Kẻ Di Truyền Sách (kỳ 6)

Trần Vũ thực hiện

clip_image002

Tranh Asit Kumar Patnaik

clip_image004Trần Vũ: Nếu Hậu Hiện đại là từ chối sự thật khách quan hoặc là siêu tự truyện, thì đã là một khuynh hướng có sẵn trong tư tưởng Khai Sáng của Âu châu thế kỷ 18. Tư tưởng Hiện đại đã phát triển dựa trên tri thức luận của sự hoài nghi, tách con người ra khỏi thượng đế, mở đầu cho thời kỳ Nhân văn và Sử quan Mới. Đến thế kỷ 19, cụm từ “Hậu Hiện đại” đã xuất hiện. Không phải mới.

Còn các phương pháp cắt dán, giễu nhại, tái chế văn bản, chỉ là kỹ thuật như bao kỹ thuật khác. Chúng sẽ không giá trị nếu không đạt nghệ thuật. Khó khăn nằm ở định nghĩa nghệ thuật, vì tùy theo phái, các tiên đề thay đổi. Chính đây dường như là sức mạnh của Hậu Hiện đại vì không cho phép định phẩm trên những tiêu chí cũ.

Nhưng Ngu Yên, anh có nhìn thấy là Hậu Hiện đại đã thoái trào và đang quá vãng? Đã “has been”. Một giáo sư dạy Đại học UCLA nói với tôi: Hậu Hiện đại thịnh hành trong lĩnh vực phê phán thập niên 70 nhưng cũng đã nhanh chóng biến mất. Đã mấy thập kỷ nay Chủ nghĩa Hậu Hiện đại không còn được sử dụng trong lý luận phê phán. Thay vào “chủ nghĩa”, người ta nói đến “tình trạng sau Hiện-đại”, là thời kỳ hỗn độn xen kẽ của nhiều hệ tư tưởng văn hoá khác nhau. Hậu Hiện đại cũng đã thành một nhãn hiệu phổ thông để chỉ cả Deconstruction của Derrida, Archaeology và Genealogy của Foucault, cùng với một số phương pháp hậu cấu trúc luận khác một cách rất mơ hồ. Khi được hỏi về từ “Hậu Hiện đại”, chính Foucault đã từng trả lời là không biết Hậu Hiện đại là gì! Những nhãn hiệu kiểu ấy, đều vô nghĩa trong công việc lý luận phê phán trong đại học Hoa Kỳ bây giờ.

Như vậy, thì vì sao anh, Ngu Yên, ra sức giới thiệu Học thuyết Truyện Hậu Hiện đại, hôm nay? Quyển sách của anh, khác ra sao với quyển Văn học Hiện đại và Hậu Hiện đại qua Thực tiễn Sáng tác và Góc Nhìn Lý thuyết của Hoàng-Ngọc Tuấn đã xuất bản cách đây 15 năm?

clip_image006Ngu Yên: Rất tiếc, tôi chưa có cơ hội được đọc tác phẩm Văn Học Hiện đại và Hậu Hiện Đại của tác giả Hoàng Ngọc Tuấn. Thành thử không thể đóng góp ý kiến. Tuy nhiên, tôi có lòng tin nơi tác giả này. Dù chưa gặp bao giờ, chỉ biết nhau qua tên tuổi và bài viết, tôi tin việc làm văn chương của ông đứng đắn và tài hoa.

Riêng tôi, cuốn sách Văn Học Truyện Hậu Hiện Đại là cuốn thứ 3 trong bộ sách Ý Thức Sáng Tác Truyện, gồm có 4 cuốn, tìm hiểu về học thuyết, học thuật sáng tác truyện ngắn trên thế giới. Hai cuốn kia: 1- Học Thuyết Truyện Ngắn Hiện Đại, 2- Học Thuật Truyện Ngắn Hiện Đại. Cuốn thứ 4, Văn Học Truyện Đương Đại sẽ phát hành trong năm 18 hoặc 19. Cuốn Hậu Hiện Đại chỉ là một phần trong toàn bộ tìm hiểu và nhận định về một bộ môn văn học. Tôi muốn giới thiệu toàn thể những gì tôi có thể góp nhặt được về sáng tác truyện ngắn của thế giới đến độc giả tương lai. Mong ước những nhà văn trẻ bớt mất thời giờ tìm hiểu những căn bản, đạp lên bộ sách này, tu tập khả năng cao hơn để sáng tác như bất kỳ một nhà văn danh tiếng nào trên thế giới. “Viết là một nỗ lực nói lên sự thật. Nhưng phiên bản sự thật của mỗi người và phương cách truyền đạt của họ mang tính duy nhất. Tài năng và phong cách mỗi nhà văn khác nhau. Tài năng không chỉ đơn thuần là khả năng bẩm sinh. Nó bao gồm phẩm chất sở học của một người, sở thích của họ về sáng tạo, lòng tò mò, cởi mở khi đối diện với ý tưởng mới, kinh nghiệm cá nhân, và sẵn sàng dành riêng thời giờ với kỷ luật tự giác để chọn lựa lãnh vực mà họ yêu chuộng.

