêu nhau bằng tinh thần… Chưa chi anh đã tụt quần… Tôi bỗng khựng ngang, tôi định bỏ cuộc, tôi định để đức cho con… Nhưng con nhỏ ngon quá, da dẻ mát rượi, mu bự phơn phớt vàng sẫm, vú cứng hồng hồng đầu nhọn. Con nhỏ còn mới toanh chưa ai cắt chỉ. Tôi cúi ngậm một đầu vú, day day. Con nhỏ oằn oại xuýt xoa.

Khi tôi cố gắng vào được sào huyệt thì con nhỏ bật khóc:

“Đau quá anh ơi… Chết em, chắc chết… Anh… ơi.”

Em không chết đâu, làm sao chết được. Anh cũng không chết đâu em, chỉ có Kh. mới vừa bỏ cuộc đêm qua. Đụ mẹ văn chương chữ nghĩa giả cầy, không chết, bỏ cuộc, đụ mẹ, Kh. chết nát bấy, Kh. chết chẳng toàn thây, thằng khốn nạn đâu có bỏ cuộc? Sức mấy bỏ cuộc, nhảy dù chịu chơi chơi tới cùng, đạn pháo dập thằng khốn tan xương. Chết tức tưởi, chết uất ức, bỏ cuộc cái đéo gì? Đụ mẹ lại một anh nghệ sĩ mặc si vin làm lính kiểng luẩn quẩn loanh quanh ở mấy phòng trà! Người thượng sĩ già nói với tôi: Hết rồi thiếu úy. Chỉ lượm được chừng này, chẳng biết của ai vô ai. Giờ phải làm sao? Tôi nhìn đống thịt bầy nhầy muối đất cát dồn thành đống. Bên cạnh, nửa thân trên của Kh. tương đối còn nhận ra, dù khuôn mặt đã khuyết mất một bên, thằng tà lọt được đoạn giữa, bảng tên trên nắp áo tuy thấm đầy máu vẫn còn có thể đọc được. Gã truyền tin thì vô phương! Mắt tôi cay xè. Cơn nghẹn trào lên ngực, đầu tôi như có từng tiếng búa nện bong bong. Tôi lạc giọng: Đành chia ba chứ biết làm sao. Người thượng sĩ ra lệnh cho hai tên lính trải poncho, dùng xẻng xúc đống thịt chia làm ba phần, Kh. một phần cùng với nửa thân trên. Thằng tà lọt một phần với đoạn giữa, người lính truyền tin ưu tiên với hai ống chân, hai cánh tay và phần thịt nhiều hơn. Hai thằng lính khom xuống túm bốn góc poncho cuộn lại, cột hai đầu. Tôi quay mặt ra sau, không đừng được, tôi bật khóc. Lần đầu tiên tôi khóc kể từ ngày mẹ tôi qua đời. Tôi đã từng chứng kiến nhiều cái chết của đồng đội, đã từng tự tay gói poncho cho nhiều thằng, nhưng lần này sự đau xót đã vượt trên mức chịu đựng. Kh. thương tôi như em, Kh. che chở cho tôi bao nhiêu chuyện. Những lần về phép mải mê rượu chè trai gái, tôi trình diện trễ, Kh. đỡ cho tôi. Những đêm say nhừ, tưởng bắn nhau trong quán, Kh. đứng ra hòa giải. Tôi trẻ người háo thắng, tôi như thằng lê dương khát máu, như thằng du đãng Cầu Hàn. Nỗi khổ cực và những phũ phàng tôi nhìn thấy khi trở về hậu phương, đã biến tôi thành một kẻ bạt mạng bất cần, Kh. khuyên nhủ răn đe, Kh. vạch cho tôi thấy giá trị thực sự của đời sống, cái giá trị không nằm trong bản thân những thằng to thằng nhỏ ăn trên ngồi trốc, buôn vàng buôn bạch phiến, buôn súng ống đạn dược thuốc men, buôn cả vợ con đất nước, mà giá trị đích thực ở chính cái tình chiến hữu sống chết từng giây. Bây giờ, Kh. như thế kia, Kh. chết không toàn thây. Và Hoa với chiếc bụng chửa, hai đứa nhỏ mò côi cha…

“Anh ơỉ…”

