Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Nghề văn là một nghề gian khó

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trò chuyện với nhà báo Nguyễn Linh Giang

clip_image001

+Nhà báo Nguyễn Linh Giang: Anh vừa bước vào làng văn đã gây được dư luận xôn xao trong bạn đọc. Anh có thể nói đôi điều về cuộc đời và con đường viết văn của anh?

-Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Cuộc đời của tôi tẻ nhạt lắm. Tôi quê ở ngoại thành Hà Nội, trong một gia đình nghèo. Đi học, lớn lên… Năm 1967 tôi tốt nghiệp phổ thông. Hình như ở thế hệ tôi có may mắn là trong quá trình đi học, chúng tôi gặp được những người thầy ra thầy, cô ra cô. Những người có kiến thức và nhân cách tử tế. Năm 1970 tôi tốt nghiệp đại học. Hồi đó có phong trào “ba sẵn sàng”, tôi xung phong lên dạy học ở miền núi. Tôi dạy ở trường Bổ túc văn hóa cán bộ; đối tượng là cán bộ, bộ đội, thanh niên xung phong thất học. Họ là những người tốt, nhiệt tình cách mạng cao, có người lên miền núi Tây Bắc từ 1952 (chiến dịch Tây Bắc, trước cả chiến dịch Điện Biên). Gần họ, tôi học được nhiều điều… Tôi đã ở miền núi 10 năm. Nếu không được tiếp xúc với những học viên như thế có lẽ tôi đã không đủ gan chịu đựng mọi gian khổ mà tôi đã phải trải qua. Tôi bị đói liên tục hàng năm trời, không đủ điều kiện sinh hoạt tối thiểu. Bây giờ nghĩ lại còn rùng mình. Dạy đến tiết học thứ ba (10 giờ sáng) là mắt hoa lên vì đói quá. Các bạn giáo viên cùng dạy với tôi cũng đều như thế. Hồi đó, thanh niên chúng tôi sống có lý tưởng lắm. Tôi không hối tiếc vì 10 năm tuổi trẻ đẹp đẽ nhất của cuộc đời đã ở miền núi.

Tôi bắt đều viết từ khi còn đi dạy học ở Sơn La. Năm 1980, tôi về Hà Nội. Tôi nghiên cứu toàn bộ các tác phẩm và tiểu sử của các nhà văn hiện đại ở ta. Tôi không còn mặc cảm và “vào cuộc chơi” với một quyết tâm ghê gớm. Nghề văn là một nghề gian khó. Sau khi nghiên cứu từng người một đã sống thế nào, viết thế nào để làm nên nền văn học Việt Nam hiện đại thì tôi hiểu rằng tôi phải sống ra sao, viết ra sao, chống cái gì và xây cái gì. Nếu không thì bại, thì bị sỉ nhục, thì vô nghĩa.

+Vốn là một nhà giáo đã tốt nghiệp khoa sử, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1, vốn hiểu biết sử học trong nhà trường có góp phần trong các sáng tác văn học của anh không?

-Khoa học lịch sử hết sức quan trọng với nhà văn nói riêng và mọi người nói chung. Bao giờ học cái gì đấy, tôi cũng cố gắng để biết lịch sử của nó, nó giúp cho tôi suy nghĩ hệ thống và toàn diện. Khoa học lịch sử dạy người ta khái quát.

+Anh quan niệm các nhân vật lịch sử có tên tuổi được phản ánh trong các tác phẩm như thế nào?

-Thời nào, người nào cũng có thần tượng. Các thần tượng luôn thay đổi theo sự trưởng thành của tư duy thời đó, người đó. Nhân vật lịch sử là nhân vật lịch sử. Song, tất cả những người có tên tuổi đều phải dè chừng họ. Họ phải thế nào mới có tên tuổi chứ, mới được ghi nhận chứ? Biết bao nhiêu người sinh ra chết đi và vô danh… Tôi tôn trọng và khâm phục tất cả các nhân vật có tên tuổi trong lịch sử cũng như hiện tại. Song, không phải vì thế mà tôi không tôn trọng và khâm phục những kẻ vô danh. Đã là con người phải tôn trọng con người.

clip_image002

+Anh sống và làm việc như thế nào? Có phải sáng tác là “nỗi ám ảnh” đối với anh không?

-Tôi sống như một người bình thường ở ta, nghĩa là luôn luôn lo âu và… đói. Tôi làm việc như một tên nô lệ.

