Mối thâm tình của Nguyễn Đình Chiểu dành cho “Quan Phan” Phan Thanh Giản (kỳ 2)

Winston Phan Đào Nguyên

BìaNDC (3)

Mối Thâm Tình Của Nguyễn Đình Chiểu Dành Cho “Quan Phan” Phan Thanh Giản

Kể từ khi Phan Thanh Giản tự tử và Pháp tiến chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ vào năm 1867, tất cả các nhà nho ở Nam Kỳ Lục Tỉnh đều tỏ lòng thương xót Kinh Lược Sứ Phan Thanh Giản, người mà họ thân mến gọi là “quan Phan”. Được biết đến như vị tiến sĩ khai khoa của đất Nam Kỳ, một vị quan trung trực thanh liêm và đặc biệt là thương dân hết mực, Phan Thanh Giản cũng chính là vị lãnh đạo thực thụ của người dân Nam Kỳ. Khi ông qua đời, rất nhiều thơ văn và câu đối từ khắp nước đã được gởi đến để điếu ông. Tất cả đều để ca ngợi con người mà sống cũng như chết đều nêu gương cho hậu thế. Và trong số thơ văn để điếu Phan Thanh Giản đó đương nhiên là có tác phẩm của ông tú tài Nguyễn Đình Chiểu tức Đồ Chiểu ở Ba Tri, người đồng châu với Phan Thanh Giản. Trong các thơ văn nói trên, hai bài thơ của ông Đồ Chiểu – một bằng chữ Nôm, một bằng chữ Hán – là hai bài được nhiều người ưa thích hơn hết.

Hai bài thơ đó như sau:

Bài chữ Nôm

Non nước tan tành, hệ bởi đâu

Dàu dàu mây bạc cõi Ngao-châu

Ba triều công-cán vài hàng sớ

Sáu tỉnh cương-thường một gánh thâu

Trạm bắc ngày chiều tin điệp vắng

Thành nam đêm quạnh tiếng quyên sầu

Minh-sanh chín chữ lòng son tạc

Trời đất từ đây mặc gió thu

Bài chữ Hán

Lịch sĩ tam triều độc khiết thân

Vi quân nan bảo nhứt phương dân

Long-hồ ninh phụ thơ sanh lão

Phụng các không qui học sĩ thần

Bỉnh tiết tằng lao, sanh Phú Bật

Tận trung hà hận, tử Trương Tuần

Hữu thiên! Lục-tỉnh tồn vong sự

An đắc thung-dung tựu nghĩa thần[1]

Hai bài thơ này đã luôn luôn được coi như tiêu biểu cho sự kính mến của các nhà nho Nam Kỳ đối với “quan Phan” Phan Thanh Giản, dưới ngòi bút luôn gây xúc động và đặc biệt điêu luyện về thể loại điếu tế của ông Đồ Chiểu. Nhưng cũng chính vì chúng được rất nhiều người ưa thích và truyền tụng rộng rãi, nên nhiều phiên bản khác nhau của hai bài thơ đã được lưu hành từ đó đến nay. Và ngay cả ai là tác giả của bài thơ Nôm cũng đã một thời tạo nên sóng gió trên văn đàn Việt Nam.

Bắt đầu từ năm 1909 với cuốn sách in Nam Kỳ Phong Tục Nhơn Vật Diễn Ca của ông Nguyễn Liên Phong, hai bài thơ nói trên đã được sao lục lại rất nhiều lần và truyền bá khắp nước. Năm 1926, một trong hai bài thơ này là bài thơ bằng chữ Nôm được nhà thơ Đông Hồ Lâm Tấn Phác sao lục và cho đăng trên Tạp Chí Nam Phong của Phạm Quỳnh. Năm 1927, ông Thái Hữu Võ cho in cả hai bài thơ trong cuốn Phan Thanh Giảng Truyện của ông. Đây cũng là cuốn sách nghiên cứu đầu tiên về Phan Thanh Giản bằng chữ Quốc Ngữ.

Một điều cần nói là trừ ông Thái Hữu Võ, các tài liệu kể trên đều lầm lẫn khi cho rằng bài thơ chữ Nôm là do chính Phan Thanh Giản làm. Do đó, vào năm 1933, nhà nghiên cứu Lê Thọ Xuân (tên thật Lê Văn Phúc), một người quen thân với ông Nguyễn Đình Chiêm (con trai của Nguyễn Đình Chiểu) đã lên tiếng đính chính, khi cho đăng lại cả hai bài thơ trên tờ Đồng Nai. Năm 1935, bà Mai Huỳnh Hoa, người cháu cố của Nguyễn Đình Chiểu, cũng đã xác định rằng Nguyễn Đình Chiểu mới là tác giả của bài thơ Nôm, trong một bài báo trên tờ Tân Văn.

Tuy vậy, điều sai lầm về tác giả như trên lại được lặp lại bởi ông Ngô Tất Tố trong cuốn Thi Văn Bình Chú trong thập niên 1940, khi ông cho rằng bài thơ Nôm là của Phan Thanh Giản. Vì vậy, ngay sau đó các nhà nghiên cứu như Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, Lê Thọ Xuân, và Trực Thần đã lên tiếng về vấn đề này trên tờ Tri Tân Tạp Chí của ông Nguyễn Văn Tố, rằng Nguyễn Đình Chiểu mới chính là tác giả. Nhưng vì sự sai lầm nói trên đã được lưu truyền quá lâu, cho nên đến tận ngày nay mà nhiều nhà nghiên cứu vẫn còn cho rằng bài thơ chữ Nôm là của Phan Thanh Giản chứ không phải của Nguyễn Đình Chiểu.

