Khát một cái chết tái sinh là lớp nghĩa quan trọng nhất trong Mùa khát của Nguyễn Việt Chiến

Lã Nguyên

IMG-6318

Tôi nhận được Mùa khát [1] Nguyễn Việt Chiến gửi tặng qua đường bưu điện. Đây là tiểu thuyết đầu tay của một nhà thơ, nhà báo kỳ cựu. Sách dày 415 trang, chia thành 20 chương, do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành, được Họa sĩ Lê Thiết Cương vẽ bìa, trong tay tôi đây, nó còn thơm nguyên mùi giấy mực. Tôi đọc Mùa khát theo hai tầng nghĩa.

Tầng nghĩa thứ nhất lộ ra ngay ở lớp ngôn ngữ chất liệu nổi trên bề mặt tác phẩm. Qua lớp ngôn ngữ này, người đọc được nghe tác giả kể lại hai câu chuyện: chuyện về sự loạn lạc và chuyện về tình yêu. Biểu hiện rõ nhất của loạn lạc là chiến tranh, giặc giã. Mùa khát kể về hai cuộc chiến nối tiếp nhau kéo dài gần nửa thế kỉ: hết chống Mỹ đến chống Tàu. Cuộc trước là “cối xay thịt”, cuộc sau là “lò nung vôi thế kỷ”, cuộc sau tuy ngắn hơn cuộc trước, nhưng cuộc nào cũng tàn khốc, dữ dội. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Việt Chiến đã dành tới một phần ba số trang Mùa khát để kể lại cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược năm 1979. Tham nhũng kết thành bè cánh, người chính trực bị đàn áp, trù dập là biểu hiện khác của tình trạng loạn lạc. Đọc tiểu thuyết của Nguyễn Việt Chiến, ta thực sự được chứng kiến những “án ngờ lòa mây” với những “tiếng oan dậy đất”.

Trong Mùa khát của Nguyễn Việt Chiến, loạn lạc không ngăn cản nổi tình yêu. Hình như ở đây tình yêu mới là câu chuyện trung tâm, còn loạn lạc chỉ là tình huống để tình yêu nảy nở. Có tình yêu hiểu theo nghĩa rộng và tình yêu hiểu theo nghĩa hẹp. Theo nghĩa hẹp, nó là tình cảm của đôi lứa, là nhu cầu tự nhiên thuộc bản năng của con người. Theo nghĩa rộng, đó là tình nghĩa, là khát vọng tự do và lẽ công bằng. Hiểu theo nghĩa nào thì trong Mùa khát của Nguyễn Việt Chiến, tình yêu bao giờ cũng là năng lực thiên phú, là báu vật tạo hóa ban tặng cho nhân loại, nó nảy nở tự nhiên ở mọi người, bất luận người ấy là ai. Kể chuyện tình yêu từ góc độ như thế, tiểu thuyết của Nguyễn Việt Chiến đã xóa bỏ hoàn toàn nguyên tắc bổ đôi, phân cực, chia thế giới thành hai nửa địch – ta, tốt – xấu đối lập với nhau như nước với lửa, một nguyên tắc từng thống trị dài lâu trong văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Tầng nghĩa thứ hai chìm sâu trong lớp siêu ngữ của thiên tiểu thuyết. Nền tảng của tiểu thuyết là truyện kể. Cấu trúc bề mặt của tiểu thuyết hiện đại dẫu có biến đổi phức tạp thế nào, thì truyện kể của nó vẫn được kiến tạo theo một sơ đồ nào đó. Sơ đồ truyện kể (plot schema) là mô hình cấu trúc ổn định về mặt lịch sử, là cái “sườn” cố định của vô số truyện kể nào đó trong thực tế, là một tổ hợp các motif ràng buộc lẫn nhau, trình tự của chúng bao giờ cũng giống nhau, còn ngữ nghĩa thì đã được truyền thống định hình. Hiểu theo nghĩa như thế, sơ đồ truyện kể chính là một loại siêu ngữ. Olga Freidenberg, một nhà nghiên cứu lỗi lạc người Nga, cho rằng, truyện kể là “hình thức nhân cách hóa thế giới quan” của nhân loại trong tiến trình lịch sử. Số lượng sơ đồ truyện kể là hữu hạn. Theo bà nói, cho đến giữa thế kỉ XIX, nhân loại không sáng tạo thêm truyện kể mới, mọi biến thể truyện kể chủ yếu được kiến tạo theo hai sơ đồ: truyện kể chu kì (cyclical plot) và truyện kể lũy tích (cumulative plot). Hai sơ đồ ấy giống như hai đối cực, thể hiện hai kiểu tư duy, hai cách nhân hóa quan niệm về cơ thể vũ trụ. Đối cực này là con đẻ của tư duy logic, nó đề cao tính quy luật, xem toàn bộ sư phong túc của vũ trụ bắt nguồn từ một cơ thể duy nhất. Đối cực kia là sản phẩm của tư duy trực quan, nó coi trọng vai trò của cái ngẫu nhiên, xem cơ thể hoành tráng của vũ trụ là sự cộng gộp của nhiều cơ thể riêng lẻ. Kiểu tư duy logic đòi hỏi truyện kể chu kì dựa vào một nhân vật trung tâm và một hành động truyện thống nhất vận động theo trình tự thời gian – nhân quả để kiến tạo văn bản. Kiểu tư duy trực quan cho phép truyện kể lũy tích kiến tạo văn bản bằng cách xâu chuỗi các sự kiện phi nhân quả, tồn tại ngẫu nhiên trong không gian. Mọi loại cơ thể, kể cả cơ thể vũ trụ, đều có sinh, có diệt. Truyện kể chu kì là hành trình vượt qua cái chết để tìm tới sự sống tái sinh. Theo chiều ngược lại, truyện kể lũy tích là hành trình phủ định sự sống để hướng tới cái chết tái sinh. Tiểu thuyết và truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao trước 1945, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, hoặc truyện ngắn và tiểu thuyết của Đặng văn Sinh sau 1986 được tổ chức chủ yếu theo sơ đồ truyện lũy tích.

Mùa khát của Nguyễn Việt Chiến cũng được tổ chức theo sơ đồ truyện lũy tích nói trên. Ta không tìm thấy trong Mùa khát của Nguyễn Việt Chiến một hình tượng nhân vật trung tâm gắn với một hành động truyện xuyên suốt từ đầu đến cuối, được chia thành ba phần mở đầu – phát triển – kết thúc. Văn bản tác phẩm tựa như được lắp ghép từ ba mảng truyện: mảng về những câu chuyện tình của Hậu Aka, mảng về cuộc đời thăng trầm của Vũ Văn và mảng về số phận của viên trung úy biệt kích Sài Gòn Nguyễn Nội. Xâu chuỗi những mảng truyện tưởng như rời rạc, ngẫu nhiên theo sơ đồ lũy tích, còn gọi là sơ đồ “điệp thừa”, tiểu thuyết của Nguyễn Việt Chiến đã tạo ra một hiệu quả thông tin đặc biệt.

Mọi diễn ngôn tự sự suy cho đến cùng đều nhắm tới một trong ba mục đích thông tin: thông tin tiến trình, thông tin sự kiện, hoặc thông tin trạng thái. Mùa khát của Nguyễn Việt Chiến không thiếu sự kiện, nhưng ấn tượng đậm nét nhất mà cuốn tiểu thuyết để lại trong ý thức tiếp nhận của tôi vẫn là thông tin về trạng thái nhân sinh. Những trang mô tả trạng thái loạn lạc của đời sống xã hội trong thiên tiểu thuyết đã khiến mọi chuyện tình mà Nguyễn Việt Chiến muốn làm thành một điểm nhấn chỉ còn là những câu chuyện tồn tại trong ước mơ và ý đồ sáng tạo của tác giả.

Về phương diện này, tôi đánh giá cao chương đầu của Mùa khát với tiêu đề “KẺ “NGÁO ĐÁ” VÀ VỤ ÁN GIAN NHÀ CÓ MA”. Chính chương truyện này đã tạo ra một bầu không khí đặc biệt: không khí ngột ngạt của một cái ngõ hẹp lúc nào cũng lảng vảng mùi xú uế, tởm lợm. Bầu không khí ấy làm thành sinh quyển của toàn bộ thế giới nghệ thuật, nó vây quanh các nhân vật, ám vào những chương sau của cuốn sách và vào kí ức tiếp nhận của của độc giả.

Đọc Mùa khát, độc giả không thể không đặt ra câu hỏi, rằng một đời sống “thối tha” như thế, đời sống lúc nào cũng thoang thoảng mùi “cứt”, thì ai mà sống được? Cho nên, Mùa khát thực ra là hành trình phủ định sự sống để tìm tới cái chết tái sinh. “Khát” một cái chết tái sinh là “ý tại ngôn ngoại”, là tầng nghĩa quan trọng nhất mà độc giả cảm nhận được từ lớp siêu ngữ của thiên tiểu thuyết của Nguyễn Việt Chiến. Chính tầng nghĩa này biến tác phẩm của ông thành một sự kiện giao tiếp mang ý nghĩa xã hội.

Hà Nội, 10.1.2019


[1] Nguyễn Việt Chiến, Mùa khát. Nxb Hội nhà văn, 2018.

 

TRÍCH CHƯƠNG 1 & 11 TIỂU THUYẾT “MÙA KHÁT”

1

Thằng “ngáo đá” và vụ án gian nhà có ma

Hậu Aka kể cho nhà báo Vũ Văn nghe mối tình khá bi hài của hắn với một cô gái lỡ thì người Xứ Thanh. Sở dĩ đám bạn bè du côn phố cổ gọi hắn là Hậu Aka vì từ ngày đi tù về, lúc nào hắn cũng giắt trong người một con lưỡi lê của súng AK 47, hình lá lúa sắc nhọn. Trong mấy cuộc hỗn chiến với các đám du thủ du thực ở bang “cò ỉa” phố Lò Đúc- Ô Đống Mác rồi bang “ruồi muỗi” ở ngõ Chợ-Khâm Thiên và một số bang tanh tưởi khác ở Hà Thành… con lê ấy đã đưa Hậu Aka lên hàng số má.

Nhà Hậu ở khu phố ba mươi sau phố phường của Hà Nội xưa với những ngôi nhà cổ hình ống sâu hút, tối om. Dãy phố cổ kính này trông bề ngoài có vẻ nên thơ như tranh phố của danh họa Bùi Xuân Phái nhưng bên trong lại chứa đầy sự nhếch nhác, rêu mốc, bẩn tưởi của một không gian tù túng, thiếu dưỡng khí và thiếu ánh sáng thiên nhiên.

