Nguồn gốc từ vựng Hán Việt: trao đổi về văn hóa, dân tộc Việt Nam với nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Hoành

Sông Hàn và nhóm Cổ Sử Từ Nguyên

NNC Nguyễn Hải Hoành vừa công bố bài viết “Vì sao tiếng Việt không cùng nguồn gốc với tiếng Hán?”. Bên cạnh những tán đồng với tác giả về quan hệ cội nguồn của tiếng Việt, mối liên kết của người Việt (Kinh) với văn hóa Bách Việt, chúng tôi nhận thấy cần trao đổi lại với tác giả về vấn đề từ vựng Hán Việt, cũng như các mệnh đề liên quan mà ông đề cập.

Sau phần lược sử nghiên cứu về Quan hệ cội nguồn của ngôn ngữ người Việt (Kinh), tác giả đưa ra mệnh đề: “Sáng kiến phiên âm chữ Hán thành từ Hán-Việt đã giúp người Việt thuận lợi tiếp nhận chữ Hán mà hoàn toàn không nói tiếng Hán, đồng thời làm cho kho từ vựng tiếng Việt có khả năng phát triển hầu như vô hạn. Đây là một thành tựu kiệt xuất về ngôn ngữ học của tổ tiên ta”. Dẫn lời Giáo sư Trần Trí Dõi, tác giả đi đến kết luận: “Như vậy thì cội nguồn văn hóa Việt Nam cũng không thể chung nguồn gốc với văn hóa Hán”. Thậm chí ông còn đi xa hơn khi mở vấn đề đến lịch sử hình thành dân tộc lên tới 20 ngàn năm.

Nhằm giúp vấn đề rõ ràng, gợi mở và cận khoa học hơn, chúng tôi trao đổi, phản biện với tác giả về những mệnh đề nói trên.

CỘI NGUỒN TỪ VỰNG HÁN VIỆT: KHI TƯỞNG TƯỢNG TRÀN ĐẦY

Trong bài viết của mình, tác giả Nguyễn Hải Hoành đưa ra nhận định: “Từ vựng Hán Việt là loại từ vựng do tổ tiên ta sáng tạo ra trong quá trình tiếp nhận chữ Hán” hay: “tổ tiên ta đã sáng tạo ra cách đọc chữ Hán theo âm tiếng Việt mà không đọc theo âm Hán, tức cách phiên âm chữ Hán thành từ Hán-Việt”. Về vấn đề này, chúng tôi phản biện lại tác giả Nguyễn Hải Hoành như sau.

Từ vựng Hán Việt không phải là sáng tạo của tổ tiên ta. Từ vựng ấy được hình thành bởi những người Hán tại Giao Châu – Annam (tức Việt Nam thời Hán Đường). Trong khi, tác giả Nguyễn Hải Hoành không đưa ra bất cứ một bằng chứng lịch sử nào để chứng minh cho nhận định của mình, thì có rất nhiều nhà Khoa học gạo cội trong lĩnh vực lịch sử và ngôn ngữ đã công nhận rằng cộng đồng Hán ngữ đó đã từng rất phồn vinh tại khu vực Châu thổ sông Hồng, sông Mã, sông Cả (1).

Li Tana trong “Vịnh Bắc Bộ cái nhìn xuyên lịch sử” cho biết: Từ Hàm Dương, Trường An kinh đô Tần – Hán – Đường thông qua Tần Lĩnh đạo, Hồ Nam (trong đó có sông Tương), Linh Cừ, cư dân Trung Nguyên được kết nối trực tiếp với vùng vịnh Bắc Bộ, biến nơi đây thành trung tâm kinh tế quan trọng (2). Cố GS Nguyễn Tài Cẩn trong Chương thứ II – Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt có trình bày cặn kẽ hoàn cảnh lịch sử đặt nền móng cho cách đọc Hán Việt. Ông cho biết có 3 yếu tố tác động trực tiếp tới việc hình thành từ vựng – cách đọc Hán Việt bao gồm: a) Di dân người Hán, (dân di cư tự do và được triều đình khuyến khích, tội đồ, quan lại và gia đình họ, binh lính số lượng hàng vạn…). b). Các yếu tố chính trị – số lượng quan lại ngày càng phình lớn bởi sự quan liêu hóa, …). c). Công cuộc phổ quát văn hóa Hán tại Giao Châu – An Nam (Việt Nam thuộc thời Hán Đường): Tích Quang, Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp, đặc biệt là triều Đường đã mở trường dạy chữ Hán ở Giao Châu (3). GS Trần Quốc Bảo trong chuyên luận “Tầm quan trọng của di dân Trung Nguyên trong thời đại nhà Đường đối với sự phát triển của Annam” cũng có những nhận định tương đồng với Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn về dòng di cư của người ngôn ngữ và văn hóa Hán vào khu vực nay là miền bắc Việt Nam (4).

Như vậy, ít nhất chúng ta sẽ thừa nhận với nhau rằng, từ vựng cách đọc Hán Việt được sở hữu đầu tiên bởi những người nói ngôn ngữ Hán tại Việt Nam thời Hán Đường. Cộng đồng ấy tiếp tục tồn tại và khẳng định được vị thế của mình trong nửa đầu thiên niên kỷ II tại Đại Việt. Điều này được chứng minh bởi sự trỗi dậy của họ Khúc ở Hồng Châu (có gốc Khúc Ấp đất Tấn). Năm 906, bằng việc xưng Tiết Độ Sứ, Khúc Thừa Dụ đã đặt nền móng cho nền tự chủ quốc gia. Trần Lãm, sứ quân giữ Bố Hải Khẩu đến từ Quảng Đông, từ nhiều sứ quân ở Châu thổ Sông Hồng như trường hợp ba anh em họ Nguyễn.

