Đọc Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu

Đỗ Đức Hiểu

Phiên chợ Giát là một tâm trạng lớn, là những cảm xúc và suy tư sâu thẳm, một văn bản đa thanh, một tác phẩm văn chương mở, một bức tranh lạ lùng, gợi nhớ Biến dạng của Cap-ca (ông Khúng hóa thân thành con bò), Ngày cuối cùng của một người bị kết án của Huy-gô (ngày cuối cùng của con bò bị mang ra chợ bán làm thịt), hoặc Người ở tầng hầm của Đôxtôi- epski (với những lời bộc bạch, hồi tưởng, đối thoại nội tâm của ông Khúng), hoặc Ông già và biển cả của Hê-minh-uê (truyện là một độc thoại triền miên, là một cuộc đời, lịch sử một thời đại) – tức là phiên chợ Giát có tầm cỡ lớn. Nó là một chấn thương nhức nhối, một bức tranh với bao cảnh hoang vu, với nhiều mảng tối và những chấm đỏ màu máu – một bức tranh nhiều nét nhòe, nét này thâm nhập nét kia, gây nhiều ảo ảnh, một sự thẩm thấu giữa hiện tại và quá khứ, giữa giấc mơ và sự thật, cái trừu tượng, độc thoại, đối thoại và lời người kể chuyện, giữa nhẫn nhục và tự do, những nét bút dữ dằn và thương yêu hòa quyện với nhau, xen lẫn nhau gây những cảm giác dằn vặt: những cấu trúc đan chéo, chồng chất lên nhau biểu đạt những cuộc chia ly nhọc nhằn, đau xót bằng những câu văn dồn nén, đứt nối, hối hả, gai góc, nhiều dấu hỏi, nhiều dấu than, khi đột ngột cắt đứt, khi kéo dài nửa trang êm ả. Ở cái buổi sáng “chia ly” trọng đại này, cái đầu ông Khúng “chứa muôn vàn điều bực bõ, cái bầy ý tưởng rối rắm, tăm tối, lại hay trái ngược nhau, lại dầy gai ngạnh, như nhiều đàn bò của nhiều nhà, tự nhiên đem nhốt chung vào một chuồng và, suốt đêm, chúng nó húc nhau, rượt đuổi nhau ở trong ngăn chuồng quá đỗi chật hẹp là cái đầu của lão” (tr. 127 – 128). Nghệ thuật xây dựng truyện phiên chợ Giát, chủ yếu là cái pha màu, cái pha trộn của các tâm trạng đối nghịch, là sự thâm nhập lẫn nhau của các chi tiết, là cái nét nhòe, cái mơ hồ, cái không xác định của các cấu trúc hình tượng.

“Nét nhòe” này được thể hiện trước hết ở nghệ thuật kể chuyện. Chỉ là câu chuyện Khúng đi chợ bán con bò già cho người làm thịt ở chợ Cầu Giát, chỉ là cuộc “hành trình” từ nhà đến phố chợ, từ khi ông thức dậy lúc hai, ba giờ sáng, đến khoảng bảy giờ. Một quãng đường, năm tiếng đồng hồ, song cuộc hành trình này dày thêm, thêm mãi với những hồi tưởng, những quãng đời ông sống lại, những khổ đau, nhọc nhằn, những phi lý, những đọa đày, lừa đảo, cái sống và cái chết, và nhiều nước mắt. Bốn mạch truyện (ông Khúng thức giấc; ông dắt con bò khoang đen đi trong tối mịt mù; ông và con bò tiếp tục đi dưới ánh sao; và, cuối cùng, trời sáng, ông đến phố chợ), mỗi mạch bị chia cắt, dừng lại, ở những liên tưởng, những ký ức bừng bừng sống dậy, hoạt động, ăn nói, với những hương vị, tiếng cười, tiếng khóc, với cái nhìn từ khắp phía: cái nhìn của hiện tại, cái nhìn của quá khứ, cái nhìn từ hiện tại về quá khứ, về tương lai. Mạch truyện thứ nhất – chiều dày của lịch sử một đời người: ông Khúng từ miền biển lên khai phá khoảng rừng này, “tưới cạn kiệt mồ hôi cho mảnh đất”. Mạch truyện thứ hai dừng lại rất lâu ở cái chết oan khuất của Dũng, đứa con thứ hai, trên đất Cam-pu-chia xa tít mù tắp, chỉ còn lại cái ba-lô “bẩn thỉu, rách rưới, y như cái đẫy của đứa ăn mày”. Mạch truyện thứ ba dành cho hồi ức về lịch sử ông bí thư huyện, “nhà lãnh đạo huênh hoang, phiêu lưu, phá hoại, với bàn tay chém vào không khí, như bàn tay các lãnh tụ trên lễ đài”. Mạch thứ tư bị cắt bởi một giấc mơ khủng khiếp, ông Khúng hóa thành con bò Khoang Đen, bị đánh vào sọ bằng búa tạ, “máu me đầm đìa”; kết thúc, ông Khúng thả con Khoang Đen vào rừng, trả tự do cho nó, nhưng nó trở về với ông, “nhẫn nhục và sầu não”.

