Trò chuyện với Ngu Yên

Kỳ 2 – Thời Quán Cũ

clip_image002Trần Vũ: Tôi thôi làm chính ủy. Sắm vai đao phủ, vài phút cũng đừ. Gặp anh, tôi thật vui, vì như tìm lại kỷ niệm thời đầu viết văn, mà Túy Hồng khi trả lời phỏng vấn trong tập Những Truyện Ngắn Hay Nhất của Quê Hương Chúng Ta đã bày tỏ: “Làm văn nghệ chỉ vui thời kỳ đầu, về sau toàn bẽ bàng.” Nhiều năm rồi, tôi còn nhớ lời bộc bạch này. Tôi cũng đã vui thời kỳ đầu, trong đó có anh, thời kỳ sau ít bẽ bàng như Túy Hồng phải “đi khách” cho nhật trình, nhưng rất nản. Nhất là từ khi có internet, chém giết và thị phi…

Nên gặp anh, trông thấy anh, như sống lại thời kỳ phú quý này. Kỳ quặc là tuy gặp lần đầu, nhưng tôi cảm giác gặp lại. Có lẽ vì tính cách ngang ngang, ngang tàng của anh ngoài đời làm tôi nhớ đến những lời thơ anh đăng trên Văn học. Ngông nghênh, thống khoái, cùng trêu ngươi là phong cách anh lúc ấy. Cá biệt đập vào mắt.

Thập niên 80, tôi còn nhớ không khí khi ấy. Vô cùng say sưa. Đặc biệt không nặc danh, không báng bổ, không âm-dương-vật và không ám khí như bây giờ. Mai Thảo, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác cấm ngặt những điều này. Gần như một trường quy Nam Định. Đăng trên Văn, Văn Học Nghệ thuật, rồi Văn học có thể không bằng kiêu hãnh như đăng trên Văn thời Trần Phong Giao, hay trên Bách Khoa, Thời Tập, Quan Điểm, Hành Trình mà tôi nghe kể lại, một kiêu hãnh không duy nhất cho người viết mà còn cho cả sinh viên, độc giả phố thị bỏ trong giỏ xe máy một tập san văn chương miền Nam, nhưng đăng trên các diễn đàn của Mai Thảo, Võ Phiến và Nguyễn Mộng Giác là một đón nhận, được chấp nhận.

Nguyễn Mộng Giác hay dùng chữ “Thế giá” của người cầm bút và ông gìn giữ thế giá này. Tôi còn nhớ Nguyễn Mộng Giác hồi âm từng truyện gửi đến, cho biết truyện nào được, phong cách như thế nào. Mai Thảo viết thư thăm hỏi hàng tháng, khuyến khích, khuyên phải tập tả cây bút, tả cục tẩy, trước khi tả cái giường. Quan trọng là gợi ra vóc dáng chủ nhân xuyên qua bật lửa. Tôi không đồng ý lắm cách miêu tả còn đượm Tự lực Văn đoàn này, nhưng quý trọng lời khuyên của ông. Một lần tôi cãi: “Cháu biết tả nhiều thứ ác hơn nữa…”, bị ông mắng: “Insolent!” Nhưng rồi ông cười khà và đọc câu thơ vừa làm trên chuyến bay, rồi hai bác cháu đi uống rượu trong chợ Mouffetard. Một lần khác, Mai Thảo đến Paris lúc 5 giờ sáng, tôi đón ông ở phi trường. Bác Trần Thanh Hiệp còn ngủ, bấm chuông mãi không động đậy, Mai Thảo bảo ra quán. 6 giờ sáng, sương còn che kín khu Belle Ville, “Đêm Giã Từ Hà Nội” kêu ngay một chai cognac to đùng làm bồi Tây ngỡ ngàng. Uống xong 1/3, bỏ túi, hai bác cháu lang thang trong nghĩa trang Père La Chaise tìm mộ các thi hào… Đi một quãng, tôi gợi chuyện: “Khi in tác phẩm đầu tay tâm trạng bác ra sao? Chắc bác vui?” Mai Thảo gật đầu: “Tôi thức sớm. Suốt đêm tôi trông trời mau sáng. Hừng đông tôi gọi xe ra nhà in. Trời còn tối, tôi đứng trên vỉa hè hút thuốc, đợi thợ đến. Tôi theo thợ vào nhà in nhìn từng trang chữ viết của mình. Tôi theo dõi trang giấy chạy qua máy cho đến khi đóng thành sách. Tôi cầm quyển thứ nhất, ấn bản đầu tiên của Đêm Giã Từ Hà Nội. Tiếng máy chạy thành tiếng động của chữ nghĩa. Của tôi. Tôi cầm quyển sách như cầm quyển vở tựu trường. Tôi lật từng trang còn hâm hấp như bánh mì nóng. Tôi chạm vào chữ. Mực còn ướt. Tôi ký tặng người đốc công già rồi ra về. Ngồi trên xe, tôi thấy Sàigòn đổi khác… Là lần duy nhất.” Tôi hỏi thêm: “Còn những quyển sau?” Mai Thảo lắc đầu: “Tôi không còn cảm giác ấy nữa.”