Nhưng chưa hết, chúng ta có những tư liệu cho thấy nhà Lý là một gia tộc tới từ đất Mân (5), nhà Trần đến từ đất Mân (6), lưu ý rằng đến thế kỷ thứ 9, 10, người Mân đã nói một phương ngữ của tiếng Hán gọi là Mân ngữ. Chúng ta sợ mình lạc bước Hoa tâm luận, lo sợ Trung Quốc “phụng quyến Việt Nam lãng tử hồi đầu” (7) thì người xưa không nghĩ nhiều như vậy. Con người có quyền và đủ khả năng đi xa để… “mưu cầu hạnh phúc”. Chính điều này đã tạo cho thành Thăng Long một nền văn hóa khác biệt với những cư dân vùng rìa. Người Thăng Long coi những cư dân ấy là Man, là Liêu Di, Từ kinh thành họ đã phóng ra hàng chục cuộc tấn công vào các thế lực bản địa xứ khi họ “ương ngạnh không tuân giáo hóa”.

Quay trở lại nguồn gốc từ vựng Hán Đường, chúng tôi tán đồng với quan điểm của John Phan rằng từ vựng này có gốc từ phương ngữ Hán Trung Cổ tại Annam. Từ thiên niên kỷ thứ II, cộng đồng nói ngôn ngữ ấy dần chuyển ngữ sang ngôn ngữ proto Việt Mường (Language shift), đóng góp toàn bộ quỹ từ vựng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình (8). Trải qua hàng thế kỷ, tại Châu thổ sông Hồng một phương ngữ mới ra đời. Như vậy, nhận định của tác giả Nguyễn Hải Hoành về nguồn gốc cách đọc Hán Việt chỉ chính xác với một số phương ngữ Mường, không chính xác với ngôn ngữ người Kinh. Người Việt không có sáng kiến nào về việc đọc chữ Hán theo tiếng Việt cả. Sở dĩ phát âm Hán Việt khác với tiếng Hán hiện đại là do quá trình phát triển của ngôn ngữ (language change) và sự tương tác, hòa nhuyễn giữa hai khối ngôn ngữ proto Việt Mường và Hán Annam Trung Cổ mà thôi.

PHỤC NGUYÊN TỪ VỰNG HÁN VIỆT, SO SÁNH VỚI CÁC PHƯƠNG NGỮ LIÊN QUAN: MỘT THAO TÁC KỸ THUẬT CẦN THIẾT

Tác giả Nguyễn Hải Hoành có lẽ đã để xúc cảm dẫn dắt ngòi bút của mình. Ông viết bằng trực giác mách bảo, bằng việc ông cảm thấy thế là đúng, là logic, hoặc là hợp xu thế chăng? Ông đưa ra mệnh đề: “Tóm lại sáng kiến phiên âm chữ Hán thành từ Hán-Việt đã giúp người Việt thuận lợi tiếp nhận chữ Hán mà hoàn toàn không nói tiếng Hán, đồng thời làm cho kho từ vựng tiếng Việt có khả năng phát triển hầu như vô hạn. Đây là một thành tựu kiệt xuất về ngôn ngữ học của tổ tiên ta”.

Chứng minh cho mệnh đề này, ông có những lập luận, so sánh mà chúng tôi cho rằng thiếu chính xác về phát âm của từ vựng Hán Việt. Trích: “… “文 tiếng Hán đọc “uấn”, ta đọc tiếng Việt là “văn” hay“… 学习 tiếng Quảng Đông đọc “hoọc chập”, từ Hán-Việt là “học tập”, tuy rằng tiếng Bắc Kinh đọc “xuế xí”. Chúng tôi, phản biện tác giả Nguyễn Hải Hoành ở 2 điểm sau: 1/không so sánh tiếng Việt hiện đại với tiếng Bắc Kinh; 2/cần phục nguyên âm và đối sánh với các phương ngữ liên quan.

Trước hết, tiếng Bắc Kinh, thuộc về Bắc phương Quan thoại là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Hán với ngôn ngữ của các tộc người Khiết Đan, Nữ Chân (Kim), Mông Cổ (Nguyên), Mãn Châu. Hậu quả là tiếng Bắc Kinh (tuy được dùng là tiếng phổ thông Trung Quốc) nhưng đã biến đổi rất nhiều (language change) và không thuộc nhánh phát âm Hán Việt.

Thứ 2 về phục nguyên âm. Chúng tôi tiến hành phục nguyên câu mở đầu bài “Nam Quốc Sơn Hà” về Hán âm Trung Cổ (John Phan và cố Gs Nguyễn Tài Cẩn nhận định thời kỳ nhà Đường là cốt lõi trong việc hình thành từ vựng Hán Việt). Đồng thời, so sánh kết quả phục âm với Tương ngữ, Việt ngữ và giọng Hà Nội. Công cụ phục nguyên mà chúng tôi dùng là từ William H. Baxter và Laurent Sagart và dữ liệu phương ngữ Trung Hoa.

