Đọc Nguyễn Minh Châu (từ “Bức tranh” đến “Phiên chợ Giát”)

Hoàng Ngọc Hiến

Truyện Bức tranh đặc sắc ở chỗ nào?

Trong văn xuôi đương đại của ta, sự phát triển của nhân vật thường được miêu tả như một quá trình nhận thức. Tác giả Bức tranh tập trung sự chú ý vào quá trình tự nhận thức của nhân vật họa sĩ. Truyện Bức tranh được kể như “lời tự thú” của nhân vật sau một quá trình “tự tìm hiểu mình”, “tự phán xét mình”. Trong văn xuôi đương đại của ta thường gặp những nhân vật “bị tố cáo” hoặc “lên tiếng tố cáo”. Nhân vật họa sĩ của Nguyễn Minh Châu tự lột mặt nạ, nhận ra “bộ mặt bên trong” tệ bạc, giả dối của mình, một “bộ mặt xấu xí và lạ lùng”. Sự thật về bản thân mình là loại sự thật con người e ngại nhất. Quá trình tự nhận thức của nhân vật họa sĩ lại chạm nọc một thói xấu thường được che giấu kỹ: thói đạo đức giả. Nguyễn Minh Châu sớm nhận ra điều mà nhiều năm sau chúng ta mới thấy: đạo đức giả là thói xấu làm trầm trọng sự trì trệ của xã hội và làm trì trệ mọi nỗ lực cải tổ và đổi mới đời sống xã hội. Quá trình tự nhận thức của nhân vật diễn ra khá phức tạp: nó tìm cách tự bào chữa, nó xuê xoa và lẩn tránh tội lỗi của mình. Tuy nhiên, sự miêu tả vẫn có chỗ thô thiển. Marx có đưa ra một sự phân biệt tinh tế: “Đạo đức giả tư sản là có ý thức, đạo đức giả phong kiến thì vô thức”. Chỉ những người đạo đức giả có ý thức mới mang “mặt nạ”, thường gặp họ trong đám người lọc lõi chốn thị thành hoặc “quan trường”. Nhân vật họa sĩ – cũng như phần lớn những người đã được thử thách và rèn luyện ở chiến trường – nếu như đạo đức giả thì đạo đức giả một cách vô thức. Trong truyện Bức tranh hình ảnh “mặt nạ” được nhắc đi nhắc lại những bốn lần.

Truyện Bức tranh đã có sự phức tạp của chiều sâu nhưng vẫn còn đơn giản.

Đến truyện Phiên chợ Giát (1988) thì không còn chút nào đơn giản.

Truyện Phiên chợ Giát được viết không phải để triết luận về thân phận con người (nói chung), con người “sống giữa hoang vu và bóng tối”. Tác giả Phiên chợ Giát khiêm tốn và độc đáo hơn. Truyện này là một giả thuyết văn học về bản chất và thân phận người nông dân (chắc là tác giả cũng không phản đối nếu chúng ta xác định rằng đây là người nông dân Việt Nam). Một quan niệm lý thuyết của Marx về người nông dân đã trở thành cổ điển: người nông dân vừa là người lao động, vừa là người tư hữu. Theo giả thuyết văn học của Nguyễn Minh Châu, người nông dân vừa là bò Khoang và là lão Khúng. Quan hệ giữa bò Khoang và lão Khúng ở con người nông dân là quan hệ “lẫn lộn bò và người”, “hai mà một, một mà hai”. Bò Khoang là sự hiện thân của sức chịu đựng bền bỉ, làm lụng nhẫn nại, “suốt đời nai lưng ra kéo cày”. Ở lão Khúng nét nổi bật trong tính cách là đầu óc thiết thực, với ý nghĩa là chỉ thiết cái “thực”. Đối với lão, cái “thực” là vợ chồng con cái có ăn, “không chết đói”, là “cái mặt đất ở dưới chân với mấy mảnh ruộng… thuộc sở hữu gia đình lão”… Với đầu óc thiết thực này lão nghi ngờ cả “một trời sao” “vua chúa, đại thần danh tiếng thời nay” đang “thi nhau nhấp nháy” “soi sáng mặt đất”. Trước “sự thật trần trụi và đơn giản” là đứa con ở chiến trường K chết rồi, lão đã dao động “chí khí ái quốc” và những “điều tâm niệm thiêng liêng” khác trong tâm khảm lão “trùng triềng”. Đối lập với cái tâm lý thiết thực hàng ngày hàng giờ gò lão sát sạt cuộc đời thực tại nhôm nhoam, khắc nghiệt là ước mơ tự giải thoát, thoát khỏi cuộc sống lam lũ, cơ cực để được sống nhởn nhơ chốn rừng thẳm hoang sơ “không phải kéo cày, kéo xe”, ăn uống thỏa thuê.