Con nhỏ rướn người lên, bấu siết trên lưng tôi. Con nhỏ quằn quại dưới thân thể tôi. Con nhỏ vật vã cắn răng chịu trận. Con nhỏ kêu anh ơi anh ơi có yêu em không? Anh ơi đừng lừa em nghe đừng bỏ em nghe, anh ơi em yêu anh em không tiếc gì với anh, em muốn làm vợ anh… Mày lấy nó đi, lấy vợ phải biết chọn giống, mày lấy nó đi, bảo đảm cơm no bò cỡi… Đụ mẹ, tao đang lấy đây, lấy vô đạo tàn nhẫn, lấy hãm hiếp cưỡng bức, lấy dối trá ngon ngọt đường mật, lấy ngay trên nóc áo quan mày, lấy ngay cận kề vợ mày bụng mang dạ chửa nước mắt nước mũi nhem nhuốc, lấy ngay trên đầu con mày mê mệt ngủ ngồi dãi nhớt nhễ nhại… Tao đang lấy đây. Tiếng chuông tiếng mõ tiếng tụng niệm đã đưa mày qua đến đầu cầu chờ húp cháo lú chưa? Hay còn quanh quẩn đâu đây? Hay còn chứng giám tao đang lấy ngon lành dễ dàng thơ thới hân hoan con em vợ mày ngây thơ non dại dậy thì mơn mởn? Tao đang lấy đây, Kh., tao đang lấy…

Tôi nắm tóc con nhỏ kéo sát lại gần, ngậm chặt đôi môi run rẩy ú ớ lảm nhảm. Mồ hôi tươm ra nhỏ giọt xuống bụng con nhỏ…

Dòng nước đục nhờ pha máu tràn ra, nhỏ giọt tong tong xuống nền xi măng khi tôi đưa tay kéo ngăn kệ sắt đựng xác Kh. cho Hoa nhận diện. Tôi đoán không sai, vừa nhìn thấy xác chồng một đống bầy nhầy tay chân phèo phổi, Hoa hét lên chói lói, ngã vật ra. Đã chuẩn bị sẵn, tôi gọn gàng đỡ cây thịt nặng nề rơi vào vòng tay, hất hàm nói với người lính trực nhà xác lấy băng ca, gọi bác sĩ… Hoa nằm thẳng đuột, đầu ngoẹo qua một bên, bụng nhô cao như một nấm mồ. Tôi nhớ hình ảnh Nguyễn Thị Thanh Sâm đã gợi ra trong một cuốn tiểu thuyết: người ta sinh ra từ một cái gò, gò bụng của mẹ, và chết đi cũng trong một cái gò, nấm mộ ngoài nghĩa trang. Gã lính thuộc đội chung sự đi bên cạnh tôi lắc đầu than thở: “Em chỉ mới đổi về đây có ba tháng mà đã muốn… đào ngũ thiếu úy ơi. Ngày nào cũng thấy xác chết, đủ kiểu đủ cách, ngày nào cũng thấy người ta khóc lóc, ngất xỉu, chửi rủa, trách trời than đất. Thần kinh căng thẳng, muốn điên luôn.” “Rồi cũng quen đi chứ.” “Quen sao được với xác chết, thiếu úy?” Khi đi ngang qua chỗ bệ xi măng có dãy vòi nước chạy dọc phía trên, chỗ tẩy rửa xác chết cho sạch sẽ vệ sinh trước khi mang để trong ngăn lạnh, tôi nhìn thấy ba bốn cái xác dựng dọc vách tường. Người lính nói: “Xác rửa xong dựng đó cho ráo nước. Thiếu úy nhìn kìa. Cái kia trông có giống người không?”. Quả thật, cái kia chẳng giống người tí nào! Đó là một khúc thịt trương phình, đen thui nứt nẻ, không đầu không chân, chỉ còn hai nhánh xương co quắp đeo lủng lẳng hai bên vai, từ những chỗ nứt, máu trộn mủ tươm ra, chảy ngoằn ngoèo, nhỏ long tong xuống sàn xi măng lầy nhầy thịt xương vụn chưa kịp quét dọn. Tôi rùng mình quay đi chỗ khác. Một con ruồi xanh to bằng đầu điếu thuốc vù qua mặt, tiếng kêu phát ra u u như tiếng trực thăng. Tôi lợm giọng, muốn ói.

Tôi tiếp tục nhịp nhàng. Tiếng da thịt lép nhép cọ xát. Tôi trương cứng vào ra giữa hai vách thịt mềm ẩm ướt.