Và điều đáng nói là sự sai lầm đó lại không phải là vấn đề duy nhất về hai bài thơ điếu Phan Thanh Giản nói trên. Bởi mặc dù đã làm tốn rất nhiều giấy mực, sự ngộ nhận về tác giả vẫn không thể nào so sánh được với một vấn đề khác: sự cố tình hiểu lầm ý nghĩa của hai bài thơ, với ác ý bôi nhọ Phan Thanh Giản. Sự cố tình với ác ý bôi nhọ này đã được tạo ra vào thập niên 1970 ở miền Bắc, để tiếp nối chiến dịch đấu tố Phan Thanh Giản vào thập niên 1960 trên tờ Nghiên Cứu Lịch Sử. Và trong phiên tòa đấu tố đó, Phan Thanh Giản đã bị ông Viện Trưởng Viện Sử Học Trần Huy Liệu lên án bán nước, với bằng chứng duy nhất là câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”. Đây là tám chữ mà ông Trần Huy Liệu khẳng định, dù không bao giờ chứng minh, rằng đã được Trương Định cho đề lên trên lá cờ khởi nghĩa của mình.[2]

Mà đó là vì cũng như Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu đã được nhìn nhận là người Nam Kỳ yêu nước nhiệt thành, qua những câu thơ tuyên bố thái độ “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” của ông. Do đó, nếu như Trương Định đã từng lên án Phan Thanh Giản thì ông Đồ Chiểu không thể “sai lập trường” để đi ca tụng Phan Thanh Giản, người đã bị lên án bán nước và đầu hàng giặc. Mà ông cũng phải lên án Phan Thanh Giản như nhân dân và nghĩa quân Trương Định đã làm qua câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” nói trên.

Và thế là từ thập niên 1970 đến nay, hai bài thơ điếu Phan Thanh Giản của Nguyễn Đình Chiểu đã được rất nhiều tác giả đem ra “nghiên cứu”, nhưng thật sự là để bẻ cong bằng những giảng giải gượng ép, để biến chúng thành hai bài thơ phê phán Phan Thanh Giản. Khởi đầu là ông Trần Nghĩa với bài “Mấy Ý Kiến Về Công Tác Văn Bản Nhân Đọc Cuốn “Thơ Văn Nguyễn Đình Chiểu”, Tạp Chí Văn Học, số 4, 1972. Tiếp theo là bài của ông Trần Khuê, “Tìm Hiểu Hai Bài Thơ Điếu Phan Thanh Giản Của Nguyễn Đình Chiểu”, Tạp Chí Nghiên Cứu Lịch Sử, số 275, 1994. Và gần đây nhất là bài của bà Phạm Thị Hảo, “Viết Về Phan Thanh Giản Nhà Thơ Nguyễn Đình Chiểu Đã Dùng Bút Pháp Xuân Thu”, Tuần Báo Văn Nghệ TPHCM, 2017.

Với một mục đích như vậy, hai bài thơ của Nguyễn Đình Chiểu đã bị các tác giả nói trên xuyên tạc làm cho từ chỗ ngợi khen trở thành hai bài thơ chê trách Phan Thanh Giản. Mặc dù phần lớn những người có hiểu biết về lịch sử và văn học đều có thể nhận ra ngay sự cố ý xuyên tạc khi đọc những bài viết này, nhưng điều đáng nói là vẫn chưa thấy ai lên tiếng về sự cố tình với ác ý bôi nhọ ấy của các tác giả nói trên.

Hậu quả là cho đến tận ngày nay thì vẫn còn một số người luôn luôn sử dụng luận điệu xuyên tạc đó để cho rằng Nguyễn Đình Chiểu đã chê trách thay vì ngợi khen Phan Thanh Giản qua hai bài thơ. Thậm chí gần đây nhất, khi UNESCO chấp thuận kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Nguyễn Đình Chiểu như một danh nhân văn hóa thế giới vào tháng 11 năm 2021, một nhà báo tên Xuân Ba đã cảm thấy cần phải nhắc lại luận điệu nói trên, rằng Nguyễn Đình Chiểu chê trách chứ không phải ngợi khen Phan Thanh Giản qua hai bài thơ điếu ông. Mặc dù điều hiển nhiên là Phan Thanh Giản chẳng hề có liên hệ gì đến việc Nguyễn Đình Chiểu được UNESCO vinh danh cả, và mặc dù hai bài thơ trên cũng chẳng phải là những tác phẩm duy nhất hay tiêu biểu của Nguyễn Đình Chiểu.

Do đó, trong bài viết này, người viết sẽ trình bày sự hiểu biết của mình về hai bài thơ điếu Phan Thanh Giản của Nguyễn Đình Chiểu, sau khi tham khảo tất cả các tài liệu mới cũ về hai bài thơ đó. Hơn nữa, người viết sẽ sử dụng chính những thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu để cho thấy sự sai lầm và cố ý xuyên tạc của các tác giả nêu trên, khi họ ép buộc ông Đồ Chiểu phải lên án vị “quan Phan” mà ông vẫn hằng yêu mến và ngưỡng mộ.

I. Bối Cảnh Lịch Sử

Trước khi đi vào bài viết, xin trở lại với bối cảnh lịch sử Việt Nam tại Nam Kỳ vào thập niên 1860.

Năm 1861, liên quân Pháp-Tây Ban Nha đánh bại Nguyễn Tri Phương và quân đội nhà Nguyễn tại chiến lũy Chí Hòa ở Sài Gòn, rồi thừa thắng tiến chiếm cả ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ là Gia Định, Biên Hòa, Định Tường. Sau đó, họ tấn công và chiếm luôn tỉnh thành quan trọng nhất ở miền Tây Nam Kỳ là Vĩnh Long vào đầu năm 1862. Như vậy, nhà Nguyễn đã bị mất cả ba tỉnh miền Đông lẫn thủ phủ của ba tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, tổng cộng bốn tỉnh, vào năm 1862.

Phần vì quân đội yếu kém, phần vì tài chánh kiệt quệ, lại thêm mối lo vì cuộc nổi loạn của Lê Duy (Tạ Văn) Phụng ở Bắc Kỳ, nên vua Tự Đức đã cử hai vị đại thần là Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp vào Sài Gòn để đàm phán và ký kết hòa ước 1862 (Nhâm Tuất) với Pháp và Tây Ban Nha. Theo hòa ước này, nước Annam của nhà Nguyễn phải chịu mất ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho Pháp. Nhưng bù lại, họ sẽ được Pháp trả lại tỉnh thành Vĩnh Long, nếu nhà vua của nước Annam thực hành điều khoản thứ 11 của hòa ước là giải giáp và triệu hồi các đạo quân của nhà vua đang kháng chiến chống Pháp tại Gia Định và Định Tường.

