Hành động phục hồi: Truyện tranh của cộng đồng di dân Việt Nam

Sheila Ngoc Pham, Diasporic Vietnamese Artists Network 26 tháng 11 năm 2018

Augustina dịch

Sheila Ngoc Pham đưa ra cái nhìn toàn diện về tiểu thuyết hình ảnh (graphic novel) của các họa sĩ truyện tranh/ người viết hồi ký di dân Việt Nam từ các quốc gia khác nhau – Thi Bui và GB Tran ở Mỹ, Clement Baloup và Marcelino Truong ở Pháp, và Matt Huynh ở Úc.

Trong buổi sáng chúng tôi đi dạo quanh chân núi Uluru ở miền trung nước Úc, hướng dẫn viên chỉ vào những hình vẽ vẫn còn hiện rõ trên những bức tường mênh mông của nó – và khi chúng tôi nhìn vào những hình ảnh đó, tôi cảm thấy mình được đưa trở lại quá khứ sâu thẳm. Xét cho cùng, các hình vẽ đã được sử dụng từ thời xa xưa để giải trí và truyền đạt kiến thức, nghệ thuật trên đá của thổ dân là một trong những tác phẩm tiền thân sớm nhất của một hình thức hiện đại hơn vẫn tiếp tục phát triển: truyện tranh.

Truyện tranh kể từ đó đã trải qua nhiều lần lặp lại – gần đây nhất bao gồm cả “tiểu thuyết hình ảnh” – và vẫn tiếp tục phát huy sức mạnh cơ bản giống như những gì những người Úc đầu tiên, cũng như nhiều người khác theo thời gian, đã nắm giữ. Điều này cho thấy có gì đó cố hữu trong việc vẽ, bao gồm cả truyện tranh, phản ánh cách chúng ta tư duy. Đó là điều mà Art Spiegelman đã đề cập khi phát biểu trên The Big Interview: “Chúng tôi nghĩ bằng những cụm từ ngắn gọn và hình ảnh mạnh mẽ, hình ảnh có độ nét cao – những hình ảnh đó cần được hiểu và xử lý chứ không phải bị đè nén… Đó là một công cụ chẩn đoán tốt để xác định đâu là vấn đề”.

Nếu coi truyện tranh như một loại “công cụ chẩn đoán” thì thật thú vị khi xem xét tác phẩm của các nghệ sĩ Việt kiều và những gì có thể tiết lộ về căn bệnh của chúng ta. Những tác phẩm này là những đóng góp quan trọng cho sự phát triển điển hình của tác phẩm di dân Việt Nam, với truyện tranh nằm ngay giao điểm của cả văn học và nghệ thuật. Bộ sưu tập ngày càng tăng hiện có bằng tiếng Anh bao gồm: Vietnamerica (Mỹ Việt) của GB Tran (2010); Ma của Matt Huynh (2013); Such a Lovely Little War (Một cuộc chiến nhỏ đáng yêu như vậy) của Marcelino Truong (2016); The Best We Could Do (Điều tốt nhất ta có thể làm) của Thi Bui (2017); Saigon Calling (Sài Gòn vẫy gọi) của Marcelino Truong (2017), Vietnamese Memories: Leaving Saigon (Ký ức Việt Nam: Rời khỏi Sài Gòn) (2018) và Vietnamese Memories 2: Little Saigon (Ký ức Việt Nam 2: Little Saigon) của Clément Baloup (2018).

Truyện tranh như một hình thức kể chuyện ngày càng trở nên phức tạp, với những câu chuyện đa diện về lịch sử và căn tính ngày càng trở nên phổ biến. Tác phẩm của các nghệ sĩ Việt kiều này thể hiện những góc nhìn được rút ra từ nhiều lứa tuổi, tầng lớp và hoàn cảnh cá nhân khác nhau. Họ cùng nhau chỉ cho chúng ta vô số cách để chúng ta có thể đi vào lịch sử của chúng ta và chấp nhận cách chúng ta đã đến được nơi chúng ta đang ở như thế nào. Trong một tiểu luận của họa sĩ truyện tranh Pat Grant trong cuốn truyện tranh Blue của ông, ông nói chuyện với họa sĩ truyện tranh người Úc Shaun Tan, người tin rằng:

“Truyện tranh hầu như luôn nói về ký ức, về việc nhìn lại, về việc hiểu về quá khứ”.