Cái mùi vị đặc trưng của dãy nhà ống này là mùi thơm bí ẩn quyến rũ của thuốc bắc, thuốc phiện, mùi ô mai, cam thảo và mùi da thịt đàn bà thiếu nắng. Nhưng bên cạnh đó là cái mùi đặc thù của sự xú uế, ngày nào cũng lảng vảng bay trong những căn nhà ống, đó là mùi phân thùng. Có cảm giác, cái mùi thối khẳn này không chỉ lưu cữu bao đời trong cái không gian tù túng của những dãy nhà ống mà còn bám chặt vào ký ức của những người từng sống ở đây.

Về khoản gái thì Hậu Aka cũng tỏ ra là một tay chơi sành sỏi. Đêm khuya hôm ấy, lần đầu hôn nhau trong cái hành lang hẹp tối mù dẫn vào căn buồng chật hẹp của gia đình hắn, nàng bảo: “Mồm anh có mùi phân, tởm quá”. Hậu cười: “Ăn tối xong, chưa kịp đánh răng thì em đến, mồm toàn mùi cá kho thôi, không tin để anh hôn lại cho xem!”. Nói là làm. Hắn đè nghiến nàng vào sát tường. Miệng hắn ghì chặt miệng nàng, còn tay luồn vào trong ngực áo, bóp lấy bóp để.

Một lát sau, cô nàng mềm nhũn ra. Hắn hỏi: “Có thấy mùi cá kho không?”. Nàng gật đầu: “Tanh phát mửa, mồm không thấy mùi nhưng áo anh toàn mùi cứt!”. Hắn giật mình, ngửi áo, thấy thoang thoảng mùi phân thùng. Chỉ tay vào mấy thùng phân tươi trộn gio bếp, người dọn vệ sinh chưa kịp chuyển đi, hắn chửi đổng mấy câu rồi tiếp tục ép chặt nàng vào sát tường.

Người hàng xóm có việc đi ra ngoài, phải lách qua đôi tình nhân đang hổn hển trong hành lang tối. Anh vỗ nhẹ vào mông cô nàng: “Tránh ra chút cho tôi dắt nhờ cái xe đạp”. Đi một đoạn, anh ta lại lẩm bẩm: “Cô chú đứng nghiêng cho anh dắt nhờ cái xe”. Thì ra, cách đấy chục bước, còn một đôi nữa cũng đang vào đêm trăng mật. Hóa ra, cái hành lang tình yêu tối mò này là điểm hẹn lý tưởng của các đôi “trai thò, gái thụt” những đêm về khuya. Thật ra, thiên đường tình yêu không ở đâu xa, nó nằm ngay cạnh đống thùng phân thối khẳn trong ngôi nhà ống thời bao cấp.

Hậu Aka cười khành khạch nói với nhà báo Vũ Văn: “Cái con bồ của mình hay lắm. Mình làm quen với nó trong một quán bia hơi. Cô nàng cùng đám bạn vận đồng phục mầu đỏ – đun, váy ngắn, chân dài, áo lộ ngực đi quảng cáo bán thuốc lá cho hãng Dunhill. Nàng là đứa xinh nhất bọn, mắt đong đưa, đùi trắng nõn, ngực căng tròn. Nàng đến bàn bia tụi mình mời chào. Mình mua liền 5 bao Dunhill, phát cho mỗi thằng bạn một gói, rồi xin số điện thoại của nàng. Lần sau, cũng tại quán bia ấy, mình mua luôn cả tút thuốc lá Dunhill và bắt đầu cưa cẩm. Lần sau nữa, mình mua hai tút thuốc, rồi rủ nàng đi chơi, nàng cười mê. Đêm hôm ấy, mình dẫn nàng về nhà giới thiệu với ông già khốt-ta-bít nhà rồi đưa nàng ra cái hành lang tối om, đứng tâm sự, ôm ấp, sờ soạng nhau. Đúng vào lúc cao trào nhất, khi nàng đang run rẩy trao thân cho mình thì mấy bà công nhân vệ sinh đổ xí thùng khăn quàng kín mặt, lệt sệt đi ủng, gánh các thùng phân đi qua. Nàng nhắm nghiền mắt, ôm ghì lấy mình, đay nghiến: “Giờ thì toàn bộ người anh và em toàn mùi cứt”. Mình văng tục: “Cả thành phố này, cả thế giới này, cả loài người… tất cả đều ngập trong cứt chứ không riêng gì tình yêu của chúng mình đâu em”.

Nhìn những người phu đổ xí thùng lặng lẽ, cẫn mẫn với công việc cứt đái bẩn thỉu liên miên suốt đêm này tới đêm khác, Hậu Aka mới thấy sức chịu đựng ghê gớm của con người ở cái đô thị chật chội này. Điều kỳ quặc thay, chuyện này chỉ có ở nước ta những năm tháng ấy. Và, đối với không ít người, cứt lại là tất cả! Ở ngoại thành Hà Nội những năm sáu mươi, bảy mươi, có cả một làng chuyên buôn cứt là làng Cổ Nhuế. Nam thanh nữ tú ở cái làng này hồn nhiên tung tăng khắp nơi đi kiếm cứt, nhặt cứt với “một quang, hai gắp” (một đôi quang gánh và hai cái gắp phân). Thời ấy, câu ca: Thanh niên Cổ Nhuế xin thề/Chưa đầy hai sọt chưa về quê hương đã nói lên sự “hoành tráng” của nghề mưu sinh từ cứt. Cái thời lạc hậu dốt nát ấy, tất cả các làng trồng rau quanh Hà Thành đều dùng chính cống phân tươi, phân người để bón rau. Bởi thế, nghề buôn cứt trở nên phát đạt. Sớm sớm, cả một phiên chợ cứt họp bên lề đường quốc lộ phía Tây ngoại thành. Có người bán thọc cả cánh tay vào thúng cứt, khoắng lên cho người mua ngửi thấy! Đây nhé, từ trên xuống dưới toàn cứt “loại một” chứ không hề có chuyện trộn đất sét vào cứt để gian dối kiếm lời đâu. Bán xong sọt cứt, anh ta bước mấy bước, xuống ô ruộng bên cạnh, khỏa cánh tay dính cứt xuống vũng bùn nước đọng lại sau mưa sớm, khua mấy cái cho đỡ bẩn. Rồi anh ta lên bờ, đến cạnh sọt cứt còn lại, chùi tay vào chiếc áo bẩn, rút quả dưa gang cắm bên cạnh sọt cứt, thản nhiên nhai rau ráu một cách đầy thú vị và cất tiếng: “Cứt nguyên bản, cứt không trộn đất, cứt loại một đơi, mua mau đi kẻo hết!”. Đi trên những cánh đồng rau xanh tươi mởn phía ven đô ngày ấy, mới thấy bao nhiêu sự tươi tốt đều mọc lên từ cứt, bất chấp mùi phân xú uế, bẩn tưởi cứ nghi ngút bốc lên trong lồng lộng gió đồng.

Hậu Aka ca tụng người con gái hắn yêu. Nàng thuộc tuýp người hiện đại, thực dụng tới mức lạnh lùng nhưng cũng rất mực chân thành và nóng bỏng yêu đương. Nàng ở trọ trong căn buồng tồi tàn vài mét vuông ở một xóm nhỏ cũng có cái tên gọi bần hàn là xóm cứt, xóm liều. Dân trọ xóm này toàn những anh ả bặm trợn, xăm trổ đầy người. Không hiểu sao lại lọt vào xóm trọ ấy một tố nữ mỹ miều là người yêu của hắn. Hậu Aka cũng chẳng phải dạng vừa. Dân chơi phố cổ đều rành mặt hắn. Trên người Hậu Aka, ngoài các hình xăm rồng rắn, hổ báo, đại bàng, sư tử… đang nhe nanh, múa vuốt đòi “khoét gan, móc mắt” lừng lững khắp nơi, hắn còn xăm hình một nàng tiên cá, ngực to bự, mồm ngậm gươm, ròng ròng máu đỏ ở trước ngực. Hôm xuống xóm cứt chơi với nàng, hắn đánh bộ đồ dõng Tô Châu, phanh cúc áo ngực, loẹt quẹt đôi guốc gỗ trổ hình mấy cái đầu lâu, xương chéo trông khá dữ dằn. Mấy cậu chọi con ở xóm cứt thì thào bảo nhau: “Tao thấy nó giắt con lê lá lúa ở thắt lưng, trông dáng cũng quân khu đấy, lát nữa hỏi xem nó ở băng nhóm nào mà dám ngông nghênh vào đây coi như chốn không người vậy!”.

Bước vào căn buồng trọ nồng nàn mùi son phấn rẻ tiền của người yêu trong xóm, ngồi được một lúc, Hậu lôi nàng lên chiếc giường, uỵch luôn. Tiếng uỵch nhau mỗi lúc một rậm rực, làm chiếc giường chao đảo như trong cơn động đất. Nàng nghiến răng trong khoái cảm , thở hộc ra như một con bò cái rồi không chịu nổi, vừa rên vừa hú lên khá man dại. Chợt có tiếng chửi bới từ phía căn nhà hàng xóm vọng vào: “Tiên sư chúng mày, động cỡn vừa vừa thôi để bố mày còn chợp giấc trưa chứ, một giờ chiều, bố mày phải chạy xe ôm rồi, thằng quân khu với con điếm dại kia, chiều nay chúng mày không còn đường về đâu. Bọn Lộc “vũ phu” và Phong “đại bàng” đang phục quân quanh đây, chờ xin chúng mày tí tiết đới, các con ạ!”. Nghe nói thế, Hậu Aka vụt nhỏm dậy, mặc kệ người yêu đang ngây ngất trong cơn hoan lạc chưa muốn dừng. Gạt bỏ vòng tay âu yếm của cô nàng cuốn quanh cổ mình, hắn cười nhạt: “Để xem thằng nào xin tí tiết thằng nào?”.

Nhìn qua khe cửa sổ, phát hiện thấy đám du côn xóm cứt đang dao, búa dàn trận quanh khu nhà trọ, Hậu Aka vội bấm máy, gọi ngay cho một ông anh giang hồ thứ thiệt điều quân tới xóm cứt, giải cứu cho đàn em. Sau đó, bước tới cửa sổ, hắn nói vọng sang nhà hàng xóm, giọng không giấu nổi vẻ khùng khoằng: “Xin lỗi làm ông anh mất ngủ. Cảm ơn cảnh báo của ông anh về đám chọi con ruồi nhặng kia. Tí nữa, ông anh xách xe đi làm, báo hộ cho bọn Lộc “vũ phu” và Phong “đại bàng” ở cái xóm cứt này biết, có thằng Hậu Aka ở bang xí thùng xuống đây chơi gái. Có giỏi tí nữa giáp mặt, chào hỏi nhau bằng mấy đường lê này nhá. Bố mày mà không nổi lửa đốt sạch cái xóm cứt của chúng mày thì không còn xứng danh là Hậu Aka từng vào sống ra chết đâu!”. Nói rồi, hắn rút khẩu súng ngắn K59 để trong túi quần, lên đạn đánh “soạch” một cái khiến cô tình nhân đang “trần như nhộng” mặt mày tái dại, vội vã mặc quần áo. Bất thình lình, Hậu chõ mồm ra ngoài, giọng cộc cằn như chó sủa: “Bố mày bắn cảnh cáo bọn xóm cứt phát đạn này như một lời tuyên chiến đới. Có giỏi vào đây đấu súng với bố ngay nhá”. Quát xong, hắn kề súng lên chấn song cửa sổ, nổ một phát đánh “đoành” lên giời. Phát súng khiến mấy nhà hàng xóm xung quanh đấy lâm vào cơn hoảng loạn, mọi người chạy túa ra xem có chuyện gì.

