Phiêu lưu cùng Nghệ thuật Tái tạo

Ngu Yên

Cao điểm nhất của sửa tạo là nghệ thuật tái tạo. Tái tạo mà tôi đề nghị liên quan trực tiếp đến hai thực hành:

1- Tái sáng tạo từ bài thơ cũ, những bài thơ yêu thích nhưng chưa đủ giá trị hoặc thiếu sinh lực để tồn tại.

2- Tái sáng tạo từ bài thơ của người khác, những bài thơ khơi dậy nguồn cảm hứng, khơi dậy kinh nghiệm tương tự hoặc trái nghịch, gây cảm xúc thôi thúc điều gì cần nói.

Tái sáng tác từ một bài thơ của mình hoặc của ai khác nghĩa là tái xét (edit), tái đánh giá lại quá trình sáng tác bài thơ đó và sáng tạo bài thơ khác dựa lên bài thơ đối tượng. Cùng một lúc là tái định giá trình độ và khả năng học thuật của bản thân.

Câu hỏi: Giữa trăm ngàn bài thơ tác giả đã đọc, tại sao có bài thơ gây được cảm xúc và trực giác sáng tạo? Có thể ý tưởng, có thể tứ thơ, có thể phong cách trình bày, có thể nội dung, có thể cấu trúc… một điều gì đó đã chạm vào vô thức, khơi dậy một kinh nghiệm sống. Tại sao nhà thơ không sử dụng năng lực từ nguồn thơ này, động lực từ những gì âm thầm muốn phát tiết?

Quan niệm truyền thống cho rằng, nhà thơ làm việc văn chương hàng ngày chuẩn bị và chờ đợi thơ xuất hiện. Trong nghệ thuật tái tạo, thơ xuất hiện từ một bài thơ đã hiện diện.

Khởi sự, hãy phiêu lưu và khám phá thơ tái tạo từ bài thơ cũ. Đôi khi, cách hay nhất để nhìn bài thơ không phải là đọc chữ hiểu nghĩa mà nhìn như nhìn một bức tranh phức tạp. Nếu là bài thơ dài, nhìn như xem một đoạn video.

Tấm hình mở ra cánh cửa quá khứ, nhưng cho phép nhìn vào tương lai. (Sally Mann.)

Một bài thơ cũ dù dở hoặc hay vẫn là chứng tích văn chương, bóng hình ngoại sử, một phần đời sống của nhà thơ. Bài thơ luôn luôn ghi lại, dù mơ hồ hoặc rõ ràng, mức độ sở học, phẩm chất kinh nghiệm và cấp bậc nghệ thuật sáng tác. Rất nhiều nghệ sĩ, nếu có thể, họ sẽ hủy bỏ tất cả hoặc đa số tác phẩm đã sáng tác thuở thiếu thời hoặc lúc chưa đủ sở học. Bùi Giáng đã từng tuyên bố muốn tặng tất cả thơ sáng tác trước thời trung niên cho cào cào châu chấu. Một số nghệ sĩ khác thay đổi tên sáng tác như một cách chối từ những tác phẩm xưa.

Đọc thơ cũ của mình như xem những tấm ảnh selfie, ngạc nhiên vì bản thân còn trẻ, và kỹ thuật chụp chưa đủ kinh nghiệm, nhất là bỗng dưng nhớ lại một trời quá khứ.

Xem lại hình cũ là một điều thú vị. Đọc lại thơ cũ chẳng những thú vị còn bồi hồi xúc cảm vì thơ thường ghi lại nỗi buồn và những bi phẫn.

Những bài thơ cũ là “bản học tập” cho bất kỳ nhà thơ nào muốn học hỏi về sáng tác. Tuy nhiên, ít người muốn đọc lại những vụng về, non nớt, lỗi lầm, khiếm khuyết của mình, nhất là khi đã lở in thành sách. Cảm tưởng đó tự nhiên, y như Adong ăn trái táo nhưng nói với Thượng Đế chỉ mới cắn một miếng lớn. Muốn biết văn chương có tiến triển hay không, có trở thành nhà thơ giá trị hơn không, cứ đọc lại và nghiền ngẫm sáng tác cũ. Một người làm thơ trước sau như một không thể là nhà thơ. Một nhà thơ tiếp tục in sách mà tác phẩm nào cũng giống nhau, là nhà thơ giậm chân tại chỗ. Một nhà thơ phát triển chậm chạp, không theo kịp nhịp sống thời đại, chỉ là nhà thơ trung bình.