Tiếng người kể chuyện nhòe với độc thoại của nhân vật; độc thoại của nhân vật nhòe với đối thoại với con bò, với người đọc, với số phận, với lịch sử, với người vô danh hay cái tuyệt đối, trở thành một dàn nhạc nhiều bè, lắm khi lộn xộn, càng thêm nhức nhối, mập mờ như số phận của ông Khúng, của chúng ta. Người đọc như ngạt thở, như quay cuồng và bị dồn ép trong một vòng khép kín: một kiếp người nhọc nhằn, tủi nhục, mất mát tất cả, để cuối cùng chỉ còn thấy xung quanh một màu máu đỏ, “cái màu đỏ ối của thi thể những con vật kéo cày”.

Đời ông Khúng là đời một con bò. Không phải một so sánh: ông đích thực là bò, ông hóa thân thành con Khoang Đen; ông là nửa người nửa bò. Cũng không phải một giấc mơ. Ông hóa thân thành con bò hay bò hóa thân thành ông, không thể nào phân biệt nổi ranh giới. Đó là nét nhòe khác của bút pháp Nguyễn Minh Châu. Ông Khúng hít hít đứa con nhỏ của ông và “cảm thấy từ mái tóc và hơi thở của nó phả ra mùi của các loài cỏ tươi non, của đồng nội vừa đắng vừa ngọt, của mùi đất rừng hoang xa xưa” (tr.137). Ở thế kỷ XX, hóa thân là một mô-típ được một số nhà văn sử dụng. Với Cap-ca (Biến dạng), với I-ô-ne-xcô (Tê giác) hóa thân là biểu trưng của tha hóa. Với Nguyễn Minh Châu, hóa thân chính là thân phận con người: nó sống giữa hoang vu, trong bóng tối. Biết bao cảnh “hoang vu”, “nguyên thủy”, “hoang dã”, “rừng hoang” trong truyện của Nguyễn Minh Châu: “ông Khúng sống trong sự vây bọc tưởng không bao giờ thoát ra nổi của hoang vu” (tr. 136). Và những mảng tối tràn ngập: “đêm tối và sâu”, “đất sâu hun hút và tối tăm”, “bóng tối của âm ty”, “thế giới bao la giữa đêm tối thui, sâu thẳm”, ông Khúng và con bò “đi giữa đêm tối thui, giữa bóng tối dày đặc” v.v… chút ít ánh sáng của các ngôi sao, “cơ man nào là sao”, các ngôi sao thảm hại thi nhau nhấp nháy, “đang toát mồ hôi hột để rặn ra ánh sáng như đàn bà rặn đẻ”, mà mặt đất vẫn “tối thui như hũ nút, tối thui tối mù” (tr.152). Ông Khúng cảm thấy rờn rợn như ngày xưa trong cảnh âm u của rừng rú, song bây giờ, với phong trào đại cơ khí hóa nông nghiệp rùm beng của lão Bời, “con người ta sợ nhau nhiều hơn là sợ beo trăn, cọp hổ” (tr. 137).

Cuộc hành trình bên trong của ông Khúng thật nhọc mệt. Vẫn bằng nghệ thuật pha trộn những nét trắng đen nhòe lẫn vào nhau, đậm nhạt hòa lẫn, khó xác định đường viền, nhà văn Nguyễn Minh Châu gây cho người đọc những cảm xúc thương yêu và oán hận chen chúc nhau dày đặc, sâu thẳm: chất thơ và cái bạo tàn, mê đắm và cái độc ác xen kẽ, tiếp nối nhau, rượt đuổi nhau, tạo nên những xoáy cuốn, người đọc chập chờn sợ hãi và hy vọng. Mỗi khi một khuôn mặt người trong gia đình ông Khúng xuất hiện, tình cảm mặn nồng lan tỏa. Đó là bà Huệ, vợ ông Khúng, lặng lẽ “thết con bò một bữa tiệc” (chậu cháo nếp thơm ngon) trước khi nó “lên đoạn đầu đài”, lặng lẽ đơm đĩa xôi cúng đứa con trai chết trận: cái bóng lặng lẽ của bà Huệ (trước kia bà đã làm bao người đàn ông phân tâm, ngơ ngẩn), là biểu tượng của cuộc đời người phụ nữ chìm sâu trong âm u dày thẳm. Đó là con bé Nghiên, chín tuổi, cả cơ thể nồng nàn hơi cỏ và rừng hoang, dậy từ nửa đêm để vĩnh biệt bò Khoang, gục đầu vào ngực bố mà khóc; là con bé Lê đa cảm, đập đầu vào thân cây vối, kêu lên mấy tiếng: “Bố ơi, anh Dũng chết rồi”, lời báo tử làm cả nhà sụp đổ. Đó còn là hai con chó, Mực và Vàng, quấn quýt dưới chân bò Khoang, rồi tiễn đưa bò một quãng xa. Tình thương yêu thắm thiết gắn bó những con người và những con vật đã cùng nhau khai phá đất rừng từ thời xưa, tưởng như từ thời hồng hoang, “thời kỳ mới có loài người”, tình thương yêu ấy là mạch sống của truyện. Phiên chợ Giát có tầm cỡ lớn, gợi nhớ lịch sử loài người, anh hùng, sáng tạo và vô cùng cơ cực. Tình thương yêu ấy nâng cao tầm vóc con người.