Chừng chục phút sau khi Hậu Aka nổ phát súng chỉ thiên làm kinh động bọn giang hồ trong xóm, thì đám du thủ du thực dao, kiếm đầy mình ở bang “xí thùng” đi trên xe ô tô con và vài chục xe máy, rầm rầm đổ quân vào xóm cứt. Rất may, không có chuyện đụng độ lớn xảy ra. Đám đàn anh số má của bang “xí thùng” đã nói chuyện phải, trái với đám Lộc “vũ phu” và Phong “đại bàng” ở xóm cứt. Vì đây, chỉ là sự hiểu lầm do chưa kịp “chào hỏi” nhau cho phải nhẽ của đám anh em giang hồ, chứ không phải chuyện tranh giành địa bàn bảo kê làm ăn của nhau. Và, “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, chẳng phải nói nhiều, chỉ sau ít phút dàn xếp, các đàn anh giang hồ và Hậu Aka cùng đám đầu gấu du thủ du thực của xóm cứt đã khật khưỡng ngồi chén chú, chén anh bên nhau khá thân mật tại một quán bia lớn gần đó. Từ đấy, hai bang “xí thùng” và “xóm cứt” đi lại, giao hảo với nhau trong mối thâm tình khá keo sơn, mặn nồng.

Không phải qua lần đối mặt này, đám đàn em du côn ở xóm cứt mới biết tục danh Hậu Aka. Trước đó, trong một đêm xuống xóm bụi đời được mệnh danh là “Siêu thị trắng” (siêu thị ma túy), chơi “hàng đá” rồi ngồi uống nước chè chén ở đầu một hẻm nhỏ, Hậu Aka đã gây ra một vụ trọng án ghê người. Đêm ấy, lúc hắn vừa định trả tiền nước, ra về thì thấy một chiếc ta-xi phanh gấp đánh kít kìn kịt, đỗ sịch đầu con hẻm. Mấy thằng đầu gấu ở xóm “Siêu thị trắng” đi hát karaoke khuya về. Chẳng thèm nhìn trước nhìn sau, một thằng vội mở cửa xe. Đánh “đốp” cái, cửa xe văng trúng một người đàn ông lao động ngoại tỉnh về khuya đạp xe đi sát qua đó, làm người này ngã đập mặt xuống đường. Mấy cậu con giời bước từ ta-xi xuống, cậy thế đông không chịu xin lỗi, lại còn chửi mắng người bị ngã là “có mắt như mù”. Ngồi ở quán nước đầu hẻm, chứng kiến cảnh ngang tai trái mắt từ đầu tới cuối, Hậu Aka mặt đỏ phừng, hắn cua ngay con dao phay của chủ quán dùng để đẵn mía, áp sát đám con giời đầu gấu này. Hắn chỉ tay thẳng vào mặt thằng vừa cất tiếng chửi người bị ngã xe: “Mày có chịu xin lỗi thằng bị ngã này không, quỳ xuống xin lỗi ngay, nếu không bố mày chém chết giờ!”. Đám thanh niên kia đời nào chịu, thằng bị bắt phải xin lỗi khùng khoằng văng tục. Chỉ đợi thế, Hậu Aka nhanh như cắt, bổ ngay con dao phay vào đầu thằng đó. Con phay cắm vào một phần đầu, máu phun tung tóe đầy mặt. Người bị chém đứng một lát như trời trồng, rồi ngồi gục xuống, con dao phay vẫn cắm trên đầu. Bọn bạn của người bị chém chạy túa về nhà của họ ở gần đó, vác dao kiếm ra trả thù. Sau cú chém người kinh hoàng đó, không chịu trốn chạy, Hậu Aka rút con lê lá lúa lận trong người ra, lao vào quyết ăn thua đủ với đám thanh niên kia. Có lẽ lúc ấy, cơn say ma túy đá trong người hắn đang trào lên khiến cho các huyết mạch muốn vỡ tung. Hậu Aka lao vào chốn dao kiếm như đi trong chốn không người. Kết cục, Hậu Aka bị bọn du côn xóm “Siêu thị trắng” chém cả chục nhát, gần chết. Cả thằng bị chém dao phay vào đầu và Hậu Aka đều được đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay đêm đó. Thật kỳ lạ, cả hai thằng đều không chết, đều được cứu sống. Kíp bác sĩ phẫu thuật cho hay, thằng bị chém vào đầu, con dao phay chỉ ngập sâu thêm mấy ly nữa thôi, vào não là hắn đi đời nhà ma. Còn Hậu Aka, mấy nhát chém chỉ vào sâu thêm vài ly nữa thôi, ngập đến tim thì hắn cũng chầu giời. Chuyện không tin nổi, phải công nhận các bác sĩ mổ máy ở cái bệnh viện ấy giỏi thật, họ cũng là những tay “dao, kéo” thượng thặng giang hồ, ăn đứt đám du thủ du thực kia về mọi mặt.

Hậu Aka gọi ông thân sinh ra mình là ông già khốt-ta-bít mặc dù ông già là một họa sĩ khá tài danh của đất Hà Thành. Do vợ mất sớm, để lại hai đứa con, một trai và một gái, ông họa sĩ lâm vào cảnh gà trống nuôi con. Đứa con gái lớn đã đi lấy chồng, còn Hậu Aka cũng chẳng ở với bố. Sau khi đi tù về, Hậu Aka lấy bạn bè giang hồ làm vui. Nó quanh năm suốt tháng dạt vòm và thi thoảng lắm mới tạt qua nhà thăm bố già khốt-ta-bít được dăm tiếng đồng hồ, rồi lại bỏ đi.

Khuya hôm ấy, đã quá nửa đêm. Người họa sĩ già chưa ngủ được. Gian buồng chật hẹp của ông chập chờn những mảng màu tối sáng, vẫn mù mịt khói thuốc. Phải cố quên đi và ngủ thôi, ông tự nhủ. Rồi đèn tắt. Giấc ngủ muộn có phần nào đó giống như một bức tranh của trường phái trừu tượng. Phải thưởng thức, ngẫm ngợi khá công phu. Nhưng có lẽ chẳng ai thưởng ngoạn vẻ đẹp của hội họa khi bụng mình còn đói.

Người mua tranh xưa nay phần lớn là những người khá giả. Hoặc chí ít ngày cũng được hai bữa cơm, rượu tươm tất. Còn cánh họa sĩ lúc này, xem ra không ít người phải chạy ăn đong từng bữa như cảnh nghiệp ông. Tranh bán rẻ đã đành, thậm chí lại còn bị ăn cắp bởi những người yêu mến mình một cách láu cá. Đã mấy tháng nay, ông không bán nổi một bức tranh. Cũng còn may là mấy bức ký họa được một tay sưu tầm mua theo kiểu bố thí, giúp ông sống thoi thóp. Đêm về khuya, con phố tối trông như một chiếc bẫy chuột khổng lồ, đang rình đợi cùng với những giấc mơ nghiến răng ken két, mộng mị cùng vôi cát.

Sắp thiu thiu ngủ, chợt ông thấy có tiếng đàn bà thì thào đâu đó trong căn buồng của mình. Quái ! Từ hồi vợ mất, ông vốn sống độc thân. Họa hoằn lắm, dăm tháng mới có hơi bóng một người đàn bà thoảng qua. Ấy là hồi ông còn trẻ. Chứ giờ thì rượu còn không đủ uống. Thiết gì !…Sau khi nghe ngóng một hồi, ông phát hiện ra tiếng trò chuyện là của mấy người đàn bà trong các bức tranh ông vẽ.

Một người nói: Em còn ướt, hắn đang vẽ dở. Chắc chiều nay đói quá, run tay, không vẽ nổi. Có thằng bạn tạt qua. Hắn như bắt được vàng. Bỏ ra phố kiếm chút rượu suông. Một giọng khác ghen tỵ: Hắn vẽ em ba tháng chưa xong. Còn chị chỉ chừng ba ngày. Nhiều ít như thế, đủ thấy sự công phu và hời hợt là chuyện ngẫu hứng của kẻ sáng tạo. Người kia phản đối: Thời gian chưa hẳn là một chuẩn mực. Em thấy chị đẹp hơn, nói được nhiều hơn cả về hình hài và tâm trạng. Thế hắn có ngủ với chị không? Kẻ trả lời cười ngất: Mới vẽ có một phần tranh, hắn đã đòi ôm ấp, vuốt ve. Chị hỏi: thế không chịu được à? Chàng lúng túng phân bua: sự sáng tạo phải được rung động và cọ xát thì tranh mới có hồn. Thế đấy, thế nào rồi hắn cũng ngủ với em. Có tiếng chép miệng: Tội nghiệp chàng, gọi là âu yếm nhau trong mộng mị thì đúng hơn. Chứ mấy ông này đã bán cả phần hồn, phần xác cho nghệ thuật thì ngoài đời còn hơi sức gì. Tiếng một người khác: Không hiểu trong đời vẽ của mình, hắn đã bán bao nhiêu phụ nữ như chúng ta. Đấy là một tội ác! Phải rồi – cả đám người đẹp nhao nhao lên: Rồi cũng sẽ đến lượt chúng mình bị bán, bị đổi lấy rượu và ngũ cốc. Trong một xã hội văn minh, tội mua bán phụ nữ phải khép vào hình phạt nặng nhất, mà hắn thì thường xuyên bán rẻ chị em mình hết ngày này qua tháng khác.

Có tiếng gào lên: Phải treo cổ, phải chung thân! Người họa sĩ già chồm dậy, mắt hoa vì đói, vì sợ bị khủng bố và bắt tù. Từ các bức tranh trong phòng vẽ, những người đẹp hung hãn nhảy xổ vào họa sĩ. Ông đập tường, la hét, kêu cứu. Khi hàng xóm dỡ cửa vào được, thấy ông nằm bất tỉnh nhân sự dưới chân những giá vẽ ngổn ngang, đổ vỡ. Họ gọi xích lô đưa ông tới bệnh viện. Lúc ấy, trời chưa sáng hẳn. Phố đêm trở lại yên tĩnh với cái vẻ âm u của một chiếc bẫy chuột khổng lồ.