Mặc dù hoàn toàn được sự đồng ý của vua Tự Đức – bởi chính nhà vua sau đó đã thỏa thuận tất cả mọi điều khoản của hòa ước 1862 – hai ông Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp lại phải đứng ra để lãnh hết tất cả những búa rìu dư luận thay cho nhà vua. Bởi vì họ chính là những người đã đại diện cho vua Tự Đức để thương thuyết và ký kết hòa ước 1862. Trong khi đó, vua Tự Đức dù đã đồng ý với hòa ước này và là người có quyền uy tối thượng, vẫn đổ hết tội làm mất ba tỉnh miền Đông cho hai ông Phan, Lâm. Còn trên thực tế thì liên quân Pháp-Tây đã dễ dàng đánh bại quân đội nhà Nguyễn trên chiến trường và lúc ấy đang chiếm đóng cả bốn tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long ở Nam Kỳ.

Rồi ngay sau đó thì vua Tự Đức đã “xử phạt” hai ông Phan, Lâm về “tội” ký kết hòa ước 1862 và cho hai ông lấy công chuộc tội, bằng cách xuống chức cho Phan Thanh Giản làm Tổng Đốc Vĩnh Long và Lâm Duy Hiệp làm tuần phủ tỉnh Bình Thuận, hai tỉnh giáp giới với ba tỉnh miền Đông mà nay đã thuộc Pháp. Nhưng trên thực tế thì hai ông Phan, Lâm lại một lần nữa được nhà vua giao cho một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn và tế nhị, là phải “tiếp thu” và “giải giáp” những lực lượng kháng chiến của các quan lại, sĩ phu ở ba tỉnh miền Đông, những lực lượng đã và đang tiếp tục cuộc chiến đấu chống Pháp sau khi quân Pháp phá vỡ chiến lũy Chí Hòa và chiếm các tỉnh miền Đông. Mục đích tối hậu của việc “giải giáp” này, mà thật sự là một nhiệm vụ còn khó khăn hơn việc “giải giáp” đó nữa, là để chứng tỏ cho người Pháp thấy rằng bên Việt đã thực hiện đúng như điều 11 của hòa ước 1862 yêu cầu, nhằm đòi hỏi Pháp phải trả lại tỉnh thành Vĩnh Long.

Nhờ chính sách ngoại giao thành công của Phan Thanh Giản, Pháp đã phải thực hiện điều số 11 của hòa uớc 1862 và trả lại tỉnh thành Vĩnh Long cho nhà Nguyễn vào đầu năm 1863. Liền sau thắng lợi về ngoại giao này của Phan Thanh Giản, vua Tự Đức tiếp tục giao cho ông một trọng trách ngoại giao kế tiếp: dẫn đầu một phái đoàn Annam qua Pháp để điều đình chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Việc chuộc đất rốt cuộc không thành vì Pháp không làm theo sự thỏa thuận của hai bên, nhưng vua Tự Đức lại một lần nữa ép buộc Phan Thanh Giản nhận làm Kinh Lược Sứ ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ, với hy vọng mong manh là có thể đối phó với Pháp bằng tài ngoại giao của Phan Thanh Giản. Bởi vì ba tỉnh miền Tây trên thực tế đã bị cắt rời ra khỏi vương quốc và bị cô lập từ năm 1862, khi Pháp chiếm được ba tỉnh miền Đông.

Năm 1867, trước áp lực nặng nề của quân đội Pháp và thế yếu quá rõ ràng của nhà Nguyễn ở ba tỉnh miền Tây, Phan Thanh Giản đã trao thành Vĩnh Long cho Pháp rồi uống thuốc độc tự tử – sau khi viết một tờ Di Sớ để nhận tội với, cũng như thay cho, vua Tự Đức.

Nhưng trước khi tự tử vào ngày 4 tháng 8 năm 1867, Phan Thanh Giản đã thực hiện được hai điều hệ trọng cho triều đình nhà Nguyễn, mặc dù và khi mà 3 tỉnh miền Tây đã bị mất vào tay Pháp. Đó là ông đã điều đình với Pháp để dùng số tiền gạo của ba tỉnh miền Tây mà khấu trừ đi một số tiền rất lớn là 1 triệu đồng bạc vào tổng số tiền mà nhà Nguyễn phải bồi thường cho Pháp theo hòa ước 1862. Hơn nữa, Phan Thanh Giản còn lấy lại được tất cả các châu báu vũ khí của ba tỉnh để gởi về Huế cho triều đình.

Điều này giải thích lý do tại sao Phan Thanh Giản đã không tự tử ngay sau khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây. Điều này cũng cho thấy vị thế và uy tín đặc biệt của Phan Thanh Giản đối với người Pháp, khi họ vẫn đồng ý cho ông khấu trừ tiền gạo vào số tiền bồi thường hằng năm, cũng như lấy lại số châu báu vũ khí của ba tỉnh, mặc dù trên thực tế thì họ đã chiếm xong ba tỉnh miền Tây bằng vũ lực và đoạt được số tiền gạo cũng như châu báu vũ khí tại đó rồi.

Về những sự việc nói trên, chính sử nhà Nguyễn là Đại Nam Thực Lục đã chép lại như sau:

Đinh Mão, Tự Đức năm thứ 20 [1867] (Đồng Trị nhà Thanh năm thứ 6),

Người Pháp bức lấy 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Lúc bấy giờ tướng Pháp đem rất nhiều binh thuyền đến bến sông tỉnh Vĩnh Long (ngày 19 tháng 5) sai người đưa thư mời quan Kinh lược là Phan Thanh Giản đến nói chuyện, (trong thư nói các ý năm trước nước ấy muốn nước ta nhường giao cho 3 tỉnh ấy, cho tình hoà hiếu lâu dài, nhưng nước ta có ý trở ngại, việc không được thành, nên người ở 6 tỉnh thường thường quấy rối, phải lập tức nhượng giao ngay, không thì quân đến dưới thành, có hại đến tình lân hiếu). Thanh Giản đến ngay thuyền nước ấy để cùng biện thuyết, vẫn không chịu nghe, bèn khuyên viên ấy chớ nhiễu hại nhân dân và tiền gạo hiện chứa ở trong kho vẫn do ta coi giữ, viên tướng ấy bằng lòng nghe, một lát trở về, thì quân Pháp liền 4 mặt vào thành rồi, tướng ấy lại sai quân chia đi 2 tỉnh An Giang, Hà Tiên, đi đến đâu cũng đại khái như thế (ngày 20 lấy An Giang, ngày 23 lấy Hà Tiên) rồi đem quan 3 tỉnh đều cho ở dinh Tổng đốc Vĩnh Long, lại phái tàu thuỷ đến cửa biển Thuận An báo để vua biết. Vua sai quan viện Cơ mật và nha Thương bạc viết thư để bàn và yêu cầu hộ tống quan 3 tỉnh ấy về Kinh, Phan Thanh Giản tự nghĩ không có công trạng gì, đã đem hiện số tiền gạo 3 tỉnh, chiểu khấu vào tiền bồi thường năm ấy 1.000.000 đồng bạc) liền đem mũ áo chầu và ấn triện làm sớ để lại nộp về. (Sớ nói : Nay đang lúc gặp vận bĩ, giặc nổi lên ở ngoài Kinh kỳ, yêu khí khắp biên giới, việc bờ cõi ở Nam Kỳ nay đến như thế, nhanh chóng có thể không thể ngăn được, tôi nghĩa nên chết không dám tạm sống, để hổ thẹn đến vua cha. Hoàng thượng rộng biết xưa nay, xét kỹ trị loạn, thân công hiền thần trong ngoài cùng lòng giúp đỡ, kính cẩn Trời, Phật, vỗ thương dân nghèo, lo trước tính sau, thay đổi đường lối, thế lực còn có thể làm được, tôi đến lúc sắp chết nghẹn lời không biết nói gì, chỉ ứa nước mắt trông về Kinh mà mến tiếc, mong muốn vô cùng mà thôi) rồi không ăn mà chết, còn các quan tỉnh, tướng ấy đều phái thuyền đưa về.”[3]

Trước khi tự tử, Phan Thanh Giản có viết lại cho con cháu về việc nên hay không nên làm lá minh tinh, tức là lá triệu hay lá phướn trong đám ma – trong một mảnh hoa tiên. Theo đó, ông viết rằng: “Minh tinh thỉnh tỉnh, nhược vô, ưng thư: Đại Nam hải nhai lão thư sinh tánh Phan chi cữu, diệc dĩ thử chi mộ”[4], có nghĩa là “Minh tinh xin bỏ, còn nếu không thì viết: Đại Nam hải nhai lão thư sinh tánh Phan chi cữu, mộ chôn cũng vậy”.

Sau khi cố gắng nhưng không thuyết phục được Phan Thanh Giản đừng quyên sinh, người Pháp đã đưa xác ông từ Vĩnh Long về quê hương ông ở làng Bảo Thạnh. Đám ma của Phan Thanh Giản được tổ chức trọng thể và có hàng vạn người đến đưa tang, trẻ già lớn bé thảy đều thương tiếc. Những câu thơ, câu đối, văn tế của các thân hào nhân sĩ khắp ba miền được gởi đến để bày tỏ lòng thương tiếc. Trong số đó, có hai bài thơ nổi bật của ông Tú Tài Nguyễn Đình Chiểu tức ông Đồ Chiểu ở Ba Tri.

Hai bài thơ này, vì được nhiều người yêu thích, nên đã được lưu truyền rộng rãi từ đó đến nay. Nhưng có lẽ cũng chính vì lý do đó mà hai bài thơ này đã có nhiều “dị bản”, hay đúng ra là nhiều phiên bản khác nhau.

Sau đây là một tóm lược về sự tích và những phiên bản của hai bài thơ.

II.

Các Phiên Bản Của Hai Bài Thơ Và Sự Ngộ Nhận Rằng Phan Thanh Giản Là Tác Giả Của Bài Thơ Chữ Nôm

Có lẽ hai bài thơ điếu Phan Thanh Giản của Nguyễn Đình Chiểu đã được phổ biến sớm nhất vào năm 1909 trong cuốn Nam Kỳ Phong Tục Nhơn Vật Diễn Ca của ông Nguyễn Liên Phong. Nhưng ông Nguyễn Liên Phong lại cho rằng bài thơ chữ Nôm là do Phan Thanh Giản làm, chứ không phải Nguyễn Đình Chiểu, vì ông viết rằng đó là “di thi” như sau:

clip_image002

“Mấy ai thời vụ kiển cơ

Minh sinh lời trối lảo thơ sanh đề

Hư nên đã liệu một bề

Thung dung tựu nghĩa hồn về non sông

Phải trang phẩm trọng nho tông

Trời soi ngay thảo tấm lòng chứng tri

Quấc ân (âm) nhứt thủ di thi

Muộn sầu chẳng xiếc (xiết) thảm bi không ngằn (ngần)”[5]

Và chính vì sự lầm lẫn đó của ông Nguyễn Liên Phong nên nhiều tác giả hay nhà nghiên cứu theo sau đã cho rằng bài thơ Nôm là do Phan Thanh Giản làm. Điển hình nhất là bài “Văn Uyển” về “Thơ Cũ Nam-Kỳ” do Đông Hồ Lâm Tấn Phác sao lục và đăng lại trên Tạp Chí Nam Phong của Phạm Quỳnh năm 1926. Trong đó, bài thơ chữ Nôm được gọi là “Thơ di-bút”:

clip_image004

“Thơ di-bút

Phan Thanh Giản

Non nước tan tành hệ bởi đâu

Một vùng mây bạc chốn ngao-châu

Ba triều công cán đôi hàng sớ

Sáu tỉnh cương thường một gánh thâu

Ải bắc ngày trông tin nhạn vắng

Thành nam đêm quạnh tiếng quyên sầu

Minh tinh chín chữ lòng CON tạc

Trời đất từ đây BẶT gió thu”[6]

Nhưng đến năm 1927, ông Thái-hữu-Vỏ (Thái Hữu Võ) cho ra đời cuốn Phan-Thanh-Giảng Truyện của ông, trong đó có in lại cả hai bài thơ. Và ông Thái Hữu Võ cho biết rằng cả hai bài này đều do Nguyễn Đình Chiểu làm, như sau:

“Lúc ấy, ông tú-tài Nguyễn-đình-Chiểu, ở tại chợ Ba-tri, làng An-bình-đông, có làm một bài thi quấc-âm điếu khóc Phan-công.