Tran và Bui là người Mỹ gốc Việt và sách của họ tập trung vào lịch sử gia đình họ ở cả Việt Nam và Mỹ. Huynh là một người Úc gốc Việt hiện đang sống ở Hoa Kỳ, và tác phẩm Ma tập trung vào một gia đình trong trại tị nạn ngoài khơi Malaysia sau chiến tranh. Trong khi đó, hồi ký của Truong kể về quá trình lớn lên trong thập niên 60 và 70 ở Sài Gòn và London, cùng những nơi khác. Sách của ông ban đầu được xuất bản bằng tiếng Pháp với tựa đề Une si jolie petite guerre (2012) và Give Peace a Chance (2015). Baloup là một họa sĩ truyện tranh người Pháp, và giống như Truong, có cha là người Việt Nam. Ông tiết lộ một chút về lịch sử cá nhân này ngay từ đầu nhưng mặt khác lại chọn làm phóng sự về Việt kiều ở Pháp trong tập thứ nhất và Việt kiều ở Mỹ trong tập thứ hai. Hai cuốn sách đầu tiên của Baloup trong loạt sách đang phát hành của ông về cộng đồng di dân Việt Nam trên khắp thế giới được xuất bản bằng tiếng Pháp với tựa đề Quitter Sài Gòn, mémoires de Viet Kieu tome 1 (2013) và Little Sai Gon, mémoires de Viet Kieu tome 2 (2016).

Tất cả những tác phẩm này đều nói về thế kỷ đầy biến động của lịch sử Việt Nam và thế giới, những câu chuyện vừa bổ sung vừa chồng chéo lên nhau. Nó bắt đầu từ chính quyền thuộc địa Pháp và cuộc đấu tranh giành độc lập, cho đến cuộc sống trong chiến tranh và sau đó – khi chúng ta trở thành những người tị nạn, di cư, xuyên quốc gia, du khách. Một khía cạnh quan trọng được tìm thấy trong tất cả các cuốn sách là nỗ lực tiếp cận các bối cảnh chính trị và lịch sử rộng lớn hơn, những bối cảnh đã định hình trực tiếp cuộc sống của các cá nhân và gia đình họ. Mỗi tác phẩm đều cố gắng giải quyết những gì mà Bui đã mô tả trong lời nói đầu cuốn sách của mình là “vấn đề của việc kể chuyện là làm thế nào trình bày lịch sử theo cách nhân văn, dễ hiểu mà không đơn giản hóa quá mức”.

Hóa ra, đó là một vấn đề mà truyện tranh có thể giải quyết. Truyện tranh là một hình thức trong đó người kể chuyện có thể nhìn về phía trước và phía sau đồng thời trong khi sắp xếp các góc nhìn, quốc gia, lục địa và thời đại – tất cả, trong khi mô tả các sự kiện trong quá khứ vốn nhất thiết phải bị phân mảnh và được hồi tưởng một cách không hoàn hảo. Lịch sử dày dặn của chúng ta được ghép lại với nhau từ những câu chuyện lặp đi lặp lại, những phần nghe được, những cuộc trò chuyện, những điều bí ẩn, những đồ vật hiếm, những lời kể chính chủ và thứ cấp. Hòa giải với quá khứ là một cuộc đấu tranh khi chúng ta tồn tại quá xa tâm chấn, thường phải gánh trên vai gánh nặng về những hy sinh của gia đình. Đây là một trạng thái quen thuộc đối với nhiều người trong chúng ta khi chúng ta xem xét căn tính di dân của mình ở những khoảng cách gần và đấu tranh để xem nó như một tổng thể liền lạc. Một lý do cho điều này là những gì Tran viết trong Vietnamerica:

“Việc gia đình tôi không sẵn lòng chia sẻ những sự thật cơ bản nhất cũng đáng trách như sự thờ ơ và vô cảm của tôi trong hàng thập kỷ”.

