Tôi đang viết "Nguyễn Huy Thiệp – Tiểu truyện cuối cùng" (kỳ 2)

Đỗ Quyên

6.

NHT & thỉnh ý bách tính –

Phỏng vấn nhảy dù từ ĐQ tới trăm bạn Phây thân sơ

 

Mời quý anh/chị/bạn hồi đáp qua 1 trong 4 cách sau về một vấn đề từng được dư luận bàn thảo ngay sau ngày nhà văn vừa qua đời:

NHT với danh hiệu/danh xưng “văn hào”, “thiên tài”, “giải Nobel văn chương”…

1. Không/Chưa bàn đến

2. Đặt vấn đề đúng/chưa đúng (đôi lời giải thích, nếu có)

3. Không ý kiến

4. Nhận định riêng (có thể ra không xa vấn đề trên)

[Tên/bút danh; nghề nghiệp trong/ngoài văn chương; quốc gia/thành phố đang sống; ngày, tháng, năm]

Tùy nội dung và hình thức, xin được sử dụng vào biên khảo mà ĐQ tôi đang thực hiện để công bố trong thời gian tới, rất mong quý anh/chị/bạn cho trả lời cô đọng nhất.

Trân trọng cảm ơn!

ĐQ

 

*

Loa loa loa, alô alô alô… Thống kê nhanh, đến 24h ngày 12/6/2021, trong tổng số chừng 160 địa chỉ gửi riêng đến fb tin nhắn và vài email: 62 hồi âm góp ý các kiểu; hơn 70 chưa hoặc không hồi âm/đọc (một phần tư like/thả tim) với nhỉnh hơn một nửa xuất xứ miền Nam (trước 1975 và hải ngoại), trong số các địa chỉ ở VN nhiều vị đang làm việc hoặc là fan Thiệp; Có 26 hồi âm thân tình, thẳng thắn tỏ ý không tham dự, khi chí chát chúng tôi hiểu lý do các bạn chẳng chịu vào cuộc cùng và đôi khi nhận được nhiều chia sẻ hữu ích, riêng tư về NHT. (Lạ nữa, 5 bạn văn sĩ từ số má hẳn hoi tới tầm cỡ – thậm chí có bạn nếu tay bo võ đài, ồ không, văn đài với Thiệp chửa chắc mèo nào cắn mỉu nào – đều ít đọc NHT?! Ô là la…)

Viết đến đây, chúng tôi đang “4 hờ” (hơi hơi hân hoan) với 58 ý kiến trả lời để có thể dùng vào bản thảo đầy đủ, và còn 5 bạn hứa trả lời (2 “dọa” sẽ viết hẳn bài dài). Theo kinh nghiệm tổ chức hội thảo, gặp gỡ văn nghệ văn giềng bên Nam Cali của thi sĩ, nhà báo cựu trào và cực điêu luyện Viên Linh thì “một phần ba đáp ứng là thành công rồi”. Dù cũng thi sĩ hẳn hoi, người viết đâu dám thức khuya dậy sớm chồm hổng hóng chợ Phây mà “2 hờ” sau cùng, mong “đạt hai phần ba là thành tựu”.

Dưới đây sẽ là nội dung đầy đủ từ trả lời của 52 quý bạn:

Hậu khảo cổ (Sài Gòn), Thái Kim Lan (Huế/ Muenchen), Phạm Kỳ Đăng (Berlin), Đỗ Trọng Khơi (Thái Bình), Trần Thu Dung (Paris), Dạ Ngân (TP.HCM), Lê Trọng Phương (Bonn), Đào Tuấn Ảnh (Hà Nội), Nguyễn Hữu Quý (Hà Nội/ Quảng Trị), Lê Quang (Berlin/ Hưng Yên), Mai Quỳnh Nam (Hà Nội), Nguyễn Đức Tùng (Canada), Ngô Thị Diễm Hằng (Úc), Nguyễn Hữu Liêm (Hoa Kỳ), Xuân Hòa (TP.HCM), Ẩn danh 1 (Bắc Mỹ), Thiếu Khanh (Sài Gòn), Trương Anh Tú (Đức), Bùi Công Thuấn (Đồng Nai), Dương Thuấn (Hà Nội), Aroma Profundo Thuy Huong (Tây Ban Nha), Trần Tuấn (Đà Nẵng), Vũ Trọng Quang (Sài Gòn), Nguyễn Khắc Nhượng (TP.HCM), Võ Thị Như Mai (Úc), VIP Ẩn danh (VN), Đỗ Kh. (Mỹ/ Pháp); Nguyễn Thị Liên Tâm (Bình Thuận), Hồ Sĩ Bàng (Hà Nội), Nguyễn Anh Tuấn (Nghệ An), Trịnh Sơn (Hoa Kỳ), Lý Đợi (Sài Gòn), Viet Pham (Ottawa), Đỗ Anh Vũ (Hà Nội), Lưu Khánh Thơ (Hà Nội), Nguyễn Hiệp (Bình Thuận), Trần Hậu (Hà Nội), Trần Ngọc Cư (California), Vũ Tuấn Hoàng (Moskva), Phạm Nhuệ Giang (Hà Nội), Lê Anh Hoài (Hà Nội), Trần Đức Tiến (Vũng Tàu), Trọng Khang (TP.HCM, Võ Công Liêm (Alberta), Ẩn Danh 2 (VN), Võ Thị Xuân Hà (Hà Nội), Trần Lê Hoa Tranh (TP.HCM), Đặng Huy Giang (Hà Nội), Bùi Văn Phú (San Jose), Nguyễn Trọng Chức (TP.HCM), Nguyễn Trương Quý (Hà Nội), và Nguyễn Thị Thanh Bình (Hoa Kỳ).

Thống kê xã hội học cái nào: Với 52 bạn nêu trên, thưa có 16 nữ ạ; 50 thuộc giới văn học/ gần văn học; 20 ngoài nước (2 “chân trong chân ngoài”); tương quan vùng miền: 27 Nam, 25 Bắc (vẫn hên, Nam-Bắc kể như đuề huề!); 12 lý luận, nghiên cứu, phê bình chuyên nghiệp; 15 giảng viên; 13 nhà báo chuyên nghiệp; 15 dịch giả; 18 viết văn, viết sách; 4 nhà xã hội học; 4 nghệ sĩ; 3 triết gia; và (chắc là) tất cả thi sĩ!

Kết quả quan trọng nhất, việc đặt vấn đề danh hiệu, danh xưng “văn hào”, “thiên tài”, “giải Nobel” với NHT đúng hay không đúng: Trong 52 ý kiến có 12 vị (với 4 vị ở Đức) fan Thiệp đáp Có; 27 rằng Không; còn lại 13… sắc sắc không không!

Ở phiên bản cô đọng 12 điều (gồm 7 ngàn từ) có trích lọc 10 trả lời – 10 khuynh hướng, đã làm nên “ngón dài ngắn dài hai bàn tay truyện Thiệp”. Đó là: Trần Thu Dung, Phạm Kỳ Đăng, Hậu khảo cổ, Lưu Khánh Thơ, Viet Pham, Bùi Công Thuấn, Nguyễn Hữu Liêm, Phạm Nhuệ Giang, Lê Anh Hoài,Trần Ngọc Cư.

Tưởng cũng nên thưa thốt, may có chút duyên thân với không ít VIP xa gần dính Thiệp, song chúng tôi không lạm dụng trắc nghiệm. Lý do chính, tin bài trên báo/mạng từ các chư vị ấy đã là nguồn tin cậy, quý bổ trong biên khảo. Mong mỏi đề tài Thiệp phủ sóng bá tánh ngàn nơi, bần tăng chỉ nhảy dù đến các địa chỉ mà đại đa số chưa có tiếng nói nơi đây.