“Thôi anh ơi… Em đau quá, em hết chịu nổi rồi, thôi anh ơi, em lạy anh, anh ơi…”

Phải chịu em ơi, lỡ rồi em ơi. Anh đâu dừng được. Anh chẳng thể dừng ngang xương tức tưởi được em ơi. Tôi siết mạnh con nhỏ, ép sát thân thể con nhỏ vào người, con nhỏ nấc lên từng chặp. Nước mắt trào ra hai bên khóe, bò xuống má, xuống môi. Tôi cúi hôn, cảm thấy đầu lưỡi mằn mặn. Tôi cúi hôn:

“Rán tí nữa em. Lần lần rồi quen em à.”

“Có quen không anh. Ối, đau! Quen thật hả anh? Ối, đau, nhẹ nhẹ thôi anh…”

“Quen chứ. Không quen sao người ta thành vợ thành chồng?”

“Đừng bỏ em nghe anh. Đừng bỏ em tội nghiệp em. Em yêu anh… Ối, nhẹ nhẹ anh ơi…”

Tiếng tụng kinh chuyển nhanh, tiếng mõ tiếng chuông cũng chuyển nhịp bắt theo. Tôi bỗng thấy người sượng cứng. Tôi ôm siết con nhỏ, động tác gia tăng. Con nhỏ càng quằn quại dữ dội, miệng há ra, hơi thở đứt quảng. Anh… anh… anh… anh… Con nhỏ rít lên, nước mắt giàn giụa. Con nhỏ rít lên, hết gọi tôi đến gọi cha gọi mẹ, thân thể rung bần bật, hai đùi khép mở cuống cuồng… Máu căng dưới da, máu dồn lên óc, tôi chỏi tay nhỏm người, cố đẩy sâu vào trong. Và tôi rùng mình.

Cảm thấy một luồng gió lạnh toát chạy rần rật qua người, cảm thấy sinh lực thoát ra, thoát ra, thoát ra. Tiếng kinh tụng tiếp tục đuổi bắt theo tiếng chuông mõ. Tôi ngẩng đầu lên, hớp vài ngụm không khí. Nằm yên một lát, tôi vật người qua bên cạnh. Con nhỏ thở hắt ra, như trút một gánh nặng. Tôi dùng hai ngón chân khều chiếc quần đùi nằm nhăn nhúm phía dưới, lau nhẹ nhàng phần giữa của con nhỏ rồi tự lau cho mình. Qua ánh bạch lạp trên nắp áo quan từ dưới nhà hắt lên mù mù, tôi nhìn thấy vết máu đỏ nhòe nhoẹt. Dù đã biết con nhỏ còn trinh, nhưng khi nhìn thấy vết máu, tôi cũng không khỏi giật thót. Tôi xoay qua ôm con nhỏ, vỗ vỗ lên lưng:

“ Hết đau chưa cưng? ”

Con nhỏ cũng quàng tay ngang hông tôi, siết mạnh:

“Còn, nhưng bớt nhiều. Anh ơi, lần sau… có quen không anh?”

“Anh đã nói rồi, quen là cái chắc. Lần sau… không đau nữa đâu.”

Tôi tự hỏi, có lần sau không? Dan díu lâu, lậm sâu e khó thoát. Lần này, về đơn vị có lẽ tôi trốn luôn. Nhưng trốn thế nào được, tôi đâu thể đổi qua tiểu đoàn khác, tôi cũng đâu thể không trở lại đây thăm Hoa, thăm hai đứa con của Kh. Hai đứa con của Kh. Tôi nhìn xuống, con bé còn ngủ trên đùi mẹ, mê mệt. Thằng lớn gục đầu tựa vào chiếc đòn gỗ kê quan tài, cũng đang ngáy ngon lành. Hai vai Hoa nhô lên, lưng gù xuống, bụng chồm ra phía trước. Chiếc lon sữa bò đã đầy chật chân nhang. Những ngọn bạch lạp đã cháy già nửa. Chiếc mũ đỏ. Đôi mắt đăm đăm. Nụ cười trắng bóng hai hàm răng. Sợi dây huân chương lòng thòng bên vai. Kh., tao là đứa khốn nạn, phải không?

Tao là đứa khốn nạn, phải không?

Thư Lệ gởi cho tôi, theo chuyến tiếp tế lương thực người thượng sĩ thường vụ trao lại:

Anh T. ơi!