Tuy nhiên, một cách tự nhiên, có sự tò mò, một phần do thách thức về việc làm thế nào thế hệ tiếp theo vốn được nuôi dưỡng như một phần của cộng đồng di dân có thể chen mình vào câu chuyện của thế hệ đầu tiên – thậm chí là tìm ra điểm chung. Bui giải thích rằng cô bắt đầu hành trình ghi lại lịch sử gia đình mình để “nhìn cha mẹ mình như những con người thật… và học cách yêu thương họ nhiều hơn”. Chúng ta cũng có thể đóng khung trải nghiệm của người tị nạn dưới dạng chấn thương giữa các thế hệ, đó là lý do tại sao Bui nhận thấy việc sáng tạo ra The Best We Could Do là “một hình thức trị liệu”.

clip_image002

Tranh trong ‘The Best We Could Do’ của Thi Bui

Đây chính là điểm mà truyện tranh người Mỹ gốc Việt nói riêng có những điểm tương đồng với tác phẩm như Maus của Art Spiegelman. Trong Maus, nhân vật trong câu chuyện, một phiên bản của chính Spiegelman, là một đứa con trai đang cố gắng hiểu trải nghiệm của cha mình về Holocaust. Các đường nối của quá trình sáng tạo được hiển thị đầy đủ cho người đọc và hành động ghi hồi ký của Spiegelman là một hành động tự nhận thức. Tương tự, câu chuyện của Bui và Tran bắt đầu từ cuộc sống trưởng thành của họ, đi sâu vào lịch sử gia đình và tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi.

Định hướng này là việc cần thiết đối với nhiều người trong chúng ta, đặc biệt nếu hoặc khi chúng ta có con riêng và cân nhắc xem chúng cần biết bao nhiêu về tổ tiên của mình. Bui là người rõ ràng nhất với mục tiêu này, bắt đầu cuốn sách của cô bằng những cảnh về sự ra đời của đứa con đầu lòng. Trong những khoảnh khắc mãnh liệt ban đầu đó, cô có được sự hiểu biết sâu sắc về mẹ và lịch sử gia đình mình.

*

Mỗi truyện tranh bao gồm vô số lựa chọn nghệ thuật không thể thực hiện cùng một lúc: độ dày của nét, chữ, vị trí của các khung từ trang này sang trang khác và phong cách vẽ. Huynh chọn màu đen trắng đơn sắc, những nét cọ đặc trưng của anh mang lại nhiều cảm xúc lớn lao. Còn của Bùi là một bảng màu hạn chế gồm các tông màu đen và màu rỉ sét [rust][1] và nguyên tắc màu sắc này góp phần tạo nên sự mạch lạc của câu chuyện. Trong khi đó, Truong dùng cách tiếp cận màu sắc cổ điển hơn của châu Âu, khiến các tác phẩm của anh mang một chất hoài niệm khá đẹp. Bảng màu nước của Baloup chuyển từ đơn sắc tối giản sang những khoảnh khắc đầy màu sắc, và cuốn sách của Tran là cuốn sách rực rỡ nhất trong việc sử dụng màu sắc.

Trái ngược hoàn toàn với bản chất đa tầng và toàn cảnh của những câu chuyện người Mỹ gốc Việt, tác phẩm của Huynh là một bức tranh cận cảnh thân mật, đi những bước nhỏ và chậm rãi, giống như đứa bé trong câu chuyện. Ma đề cập đến một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất về Chiến tranh Việt Nam: cuộc di cư hàng loạt bằng thuyền và các trại tị nạn trên khắp Đông Nam Á.

clip_image004

Tranh trong ‘Ma’ của Matt Huynh

Đây là những câu chuyện mà nhiều người trong chúng ta đã nghe đi nghe lại trong suốt thời thơ ấu của mình. Trong The Best We Could Do, Bui dành một phần câu chuyện kể về cuộc trốn thoát bằng thuyền và thời gian gia đình cô ở Pulau Besar; Huynh phóng to ngay chỗ đó, mô phỏng sự chờ đợi chậm rãi và bấp bênh ở trại tị nạn. Tuy nhiên, không giống như những truyện tranh khác, Ma là một tác phẩm mang tính ấn tượng và thơ mộng hơn là một cuốn hồi ký. Câu chuyện dựa trên trải nghiệm của gia đình ông ở Pulau Bidong trước khi ông được sinh ra, và tên của họ xuất hiện ở cuối cuốn sách. Trại tị nạn trên đảo ngoài khơi Malaysia cũng chính là nơi mà gia đình tôi đã đi qua cùng với ước tính khoảng một phần tư triệu người Việt Nam. Như Huynh giải thích với tạp chí Peril:

“Đây là một cuốn truyện tranh kể về những trải nghiệm được kể với giọng điệu trầm lặng, như một cách hiểu về cha mẹ tôi, cách tôi được nuôi dưỡng, những giá trị của tôi và kể chi tiết những sự kiện trước khi tôi ra đời. Và như vậy, ‘ma’ là một ý thức tích cực về một khoảng trống trong trí nhớ, trong hiểu biết, trong thời gian và không gian”.