   398137949_6815091938570607_6910391047773772047_n 

So sánh âm Hán Trung Cổ với Tương ngữ (Hồ Nam), Việt ngữ tại Quảng Châu (Quảng Đông) và giọng Hà Nội (10)

Đây mới chỉ là thông tin đầu tiên khi tìm hiểu về nguồn gốc từ vựng và cách phát âm từ vựng Hán Việt. Chúng tôi có nhận xét sơ khởi rằng phát âm Hán Việt có nhiều điểm tương đồng với Tương ngữ, Việt ngữ và có sự kế thừa nhất định với âm Hán Trung Cổ. Để rõ hơn sự tương đồng và khác biệt, chúng ta còn phải dựa vào những nguyên tắc về cách hình thành, phát triển của thanh điệu, âm vực phát âm Hán Việt và các ngôn ngữ liên quan. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực lớn của các nhà ngôn ngữ trong nước và quốc tế.

HÁN, VIỆT LÀ NHỮNG NGÔN NGỮ ĐƠN ÂM: TÁC GIẢ QUÁ VỘI VÀNG

Tác giả Nguyễn Hải Hoành nhận định: "Do tiếng Hán và tiếng Việt đều là ngôn ngữ đơn âm tiết (monosyllabic) nên việc phiên âm một đối một tương đối thuận tiện". Tại mệnh đề này, chúng tôi phản biện tác giả ở cả 2 lập luận: 1/sự đơn âm tiết của tiếng Hán và tiếng Việt. 2/phiên âm một đối một.

Chúng tôi tái khẳng định lại các nghiên cứu của William H. Baxter, Laurent Sagart, Vương Lực cùng nhiều nhà ngôn ngữ học khác về sự hình thành và phát triển của ngôn ngữ Hán. Theo đó tiếng Hán Thượng Cổ (từ nhà Thương đến Nam Bắc triều) là Đa Âm tiết; ngôn ngữ ấy dần chuyển thành đơn âm kể từ nửa sau thời kỳ Nam Bắc Triều (TK thứ V trở đi). Dưới đây là phần phục nguyên âm Hán Thượng Cổ và Hán Trung Cổ của câu thơ đầu bài Nam Quốc Sơn Hà. Công cụ chúng tôi sử dụng để phục nguyên âm là của William H. Baxter và Laurent Sagart.

397970738_6815092825237185_2689322876075793071_n

Phục nguyên âm Nam Quốc Sơn Hà về Thượng cổ Hán âm và Trung cổ Hán âm

Về tiếng Việt, với data từ sealang, chúng tôi tiến hành phục nguyên âm số đếm từ 1 tới 5 của ngôn ngữ Proto Vietic, ngõ hầu cung cấp thông tin tốt nhất đến độc giả. 

398004756_6815092938570507_3604158040455601164_n

Phục nguyên số đếm từ 1 tới 5 âm proto Vietic

Qua bảng phục nguyên âm, ta thấy proto Vietic là ngôn ngữ Đa Âm. Với người Kinh (Việt) chúng ta có một số ví dụ như sau: “Trời” từng được phát âm: blời, plàn, hậu quả là Trần Phu trong Annam Tức Sự đã phải ký âm là bột mạt (勃末). Trăng từng được phát âm blăng, blang, Trần Phu ký âm thành bột lăng (勃義). Núi, tra dữ liệu về proto Vietic trên sealang với từ khóa “rock” chúng tôi có được âm kʰoːlʔ, khả năng vì âm này mà Trần Phu đã ký âm thành can ôi (乾隈)…. Ta tiếp tục gặp dấu vết đa âm tiết qua thơ Nôm Nguyễn Trãi. Chúng tôi xin lấy một vài ví dụ sau đây: Bà ngựa gầy thiếu kẻ chăn (trong bài Thủ vĩ ngâm). Ngựa âm proto Vietic là /*m-ŋəːʔ / đã biến thành "bà ngựa". Trong bài Ngôn chí 20, câu mở đầu Nguyễn Trãi viết: "Dấu người đi là đá mòn". Thực tế đá trong âm proto Vietic là /*l-taːʔ/ đã biến thành "là đá", (dấu gạch ngang trong phiên IPA tượng trưng cho nguyên âm bất kỳ (có thể theo giọng địa phương). Người nói tiếng proto Vietic gọi "ngựa" là "mơ ngơ", gọi "đá" là "la đa". Nguyễn Trãi vào thế kỷ XV đọc là "bà ngựa" và "là đá".

Dấu tích Đa Âm trong tiếng Việt vẫn còn tới tận ít nhất là thế kỷ XVII khi mà cuốn từ điển Việt Bồ La ra đời. Như vậy việc ký âm tiếng thuần Việt bằng tiến Hán chưa hẳn là “một đối một” như tác giả Nguyễn Hải Hoành nhận định.

Vậy còn ký âm bằng chữ Nôm? Do nhiều từ vựng của người proto Việt Mường không thể dùng chữ Hán để ký âm, điều này nảy sinh việc tầng lớp tinh hoa của Đại Việt phải sáng tạo ra chữ Nôm. Trên Từ điển Quốc âm thi tập Nguyễn Trãi của Trần Trọng Dương chúng ta sẽ thấy những ví dụ như: chữ trống được ghép từ Cổ Lộng (cổ 古+ lộng 弄), trăng được ghép từ nguyệt và lăng (), …Hệ quả là chữ Nôm còn khó học hơn cả Hán tự.

Như vậy, tác giả Nguyễn Hải Hoành đưa ra kết luận khi chính ông chưa đi đến nguồn gốc của vấn đề. Thêm một lần nữa, ông để xúc cảm dẫn lối cho những suy luận của mình. Điều đó làm giảm đi tính chính xác của chính mệnh đề mà tác giả đưa ra.