Phong cách nhà văn phản ảnh nhịp đập của trái tim tự do, bốc lửa, không ngừng thao thức, tự hỏi. Phong cách viết sau cùng là sản phẩm của nhân cách, thực tiễn, và lịch sử văn hóa. Phong cách viết thay đổi theo thời gian vì tri thức gia tăng theo từng thời đại. Các phong cách mới trong văn bản hoặc trong các hình thức biểu hiện nghệ thuật khác phải phản ảnh những thay đổi về sự hiểu biết của con người.” (Kilroy J. Oldster, Dead Toad Scrolls.)

Nếu hôm nay, người Việt đã có nhà văn Nguyễn Thanh Việt đoạt giải văn chương Pulitzer 2016, qua sáng tác Anh ngữ The Sympathizer. Ông cũng nhận được phần thưởng của MacArthur Genius Grant năm 2017. Ngày mai, nhất định sẽ có những nhà văn trẻ sáng tác bằng ngôn ngữ Việt, thành tựu và sắp hạng toàn cầu.

“Nhà văn được sống một cuộc đời khác, mỗi khi sáng tác một tác phẩm mới.” (Pawan Mishra.)

Trong bộ sách này, tôi chú trọng đến phần học thuật qua phân tích và qua những truyện mẫu của các nhà văn đã thành danh. Theo tôi, yếu điểm của sáng tác Việt, nằm nơi học thuật. Nếu chèo thuyền ra khơi cần phải có học thuật, thì hành trình lên cung trăng cần phải có học thuật cao hơn. Muốn tinh thông học thuật, cần hiểu rõ học thuyết và thực tập kỹ thuật.

Văn chương Việt có nhiều sáng kiến nhạy bén, nổi bật, nhưng ít sáng tạo. Có thể gây cho người đọc thích thú nhưng không ở lại lâu. Sáng kiến là phần chủ lực đầu tiên của sáng tạo. Có một ý nghĩ mới, một hình ảnh lạ, chỉ là sáng kiến. Sự sinh hoạt như thế nào của các sáng kiến trong tứ văn, trong văn bản, mới trở thành sáng tạo. Sáng kiến mới mà sinh hoạt kiểu cũ chỉ mang đến giá trị trung bình. Sáng kiến mới trong sinh hoạt mới mang đến sáng tạo. Sáng tạo làm cho sáng tác độc đáo. Theo tôi, học thuật có khả năng biến chuyển sáng kiến thành sáng tạo.

Điểm băn khoăn ở đây là “mới”. Tôi vẫn mãi phân vân, thế nào là mới? Mới là không quen, không giống cũ. Nói nghe dễ, thực hành thường bị hoài nghi. Qua nhiều kiểu cách thử nghiệm, tôi đi đến kết luận: Mới là những gì làm cho thưởng ngoạn ngạc nhiên, nhưng trước hết phải làm cho chính tác giả ngạc nhiên. Bao gồm vài quan điểm:

1- Phẩm chất của ngạc nhiên thay đổi. Chưa biết sẽ ngạc nhiên. Biết mà chưa rõ sẽ ngạc nhiên. Biết rõ mà được biết theo cách khác, sẽ ngạc nhiên. Không ai có thể biết hết mọi thứ, biết rõ hết một đối tượng. Luôn luôn có điều gì chưa biết về một chủ đề, một đối tượng, một sinh hoạt, vì vậy, “mới” là sự chọn lựa sâu xa trong kinh nghiệm hiểu biết để trình bày những gì chưa hiểu hoặc khó biết. Thông thường một cái “mới” không thể gây kinh ngạc cho tất cả mọi người, chỉ gây kinh ngạc cho một số người. Số người này càng đông, càng có trình độ thưởng ngoạn cao, “mới” càng thành công.