Sau ngày đám táng anh Kh, chẳng thấy anh ghé chơi. Chị Kh. nhắc anh hoài. Em cũng nhớ anh muốn điên luôn, mấy lần em tính vào tiểu đoàn thăm anh, nhưng sợ anh la nên em không dám. Rồi có tin anh đi hành quân. Thôi thế là em phải xa anh thêm cả ngàn cây số, và cả ba bốn tháng trường. Em đã viết cho anh bao nhiêu là thư, ngày nào cũng viết, mà chẳng dám gởi. Biết anh có bằng lòng cho em gởi hay không? Em chẳng hiểu tại sao lại sợ anh đến thế, cái gì cũng sợ, lúc nào cũng sợ. Bữa anh đòi, thật tình em run muốn chết, đau nữa, nhưng em sợ anh, em sợ anh giận, em sợ anh buồn, nên em phải cắn răng chịu, mãi cả tuần sau còn đau. Bây giờ thì hết rồi, anh đừng có lo, em hết đau rồi. Hết đau rồi em lại nhớ anh, nhớ quá là nhớ, không lúc nào không nhớ. Em đi ra đi vô, em đi lên đi xuống, em đi chợ đi may, em nấu cơm rửa chén, em giặt đồ quét nhà, em lên xe buýt, em đạp xe đạp, em ngồi với bạn bè, em thức em ngủ… chỗ nào, lúc nào cũng nhớ, nhớ điên khùng, nhớ quặn ruột quặn gan. Nhớ quá, em leo lên gác, nằm xuống chỗ anh với em đã… Em tưởng sẽ dễ chịu, ai ngờ còn nhớ hơn. Nhớ quá, em lại lôi giấy bút ra, viết cho anh, viết lung tung, viết tầm bậy tầm bạ, viết đầy giấy đầy chữ, viết cho đỡ nhớ. Ngày nào em cũng viết, cuốn tập trăm trang không còn chỗ trống, em viết cả lên lề. Mà em đâu có dám gởi. Em sợ anh không cho.

Nhưng hôm nay thì em không thể không gởi cho anh. Đã một tháng kể từ ngày đó, em bỗng hay chóng mặt xây xẩm, ớn cơm tanh cá. Em nghi, em dấu chị đi khám bác sĩ. Bác sĩ nói em có thai. Em sợ quá. Em có thai, mà anh thì còn ngoài hành quân, em không biết phải làm sao? Em phải làm sao đây anh? Viết cho em. Em lạy anh, viết cho em, bày em với. Anh biểu để, em để, anh biểu phá, em nghe lời anh. Anh biểu gì em làm nấy. Em nghe anh. Anh ơi, đầu óc em bây giờ như cuộn chỉ rối, rối nùí rối beng, chẳng suy nghĩ tính toán cái chi ra hồn. Em trông tin anh từng giờ từng phút. Viết cho em nghe anh.

Anh ơi. Anh nói anh yêu em. Em nửa tin nửa ngờ. Đôi khi em tin, anh là bạn thân của anh Kh., chẳng lẽ anh nói dối? Đôi khi em ngờ, em xấu xí ngu dốt, làm sao xứng đáng với anh. Xứng đáng với anh phải là mấy cô nữ sinh đẹp đẹp, học hành chữ nghĩa nhiều nhiều. Em như con lọ lem. Anh mà yêu em thì kể cũng lạ. Anh ơi, em lo sợ quá. Anh có yêu em không? Trả lời em đi anh. Anh có yêu em không? Nếu yêu, anh viết ngay cho em. Thư từ vùng hành quân về đến Sàigòn cũng mất cả tuần. Em sẽ trừ hao thêm ba ngày. Nếu sau mười ngày em không nhận được thư anh, thì kể như anh không yêu em. Anh không yêu em! Trời ơi, em phải làm sao. Chắc em phải phá, chắc em không sống nổi, chắc em hận anh suốt đời… Nói thế chứ em không dám hận anh đâu, chẳng qua cũng tại em, tại em đèo bòng trèo cao. Trèo cao thì té nặng, cho đáng đời em. Em không hận anh đâu. Bao giờ em cũng yêu anh, cho dù anh bỏ em, chẳng thèm đoái hoài tới em, em vẫn yêu anh suốt đời. Em nói thật, em không biết nói dối đâu. Em yêu anh suốt đời.

