Một ngôn ngữ thứ hai, lặng im: Đối thoại với Jon Fosse

Remo VerdicktEmiel Roothooft

Chuyển ngữ: Đinh Từ Bích Thúy

image

Jon Fosse, khôi nguyên Giải Nobel Văn học 2023

LTS: Nhà văn, kịch gia, nhà thơ Na Uy Jon Fosse được trao tặng giải Nobel Văn học vào ngày 5 tháng 10 năm 2023. Trong buổi họp báo công bố giải thưởng, Anders Olsson, chủ tọa ban giám khảo tuyển chọn, đã ca ngợi “văn phong nhạy cảm của Jon Fosse, luôn tra vấn những giới hạn của ngôn ngữ.”

Các tác phẩm của Jon Fosse hiện được dịch sang khoảng 50 thứ tiếng và ông là một trong những kịch gia với những vở kịch được trình diễn nhiều nhất trên thế giới. Nhưng chỉ mới gần đây ông mới được các độc giả ở các quốc gia Anh ngữ biết đến, qua tác phẩm Septology (Thất Tập) đồ sộ với bảy tập gồm lại thành một. Năm ngoái, hai tập cuối của Thất Tập, A New Name: Septology VI-VII (Danh Họ Mới: Thất Tập Phần VI-VII) được vào chung kết giải National Book Award của Hoa kỳ, và hai tác phẩm trong số những tiểu thuyết của ông cũng được đề cử giải International Booker Prize.

Nguyên bản Anh ngữ bài phỏng vấn dưới đây được xuất hiện với tựa “A Second, Silent Language: A Conversation with Jon Fosse,” trên trang mạng Los Angeles Review of Books, vào ngày 31 tháng 12, 2022, qua sự thực hiện của Remo VerdicktEmiel Roothooft, hai nghiên cứu viên của University of Leuven, Bỉ. Bài phỏng vấn tiên đoán là Jon Fosse có nhiều triển vọng được giải Nobel Văn học vào năm 2023. Từ năm 2013, tên nhà văn đã ở trên danh sách của các nhà văn được đề cử trao giải Nobel Văn học, nhưng ông phải đợi đến mười năm sau mới chính thức được vinh dự này.

Lời Giới Thiệu của Remo Verdickt và Emiel Roothooft: Nếu “chuỗi phát tài” của Nhà xuất bản Fitzcarraldo Editions được kéo dài đến mùa thu năm 2023 (về việc liên tục nhận diện các khôi nguyên Giải Nobel Văn học trước khi họ được công bố), thì người được chúng tôi phỏng vấn [vào tháng 12 năm 2022] biết đâu sẽ là người kế tiếp được trao giải. Jon Fosse, sinh ra ở Na Uy vào năm 1959, vừa cho xuất bản bộ tiểu thuyết Thất Tập của mình – tổng hợp các tiểu thuyết The Other Name (Danh Họ Khác) (2019), I Is Another (Tôi Là Người Khác) (2020) và A New Name (Danh Họ Mới) (2021) – thành một bộ sách sẽ được nhà xuất bản Fitzcarraldo ở Anh quốc và Transit Books ở Mỹ xuất bản. Bộ truyện kể về Asle, một họa sĩ liên tục khai phá từ niềm hứng khởi này sang niềm hứng khởi khác trong cuộc đời mình. Hình thức nghệ thuật của bộ tiểu thuyết đã gây nhiều tranh cãi – một câu văn trong sách kéo dài gần 700 trang!

Nhà văn Jon Fosse trả lời các câu hỏi của chúng tôi với giọng nói bồn chồn nhưng vui vẻ, thường nghiêng người về phía trước để thoát khỏi bóng tối của ngôi nhà Oslo. Bộ Văn hóa cho ông mượn ngôi nhà này như một ghi nhận ưu ái về những đóng góp của ông cho văn học Na Uy, một vinh dự mà tác giả phớt tỉnh nhận định: “Mình được tặng căn nhà lúc 50 tuổi, nhưng sau đó mọi người muốn mình chết trước 80 tuổi.”

image

***

REMO VERDICKT (RV) & EMIEL ROOTHOOFT (ER): Ba bộ sách của Thất Tập vừa được xuất bản thành một bộ duy nhất. Ông có nghĩ rằng điều này sẽ dẫn đến kinh nghiệm đọc khác với lúc trước [khi các bộ sách được xuất bản từng kỳ] hay không?