Quan hệ lão Khúng – bò Khoang là quan hệ chủ và tớ. Lão Khúng có những đức tính của người chủ. Đó là tinh thần trách nhiệm hết sức nghiêm túc làm “cột chống” trong gia đình, chăm lo cho vợ con, đó là năng lực trù tính, lo liệu từ việc nhỏ đến việc to, chuyện trước mắt, chuyện lâu dài, đó là bản lĩnh và cá tính độc lập, đó là sự táo tợn, gan góc… Phải chăng đầy tớ bò Khoang là sự hiện thân của tính nhẫn nhục và “ý chí thuần phục”? Là vậy nhưng không phải vậy. Chính bò Khoang – chứ không phải ai khác – đã đá chủ tịch Bời “một phát vào bụng khiến cho ông ngã bổ nhào…”. Trong truyện của Nguyễn Minh Châu không có những nhận định “đơn nghĩa” có tính chất “kết luận khép kín”.

Trong giả thuyết của Nguyễn Minh Châu, số phận của người nông dân được đoán nhận ở nhiều khả năng: không phải chỉ có “bóng tối” và “hoang vu”. Tác giả ý thức được sự lớn lao trong số phận đầy nhọc nhằn, khốn khó của người nông dân. Cặp đôi lão Khúng – bò Khoang gắn bó rịn mến nhau là hiện thân của sức mạnh khai phá “vạch rừng, vỡ đất”, chính sức mạnh này làm nên ruộng vườn nuôi sống con người, mở mang làng mạc, tạo dựng đất nước, sức mạnh này có bề dày lịch sử – tác giả có ý thức tôn lên bằng những từ ngữ phong cách cao – và lao động của lão Khúng – bò Khoang mang ý nghĩa “khai sơn lập địa từ thời hồng hoang”, thời “mới có loài người”; trong văn học hiếm có những biểu tượng về người nông dân cao cả, hào hùng mang ý nghĩa lịch sử nhân loại lớn lao đến như vậy. Nguyễn Minh Châu đồng thời phác ra hai khả năng giới hạn của số phận nông dân. Người nông dân có thể trở thành một nạn nhân thảm khốc, đó là ý nghĩa của giấc mơ cuối cùng: “…chính lão bị đánh bằng búa tạ, chính lão là con bò! … máu me đầm đìa…”. Và người nông dân cũng có thể trở thành hung thần – thậm chí hung thần đồ tể, đó là ý nghĩa của giấc mơ đầu tiên : “Kẻ nâng chiếc búa tạ lên đánh vào đầu con vật là lão chứ ai!”. Xét đến cùng, những “ác ôn”, “ăng ca” cả những “cường hào mới” nữa phần lớn cũng từ nông dân mà ra. Nguyễn Minh Châu cũng đã từng giả định tên lính pac-ti-dăng chĩa súng bắn chết Nam Cao có thể chính là Chí Phèo.

Trong giả thuyết (bằng hình tượng) của Nguyễn Minh Châu, biểu tượng hóa thân người bò, bò/người (bò Khoang/lão Khúng….) có vai trò then chốt. Theo Đỗ Đức Hiểu, trong Phiên chợ Giát, “hóa thân chính là thân phận con người”, “sống giữa hoang vu, trong bóng tối”. Biểu tượng hóa thân bò/người có tính chất đa nghĩa. Biểu tượng này “mồi” cho sự liên tưởng đến “kiếp trâu bò”, đến thân phận “nửa người, nửa vật” của nông dân. Quan trọng hơn cả là biểu tượng này tạo ra “nghĩa bóng” cho một hình tượng đặc sắc trong truyện. Cử chỉ giải thoát cho bò Khoang – hiểu theo “nghĩa đen” – chỉ chứng tỏ lòng tốt và tình thương của lão Khúng đối với bò Khoang. Nhưng một khi bò là người, một khi bò Khoang chính là lão Khúng thì cử chỉ giải thoát của lão mang ý nghĩa “tự giải thoát”, thả cho bò Khoang về chốn rừng thẳm sống nhởn nhơ, tự do, lão Khúng thực hiện ảo tưởng tự do hoang dã của chính mình. Và đến cuối truyện, từ rừng sâu con bò lại quay trở về gặp chủ nó, “nghĩa đen” của chi tiết này là sự luẩn quẩn của số kiếp bò Khoang, nhưng “nghĩa bóng” là sự thất bại “não nùng” của ảo tưởng tự do của lão Khúng. (Chi tiết này chứng tỏ Nguyễn Minh Châu không đứng trên “lập trường nông dân” để viết về nông dân). Một khi bò là người thì “buôn bò” cũng có nghĩa là “buôn người”, “buôn nông dân”. Chỉ hiểu “buôn bò” như là thành phần xuất thân của chủ tịch Bời là chỉ hiểu “nghĩa đen” của từ này. Thuở “hàn vi”, ông Bời “đang còn biết yêu trâu bò, súc vật” (có thể hiểu theo “nghĩa bóng”: đang còn biết yêu nông dân). Nhưng một khi nắm được chức quyền cao nhất, bị mù quáng và tha hóa bởi “ma men” quyền lực, ông Bời trở thành “buôn bò” theo nghĩa bóng: ông “lợi dụng tâm lý nông dân”, để làm những việc “khủng khiếp”, “khuấy đảo sự làm ăn, no đói của hàng vạn người…”. Xuất thân “buôn bò” theo nghĩa đen, ông Bời trở thành “buôn bò” theo nghĩa bóng. Chủ tịch Bời là một khả năng của số phận nông dân. Hình ảnh con bò đực “già nua”, “trụi hết lông”, “yếm chảy sát gối”, “hai con mắt toét nhèm”, “bước đi từng bước ậm ạch” “bình thản đi đến chỗ chết” − mà lão Khúng nhác nhìn thấy ở phố cầu Giát khi lão một mình nhọc nhằn lôi chiếc xe bò – phác ra một khả năng khác của số phận nông dân. Trong truyện Phiên chợ Giát, hình ảnh số phận người nông dân cũng đa nghĩa như hình ảnh bản chất người nông dân.