Ma là một từ đa ngôn ngữ: trong tiếng Nhật nó có nghĩa là “khoảng nghỉ”, tức “khoảng trống” mà Huynh nói đến. Được phát âm với nhiều thanh điệu khác nhau trong tiếng Việt, nó vừa có nghĩa là ‘ma’ [ghost] vừa có nghĩa là ‘mẹ’. Ma đóng vai trò đại diện cho tất cả những người tị nạn và tác phẩm này cũng được tạo ra vào thời điểm đó như một phản ứng khẩn cấp đối với tình trạng mà Huynh đề cập đến, là “những người xin tị nạn và thuyền nhân gần đây bị biến thành quỷ dữ trong nền chính trị và truyền thông Úc”.

Trong tập hai, Little Sai Gon, của Baloup, ông giới thiệu với độc giả một người phụ nữ lớn tuổi xinh đẹp tên là Anh. Là cư dân của San Francisco, bà gặp Baloup ở San Jose, thành phố chính của Việt kiều ở Mỹ. Chúng tôi nhanh chóng phát hiện ra rằng Anh, giống như gia đình của Huỳnh và gia đình tôi, cũng ở lại Pulau Bidong một thời gian sau chiến tranh. Từng phần một, thời gian ở trại tị nạn của bà được mở ra, và mặc dù tôi đã nghe về Bidong từ rất lâu nhưng tôi vẫn chưa chuẩn bị kỹ cho câu chuyện gây sốc của bà. Lời kể tâm can và đau đớn về những trải nghiệm của bà trên hòn đảo khiến tất cả trở nên sống động hơn và hình ảnh hơn nhờ những hình vẽ.

Cùng với Anh, Baloup gặp gỡ nhiều người khác trong chuyến du lịch ở Mỹ – bao gồm cả người châu Á từ các cộng đồng di dân khác – và tác phẩm của ông thể hiện giá trị của phóng sự, vượt xa lịch sử cá nhân và bao gồm nhiều câu chuyện tạo nên diện mạo của cộng đồng di dân Việt Nam. Tuy nhiên, không có gợi ý nào cho thấy rằng diện mạo này là chung cục và nếu có thì ông cũng thể hiện một cách tinh tế rằng nó linh hoạt như thế nào. Trong lịch sử thế giới, chúng ta chưa quen với việc bị phân tán và Baloup khám phá cách chúng ta nhận thấy những ngôi nhà mới này tái tạo chúng ta. Như Antoine, một người bạn của Anh, nói:

“Chúng ta đang ở Mỹ đây! Vùng đất của cơ hội, vùng đất của những giấc mơ. Chúng ta phải tận hưởng nó… phải không?

Sách của Bui và Tran kể về cuộc đấu tranh giành độc lập từ tay người Pháp và dẫn đến cái mà ngày nay chúng ta gọi là Chiến tranh Việt Nam, nhưng cuốn Leaving Saigon của Baloup lại đề cập trực tiếp đến thời kỳ thuộc địa của Pháp. Qua phóng sự của ông, chúng ta biết về Việt kiều ở Pháp, những người đã đến đất nước này trong một thời gian dài chứ không chỉ đến ồ ạt với tư cách người tị nạn và người di cư được bảo trợ. Trong Leaving Saigon, những trang sử đầu tiên của giới Việt kiều đặc biệt hấp dẫn, bao gồm cả những phần lịch sử gần như bị lãng quên về những người Việt xuất khẩu lao động trong Thế chiến thứ hai, một minh họa rõ nét về ý nghĩa của việc trở thành một chủ thể thuộc địa của Pháp.