NGƯỜI KINH NÓI NGÔN NGỮ GÌ? VIẾT RIÊNG ĐỂ TRÁNH NGỘ NHẬN

Do trong bài viết, tác giả đề cập tới việc Việt hoàn toàn không nói tiếng Hán. Trích “…Để vượt qua khó khăn trên, tổ tiên ta đã sáng tạo ra cách đọc chữ Hán theo âm tiếng Việt mà không đọc theo âm Hán, tức cách phiên âm chữ Hán thành từ Hán-Việt” và “Tóm lại sáng kiến phiên âm chữ Hán thành từ Hán-Việt đã giúp người Việt thuận lợi tiếp nhận chữ Hán mà hoàn toàn không nói tiếng Hán”. Có thể tác giả không có ý phủ định việc người Việt đã từng nói – nói thành thạo Hán ngữ, nhưng để tránh những ngộ nhận không đáng có, chúng tôi đề cập lại vấn đề ngôn ngữ người Kinh (Việt).

Từ TK X đến ít nhất là đầu thế kỷ XV, tại những vùng đất mà triều đình Thăng Long trực tiếp quản lý có ít nhất hai ngôn ngữ cùng song song tồn tại là Hán và Proto Việt Mường. Ngôn ngữ Hán tồn tại trong các cộng đồng gốc Đường và được tiếp động lực từ những người nhập cư nói Ngô ngữ, Mân ngữ và Việt ngữ. Tất cả hội tụ trong văn ngôn thời Lý Trần (ngôn ngữ của tầng lớp tinh hoa Đại Việt).

Trong khi đó cộng đồng Việt Mường sử dụng ngôn ngữ của chính họ. Bằng chứng cho sự hiện diện của cộng đồng này là triều đình Đại Việt đã phải dịch Phật Thuyết, hay vua Trần Nhân Tông làm thơ nôm Cư Trần Lạc Đạo Phú… Sự giao giữa hai khối ngôn ngữ ấy đã trở thành ngôn ngữ Việt Mường Siêu Hán Hóa (khái niệm John Phan dùng chỉ việc ngôn ngữ Việt Mường biến đổi sâu sắc và toàn diện bởi ngôn ngữ Hán Annam). Ngôn ngữ mới này, nhờ sự hỗ trợ của triều đình mà ngày càng trở nên uy tín tại Đại Việt.

Nhưng có dữ liệu nào ủng hộ cho việc có ngôn ngữ Hán tại Đại Việt thời Lý – Trần. Toàn thư có chép về việc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đến Sứ Quán gặp sứ Nguyên là Sài Xuân (11). Ở đây, ta thấy Hưng Đạo Vương đã trực tiếp nói chuyện với sứ Nguyên mà không cần phiên dịch. Hán văn Lý Trần – một di sản văn hóa đồ sộ cho thấy, tầng lớp tinh hoa Đại Việt trao đổi với nhau, làm thơ tặng nhau bằng, thực hành niềm tin tôn giáo bằng Hán ngữ. Kể cả tiếng Việt Mường siêu Hán Hóa mà John Phan đề cập tới cũng chứa đựng từ 70 – 75% từ vựng Hán.

Bài thơ Việt Giới, của Trần Minh Tông ngõ hầu đưa chúng ta về lại bối cảnh và sự tương đồng ngôn ngữ giữa Đại Việt và Hán ngữ phương quan (chữ dùng của Trần Quang Đức trong Ngàn năm áo mũ). Trích: “ngôn ngữ vô đa biệt/Y quan bất khả đồng”, tạm dịch: Ngôn ngữ chẳng khác nhau nhiều/Áo mũ không được giống nhau (12). Như vậy có thể nói rằng ít nhất đến TK thứ 13, 14 Đại Việt vẫn có cộng đồng mạnh nói tiếng Hán, tự hào với tiếng Hán. Ít nhất đến khoảng thời gian này, nhiều cư dân Đại Việt vẫn thông ngôn trực tiếp với người Trung Quốc.

397961746_6815093091903825_2197194921781182007_n

CỘI NGUỒN VĂN HÓA: KHI TÁC GIẢ CHỈ NHÌN "THUẦN VIỆT"

Trích: “Việc tiếng Việt, tiếng Hán thuộc hai ngữ hệ khác nhau chứng tỏ ngôn ngữ Việt không cùng nguồn gốc với ngôn ngữ Hán. Như vậy thì cội nguồn văn hóa Việt Nam cũng không thể chung nguồn gốc với văn hóa Hán”. Nhưng điều này có hoàn toàn chính xác không? Chúng tôi cho rằng đưa ra mệnh đề như vậy tác giả (của mệnh đề này) chưa đi đến cội nguồn của văn hóa người Kinh.

Nguồn gốc tiếng Việt và nguồn gốc Văn hóa Việt Nam là không trùng khít. Nguồn gốc ngôn ngữ Việt và nguồn gốc văn hóa người Kinh cũng không trùng khít. Từ những người nói ngôn ngữ proto Vietic đến Việt Mường đến tiếng Kinh đến Việt Nam là hành trình ngôn ngữ 4000 năm, với nhiều giai đoạn. Trong mỗi giai đoạn đó, người nói ngôn ngữ Vietic đã tiếp nhận các luồng văn hóa và cả di truyền tới từ những người thuộc các ngữ hệ khác. Những người Kinh đầu tiên cảm thấy mình gần Hoa Hạ, có gốc cội Hán Đường. Họ nhìn cư dân bản xứ ở vùng rìa chỉ là Liêu Di, là Mán Mọi, “nô lệ miền núi”.

