Nghệ sĩ Ly Hoàng Ly:

Sợ nhất là làm theo thói quen

Tác phẩm điêu khắc mới nhất, mang tinh thần nghệ thuật công cộng có tên Thuyền nhà thuyền của nghệ sĩ Ly Hoàng Ly (ảnh bên) với trọng lượng 21 tấn đã khiến người xem ngạc nhiên và nể phục. Đây thuộc bộ tác phẩm Collage cả về chất liệu và tư tưởng, trưng bày những tìm tòi, chất vấn chưa hồi kết của nghệ sĩ về bản trường ca di – nhập cư của loài người. Đồng thời suy tư về bản chất của việc ghi nhớ, tư liệu hóa và lưu hành lịch sử.

Bế tắc cũng là một hình thức sáng tác

Làm thế nào để một nhà thơ, một biên tập viên lại trở thành một nghệ sĩ trình diễn và sắp đặt? Cái nào mới “thực” là chị?

Tôi làm thơ từ năm tám tuổi. Thơ là nhu cầu viết hằng ngày, như hơi thở của mình. Còn ngành tôi được đào tạo và theo đuổi là mỹ thuật và nghệ thuật thị giác. Cả hai, đều là tôi cả. Tuy bản chất sáng tạo, về cả thi ca và nghệ thuật thị giác, đều là sự tìm tòi và thể hiện điều mình suy tư qua phương tiện nghệ thuật, nhưng quy trình tổ chức để cho ra đời, giới thiệu với công chúng một tác phẩm nghệ thuật thị giác thì cần có đội ngũ tổ chức, không gian, chi phí phức tạp hơn. Khi triển lãm diễn ra, cũng sẽ chỉ một số khán giả đến tận nơi xem triển lãm mới thấy đầy đủ tác phẩm mà nghệ sĩ chia sẻ, trong khi với các tác phẩm văn học thi ca, ai cũng có thể tiếp cận trọn vẹn nội dung qua mạng, qua một cuốn sách hay tạp chí mua về.

Chị đã từng nói, thế giới nghệ thuật trình diễn và sắp đặt mà chị đang theo đuổi thường phù du, tồn tại tạm thời trong một thời gian nhất định?

Tôi nghĩ chẳng có khái niệm gì là tuyệt đối. Bản chất các tác phẩm nghệ thuật trình diễn và sắp đặt thường phù du là bởi, sự tồn tại của nó không giống như tranh, không chỉ đơn giản treo trên tường, hay lưu trữ gọn gàng. Các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt và trình diễn có đời sống riêng của chúng, chúng đưa ra nhiều phương tiện đa dạng hơn là chỉ toan và mầu để người nghệ sĩ có thể chuyển tải mọi ngóc ngách ý niệm của mình, phản chiếu cách họ nhìn thế giới. Tuy phản ánh sống động thời đại, kích thích sự dấn thân gắn kết của khán giả, những loại hình nghệ thuật này thường cần có không gian lớn để trình bày, có sự tham gia tương tác của người xem, và cuối cùng các tác phẩm được lưu trữ lại bằng hai hình thức, ảnh hoặc phim.

Nhưng tôi thấy các dự án của chị đều kéo dài, thậm chí tới vài năm trời?

Dự án hiện tại của tôi bắt đầu từ sáu năm trước và chưa biết khi nào kết thúc. Thật ra, không phải tôi muốn kéo dài tác phẩm, mà chính tác phẩm “lôi” tôi đi. Bởi cuộc sống không ngừng vận hành, tiến triển, biến chuyển trong khi tác phẩm phản ánh tâm thế, suy tư, và sự phản biện về xã hội, lịch sử và cuộc sống mà người nghệ sĩ ấy trải nghiệm.

Dường như chị luôn sở hữu nguồn năng lượng khá mạnh mẽ. Những khi rơi vào chán nản và bế tắc, chị đối phó ra sao?

Khi cảm thấy đã chạm đến ngưỡng, thấy đuối sức và không biết nên tiếp tục thế nào, tôi sẽ chọn cách không né tránh. Một là tôi sẽ đứng im, tĩnh lặng tự vấn. Hai là trang bị thêm kiến thức, kinh nghiệm, học hỏi để tìm cách bóc cái ngưỡng đó ra và đi tiếp. Người sáng tạo chân chính nào cũng đều phải trải qua nhiều chặng bế tắc, những hành trình đấu tranh giằng xé. Với tôi, bế tắc cũng là một hình thức sáng tác. Nếu bỏ cuộc và không nghĩ về nó, mới là ngừng nghỉ. Vẫn còn trăn trở cho dù chưa biết phải hành động thế nào thì tâm trí và tâm hồn vẫn đang vận động. Chưa kể, chủ động buông hết, không nghĩ gì, không làm gì cũng là một cách thức hành động. Bế tắc cùng cực của hôm nay sẽ là khởi nguồn cho điều gì đó mới, khác đi cho những ngày sắp tới.

Đối diện với sáng tạo tâm phải trong sáng

Chị luôn có nhiều quyết định… khác người. Ví như đang bán được nhiều tranh thì lại quyết định dừng vẽ?