2- “Mới” đến từ vô thức phải được ý thức tái xét, vì đa số “mới” đến vội vã từ vô thức là cái “cũ” tồn kho được biến dạng.

3- “Mới” thông thường khó hiểu, chưa quen, cần được trình bày, mô tả, truyền đạt một cách dễ hiểu. “Tạo ra một thế giới trước mặt độc giả, để họ có thể nếm, ngửi, sờ, nghe, nhìn thấy và di chuyển. Nếu không, có lẽ họ sẽ tìm đọc cuốn sách khác.” (Pawan Mishra.) Học thuật chưa chắc sẽ giúp người sáng tác tìm thấy cái “mới” nhưng chắc chắn giúp người sáng tác nhận diện cái “mới” và biến chuyển sáng kiến thành sáng tạo.

Hậu Hiện Đại – Phản Hiện Đại – Hỗn Loạn Hiện Đại

Phê bình thế giới thường cho rằng Hậu Hiện Đại là đối nghịch với chủ nghĩa Hiện Đại. Bản thân của Hậu Hiện Đại không có một chủ thuyết rõ rệt, là một tập hợp của nhiều học thuyết, là một tư tưởng chịu ảnh hưởng nhiều lý thuyết khác trước đó và cùng thời. Hậu Hiện Đại có một toàn thể phức tạp, bất đồng, thiếu nhất quán, nên dễ bị hiểu lầm. Chính sự thiếu nhất quán, bản chất tự nghi ngờ, khiến cho Hậu Hiện Đại không thành tựu khi trở thành phương tiện phê bình văn học. Một người tự nghi ngờ khả năng của mình, làm sao phán đoán người khác? Bản chất của Hậu Hiện Đại là phủ nhận quy tắc chung. Không đồng thuận một cân đo cho giá trị, làm sao có thể đánh giá tác phẩm trong cùng một mực thước giống nhau?

Nói vậy, giá trị của Hậu Hiện Đại là gì? Trong nhịp sống và sáng tác, giá trị của Hậu Hiện Đại là sự cảnh tỉnh trước những đam mê, say đắm, tin tưởng vào “siêu bản”, nguyên lý phổ quát, nguyên tắc chung, luật lệ thống trị mà những thế hệ trí thức trước đã thấm nhuần và tin tưởng. Cảnh tỉnh mang đến ý thức tái xét rồi dẫn đến cải thiện. Hậu Hiện Đại không giải quyết được giải đáp, chỉ dừng lại nơi tái xét. Tại sao? Vì đến cuối thế kỷ 20, nhịp sống thời đại chỉ mới đến mức tái xét. Những sụp đổ của giá trị tinh thần, những biến chuyển của chính trị, kinh tế, xã hội toàn cầu hổn độn và nan giải. Quyền lực thế giới từ hình thể lưỡng đầu: Tự do / Cộng sản, chuyển sang tam đầu chế: Hoa Kỳ / Trung Cộng / Nga Xô, rồi tức tốc trở nên “Đa thủ lực”. Những quốc gia có nguyên tử đều có quyền quyết định sự sinh tồn của nhân loại. Thêm vào “Thánh ân say sưa nỗi chết” của khủng bố. Con người hiện sinh hoàn toàn bất an và sợ hãi. Không có giải quyết. Không có giải đáp. Mang nhịp sống thời đại, Hậu Hiện Đại dừng chân. Rồi qua đời. Mang băn khoăn, hoang mang bước vào thế kỷ 21, Hậu hậu hiện đại? Điện Tử Đại? Đa Diện Đại? Bất kỳ là tên gọi gì vẫn chưa có giải quyết. Những học thuyết mới, những tư tưởng “chữa thương”, những khám phá đa diện khoa học cũng như nhân văn, chưa đủ khả năng thuyết phục, chưa đủ chứng minh để tạo niềm tin. Nhà phê bình James Wood gọi văn học hôm nay là “Hiện Thực Hỗn Loạn” không phải là không chính xác.

