Đọc trường ca Bầy Chim Di Trú của Nguyễn Đức Tùng

Đặng Thơ Thơ

image

 

Thanh gươm của chúng ta không phải là gươm
Chỉ là lời nói thật

Đã đóng hồ sơ ngăn nắp gói kỹ càng trong giấy
báo, bọc ni lông
Để trong két sắt
Để yên lòng thế hệ mai sau
Tài sản cha ông, cháu con giữ lấy
Từ đêm tối đến bình minh
Hết tháng chạp trời rét căm căm đến tháng năm
mùa sen trẩy hội
Tổ quốc gọi thì đi
Đâu biết cái gì là tổ quốc
Thời đại những kẻ lừa đảo đi đầy đường
Đại bác của lòng tham gầm vang trong biệt thự
Trong tiếng thì thào
Bên gối
Chúng ta nói quá nhiều về biển đảo, núi sông,
rừng vàng biển bạc
Nói quá nhiều về tình yêu bảng đen phấn trắng
Về thánh Gióng, vua Hùng
Riết rồi thành bọn nói dối như nhau
Thờ cúng chính mình
Thấy hương hoa chân dung trên bàn thờ mà
tưởng thật
Đi lầm đường trật lất cứ tưởng sắp về nhà

(trích Bài Thơ Đồng Tâm)

Trong tuyển tập trường ca Bầy Chim Di Trú (BCDT) của Nguyễn Đức Tùng, Bài Thơ Đồng Tâm, theo tôi là bài buồn thảm và tuyệt vọng nhất trong toàn tập.
Chúng ta vẫn thường cho rằng chủ đề chính của thơ là cảm xúc của nhà thơ. Thi ca trong cách nhìn chung thuộc phạm trù cảm xúc, cảm giác và những hình ảnh lãng mạn. Cái tôi của nhà thơ phóng chiếu lên thế giới, và thế giới lọc qua lăng kính của cá nhân.
Trường Ca có khác.
Trường ca của Nguyễn Đức Tùng vẫn xây dựng từ những hình ảnh và biến cố của thực tế, nhưng phần lớn đã được ẩn dụ hóa, những yếu tố như tự sự và miêu tả đã mang tính tượng trưng và phổ quát, để thể hiện những điều lớn hơn sức chứa của một cuộc đời – ở đây là nhà thơ- tác giả. Viết trường ca để mở rộng ra một cộng đồng, những nỗi đau ngoài kinh nghiệm của bản thân, của một dân tộc, của một lịch sử.
Xét về cấu trúc, Bầy Chim Di Trú gồm bảy bài thơ dài kết hợp lại trong chủ đề chống chiến tranh. chống thù hận, chống cái ác đang liên kết với nhau thành một thế lực đe dọa nhân loại. Điều nối kết bảy bài thơ là hình ảnh và tiếng nói của một con người đi băng qua mặt đất, mang trong tâm tư những hồi ức về một quá khứ êm đềm, và nhờ ánh sáng của hồi ức đó soi đường cho những ước vọng, phương hướng, và hành động. Bảy bài thơ đi chung với nhau tạo thành một trường ca theo kiến trúc riêng của nhà thơ, trong đó các bài hỗ tương nhau về mặt ý nghĩa, hoặc khai triển trên nền suy tưởng, hình ảnh và vọng âm của những bài đi trước, và dẫn đến những bài sau như một hệ quả của tư duy, cảm xúc, và thời cuộc.
Trường ca BCDT mở đầu bằng Bài Thơ Tháng Tư, rồi Bài Thơ Đồng Tâm, mở rộng sang Bài Thơ Afghanistan như vết dao cứa vào vết thương Việt Nam chưa lành, Bài Tiễn Biệt Thi Sĩ, Một Bông Hồng Cho Phạm Đoan Trang, chuyển sang Bài Thơ Chiến Tranh (viết cho Ukraine), và Bài Thơ Vũ Hán. Khởi đi từ kinh nghiệm của một dân tộc (Việt Nam), nhà thơ đã liên kết với những dân tộc khác cùng chung một số phận lịch sử, và mở ra cộng đồng nhân loại toàn cầu.
Trường ca BCDT, vì vậy là một phản ứng chính trị, là sự đối kháng lại, của lương tâm con người, trước sự thù hận, lòng tham lam vô độ, chủ nghĩa quốc gia mù quáng, sự yếu hèn của con người trước bạo quyền, và sự thờ ơ hoặc bán rẻ lương tâm trước những thống khổ của đồng loại.