Đọc lại bài cũ không còn cảm xúc mạnh, không nên tái tạo. Không thể tự tin mức độ tự đánh giá ý nghĩa, đừng tái tạo. Nói một cách khác, nếu tâm tình và trí tuệ không còn gây cảm hứng thì tái tạo chỉ là công việc chế tạo Frankenstein.

Tái tạo bắt nguồn cảm hứng từ đối tượng là bài thơ cũ. Bài thơ đó xét lại mặc dù có ý nghĩa, có cảm xúc, có thần khí, có thể có tứ hay, nhưng mang nhiều khuyết điểm. Có thể suy tư chưa chín mùi, ý nghĩ chưa khai thác đủ, ý nghĩa mơ hồ, ẩn dụ-biểu tượng lặp lại… Nói một cách khác, tự mình thấy bài thơ cũ vẫn còn hay nhưng chưa đủ hay.

Hành Trình Tái Tạo

Về kỹ thuật, giai đoạn chuẩn bị tái tạo bài thơ cũ hoặc bài thơ nháp bao gồm bốn việc chính: 1- hồi tưởng, 2- tái phối trí ý tưởng, quan điểm, giá trị, 3- tìm kiếm những ý mới, tứ thơ giá trị, những ẩn dụ hợp thời … 4- từ cảm xúc cũ đốt lên cảm xúc mới.

Sự hồi tưởng không chỉ mang lại ngữ cảnh, bối cảnh, câu chuyện mà còn tự ý sửa đổi theo thời gian. Sẽ nhạt nhòa một số chi tiết và gia tăng hoặc sáng bật một số chi tiết khác. Đây là lúc snapshots và thoughtshots được sử dụng để ghi nhận những đặc sắc của tái sáng tạo.

Phân chia bài thơ thành những mô hình diễn đạt hoặc phân chia theo tứ thơ, chọn hình thức nào thể hiện rõ ràng hơn.

Suy nghĩ lại ý chính và quan điểm. Xem xét lại phong thái diễn đạt. Ghi dấu những mô hình hoặc tứ thơ chính yếu, tìm kiếm những gì có thể điều chỉnh, gia trọng sức mạnh. Cắt bỏ những mô hình hoặc tứ thơ dư thừa, lỗi lầm, tồn kho, nhàm chán, không vừa ý… và tuy hay nhưng vô ích cho bài thơ.

Sau khi có hết những gì mong muốn, những gì ý thức và sở học đòi hỏi, người viết hồi tưởng một lần nữa, nhưng lần này để cho vô thức dự phần. Tưởng tượng sẽ bắt đầu kết hợp những dữ liệu rời rạc đang phơi bày, hư cấu sẽ tạo thêm những chi tiết bất ngờ. Bài thơ tái tạo từ từ thành hình.

Việc sửa tạo sẽ tiếp tục sau khi bài thơ tái tạo hoàn tất và kéo dài cho đến khi tác giả hài lòng. Như đã trình bày, bài thơ tái tạo không bảo đảm sẽ hay, sẽ được yêu thích bởi nhà phê bình và độc giả, chỉ bảo nhà thơ đã tận lực sáng tác bài thơ. Tận lực là niềm tự hào duy nhất trong sáng tác.

Ngày 28 tháng 1 năm 2013

[Ông muốn treo ý nghĩ chiều nay lên những đỉnh cây
hàng thông xa
và cảm giác lên cành hoa giấy.
Mang trong người thứ này
chỉ nặng
thêm băn khoăn
.] (1)
[Trên ngọn cao, gió lộng ý, trời hòa tan nghĩ.
Hoa giấy rụng
đỏ như máu bị thương
ông đã đâm hoa bằng quá khứ
những hoa giấy còn lại rung lên vì xúc động
.] (2)