Thôi đủ, nâng ly! Dzô dzô dzô… Cả làng đang vào bàn tiệc trắc nghiệm “Mổ nhà văn Thiệp” cùng 52 thực đơn trong bản rút gọn (30 ngàn từ) này của Tiểu truyện NHT:

Hậu khảo cổ/ Nguyễn Thị Hậu

(Nhà nghiên cứu, giảng dạy khảo cổ học, nhà báo; Sài Gòn – 23/5/2021)

“Tôi là một người hâm mộ nhà văn NHT, bởi tác phẩm của ông phản ánh đúng thời gian và hoàn cảnh tôi từng sống. Đó là miền Bắc VN những năm trước 1990. Ông nói ra thẳng thắn và đầy đau đớn những tủi nhục, trăn trở thế hệ tôi. Nhưng thế hệ trẻ ngày nay chỉ sau thế hệ tôi 2-3 chục năm họ đã không cảm nhận, không thể hiểu những gì làm nên sự hấp dẫn từ tác phẩm NHT. Ngay độc giả miền Nam cũng không cảm được như chúng tôi.

Mặt khác, có lẽ cá tính văn hóa của từng cá nhân (và của dân tộc) chúng ta không đủ “cực đoan” để từ nhân vật, hoàn cảnh điển hình (qua từng tác phẩm, tác giả) mà trở thành “tiêu biểu” cho thời đại và một cộng đồng lớn hơn.”

*

Thái Kim Lan

(Nhà nghiên cứu, giảng dạy triết học và Phật học, dịch giả, nhà báo, nhà thơ; Đức & VN – 23/5/2021)

“Khoảng năm 2007 Viện Goethe tổ chức mời NHT, Phạm Tiến Duật… sang Muenchen giới thiệu tác phẩm, và mời tôi làm điều hợp viên và giao lưu với khán giả Đức. Theo ý kiến của TKL thì NHT chưa đủ để gọi là văn hào và được đề nghị giải Nobel.”

*

Phạm Kỳ Đăng / Phạm Quốc Bảo

(Nhà thơ, nhà báo, dịch giả; Berlin – 26/5/2021)

“Hai khái niệm “thiên tài“ và “giải Nobel“ đều là những trang phục không vừa với thể tạng nhà văn. Thiên tài thật sự vốn nghìn năm mới có, trong văn chương càng không. Ở nghệ thuật dụng ngôn này, nếu không ngày đêm rũa rèn, đào luyện, tôi nghĩ thần đồng sẽ cạn vốn, mau chóng trở lại hộ nghèo. Còn giải Nobel xưa nay được trao cho một số nhà văn loàng xoàng, nếu so với NHT.

Xét các tiêu chí: Tạo ra tác phẩm kinh điển, cấp cho ngôn ngữ một cộng đồng với nét đặc thù những xung tác và năng lực như thành tựu riêng biệt đi tới biểu đạt, NHT có những tác phẩm dư đáp ứng.

Tuy nhiên người đọc cứ mong chờ ở ông một tác phẩm xứng tầm đồ sộ hơn về qui mô, một tiểu thuyết tràng giang chẳng hạn. Đáng tiếc ông không làm được điều đó, trong bối cảnh nền văn nghệ quan phương và sự thiếu vắng của nền phê bình khỏe mạnh. Nhưng biết đâu trong tương lai sẽ có thời Phục hưng với tác phẩm NHT, và lúc đó ông được công nhận vị trí như một văn hào.”

*

Lưu Khánh Thơ

(Nhà nghiên cứu, phê bình; Hà Nội – 2/6/2021)

“Theo ý thứ 2: Có thể đặt ra vấn đề này, đây là một định hướng cần thiết nhằm tôn vinh văn học VN thông qua trường hợp NHT. Tuy nhiên có thể bổ sung nhân vật nào đó khác không?”

*

Trần Thu Dung

(Nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa; Pháp – 26/5/2021)

“Nói đến NHT, điều phải khẳng định anh là nhà văn có tài, sâu sắc. Tuy nhiên để nói là một thiên tài, đề nghị Nobel… có lẽ bạn đọc VN quá phấn khích.