Ngày hôm sau, hai chị em Hậu Aka hớt hải vào trông nom bố trong bệnh viện. Ông già họa sĩ gầy rộc đi một cách thảm hại. Ông thều thào trên giường bệnh: “Căn buồng ấy có ma, các con à! Từ hồi mẹ chúng mày mất đến giờ thỉnh thoảng ma lại về. Có đến mấy loại ma. Ma người lớn, ma trẻ con, ma đàn ông, ma đàn bà, ma nhiều lắm…”. Hậu Aka không tin:”Ông cứ nằm mơ, nói mớ linh tinh, những đêm con về ngủ với ông, có thấy ma quỷ gì đâu?”.” Mày không biết, mỗi khi thoáng thấy bóng mày về, mấy con ma quen lỉnh đi hết, nó ngửi thấy mùi sát khí từ cái con lê Aka mày giắt trong người, vậy thôi”. Thở không ra hơi, ông già chợt thiếp đi trên cái giường bệnh đầy mùi thuốc…

Đêm hôm ấy, để người chị ở lại chăm sóc bố già, Hậu Aka mò về nhà ngủ xem sao. Nó cất con lê lá lúa ở nhà người bạn. Sau khi làm một xị rượu đế, nó lệt quệt đôi guốc mộc, đi qua cái hành lang tối om, ra đầu ngôi nhà cổ hình ống, ngồi hút thuốc, ngắm phố xá. Ở căn nhà mặt tiền, cô con dâu nhà hàng xóm đang bán hàng xén. Chồng cô đi tù đã hơn năm, thằng bé con nhà cô mới sáu tuổi, suốt tối ngày lang thang chơi ở nhà ông bà nội gần đó.

-Lâu lắm mới thấy anh Hậu về chơi, đêm hôm qua sau lúc mấy người hàng xóm đưa bố anh đi bệnh viện, nghe nói ông cụ gặp ma, em sợ quá, cả đêm cứ ôm chặt thằng cu con mà cũng không ngủ được. Ông đã đỡ chưa hả anh?

-Ông khốt-ta-bít nhà anh tuổi già, thần hồn nát thần tính, bỗng dưng dở chứng, nhìn đâu cũng thấy ma. Anh ở đây từ bé đến giờ, làm gì có ma quỷ. Chỉ có chuyện, mấy đôi trai gái người trong xóm đến tuổi dậy thì yêu đương, nhiều đêm chúng đưa người tình vào hành lang tối, đứng tâm sự, ôm ấp tới khuya rồi đạp mái, kêu chóp chép cả đêm. Thằng chồng nhà em ít ra cũng đã lôi tới dăm ba đứa con gái vào cái xó tối ấy rồi, em là đứa cuối cùng đúng không?

Hậu A ka cười sồn sột, phả khói thuốc mù mịt vào mặt cô hàng xóm. Má cô nàng đỏ dậy một màu lơi lả:

-Anh mới là vô địch “thần điêu đại hiếp” ở cái hành lang tối xóm mình. Em từng chứng kiến cả chục đứa con gái theo anh vào trong đấy suốt gần chục năm qua. Nhưng không em nào ở được với anh à, thật tội nghiệp, già đến nơi rồi mà vẫn là trai chưa vợ, ca bài ca cô độc thần chưởng quanh năm!

Nhìn vào đôi mắt cá diếc liếc tình của cô nàng, Hậu Aka thấy mình cứ cà giật, cà giật. Nó đắm đuối ngắm vuốt thân hình mòng mọng của gái một con như muốn lột trần cô. Chỉ vào cuốn sách đọc giở, đặt trên đùi cô hàng xén, nó hỏi:

-Em chăm đọc sách nhỉ, truyện ngôn tình gì đấy?

-Đây là tập truyện ngắn của nhà văn “khủng” Huy Nguyễn, anh hàng xóm bên kia đường vừa cho em mượn bảo thế, anh đọc quyển này chưa?

-Lạ gì, cha này viết văn thì thôi rồi, nhất là các đoạn trai gái tình tang, đọc dậy mùi thủ dâm lắm!

Vừa nói, Hậu Aka vừa đưa tay lật mấy trang sách, kỳ thực là nó đặt tay lên cặp đùi nóng rực của cô hàng xén và mơn man. Cô ngước mắt nhìn xung quanh, không thấy người qua lại, nên cứ để yên cho Hậu A ka sờ sịt, nắn bóp.

-Em đọc chuyện này thấy ghê không? Một người đàn bà sống trong ngôi nhà u ám có tới năm thằng đàn ông bệnh hoạn thì đúng là địa ngục chứ còn gì nữa!

Cô hàng xóm mắt long lanh tình tứ nhìn nó. Hậu tiếp tục thủ thỉ:

-Anh đọc tới cái đoạn ông bố chồng bắc ghế nhìn trộm cô con dâu tắm truồng, đã không chịu nổi, lại đọc đến đoạn thằng em chồng lén hôn trộm rồi đòi ngủ với chị dâu thì anh chịu hết nổi. Cha nhà văn này là một tay loạn dâm mức thượng thừa, hắn nâng nghệ thuật thủ-dâm-chữ thành một phong văn độc nhất vô nhị, em hiểu không?

-Anh chẳng phải nhà văn, nhà báo mà am hiểu văn chương rành rẽ ghê nhỉ!

-Ngày xưa hồi còn đi học, anh là học sinh giỏi văn trường Bưởi đấy nhé, từng được giải văn thành phố chứ không phải đùa đâu.

Nó vừa cợt nhả vừa thộp tay vào ngực áo cô.

-Cẩn thận không có người nhìn thấy đấy anh!

Cô ra hiệu cho Hậu rồi kéo mấy chiếc áo đang bày bán sang một bên, nhằm che khuất chiếc bóng đèn điện đang rọi vào bàn tay nghịch ngợm của thằng đàn ông dâm đãng đang mân mê ngực áo người đàn bà xa chồng.

Trời bỗng đổ mưa to, Hậu giúp cô dọn hàng và tranh thủ hôn mấy cái chùn chụt lên đôi má dậy tình của cô gái. Thoáng thấy một đôi tình nhân vừa đi khuất vào hẻm tối, cô chỉ tay nói:

-Con bé nhà bà bún ốc, bún thang đấy, mới sắp hết cấp ba mà đêm nào cũng thấy thậm thụt với giai, có hôm chúng đánh chịn với nhau đến hai, ba giờ sáng chưa chịu về anh à!

Khi cô hàng xóm vừa dọn xong cửa hàng, Hậu A ka ôm nghiến lấy cô nàng, dúi ngay vào tường, kéo quần xuống. Cô van vỉ đẩy ra:

– Giờ này không được đâu anh, thằng cu bé nhà em sắp được ông nội đưa về. Ông bà ấy mà chiếu sao quả tạ thì em chỉ có cách bán xới khỏi cái cửa hàng này thôi, mẹ con em biết sống bằng gì, thôi để khi khác, anh nhé, thiếu gì lúc!

Hậu vội buông cô ra và dặn:

-Khoảng nửa đêm, dỗ cho thằng bé ngủ xong, em sang nhà anh chơi nhé, anh bảo chuyện này… hay lắm, anh để hé cửa, không khép, tắt đèn, em cứ đẩy cửa vào, anh chờ đấy.

Cô gật đầu, mắt ngước lên đong đưa. Hậu Aka lại loẹt quẹt đôi guốc mộc đi vào hẻm. Vừa may, thằng cu con nhà nàng được cả bà nội, ông nội đưa về, đang bí bô hỏi mẹ. Sau khi chồng bị bắt về tội mua bán ma tuý, hơn năm nay, hai mẹ con cô cứ thui thủi một mình trong căn buồng lạnh lẽo. Ông bà nội ở với anh con cả, cách đấy mấy nhà, vẫn thường sang thăm nom hai mẹ con.

Con hẻm tối bề ngang hơn mét, chạy sâu hút dăm chục mét, tối khuya nào cũng có vài đôi đứng đánh chịn. Nghe tiếng guốc gỗ của Hậu, bọn họ tạm rời nhau, chừa ra một lối đi nhỏ. Vào đến nhà, Hậu cởi quần áo, vắt lên thành ghế, đánh mỗi chiếc quần đùi, lăn ra tấm phản gỗ lim đen bóng vì mồ hôi dầu của hai bố con nhà hắn. Nằm được lúc, Hậu mò dậy, móc màn, tắt đèn, bật chiếc quạt trần cánh gỗ, rồi đốt thuốc, để hé cửa, chờ gái.

Đêm vào sâu, chỉ còn nghe thấy tiếng chuột kêu lít chít chạy dọc con hẻm tối, tiếng muỗi đói kêu vo ve và tiếng cánh quạt trần cũ kỹ quay kèn kẹt. Hậu Aka chờ gái đến mấy tiếng đồng hồ mà chưa thấy gì, mắt nó buồn ngủ rũ xuống. Đúng vào lúc nó mơ màng chìm dần trong giấc ngủ thì chợt có tiếng đàn bà khẽ khàng bên cánh cửa:

-Anh Hậu ơi, anh hẹn bảo gì em đấy nhỉ?

Hậu bừng ngủ:

-Em vào đi, mang cả dép vào, đừng để ngoài cửa, hàng xóm họ biết.

Bóng một người đàn bà trườn vào từ ngách cửa. Một mùi thơm nhừa nhựa giống mùi thuốc phiện tỏa khắp buồng. Không lẽ cô nàng hàng xóm lại nghiện thứ này, có thể lắm bởi chồng là một tay buôn ma tuý có thâm niên ở phố cổ. Họ cuốn ngay lấy nhau. Lặng lẽ trong bóng đêm. Không ai nhìn thấy ai. Chỉ có thân thể trần trụi nói lời đắm đuối của thân xác đói khát. Trong đời trai phiêu bạt giang hồ của mình, chưa bao giờ Hậu Aka gặp phải một người đàn bà nồng cháy mê ly đến thế. Nàng là một con sông thì đúng hơn khi sóng tình cứ lai láng trào ra ngập ngụa, khiến cho Hậu đôi lúc có cảm giác nghẹt thở như sắp chết đuối.

Là một tay đàn ông mạnh mẽ đến thế mà Hậu cảm thấy mình trong những khoảnh khắc ấy chỉ là một con rệp yếu đuối và bất lực. Trong bóng đêm nhầy nhụa mùi thuốc phiện, người đàn bà ấy như một con nhện cái vĩ đại, dằn cái ngực lép kẹp của con rệp đực ốm o xuống trong cơn cuồng dục. Hậu Aka chìm nghỉm vào cơn sướng mê man như muốn tắt thở trong vòng tay bạo dâm của người đàn bà ấy. Anh ta đành phó mặc thân xác mình cho cuộc truy hoan không thấy mặt nhau với người đàn bà hừng hực ái tình ấy. Hình như nàng bị đói tình, khát tình từ lâu lắm rồi và nàng đến từ một thế giới khác chứ không phải thế giới này. Hậu cảm thấy thế và có lúc muốn chuồi ra khỏi vòng tay âu yếm xiết chặt của nàng mà không sao thoát ra nổi. Anh ta thấy mình bị vắt kiệt hết tinh lực, sức lực và chặng cuối của cuộc truy hoan rùng rợn ấy, Hậu chỉ còn thoi thóp như một cái xác không hồn.

