Đạo diễn Trần Văn Thủy (ký họa của họa sĩ Hà Bắc)
TIẾNG VỖ TAY TO NHẤT VÀ DÀI NHẤT
Nhớ lại, cách đây không lâu Larry Berman, nhà sử học, nhà văn người Mỹ tới Hà Nội, mời chúng tôi tới dự buổi ra mắt bản dịch tiếng Việt cuốn “Điệp Viên Hoàn Hảo” của anh tại trụ sở nhà khách Bộ Quốc Phòng ở phố Phạm Ngũ Lão.
Mọi người hồ hởi, ca ngợi tác giả, tác phẩm và nhân vật của cuốn sách. Tôi chỉ ngồi nghe thôi, nhưng lại là người được mời phát biểu sau cùng. Tôi đã nói vắn tắt những cảm nghĩ xung quanh cuốn sách đó và tôi không ngần ngại bày tỏ nghi ngờ sự trung thực của bản dịch. Trước hàng trăm quan chức quân đội, tình báo, nhà văn, nhà báo, máy ghi âm và máy quay phim tôi đã thưa một số điều mà tôi cho là cần thiết:
– Larry Berman! Anh đã kiểm tra lại bản dịch tiếng Việt cuốn “Điệp Viên Hoàn Hảo” (Perfect spy) của anh chưa? Ở nước Mỹ của anh không có Bộ Văn Hóa, không có Ban Tuyên Huấn, không có Hội Đồng Lý Luận Trung Ương thì nghĩ gì anh viết nấy. Còn ở đây, ở Việt Nam này có đầy đủ những thứ đó, bởi vậy, cho phép tôi được nói thật, cũng là một lời nhắc nhở anh: Tôi không tin bản dịch Tiếng Việt cuốn sách tâm đắc của anh được in nguyên si như bản gốc. Tôi bảo đảm với anh là nó đã bị “Thiến” đi không ít chỗ, bị kiểm duyệt kỹ lưỡng. Tôi đã kiểm chứng trên Internet trước khi tôi tới đây chia vui với anh…
Bất ngờ là toàn hội trường vang lên tiếng vỗ tay to nhất và dài nhất của buổi giao lưu hôm đó.
Và để kết thúc phần phát biểu, tôi đã nói tiếp như thế này:
– “Thưa quý vị! Xin quý vị cho phép tôi được bộc bạch cái điều tôi thường nghĩ: Thượng đế sinh ra chúng ta, ban cho chúng ta mỗi người một cái miệng. Cái miệng ấy để nói, để bày tỏ những điều chúng ta nghĩ. Không có lý do gì cái miệng do thượng đế ban cho chúng ra lại phải đi nói những điều người khác muốn”
Cái câu “Ca ngợi thượng đế” này tôi còn nhắc lại ở nhiều nơi mà tôi tới nói chuyện, chiếu phim nhân kỷ niệm 30 bộ phim Chuyện Tử Tế ra đời. Và đặc biệt được hưởng ứng khi ngài Giám đốc Đại Chủng Viện mời tôi tới nói chuyện ở Đại Chủng Viện Sài Gòn trước 600 chủng sinh, các linh mục và giới trí thức. Tất nhiên nói chuyện ở Đại Chủng Viện mà ca ngợi thượng đế thì chẳng có gì là sai và lại được vỗ tay.
Trở lại với đề tài cấm đoán, kiểm duyệt tôi xin thưa một cách trân thành trong tinh thần xây dựng rằng: Với khẩu hiệu “Hội nhập quốc tế sâu rộng” và “Cải cách thể chế toàn diện” của chính nhà nước Việt Nam khởi xướng hãy nên làm ngay cái việc có ích, bức thiết cho sự đi lên của xã hội Việt Nam, một việc trong tầm tay mà không tốn kém gì, đó là xóa bỏ sự kiểm duyệt thô bạo, vô lý, trước mắt chí ít với các tác phẩm văn học nghệ thuật hiện nay. Điều đó bức thiết đến mức không có từ ngữ nào diễn tả nổi. Điều đó cũng nhắc nhở chúng ta rằng, trong thời đại thông tin bùng nổ, toàn cầu hóa này, cấm đoán, kiểm duyệt thô bạo với văn học nghệ thuật là một chuyện rất dại dột, là chuyện “Vác gậy ông đập lưng ông” mà thôi.
Rồi tôi cứ nghĩ dưới thời cai trị tàn bạo của thực dân Pháp nửa đầu thế kỷ trước mà họ thực thi một chính sách kiểm duyệt chỉ bằng 50% ngày nay thì chúng ta đâu có những Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh … Đâu có những Văn Cao, Phạm Duy, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái …Và rồi từ đó cũng khó có thể có những bậc tiên liệt kiệt xuất ở đầu thế kỷ 20, những Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Thái Học, Hoàng Hoa Thám … Và hàng trăm, hàng nghìn kẻ sỹ thành danh thời đó.
Vâng! Vấn đề sẽ rất đơn giản nếu như mục đích tối thượng của chúng ta là: Vì con người, vì dân tộc, vì tổ quốc, vì tương lai của đất nước này. Còn nếu vì những cái khác thì xin nói một cách thật vắn tắt: “Thôi rồi! Lượm ơi!” đành “Bó tay.com”. Đành “Bó tay.com” vì thế hệ chúng tôi đã già và …hèn.
KỊCH BẢN VỀ TRỊNH CÔNG SƠN
Có lẽ cũng như nhiều đồng nghiệp theo đuổi cái nghiệp làm phim tài liệu, chúng tôi buộc phải nghĩ nhiều, ghi chép và viết nhiều nhưng làm thành phim thì chẳng được là bao.