Thi rằng:

Non nước tan tành hệ bởi đâu,

Nguồi nguồi (ngùi ngùi) nhớ đến cỏi (cõi) ngao châu;

Ba triều công cáng (cán) vài hàng sớ,

Sáu tĩnh (tỉnh) cang (cương) thường một gánh thâu

Aĩ (ải) bắc ngày trông tin nhạn vắn (vắng)

Thành nam đêm quạnh tiếng quyên sầu;

Minh-sanh chín chử (chữ) lòng son tạc,

Trời đất từ đây bặc (bặt) gió thu

Giải nôm:

Minh-sanh chín chử (chữ), nghĩa là: Ngài là một vị Đại-thần quyền cao tước lớn, lại làm đến chức Kinh-lược Nam-kỳ; khi ngài bị thất ba tỉnh, thì ngài biết phải có tội với vua, nên ngài tự xử lấy ngài, một là ngài trã (trả) các tước phẩm lại cho triều đình, hai là ngài nhứt định tuyệt cốc mà tự-tử, bởi vậy ngài không cho để tước phẩm của ngài trên tấm Minh-sanh, ngài chỉ bảo để chín chử (chữ) mà thôi là: “Hải nhai lão thơ sanh tánh Phan chi cửu (cữu)”.

Và một bài thi chử (chữ) rằng:

Lịch sự tam triều độc khiết thân,

Vi quân thùy táng nhứt phương dân

Long-hồ uổng phụ thơ sanh lảo (lão)

Phụng-các không di (vi) học sử thần

Bỉnh tiếc tần lao sanh Phú-bậc,

Tận trung hà hận tử Trương-tuần;

Hữu thiên lục tỉnh tồn vong sự

Nang (nan) đắc thung dung tựu nghĩa thần

Dịch ra nôm;

Trải việc ba triều trọn sạch thân.

Không ông ai đở (đỡ) một phương dân;

Long-hồ uổng kẻ thơ sanh lảo (lão),

Phụng các không ai học sữ (sử) thần

Giữ tiết nhọc nhằn sống Phú-bậc (bật),

Hết trung nào giận thác Trương-tuần;

Có trời sáu tỉnh kia còn mất,

Khó đặng thung dung tựu nghĩa thần

Giải nghĩa:

Ông Phú-bậc (bật) là quan đời nhà Tống, ông Trương-tuần là quan đời nhà Đường, hai ông nầy là người trung nghĩa.”[7]

Dưới đây là hình chụp hai bài thơ trong cuốn Phan Thanh Giảng Truyện, trang 45-47:

clip_image006

clip_image008

Tuy đúng về việc tác giả của bài thơ Nôm là Nguyễn Đình Chiểu chứ không phải Phan Thanh Giản, nhưng ông Thái Hữu Võ lại chép sai hai bài thơ khá nhiều. Và có thể vì biết rằng phiên bản của mình không được chính xác, nên ông Thái Hữu Võ đã từng tìm đến ông Nguyễn Đình Chiêm là con trai của Nguyễn Đình Chiểu để minh xác về hai bài thơ trên. Thế nhưng vì một sự hiềm khích từ trước, ông Nguyễn Đình Chiêm đã từ chối không cung cấp phiên bản chính xác của ông cho ông Thái Hữu Võ. Ông Lê-Thọ-Xuân đã thuật lại câu chuyện về sự hiềm khích này như sau trong bài viết “Trả Cho Đồ Chiểu” trên tờ Tri Tân Tạp Chí:

Trong bài “Phan-thanh-Giản” tôi có viết: “Thi ca đối vãn về đám táng Cụ (Phan) không biết bao nhiêu mà kể, nhưng được nhiều người thuộc hơn hết là hai bài thơ của Cụ Đồ Chiểu… Chúng tôi nhờ ông Nguyễn-đình-Chiêm, con trai Cụ Đồ, sao lục cho hai bài ấy. Hai bài nầy đúng như hai bài của ông Trực-Thần đã chép, chỉ khác nhau có một chữ (mây) trắng và (mây) bạc.”

Tôi quả quyết bài thơ nôm đó là của Cụ Hối Trai vì chắc-chắn rằng còn ai thuộc nó hơn người ở vùng Ba-tri, chỗ cụ về ở dạy học đến ngày ôm bụng từ giã cõi trần.

Còn chắc hơn nữa là có giai thoại sau này, tôi xin tường thuật để các bạn thưởng giám.

Ngày 24 Mars 1934 là ngày làm lễ an-táng tiên nghiêm tôi vào lúc hai giờ chiều. Đường xa 17 cây số ngàn mà hồi hai giờ khuya bữa đó, ông Nguyễn-đình-Chiêm (con trai cụ Nguyễn-đình Chiểu) đã đến để cúng một tấm vãn và để chờ đưa tiên nghiêm tôi lên đường…. Cúng xong, ông trò chuyện cùng tôi cho tới sáng. Ông lớn hơn tôi 36 tuổi, coi tôi như bạn vong-niên, nhưng tôi đối với ông bao giờ cũng giữ lễ-phép vì tôi kính ông là hàng thầy học. Trong lúc chuyện trò, tôi có nói chiều bữa trước có vợ chồng ông Thái-hữu-Võ đến viếng tang. (Ông Thái là bạn thân của tiên-nghiêm tôi, trước có tặng tiên-nghiêm tôi một tấm hoành-phi khắc bốn chữ “Thiện giao cửu kính”. Rồi tôi nói ông Thái có soạn quyển “Phan-thanh-Giảng truyện” và in năm 1927, trong có nhiều tài liệu rất quý và cũng có hai bài thơ của cụ Đồ. Nghe tôi nói, ông Chiêm bỗng nhích miệng cười. Tôi hỏi: “Sao tiên-sanh lại cười?” Ông bèn thuật lại rằng khi ông Thái làm chủ quận Ba-tri, có Hương-cả làng Mỹ-chánh (làng ông Chiêm) đến hầu. Nhơn ông Thái nhắc chuyện cụ Đồ và nhắc đến ông Chiêm, ông Hương-cả tỏ lời khen ngợi văn tài của ông Chiêm, tác giả bổn tuồng danh tiếng “Phong-ba-đình” Ông Thái nói: “Nó là hậu sanh, chắc không thông lắm”. Câu nầy rồi tới tai ông Chiêm.