Sự kiện này khiến cho sáng tác cũng rối loạn theo. Như tôi đã trình bày “công thức” 100% = Hiện Thực + Hư Cấu. Nếu hiện thực hỗn loạn, tức hư cấu sẽ áp đảo. Hư cấu bản chất là sinh hoạt của tưởng tượng. Tưởng tượng bản thân là một thể loại rối loạn. Kết quả sáng tác đang ở trong tình trạng rối loạn.

Tuy nhiên, đó chỉ là bề ngoài, là kết quả của tư tưởng và học thuật sáng tác. Binh thư Tôn Ngô cho rằng, trong một tình hình hỗn loạn, người chủ soái phải bình tâm, truyền dạy binh sĩ canh phòng nghiêm ngặt, gửi thám tử đi thu thập tin tức và tình hình, để có một kế sách thắng lợi. Một chủ soái bình tâm trước loạn lạc là một chủ soái ý thức rõ rệt chức năng, hiệu quả và mục đích của căn cước văn học. Không phải hình thể, không phải sắc thái, mà trước hết là sự sinh tồn của văn chương. Cuối cùng, đáng ghi nhớ nhất, đáng tin nhất cho sáng tác là “Sáng tạo là nơi mà chưa ai đến. Bạn nên rời bỏ thành phố đang sống thoải mái, đi vào những vùng hoang dã của trực giác. Những gì khám phá ở đó sẽ tuyệt vời.” (Alan Alda.) Mở rộng ý thức hơn nữa, Lincoln Steffens viết, “Không có gì thành tựu cả. Mọi thứ trong thế giới đang chờ được thực hiện hoặc tái thực hiện. Hình ảnh lớn lao nhất chưa được sơn màu, vở kịch vĩ đại nhất chưa sáng tác, bài thơ cao kỳ nhất chưa được nhắc tên. Toàn cả thế giới chưa có đường giao thông hoàn hảo, chưa có chính quyền yêu dân, chưa có luật pháp công chính. Vật lý, toán học, đặc biệt là khoa học tiên tiến và chính xác đang có cơ sở cần sửa chữa… Tâm lý, kinh tế, xã hội đang mong đợi ông Darwin, một người trong lúc làm việc [lập thuyết Tiến Hóa] cũng đã chờ đợi bác học Einstein…”

(Còn tiếp)

(*) Cả 3 tranh của Asit Kumar Patnaik

Thư mục bộ sách Ý thức Sáng tác của Ngu Yên

Trên Kệ Sách Amazon: Amazon.com. Search: Gõ vào tựa đề sách, không dùng dấu. Type in the title.

1. “Ý Thức về Dịch Thuật”. Biên khảo về dịch thuật, dịch thơ.

2. “Độc Quạnh” Thơ. Từ giã dòng thơ cũ.

3. “Tôi Không Biết”. Tập 1 &2. Giới thiệu, nhận định, dịch toàn bộ thơ Wislawa Szymborska. Nobel 1996.

4. “Học Thuyết Truyện Ngắn Hiện Đại”. Cuốn 1 của bộ sách Ý Thức Sáng Tác Truyện.

5. “Học Thuật Truyện Ngắn Hiện Đại”. Cuốn 2 của bộ sách Ý Thức Sáng Tác Truyện.

6. “Văn Học Truyện Hậu Hiện Đại”. Cuốn 3 của bộ sách Ý Thức Sáng Tác Truyện.

7. “Văn Học Truyện Đương Đại”. Cuốn 4 của bộ sách Ý Thức Sáng Tác Truyện.  (Chưa phát hành)

8. “Ý Thức Sáng Tác Truyện Ngắn Hiện Đại”. Bộ 1.

“Ý Thức Sáng tác Truyện Hậu Hiện Đại và Đương Đại.” Bộ 2. (Chưa phát hành.)

9.  “Tôi Học Được Bí Mật Của U sầu. Tập 1.  Thơ Federico Garcia Lorca.” Tái tác và tái bản.

“Mộ Phần Tôi Ở Đâu?. Tập 2.  Thơ Federico Garcia Lorca.” Tái tác và tái bản.

https://www.amazon.com/s/ref=sr_st_date-desc-rank?rh=n%3A283155%2Cp_27%3ANgu+Yen&qid=1514468153&sort=date-desc-rank

Comments are closed.