Là những năm 92, 93… Khi Mai Thảo mất, họa sĩ Khánh Trường nhắn tôi viết bài cho chủ đề Mai Thảo. Tôi không thể viết. Tôi chưa biết cách viết điếu tang. Tôi khó khăn nghĩ Mai Thảo đã mất.

Rồi tôi vào thăm Nguyễn Mộng Giác, lần cuối trong nhà thương vài tháng trước khi ông mất. Nguyễn Mộng Giác không còn đi đứng được, nằm liệt và gầy nhom, nhưng ông vẫn tỉnh táo, thao thao bất tuyệt chuyện văn chương. Ông nói: “Làm sao thúc đẩy sáng tác hè?”. Tôi lắc đầu. Phương tiện, tài chánh, người viết hoàn toàn trống rỗng… Nguyễn Mộng Giác gật gù: “Người ta sẵn sàng mua băng Thúy Nga vài chục, nhưng bỏ ra 10 đồng mua tạp chí văn chương thì không.” Chúng tôi im lìm, rồi tôi đùa cho ông vui: “Người yêu ngoài đời của anh giống Quỳnh Trang hay Quỳnh Như trong Mùa Biển Động? Diễm là cô nào? Có phải cô Maria Tố Chân không?” Nguyễn Mộng Giác nạt: “Bậy nè!” Rồi ông giải thích: “Nhân vật Ngữ, mình lấy một chút của Ngụy Ngữ, một chút của mình, các nhân vật nữ cũng vậy…” Chị Diệu Chi vào thăm, một lát Nguyễn Mộng Giác lại hỏi: “Làm sao thúc đẩy sáng tác hè?” Thấy tôi nhăn như khỉ, ông nói chậm: “Ở Bolsa có Thơ Thơ, bên Houston có Ngu Yên, họp nhau lại…” Y tá vào chăm sóc, khiến tôi phải đi ra, tôi chỉ kịp chào ông lần cuối trước khi về Pháp. Hai tháng sau tôi trở qua, ông đã mất.

Năm 89, Cao Xuân Huy chạy vạy tứ phía in cho tôi tập truyện đầu tay. Tôi còn nghe được giọng nói Cao Xuân Huy lúc ấy: “Tao in cho mày. Không cần đếch thằng nào.”

Nên anh Ngu Yên, anh làm tôi nhớ những thời quán này. Gặp anh, tôi nhớ tất cả những điều ấy. Nhớ hai chữ “Ngu Yên” mà Nguyễn Mộng Giác phát âm khó khăn với đôi môi ông không còn thẳng. Anh sống ở Hoa Kỳ, nhiều kỷ niệm hơn tôi về Văn học Tỵ nạn. Anh hãy kể thêm cho tôi sống thêm vài phút nữa, thời hoàng kim này.

clip_image004Ngu Yên: Anh Trần Vũ, nếu thế gian này chịu thi “sáng tạo vui chơi”, có lẽ tôi sẽ chiếm được tú tài, thám hoa, bảng nhãn. Từ khi rời khỏi nhà Dòng, tôi đã hiến thân cho đời vui chơi. Mãi tới giờ này, sáu mươi mấy tuổi rồi, vẫn lấy vui làm đầu và chơi làm số mệnh. Trước hết, cho tôi kể chuyện vui, sau đến cái lý do mà tôi chọn nội dung sáng tác.