“Sáng tác” là một khái niệm khó hiểu. Nói là “ám ảnh” cũng được nhưng không chính xác lắm đâu. Lao động nhà văn là thứ “lao động thường xuyên, thiếu nó, sẽ không có cái thực sự vĩ đại” (A. Puskin). Có điều, no thì “sáng tác” tốt hơn là đói.

+Trên báo Văn Nghệ số 19 (13/05/1989), học giả Đỗ Văn Khang khả kính có nhận định một cách hùng hồn rằng: anh đã ăn cắp văn của các nhà văn nổi tiếng nước ngoài, như “Huyền thoại phố phường” lấy gần trọn văn trong “Con đầm Pích” của Puskin. Truyện thứ ba trong “Chút thoáng Xuân Hương” lấy “Tiếng chim cu” của Sucsin. Còn “Không có vua” lấy cái “xương sống”, cơ sở triết luận, tình tiết quan trọng trong “Anh em nhà Ka-ra-ma-zốp” của Đôtxtôiepxky. Anh có ý kiến gì về nhận định này?

-Tôi chẳng có ý kiến gì cả. Có điều, người cầm bút (mà chẳng phải chỉ cầm bút, mà cầm súng, cầm cày, cầm dao, thậm chí cầm gậy…) cũng đều phải có nhân cách và phải biết tôn trọng nhân cách con người.

Trong văn học, các nhà văn đều chịu ảnh hưởng của nhau. Nếu tôi chịu ảnh hưởng của A. Puskin, của Đôtxtôiepxky thì đấy là may cho tôi. Họ có ảnh hưởng đến toàn thế giới.

+Người ta đã phân tích, nhận định, thậm chí tranh luận nảy lửa với nhau trên các báo Trung ương và địa phương về các sáng tác của anh. Anh có hài lòng về các cuộc tranh luận này không?

-Nhìn chung, trong văn học việc tranh luận, phê bình là cần thiết. Tôi cám ơn tất cả những bạn đọc, những nhà phê bình đã tán thưởng tôi và phê phán tôi. Có nhiều người viết bài phê phán tôi với dụng ý xấu, với ác ý nhưng tôi không giận họ. Họ chưa hiểu thôi. Tôi cũng ước mong trong văn học của ta cũng sẽ có nhiều cuộc tranh luận nảy lửa về các tác giả khác nữa, được thế thì tuyệt vời. Đấy là một trong nhiều biểu hiện của một nền văn học có sức sống.

+Những dự định sáng tác hiện nay và sắp tới của anh?

-Đến một lúc nào đấy phải viết một tiểu thuyết ra trò. Điều ấy là việc phải làm. Còn bây giờ, tôi vẫn viết truyện ngắn, viết kịch. Tôi mới viết xong hai vở kịch là “Quỷ ở với người”“Còn lại tình yêu” nhưng chưa nơi nào dám dựng. Tôi biết chắc chắn đấy là văn học, là sân khấu, diễn ra sẽ thu được tiền. Song, sân khấu ở ta còn nhiều thành kiến. Tôi không nản. Khi nào họ hiểu thì họ dựng. Cần phải chờ đợi. Khi nào già, tôi sẽ cho ra mắt tập thơ của tôi. Thơ là một thể loại rất khó, người viết phải chịu trách nhiệm, phải bảo hiểm thơ mình bằng chính cuộc sống, lối sống của anh ta. Khi tập thơ của tôi ra mắt thì lúc đó “chó chết, hết chuyện”- tôi không còn phải chịu trách nhiệm và bảo hiểm cho thơ của tôi nữa.

+Là một cây bút trẻ, anh có ý kiến gì về Đại hội nhà văn sắp họp. Theo anh, các nhà văn trẻ chờ đón gì ở Đại hội lần này?

-Đại hội Hội nhà văn sắp họp là một sự kiện quan trọng trong quá trình phát triển nền văn học hiện đại ở ta. Tôi chưa là hội viên Hội nhà văn nên không dám có ý kiến gì.

Các nhà văn trẻ chờ đón gì ở Đại hội này ư? Họ chờ đón xem các đàn anh, đàn chị của họ có xứng đáng với lòng mong mỏi của họ và của nhân dân hay không. Dĩ nhiên, để họ và nhân dân còn liệu…

+Xin cám ơn anh về cuộc trao đổi này. *

*Bài đăng trên Báo Lao Động số 25 (3485), ngày 22/06/1989.

Comments are closed.