Anh ơi, trả lời em nghe anh. Anh có yêu em không?

Em mong anh bình an mọi mặt. Hành quân ăn uống chắc cực khổ lắm, anh Kh. nhiều lần kể có khi các anh phải nhịn đói hai ba ngày, chỉ uống nước suối thay cơm, vì tiếp tế không được. Em thấy xót ruột quá, ước gì em ở gần bên anh, để cùng chịu đói với anh, ước gì người ta cho vợ lính theo chồng, để em hầu hạ cơm nước cho anh. Anh về, ghé nhà em sẽ nấu canh chua cá lóc anh nhậu. Anh Kh. thường khen em nấu lẩu canh chua ngon số một. Ồ, em nói dông dài bậy bạ quá, chắc anh không thích phải không?

Anh ơi, có yêu em không?

Cho em hôn anh nghìn cái, nghìn nghìn cái.

Em của anh.

Tôi có yêu Lệ không. Dĩ nhiên tôi chẳng thể yêu. Người tôi mơ ước, dĩ nhiên đúng như Lệ nói. Tôi không yêu Lệ, dù chỉ một chút. Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa hiểu động cơ nào đã khiến tôi hành động như đã từng, ngay trong ngày đám táng của Kh. Tôi biết chẳng phải vì thân xác Lệ ngồn ngộn sinh lực đã khiến con thú trong tôi lồng lên trở chứng. Bao nhiêu lần tôi từng nhìn thấy Lệ. Những đêm về khuya với Kh., Lệ ra mở cửa, áo ngủ phong phanh, trong men rượu say ngất, thú tính dễ thao túng, nhưng tôi vẫn còn đủ sáng suốt tự chế. Nếu muốn, tôi đã làm việc ấy từ lâu. Vậy mà tại sao hôm đó tôi lại hành động điên cuồng súc vật như thế? Có lúc tôi nghĩ, những bức xúc trong suốt một tuần từ lúc nhìn xác Kh. nát bấy bó vào poncho, chứng kiến cảnh vợ con Kh. tơi tả kiệt lực, sự mỏi mệt rã rời qua nhiều đêm mất ngủ, đã làm đầu óc tôi mù lòa, khả năng đề kháng bị đè bẹp, và tôi hành động hoàn toàn bị dẫn dắt bởi bản năng, cái bản năng thú vật luôn luôn tồn tại trong mỗi con người, chỉ chờ thời cơ thuận tiện là nhảy ra, chiếm ngự. Có lúc tôi lại nghĩ, điều làm cho mỗi con người chúng ta sợ hãi nhất, là cái chết, cho nên bằng cách này cách nọ, chúng ta cố cưỡng chống lại. Vua chúa ngày xưa tìm thuốc trường sinh, các phù thủy luyện linh đơn bất tử, các nghệ sĩ miệt mài sáng tạo, ngoài chuyện thỏa mãn nhu cầu tìm kiếm cái đẹp, còn ẩn chứa ước muốn tồn tại cùng thời gian. Cách nào, duy trì sự sống miên viễn hay để lại tí danh thơm, đều là biểu hiện phản kháng định luật đào thải. Và hình như hành động giao cấu, giữa hai phái tính, cũng là cách phản ứng chống lại cái chết, bằng con đường truyền giống. Ý niệm này ẩn tàng trong thẳm sâu tiềm thức con người, chúng ta không thể chứng minh bằng luận cứ vững chắc cụ thể, bởi ý niệm đâu có hình thù? Đâu phải những con số? Nhưng nó vẫn có đó, vẫn tiềm tàng, đến một lúc nào, khi chúng ta bị đẩy đến mé bờ cái chết, hoặc quá đỗi lo sợ cái chết, nó xuất hiện, dưới dạng đòi hỏi của xác thịt. Tôi nghe người ta kể, những người tự tử, những kẻ treo cổ, thường trước khi tắt thở, tinh khí bắn vọt ra. Nếu điều này có thật, thì một cách nào đó, suy nghĩ của tôi chắc không sai.