JON FOSSE (JF): Khi tôi viết Thất Tập, tôi coi nó là một văn bản, một tổng thể toàn vẹn. Lúc đầu tôi đồng ý với nhà xuất bản nên chia nó thành các bộ sách riêng biệt, nhưng nó lúc nào vẫn là một khối thống nhất. Những gì xảy ra ở đầu phần thứ nhất được giải đáp ở phần thứ bảy [ba bộ sách được chia thành bảy phần]. Có những phần nhỏ ghép nối với nhau giữa các phần khác nhau. Ví dụ, có thể chỉ đọc phần I và II, hoặc thậm chí chỉ hai phần cuối cùng, và người đọc vẫn có thể hiểu được điều gì đó. Nhưng đối với tôi, cả tác phẩm là một khối thống nhất và nó cần được xuất bản dưới dạng một tập duy nhất, bao gồm mọi phần.

RV & ER: Như với nhiều nhân vật chính của ông, người kể chuyện trong Thất Tập, Asle, là một người thích du lịch. Du lịch đôi khi là một ẩn dụ cho quá trình tự khai phá nhưng cũng có thể là một ẩn dụ cho điều ngược lại, là sự vô định. Nó có ý nghĩa gì đối với ông?

JF: Khi tôi ngồi xuống và bắt đầu viết, tôi không bao giờ có ý định để bất kỳ điều gì xảy ra. Tôi lắng nghe những gì tôi đang viết và những gì xảy ra sẽ xảy ra. Tất nhiên, có thể giải thích quá trình này theo nhiều cách khác nhau. Đó không phải là công việc của tôi để giải thích nó – tôi chỉ là một nhà văn. Giải thích của tôi sẽ ít có giá trị hơn giải thích của các ông. [Cười.] Nhưng tôi cảm thấy rằng nếu tôi viết khá, sẽ có rất nhiều thứ mà tôi có thể coi là có ý nghĩa, thậm chí còn là một loại thông điệp. Nhưng tôi không thể diễn đạt nó bằng ngôn từ đơn giản. Tôi chỉ có thể đoán mò như bất cứ ai khác.

RV & ER: Ông đã từng viết trong một bài tiểu luận rằng ông phải cố gắng chiến thắng ngôn ngữ, vượt ra ngoài nó, để không còn sự khác biệt và từ đó người ta mới đến được với Chúa. Có phải đúng là khi không còn ngôn ngữ, chúng ta mới có thể đến gần hơn với thần linh?

JF: Tôi rất sợ sử dụng từ “Chúa”. Tôi hiếm khi làm điều đó và không bao giờ khi nói về văn chương của mình. Chúa quá vĩ đại để tôi có thể nói về Người. [Cười.] Khi tôi viết thành công, sẽ có một ngôn ngữ thứ hai hiện diện, đó là sự im lặng. Ngôn ngữ im lặng này có khả năng nói lên tất cả về nó. Nó không kể chuyện, nhưng người ta có thể nghe thấy một điều gì ở đằng sau nó – một giọng im lặng đang nói. Đây chính là điều đã giúp cho năng lực sáng tác của tôi.

RV & ER: Bảy phần của Thất Tập tạo thành một câu duy nhất. Quá trình sáng tác đó ra sao?

Mọi thứ tôi viết ra đều phải là một vũ trụ của chính nó, được cai trị bởi những quy luật riêng của nó. Khi viết ra một vũ trụ như vậy, tôi phải hoàn toàn đắm chìm trong đó. Tất nhiên, tôi có thể nghỉ giải lao, nhưng tôi phải tuân theo vũ trụ của những gì tôi đang viết. Có lẽ điều quan trọng nhất là nhịp điệu của nó. Tôi thực sự không thể giải thích những gì tôi muốn nói với điều đó, nhưng nó là một dòng chảy mà tôi phải tuân theo.