Những kẻ mua lương tâm
Chúng không mua một lần
Chúng ngã giá từng phân một
Rỉ rả, hôm này qua hôm khác
Bán nhiều ít không ai biết
Ngay cả chúng cũng không biết
Trí thức chúng ta bán rẻ vì tiền
Bán rẻ vì danh vọng
Bán rẻ vì vợ con
Bán rẻ vì trăm thứ hầm bà lằng
Nhưng quan trọng nhất là bán rẻ vì sợ hãi
Và suốt đời chỉ có một công việc
Là tìm cách chống chế

(trích Bài Thơ Chiến Tranh)

Trường ca BCDT là tuyên ngôn thơ mang tính chính trị, đã bước ra khỏi truyền thống trường ca tiêu biểu như Iliad và Odyssey của Hy Lạp, trường ca Aeneid của Virgil, trường ca Đăm Săn của dân tộc Ê-đê, và những tác phẩm khác ca ngợi chinh nhân và gắn hào quang huyền thoại lên những mẫu anh hùng dân tộc. Trường ca BCDT cũng không nằm trong truyền thống sử thi dân gian như Đẻ Đất Đẻ Nước của người Mường, hay dòng trường ca Việt trong nước hiện nay, phần lớn mang yếu tố lãng mạn và hình thức tụng ca ít nhiều bị chi phối của chủ nghĩa dân tộc. Trường ca của Nguyễn Đức Tùng, pha một phần Sử Thi hiện đại, và đưa ra những mẫu anh hùng mới, xa lạ với kiểu anh hùng dân tộc trong chính sử. Những mẫu anh hùng trong Trường Ca Bầy Chim Di Trú bây giờ là những tù nhân lương tâm, nhà hoạt động dân chủ Phạm Đoan Trang, là cụ Lê Đình Kình và những người dân ở Đồng Tâm, là những người dân Ukraine yêu nước, những người dân lành ở Afghanistan, những người đã chết cho những người khác sống. Anh hùng bây giờ là một tập thể bị vùi dập đau khổ. Anh hùng là kẻ yếu thế nhưng dám lên tiếng và hành động cho lẽ phải. Anh hùng có thể chết nhưng không khuất phục trước kẻ bạo tàn:

Khi chúng nổ súng bắn vào ngực cụ Lê Đình Kình
Ba giờ sáng, trước bình minh
Bắn vào trái tim Việt Nam
Ruộng đồng Việt Nam chảy máu
Máu không chảy ngoài đường
Anh đừng mời nhân loại đến xem
Chúng tôi làm gì sang trọng thế
Như trong thơ Pablo Neruda
Đọc ra rả trên quảng trường
Trong các liên hoan thơ Á Mỹ Âu này nọ
Không có đâu
Máu chảy khi chúng tôi cầu nguyện
Trong góc nhà
Nơi người mẹ cho con bú
Nơi người già đang ngủ
Máu chảy trên giường

(trích Bài Thơ Đồng Tâm)

Trường ca BCDT đặt lại câu hỏi: chúng ta chọn sống như thế nào trong thời đại ngày hôm nay, khi khái niệm anh hùng đã thay đổi và nhân loại chưa xong cuộc chiến với quá khứ, đã phải đối mặt với những kẻ thù mới đang xuất hiện. Chúng ta làm gì, đứng về phía nào, và chọn cuộc chiến nào? Trước tiên, chúng ta không thể thụ động, vì

Một nhân loại chỉ biết cầu may và hy vọng
Một nhân loại không thể hành động
Là một nhân loại sụp đổ
Các nhà độc tài vui mừng chìa tay ra, chúng sắp
bá vai nhau, nâng cốc

(trích Bài Thơ Afghanistan)

