Dòng nhạc kỷ niệm với nhạc cũ miền Nam (kỳ 259): Phạm Duy: Tuyển tập Dân ca – Bài 12: Dặn Dò

T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện (2023)

clip_image002

clip_image004

Dặn Dò – Dân ca do Phạm Duy sưu tập

Trình bày: Duy Khánh

ĐỌC THÊM:

ĐÔI ĐIỀU TÂM SỰ

Mùa đông 1996, trên đường lưu diễn ở Đức tại các thành phố Hannover và Dusseldorf, nhạc sĩ Phạm Duy đã có một cuộc gặp mặt thân mật với một nhóm bạn trẻ ở Đông Âu. Nội dung cuộc nói chuyện này đã được (trích) đăng trên tạp chí GiÓ ĐÔNG (số 1, năm 1997, Đức Quốc) và tạp chí VĂN (California, Hoa Kỳ).

Phần đọc thêm dưới đây là TRÍCH ĐOẠN từ bản ghi cuộc nói chuyện nói trên (với nguồn bài từ NHỊP CẦU THẾ GIỚI ONLINE: http://nhipcauthegioi.hu/Van-hoa/PHAM-DUY-DOI-DIEU-TAM-SU-1-222.html)

(Trích đoạn…)

Hỏi: Nhạc sĩ Phạm Duy đã tham gia tích cực và là một trong những linh hồn của giới văn nghệ sĩ trong sáu năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Đã sống và sáng tạo trong sự biến thiên sâu sắc của lịch sử hiện đại Việt Nam, nhạc sĩ nghĩ như thế nào về thời kỳ ấy? Có thể coi đây là một giai đoạn thành công, đáng ghi nhớ trên hành trình sống và sáng tạo của Phạm Duy?

PD: Tôi hãnh diện vì được tham gia vào kháng chiến chống Pháp và vì đã đóng góp được vào nền âm nhạc nước nhà bằng ba mươi bài ca kháng chiến. Không lúc nào tôi phủ nhận điều này. Giờ đây, tôi vẫn cho rằng trong vòng năm trăm năm nay nước mình chỉ có 10 năm đoàn kết, thực sự yêu nhau, cùng gánh vác giang sơn và đó chính là khoảng thời gian từ 45 đến 55 (1945 – 1955). Còn việc nhà cầm quyền và nhân dân đánh giá như thế nào về phần đóng góp của tôi thời kháng chiến, là ba mươi ca khúc ấy, thì nói thật: tôi xin chịu. Tôi chỉ biết cống hiến xong rồi, là xong (cười).

Nói kỹ hơn, Cách mạng và Kháng chiến (với Mặt trận Việt Minh) đã là cái giàn phóng để cho các nhạc sĩ tiền phong trẻ tuổi là chúng tôi bay nhanh, bay xa… hay bay chậm, bay gần. Nếu không đi theo Kháng chiến, có thể tôi đã ngưng làm nhạc từ lâu. Lúc đó, với lòng tự hào dân tộc của toàn dân trong chiến đấu, tôi quyết định không đi theo trường phái nhạc cổ điển hay tân kỳ Âu Mỹ, dù cũng biết yêu quý Bach hay Mozart, Schubert hay Beethoven, Debussy hay Ravel…. Trước khi Tân nhạc ra đời, vì đã sống ở đồng quê và đi theo một gánh hát rong, tôi có cơ hội tiếp thu gần như toàn thể Dân ca, Dân nhạc cổ truyền Việt Nam. Khi khởi sự cái gọi là Tân nhạc của tôi đó, tôi quyết định ra đi từ cái vốn liếng của dân tộc… Quả rằng bài Dân ca mới đầu tiên của thời đại là bài NHỚ NGƯỜI THƯƠNG BINH, soạn tại Vĩnh Yên năm 1947, có thể được coi là sự thành công của tôi trong thử thách soạn nhạc mới, lấy tứ nhạc từ dân ca, dân nhạc và lấy cảm hứng từ người dân. Từ đó, tôi vững tâm đi theo con đường Dân ca mới mà tôi vạch ra, với những bài như DẶN DÒ, MÙA ĐÔNG CHIẾN SĨ, RU CON, BÊN NI BÊN TÊ, NHỚ NGƯỜI RA ĐI, TIẾNG HÁT TRÊN SÔNG LÔ, NƯƠNG CHIỀU, GÁNH LÚA, BÀ MẸ GIO LINH, VỀ MIỀN TRUNG, v.v… dựa vào tiêu chuẩn tứ nhạc và cảm hứng mà tôi đã nói. Vào thời điểm này, như anh em nói, tôi chưa gặp một sự khó khăn nào của giới lãnh đạo văn nghệ.

Thật là đáng tiếc cho tôi là sau 6-7 năm hứng khởi ở vùng quê như vậy, tôi gặp ít nhiều khó khăn nên đành phải tìm về thành thị để tiếp tục làm cuộc hành trình nghệ thuật của riêng mình. Những bài Tình ca quê hương, Tình tự dân tộc tôi soạn ra ở miền Nam là sự tiếp nối những bài dân ca kháng chiến của thời trước đó… Cao điểm của loại dân ca cải tiến này là những bản Trường ca soạn ra về sau như CON ĐƯỜNG CÁI QUAN, MẸ VIỆT NAM…

Qua Hoa Kỳ, sau 1988, với sự tiếp sức của người con thứ Duy Cường, chúng tôi tiến từ giai đoạn đơn điệu (monophonique) qua giai đoạn đa điệu (polyphonique). Nếu phải qui loại cho nhạc phẩm của chúng tôi thì đó là những bài bản soạn theo trường phái quốc gia ấn tượng (nationale, impressioniste). Hiện nay, tôi đang thai nghén sáng tác cuối cùng là bốn bức MINH HỌA KIỀU.

Tôi nghĩ rằng, khởi sự đời mình bằng dân ca kháng chiến, kết thúc đời mình bằng việc xưng tụng tác phẩm muôn đời của nền thi ca dân tộc là truyện KIM VÂN KIỀU, chân lý của tôi là: chỉ muốn làm một nhạc sĩ Việt Nam, dù thế này hay thế nọ, dù thế kia hay thế đó, dù vắng xa hay gần gũi, dù ở trong hay ở ngoài, dù được yêu hay bị rủa, dù còn sống hay đã chết, vân vân và vân vân…

(Hết trích)

Comments are closed.