1. Thời Hoàng Kim văn chương hải ngoại từ 1984-1995, vô cùng vui vẻ. Bôn Sa, Cali là trung tâm văn nghệ. Các văn nghệ sĩ ở phương xa nô nức viếng thăm như đi hành hương xứ nhiệm mầu. Hồi đó, phương tiện tài chánh chưa dư giả, nhất là các nghệ sĩ vốn ít tiền ham vui, khó về tề tựu cùng bằng hữu ở quận Cam.

Một đêm: Chúng tôi, Nguyễn Mộng Giác, Phạm Công Thiện, Nguyễn Bá Trạc, Vũ Huy Quang và hai người bạn nữa. Cùng nhau kéo về nhà đậu xe của Vũ Huy Quang, giang sơn của riêng anh. Uống bia tán dóc. Khởi đầu bàn thảo về văn học nhất là những câu chuyện dịch kỳ thú của họ Vũ. Đến quá nửa khuya, chúng tôi bày ra đóng kịch. Đủ loại kịch nói, nhớ đâu đóng đó. Người Viễn Khách Thứ Mười, Những Người Không Chịu Chết… Duy có Hội Nghị Diên Hồng, nhờ có bài hát mà sôi nổi. Phạm Công Thiên làm vua. Vũ Huy Quang làm bô lão, Nguyễn Bá Trạc đóng nông phu, cởi trần, tuy hơi ốm. Tôi và hai bạn còn lại kẻ làm lính, người làm tướng. Riêng anh Nguyễn Mộng Giác với cá tính “bất bạo động”, làm khán giả. Cứ thế vui chơi đến khi trời sáng. Càng vui chơi hò hét, càng uống nhiều bia, càng uống nhiều càng mỏi chân. Nhà trên đã khóa vì sợ ồn ào bà cụ. Thế là cả bọn thay nhau ra sân, tưới dãy hoa bên thềm. Sáng hôm sau, vừa chợp mắt đã nghe tiếng cụ kêu réo. Tỉnh ra mới hay, cụ đang múc từng chậu nước “rửa” hoa vì hoa ngất ngây mùi hương… Cả bọn lẳng lặng, âm thầm rút lui. Để lại bạn Vũ Huy Quang, trùm mền giả ngủ.

Sinh hoạt văn nghệ Bôn Sa thời đó nhộn nhịp và có trình độ. Tuy có cãi cọ, bất đồng nhưng giới văn nghệ sĩ khá gần gũi và chia xẻ với nhau.

Chuyện vui với bằng hữu ở Quận Cam, kể không sao hết. Cõng anh Mai Thảo say rượu về nhà. Xúm nhau đưa anh lên cầu thang, vào đến giường, công trình này mệt nhọc hơn sáng tác trường ca, vì trường ca Mai Thảo biết cằn nhằn, biết la rầy khi say.

Đúng như truyền đồn về Mai Thảo, lần đầu tiên tôi đến gặp anh tại Quận Cam, anh vồn vã rủ đi ăn cơm Bắc. Trước khi đi, thò tay vào gầm giường kéo ra một chai Rémy Martin cổ lùn. Sau khi gọi nhiều món ăn đại biểu cho quê Bắc, nhiều quá cho hai người. Tôi cản lại nhưng anh nói, phải ăn mỗi thứ một ít cho biết. Mỗi một ly tôi uống, anh uống ba ly. Chỉ uống, không ăn gì cả. Cũng không gói mang về dù đồ ăn hầu như còn nguyên. Đến khi quán đóng cửa, anh đã say, tôi phải gọi điện thoại cho Vũ Huy Quang, hai anh em dìu Mai Thảo đi bộ về. Anh Mai Thảo tuy ốm nhưng có rượu vào thì rất nặng. Tôi nhớ nhất câu nói của anh, khi bàn về văn chương và những lời phê phán. “Không có ai đẻ ra từ nách cả.” Ý anh nói, mọi người cầm bút đều kế thừa văn chương của người đi trước. Kế thừa văn chương và vượt qua người kế thừa là chuyện vẫn thường xảy ra trong văn học của mọi dân tộc.

