Một lời kinh

Kiều Thị An Giang

Mình vẫn nhớ cảm xúc lần đầu tiên đọc Tướng về hưu. Hay đến rùng mình, cái hay của một thứ văn chương vừa ám ảnh vừa đột phá ngỡ ngàng. Anh bạn nghiên cứu sinh ngành kiến trúc của chồng mình thì bảo thích cô Thủy con dâu là bác sĩ trong truyện. Thủy vừa hiện đại, vừa xốc vác vừa lẳng mà ẩn đâu đó vẫn còn cái tâm. "Hôm nay nhà mình hầm chim bồ câu với tâm sen. Tâm đấy, ăn là trên hết". Những câu văn rờn rợn găm vào lòng người đọc những thập niên 80, như một ám ảnh mang tên thời cuộc.

Văn Thiệp hồi ấy như một nhát dao chém vào bầu trời văn học bàng bạc nước nhà. Nhân vật của ông không giàu sang vinh hiển trai xinh gái hot, cũng không bị ông tàn nhẫn đẩy xuống tận cùng của bi thống nhằm lấy nước mắt dễ dãi của độc giả, mà như những bức tượng đầy hồn cốt sừng sững trong lòng người đọc. Những ngọn gió Hua Tát, Chảy đi sông ơi, Không có vua… truyện nào cũng bằn bặt đau đời, đau tình, ngấu nỗi niềm thân phận. Thiệp như lên đồng chữ nghĩa, rút ruột rút gan mà viết. Rồi cũng đột ngột như thế, ông dừng, sau khi cho ra đời một số cái gọi là tác phẩm bệ rạc và nhạt nhẽo đến không ngờ.

Thiệp là một hiện tượng văn học. Không ai có thể phác họa chân dung xã hội Việt nam đầy sắc màu chỉ trong một Tướng về hưu như ông. Hình ảnh cô bác sĩ mỗi ngày đi làm đều mang theo phích đá để tha về một đống thai nhi tươi đành đạch, rồi sẽ dùng kéo cắt nhỏ xác người ấy ra nuôi đàn chó béc giê béo tốt, tố cáo tỉnh bơ cái xã hội vừa man rợ, vừa mông muội vừa cùng quẫn một thời. Trong Không có vua, thì ông bố góa vợ và một bầy 5 thằng con trai đua nhau rình cô con dâu trẻ tắm táp, rồi tuyên bố một câu xanh rờn, làm xây xẩm cả một thế hệ vì sự thật trần trụi: “Làm thằng đàn ông, chẳng nên xấu hổ vì cái con B..!"

Văn Thiệp ít thoại vì thoại chính là văn. Cái lối kể mà không kể, không biết nhà văn là nhân vật hay nhân vật là nhà văn, không một ranh giới hay một định hướng nào rằng sẽ thế này hay thế kia, như thể người viết đã tràn ứ ra rồi cứ thế cầm bay mà xúc chữ trát vào giấy, nó mới duyên, mới sống và ăm ắp nhựa đời đến mức không thể có một Nguyễn Huy Thiệp thứ hai, dù Thiệp phết Thiệp phẩy thì ăn theo cả đống.

Mình rời Việt Nam đúng lúc những năm "đầu đường đại tá bơm xe, cuối đường đại úy bán chè đỗ đen". Hình ảnh Việt Nam là một giấc mơ buồn bã mà yêu dấu đầy khắc khoải, trong đó, có những nhân vật của Thiệp. Sau nay mình vẫn còn đọc Thiệp khi đã ở Đức rất lâu.

Giờ đây, cha đẻ của Chảy đi sông ơi đã và đang nằm hôn mê, trong khi những người yêu mến và cả người nợ ông, đợi ngày ông thoát cảnh nợ đời thì vợ ông, đã không chịu nổi gánh nặng trần ai, đã buông ông mà đi trước.

Người đàn ông phải chôn vợ, đã là nghịch cảnh. Người đàn ông không được chôn vợ, mới thật là bất hạnh.

Trong truyện Không có vua, mình nhớ mãi một chi tiết. Lão Kiền, ông bố chồng vẫn cùng năm thằng con trai mất dạy rình trộm con dâu tắm, cuối đời bị một khối u to vật khiến ông đau đớn. Cả đàn con biểu quyết xem ai đồng ý để cho bố chết. Cuối cùng, người ta mời sư đến tụng kinh để cái tâm hồn đau khổ tội lỗi và cũng rất đương-nhiên-Người ấy sớm được siêu thoát. Ông thôi vật vã, ra đi thanh thản như một đặc ân từ thượng đế.

Mình bắt đầu để ý đến đạo Phật, đến sức mạnh của tôn giáo, niềm tin tâm linh từ lúc đó. Từ cái chi tiết vô cùng ẩn dụ mà nhỏ nhoi của truyện ngắn ấy.

Nhưng không biết khi đó, Nguyễn Huy Thiệp đã có dự cảm gì cho những trang cuối đời của chính mình buồn đến vậy. Hay vì dự cảm, ông mới viết như là bao nhiêu tinh hoa dồn hết cho một kiếp người.

Lại vẫn trong tác phẩm của ông, Không có vua, mô tả một gia đình vô luân, hỗn loạn, nhưng ẩn khuất sau đó vẫn là một thứ tình mà thế nào nhà văn cũng kín đáo đưa vào đằng sau những câu chữ lạnh lùng tàn nhẫn và cả nghiệt ngã nữa. Đó là lời cô con dâu tên Sinh, bông hoa non nớt như một chú cừu giữa những gã đàn ông đầy phần con thô lỗ: thương lắm!

Thương lắm. Sau cùng và trên hết thì vẫn còn tình thương. Nhờ nó mà xã hội tồn tại. Nhờ nó mà truyện của Nguyễn Huy Thiệp sống mãi. Sau những cái rùng mình bằn bặt nỗi niềm, người ta vẫn thẩm thấu được giọt tình đau đớn cô chắt nhỏ qua ngòi bút tưởng là thản nhiên của ông.

Sinh thời, nhiều truyện ngắn của ông đã dựng thành phim, thành kịch. Nhưng cuộc đời ông còn bi kịch hơn chính những gì ông đã viết.

Một lời kinh cho ông.

(Chi tiết vợ Nguyễn Huy Thiệp mất đọc qua fb Nguyễn Bảo Sinh, bạn thân của gia đình nhà văn).

image

 

Hình: minh họa truyện ngắn không có vua, họa sĩ Nguyễn Đình Đăng.

Comments are closed.