Nhưng mọi lối suy diễn, dù đúng hay sai, giờ đây không còn quan trọng nữa. vấn đề với tôi nhãn tiền là lá thư của Lệ. Lá thư của Lệ! Tôi có nên trả lời không? Tôi không yêu Lệ, nếu trả lời, cái bào thai trong bụng Lệ sẽ đương nhiên được tôi chấp nhận, cũng có nghĩa tôi không thể chối bỏ Lệ. Trời ạ. Làm chồng Lệ, điều đó quả quá sức tôi. Chẳng bao giờ, không đời nào. Tôi thà biến thành tên sát nhân còn hơn phải chấp nhận cái giá kinh khủng này. Tôi nằm trằn trọc trong căn hầm tối, bên ngoài, đêm đã quá khuya, tiếng cú rúc trong cánh rừng dưới chân đồi vang âm buồn bã. Một trái hỏa châu từ căn cứ chỉ huy phóng lên, ánh sáng lung linh chiếu qua lỗ châu mai. Không thể được, tôi tự nhủ. Trong tôi, niềm ân hận mỗi lúc một lớn, nó dày vò hành hạ tôi đến đau quặn buồng ngực. Nhưng không thể được. Cuối cùng tôi quyết định tiếp tục im lặng. Tôi chọn thái độ của một tên sở khanh. Đành vậy. Tôi thì thầm, với Lệ, mà như với chính mình. Xin lỗi, anh xin lỗi em.

Ba tháng sau tôi trở lại hậu cứ.

Một hôm Hoa vào tiểu đoàn. Hoa mới sinh xong, cần bổ túc hồ sơ cô nhi quả phụ. Gặp tôi, Hoa trách sao hành quân về không ghé nhà thăm, tôi lúng túng trả lời quanh co. Hoa đã khá hơn, nỗi đau nào rồi cũng nhạt. Tôi thầm nghĩ quả thật thời gian là một liều thần dược. Tôi nhớ đến Lệ. Bây giờ con nhỏ ra sao? Lệ giải quyết cách nào về cái bào thai? Làm như vô tình, tôi hỏi thăm tin tức con nhỏ. Hoa cho biết, sau ngày Kh. chết hai tháng, con nhỏ bỗng nằng nặc đòi lấy chồng. Một anh trung sĩ Không Quân muốn cưới con nhỏ. Nó bằng lòng. Đám cưới như chạy tang, chẳng kịp chuẩn bị mời mọc ai. Bây giờ con bé đang mang thai. Hoa chép miệng cười: Con nhỏ tốt nái, mới ba tháng mà cái bụng chang bang, điệu này e sinh đôi. Tôi choáng váng. Con nhỏ không phá thai. Anh trung sĩ nào quả đã trúng số! Tôi tự trấn an, thôi thế cũng tốt.

Nửa năm sau tôi có vợ, người vợ như mơ ước, đẹp, có học, yêu thi ca nghệ thuật, hát hay, ngâm thơ não nuột đến rụng rời tay chân. Tôi yêu vợ mù quáng, tôi tôn thờ nàng như tôn thờ một đấng linh thiêng. Nàng hơi nhỏng nhảnh khó tính. Nhưng nàng đẹp, tôi nghĩ, nhỏng nhảnh khó tính thế, chứ hơn nữa tôi cũng vui vẻ chấp nhận. Đàn bà đẹp, đàn bà thông minh, đàn bà tài ba, tất phải có đặc quyền bắt đàn ông chiều chuộng, nâng niu. Điều này tất nhiên như chuyện trời mưa trời nắng, có gì phải thắc mắc bận tâm.

Dĩ vãng hầu như chẳng còn để lại dấu vết nào trong tôi.