Lái xe đi với Khánh Trường lên San Jose, cùng Nguyễn Bá Trạc, Vũ Huy Quang, Vô Thường và vài bạn nghệ sĩ trong thành phố, kéo nhau đi uống bia ở một quán bên đường. Quán Việt có cô gái Việt rất xinh ngồi thủ quỹ. Giữa chừng ngà ngà, các văn thi sĩ biểu diễn tài năng, không phải bằng văn thơ mà bằng bắp thịt. Chúng tôi vật tay, xem thử ai thắng thì được phép trò chuyện sâu xa hơn với người đẹp. Ôi những cánh tay chuyên cầm bút, gầy như que củi, vậy mà hăng say, ồn ào đáo để. Anh Nguyễn Bá Trạc tuy vật tay thua nhưng lại được lòng người đẹp vì tài ăn nói và mã đẹp trai.

Đến Cali thăm và ở lại nhà Nguyễn Mộng Giác, thuở anh còn độc thân với hai con, chị Diệu Chi chưa qua Mỹ, mỗi sáng anh nấu một nồi cơm, lúc nào đói thì ăn, thường khi chúng tôi bóc bằng tay, ăn cơm không cho mau. Ăn thì lười nhưng làm báo rất siêng năng. Điểm đặc biệt của anh là say mê và lo lắng cho dòng văn học hải ngoại. Nhận được rất nhiều bài viết từ trong nước, ngoại trừ là những người viết thành danh trước năm 1975, dù đang ẩn dưới tên khác để tránh chế độ Cộng Sản dòm ngó, anh mới cho lên khuôn, kỳ dư, anh nói, nên dành chỗ cho sáng tác ở bên này.

Mươi tháng trước khi anh qua đời, tôi và Phụng có ghé Quận Cam thăm anh. Cùng với gia đình anh đi ra quán Huế, dùng cơm trưa. Khi anh trở bệnh nặng, tôi đang đi làm xa, không về được đám tang. Mãi gần một năm sau, mới có dịp thắp nhang trên bàn thờ tại nhà anh để tưởng nhớ anh. Bây giờ nghe Trần Vũ kể lại những ngày cuối cuộc đời mà anh Giác còn quan tâm đến văn chương hải ngoại, còn lo âu cho thế hệ sau, thật là cảm động và ngậm ngùi. Liệu thế hệ chúng ta có làm được gì cho văn chương hải ngoại?

clip_image006Ngọc Phụng, Ngu Yên và Nguyễn Mộng Giác

Một ngày: 28 tháng 12 năm 1996.

Houston, Texas là thành phố bắt đầu có nhiều người Việt tụ về. Cộng đồng người Việt bắt đầu sinh hoạt mạnh mẽ sau 1990. Khu phố Giữa (Mid Town) nơi người Hoa Kỳ bỏ bê, đã sống lại với hàng phố của người Việt. Phố Bellaire ở vùng Tây Nam cũng mới bắt đầu.

Tôi dọn về Houston giữa năm 1994. Sinh hoạt văn nghệ lúc này chỉ mới khởi sự và theo đuôi Quận Cam. Nhân cơ hội ba nữ sĩ: Lê Thị Huệ, Trân Sa và Vũ Quỳnh Hương cùng nhau in tập thơ “Canh Thức Cùng Thơ Mộng”, tôi và Phụng đứng ra tổ chức buổi ra mắt tập thơ này. Trước đó, chương trình đầu tiên chúng tôi cùng Cao Đông Khánh thực hiện là ra mắt tập thơ của thi sĩ Tô Thùy Yên, “Thơ Tuyển, Tô Thùy Yên”, 1995.