Thái úy Đỗ Anh Vũ nhà Lý nói: “Để bọn man di quấy Hạ là tội của thần […] Nay cấm chỉ thói mọi, chắp tay mà chịu mặc hình; trộm cắp dân ven, mất mật mà theo hoàng hóa” (13). Trần Thái Tông trong Khóa Hư Lục cho rằng thật tệ khi sinh ra ở cõi Man Di, tắm chung một dòng sông, chỉ có sinh ra ở Trung Quốc, lục căn đầy đủ là quý giá nhất: “…ba là đã được sinh ra ở Trung quốc, nhưng sáu căn không đủ, bốn thể chẳng toàn, mù điếc ngọng câm […] tuy ở trong Hoa Hạ cũng hệt như ở ngoài hoang dã. Nay đã làm người, được sinh ra ở Trung quốc, lại có đủ sáu căn, há chẳng quý lắm sao?” (14).

Phạm Sư Mạnh trong bài Kinh Lý Thao Giang Lộ đã phóng chiếu cách nhìn rất đỗi Trung Hoa với vùng đất bên rìa Kinh Lộ. Trong Án Thao Giang Lộ, ông viết: “Tục tạp Nhiễm Bàng kiêm Bặc Bắc/Địa liên Thiện Thiện dữ Vân Nam” (15). Nguyễn Phi Khanh nhìn về Trường Châu thấy: “Tục tạp liêu di dân thái cổ” (16). Và khi đi tuyên chiếu ở Trường châu thì ông đem “chiếu chỉ triều Đường”, “sắc lệnh nhà Hán” (17) đến với dân Liêu Di ấy. Trong tờ chiếu đánh Ai Lao năm 1479, Vua Lê Thành Tông xưng mình cai quản Trung châu (18); còn phía đối phương chỉ là man rợ, chó má. Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam Trung Đại chúng ta còn bắt gặp rất nhiều những diễn ngôn như vậy.

Trong ngàn năm qua, chúng ta dành tới 90% thời gian để theo đuổi nỗ lực Vô tốn Trung Hoa (無遜中華 – không khác và không thua kém Trung Hoa). Từ những cứ liệu trên, chúng tôi cho rằng với người Kinh thì từ từ vựng, văn hóa, đến ý thức tự nhận chúng ta đã từng có điểm giao rất lớn với nền Văn minh Trung Hoa (Việt Nam nằm trong Hán quyển). Cũng lưu ý cội nguồn văn hóa Việt Nam được hình thành bởi 54 sắc tộc trên toàn quốc gia, không phải chỉ dành riêng cho người Kinh.

DÂN TỘC 20 NGÀN NĂM TUỔI: LẠI MỘT TƯỞNG TƯỢNG KHÔNG PHÙ HỢP

Nghiên cứu của Gs Trần Trí Dõi “Lịch sử ngôn ngữ người Việt: Góp phần tìm hiểu văn hóa Việt Nam” đã gợi xúc cảm để tác giả Nguyễn Hải Hoành đi đến mệnh đề: “Kết luận trên cho thấy dân tộc Việt được hình thành trên mảnh đất này từ khoảng hơn 20 nghìn năm trước. Có thể là, theo thuyết “Đi khỏi châu Phi” (Out of Africa), trước đó tổ tiên ta từ châu Phi di cư tới đây. Năm 1923, nhà khảo cổ Madeleine Coloni phát hiện di cốt người Việt cùng nền văn hóa của họ trong hang đá ở tỉnh Hòa Bình, các di vật này có niên đại 18.000 năm trước CN”.

Lại một lần nữa, tác giả đã để cảm tính của mình dẫn đi quá xa – xa quá thành lạc. Chúng tôi không hiểu dựa trên cơ sở khoa học gì mà tác giả lại kết nối từ văn hóa cuội ghè Hòa Bình đến tận người Việt hôm nay? Chúng tôi thẳng thắn lưu ý rằng theo chuẩn thuật ngữ khoa học thì chỉ có một dân tộc Việt Nam được hình thành từ 54 sắc tộc, trong đó người Kinh là sắc tộc chủ thể. Và định nghĩa dân tộc ra đời vào thời điểm nào? Ngày 11 tháng 3 năm 1882, tại Đại học Sorbonne, Ernest Renan đưa ra định nghĩa về “dân tộc” như sau: “Dân tộc là một tâm hồn, một nguyên lý tinh thần. Có hai yếu tố, thực ra chỉ như một, tạo nên tâm hồn hoặc nguyên lý tinh thần này. Một nằm trong quá khứ, một trong hiện tại. Cái này là sự đồng sở đắc di sản ký ức phong phú; cái kia là sự thỏa thuận trong hiện tại, là lòng mong muốn được chung sống, là ý chí biến giá trị kế thừa, giá trị mà mỗi người đã tiếp nhận dưới hình thức trọn vẹn, trở nên bất diệt” (19).

Với người Kinh, chúng ta bắt gặp diễn ngôn người Kinh là Hoa Hạ, hãnh diện làm người Trung Quốc (xem phần trên). Theo định nghĩa Ernest Renan thì ta sẽ gặp ký ức và mong muốn làm bất diệt hóa ký ức di sản Trung Hoa ngay tại Đại Việt. Như vậy giả thiết “dân tộc Việt được hình thành trên mảnh đất này từ khoảng 20 ngàn năm trước” liệu có phù hợp không?