Xen lẫn “lịch sử tình thương yêu” ấy là hai cú sốc, hai tai biến làm tan nát gia đình người nông dân làm lụng và sáng tạo. Mạch thứ hai dành hầu hết các trang viết cho hồi ức về cái chết của Dũng ở “cái nước Cam-pu-chia lạ lẫm” và xa tít mù tắp, “trong một khu rừng gần Thái Lan”. Nhà văn mở đầu hồi ức của ông Khúng bằng linh cảm của con bò và, trong suốt câu chuyện, sử dụng một bút pháp của sự tĩnh lặng, tuyệt đối tĩnh lặng của “đêm sâu”, đôi khi bị cắt đứt bởi những nhịp mạnh bất ngờ và đôi khi câu văn như xiêu vẹo với những nhịp ngắn, chênh vênh “cái chết đổ ập xuống”, “guồng máy lao động chợt gẫy vụn”, “một cái gì bỗng sụp đổ” v.v…, nó dằn dữ và khắc nghiệt, nó biểu đạt nỗi đau không thể gượng dậy. Cái bóng lặng lẽ của bà Huệ, ngất đi tỉnh lại, ông Khúng như hôn mê: “ông kêu lên một tiếng rồi im bặt”. Không ở đâu như mạch truyện này, Nguyễn Minh Châu sử dụng nhiều giọng nói như thế: người kể chuyện, ông Khúng nói với mình, nói với bò Khoang, với Dũng ngày hôm nay, với Dũng ngày còn sống: “Con ơi, giá những ngày con còn sống… Uống đi con…”; và những tiếng khóc. Truyện vốn đã đầy bóng tối, càng thêm tối. Một trong nhiều cách nhìn về chiến tranh trên đất nước người.

Nguyễn Minh Châu dành hầu hết mười bốn trang của mạch truyện thứ ba cho hồi ức về công cuộc hợp tác hóa nông thôn của lão Bời, chủ tịch, rồi bí thư huyện, xuất thân từ gã buôn bò, “người lãnh tụ” luôn luôn làm những công chuyện vĩ đại, “người thực thi mọi ý đồ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nông thôn các cấp ở trên cao” (tr.154). Báo và đài đưa lão lên mây xanh. Lão Bời thích làm những chuyện vĩ đại, lão khuấy đảo tất cả, bất chấp tất cả, lão luôn mồm nói “hai con đường”, “con người mới xã hội chủ nghĩa” (tr.161); lão “biến thành sự thật nhãn tiền” lời của Mác về đại công trường thủ công; lão huy động cả huyện, kèn trống ầm ĩ, cờ quạt rợp trời, lên công trường, công bố những năng suất kỷ lục. Rồi lão Bời bày một cuộc hội quân vĩ đại về sức kéo; trâu bò “từ mọi xó xỉnh trong cả huyện” nườm nượp kéo về dự hội. Rồi lão Bời “ba cùng” với gia đình ông Khúng; tiếng tăm lão lừng lẫy. Lão Bời sống trong hoang tưởng. Ở mạch truyện thứ ba này nhà văn sử dụng ngòi bút châm biếm sắc bén; cái cười được xây dựng bằng những mâu thuẫn giữa phong cách cao và phong cách thấp xen lẫn nhau, bằng những kết thúc ngắn, đột ngột. Nhà văn để nhiều trang “ca ngợi”, những việc “vĩ đại” của “nhà cách mạng” với trống rong cờ mở, và: “Ôi khủng khiếp quá, lão Bời đã xóa sạch tên các làng xóm; đền chùa miếu mạo bị dẹp đi và không biết lão lôi ở đâu về mà nhiều máy móc đến thế, máy móc bò trên đường, dưới ruộng như cua, trâu bò tưởng đã trở thành kẻ thất nghiệp” (tr.153). Đánh giá tất cả những cái vĩ đại ấy, ông Khúng bảo lão Bời: “Toàn một lũ ăn cắp”. Công cuộc mị dân, “nói theo chữ chính trị là ba cùng”, làm náo động cả tỉnh; ai biết đâu con bò Khoang Đen đã bực bội “chơi cho vị chủ tịch huyện một phát đá hậu vào giữa bụng, khiến cho ông ta ngã bổ nhào, úp cả khuôn mặt phương phi vào giữa đám ruộng” và “thằng Dũng nhăn răng ra mà cười hềnh hệch”. Kết thúc câu chuyện leo thang quyền lực này, là một bài học luân lý: “Đừng có bao giờ cười cợt chế nhạo cấp trên”.