Về sau, khi đã về hưu, ông Thái lo soạn quyển “Phan-thanh-Giảng chuyện”. Chép đến lúc cụ Phan qua đời, ông nhớ đến hai bài thơ bất-hủ của Cụ Đồ Chiểu. Ông bèn đến làng Mỹ-chánh, đem hai bài thơ nầy đưa cho ông Chiêm coi. (Cứ theo “Phan-thanh Giảng truyện” thì thấy trong hai bài thơ này sai những 15 chữ, thêm bản chữ hán viết lầm lẫn hai chữ thần (bầy tôi) và thần (thần hồn). Ông Thái hỏi ông Chiêm xem có đúng không? Nhớ việc trước, ông Chiêm đáp: “Bẩm quan lớn, tôi là kẻ-hậu-sanh nên không thông lắm”.

Dẫu trả đòn đau, nhưng ông Chiêm không khỏi có tội với văn-học-sử nước nhà. Tuy vậy, “toà-án văn-chương” lại cho ông khỏi tội vì sau đó, ông đã đọc và sao-lục hai bài thơ ấy để giúp tài liệu cho ông Ph. v. H. (Phan Văn Hùm) và Lê-Thọ-Xuân.[8]

Như vậy, đúng như ông Lê Thọ Xuân cho biết, cuốn Phan-Thanh-Giảng Truyện của ông Thái Hữu Võ là một cuốn sách in, và trong đó có rất nhiều tài liệu rất quí, nhờ sự quen biết của ông với gia đình họ Phan. Do đó, mặc dù không chính xác, nhưng phiên bản như trên về hai bài thơ lại được phổ biến rộng rãi khắp nơi, phần lớn vì giá trị của sách.

Nhưng cũng chính vì phiên bản của ông Thái Hữu Võ có rất nhiều chữ sai nên ông Lê Thọ Xuân, như ông cho biết trong bài viết trên, đã cho đăng trên tờ Đồng Nai số đặc biệt 23-24, 15 Janvier – 1er Février 1933, phiên bản chính xác của hai bài thơ như sau:

“Lê Thọ Xuân

Danh Nhơn Nam Kỳ, Đồng Nai

Chúng tôi nhờ ông Nguyễn-đình-Chiêm, con trai cụ Đồ, sao lục cho hai bài ấy. Vậy xin đăng lên đây, mấy chữ in bằng chữ lớn là mấy chử (chữ) người ta hay dùng sai.

I – BÀI THI QUỐC-ÂM

Non nước tan tành hệ bởi đâu?

DÀU DÀU MÂY TRẮNG cõi Ngao châu

Ba triều công cán vài hàng sớ

Sáu tỉnh cang thường một gánh thâu

TRẠM bắc ngày CHIỀU tin ĐIỆP vắng

Thành nam đêm quạnh tiếng quyên sầu

Minh sanh chín chữ lòng son tạc

Trời đất từ đây MẶC gió thu

II – BÀI THI CHỮ HỚN

Lịch SĨ tam triều độc khiết thân

Vi quân NAN BẢO nhứt phương dân

Long-hồ NINH phụ thơ sanh lão

Phụng-cách không QUI học-sĩ thần

Bỉnh tiết TẰNG lao sanh Phú-Bật

Tận trung hà hận tử Trương-Tuần

Hữu thiên, lục tỉnh tồn vong NHỰT

AN đắc thung dung tựu nghĩa thần[9]

Dưới đây là hình chụp bài báo Danh Nhơn Nam Kỳ của ông Lê Thọ Xuân trên tờ Đồng Nai:

clip_image010

Như vậy, có thể thấy rằng đây chính là một phiên bản thuộc loại đáng tin cậy nhất, vì ông Lê Thọ Xuân đã hỏi tận nguồn gốc của hai bài thơ với người con trai còn sống của Nguyễn Đình Chiểu là ông Nguyễn Đình Chiêm để đưa ra như trên vào năm 1933.

Năm 1935, bà Mai Huỳnh Hoa là cháu ngoại của bà Sương Nguyệt Anh, tức cháu cố của Nguyễn Đình Chiểu, cho đăng bài “Tiểu Sử Cụ Đồ Chiểu” trên tờ Tân Văn Tuần Báo, Février 16, 1935. Trong đó, hai bài thơ trên được chép lại như sau:

“Non nước tan tành hệ bởi đâu

Dàu dàu mây bạc cõi Ngao Châu

Ba triều công cán vài hàng sớ

Sáu tỉnh cương thường một gánh thâu

Trạm Bắc ngày chiều tin điệp vắng

Thành Nam đêm quạnh tiếng quyên sầu

Minh sanh chín chữ lòng son tạc

Trời đất từ nay mặc gió thu

Và bài chữ Hán

Lịch SỰ tam triều độc khiết thân

Vi CÔNG nan bảo nhứt phương dân

Long Hồ ninh phụ thơ sanh lão

Phụng các không quy học sĩ thần

Bỉnh tiết tằng lao sanh Phú Bật

Tận trung hà hận tử Trương Tuần

Hữu thiên Lục tỉnh tồn vong sự

An đắc KHU KHU tựu nghĩa thần”[10]

Có thể thấy rằng phiên bản bài thơ chữ Nôm của bà Mai Huỳnh Hoa hoàn toàn giống với phiên bản của ông Lê Thọ Xuân, chỉ khác nhau ở chỗ mây “bạc” thay vì mây “trắng” trong câu thơ số hai.

Còn bản chữ Hán thì có khác nhiều hơn, như lịch “sự”, vi “công”, tồn vong “sự” và “khu khu” tựu nghĩa – thay vì lịch “sĩ”, vi “quân”, tồn vong “nhựt” và “thung dung” tựu nghĩa.

Dưới đây là hình chụp bài báo “Tiểu Sử Cụ Đồ Chiểu” trên tờ Tân Văn Tuần Báo của bà Mai Huỳnh Hoa:

clip_image012

Năm 1938, ông Phan Văn Hùm là chồng của bà Mai Huỳnh Hoa cho xuất bản cuốn Nỗi Lòng Đồ Chiểu lần thứ nhất. Cuốn sách này từng bị chính phủ thuộc địa cấm lưu hành. Nhưng sau khi ông Phan Văn Hùm qua đời, nó đã được bà Mai Huỳnh Hoa cho in lại lần thứ hai vào năm 1957, với chú thích là được “sửa chữa cẩn thận”.