Tiếp theo, chúng ta sẽ lưu ý tới những luồng di cư. Cứ liệu di truyền học cho thấy kể 4000 năm trước người ngữ hệ Nam Á di cư vào khu vực châu thổ sông Hồng, sáng tạo văn Phùng Nguyên. Người mang di truyền học ngữ hệ Tai Kadai sáng tạo ra nền văn hóa Lạc (20). Người Hán di cư tới châu thổ sông Hồng, rồi người Annam nói tiếng Hán Trung Cổ ấy đã góp toàn bộ vốn từ vựng của ngôn ngữ mẹ đẻ của mình vào việc hình thành từ vựng Hán Việt trong tiếng người Kinh. Họ cũng không phải là người của văn hóa cuội ghè Hòa Bình.

Xin hỏi tác giả Nguyễn Hải Hoành: nếu văn hóa, lịch sử của người Kinh (tác giả dùng khái niệm dân tộc Việt) (có thể…) được bắt nguồn từ người Hòa Bình, vậy tiếng nói người Kinh được hình thành từ tiếng nói của người thuộc văn hóa Hòa Bình ư? Người Hòa Bình nói ngôn ngữ gì vậy? Vietic, hay là Austroasiatic, hay sâu nữa là proto Austroasiatic đây? Chúng ta kế thừa và mong muốn bất diệt hóa di sản ký ức nào từ người Hòa Bình đây?

Chúng tôi nhấn mạnh rằng chưa có bằng chứng khảo cổ học, nhân chủng học, ngôn ngữ, văn hóa nào ủng hộ kết luận “dân tộc Việt được hình thành trên mảnh đất này từ khoảng hơn 20 nghìn năm trước”. Chúng ta chỉ có những bằng chứng khẳng định người Hòa Bình là những người bản địa đầu tiên ở khu vực nay là Đông Nam Á và cả nam Trung Hoa. Hậu nhân của họ vẫn còn săn bắn hái lượm trong các khu rừng rậm của Phillipine, Malaisia, Thái Lan ngày nay.

KẾT LUẬN

Chúng tôi thiết nghĩ bài viết “Vì sao tiếng Việt không cùng nguồn gốc với tiếng Hán?” của tác giả Nguyễn Hải Hoành cần bổ sung rất nhiều cứ liệu về ngôn ngữ (trong đó có phục nguyên âm, âm vị), lịch sử, văn hóa, khảo cổ. Tác giả cũng cần cẩn trọng hơn trong việc đề cập tới các vấn đề dân tộc, văn hóa, sử dụng dữ kiện. Sự cẩn trọng và thanh thản khi đối diện các vấn đề lịch sử, dữ kiện lịch sử là rất cần thiết cho hành trình tiệp cận khoa học lịch sử mà cụ thể là lịch sử hình thành người Kinh. Không ai có thể tự biện rằng: “Mọi nghiên cứu về thời cổ đều chỉ là “thầy bói sờ voi”, tất cả đều chỉ dựa trên suy đoán, ai suy luận có logic thì dễ được người đọc tin là đúng. Không ai có quyền chê người khác là sai”.

———————————————

Cổ sử từ nguyên trân trọng cảm ơn NNC Lê Tư đã dành thời gian trao đổi, đồng thời cung cấp một số tài liệu cần thiết cho quá trình xây dựng bài viết.

Do kiến văn hạn hẹp, nên bài viết có thể còn sơ sót, chúng tôi mong độc giả tận tình hỗ trợ.

Tác giả: Sông Hàn và nhóm Cổ Sử Từ Nguyên

—————————————————

Chú thích

1. Xem thêm John Phan: Lacquered Words: the Evolution of Vietnamese under Sinitic Influences from the 1st Century BCE to the 17th Century CE; Chapter 1: The Chinese Language Family and Sino-Vietnamese.

2. Nguyên văn: The power base of the earliest Chinese dynasties, the Qin and Han, was western China, with the Gulf of Tongking its most convenient commercial outlet to the South Seas. Thanks to Qin Shihuangdi, these dynasties and their people enjoyed an almost direct transport link between the capital at Changan to the Tongking Gulf: over the Qin Mountains and the central Han plain, across Dongting Lake and the Xiang River in Hunan, and then down the Ling Canal. This system of waterways operated as a major corridor bringing travelers and settlers from central China to the gulf region. It is no accident that the majority of Han-era tombs in modern Guangxi that contain precious overseas grave goods are located along this corridor”. Trích từ Nola Cooke, Li Tana, and James A. Anderson trang 7.

Sông Hàn dịch Việt ngữ: “Cơ sở quyền lực của Tần, Hán – các triều đại đầu tiên của Trung Quốc, là ở phía tây (Hàm Dương, Trường An). Vịnh Bắc Bộ là cửa ngõ thương mại thuận tiện kết nối với vùng biển phía Nam. Nhờ Tần Thủy Hoàng đế, các triều đại và người dân của họ đã có được liên kết gần như trực tiếp giữa Trường An với vịnh Bắc Bộ. Đi qua đường Tần Lĩnh, cư dân Trung Nguyên có thể đến Động Đình Hồ và rồi xuống sông Tương ở Hồ Nam đến Linh Cừ (tên con kênh được Tần Thủy Hoàng lệnh xây dựng vào năm 214 TCN). Tuyến đường này như một hành lang đưa người từ trung tâm Trung Quốc đến khu vực vịnh Bắc Bộ”.