Vở kịch nổi tiếng nhất của tôi là Somebody Is Going to Come (Rồi Ai Đó Sẽ Tới). Tôi tin rằng tôi đã viết vở này trong bốn hoặc năm ngày, và tôi không thay đổi gì sau đó. Điều này thường xảy ra với việc viết lách của tôi.

Với Thất Tập, đó là một câu chuyện hoàn toàn khác. Tôi đã viết hầu hết bộ sách này khi sống ngay bên ngoài thành phố Vienna, nơi vợ tôi và tôi có một căn nhà thuê ở một thị trấn nhỏ có tên là Hainburg an der Donau. Tôi đã viết từ đêm muộn đến sáng, từ 5 đến 9 giờ sáng. Sau đó, tôi ngủ khoảng một tiếng đồng hồ. Thông thường, tôi không viết vào buổi chiều.

RV & ER: Tác phẩm của ông được gọi là “văn chậm,” nhưng đối với chúng tôi, rất nhiều tác phẩm của ông không gây cho cảm giác chậm chút nào. Ông sẽ mô tả nó ra sao?

JF: Mặc dù tôi bắt đầu sự nghiệp với tư cách là một nhà thơ và tiểu thuyết gia, nhưng bước đột phá của tôi đã đến khi tôi bắt đầu viết kịch. Trong 15 năm, hầu hết tôi chỉ viết cho nhà hát. Đó là một bất ngờ lớn đối với tôi, và lúc đầu, kinh nghiệm là một chút phiêu lưu. Tôi viết kịch chủ yếu vào mùa hè. Phần còn lại trong năm, tôi dành nhiều thời gian để đi du lịch đến các nhà hát ở nước ngoài, trả lời phỏng vấn, v.v.

Rồi đột nhiên, tôi cảm thấy đủ rồi. Tôi ngừng đi du lịch, ngừng uống rượu, ngừng làm nhiều việc khác. Tôi quyết định trở lại điểm khởi đầu, trở lại với việc viết lách “thể loại cá biệt” cho văn xuôi và thi ca của tôi. Sau khi hoàn thành tác phẩm văn xuôi đầu tiên, Wakefulness (Thao Thức) [2007], tôi đã không viết gì trong một vài năm. Tôi cảm thấy nhút nhát và không dám đi du lịch vì viết lách là một hành trình vào những điều chưa biết. Tôi phải sống ngay ở ranh giới, và điều đó hoàn toàn không có vấn đề khi nào tinh thần tôi mạnh mẽ và tôi cũng khỏe mạnh, nhưng nếu tôi yếu vía, thì trạng thái này sẽ khiến tôi sợ hãi.

Nhân tiện, tôi phải chịu trách nhiệm cho thuật ngữ “văn chậm” này. [Cười.] Tôi muốn đối lập nó với các vở kịch. Các vở kịch của tôi khá ngắn và tôi luôn cần một cường độ để làm việc. Người ta không thể ray rứt suy nghĩ trong một thời gian dài – nhà hát không như vậy. Nhưng với văn xuôi của mình, tôi muốn dành cho mọi khoảnh khắc khoảng thời gian mà tôi cảm thấy cần thiết cho nó. Tôi muốn ngôn ngữ chảy một cách yên bình. Tôi nghĩ tôi đã làm được điều đó trong Thất Tập.

RV & ER: Có một cảnh mô tả quan hệ tình dục mà người kể chuyện của Thất Tập chứng kiến – hay nói đúng hơn là đang tưởng tượng. Ông có bao giờ cảm thấy mình giống như một kẻ đang rình mò chính tâm trí của mình hay không? Ông đã bao giờ nhìn thấy những thứ trong tâm trí mình mà ông nghĩ đáng lẽ ra là không thể nhìn thấy?