Một tác phẩm nổi tiếng thế giới thường đạt tiêu chí Chân – Thiện – Mỹ. Chân thật là điểm mạnh trong tác phẩm NHT. Nhưng để đạt tính hướng thiện cao, vươn tới cái đẹp thì đòi hỏi một mức độ nữa. V. Hugo được coi là thiên tài văn học, trong khi Balzac chỉ là nhà văn hiện thực, không được coi như một thiên tài xuất chúng. Tác phẩm Hugo chứa đầy tính hiện thực, phơi bày cái xấu xã hội, nhưng luôn mang chất vị tha rất cao để hy vọng. Ông đề cao lòng bác ái và nhân đạo.

Nhiều tác phẩm đạt giải Nobel thường đề cao lòng vị tha. Chất vị tha để con người vươn lên Thiện và Mỹ dường như bị chìm bởi cái hiện thực sắc sảo, cay nghiệt dưới ngòi bút NHT. NHT là nhà văn xuất sắc ở VN, nhưng chưa tới mức thiên tài thế giới.”

*

Trần Hậu

(Dịch giả, nhà báo; Hà Nội – 2/6/2021)

“Tôi chọn đáp án 1: Không/chưa bàn đến”

*

Dạ Ngân

(Nhà văn, nhà báo; VN – 25/5/2021)

“Tôi chỉ thấy anh ấy [NHT] là tài năng lớn, nổi trội. Và chúng ta đừng sốt ruột với Nobel. Viết cỡ Diêm Liên Khoa của Trung Quốc còn chưa vào diện xét. Càng xa thì thấy Số Đỏ tài tình, Bảo Ninh lừng lững, sau nữa mới là Thiệp, sau nữa có thể Lê Minh Khuê. Là tôi nói về thời gian. Người Mỹ gốc Việt đạt Nobel có lẽ là Nguyễn Thanh Việt?”

*

Lê Trọng Phương

(Viết tiểu luận, thơ, dịch thuật Việt/Anh/Đức; Giảng dạy Đông Nam Á học; Đức – 25/5/2021)

“Giới chữ nghĩa và độc giả vinh danh: Đồng nghiệp viết văn bất cứ ở tầm nào khó mà phát biểu một câu có tính phê phán – về tác phẩm – hoặc tiêu cực – về thân thế. Những hình ảnh đầy hoa, rực sắc màu đến từ phía độc giả.

Một hiện tượng tất xảy ra sau khi một tên tuổi lớn qua đời. Văn nghiệp, thân thế lần nữa được phơi bày với mục đích vinh danh người mới khuất. Vấn đề là người được vinh danh không có cơ hội để minh định, để phản ứng về những danh hiệu, danh tính được trao cho kia. Song, đó chỉ là thuần đánh giá đặt trên bệ “tự chiếu”, tức “định vị” nhà văn NHT thông qua việc “tự định vị”.

Sau nhiều năm của các khuôn mẫu và thói quen rập khuôn, nhà văn gây sốc cho người đọc với những câu chuyện mới, bỏ qua tính tập thể, những định kiến về quá khứ chung của “chúng ta”, chuyển góc nhìn “chúng ta” sang góc nhìn khác, đào xới các lớp, các hóc cá nhân. Người đọc xem đó là những câu chuyện kể mới (cũng về mình). Những rung động trong nội tâm (kìm nén, vô thức, mơ hồ), những căng thẳng giữa hiểu biết thẩm mỹ, về kỹ năng nghệ thuật và thói quen suy diễn theo khuôn mẫu về “chúng ta” khiến đặt câu hỏi về vị trí “mới” của chính mình, thế là tự định vị, thấy có người khác thể hiện bản sắc mình một cách ngoạn mục, thế là vinh danh, vinh danh càng cao càng thoả.

Những giả định về mục đích, chủ đề, thể loại và diễn ngôn trong văn Nguyễn Huy Thiệp là việc khác, ở một nơi khác.”

*

Đào Tuấn Ảnh

(Nhà lý luận, nghiên cứu, dịch giả; Hà Nội – 21/5/2021)

“NHT chỉ là hiện tượng của văn học VN thôi.”