3. Xem thêm Nguyễn Tài Cẩn: Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, NXB ĐH Quốc Gia Hà Nội, trang 30 – 42.

4. Xem thêm: Trần Quốc Bảo (Viện nghiên cứu Việt Nam, Đại học Sư phạm Quảng Tây): Tầm quan trọng của di dân Trung Nguyên trong thời đại nhà Đường đối với sự phát triển của Annam. Nguyên văn title: 唐代中原移民对安南地区发展的意义, bài đăng tải trên Tạp chí nghiên cứu lịch sử Trung Quốc.

5. Xem thêm: Nguyễn Phúc Anh: Những tư liệu về nguyên quán của Lý Công Uẩn, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 8-9 (97-98) . 2012.

6. Toàn Thư, Kỷ Nhà Trần, Thái Tông Hoàng Đế, trang 159 viết: “Trước kia, tổ tiên vua là người đất Mân (có người nói là người Quế Lâm), có người tên là Kinh đến ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường” ĐVSKTT NXB KHXH 1993.

7. Ngày 19/6/2014, Thời báo Hoàn Cầu bản tiếng Trung, xuất bản bài báo nhan đề: "Dương Khiết Trì thăm Việt đàm Nam Hải: Phụng khuyến Việt Nam tảo nhật hồi đầu" (杨洁篪访越谈南海 奉劝越南早日回头). Tạm dịch: "Dương Khiết Trì thăm Việt (Nam) bàn Nam Hải: Chân thành khuyên Việt Nam sớm quay đầu". Trong bài viết có câu: “Trung quốc dụng tâm lương khổ phụng khuyến Việt Nam "lãng tử hồi đầu" (中国用心良苦,奉劝越南“浪子回头), tạm dịch: Trung Quốc dùng trái tim đáu đáu, chân thành khuyên Việt Nam “lãng tử hồi đầu”.

8. Nguyên văn: Here I propose that Late Sino–Vietnamese resulted from a language shift, in which Annamese Middle Chinese speakers switched linguistic allegiance from their own language to Proto-Viet–Muong. This process effectively “dragged” large numbers of words (as well as some linguistic features) from their native language into the language they adopted, thereby transforming it.

Dịch Việt ngữ: “Ở đây, tôi đề xuất ngôn ngữ Hậu Hán–Việt là kết quả quá trình chuyển đổi, trong đó những người có nói tiếng Hán Annam Trung Cổ đã chuyển đổi ngôn ngữ của mình sang proto Việt Mường. Quá trình này đã “kéo” một cách hiệu quả một số lượng lớn từ vựng (cũng như một số đặc điểm ngôn ngữ) từ ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Hán Annam Trung Cổ sang ngôn ngữ mà họ sử dụng (proto Việt Mường), từ đó biến đổi nó”.

Xem thêm: John Phan: Re-Imagining “Annam”: A New Analysis of Sino–Viet– Muong Linguistic Contact (Chinese Southern Diaspora Studies, Volume 4, 2010), trang 14.

9. Xem thêm: nguyên văn tiếng Anh về Từ Nguyên học (được chúng tôi lấy từ Cornell University): “Etymology: the history of a linguistic form (such as a word) shown by tracing its development since its earliest recorded occurrence in the language where it is found, by tracing its transmission from one language to another, by analyzing it into its component parts, by identifying its cognates in other languages, or by tracing it and its cognates to a common ancestral form in an ancestral language”.

NNC Lê Tư dịch Việt ngữ như sau: “Từ Nguyên học là môn học về lịch sử của một hình thức ngôn ngữ (ví dụ như một từ) được trình bày bằng cách:

– Truy nguyên sự phát triển của nó từ thời điểm xuất hiện sớm nhất còn ghi nhận được trong ngôn ngữ của chính nó.

– Truy vết sự lan truyền của nó từ ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác.

– Phân tích nó thành những chi tiết cấu thành.

– Nhận dạng từ đồng nguyên của nó trong những ngôn ngữ khác.

– Truy vết nó và các đồng nguyên của nó đến một hình thức tổ tiên chung trong một ngôn ngữ tổ tiên chung”.

10. Sở dĩ chúng tôi lựa chọn tiếng Quảng Đông và Tương ngữ là do từ vựng Hán Việt và hai phương ngữ này đều có xuất phát điểm từ tiếng Hán Thượng Cổ. Dòng di cư từ Trung Nguyên qua Hồ Nam, Quảng Đông xuống Châu thổ sông Hồng đã làm nên phương ngữ Hán tại Giao Châu – Annam (tức Việt Nam thời thuộc Hán Đường).