Thật ra, đây là cái cớ để gặp nhau. Ba nữ sĩ này và cô Ý Nhi (nhạc sĩ), Tôn Nữ Lệ Ba (nghệ sĩ ngâm thơ) cùng Phạm Việt Cường, Nguyễn Hoàng Nam và Hường từ Cali và Canada đến Houston, ở lại nhà tôi gần một tuần lễ, gặp gỡ, đàn ca, hát xướng, tiệc tùng liên miên với các nghệ sĩ tại Houston: Cao Đông Khánh, Điệp Mỹ Linh, Nguyễn Văn Sâm, Tô Thùy Yên, Đặng Phùng Quân và một số nghệ sĩ khác… Nhân đây, tôi muốn nhắc đến Cao Đông Khánh. Anh sinh hoạt với văn chương hải ngoại ngay từ đầu. Viết văn, làm thơ, làm báo từ Quận Cam, California về đến Houston. Một nhân vật hào sảng, chịu chơi, dân chơi lục tỉnh. Thơ anh khác lạ với dòng thơ nối dài từ 1975 ra hải ngoại. Thơ anh đầy sáng tạo và ngông nghênh với chữ nghĩa miền nam. Một mình, một cõi. Vậy mà từ khi anh qua đời đến nay, vẫn không mấy ai nhắc nhở, cũng như tìm hiểu thơ của anh. Hãy đọc “Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn” của anh, in cuối năm 1996.

Hôm ra mắt sách, Canh Thức Cùng Thơ Mộng, ngày 28 tháng 12 năm 1996, trang trọng và vui vẻ. Nhiều người đến tham dự để xem mặt các nữ sĩ. Ngồi chật cả quán. Vào sau đành phải đứng. Cả ba đều run rẩy khi lên sân khấu. Biến đâu mất những câu thơ nẩy lửa, những bài văn dũng khí, mỗi người run mỗi kiểu khác nhau khi đọc thơ. Khi người nữ mặc áo dài mà run, tà áo rung gấp đôi. Càng run càng quyến rũ. Người xem cổ võ rầm rộ. Sách bán khá nhiều. Tiền bán sách bị xung công để ăn nhậu.

Một đêm sau buổi tiệc, Phạm Việt Cường và Cao Đông Khánh vừa say vừa cãi nhau. Cao Đông Khánh lỡ tay xô Phạm Việt Cường vào một hồ cá cạn trước nhà một người quen. Thấy bạn mình loay hoay không ngồi dậy ra khỏi hồ nước, Cao Đông Khánh nhảy ùm vào, cả hai cùng tắm, cùng cười hả hê. Chúng tôi và các nữ sĩ đứng ngoài vừa xem vừa hò hét theo.

Bốn cô nữ sĩ chiếm giữ dãy phòng bên trái trên lầu, Phạm Việt Cường một mình trấn thủ phòng bên phải. Vợ chồng chúng tôi ngủ dưới lầu. Loạn kiêu binh trên lầu rầm rập suốt đêm. Phạm Việt Cường tố cáo đã bị cách ly, không cho gia nhập chuyện tình nửa đêm. Anh viết vài bài thơ sau những đêm trằn trọc.

Mới đó mà đã gần hai mươi năm. Kinh khiếp.

clip_image008

Vũ Quỳnh Hương. Lê Thị Huệ. Phan Dụy. Tôn Nữ Lệ Ba. Phạm Việt Cường. Trân Sa. Nguyễn Hà Ý Nhi

2. Chúng ta dùng hai chữ Hoàng Kim để diễn tả một thời sáng tác mạnh mẽ, cả phẩm lẫn lượng. Tựu trung trong thời điểm này, vừa xa quê hương, vừa căm thù cộng sản, vừa lạc lõng quê người, khiến sáng tác có chủ đề và nội dung giới hạn. Những sáng tác vượt ra ngoài giới hạn rất ít ỏi. Đa số thơ truyện về kỹ thuật và nghệ thuật là sự kéo dài của trước năm 1975. Đa số những nhà văn hàng đầu lúc đó là những nhà văn nhà thơ đã thành danh hoặc đã từng xuất hiện trước năm 1975 trên báo hoặc tạp chí văn học, văn chương miền Nam. Nhóm bắt đầu sáng tác thật sự từ hải ngoại thuộc về thiểu số và thiểu số non.