Và phiên bản của hai bài thơ điếu Phan Thanh Giản trong cuốn sách này là phiên bản mà người viết nghĩ là chính xác nhất. Vì vậy, người viết đã sử dụng phiên bản đó trong phần giới thiệu, cũng như cho toàn thể bài viết này. Ngoài lý do bà Mai Huỳnh Hoa là con cháu trong nhà, còn có một lý do nữa là vì chồng bà, ông Phan Văn Hùm, chính là một học giả nghiêm cẩn với nhiều công trình nghiên cứu giá trị. Hơn nữa, có thể nói rằng ông là nhà nghiên cứu số 1 về Nguyễn Đình Chiểu từ trước đến nay. Ông chính là người đã sưu tầm và cho xuất bản những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Đình Chiểu như Ngư Tiều Vấn Đáp Y ThuậtDương Từ Hà Mậu.

Để xác định thêm rằng phiên bản của ông Phan Văn Hùm là phiên bản chính xác nhất, năm 1991 trong số 10 Báo Khoa Học Xã Hội, nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh cho biết có một phiên bản chép tay nữa của hai bài thơ trên:

“… hai bài thơ mang nhan đề [Điếu Đông các Đại học sĩ Phan công] trong [Thi văn hợp tập], một tài liệu Hán Nôm chép tay của gia đình Nguyễn Đình ở Bến Tre, hiện do chị Âu Dương Thị Yến cất giữ, đã cung cấp cho những người quan tâm đến vấn đề này một văn bản rất đáng lưu ý. Trong tài liệu nói trên, hai bài thơ này được chép giữa một số thơ văn điếu, tế của Nguyễn Đình Chiểu, bài chữ Hán trước, kế đến dòng chữ “Hựu quốc âm nhất thủ” và bài chữ Nôm.”[11]

Và ông Cao Tự Thanh cho biết thêm là tài liệu chép tay này cho thấy hai bài thơ giống như phiên bản trong Nỗi Lòng Đồ Chiểu của Phan Văn Hùm gần như hoàn toàn; chỉ khác ở vài chữ mà không ảnh hưởng đến ý nghĩa của hai bài thơ.

Tóm lại, có thể thấy rằng phiên bản của Phan Văn Hùm trong Nỗi Lòng Đồ Chiểu in lần thứ hai, do bà Mai Huỳnh Hoa sửa chữa cẩn thận vào năm 1957 là phiên bản chính xác nhất của hai bài thơ.

Xin chép lại phiên bản đó dưới đây:

Bài chữ Nôm

Non nước tan tành, hệ bởi đâu

Dàu dàu mây bạc cõi Ngao-châu

Ba triều công-cán vài hàng sớ

Sáu tỉnh cương-thường một gánh thâu

Trạm bắc ngày chiều tin điệp vắng

Thành nam đêm quạnh tiếng quyên sầu

Minh-sanh chín chữ lòng son tạc

Trời đất từ đây mặc gió thu

Bài chữ Hán

Lịch sĩ tam triều độc khiết thân

Vi quân nan bảo nhứt phương dân

Long-hồ ninh phụ thơ sanh lão

Phụng các không qui học sĩ thần

Bỉnh tiết tằng lao, sanh Phú Bật

Tận trung hà hận, tử Trương Tuần

Hữu thiên! Lục-tỉnh tồn vong sự

An đắc thung-dung tựu nghĩa thần

Như đã nói trong phần giới thiệu, hai bài thơ điếu Phan Thanh Giản đã tạo ra khá nhiều sóng gió trên văn đàn cả nước. Trong thập niên 1940, một nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng là ông Ngô Tất Tố, có lẽ vẫn còn dựa vào bài đăng trên Nam Phong của ông Lâm Tấn Phác, nên đã viết trong cuốn Thi Văn Bình Chú của ông rằng bài thơ Nôm là do Phan Thanh Giản làm, chứ không phải của Nguyễn Đình Chiểu..

Vì sự lầm lẫn này, ông Trực Thần đã viết một bài trên Tri Tân số 89, Avril 1943 với tựa đề “Bài Đường luật ấy phải chăng của cụ Phan-thanh-Giản?” để đính chính rằng bài thơ chữ Nôm là của Nguyễn Đình Chiểu chứ không phải của Phan Thanh Giản.

Tiếp theo, cũng trên tờ Tri Tân, học giả Nguyễn Văn Tố đã lên tiếng chỉnh sửa ông Ngô Tất Tố rất tận tình về cách ông Ngô nghiên cứu thơ văn Phan Thanh Giản, như sau:

“Những tập văn thơ của cụ Phan-thanh-Giản, ông Ngô Tất-Tố cũng chép thiếu và chép sai….

Còn những bài thơ nôm mà ông Ngô Tất-Tố sao lại sai-nhầm thiếu-sót thế nào, Tri Tân, số 89, 96 và 97, đã đăng rõ, tôi chỉ thí dụ bài Tuyệt mệnh thứ hai là bài của ông Nguyễn đình-Chiểu (tác giả quyển Lục-vân-Tiên), mà ông Ngô Tất-Tố chép là của cụ Phan-thanh-Giản! Bài thơ ấy có chữ Ngao-châu là tên bãi chỗ cụ ở, thế mà ông Ngô Tất-Tố “chú dẫn” là “cõi của cá ngao, chỉ về những xứ loạn lạc”! Lại có câu “Minh tinh chín chữ”, ông Ngô Tất-Tố “chú dẫn” chỉ viết có bảy chữ, là “Hải nhai lão thư sinh chi cữu”, dẫn cả chữ nho, cũng chỉ có bảy chữ! Có lẽ ông Ngô Tất-Tố đếm kiểu Chiêu Hổ Xuân-hương! Chín chữ ấy, người ta có tìm thấy trong di-bút của cụ Phan-thanh-Giản như sau này: “Minh tinh thỉnh tỉnh, nhược vô, ưng thơ: ‘Đại-Nam hải nhai lão thư sinh tính Phan chi cữu’, diệc dĩ thử chi mộ”. Nghĩa là “minh tinh xin bỏ, nếu không chịu bỏ, thì nên viết thế này “Cái cữu của người học-trò già, ở góc bể Đại Nam là họ Phan, mộ chí cũng đề như thế”. Sở dĩ gọi là chín chữ là tính từ chữ “Đại Nam hải nhai lão thư sinh tính Phan”. Cứ như thế là cụ dặn bỏ minh tinh, bất đắc dĩ hãy viết, chứ không phải như lời ông Ngô Tất-Tố nói cụ “tự tay viết sẵn chín chữ …để làm lòng minh tinh”.