Làm phim nó phụ thuộc vào phép tắc, tiền bạc, phương tiện nhiều hơn hẳn so với các nghề khác như làm báo, viết sách, vẽ tranh… nhất là chúng tôi lại làm phim theo hệ cinema, bằng phim nhựa 35mm. Nên làm được cái nào biết cái nấy, mừng cái nấy. Nhiều khi ý tưởng hay mấy, kịch bản lạ mấy, quyết tâm đến mấy cũng đành bỏ xó. Tiếc thật!
(…)
Một kịch bản khác tôi tâm đắc vô cùng đó là khi tôi viết về Trịnh Công Sơn năm 1980. Có lẽ khi ấy vừa ở Nga về, vừa làm xong bộ phim “Phản bội” nổi tiếng (1979 – 1980), đang “hăng tiết vịt”, tôi đã viết về Trịnh Công Sơn. Tôi kể những ngày tháng nằm hầm ở chiến trường miền Nam (1966 – 1969), mở trộm đài Sài Gòn, nghe nhạc Trịnh mà nổi da gà. Những Đại bác đêm đêm vọng về thành phố/Người phu quét đường dừng chổi lắng nghe/Những Người con gái Việt Nam da vàng… Con người miền Nam, hơi thở miền Nam, nhạc Trịnh ám ảnh tôi. Sao lại yêu thương đến thế! Sao lại da diết lay động đến thế! Vấn đề tôi đặt ra trong kịch bản đó không chỉ là những giai điệu, những ca từ hút hồn của nhạc Trịnh mà tôi tự vấn: Mảnh đất nào, văn hóa nào, phẩm hạnh nào đã nuôi dưỡng một tâm hồn trong sáng và chân thiện đến thế, đã sản sinh ra con người chân tình đến thế? Nếu như Karl Marx nói: “Con người là sản phẩm của tổng hòa mọi quan hệ xã hội” thì cái xã hội miền Nam đầy rẫy những “Tội ác và tàn dư của Mỹ Ngụy” ấy tại sao lại sản sinh ra Trịnh Công Sơn?
Tôi có một hạn chế, một thói xấu là bất luận một sự việc gì, một câu chuyện nào, với mọi người có khi chỉ là thoảng qua, cho qua, nhưng tôi thì cứ dò dẫm tới sự tận cùng có thể. Bởi thế ý tưởng nào, kịch bản nào nếu viết với sự khát khao thật sự của lòng mình thì khó mà được xem xét và chẳng bao giờ thành phim. Đấy là một thực tế, một kinh nghiệm rất đơn giản mà chẳng sách vở nào, chẳng nhà trường nào, cả trường VGIK, cả thầy Karmen dạy bảo tôi.
Và từ đó, từ 1982 bắt tay vào “Hà Nội trong mắt ai”, “Chuyện tử tế”… tôi có cách “viết kịch bản” hoàn toàn khác. Những gì chung chung, lớt phớt, vô thưởng vô phạt tôi viết ra đầy đủ, mạch lạc và trình với cấp trên. Những gì tâm đắc, những gì khoái chí, những gì giật gân, những gì phạm húy tôi chỉ ghi vào sổ tay “tự sướng” và rắp tâm bằng mọi cách làm bằng được.
Mọi người nhất là đám bạn bè thân thường vu cho tôi là “Quái” – Thủy Quái. Thực lòng mà nói, trên cõi đời này chẳng ai muốn quái. Ai cũng muốn sống chân thành, giản dị, mộc mạc, “nhân chi sơ” mà. Nhưng có lẽ những giả dối, những lừa gạt, những sức ép bạo quyền nó nhào nặn con người thành “Quái”. “Quái” để thích nghi, để tồn tại. Chẳng phải chuyện “Quái” trong nghề làm phim chúng tôi, trong văn học nghệ thuật mà cái “Quái” đang bao trùm lên xã hội này, dân tộc này. Tiếc rằng “Quái” để hướng tới cái thiện thì ít mà hướng tới cái ác thì nhiều.
Nghĩ lại khi viết kịch bản về Trịnh Công Sơn, tôi thật ngây thơ đến ngớ ngẩn. Trong Nam, Trịnh Công Sơn còn phải tập trung đi đào đất để chỉnh đốn lại tư tưởng mà tôi ngồi ở Hà Nội viết kịch bản xin làm phim để ngợi ca Trịnh thì tôi ngu muội, u mê đến cùng cực.
May mà mọi chuyện rồi cũng qua đi. Năm 1993 tôi nhận làm cho Đài Channel Four của Anh một bộ phim tài liệu 35mm, dài, công phu, đi xuyên Việt, đoạn kết của bộ phim đó tôi đã được thay mặt những người ngưỡng mộ, mở lòng bày tỏ với Sơn trong phim A Spiritual World (Một cõi tâm linh). Và bây giờ tên Trịnh Công Sơn đã là tên của những con đường ở Huế, Sài Gòn, Hà Nội. Trong dịp đặt tên đường Trịnh Công Sơn ở Hà Nội, một vị có chức quyền, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, trong diễn văn có nói rằng: “Trịnh Công Sơn là người của mọi người, người của mọi thời”. Nếu các vị nói được câu nói đó sớm hơn thì đỡ khổ cho cuộc đời này biết mấy!
*Trong Đống Tro Tàn của Trần Văn Thủy, do Người Việt (California) xuất bản năm 2017. Các tiểu tựa trong bài này do DĐTK đặt.
Nguồn: https://www.diendantheky.net/2020/04/vai-trich-oan-tu-cuon-trong-ong-tro-tan.html