Con đường tối mù. Hai hàng cây sao cao vút rào rào gió động. Cuối đường, chỗ ngã tư đèn xanh đèn đỏ, những sạp hủ tiếu, phở, bánh mì, nghêu sò, cháo lòng… đèn măng xông sáng choang. Tràn ra lề đường, những chiếc ghế đẩu thấp tè sắp từng hàng dài, khách ăn khuya nhộn nhịp. Tôi ngồi tựa lưng vào gốc cây, khoanh tay trước ngực cho đỡ lạnh. Gió lướt trên mặt lộ, phả vào mặt buốt rát, lùa đám lá khô đuổi nhau chạy dồn về một hướng. Trên lề, chiếc chai không nửa lít đứng bên cạnh cục sắt tròn rỗng ruột có tay quay bên trên, dụng cụ ép vá ruột xe. Ngọn lửa leo lét đỏ cạch từ lòng cục sắt rỗng tạt nghiêng, khói đen kịt tỏa ra, táp vào mũi tôi ngột ngạt. Tôi chửi thề xoay chiếc ghế đẩu vào phía trong gốc cây tránh khói. Cũng đã khá khuya. Tôi định dọn dẹp đi kiếm cái gì bỏ bụng rồi về ngủ một giấc cho lại sức. Cả ngày chỉ ăn qua quít khúc bánh mì buổi trưa và dĩa cơm lưng lưng buổi chiều, bây giờ đói meo. Tôi xấu đói, lại yếu sức nên đến bữa chưa có cái gì nhét vô miệng là xây xẩm mặt mày, đứng không muốn vững. Nhất là từ ngày đi học tập về, sức khỏe tôi càng tồi tệ. Nhiều lúc soi gương, tôi thật tình không thể nào ngờ mình đã biến đổi nhanh chóng và thê thảm như thế. Anh chàng thiếu úy nhảy dù hào hoa phong nhã ngày nào đã hoàn toàn biệt tích. Tôi bây giờ chẳng khác chi thằng nghiện xì ke. Hai má hóp, sạm đem, lưỡng quyền vênh lên nhọn hoắt, đôi mắt vàng cạch lờ đờ, môi thâm tím (hậu quả của chứng sốt rét).

Nhưng có lẽ tôi cũng không đến nỗi xuống dốc nhanh thế này, nếu tinh thần đừng suy sụp quá đáng. Nguyên nhân chính khởi từ chị vợ yêu quý của tôi, chị vợ tôi cưng chiều hết mức, chị vợ tôi tôn thờ như nữ thánh! Chị vợ đó, ngày tôi đi học tập, chỉ thăm nuôi độc nhất một lần, rồi biệt vô âm tín. Mãi hơn một năm sau tôi mới được tin chị đã cùng anh kép mới xuống tàu vượt biển. Thế đấy, không xuống dốc nhanh sao đặng? Tôi còn sống đến ngày hôm nay, kể cũng cương cường dũng mãnh quá lắm rồi. Người đàn bà tóc dài da mướt của tôi giờ này ra sao? Có lẽ đang lái xe hơi chạy phom phom trên xa lộ? Có lẽ đang nằm bên chồng nghe nhạc New Wave? Có lẽ đang sửa soạn mua thêm ngôi nhà mới? Tôi không biết, hoàn toàn mịt mù tin tức. Nhiều đêm, nằm trằn trọc sau chái bếp một bạn đồng ngũ cho ở nhờ, tôi không cầm được nước mắt. Tôi nhớ nàng quay quắt, tôi vẫn còn yêu nàng thảm thiết. Giả dụ nếu bây giờ nàng có mặt ở đây, giả dụ nàng trở về với tôi? Bao nhiêu cái giả dụ không tưởng! Nhưng nếu thành sự thật, tôi biết chắc, tôi sẽ tha thứ hết, tôi sẽ coi như không có gì xảy ra. Tôi yếu mềm? Tôi hèn nhát? Tôi không đáng mặt nam nhi? Cũng được. Nào sá chi miệng tiếng thế gian! Tôi yêu nàng. Tôi vẫn yêu nàng. Đủ rồi. Cần quái gì cuộc đời thấp cao phê phán.

Thế vẫn còn hơn bây giờ, tôi sống mà như đã chết. Lòng tôi lúc nào cũng quặn đau muối xát. Tôi mơ ước một ngày nào trúng số, có tiền vượt biên, tôi sẽ qua Mỹ tìm nàng, chúng tôi lại nối kết duyên xưa. Một người như nàng, có lúc sa ngã cũng là chuyện thường. Một người như nàng, làm sao chịu đựng nổi cơ cực? Nàng phải có lối thoát để tồn tại chứ! Tôi tìm mọi lý do để bênh vực nàng, để tha thứ cho nàng, để nghiệm ra rằng, nàng hành động như thế cũng là hợp lý, chẳng có chi đáng ngạc nhiên. Chẳng có chi đáng ngạc nhiên, như ngày xưa, tôi đã từng chấp nhận cái nhỏng nhảnh khó tính của nàng. Bao giờ tôi cũng thấy nàng hữu lý. Ít nhất, hữu lý hơn tôi, nếu tôi còn hẹp hòi kết án nàng. Trúng số, có tiền, vượt biên… Ước mơ của tôi tuy vô vọng nhưng đang là niềm an ủi lớn. Con người ta, nếu không còn hy vọng, không còn ước mơ, thử hỏi sống để làm gì?