*

Nguyễn Hữu Quý

(Nhà thơ; Hà Nội / Quảng Trị – 21/5/2021)

“Nhà văn NHT đã tạo được dấu ấn rất riêng biệt, nhiều ám ảnh trong truyện ngắn VN sau năm 1975. Sự nổi bật của anh, theo tôi, chỉ ở trong thể loại truyện ngắn thôi. Tiểu thuyết, phê bình văn học không đáng kể. Tuy nhiên, những gì NHT đã có và để lại trong truyện ngắn xứng đáng để chúng ta ghi nhận về tài năng văn chương của anh. Tôi chỉ muốn gọi anh là người có tài, không thêm thắt gì nữa.”

*

Lê Quang

(Dịch giả, phiên dịch, kiến trúc sư; Berlin / Hưng Yên – 24/5/2021)

“Nên bàn đến và có lý khi bàn đến “thiên tài” nếu xét đến bề dày truyện ngắn và tầm ảnh hưởng của Thiệp đối với xã hội. Đặt vấn đề giải Nobel là không hay: Có ai biết tiêu chí thực sự của giải này đâu? Và “Nobel” cũng không nhất thiết làm chứng chỉ tài năng.

Thiệp là minh chứng cho 2 thực tế phổ biến: Mỗi thiên tài có thời của mình, đôi khi rất ngắn; và mỗi thiên tài cũng chỉ có địa hạt “tủ” của mình, bước ra ngoài là nhạt.”

*

Mai Quỳnh Nam

(Nhà thơ, nhà nghiên cứu xã hội học; Hà Nội – 23/5/2021)

“Tôi chọn chỉ báo 1: Không/chưa bàn đến.”

*

Nguyễn Đức Tùng

(Nhà thơ, nhà phê bình; Canada – 29/4/2021)

“NHT là nhà văn viết truyện ngắn vào loại hay nhất nước ta trong vài chục năm nay. So với các nhà văn Nobel tôi đọc khá kỹ, như T. Morrison, D. Lessing, A. Munro, N. Gordimer, V. S. Naipaul, O. Pamuk, thì NHT không bằng, cả về số lượng sáng tác, tầm tư tưởng có tính nhân loại, lẫn nghệ thuật viết văn; có thể nói thẳng dưới một cấp rất rõ. Tuy nhiên đừng quên trên thế giới có nhiều nhà văn ngấp nghé giải Nobel vẫn không phải là không chia sẻ với NHT một số tính chất; ví dụ H. Murakami, J. C. Oates, M. Atwood, P. Roth.

Theo tôi, quan trọng không phải là chúng ta xét xem NHT nên được cái… giải rút gì, hay so sánh ẩu tả với các nhà văn khác; mà cần rủ nhau đọc lại, đọc kỹ tác phẩm của ông – một việc chúng ta nên làm xứng đáng. Rất tiếc đến nay tôi chưa được đọc một bài phê bình chuyên nghiệp nào về NHT.”

*

Ngô Thị Diễm Hằng

(Giảng viên nhân học; Úc – 27/5/2021)

“Tôi vốn làm quen với tác phẩm NHT thuở sinh viên, thích từ đó, theo dõi dòng sáng tác của nhà văn cũng từ đó. Tôi từng nghe nói về chuyện giải Nobel, và biết NHT thực sự đã đạt giải thưởng văn chương nước ngoài.

Giải Nobel thì tôi không lạm bàn, nhưng hẳn NHT đã đóng chắc cái giải trong lòng bạn đọc. Trong lòng tôi, giải thưởng ấy không có hình chiếc cúp, mà tồn tại như một ẩn dụ đa khối, vừa quen vừa lạ, vừa đồng dao vừa triết học, vừa thơ vừa nhức nhối bi kịch, vừa yêu thương vừa chua chát, vừa muốn đẩy ra lại ham ôm ghì lấy. Thứ giải thưởng ấy, tôi vẫn tin, là đích đến của mọi văn chương.”

*

Nguyễn Hữu Liêm

(Nhà nghiên cứu, giảng dạy triết học, luật sư; Hoa Kỳ – 21/5/2021)

“NHT là đặc sản của tâm chất Bắc Hà – nhất là trong di sản Duy vật. Văn sĩ miền Bắc có khuynh hướng cay đắng, mỉa mai, tiêu cực. Từ NHT, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Quang Lập đều không chịu nhìn lên trời mà thấy trăng sao huyền diệu – lại chỉ nhìn xuống ống cống để “nhìn trăng qua vũng nước đái” (Chữ của Phạm Hải Anh).