Anh Trần Vũ cũng theo dõi sát với thời kỳ này, anh có thấy cái lý do mà thời Hoàng Kim tàn xuống rất nhanh, khi lòng sôi sục êm dần và đề tài cùng nội dung bị lập lại, khiến sự nhàm chán “bắt đầu” được lưu ý? Những khám phá mới chưa thành hình hoặc chưa trưởng thành. Thời kỳ lúng túng này đã khiến cho một số cây viết hăm hở lúc ban đầu dần dần hạ nhiệt và sau cùng một số đã gác bút hoặc thỉnh thoảng điểm hoa.

Có thể nhìn từ một góc cạnh khác: Phần đông văn thi sĩ bộc phát theo tài hoa và hoàn cảnh. Có tài hoa mà không có hoàn cảnh, khó mà sáng tác đến tay độc giả. Có hoàn cảnh mà thiếu tài hoa, không có kết quả xa. Nếu có, chỉ thường thường bậc trung. Có tài hoa và có hoàn cảnh mà không có học thuật căn bản hoặc sâu xa, khó đi đường dài, khó tìm được lối thoát khi tắc tị. Người sáng tác nào cũng sẽ phải đối diện những giai đoạn không viết được hoặc vừa viết vừa tự nhàm chán về tác phẩm của mình.

Thông thường muốn thoát ra, phải nhờ học thuật và kinh nghiệm của những người trong cùng hoàn cảnh nhưng trên hết là ý thức về nghệ thuật và ý thức về sáng tạo. Nghệ sĩ Việt thường không quan tâm về ý thức sáng tác, chỉ muốn sáng tác. Không coi trọng ý thức nghệ thuật, chỉ thích kiến thức về nghệ thuật. Đặc biệt, thường nói về sáng tạo mà hay lầm với sáng kiến và tệ hơn nữa là sáng chế.

Tôi cũng không ngoại lệ. Khi bắt đầu làm thơ cho đến năm 2011, thật sự tôi không có ý thức về sáng tác, đừng nói đến sáng tạo. Thơ đến và đi theo tình cảm và suy tư. Sau bài thơ những Đêm Dài Của Mẹ, tôi bắt đầu chọn cho mình một nội dung sáng tác. Tôi muốn tự châm biếm và khôi hài với mình. Anh Trần Vũ biết không, gia đình tôi ở một thành phố nhỏ, trong tiểu bang người da trắng khó tính. Những gì một người tỵ nạn sinh hoạt hàng ngày, thường phát giác ra rất ngô nghê, rất khôi hài. Ví dụ, chai thuốc xịt cho thơm nhà Lysol, tôi dùng làm nước hoa, đi đâu cũng thơm phức mùi tẩy sạch. Có trí óc, suy nghĩ nhưng để thích hợp với đời sống bị bất chợt hóa kiếp, thật là lắm chuyện tức cười. Chẳng thua gì cái nồi ngồi trên cái cốc của các cộng sản ngố vào Nam. Tôi cũng ngố khi đến Mỹ. Tôi thích làm thơ tự giễu thân phận mình, nói mát ông trời, vì vốn đã mâu thuẫn từ khi đi tu. Dần dà về sau mới chuyển hướng.

Về hình thức, thơ tôi thời đó còn là một nghệ thuật diễn đạt thơ nối dài từ Miền Nam trước tháng 4,1975. Tôi đến với thơ theo cách tự phát, tự diễn, bắt chước đàn anh rồi nói theo tâm sự riêng của mình. Không có bao nhiêu học thuật. Không lưu tâm gì về ý thức. Anh có thể cho tôi biết, anh thật sự ý thức về sáng tác là từ lúc nào?

Hết phần 2

Bản cắt ngắn in trong Tuần san Trẻ Dallas tháng 6 và 7-2015

Bản nguyên trên Văn Việt

Trần Vũ thực hiện qua điện thư tháng 5 và 6-2015

Comments are closed.