Trịnh Công Sơn và cuộc trò chuyện cuối cùng thiên niên kỷ

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trò chuyện với nhà báo Nguyễn Linh Giang

*TRỊNH CÔNG SƠN: “Tôi chỉ là một hành giả đi qua cuộc đời này…”.

+Nhà báo Nguyễn Linh Giang: Đến bây giờ, cuối thế kỷ nhìn lại, với những gì mà Trịnh Công Sơn đã cống hiến cho nền tân nhạc Việt Nam, có thể cho rằng đã có một dòng âm nhạc Trịnh Công Sơn, một phong cách âm nhạc Trịnh Công Sơn?

-Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Tôi nhận thấy rằng nhận xét này không sai. Đã từ lâu quần chúng đã chấp nhận tôi trong một thế đứng hoàn toàn riêng biệt. Vả lại, khi một người muốn dấn thân vào lãnh vực nghệ thuật thì trước tiên phải cố gắng tạo được cho mình một phong cách riêng. Nếu không sẽ bị rơi vào tình trạng sản phẩm được sản xuất hàng loạt.

+Trong các nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn thì ca từ rất huyền hoặc, liêu trai. Về phương diện này, Trịnh Công Sơn đã là một nhà thơ. Thưa Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, một tác phẩm của anh được hình thành bắt đầu từ giai điệu, âm thức, hay bắt đầu bằng ca từ?

-Khi cảm hứng đến thì nó thường cho cả lời lẫn giai điệu. Sau đó triển khai giai điệu và viết tiếp lời như làm thơ.

+Nếu tôi không nhầm thì trong hàng trăm ca khúc của Trịnh Công Sơn đều không một lần nhắc đến tên Huế. Nhưng Huế luôn hiện lên trong các ca khúc của anh. Âm nhạc Trịnh Công Sơn đã trở thành tài sản dân tộc, đi ra với quốc tế nhưng tiếng gọi của nguồn cội vẫn thiết tha và mãnh liệt?

-Tất cả những bài hát tôi viết đều mang mang một khí hậu Huế. Có Huế trong tôi và có tôi trong Huế. Vì vậy, mặc dù không cố tình nhưng không bao giờ tôi nhắc đến chữ Huế trong các ca khúc của tôi.

Càng về sau này những giai điệu của tôi càng có khuynh hướng mang mầu sắc dân ca. Đó cũng là điều tự nhiên khi tâm hồn một người đã gắn liền với những buồn vui của dân tộc mình.

+Tôi còn nhớ, vào những năm 70 tại Quảng Trị, trong vùng giới tuyến, lần đầu tiên tôi biết đến âm nhạc Trịnh Công Sơn: “Đại bác đêm đêm dội về thành phố/ Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe…”. Giọng hát của Khánh Ly như thảng hoặc làm một cậu bé mới lớn trong tôi chìm đắm trong nỗi mê dại. Âm nhạc của Trịnh Công Sơn qua tiếng hát của Khánh Ly đã làm nên “trào lưu” trong những năm 60, 70. Thế rồi Hồng Nhung lại thể hiện âm nhạc Trịnh Công Sơn với một sắc thái mới, một sự cảm nhận mới và có thể nói cũng đã thành công. Xin anh cho biết đôi điều về hai người phụ nữ ở hai thời điểm khác nhau, cách nhau trên 30 năm, đã thể hiện âm nhạc Trịnh Công Sơn?

-Hai ca sĩ này có cách thể hiện riêng những ca khúc của tôi. Mỗi người đều có cá tính đặc biệt. Một người có sự già dặn. Một người có sự trẻ trung. Tốt nhất là không nên so sánh gì cả.

+Trong chương trình riêng của anh: “Dấu chân không năm tháng” (1998) tôi đã nghe chính Nhạc sĩ hát bài “Tiến thoái lưỡng nan”. Trước đó, trong các ca khúc của Trịnh Công Sơn đã bàng bạc sự Vô Thường. Với “Tiến thoái lưỡng nan”, tôi cảm nhận Trịnh Công Sơn đã đạt đến đỉnh cao chiêm nghiệm về lẽ Vô Thường và chạm đến sự đắc đạo?

-Đừng nói đến sự đắc đạo. Tôi không phải là một nhà tu. Nếu cần ví von thì tôi chỉ là một hành giả đi qua cuộc đời này và chiêm nghiệm về sự vô thường. Mỗi ngày tôi đều có những giây phút yên tĩnh để suy tưởng và có lẽ vì thế trong một số ca khúc của tôi bàng bạc một chút thiền.

+Anh đã sống qua những thời kỳ đặc biệt của đất nước, đón những mùa xuân không thể nào quên. Anh có tâm trạng như thế nào trước mùa xuân năm 2000 – mùa xuân bước sang thiên niên kỷ mới?

-Cho đến phút này, những giờ phút cuối cùng của thiên niên kỷ, tôi không cảm thấy một chút xao động nào trước mùa xuân mới. Có thể vì tôi không còn trẻ nữa. Khi người ta còn trẻ thì mùa xuân nào cũng là một ngày lễ hội. Nhất là mùa xuân của thiên niên kỷ mới này.

Trịnh Công Sơn vẫn ngồi đó. Dáng trầm tư, hao gầy. Thời gian như dừng lại. Trước mặt anh là chiếc bàn làm bằng một thân cây thốt nốt mà nhà thơ Thu Bồn đã tặng anh hơn một năm về trước. Đem một chai rượu lép nhỏ và chiếc ly, Trịnh Công Sơn lặng lẽ rót và uống từng chút một. Sau cơn bạo bệnh, bây giờ Trịnh Công Sơn không còn hút thuốc, rượu chỉ uống tí chút. Anh ngồi đó, như hư không, như một nét thiền. Ngoài kia, trời Sài Gòn sau kỳ Noel lạnh giá đã bừng sắc nắng. Tôi nhìn đồng hồ: 10 giờ 30 phút. Thật hy hữu, lại đúng ngày 31/12/1999 – những thời khắc cuối cùng của thiên niên kỷ.*

Không có mô tả.

Trịnh Công Sơn qua nét hí họa của Chóe.

Không có mô tả.

Trịnh Công Sơn và Khánh Ly

Không có mô tả. 

Thủ bút của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

*Bài đăng trên Báo Gia đình & Xã hội, số Xuân Canh Thìn 2000.

Comments are closed.