Hai hồi ức trên (Cam-pu-chia và hợp tác hóa) chiếm gần một nửa số trang của truyện ngắn, hai “hiện thực”, (như ta quen nói) của cuộc sống, hai tai biến làm suy sụp cuộc đời ông Khúng. Bây giờ, ông ngẩn ngơ, ông khóc, nhiều lần ông nghĩ đến cái chết. Khủng khiếp làm sao, ông nhận thức được cuộc đời ông là cuộc đời con bò Khoang, từ một “ả gái tơ” óng mượt với bộ cánh đen thật quyến rũ, từ một “Tây Thi” kiều diễm, đến nay bò Khoang chỉ còn là một “mụ già hom hem”, “già lão”, bị mang ra chợ bán làm thịt. Máu đỏ lòm trên con đường số Một xuống chợ Giát. Biến diễn của truyện từ màu tối, màu đen, đến màu đỏ, màu máu ở cuốn truyện trong cuộc hành trình từ nhà đến chợ, biểu trưng cuộc hành trình khổ ải của một kiếp người, của nhận thức về cuộc sống, con người và sự tự nhận thức. Cuộc hành trình gồ ghề, với những dốc và nhiều âm u, nhiều nước mắt. Miêu tả cuộc hành trình bên trong tâm linh con người, bằng nhiều bút pháp, cái tĩnh lặng và cái nổ bùng, chất thơ và cái dữ dằn, ảo giác và cái thực, và bao giờ cũng dồn nén, chứa đựng nhiều tầng lớp ý nghĩa: những bút pháp này hòa lẫn nhau, chồng chéo lên nhau, tạo nên một bức tranh nhiều sương mù; mỗi lần đọc lại, có thể tìm thấy những ý nghĩa mới, chìm dưới “tảng băng trôi” (Hê-minh-uê).

Phiên chợ Giát là một truyện mở; từ cái lô-gích của ngôn ngữ trên bề mặt, truyện đi đến ngôn ngữ thứ hai, ngôn ngữ biểu tượng, xiên vẹo, với những ảo giác, những cơn sốt, những nghịch lý, – tức là một thế giới quyện nhòe của hư và thực, đó là những ký hiệu riêng của Nguyễn Minh Châu trong truyện ngắn này. Truyện không khép kín ở một nghĩa nào; nó mở cửa cho mỗi nhóm người đọc một chân trời; người đọc tham dự vào văn học, người đọc là người sáng tạo có nghĩa là như vậy. Truyện có nhiều âm vang trong mỗi nhóm người đọc; nó gợi mở nhiều cảm xúc, nhiều suy tưởng. Sự hóa thân người/bò của ông Khúng/Khoang Đen, sự phân đôi nhân cách ấy, sự kết hợp hai ý thức người/vật ấy, là bi kịch của nhân vật, của thời đại. Sự quan sát xã hội di chuyển vào sự quan sát nội tâm, tạo nên một tâm lý vận động, đó là một phương diện, nghệ thuật của truyện ngắn phiên chợ Giát. Văn bản di động trên nhiều bình diện, ngôn ngữ, hình tượng, xã hội, tâm lý, thời gian, quá vãng và hiện tại, lịch sử và tưởng tượng.

Vĩnh biệt chúng ta, nhà văn Nguyễn Minh Châu để lại một di chúc nghệ thuật, hòa quyện máu và nước mắt cả cuộc đời anh, nhắn nhủ người đọc hãy nhận thức thế giới và nhận thức bản thân mình để thoát khỏi kiếp bò Khoang nhẫn nhục, và tiếp cận con người tự do.

ĐỖ ĐỨC HIỂU

Đọc Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu

Tuần báo “Văn nghệ”, Hà Nội, 1990, S.7 (ngày 17-2).

Comments are closed.