clip_image006

Tranh trong ‘Leaving Saigon’ của Clément Baloup

Một chương hấp dẫn khác của Leaving Saigon tập trung vào một khu vực của Pháp được gọi là Vietnam-sur-Lot hay ‘CAFI’. Trại được thành lập sau khi người Pháp di tản khỏi Đông Dương, được xây dựng trên đất quân sự. Có thời điểm, CAFI có tới 1300 Việt kiều, pha trộn nhiều sắc tộc, và câu chuyện sâu sắc của Baloup khám phá những nỗi buồn và hổ thẹn nơi địa điểm này, cũng như lịch sử phức tạp và vai trò đang diễn ra của nó trong cộng đồng. Dựa trên nhiều cuộc phỏng vấn được thực hiện, Baloup viết:

“Một số cư dân tìm cách bảo tồn lịch sử của họ, những người khác muốn quên nó đi”.

Hai cuốn truyện tranh của Truong có phần khác biệt so với những cuốn khác, đóng vai trò là những điểm tựa quan trọng. Trong một bài đánh giá trước đây trên diaCRITICS, nhà phê bình Nora A. Taylor nhận định rằng, “với những cuốn sách này, Truong không cho chúng ta nhiều bài học lịch sử mà hướng dẫn chúng ta suy ngẫm về những điểm giao nhau giữa lịch sử và ký ức”.

Sinh năm 1957, sách của Truong phần lớn được kể như những lời kể của nhân chứng, được củng cố bởi những bức thư chi tiết của mẹ ông và những cuộc trò chuyện gần đây hơn với người cha quá cố của ông. Cha của Truong là một nhà ngoại giao người Việt và ngay từ đầu trong cuốn sách đầu tiên, ông đã được gọi về từ Washington DC để phục vụ Tổng thống Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam. Chẳng bao lâu sau, cha ông có mối liên hệ trực tiếp với hoạt động nội bộ của chính phủ miền Nam Việt Nam.

Truong có một tuổi thơ đặc biệt và đi qua nhiều nước, một “đứa trẻ thuộc nền văn hóa thứ ba” rất lâu trước khi thuật ngữ này tồn tại. Mặc dù quá khứ thuộc địa của Pháp ở Việt Nam không được khám phá rõ ràng, nhưng đó là một cuộc xung đột cố hữu trong căn tính chủng tộc pha trộn của chính gia đình ông. Mẹ ông là người Pháp, phải vật lộn với cuộc sống ở Việt Nam thời chiến. Cuối cùng, bà bị chẩn đoán mắc chứng “rối loạn lưỡng cực” và sự phân cực của tình trạng đó chính là tiếng vọng của sự phân cực mà Truong nhìn thấy xung quanh ông.

clip_image008

Từ ‘Such a Pretty Little War’ của Marcelino Truong

Lớn lên ở phương Tây, Truong nhận thấy đây là thời điểm thuận lợi để trở thành một người được thúc đẩy bởi những khám phá cá nhân cũng như những bi kịch gia đình. Trong khi đó, chiến tranh đang nổ ra ở Việt Nam và có nhiều lúc ông cảm thấy thất vọng vì cách hiểu quá đơn giản của thế giới phương Tây mà đối với ông nghe giống như kiểu “Orwellian Newspeak”[2]. Tự sự của ông về giai đoạn lịch sử quan trọng này đặc biệt có giá trị vì cách nó mở rộng ý nghĩa của việc trở thành một phần của cộng đồng di dân, vốn hoàn toàn không phải là một nhóm nguyên khối[3].

Không phải tất cả người Việt Nam đều là người tị nạn, nhưng tất cả người Việt Nam đều bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, dù trực tiếp hay không.

*

Ở những nơi khác, người ta mô tả rằng truyện tranh đã nắm bắt được sự mâu thuẫn ngày càng tăng của Mỹ về Chiến tranh Việt Nam, vì vậy có vẻ phù hợp khi cộng đồng di dân Việt Nam hiện đang sử dụng hình thức tương tự để đưa ra những câu chuyện phản biện quan trọng. Rốt cuộc, những câu chuyện kể lại của người Mỹ về cuộc chiến đều bị giới hạn một cách có chủ ý trong phạm vi của chúng. Như để khắc phục điều này, một số truyện tranh bao gồm các tường thuật thực tế cụ thể về chiến tranh, trình bày chi tiết các sự kiện không có sự tham gia trực tiếp của người kể chuyện (và gia đình họ) nhưng rõ ràng dựa trên nghiên cứu lịch sử. Phải nói rằng, việc lựa chọn thực hiện những nghiên cứu như vậy bản thân nó đã là một thành tựu to lớn.