11. Xem thêm ĐVSK Toàn Thư, sđd trang 187.

12. Nguyên văn: 言語無多別/衣冠不可同, trích Việt Giới, thơ Trần Minh Tông.

13. Cự Việt Quốc Thái úy Lý Công thạch bi minh tự. Dẫn theo Thơ văn Lý Trần. Tập 1. Tr.464. Nguyên văn: 蠻夷猾夏,臣之罪也[…]禁止夷俗,拱手而受墨刑;盜賊邊民,喪膽而歸皇化

14. Thiền Tông khóa hư ngữ lục – Quyển thượng – Phổ khuyến Bồ Đề tâm. Nguyên văn: “… 三者既得生於中國,六根不具,四體非全,盲聾喑啞[…] 雖居華夏之中若處穷荒之外[…]今既為人得生中國,又以六根全具,豈為不貴乎! Dẫn theo Trần Quang Đức, Ngàn năm Áo mũ, trang 25: NXB Nhã Nam, Thế Giới 2013

15. Nguyên văn:“地連鄯善與雲南/俗雜冉龐兼僰北”, trích Án Thao Giang Lộ, thơ Phạm Sư Mạnh.

16. Nguyên văn: “俗雜獠夷民太古” trích Tuyên chiếu bái biệt Vận phó Nguyễn Viêm, thơ Nguyễn Phi Khanh.

17. Nguyên văn: “武夫感泣觀唐詔/父老扶藜聽漢朝”, trích Phụng chiếu Trường An đạo trung tác, thơ Nguyễn Phi Khanh. Tạm dịch: Người lính bật khóc vì chiếu chỉ triều Đường/Phụ lão chống gậy đến nghe sắc lệnh nhà Hán.

18. Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên: Toàn Thư sđd, tr: 448: “Trẫm nay nối công tổ tông, giữ cơ nghiệp lớn. Vỗ yên trung châu cùng man mọi, văn trị Đại Thuấn khắp ban; phát huy mưu trí của đế vương, quy mô Chu Văn rộng mở”.

19. Nguyên văn tiếng Anh: “A nation is a soul, a spiritual principle. Two things, which in truth are but one, constitute this soul or spiritual principle. One lies in the past, one in the present. One is the possession in common of a rich legacy of memories; the other is present-day consent, the desire to live together, the will to perpetuate the value of the heritage that one has received in an undivided for” – Bản dịch mà chúng tôi sử dụng là của NNC Lê Tư đăng tải tại Đại Cáo – Huyền thoại về vị vua khai quốc (II).

20. Xem thêm: Xiufeng Huang và cộng sự: Genomic Insights into the Demographic History of Southern Chinese.

THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ CÔNG CỤ ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI

I – TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

1. Nguyễn Hải Hoành “Vì sao tiếng Việt không cùng nguồn gốc với tiếng Hán?”, Tạp Chí Tia Sáng; chế bản điện tử, xuất bản ngày 28/10/2023.

2. Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, Phan Phu Tiên: Đại Việt Sử Ký Toàn thư, ĐVSKTT NXB KHXH 1993.

3. John Phan: Re-Imagining “Annam”: A New Analysis of Sino–Viet–

Muong Linguistic Contact

4. Nguyễn Tài Cần: Nguồn gốc hình thành và cách đọc Hán Việt, NXB ĐH Quốc Gia Hà Nội.

5. Thơ văn Lý Trần, CB Nguyễn Huệ Chi, NXB KHXH 1988.

6. NNC Lê Tư: Đại Cáo huyền thoại về vị vua Khai quốc

7. Phạm Văn Thắm: Giới thiệu văn bản Annam tức sự (tra cứu thêm Annam tức sự bản Hán Văn).

8. Nola Cooke, Li Tana, and James A. Anderson: The Tongking Gulf Through History (Vịnh Bắc Bộ cái nhìn xuyên lịch sử), ấn hành bởi University of Pennsylvania.

9. Trần Quốc Bảo (Viện nghiên cứu Việt Nam, Đại học Sư phạm Quảng Tây): Tầm quan trọng của di dân Trung Nguyên trong thời đại nhà Đường đối với sự phát triển của Annam. – Tạp chí nghiên cứu lịch sử Trung Quốc.

10. Xiufeng Huang và cộng sự: Genomic Insights into the Demographic History of Southern Chinese.

II – TÀI LIỆU LIÊN QUAN

1. NNC Lê Tư: Hợp tác với quân Minh người Kinh Lộ

2. PGS, TS Đinh Hồng Hải: Talk Cà phê thứ 7 – Lạc Việt là Lạc Việt nào, tìm hiểu phân loại tộc người ở Việt Nam và Trung Quốc

3. John Phan, Trần Trọng Dương: MT talk 25: Nguồn gốc người Việt góc nhìn ngôn ngữ.

4. John Phan: Lacquered Words: the Evolution of Vietnamese under Sinitic Influences from the 1st Century BCE to the 17th Century CE.

5. Trần Quang Đức: Ngàn năm áo mũ. NXB Nhã Nam, Thế Giới 2013.

Nguyễn Phúc Anh, tư liệu về nguyên quán Lý Công Uẩn. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 8-9 (97-98) . 2012.

6. Trần Quốc Vượng: Khoa Lịch Sử, Đại học KHXH và Nhân Văn: Ghi chú về những tương đồng và dị biệt về những giá trị văn hóa Đông Á giữa Việt Nam và các nước Đông Á khác.

7. TS Tạ Thành Tấn: Talk Cà phê thứ 7 – Quan hệ cội nguồn của tiếng Việt – những thành tựu, trở ngại và gợi mở.

III – TỪ ĐIỂN VÀ CÔNG CỤ ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI

1. Baxter-Sagart: Baxter-Sagart Old Chinese reconstruction, version 1.1 (20 September 2014) William H. Baxter (⽩白⼀一平) and Laurent Sagart (沙加爾)

2. Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển – Trần Trọng Dương

3. Dữ liệu về ngôn ngữ Mon Khmer trên sealang

4. Từ điển Việt Bồ La của Giáo sĩ Alexandre de Rhodes.

5. Etymology en.wiktionary

6. Hán Điển (online)

Comments are closed.