Hậu Aka thấy mình như ngất đi lúc gần sáng. Lúc tỉnh dậy, anh ta không thấy người đàn bà ấy đâu nữa. Vào phòng vệ sinh, nhìn trong gương, Hậu không nhận nổi ra mình nữa, một gương mặt già nua thiểu não, rộc rạc, bợt bạc không còn sinh khí. Hậu rửa mặt, đánh răng cả tiếng đồng hồ, rồi tắm rửa, kỳ cọ cả tiếng nữa để gột cho sạch cái mùi đàn bà dâm dật và mùi thuốc phiện đã ám vào da thịt anh suốt đêm qua. Tới 9 giờ, Hậu mới khoá cửa buồng, ra ngoài ăn sáng. Anh ta ghé vào ngôi nhà mặt tiền đầu hẻm tối, định bụng hỏi xem cô nàng hàng xóm đa tình đêm hôm qua có thấy mê man, sung sướng giống anh ta không. Thật lạ, khi chạm mặt nhau, cô nàng tỏ ra khá bối rối và ngấp ngứ mãi mới thốt lên lời:

-Em xin lỗi, đêm qua mẹ chồng em ngủ lại với cháu nội, ba người chung một giường, em không sao thoát ra được. Thôi để hôm khác anh nhé, đừng giận em đấy. Sao anh lại nhìn em với ánh mắt xa lạ đến thế?

Hậu Aka choáng váng, bước gần lại nàng và im lặng hít hà. Một mùi da thịt đàn bà thật gần gũi ấm áp, dễ chịu khác hẳn với mùi da thịt người đàn bà đêm hôm qua đã lẻn vào căn buồng của hắn. Hậu choàng tay ôm lấy nàng và đặt nụ hôn lên bờ môi dịu ấm ấy. Một mùi vị ngọt ngào thấm đẫm chất người và nồng nàn tình người. Hậu Aka buông nàng ra và thờ thẫn, chân nam đá chân xiêu, dẹo dọ đi tới quán phở Thìn bờ hồ với ý nghĩ chợt loé lên: “Hoá ra, đêm qua mình ngủ với một con ma nữ đói tình. Kinh khủng thật, chắc chỉ vài đêm là nó khiêng mình ra nghĩa địa. Ông già khối-ta-bít nhà mình nói không sai, căn buồng ấy giờ là căn buồng ma”. Vừa trệu trạo cố nuốt hết bát phở tái gầu, Hậu vừa cười gằn: “Đêm nay, ông mang con lê A ka về ngủ lại căn buồng ấy, xem có con ma nữ nào dám lẻn vào nữa không?”.

Phải sau mấy ngày nằm bẹp giường, Hậu Aka mới hồi lại sức sau đêm bị con ma nữ vắt kiệt sức hôm về thăm nhà. Chiều hôm ấy, sau khi ra quán làm bữa rượu thịt chó giải đen xả láng với đám bạn du thủ du thực, Hậu Aka say ngất ngưởng, dắt con lê vào lưng áo, khật khưỡng trở về căn nhà nằm sâu hút trong khu phố cổ.

Đi cùng hắn là một thằng đàn em trong băng “xí thùng”. Hậu rủ thằng này về ngủ đêm với lời mời đầy hấp dẫn: “Tao vừa chim được một con bé chanh cốm vừa xinh vừa rất máu giai, trông đầy dâm đãng, đêm nay tao rủ nó tới nhà để xem con nhỏ này chịu chơi tới đâu. Đêm hôm trước , nó quần tao một trận sướng đến bủn rủn cả tứ chi, mấy ngày không dậy được”. Thằng đàn em cười te tái: “Ông anh yên tâm, trên đường về mình rẽ qua mấy con mẹ bán đồ kích dục ở vỉa hè đầu phố Hàng Chiếu, mua mấy cái mắt dê lông rậm có đính vài viên bi, đeo vào mà tẩn thì con đượi kia chỉ chịu được một lúc rồi phải lạy như tế sao xin anh em mình tha thôi!”. Nghe đàn em nói thế, Hậu Aka khoái chí, bụng bảo dạ:”Đêm nay, bố mày cho con ma nữ biết mặt”.

Khi hai cậu cả say líu ríu mò về tới nhà thì trời cũng nhá nhem tối. Để thằng đàn em nằm quay đơ, ngáy như bò rống trên tấm phản ở góc buồng, Hậu Aka loẹt quẹt đôi guốc ra đầu ngõ. Thấy hắn về, cô hàng xén nhà phía ngoài đong đưa: “Ông anh định bỏ của chạy lấy người hay sao mà đi mất tích mấy hôm liền thế?”. Hậu Aka cười gằn: “Anh đi có công chuyện bạn bè nhờ vả, thế thằng cu nhà em đâu, đã cơm cháo gì chưa?”. “Hôm nay ông bà nội đưa thằng cu nhà em lên nhà ông bác ăn giỗ, đến khuya mới về, anh à!”, cô nàng vừa nói vừa liếc đôi mắt lá dăm đầy tình tứ nhìn hắn. Hậu Aka bước luôn vào nhà, ngồi thụp xuống sau lưng cô hàng xén. Nàng cười rúc rích như chuột cắn khi thấy đôi bàn tay nóng dẫy của hắn luồn qua lưng áo ra phía ngực nàng, bóp lấy được. “Khẽ khẽ thôi anh kẻo đau em!”. Một lát sau, nàng đờ đẫn đến run rẩy khi bàn tay thô lỗ của Hậu Aka luồn xuống phía dưới.

Lúc ấy, trời đã sập tối từ lúc nào, cái bóng điện vàng ệch chỉ rọi một khoảng sáng con con trước cửa hiệu, còn bên trong nhà tối om. Hậu Aka tha hồ vần vò cô hàng xén. Nàng cũng thuận tình để anh chàng đầu gấu nhất xóm giở trò chim chuột. Từ ngày chồng đi tù, nàng thật lòng cũng thấy thèm mùi đàn ông. Hôn hít, mân mê một lúc lâu, thấy cô hàng xóm cứ mềm oặt người ra như chờ đợi, Hậu Aka xốc nàng dậy, ép vào cánh tủ đứng. Hắn bế thốc đôi mông nóng hổi của nàng lên. Cô hàng xóm ôm ghì lấy cổ hắn, môi ghì nghiến lấy môi, tưởng ngạt thở. Cánh tủ rung lên bần bật, chiếc tủ tưởng chừng sắp lăn kềnh. Vào đúng lúc cao trào nhất của cú làm tình, bỗng có tiếng trẻ con cuống quýt gọi mấy câu liền: “Mẹ ơi mẹ, con về rồi đây”. “Chết rồi, thằng cu nhà em về, bà nội nó đang đứng ngoài cửa!”. Nhanh như điện, kéo vội chiếc quần lụa lên, nàng mở luôn cánh cửa chiếc tủ đứng, ấn Hậu Aka vào bên trong, rồi chạy vội ra ngoài đón con. Bà nội thằng bé quàu quạu:” Cô làm gì mà lâu thế, thằng bé ăn cơm tối trên nhà bác rồi nhá, nó nô cả ngày với mấy anh chị trên bác, chưa rửa ráy gì đâu!”. Cô con dâu đon đả ngọt xoét: “Bà đưa cháu về bên nhà một lát, chờ con dọn hàng, tắm ù cái xong thì sang đón cháu, bà nhé!”. Bà cụ chép miệng cái ừ rồi đưa thằng bé về ngôi nhà cạnh đấy.

Trong lúc cô hàng xén dọn hàng, Hậu Aka muốn ngất trong ngăn tủ vì mùi băng phiến và mùi quần áo lưu cữu lâu ngày. Hắn đẩy bật cánh tủ, bước vội ra ngoài. Khi cô nàng vừa dọn xong cửa hàng, hắn khép luôn cửa nhà, chốt lại. Nhanh như chớp, hắn bế thốc nàng lên chiếc giường hàng ngày nàng vẫn nằm với đứa con trai và bà mẹ chồng. Chẳng nói chẳng rằng, hắn lột hết quần áo của nàng ra và chồm lên như một con gấu đực cục cằn. Trong cơn rồ dại ấy, nàng cũng chợt hú lên khe khẽ như một con gấu cái đang đói tình. Lại đúng vào cái lúc cao trào hào hứng nhất thì có tiếng gõ cửa. Giọng bà mẹ chồng lại eo éo:”Con ơi, con lấy cho mẹ lọ dầu gió, bố mày uống rượu về đang kêu lạnh, kêu mệt, lúc chiều mấy bố con nhà ông ấy ba say vẫn chưa chai nào đâu!”. Hậu Aka lại nhảy vội vào trong chiếc tủ đứng, khép lại im thít, còn nàng vội xỏ quần, xỏ áo ra mở cửa.

Sau khi lấy cho bà mẹ chồng lọ dầu gió, nàng đóng cửa lại. Thấy Hậu Aka mặt hớt hải, vùng vằng đòi về, nàng kéo tay lại: “Em ứ cho anh về, không có chuyện bỏ tình chạy thoát thân một mình đâu nhá”. Thế là đôi tình nhân lại sầm sập lên giường, lao vào cuộc mây mưa cho đến khi tiếng đập cửa thình thình vang lên vì thằng bé đòi về với mẹ. Hậu Aka lại lao đánh cái vù vào hốc tủ. Cô nàng lại xốc xếch áo quần chạy ra. May mà bà nội phải chăm sóc ông nội say rượu, không sang ngủ với cháu và cô con dâu, nên Hậu Aka được giải thoát. Lúc chia tay nhau, cô nàng vẫn nhắn nhe: ” Đêm nay, đợi thằng bé nhà em ngủ say, em sang với anh đấy, cứ để cửa chờ em nhá!”. Hậu Aka ừ ào cho qua chuyện, rồi loẹt quẹt đôi guốc mòn vẹt ra về. Lúc ấy đã mười giờ tối. Hắn còn lang thang ở quán chè chén gần đó, tào lao buôn chuyện với mấy thằng hàng xóm, tới gần nửa đêm mới về ngủ.