Những cuộc chiến trong trường ca BCDT là chiến tranh chống những thế lực đen tối đang thỏa hiệp, chiến tranh bằng bom đạn, chiến tranh với vũ khí sinh học, chiến tranh với mầm bệnh trong mỗi con người, những đột biến tâm sinh lý nơi loài người đã góp phần làm nảy sinh đại dịch (như một giả định trong Bài Thơ Vũ Hán); chiến tranh chống lại cái ác, tham vọng và sự phi nhân tính (rõ nhất trong Bài Thơ Đồng Tâm, Bài Thơ Chiến Tranh); chiến tranh chống lại sự sợ hãi trong mỗi người chúng ta (Một Bông Hồng Cho Phạm Đoan Trang), chiến tranh chống lại sự thờ ơ ích kỷ (Bài Thơ Afghanistan). Đây trở thành cuộc chiến chung của nhân loại để ngăn chặn lịch sử không tái diễn những vở kịch 30 tháng 4, những thế chiến, những cuộc xâm lăng nhân danh lòng yêu nước. Đây là cuộc chiến để bảo vệ linh hồn một dân tộc, bảo vệ ngôn ngữ, tập tục, văn chương, văn hóa, lịch sử của họ (qua Bài Thơ Ukraine) và những cuộc chiến nối đuôi nhau tàn phá Trái Đất, hủy hoại nhân tính, và dập tắt niềm tin vào con người.
Những cuộc chiến luôn chống một điều gì để bảo vệ một điều gì, nên những cuộc chiến không vô nghĩa và sự hy sinh không uổng phí.
Người đọc trường ca, đi qua từng chặng thơ dài, có cảm giác chết đi và sống lại nhiều lần, tùy theo cách nhà thơ đương đầu với cảm xúc tại từng chặng đường. Người đọc tự hỏi, điều đã thôi thúc nhà thơ viết Trường Ca, giờ đưa anh đến đâu? Nhà thơ chọn dừng lại ở điểm nào? Có một lối thoát nào cho những cảm xúc này chăng?
Rải đều trong những bài thơ đau thương của Nguyễn Đức Tùng, thỉnh thoảng, bất chợt, có hình ảnh hay dấu chỉ của một thế giới lý tưởng: trời xanh, mái nhà êm ấm, mùi hương cũ, câu hát cũ, một bàn tay để nắm, tiếng gió và mùa màng đi qua hàng cây quê nhà−bất cứ quê nhà nào. Chính những hoài niệm này làm người đọc muốn khóc, vì nó còn đau gấp mấy lần những đoạn thơ có máu chảy và tội ác. Vì sao? Chúng nói lên một điều không thể dập tắt nơi con người, là ước vọng tìm đến, tìm về những gì tốt đẹp- mà chúng ta biết chắc là tốt đẹp. Điều này khiến chúng ta yên lòng. Ước vọng sống bình thường an nhiên này không có gì cao cả nhưng nó là của con người, và con người hiểu được.

Làng quê lên đèn, đom đóm bay, thời gian quay
đầu
Cây nêu thời gian mọc cao hơn sương mù
Người chết trở về đi qua cánh đồng, đang rảo
bước
Về phía chúng ta.

(trích Bài Thơ Đồng Tâm)

Một loạt những chuyển động trong cảnh tượng, của sinh vật, của cây cỏ, của biểu tượng, của linh hồn… đang ùa về phía chúng ta, dưới cái nhìn ngoái lại của thời gian. Trường ca của Nguyễn Đức Tùng vì vậy không có điểm ngừng, vì tiếp theo sự sống sót, ước vọng, là tái tạo là xây dựng lại. Nhân loại đã như vậy từ bao nhiêu ngàn năm qua. Sau những bài thơ chiến tranh sẽ là bài thơ khác về tự do. Sự đi tới không ngừng nằm trong tựa đề “bầy chim di trú”. Những cánh chim là biểu tượng tự do không biên giới.
Toàn tập, tuy đối mặt với sự hủy diệt, cái ác, lòng hận thù; vẫn hướng đến một chủ đề rộng mở về khả năng vượt thoát của tâm hồn, của con người, khi con người trở về và tìm ra giải đáp trong thiên nhiên, nhập vào thiên nhiên.
Tôi thích những câu thơ gần kết của bài thơ cuối trong tập BCDT:

Trong nỗi buồn đau của chúng ta có một cánh rừng
Không có một loài cây nào sống sót
Nếu chúng ta không mang những mùa hoa hiu hắt trở lại
Thì chúng ta sẽ mang sợ hãi.
Chúng ta giã từ sợ hãi, mở cửa đi ra ngoài.

(trích Bài Thơ Vũ Hán)

Nếu đã chọn một cuộc chiến thì không được sợ hãi. Sự can đảm là đức tính khó nhất trong mọi đức tính cần thiết. Mọi đức tính đều cần được thử thách qua dũng khí. Không có can đảm, thiếu dũng khí thì mọi đức tính cũng không đi đến đâu, và mọi nghĩa cử cũng chỉ nửa vời.

Gấp tập thơ lại, có những câu đã in vào đầu tôi:

Định nghĩa một cuộc chiến tranh cũng khó như
định nghĩa một câu thơ.


Hãy tự sát nếu bạn chính là bạn
Nhưng bạn không bao giờ biết mình là ai.


Chiến tranh là một cuốn tiểu thuyết không có hồi
kết.
Hồi kết của nó nằm ở một cuốn tiểu thuyết khác
(trích Bài Thơ Chiến Tranh)

Ở trên, tôi đã đặt câu hỏi: điểm dừng của nhà thơ ở đâu?
Con đường của nhà thơ thì không ngừng. Con đường đi tìm mình là ai, không thể ngừng, vì ngừng là tự sát.
Còn điểm dừng của bầy chim di trú ở đâu?
Không gì có thể cầm chân loài có cánh. Biên giới không nghĩa lý gì với những sinh vật không phải loài người
Trường ca BCDT cũng không có kết, hoặc kết ở một tập trường ca khác. Mong là vậy.

image

Đặng Thơ Thơ

Nguồn: https://damau.org/97025/doc-truong-ca-bay-chim-di-tr-cua-nguyen-duc-tng

Comments are closed.