Bằng những thủ pháp trào phúng cay độc, tác giả hạ uy thế giả tạo của nhân vật chủ tịch Bời. Nhưng nhân vật này không bị biến thành một nhân vật biếm họa. Và đây là sự già dặn của bút pháp Nguyễn Minh Châu. Tác giả ghi nhận một cách khách quan những phẩm giá đích thực của chủ tịch Bời: năng nổ, xông xáo, “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, có thời “con người ấy thật đáng mến”… Lão Khúng và chủ tịch Bời là hai số phận khác nhau. Nhưng hai người cùng xuất thân thành phần nông dân. Những nét giống nhau, gần gũi nhau ở họ giúp ta hiểu rõ hơn bản chất của người nông dân. Lão Khúng muốn giải thoát cho bò Khoang thì chủ tịch Bời ngày đêm lúc nào cũng chỉ nhằm “cách cái mạng” của người dân quê muôn đời nghèo khổ. Chủ tịch Bời dùng kỷ luật “quân sự” lùa cả huyện ra “công trường thủ công”, lão Khúng không hơn gì ông Bời, lão không nghĩ được một cách nào khác là dùng roi xua bò Khoang vào cõi “Thiên đường” tức là vào rừng để thành bò hoang… Kết cục cũng giống nhau: “ảo tưởng tự do” của lão Khúng thất bại “não nùng” và ý đồ “hoang tưởng” của chủ tịch Bời đổ bể thảm hại: ông bị cách chức.

Trong truyện Phiên chợ Giát, có những chi tiết, những hình ảnh khiến người đọc nghĩ ngợi về thân phận con người (nói chung). Nhưng toàn bộ truyện là một giả thuyết về bản chất và số phận của người nông dân. Truyện Phiên chợ Giát là một tác phẩm có tính vấn đề (problématique), không phải với ý nghĩa là nêu vấn đề và giải quyết vấn đề mà với ý nghĩa như Kant hiểu từ này: nêu vấn đề và làm sáng tỏ cốt lõi của vấn đề. Độc giả sẽ tiếp tục xác định cốt lõi của vấn đề và tự mình sẽ phán đoán phương hướng, đường lối giải quyết vấn đề. Không đưa ra cách giải quyết vấn đề chưa hẳn là tác giả bị “bế tắc”, có thể là do tác giả khiêm tốn, tác giả tin ở độc giả, vả chăng bất kỳ cách giải quyết cụ thể nào cũng bị hạn chế về không gian và thời gian; đúng với hoàn cảnh này, không đúng với hoàn cảnh khác, thích hợp ngày hôm nay, rất có thể mai là lỗi thời. Nguyễn Minh Châu rất tin người nông dân : “Mặt đất tối thui, tối mò”, nhưng bằng bản năng và giác quan nông dân, bằng kinh nghiệm và thói quen nhiều đời nông dân, lão Khúng vẫn dò được đường, lần ra lối để đi trong đêm.

 

Sách “Văn học – Học văn”, Trường Cao đẳng Sư phạm TP Hồ Chí Minh và Trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội xuất bản, 1990, tr. 115-120.

Comments are closed.