Nói tóm lại, từ tiểu-truyện đến sao-lục văn thơ và chú-thích dẫn-giải, ông Ngô Tất-Tố đã làm rất dối-dá, đã không bổ ích gì, lại thêm hại nữa, vì nhầm lẫn nhiều quá, mà toàn là những chỗ hệ-trọng, như bài ông này sao cho ông kia, việc năm trước chép vào năm sau, tên đất nọ dẫn ra đất kia, v.v.![12]

Với bài viết trên, ông Ứng Hòe đã chẳng những minh xác rằng Nguyễn Đình Chiểu mới chính là tác giả của bài thơ Nôm, mà cũng đồng thời giải thích rõ ràng sự hiểu biết của ông về câu “Minh tinh chín chữ lòng son tạc” trong bài thơ Nôm.

Như vậy, qua những sách vở, bài viết nói trên trong suốt mấy mươi năm, hai bài thơ điếu Phan Thanh Giản của Nguyễn Đình Chiểu đã có một lịch sử khá ly kỳ và đã làm tốn khá nhiều giấy mực, từ đó đến giờ.

Nhưng tuy rằng phiên bản chính xác nhất của hai bài thơ đã có mặt từ lâu – sớm nhất là trong tờ Đồng Nai năm 1933 với bài báo của ông Lê Thọ Xuân, hay trễ nhất là trong tác phẩm Nỗi Lòng Đồ Chiểu của ông Phan Văn Hùm in lần thứ hai năm 1957 – nhưng đến giờ này thì những dị bản của hai bài thơ trên vẫn được lưu truyền. Nhất là khi chúng được đem ra để phục vụ cho mục đích chính trị nhằm giữ vững lập trường “yêu nước” của Nguyễn Đình Chiểu, và khi mà Phan Thanh Giản đã bị gán cho nhãn hiệu “bán nước” hay “mãi quốc” qua lá cờ khởi nghĩa của anh hùng Trương Định.

Việc sử dụng những phiên bản sai cũ nói trên trong mục đích bôi nhọ Phan Thanh Giản để nối tiếp chủ trương lên án nhân vật lịch sử này nhằm phục vụ mục tiêu chính trị có thể thấy được qua những bài viết điển hình sau đây trong các thập niên kế tiếp thập niên 1960, khi Phan Thanh Giản bị đem ra đấu tố trên tờ Nghiên Cứu Lịch Sử.


[1] Đây là phiên bản lấy trong: Phan Văn Hùm, Nỗi Lòng Đồ Chiểu, In Lần Thứ Hai, Nhà Xuất Bản Tân Việt, Sài Gòn 1957, pp. 51-52.

[2] Để biết rõ hơn về cuộc đấu tố Phan Thanh Giản này trên tờ Nghiên Cứu Lịch Sử, xin đọc “Phan Thanh Giản Và Vụ Án Phan Lâm Mãi Quốc, Triều Đình Khí Dân” của Winston Phan Đào Nguyên, Nhà Xuất Bản Nhân Ảnh 2021. https://app.box.com/s/bnfhc25c9folo172xozkv6f7oss9drjb

[3] Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Đệ Tứ Kỷ – Quyển XXXVI – Thực Lục Về Dực Tông Anh Hoàng Đế

[4] Xem phần sau khi người viết nói về bài của ông Trần Khuê

[5] Nguyễn Liên Phong, Nam Kỳ Phong Tục Nhơn Vật Diễn Ca, 1909, Cuốn Thứ Nhì, p. 71. Xin lưu ý rằng vì tôn trọng tài liệu, người viết sẽ giữ nguyên tất cả các lỗi chính tả trong nguyên văn của phần trích dẫn này, cũng như tất cả các trích dẫn khác trong bài viết. Phần in đậm là của người viết, cho thấy ông Nguyễn Liên Phong nghĩ rằng chính Phan Thanh Giản đã làm và lưu lại bài thơ chữ Nôm (quốc âm di thi) này. http://sach.nlv.gov.vn/sach/cgi-bin/sach?a=d&d=NFkRfeqYGa1909.2.1.5&e=——-vi-20–1–img-txIN——-

[6] Hà-tiên LÂM-TẤN-PHÁC sao-lục, Văn-Uyển, Thơ Cũ Nam-Kỳ, Nam Phong số 107, Juillet 1926, pp. 95-96. https://issuu.com/nvthuvien/docs/q19_qn_107-112_t107?mode=window&viewMode=doublePage.

Những chữ in hoa là của người viết, để cho thấy những chữ khác nổi bật trong phiên bản này so với phiên bản của Phan Văn Hùm trong Nỗi Lòng Đồ Chiểu. Cần biết là cho đến hôm nay, trang thivien.net vẫn còn cho đăng lại rằng bài thơ này do Phan Thanh Giản làm. https://www.thivien.net/Phan-Thanh-Gi%E1%BA%A3n/Di-b%C3%BAt/poem-z9U5sexKOiaRmygn18ipfA

[7] Thái-hữu-Vỏ. Phan-Thanh-Giảng Truyện. Sài Gòn, Nhà In Xưa-Nay, 1927, pp.45-47. Những chữ trong ngoặc đơn là do người viết viết lại theo đúng chính tả ngày nay.

[8] Lê Thọ Xuân, “Trả cho Đồ Chiểu”, Tri Tân, số 96, 1943

[9] Lê Thọ Xuân, “Danh Nhơn Nam Kỳ”, Đồng Nai số đặc biệt 23-24, 15 Janvier – 1er Février 1933

[10] Mai Huỳnh Hoa, “Tiểu Sử Cụ Đồ Chiểu”, Tân Văn Tuần Báo, Février 16, 1935. Những chữ in lớn là của người viết nhấn mạnh. https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k979930t/f3.item

[11] Cao Tự Thanh, “Góp Thêm Một Cách Hiểu Về Bài Thơ Điếu Phan Thanh Giản Bằng Chữ Hán Của Nguyễn Đình Chiểu”, Báo Khoa Học Xã Hội, Số 10, 1991, pp. 66-75

[12] Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, “Quyển Thi Văn Bình Chú” X, Tri Tân số 99, 10 Juin 1943, pp. 8-9.

Comments are closed.