Đó là thời điểm tranh của tôi bán khá chạy. Tự dưng có ý kiến, vẽ tiếp đi, bán được đấy thì tôi lại sợ hãi. Tôi sợ nhất là làm theo thói quen. Với tôi như thế là tự giết linh hồn mình. Khi mình đối diện với sáng tạo, cái tâm mình phải trong sáng nhất. Không phải tôi không có nhu cầu tồn tại, mà tôi sợ bị phụ thuộc kinh tế vào sự sáng tạo. Và vì thế, sợ mình không còn đủ trong trẻo. Tôi làm nghệ thuật để thỏa mãn nhu cầu được sáng tạo và mong mỏi chia sẻ tác phẩm với mọi người chứ không phải để bán hay nhận lời khen.Ngừng vẽ tranh, tôi tập trung khám phá thế giới nghệ thuật trình diễn và sắp đặt để diễn tả các ý niệm của mình.

Như vậy, có phải là một quyết định cực đoan không?

Với tôi, đó là một sự quyết liệt. Nghệ thuật là bạn đường – bạn đời của tôi. Nếu cứ mang bạn mình đi cân đo đong đếm chuyện kinh tế, tới một ngày nào đó, cả hai sẽ mất đi sự thanh khiết khi đối diện với nhau. Tôi thà đi làm việc khác để sống, chứ không “sản xuất” tranh để bán kiếm tiền. Thôi thì tôi chọn cực đoan với chính mình thôi!

Vậy để tồn tại, chị sẽ làm gì?

Hãy sống đơn giản. Nếu biết mình muốn cái gì nhất, tất cả những nhu cầu khác sẽ trở nên giản đơn lại. Tất cả do tâm thế mình đặt ra. Hãy tự đặt câu hỏi: Cuối cùng mình là ai, mình mong muốn cái gì thì sẽ có giải pháp cho nó.

Tác phẩm Thuyền nhà thuyền

Thuyền nhà thuyền nằm trong dự án “0395A.ĐC” từ năm 2011 kéo dài cho tới nay. Đây thuộc bộ tác phẩm Collage cả về chất liệu và tư tưởng gây ấn tượng cho khán giả bởi độ hoành tráng và tư tưởng của tác phẩm. Để làm được khối lượng công việc khổng lồ như vậy, hẳn là chị đã mất khá nhiều công sức?

Trước đây, tôi không nghĩ là mình có thể làm được tác phẩm điêu khắc mang tinh thần nghệ thuật công cộng Thuyền nhà thuyền. Tôi đã thực sự nghĩ tới chữ Duyên khi nhận được sự góp sức đồng hành của nhiều người, bởi làm một tác phẩm nghệ thuật công cộng tâm huyết, đó là trí tuệ và nguồn lực của các chuyên gia, cộng sự, nhà tài trợ, chứ không phải chỉ riêng nghệ sĩ. Là công trình lấy đi công sức và tiền bạc nhiều nhất từ trước cho tới giờ, tôi đã làm việc không ngừng nghỉ hơn tám tháng, một ngày ngủ trung bình ba tiếng.

Thuyền nhà thuyền có tổng trọng lượng 21 tấn, chiều dài 7m2, rộng 6m9, chiều cao 3m8, được cấu thành từ 12 khối thép có thiết kế tinh vi theo nguyên lý có thể tháo rời hoặc ráp vào nhau bằng mộng âm dương. Ở giữa là không gian kết nối, trên đỉnh là cấu trúc mang dáng hình con thuyền hay ngôi nhà, trụ đáy mang dáng hình ngôi nhà hay con thuyền, tùy vào điểm nhìn của người xem. Tác phẩm này được hiện thực hóa với tầm nhìn và chủ đích vừa là điêu khắc trưng bày ngoài trời, vừa là nơi sinh hoạt giao lưu, phần đỉnh chịu được tải trọng một tấn để trở thành sân khấu trình diễn với nhiều cao độ.

Điều mong mỏi nhất của chị trong tương lai là gì?

Đó là tác phẩm điêu khắc mang tinh thần nghệ thuật công cộng Thuyền nhà thuyền sẽ tìm được địa điểm “định cư” lâu dài, tại một không gian công cộng ở trên đất nước mình. Tôi muốn tặng tác phẩm này để tất cả mọi người có thể hưởng thụ và sử dụng. Chỉ vậy thôi, cũng là quá khó! Nhưng tôi vẫn không ngừng tìm kiếm!

Mây – Một tác phẩm của Ly Hoàng Ly cộng tác với nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong.

Được biết đến như một trong những nghệ sĩ nổi bật nhất của thế hệ đồng trang lứa, sau khi tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh năm 1998, Ly được trao tặng học bổng Fulbright của Chính phủ Mỹ (năm 2011) và tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành điêu khắc tại Học viện Nghệ thuật Chicago năm 2013. Tiếp cận nghệ thuật qua lăng kính liên kết đa ngành và đa phương pháp, qua thực hành của mình, Ly Hoàng Ly đặt ra những chất vấn về thân phận con người nói chung: về bản chất biến thiên của căn tính và lịch sử, về tính thích ứng và khả năng chấp nhận, và những vấn đề chung như sự chia rẽ và tính đoàn kết. Ly Hoàng Ly đã triển lãm ở nhiều quốc gia như Thái-lan, Đức, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Ảnh trong bài: TRẦN THẾ PHONG

NGUYỄN LAN ANH

Nguồn: http://nhandan.com.vn/…/34228202-so-nhat-la-lam-theo-thoi-q…

Comments are closed.