JF: Ồ, có chứ. Không phải lúc nào cũng vậy, nhưng tôi cũng có khả năng này. Thật tuyệt khi tả bối cảnh này ở sân chơi. Tôi đã và vẫn rất hãnh diện về đoạn này. Asle nhìn thấy cơ thể trẻ hơn của mình và vợ mình đang làm tình trong nhiều năm trước đó, nhưng thực ra anh ta cũng đang đối diện sự hiện hữu bằng xương bằng thịt của mình và vợ mình. Sau đó, anh thậm chí còn gặp gỡ và nói chuyện với “họ.” Thất Tập trộn lẫn các dòng thời gian này thành một – đó là sự toàn vẹn rất quan trọng.

Trong Phần V hoặc Phần VI, Asle trẻ hơn đang nhìn ra cửa sổ và thấy một xe ô-tô đang lái qua. Đó chính là chiếc xe mà Asle lớn tuổi đang lái, khi anh đang đi đến Bjørgvin với những bức tranh của mình. Đối với tôi, đó là một khoảnh khắc – tổng thể bộ tiểu thuyết là một khoảnh khắc.

RV & ER: Ông luôn viết bằng ngôn ngữ Nynorsk, không bao giờ bằng Bokmål, một ngôn ngữ Na Uy khác. Viết bằng tiếng Nynorsk có phải là một hành động chính trị đối với ông?

JF: Không, nó chỉ đơn giản là ngôn ngữ của tôi. Đó là thứ tiếng tôi học được từ ngày đầu tiên đi học cho đến khi ra trường, tức là khoảng 12 hoặc 13 năm. Đó là một ngôn ngữ thiểu số, và điều này chỉ là một lợi thế cho tôi qua phương diện một nhà văn. Nó hầu như không bao giờ được sử dụng trong lĩnh vực quảng cáo hoặc kinh doanh như cách nó được sử dụng trong học thuật, văn học, và tôn giáo. Vì nó không được sử dụng quá nhiều nên nó có nét tươi mới mà Bokmål không có. Gilles Deleuze và Félix Guattari đã viết một cuốn sách có tên là Kafka: Hướng tới một nền văn học thiểu số [1975]. Khi tôi đọc quyển sách này, tôi cảm thấy chuyện tôi viết bằng ngôn ngữ Nynorsk rất giống với tình cảnh của Kafka.

RV & ER: Trong Thất Tập, người kể chuyện đề cập rất nhiều về nhà thần bí Meister Eckhart. Eckhart thường được coi như một ảnh hưởng lớn đối với các nhà văn đương đại như Fleur Jaeggy và bản thân ông. Tại sao Eckhart lại cuốn hút ông?

JF: Tôi bắt đầu đọc Meister Eckhart vào giữa những năm 1980. Đó là một trải nghiệm tuyệt vời. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đã đọc ông ấy rất nhiều, cùng với Martin Heidegger. Tôi thấy Eckhart cũng khá giống Heidegger, nhưng sâu sắc hơn nhiều. Eckhart là tác giả ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất. Ông ta có một tầm nhìn hoàn toàn cá biệt. Tuổi thiếu niên của tôi, tôi là một tên Mác-xít vô thần và ngu ngốc – đó là chuyện thông thường cho mọi trí thức trẻ tuổi, đầy tham vọng vào thời đó. Nhưng trong quá trình viết lách, có một điều mà tôi không thể hiểu được, đó là sự huyền bí: nó đến từ đâu? Nó không đến từ đây [chỉ vào tim mình]. Không, nó đến từ bên ngoài tôi.

Tôi bắt đầu tin vào Chúa theo cách của tôi. Tôi tự gọi mình là người tin vào Chúa, như tin vào một sự hiện diện cùng lúc ở ngoài kia và ngay tại đây. Nhưng giống như Eckhart, tôi không có giáo điều nào cả.

Tôi cảm thấy cần chia sẻ niềm tin của mình với người khác, vì vậy tôi đã đến với đạo Quaker. Mọi người ngồi trong một vòng tròn im lặng, và nếu ai thấy có điều gì quan trọng để nói, thì cứ nói ra. Nếu không, chỉ cần giữ im lặng. Đến một lúc nào đó, tôi cảm thấy hình thức này không cần thiết nữa. Tôi cảm thấy việc viết lách chính là “cuộc họp thầm lặng” của riêng tôi hoặc cũng là cách tôi trở thành một tín đồ Quaker – đây là cách tôi cầu nguyện.