Khi mở cửa bước vào căn buồng hôi hám, tối tăm của gia đình mình, Hậu Aka chợt ngửi thấy mùi thơm nhừa nhựa, quyến rũ của thuốc phiện quyện với mùi da thịt đàn bà thiếu nắng. “Chết mẹ rồi, con ma nữ lẻn vào lúc nào mà chẳng ai hay”. Sau khi bật công tắc đèn, hắn giật bắn mình khi thấy trên tấm phản nhà mình, một đôi trai gái đang trong cơn động tình, cứ giật người lên cùng cục. Thằng đàn em của Hậu Aka nằm bẹp ở dưới, mắt đờ đẫn nhìn lên như đang cơn ngáo đá. Trên mình cậu ta là một ả dâm nữ tóc dài cả mét, mắt long lanh đầy nhục cảm. Hậu Aka tê tái người trước vẻ đẹp đầy sức quyến rũ thôi miên của cô ả này. Con bé đẹp mê hồn, dáng người đầy gợi cảm, da trắng mịn màng như lụa bạch, ngực tròn căng, mông nây nẩy, làn môi mọng ướt nhục cảm. Nhưng rồi, chuyện kinh hoàng đã xảy ra khi cô ả ma mỵ ngồi dận liên hồi trên bộ xương sườn lép kẹp của thằng đàn em Hậu Aka. Bỗng nó trợn mắt như người sắp tắt thở, máu tươi vọt ra đằng mồm, ngắc ngoải. Hậu Aka hét lên một tiếng, rút con lê giấu trong chiếc bao da ở lưng áo. Hắn vung lê đâm tán loạn. Cô ả ôm cánh tay máu, nhảy vọt ra cửa. Hậu Aka đuổi theo, mồm la lối, tay vung lê. Hắn đuổi cô nàng chạy dọc phố, rồi vấp vào chân cái cột đèn, lăn ra bất tỉnh. Lúc ấy, đã quá nửa đêm.

Bà con hàng phố chạy túa cả ra. Có người chép miệng: “Thằng Hậu Aka lại chơi ma túy ngáo đá rồi, cứ nhìn con mắt thất thần của nó thì biết”. Chuyện thật oái oăm, cô nàng bị Hậu Aka đuổi theo ngoài phố, đâm xuýt chết đêm ấy phải đưa vào viện cấp cứu, lại chính là cô nàng bán hàng xén ở đầu ngõ nhà hắn. Khi tỉnh dậy trong đồn công an để ghi lời khai, Hậu Aka cứ nhất quyết một mực nói rằng hắn đâm một con ma nữ trong căn buồng của gia đình hắn để cứu thằng bạn thân khỏi bị “con ma nữ đói tình hiếp đến chết”. Khi công an triệu tập thằng đàn em của Hậu Aka tới cho đối chất, thằng này khai đêm ấy uống rượu ngủ say như chết chẳng biết gì, trong túi còn nguyên hai chiếc mắt dê. Hậu Aka đập trán vào bàn, không tin nổi. Công an cho hắn vào viện, gặp con “ma nữ” bị hắn đâm. Nhìn thấy cô em hàng xén băng bó đầy mình, Hậu Aka rống lên như bị cắt tiết rồi bưng mặt khóc: “Giời ơi! Sao lại ra nông nỗi này hả em, anh đâm con ma nữ chứ có đâm em đâu”. May mà sau đó, cô gái được cứu sống. Còn Hậu Aka lãnh án 10 năm tù vì tội đâm người thành thương trong trạng thái tâm thần hoảng loạn do bị “ngáo đá” vì ma túy…

[…]

11

Nhật ký chiến trận ở vùng “Lò vôi thế kỷ” Vị Xuyên

Sau chiến tranh chống chống Mỹ, anh được cử đi học Trường sĩ quan lục quân ở Sơn Tây, tạm biệt những cánh rừng Trường Sơn khói lửa bom đạn khốc liệt gắn liền với bao kỷ niệm không thể nào quên của đời lính. Anh còn nhớ mãi mối tình ở trạm quân y dã chiến trong một đêm trăng nơi rừng thẳm, và người con gái ở cái binh trạm bí ẩn với hình ảnh bảng lảng nửa hư, nửa thực trong lớp sương mờ ảo vọng của ký ức. Ngoảnh nhìn dĩ vãng, anh cũng thấy hằn lên sự ám ảnh về những câu chuyện đầy chất thác loạn, ma mỵ trong cuộc đời lính trận đầy thăng trầm của tay trung úy biệt kích Sài Gòn bị đơn vị anh bắt sống ở rừng Trường Sơn. Nhưng anh cũng không ngờ, số phận thật trớ trêu và trái đất thật là tròn, bảy năm sau đó, anh và tay trung úy biệt kích này lại chạm mặt nhau lần nữa trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc chống quân xâm lược bành trướng Trung Quốc, lúc ấy hai người ở cùng một chiến tuyến. Vừa tốt nghiệp trường sĩ quan lục quân, anh được điều ngay lên một đơn vị trực chiến ở biên giới Hà Giang, lúc ấy viên trung úy biệt kích cũng đang lao động cải tạo ở một trại tù nằm sát vùng biên ải này.

    Trong mấy năm liền lăn lộn sống chết ở vùng tọa độ lửa Vị Xuyên, anh ghi xương, khắc cốt những tháng ngày kinh hoàng khi đại đội của anh được phân công chốt giữ, bảo vệ cái hang đá vôi trên một  sườn núi  trong cuộc chiến chống quân bành trướng Trung Quốc ở biên giới Hà Giang. Ở cái hang ấy, trong suốt mấy năm liền, trạm phẫu thuật tiền phương đã hoạt động hết công suất sau những trận chiến đẫm máu giữa ta và địch. Sau mỗi trận đánh, thương binh, tử sĩ được các nhóm tải thương chuyển về nhiều vô kể. Anh từng choáng váng đến tê dại trước cảnh các y, bác sĩ hì hụi cắt từng đoạn xương chân, xương tay của những người lính bị thương rồi ném kình kịch vào mấy cái thùng đặt quanh chiếc bàn mổ dã chiến. Mùi máu, mùi xương thịt bị hoại thư bốc lên nồng nặc trong cái ngách hang ngột ngạt tử khí. Có ngày hết cả thuốc gây mê và gây tê, đám quân y sĩ đành phẫu thuật sống đồng đội.  Đành phải nghiến răng cắt chân, cắt tay anh em bị thương trong tiếng la hét đau đớn đến thấu trời, thấu đất. Không cắt thì chiến binh sẽ chết bởi vết thương nhiễm độc khi trúng mìn, trúng pháo của địch. Dẫu có giải thích như vậy, nhưng nhìn gương mặt đau đớn ngất lên, ngất xuống của đồng đội, các quân y sĩ cũng cảm thấy xót xa đến cùng tận. Cảnh tượng ấy khiến anh nhiều khi cũng không chịu nổi. Lúc đó, anh lẩm bẩm:”Sẽ đến lúc bọn đao phủ Tầu này tìm đến hỏi thăm ta. Nhưng không, nếu bị thương vào tay, ta sẽ dùng dao tự chặt cánh tay của mình theo kiểu một cậu đại đội trưởng bị thương trên một cao điểm ở Vị Xuyên, nói với mấy người lính đang tái nhợt vì hốt hoảng “Chặt cánh tay này cho tớ, vứt ngay vào nồi nấu cháo, được bữa tươi đấy”. Cái thằng cha đại trưởng gan lỳ ấy tên là Thạch, đến giờ vẫn sống nhăn, thế mới tài, anh bất giác nhớ lại.
Trong cuộc đời trận mạc của mình, anh đã trải qua những năm dài chiến đấu ác liệt ở chiến trường chống Mỹ, rồi đến giờ là Vị Xuyên, Hà Giang. Cuộc đời lính trận của anh đã qua bao lần chết hụt khi đối mặt với tử thần bom đạn. Anh còn nhớ đơn vị tân binh của anh, một nửa là sinh viên hành quân đi B vào chiến trường phía Nam. Lần đầu ra trận, các tân binh ở đơn vị này thiếu kinh nghiệm trận mạc, tuy được các cán bộ nhắc nhở nhiều lần nhưng họ rất lười đào công sự. Và hậu quả lớn đã xảy ra, khi đơn vị hành quân đến ga Tuyên Hóa, Quảng Bình các chiến sĩ xuống tàu, đến trú quân ở một địa bàn khá trống trải. Do không chịu đào hầm, đào công sự để tránh trú theo yêu cầu của cấp trên, khi máy bay Mỹ tới ném bom, đã có 11 chiến sĩ hy sinh ngay trên mặt đất. Và đây chính là bài học xương máu đầu tiên cho người lính khi đi vào chiến trường. Cũng từ bài học này, hơn chục năm sau ở chiến trường biên giới Vị Xuyên, anh luôn luôn đốc thúc các chiến binh của mình cần phải chú trọng trước tiên đến vẫn đề hầm hào khi chốt giữ ở các cao điểm dưới làn mưa pháo suốt ngày đêm của quân thù.

Trận chiến Vị Xuyên trên biên giới phía Bắc Việt Nam vào năm 1984 được các nhà quân sự trong và ngoài nước đánh giá là một trong số ít trận chiến pháo binh lịch sử đẫm máu và ác liệt nhất trong chiến tranh thế giới. Và đối với anh, một cựu binh có mặt trong trận chiến này, ký ức đau thương vẫn luôn rỉ máu khi nhớ về những đồng đội đã ngã xuống trong cuộc chiến khốc liệt ấy và những trang nhật ký ở mặt trận biên giới vẫn luôn thao thức nỗi đau thương mất mát không gì bù đắp nổi.

Giai đoạn 1979-1984

Trong ký ức của anh, cuộc chiến ở Hà Giang kéo dài 10 năm 1979-1989, chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất từ tháng 2 đến tháng 3/1979, ở địa bàn Hà Giang, quân Trung Quốc đánh nhỏ nhưng đánh sớm ở địa bàn Lao Chải, Mèo Vạc với quy mô cấp trung đoàn. Sau đó, Trung Quốc tiến hành chiến tranh phá hoại nhiều mặt ở Hà Giang. Giai đoạn hai: Lúc đó, đất nước ta ở vào giai đoạn nghèo khó, gian khổ, đường vận chuyển viện trợ bột mỳ từ Liên Xô qua Trung Quốc sang cho ta bị chúng cắt, nên bộ đội phải ăn bo bo, dân vùng cao cũng đói khổ, phía Trung Quốc tuồn hàng tâm lý sang để phá hoại về kinh tế, chính trị, tiến hành móc nối, xây dựng cơ sở ngầm, chính quyền “hai mặt” vừa làm cho ta, vừa làm cho địch.

Về quân sự, Trung Quốc tiến hành gặm nhấm, lấn chiếm các điểm cao có lợi cho họ. Hiệp định Pháp- Thanh từ xưa ký về biên giới Việt-Trung đã công nhận lấy đường phân thủy làm ranh giới, phía Việt Nam có lợi thế hơn vì hầu hết các điểm cao thiên nhiên đều thuộc về ta. Do vậy, quân Trung Quốc âm mưu tiến hành lấn chiếm các điểm cao như 1992 ở Xín Mần và một số vùng khác dọc biên giới. Tại Hà Giang, họ lấn các điểm cao Lão Sơn (1509), Giả Âm Sơn (núi Bạc), Miêu Hoàng Sơn (1902), Phìn Lò (1387)…để làm bàn đạp quân sự. Những năm đó, tỉnh Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang) chủ trương đưa dân về tuyến sau, tổ chức lại dân cư biên giới, xây dựng các xã biên giới thành 3 tuyến: tuyến trực tiếp chiến đấu, tuyến vừa sản xuất vừa chiến đấu và tuyến sản xuất.