Vietnamerica có một cuốn sách trở đi trở lại và không có tác giả có tựa đề đơn giản là Chiến tranh Việt Nam mà Trần mang theo từ chuyến này đến chuyến khác… và không bao giờ đọc. Có một sự thật sâu sắc về điều này mà tôi đã nhận ra: ngay cả khi chúng ta có thể truy cập vào sách (bằng tiếng Anh), chúng ta có thể gặp khó khăn khi mở trang bìa ra vì đơn giản là nó quá gần quê nhà.

clip_image010

Từ ‘Vietnamerica’ của GB Tran

Một khía cạnh quan trọng khác cần lưu ý là những gì Lan Cao đã viết trong loạt bài Vietnam’67 cho tờ The New York Times. Như Cao phê bình trong bài viết “Việt Nam không chỉ là một cuộc chiến tranh Hoa Kỳ”, đề cập đến loạt phim tài liệu dài tập, The Vietnam War, của Ken Burns và Lynn Novick:

“Từ giọng điệu, không gian đến cách xử lý, tôi biết rằng người miền Nam Việt Nam là nhân vật phụ trong cách trình bày lịch sử của Mỹ về Chiến tranh Việt Nam”.

Với sự quan tâm liên tục đến chiến tranh, không có gì ngạc nhiên khi các nhà tư tưởng, nhà văn và nghệ sĩ Việt kiều ở Mỹ và các nơi khác đang phải tính toán. Chúng tôi đang giải quyết những phần lịch sử đã bị từ chối, thậm chí bị chỉnh sửa và làm sáng tỏ những chi tiết còn thiếu và chưa được kể từ kinh nghiệm tập thể của chúng tôi. Tác phẩm của Baloup cho thấy điều tương tự cũng đang xảy ra ở Pháp, xem xét lại lịch sử thuộc địa của nước này ở châu Á.

Khi Truong bắt đầu quá trình sáng tạo hai cuốn sách của mình, ban đầu ông nghĩ đây chỉ là những cuốn hồi ký. Nhưng chẳng bao lâu sau, ông hiểu rằng mình sẽ trở thành người phát ngôn về chính cuộc chiến, như ông đã nói trong một cuộc phỏng vấn:

“Người miền Nam Việt Nam chúng tôi đã trở thành vai phụ trong cuộc chiến của chính mình. Chiến tranh Việt Nam thường được kể bởi những gã diều hâu hăng hái với cuộc chiến, hoặc bởi các trí thức và nhà hoạt động phản chiến, và không có gì nhiều ở giữa”.

Về mặt này, câu chuyện của Truong là một cái nêm quan trọng, trình bày chi tiết các khía cạnh quan trọng của lịch sử thời chiến ở miền Nam Việt Nam, làm vang vọng lại bài bình luận của Cao trên tờ The New York Times. Đó là một lịch sử phần lớn cũng đã bị xóa bỏ ở Việt Nam thời hậu chiến, nơi cuộc chiến được gọi là “Chiến tranh chống Mỹ” hơn là một cuộc nội chiến. Nghệ sĩ người Mỹ gốc Việt Tiffany Chung mô tả vấn đề này là “chứng mất trí nhớ lịch sử do chính trị gây ra” từ thời gian cô sống và làm việc tại Việt Nam trong hơn hai thập kỷ qua.

Việt Nam là một đất nước mà cộng đồng di dân cảm thấy mâu thuẫn khi nghĩ về, “biểu tượng của một điều gì đó đã mất”, như Bui viết trong cuốn sách của mình. Xét cho cùng, Việt Nam ngày nay là một đất nước mà phần lớn dân số sinh ra sau cuộc chiến đã gây ra những chuyến bay cho gia đình chúng tôi. Đối với những người trong chúng tôi, những người quyết định quay trở lại sau này khi đã trưởng thành, đó là một trải nghiệm đối đầu. Trong tác phẩm của Tran có một trang đôi gây choáng váng trải ra từ chuyến trở lại Việt Nam lần thứ hai đáng nhớ của ông. Xem xét những khung hình giàu chi tiết này, ký ức chuyến đi đầu tiên của tôi vào năm 2010 hiện về một cách rõ ràng.