Sau đó, tôi chỉ đơn giản là một nhà văn trong nhiều năm, và tôi không có ai để chia sẻ niềm tin của mình. Vào giữa những năm 1980, tôi đã đi lễ tại một nhà thờ Công giáo ở Bjørgvin, và tôi thích nó, đến mức tôi thậm chí còn bắt đầu tham gia một khóa học để trở thành người Công giáo – vâng, ít nhiều thì kinh nghiệm của tôi cũng giống như của nhân vật Asle. Chỉ nhiều năm sau, tôi mới quyết định cải đạo sang Công giáo. Tôi không thể làm điều đó nếu không có Meister Eckhart và cách ông ấy vừa là tín đồ Công giáo vừa là một nhà thần bí.

RV & ER: Ông có coi mình vừa là một nhà văn Công giáo và thần bí không?

JF: Khía cạnh thần bí liên quan tới hồi tôi bảy tuổi và suýt chết. Đó là một tai nạn. Tôi nhìn thấy mình từ bên ngoài bản thân, qua một luồng ánh sáng lấp lánh, yên bình, một trạng thái rất hạnh phúc, và tôi dám quả quyết rằng tai nạn đó, khoảnh khắc đó, trải nghiệm cận tử đó đã giúp tôi trở thành một nhà văn. Nếu không có nó, tôi không nghĩ mình sẽ có cơ nghiệp đó. Nó rất cơ bản đối với tôi. Trải nghiệm này đã mở mắt tôi về khía cạnh tâm linh của cuộc sống, nhưng vì là một thành viên Mác-xít, tôi đã hết sức phủ nhận điều này.

Điều đã thay đổi chiều hướng suy nghĩ chính là quá trình sáng tác của tôi. Càng lớn tuổi, tôi càng cảm thấy cần chia sẻ niềm tin của mình với người khác. Tôi cảm nhận niềm tin này qua sắc thái tốt đẹp và bình yên trong Thánh lễ Công giáo. Tôi thích Thánh Lễ Chính thống hơn, nhưng đối với một người phương Tây, rất khó để đi vào tư duy Chính thống – các nghi lễ tôn giáo quá khác biệt. Tôi biết quá nhiều về Giáo hội Công giáo nên tôi không thể nhảy sang Giáo hội Chính thống được.

RV & ER: Một số tác giả mà nhiều người so sánh với ông được gọi là những nhà sáng tác “văn chương siêu hình.” Ông có coi mình là một trong số những nhà văn này hay không?

Tôi đã được dán rất nhiều nhãn hiệu – nhà văn hậu hiện đại, nhà văn tối giản (minimalist) – và tôi tự dán nhãn mình là người viết lối “văn chậm.” Tôi không muốn gọi mình là gì cả. Tôi tự gọi mình là một Cơ Đốc nhân, nhưng điều đó cũng rất khó đối với tôi. Nó quá giảm thiểu. Một đằng, tôi là một nhà văn tối giản, tất nhiên, và đằng khác, tôi là một nhà văn hậu hiện đại – tôi được ảnh hưởng bởi Jacques Derrida. Vì vậy, điều này không nhất thiết là sai, nhưng tôi không bao giờ có thể dùng một khái niệm như vậy để định nghĩa văn chương của mình, như thể muốn nói, “Nó chỉ là như vậy.”

RV & ER: Việc cải đạo của ông có giống với trường hợp Asle không?