Đầu năm 1984

Anh nhớ rất rõ, vào khoảng tháng 4/1984 , các loại pháo của quân đội Trung Quốc từ bên kia biên giới bất ngờ bắn dữ dội sang các các dãy núi đối diện thuộc lãnh thổ Việt Nam ở địa bàn huyện Vị Xuyên, Hà Giang suốt ngày, suốt đêm. Họ bắn pháo gần một tháng liên tục, bắn như đổ đạn đi. Có người nói đây là số đạn pháo sản xuất từ nhiều năm trước, đang lưu cữu trong các kho đạn ở 9 đại quân khu khắp Trung Quốc, sắp đến hạn phải thanh lý, bỏ đi nên họ vận chuyển ra biên giới, bắn lấy được, bắn không cần tính đếm. Lại có người cười cợt, thấy thương hại cho người dân khốn khổ của Trung Quốc quá thể. Họ đã bị chết đói mấy chục triệu người trong Đại cách mạng văn hoá vì thiếu lương thực, thiếu cái ăn đến mức một số vùng, một số gia đình sắp chết đói cả nhà phải “ăn thịt cả trẻ con”. Nay, đến thời “Đại nhảy vọt”, đám dân đen lại bị chính quyền kích động, lùa lên biên giới đánh nhau chí chết trong những trận đánh “biển người”, nhằm đánh cho Việt Nam biết thế nào là “Quốc uy của nước Trung Hoa” lắm người, nhiều vũ khí. Cứ tính sơ sơ, mỗi quả đạn pháo trị giá bằng 100 cân gạo, trong gần một tháng chúng bắn sang Vị Xuyên 12.000 đạn pháo tương đương bằng việc chúng đốt bỏ 12 triệu cân gạo.” Vậy là bọn Tầu ô sắp chết đói rục mặt như hồi cách mạng văn hoá rồi đới!”, có người lính chép miệng.
     Tuy có nhiều ý kiến ngoài lề như vậy, nhưng với một người lính dày dạn trận mạc như anh lại rất cẩn trọng khi cho rằng, trước khi bắn pháo theo kiểu “biển đạn”như vậy, quân xâm lược Trung Quốc đã tính toán khá kỹ. Đấy là từ việc, họ rút ra bài học kinh nghiệm xương máu từ trước đấy 5 năm, trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam dọc 6 tỉnh biên giới phía Bắc năm 1979, họ đã áp dụng chiến thuật “biển người” trong tấn công, đánh không tiếc máu xương lính trận, và đã phải nhận một thất bại khá nặng nề sau một tháng giao chiến với các cánh quân địa phương và bộ đội chủ lực của Việt Nam. Trong 5 năm ấy, vùng biên giới Hà Giang chỉ diễn ra vài trận đánh nhỏ lẻ của quân Trung Quốc ở huyện Mèo Vạc và Lao Chải.

Tháng 2/1984

Lần này, chọn Hà Giang làm trọng điểm tấn công chính, quân xâm lược Trung Quốc kết hợp chiến dịch “biển người” với “biển đạn” nhằm lấn sâu vào đất Việt Nam 5 km nhằm mục tiêu vẽ lại đường biên giới. Anh bồi hồi nhớ lại mốc thời gian của những trận đánh đẫm máu trên đất Vị Xuyên ngày ấy. Quân Trung Quốc bắn pháo từ ngày 2/4/1984 đến ngày 28/4/1984, bắn xối xả 26 ngày liền vào toàn bộ các điểm cao ta đang trấn giữ trên các dãy núi cao nhất ở tuyến biên giới Hà Giang. Thật kinh khủng, có lẽ trên thế giới, qua cả hai cuộc đại chiến, chưa có trận đánh pháo nào ác liệt, ghê gớm đến vậy. Bọn Tầu bắn pháo theo kiểu “lý thuyết ô vuông”, chúng tính toán xem quả núi này dài, rộng bao nhiêu mét vuông và bao nhiêu mét khối đá, mỗi mét cần phải bao nhiêu lượng thuốc nổ để phá hủy. Từ đấy chúng tính ra số đạn pháo cần phải bắn, và dàn pháo trận huy động từ các quân khu lên tới cả ngàn khẩu pháo đủ các loại, sẽ thực thi việc bắn cho đủ khối lượng thuốc nổ để san bằng các dãy núi biên cương của Việt Nam. Anh đã mục sở thị, đạn pháo của bọn Tầu đã bạt nhiều ngọn núi ở Vị Xuyên tới ba mét độ cao. Sau gần một tháng chúng pháo kích, các dãy núi đá phía bên Việt Nam bị bóc trắng những mảng lớn, màu xanh cây cỏ biến mất, đá núi biến thành đá vôi và địa danh “Lò vôi thế kỷ” được lính ta đặt tên cho những ngọn núi ấy.
Phải sống trong vùng “Lò vôi thế kỷ” này chắc chắn là một cực hình đối với người lính. Chỉ nguyên việc một tháng liền nằm trong tầm pháo bắn của địch, phải chịu đựng tiếng nổ, chịu đựng sức ép của thuốc nổ, chịu đựng sự tra tấn căng thẳng đến tột cùng về mặt thần kinh mà người lính trận năm ấy không hoá điên cũng là một chuyện phi thường. Cả tháng giời không ra được suối tắm, cả một tháng ăn lông, ở lỗ trong hầm hào, trong các hốc đá, các chiến binh hoá người rừng cũng là chuyện bình thường khi tóc, râu họ dài bết bát, người ngợm hôi hám kinh khủng. Trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt ấy, sức chịu đựng gian khổ của con người đã lên tới đỉnh điểm.

Ngày 28/4/1984

Sau một tháng pháo kích không ngơi nghỉ, quân xâm lược Trung Quốc ào ạt tấn công các điểm cao dọc biên giới Vị Xuyên. Ngày hôm đó, chúng bắn gần một vạn viên đạn pháo lên các cao điểm này với chiến thuật “biển người”-“biển đạn”. Sau các loạt pháo bắn có tính hủy diệt, bộ binh xung phong lên chiếm chốt. Chúng bắn pháo thật ở phía sau để lùa quân lính xông lên chí chết và bắn pháo giấy ở phía trước hàng quân tiến công. Điều bất ngờ, pháo định vẫn bắn trùm lên chốt trong khi lính chúng tấn công. Chiến sĩ ta không biết đấy là loại pháo giấy không sát thương mà cứ nghĩ là chúng bắn pháo thật nên vẫn ngồi trong hầm hào tránh pháo. Do vậy khi địch xâm nhập vào sâu trận địa thì ta mới phát hiện được. Lúc đó, trận giáp chiến bằng súng bộ binh và lựu đạn diễn ra rất ác liệt trên từng đoạn chiến hào, từng mỏm đá, từng ngách hầm. Bộ đội Việt Nam kháng cự quyết liệt nhưng vì địch quân quá đông cùng với hỏa lực mạnh nên ta đành phải vừa đánh vừa rút xuống phòng ngự ở các cao điểm phía dưới, để chờ quân ta tiếp viện. Đến buổi chiều hôm đó, hai trung đoàn bộ binh Trung Quốc đã chiếm được một số cao điểm trọng yếu ở chiến tuyến Vị Xuyên như:1509, 772, 685, 400, 300 và 233, trong đó có đỉnh 1509 (phía Trung Quốc gọi là Lão Sơn) rất quan trọng, vì từ đây chúng có thể kiểm soát, khống chế các ngọn đồi phía dưới.
    Đêm hôm đó, trong cách quân của tiểu đoàn 3, sư đoàn 313, anh được lệnh đưa các chiến sĩ của mình lên giáp chiến ở đỉnh cao 1509. Là người lính có kinh nghiệm chiến trường, anh được cấp chỉ huy giao cho nhiệm vụ có thể coi như “bất khả thi”này. Trong có một ngày phản kích, tiểu đoàn của anh chỉ còn lại 64 tay súng. “Cuộc chiến này khốc liệt hơn cả cuộc chiến tranh chống Mỹ mà chúng ta vừa trải qua, nhưng với vai trò của người lính, chúng ta phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ từng tấc đất biên cương, dẫu phải hy sinh”, anh động viên đồng đội của mình, những người lính còn rất trẻ của mình.

Đêm ấy đội hình chiến đấu của đơn vị anh hành tiến hàng dọc. Để khỏi lạc nhau trong đêm, mỗi chiến sĩ đều cài một khúc củi mục có ánh lân tinh phía sau ba lô. Lối mòn xuyên qua các vách đá cheo leo dẫn lên đỉnh 1509 là lối mòn tử thần. Với lợi thế trên cao, quân địch bố trí các dàn hỏa tiễn 20 nòng, 40 nòng và pháo, cối hạng nặng sẵn sàng dội lửa xuống bất kỳ điểm nghi vấn nào phía dưới nếu phát hiện được. Dọc lối mòn lên điểm cao, chiến sĩ ta vừa đi vừa phải dò mìn, đề phòng địch giăng bẫy. Bóng đêm giấu đi đội hình của họ nhưng cũng giấu trong lòng nó bao nỗi hiểm nguy, bất trắc. Khi lên tới cao độ 1100-1200m, chợt có tiếng động khả nghi phía trước, nhóm chiến sĩ do anh chỉ huy phải dừng lại nghe ngóng. Sau một hồi thăm dò, họ nhận ra đấy là một trung đội của đại đội 7 sư đoàn 313 chốt trên đỉnh cao 1509 tưởng chừng đã bị xoá sổ ngày 28/4/1984 trong trận giáp chiến với quân xâm lược Trung Quốc. Sau trận giáp chiến với địch, trung đội này đã rút xuống phòng ngự ở bình độ phía dưới. Hai đơn vị sáp nhập với nhau và các chiến sĩ lại lặng lẽ tiếp cận lên đỉnh 1509. Do đường dây thông tin liên lạc hữu tuyến bị đứt và liên lạc vô tuyến không được, nhóm chiến sĩ này không biết đã có lệnh của cấp trên yêu cầu họ rút xuống để bảo toàn lực lượng và tổ chức phòng ngự phía dưới. Vì thế mũi tiến công vẫn được triển khai. Họ không ngờ trong đêm, quân địch vẫn đang dàn trận mai phục ở chính các chiến hào cũ của quân ta mà họ vừa chiếm được. Địch quân đã rải lên mặt hào một lớp cây xanh ngụy trang để giăng bẫy. Một trung đội trưởng của ta là anh Phúc đi đầu dẫm phải lớp cây đó, gây ra tiếng động lớn khiến mũi tiến công bị lộ. Đại liên của địch bắn xuống xối xả, anh Phúc và anh Lễ hy sinh ngay trên đoạn chiến hào giáp điểm cao 1509. Pháo binh và hỏa tiễn của địch dập xuống đỏ rực trời đêm và chúng phản kích xuống. Nhóm chiến sĩ do anh chỉ huy phải rút xuống cầm cự với địch ở cao độ 1100m. Thi thể hai chiến sĩ hy sinh ta không lấy được vì nằm trên cao điểm địch chiếm giữ và hoả lực của địch rất mạnh.