Xem lại tất cả những tác phẩm này, điều nảy sinh trong tôi khi xem xét một trong những điểm khác biệt chính giữa việc là người tị nạn và người nhập cư là khi bạn là người nhập cư, bạn có thể đóng gói hành lý của mình đúng cách. Đây là chi tiết gây tiếng vang Tran khám phá ra khi ông nhận ra mẹ mình không có bức ảnh nào. Trong cuốn sách của Bui, hộp đựng ảnh được chuyển đến từ Việt Nam là một món quà vô giá. Những cảnh này làm chúng ta liên tưởng đến Memory is Another Country (Ký ức ở một đất nước khác) của Nathalie Huynh Chau Nguyen, trong đó có cả một chương dành cho “Những bức ảnh thất lạc”.

Sự vắng mặt của những bức ảnh trong cuộc sống của chúng ta là lý do tại sao truyện tranh giống như một hành động phục hồi, với những hình ảnh được tạo ra từ trí nhớ, trí tưởng tượng và phóng sự–để lấp đầy những khoảng trống.

*

Về thăm Việt Nam lần nữa vào đầu năm nay, tôi gặp Linh Phan, một người bạn Canada gốc Việt, cô nhận xét rằng rất nhiều Việt kiều mà cô gặp qua bao năm vẫn còn dính mắc với chiến tranh. Linh nói điều này như một người đã sống ở Việt Nam hơn mười năm, đất nước đã trở thành một nơi rộn ràng đầy ký ức được hình thành ở tuổi trưởng thành. Chấn thương thứ cấp liên quan đến chiến tranh của cô đã mờ đi. Khi cô ấy đưa ra nhận xét, tôi dừng lại trước khi trả lời; tôi hiểu rất rõ vì sao nhiều Việt kiều vẫn còn trăn trở về chiến tranh nhưng tôi cũng thấy mình đồng tình với Linh.

Trong chuyến đi gần đây nhất này, tôi thấy mình đã bớt vật lộn với chiến tranh hơn và gánh nặng cũng nhẹ đi rất nhiều. Những năm gần đây tôi về Việt Nam thường xuyên, Việt Nam cũng bắt đầu thay đổi ý nghĩa đối với tôi. Một điều khác mà tôi suy ngẫm sau đó là trong những tháng trước chuyến đi, tôi thực sự đã đọc hầu hết những cuốn truyện tranh này. Những cuốn sách này đã cùng mang đến cho tôi niềm an ủi, sự hiểu biết và không gian theo những cách mà những cuốn sách và phim tài liệu hoàn hảo như Chiến tranh Việt Nam không thể làm được.


[1] Màu nâu đỏ hơi nhạt. Nghĩa bóng của từ “rust” ám chỉ sự mài mòn của trí nhớ. (Tất cả chú thích trong bài này là của người dịch)

[2] Trong tiểu thuyết 1984 của George Orwell, chính quyền tạo ra một hệ thống ngôn ngữ mới gọi là Newspeak nhằm hạn chế tư tưởng tự do và ca ngợi đảng.

[3] Đóng góp của Truong có lẽ là ở việc ông khắc hoạ những nhân vật người miền Nam Việt Nam, đối tượng vắng bóng trong văn học dòng chính của Mỹ viết về chiến tranh Việt Nam. Trích BBC:

“Trong câu chuyện với BBC, Marcelino Trương nói ông mong mang lại một cái nhìn chân thực, tươi sáng hơn về thế hệ những người Việt Nam Cộng Hòa, mà ông gọi là những người ‘không cộng sản’.

“Rất nhiều người trong số họ rất tuyệt vời, có học thức, chăm chỉ… Cũng giống như phía Cộng sản. Nhưng thông qua truyền thông phương Tây, tới nay nhiều người vẫn chỉ biết về họ như một thể chế tham nhũng, xấu xa. Sự thực không phải như vậy.”

“Báo chí phương Tây thời đó thường gọi những người không cộng sản thời đó ở miền Nam Việt Nam là “những con rối Sài Gòn”.

Comments are closed.