JF: Hiện giờ, việc mang những điều chúng ta đã trải nghiệm vào văn bản của mình và viết nó càng sát với thực tế càng tốt là điều rất phổ biến, như Annie Ernaux đã làm. Vừa rồi, tôi đã đọc cuốn tiểu thuyết ngắn của bà có tên là Passion Simple (Đam Mê Thô Trần) (1991), và tôi thích cuốn này – nó cũng khá. Nhưng đối với tôi, hoàn toàn không thể sử dụng những trải nghiệm của bản thân mình theo cách đó, do sáng tác trên hết là sự chuyển đổi. Tôi muốn lắng nghe một vũ trụ khác với vũ trụ của mình, và sáng tác là một cách để thoát vào vũ trụ khác biệt này. Đó là điều tuyệt vời của nó. Tôi muốn thoát khỏi bản thân mình, thay vì thể hiện chính mình.

Tất nhiên, tôi đang sử dụng cuộc sống cá nhân của tôi. Tôi biết rõ những gì tôi đang viết. Tuy nhiên, Thất Tập chỉ là một quá trình sáng tạo – tôi không bao giờ là một họa sĩ. Tôi đang sử dụng cuộc sống của mình và những gì tôi đã đọc làm tài liệu, không phải là những điều tôi muốn viết trơ trụi, thẳng thừng. Mọi thứ đều được biến đổi. Khi tôi viết, kinh nghiệm của tôi trở thành con số không, phẳng lì. Những trải nghiệm của tôi không có cánh, nhưng khi tôi thành công, tôi có thể giúp chúng cất cánh. Tôi ở vị thế đối chọi với “autofiction” – tôi đơn giản là người sáng tác fiction.

RV & ER: Ông nghĩ gì khi mọi người gọi những tác phẩm của ông là autofiction?

JF: Một số người đọc văn chương tôi theo cách đó, nhưng nếu ai biết một chút về đời tư của tôi, họ sẽ thấy là nó không hẳn như vậy. Nếu tôi viết về một người mẹ, nhiều người sẽ nghĩ rằng tôi đang viết về mẹ tôi, nhưng tôi chưa bao giờ làm điều đó và sẽ không bao giờ làm điều đó. Tôi không được phép làm điều đó. Tôi không thể sử dụng cuộc sống của một người khác trong tiểu thuyết của mình. Tôi có thể sử dụng một số đặc điểm, nhưng tôi phải biến đổi chúng. Có điều gì đó rất thiếu đạo đức về thể loại autofiction.

RV & ER: Tại sao ông trở lại với chuyện viết kịch?

JF: Sau khi viết xong Thất Tập, tôi cảm thấy có nhu cầu mạnh mẽ phải viết một vở kịch. Thường ai cũng cảm thấy trống rỗng khi hoàn thành một tác phẩm trường thiên, và tôi nghĩ, tại sao không viết một vở kịch? Không hẳn là một vở kịch nhiều tham vọng, chỉ là một đoản kịch, vì vậy tôi đã viết một vở kịch có tên là Strong Wind (Gió Mạnh). Sau khi viết xong vở đó, nó dẫn tới vở khác. Thậm chí tôi đã viết tới vở thứ tư mà vẫn chưa xuất bản. Nó vẫn nằm trên bàn giấy của tôi ngay đây. Trong tương lai, tôi sẽ không bao giờ quay lại chuyện viết kịch như cách tôi đã làm trước đây – chỉ thỉnh thoảng thôi.

RV & ER: Ông viết trong Thất Tập, “Nét đẹp của cuộc sống thành ra xấu xí trong hội họa vì có lẽ nét đẹp đã trở nên quá mức.” Có thể có quá nhiều nét đẹp trong văn học hay không?

JF: Có, tôi cũng nghĩ vậy. Một nhà thơ có thể viết một bài thơ hoàn hảo về mọi mặt, và khi đọc nó lên, ai cũng thấy rất hay nhưng có thể bài thơ chỉ đơn giản là tinh xảo, mà không có linh hồn. Một khuôn mặt tuyệt đẹp có điều gì không ổn. Những khuôn mặt đối xứng trong các hình quảng cáo là xấu đối với tôi. Vẻ đẹp tiềm ẩn trong những khiếm khuyết, ngay cả trong văn học và nghệ thuật.

RV & ER: Chúng tôi chân thành cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Nguồn: https://damau.org/97895/mot-ngn-ngu-thu-hai-lang-im-doi-thoai-voi-jon-fosse

Comments are closed.