“Anh thợ ơi, vá giùm cái xe.”

Tôi giật mình. Vội vã chạy ra:

“Cán đinh?”

“Không biết. Anh coi giùm.”

Người đàn ông mập mạp cao to, mái tóc cắt ngắn, mặc chiếc áo da nhập cảng, chiếc quần jean xanh mới tinh. Tay này chắc thuộc tư sản mại bản, nếu không cũng chủ sạp chợ trời hay chí ít cũng đầu nậu buôn bán thuốc Tây. Người đàn ông dựng chân chống chiếc Honda, quay qua nói với vợ và thằng con trai trạc sáu tuổi đang nắm tay mẹ:

“Em đưa con đến ngã tư ăn cái gì đi. Anh coi thủng mấy lỗ, tới sau.”

“Có lâu không? Hay đợi vá xong mình đi luôn.”

“Em đưa con tới trước, chỗ này tối tăm, lại lạnh nữa. Con nó cảm hàn bây giờ.”

Tôi giật thót người. Giọng nói quen quen. Tôi kéo sụp vành nón lưỡi trai, liếc nhanh về phía người vợ. Bỏ mẹ tôi. Lệ. Con nhỏ mập hơn, nhưng không khác xưa bao nhiêu, chỉ chững chạc người lớn ra thôi. Tôi cúi gầm mặt, cố tình bận rộn với cái lốp xe. Lệ dắt con đi về phía ngã tư, hai mông đẫy đà ngoe nguẩy, chiếc quần, cũng jean xanh mới toanh, chấm tới đôi giày cao gót bóng lưỡng. Hai bàn tay tôi run bắn, lụp chụp mãi tôi mới tháo được vỏ xe, lôi cái ruột ra, lẩy bẩy nhúng vào thau nước. Người đàn ông hỏi:

“Lạnh hả, run dữ vậy?”

“Dạ lạnh, tôi quên mang áo ấm.”

“Mùa này mà quên mang áo ấm thì không xong rồi.” Người đàn ông cúi xuống, anh ta theo dõi tôi làm việc.

“Đó, sủi tăm kìa.”

Người đàn ông chỉ tay. Tôi dùng ngón cái đè lên chỗ sủi tăm, móc túi lấy cây đinh ấn vào làm dấu rồi tiếp tục di chuyển cái ruột xe. Bậy quá, mình mất bình tĩnh, quên không nhìn thằng nhỏ. Thằng nhỏ. Trời ạ! Bây giờ nó là con của người đàn ông. Anh ta có biết không? Chắc không. Trông thái độ săn sóc của anh ta đối với thằng nhỏ cũng đủ hiểu. Thằng nhỏ giống ai? Chắc giống mình, nhất định phải giống mình. Máu mủ của mình mà. Lệ yêu mình quá mà. Anh ơi, em yêu anh, em không dám hận anh đâu, cho dù anh bỏ em, em vẫn yêu anh… Không giống mình thì còn giống ai? Chẳng lẽ giống người đàn ông này? Anh ta đâu phải tác giả! Nhưng bây giờ anh ta đang làm bố thằng nhỏ. Ông bố chủ sạp chợ trời, ông bố thương con thắm thiết. Lạnh, con nó cảm hàn bây giờ. Trời ạ! Còn tôi, tôi là ai? Thằng thợ sửa xe không nhà không cửa không vợ không con. Thằng thợ sửa xe không ngừng ấp ủ niềm ước mơ một ngày nào có tiền vượt biên, đi tìm thánh nữ! Thằng thợ sửa xe có tấm lòng trời biển, sẵn sàng tha thứ hết mọi chuyện cho dù em đã lấy cả chục thằng, cho dù em từng làm đĩ mười phương!

Chiếc ruột chỉ thủng một lỗ. Người đàn ông đứng thẳng lên:

“Tôi ăn xong về lấy.”

Người đàn ông vòng ra trước, khóa cổ xe, trở lại phía sau lật yên lấy sợi xích khóa luôn bánh trước vào khung xe, rồi bước đi. Tôi ngồi bệt xuống lề đường. Ngọn lửa trong chiếc ống sắt cạn dầu tắt ngấm từ bao giờ.

Bóng tối phủ tràn. Những ngọn đèn măng xông chỗ ngã tư nhòe mờ.

Văn bản do nhà văn Trần Vũ cung cấp

Comments are closed.