Ngày 12-7-1984

Tiếp theo là trận đánh cảm tử “long trời lở đất” ngày 12-7-1984 tại chiến trường Vị Xuyên. Ngày ấy sư đoàn 356 đánh cao điểm 772 và 233; sư đoàn 316 đánh các cao điểm 300 và 400. Trong trận đánh này, quân địch ở trên cao điểm 1509 và các bình độ trên cao khi phát hiện các hướng tấn công của quân ta ở phía dưới, đã huy động pháo binh tập trung bắn xuống, quân ta không có hầm hào phòng ngự, phải đánh ào lên trong thế bị lộ, bị động trước hỏa lực mạnh của địch nên đã hy sinh tới 595 chiến sĩ Sư đoàn 356 và khoảng 200 chiến sĩ Sư đoàn 316. Thương binh, tử sĩ đem xuống phía dưới quá đông, nằm chật Hang Lò, Hang Dơi và rải dọc đường quốc lộ từ km 6 về thị xã Hà Giang. Nhiều thương binh phải cắt chân, cắt tay “sống” ngay trong hang khi hết thuốc gây mê, gây tê là những ám ảnh với người lính đến tận sau này.

Sau trận đánh đẫm máu đó, bộ đội ta được lệnh chuyển sang đánh phòng ngự, giữ các cao điểm phía dưới, không cho địch lấn xuống, 6 tháng thay quân một lần, ban ngày thì đánh địch phản kích từ trên cao xuống, ban đêm thì vận chuyển lương thực, vũ khí. Các chiến sĩ giữ chốt ban ngày phải nằm hầm đối mặt với đạn pháo, đạn bắn tỉa và các cuộc tập kích nhỏ, lẻ của địch. Còn các chiến sĩ vận chuyển cũng rất vất vả khi phải thức trắng đêm vận chuyển đạn, lương thực, đồ hộp, cơm nắm, mỳ tôm, gạo sấy, nước uống… cho anh em trên chốt. Lính thay phiên nhau, không giữ chốt thì xuống làm vận chuyển.

Tiếp theo, những trận đánh giành giật từng cao điểm ở vùng “Lò vôi thế kỷ” trên dãy núi Vị Xuyên đã làm hao tổn binh lực của cả hai bên. Phía quân Trung Quốc, một số sĩ quan chỉ huy của họ cũng phải kinh hoàng và thán phục trước ý chí quật cường, coi cái chết nhẹ như lông hồng của người lính Việt Nam. Có trận đánh, chỉ huy tiểu đoàn hy sinh, chỉ huy đại đội hy sinh, nhưng bộ đội Việt Nam vẫn giữ vững đội hình chiến đấu theo phương án tác chiến được vạch ra trước đó và những người lính này quyết chiến đến người cuối cùng, đến hơi thở cuối cùng. Có những trận giáp chiến, đánh gần bằng lưỡi lê và dao găm, những người lính cảm tử Việt Nam dẫu bị thương vẫn lao vào ôm chặt lấy địch, lao xuống vực sâu cả hai cùng chết. Có một tiểu đoàn trưởng của chúng ta bị thương nặng vào hai chân, vẫn lao vào chiến địa, vừa xả súng vừa kích nổ toàn bộ số lựu đạn mang trên người, khiến địch quân hoảng loạn. Những trận chiến sục sôi căm thù và đẫm máu ấy vẫn còn hằn dấu trong ký ức những người lính trận còn sống sót qua tháng năm lửa đạn ngút trời ở vùng “Lò vôi thế kỷ” trên đất Vị Xuyên đau thương ngày ấy.

Giai đoạn 1984-1989

Giai đoạn ba bắt đầu từ đầu năm 1984, chủ trương của Trung Quốc là lấn sâu sang đất biên giới của Việt Nam ở Hà Tuyên 5 km với mục đích vẽ lại đường biên giới, lấn chiếm một số vùng Hồ Bảng, A Tẻo của huyện Hoàng Su Phì, ở huyện Vị Xuyên thì lấn chiếm Lão Sơn (điểm cao 1509) lấy đến bình độ 1.100m và phía bắc suối Thanh Thủy. Huyện Yên Minh, họ lấn chiếm điểm cao 958 và lấn chiếm một số vùng của huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. Phía chúng ta đã biết chủ trương lấn chiếm của họ và vạch kế hoạch để bảo vệ các vùng đất biên giới.

Đơn vị anh được cấp chỉ huy phổ biến, lần này, chọn Hà Giang làm trọng điểm tấn công chính, quân Trung Quốc kết hợp chiến dịch “biển người” và “biển đạn”. Để thực hiện chủ trương vẽ lại biên giới Hà Giang, năm 1984 Trung Quốc đã mở 2 chiến dịch cực kỳ lớn và một số chiến dịch khác. Chiến dịch thứ nhất là họ chủ trương đánh cho Việt Nam biết thế nào là “Quốc uy của CHND Trung Hoa” uy lực của nước lớn giàu mạnh, nhiều quân, nhiều vũ khí. Họ huy động lực lượng quân sự của 7 trên 9 đại quân khu của toàn Trung Quốc, luân phiên đánh lấn chiếm sang đất Hà Tuyên. Họ đánh theo kiểu biển người và hỏa lực bắn pháo theo lý thuyết ô vuông. Ví dụ như khi bắn pháo vào ngọn núi này, tính diện tích núi là bao nhiêu mét vuông, bao nhiêu mét khối cần một lượng nổ là bao nhiêu quả đạn pháo theo lý thuyết thì pháo cứ việc bắn cho đến hết khối lượng nổ đã tính toán cho mỗi mét vuông. Do vậy, có những quả núi đá giáp vùng biên giới bị đạn pháo Trung Quốc bắn sang, bóc sạch banh từng mảng rừng, còn trơ lại núi đá vôi nên lính ta đặt tên là “Lò vôi thế kỷ” để nhấn mạnh sự tàn khốc của cuộc chiến tranh biên giới ở Hà Giang.

Vì quân Trung Quốc bắn pháo theo kiểu hủy diệt như vậy nên lực lượng của chúng ta cũng bị thiệt hại. Một vị tướng của chúng ta chỉ huy mặt trận này đã nhận định: “Việc sư đoàn 356 mất 600 chiến sĩ trong trận phản kích điểm cao 772 ngày 12/7/1984 là rất bi thương. Tất nhiên tổn thất là đau khổ rồi, nhưng không đến mức không còn nhìn thấy gì nữa ngoài tổn thất xương máu của chiến sỹ. Phải nhìn toàn cục, cuộc chiến này, ta có tổn thất, có hy sinh nhưng ta có chiến thắng. Về mặt chủ trương, mới đầu ta đưa bộ đội phản kích chiếm lại các điểm cao đã mất, dùng lực lượng lớn để đánh hất địch ra với tư duy ngày xưa “Địch là phải yếu, ta là phải mạnh và đánh là phải thắng nên ta phải xông ào lên phản kích” nhưng không chiếm được các điểm cao ấy và bị tổn thất. Đây là tư duy cũ không còn hợp thời nên sau đó ta phải tìm ra cách đánh mới với tư duy quân sự mới. Có một điều, cuộc chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc không chỉ có máu và nước mắt và chúng ta phải tìm ra dũng khí để chiến đấu. Sau trận đầu thiệt hại chúng ta phải xốc lại ngay, tìm ra cách chuyển sang đánh lâu dài, chốt chặt các điểm cao đang giữ, đánh giặc lấn chiếm để giữ đất chứ không đấu pháo với giặc. Ta đưa bê tông cốt thép lên làm hầm hào tại các điểm chốt, khi quân Trung Quốc dùng chiến thuật biển người tiến công thì chiến sĩ ta chui vào hầm hào kiên cố để kháng cự và gọi pháo ta bắn trùm lên chốt để diệt địch, sau đó ta mới nhào ra đánh hất chúng xuống, rồi mở cửa nhân đạo cho địch lên lấy xác đồng bọn cho khỏi ô nhiễm môi trường. Cách đánh hay nữa là dùng lực lượng đặc công đánh hiểm, đánh nhanh vào cứ điểm quan trọng sau lưng địch. Đây chính là chiến thuật chốt chặt, giữ đất biên giới ở Vị Xuyên rất hiệu quả vào những năm ấy”.

Chiến dịch thứ hai của Trung Quốc mở ra ở mặt trận Vị Xuyên là họ chủ trương đánh cho Việt Nam biết thế nào là “Quân uy của CHND Trung Hoa” (đánh kiểu quốc uy không được giờ chuyển sang đánh kiểu quân uy!?) với sự tham chiến của các quân đoàn lớn của các quân khu Côn Minh và Thành Đô. Lính của quân khu Thành Đô khi xuất quân vào trận thường có chỉ huy đi đầu cầm cờ và lính thổi kèn đốc quân. Sau khi bắn pháo dữ dội vào chốt của ta thì bộ binh chúng xông lên, đạn cối giấy thì bắn phía trước đoàn quân để nghi binh, còn phía sau thì bắn cối thật để ép cho quân lính không thể lùi mà chỉ có xông lên phía trước. Trong các trận giáp chiến kiểu này, bộ đội ta trên chốt cứ nhằm B40, B41 vào mấy thằng cầm cờ và thổi kèn mà bắn trước, nên sau khi cờ, kèn bị tiêu diệt là địch quân bị tan rã và phải tháo lui. Điều quan trọng là chúng ta sau này đã áp dụng cách đánh rừng núi thật thuần thục và sáng tạo vì ở vùng núi đá này nếu đánh “lấn dũi” thì chỉ lấn được chứ không dũi được nên phải tận dụng các hang đá, hốc đá để đánh phản kích. Từ năm 1984-1989, các chiến dịch lớn của Trung Quốc định đánh sâu vào đất Việt Nam với ý đồ vẽ lại đường biên giới ở Hà Giang đã bị phá sản và đó là thắng lợi lớn của quân dân Việt Nam. Tất nhiên hy sinh, tổn thất trong chiến tranh cũng lớn nhưng chúng ta đã giữ được đất đai để sau khi bình thường hóa quan hệ giữa hai bên, Việt Nam và Trung Quốc đã ký hiệp ước phân định biên giới như ngày nay.

[…]

Comments are closed.