[Đám kiến bu quanh con chuồn chuồn thất thế rơi trên đất
cánh gãy
không còn thấy trời cao
thân thể mất dần theo rúc rỉa
tuyệt vọng là hy vọng cuối cùng
một cơn mưa
] (3)
[con chuồn chuồn chết dần theo nọc độc
kiến cũng như người
giết chết những gì biết bay
.] (4)

[Ông cầm đôi đũa lên
tô canh đã nguội
đũa gắp canh được sao?
ngón tay chỉ là đũa dù năm chiếc đũa
gắp ước mơ được sao?
mơ là nước, dòng nước chảy về biển chết
.] (5)

[Có một ngày xưa
bay giữa ao hồ hoa cỏ
cánh lướt gió hỏi những gió đến từ muôn phương
biết bay sẽ gây mê ảo ảnh
ảo ảnh có lúc sẽ bẻ lìa đôi cánh
con chuồn chuồn thất thế rơi cho đám kiến bạo hình
.] (6)

[Ông cầm đôi đũa lên
không gắp canh
gắp chuồn chuồn
bỏ vào tô canh khổ qua đắng
kiến nỗi lềnh bềnh
.] (7)

[Đây là cách Thượng Đế cứu linh hồn
kẻ tài hoa
.] (8)

Bài thơ cũ của Ngu Yên: Chia làm 8 mô hình diễn đạt. Trong mỗi mô hình đều có những tứ thơ cần cắt bỏ và thêm vào những tứ mới. Gia trọng ẩn dụ chuồn chuồn: giấc mơ của thời mới lớn. Quan điểm: đời sống không cứu người thất thế dù họ tài hoa, thường khi rúc rỉa thêm như kiến. Kết luận: thay vì gắp giấc mơ hãy tự gắp mình.

Thảm hại nhất của nghệ sĩ là tự thấy mình thất bại trong khi người khác cho là thành công. Những gì nghệ sĩ thành đạt, cho dù lớn lao đối với xã hội, chỉ là những mảnh rời trong toàn khối bí mật mà họ suốt đời tìm kiếm.

Những nhà thơ dừng lại ôm chặt những mảnh rời như huân chương, bằng danh dự, họ sẽ hóa thân thành những bức tượng biết thở và thơ của họ từ đó như bầy bò mạ vàng rống lên kêu gào bất tử. Người nghệ sĩ chân thật là người thật thà về sự vắng mặt của chân lý. Phải chăng đây là điều mà những nghệ sĩ danh tiếng trên thế giới trình bày trong tác phẩm của họ?

Bài thơ tái tạo:

Làm Sao Cứu


Kẻ Tài Hoa Thất Thế?

Ý nghĩ chiều nay theo cánh chuồn chuồn bay lên cành thông, mũi lá nhọn đâm rách hy vọng, rơi lả tả mảnh thất bại đỏ bầm cánh hoa giấy rụng trên sân còn phập phồng vì xúc động.
Chuồn chuồn bay ngang ý nghĩ rời hoa xuyên vào quá khứ gặp cậu học trò đứng chờ những ngày nước lụt bắt chuồn chuồn ép vở.
Học trò cuống cuồng giấc mơ.
Mấy mươi năm sau chuồn chuồn khô rụng chỉ còn vết bóng vàng vàng trên trang giấy hững hờ, nhắc nhở một thời chưa thất thế.
Con chuồn chuồn thất thế rơi trên đất đàn kiến bu quanh.
Gãy cánh không còn thấy trời cao. Thân xác chờ tuổi già rúc rỉa.
Tuyệt vọng là hy vọng sau cùng.
Chuồn chuồn chết dần theo nọc kiến.
Kiến cũng như người giết tất cả những gì biết bay.



Ông cầm đôi đũa
tô canh đã nguội
đũa làm sao gắp canh?



Làm sao gắp giấc mơ? Khi mơ là dòng nước chảy về biển chết.
Ông cầm đôi đũa gắp con chuồn chuồn thất thế không còn sức bi thương.
Bỏ vào tô canh Khổ Qua đắng, kiến nổi lềnh bềnh,  nước ấm rửa chất độc bớt hành hạ.
Đây là cách cứu nguy dành cho kẻ tài hoa.

(Phiên bản tháng 3 năm 2018.)

Comments are closed.