Tôi cho rằng NHT là đỉnh cao của truyện ngắn theo văn chất miền Bắc – nhưng không hợp với tâm chất người Nam.

Nếu NHT từng được giải Nobel thì là một vinh dự lớn – và cũng là điều ngạc nhiên cho văn giới Việt. Cây dưới thung lũng, dù cao bao nhiêu, vẫn không so với cây lùn trên đồi Văn hóa, và con người VN khó mà tìm được cái chi vĩ đại. Nhất là trong thế giới văn chương hay tư tưởng.”

*

Phạm Nhuệ Giang

(Đạo diễn điện ảnh; Hà Nội – 3/6/2021)

“Danh xưng: văn hào. Đặt vấn đề như vậy là đúng, vì so với truyện của một nhà văn nữ chuyên viết truyện ngắn đã được giải Nobel thì truyện NHT không thua kém mà văn phong còn sắc sảo hơn.”

*

Xuân Hòa

(Nhà báo; TP.HCM – 15/4/2021)

“Tài khoản văn chương nhà bác Thiệp đã kết sổ mươi năm nay. Bác ấy lại vừa về với Phật: Nhìn nhận về NHT lúc này là OK. Về các danh hiệu tôn vinh, tui hổng dám bàn, vì mới đọc 3 truyện Phẩm Tiết, Những Người Thợ Xẻ và Tướng Về Hưu. Về tổng thể, vấn đề đặt ra như thế phù hợp với các nhà văn, nhà phê bình, nghiên cứu. Để trả lời trúng, họ còn phải tham khảo đánh giá từ các nhà văn trên thế giới về NHT.”

*

Thiếu Khanh

(Làm thơ, dịch thuật; Sài Gòn – 25/5/2021)

“Nhà văn NHT là người nổi tiếng. Như một nhà văn dường như có nhiều điều đặc biệt. Tài năng đã gây náo động cả làng văn học VN hiện đại. Ông qua đời, có người do lòng thương tiếc tài năng và kính trọng, đã tôn xưng ông quá đáng. Người ta coi ông là thiên tài, gọi ông là văn hào, đưa tài năng ông lên tầm mức một giải Nobel văn chương…

Có lẽ chỉ ghi nhận NHT như Nhà văn là đủ. Tài năng của ông là điều đương nhiên được mong đợi ở một nhà văn. Nếu có ai thấy gọi ông là nhà văn không thôi chưa đủ thì có lẽ trước giờ quen gọi nhiều người khác là nhà văn. Giờ đây thấy tài năng ông “cao” hơn họ một bậc, muốn tôn ông là văn hào, là thiên tài, để ông không giống họ.

Các nhà văn được mong đợi có những tác phẩm tầm mức như thế này, như thế này… Khi họ đạt được tầm mức đó mà tôn họ là văn hào, thiên tài, thì những kẻ không viết gì ra hồn cũng được gọi là nhà văn sao? Không đâu. Những người làm thơ có tài năng được công nhận rộng rãi – mới xứng đáng thi sĩ. Cái đại dương còn lại chỉ nên là… những người làm thơ thôi.

Người châu Á được giải Nobel văn chương không nhiều, 8 vị. Tất cả tác phẩm “danh trấn giang hồ” của họ (trừ Tagore) là tiểu thuyết. NHT có cuốn tiểu thuyết nào “ra hồn”? Tác phẩm nào của NHT xếp ngang hàng Xứ Tuyết, Ngàn Cánh Hạc của Y. Kawabata (Nhật), với Cao Lương Đỏ (Mạc Ngôn – Trung Quốc)? Còn với thế giới Tây phương, tác phẩm nào từ NHT có thể được xếp cạnh tác phẩm của những tên tuổi được nhiều người VN quen biết: R. Rolland (Pháp), T. Mann (Đức), H. Hesse (Thụy Sĩ), W. Faulkner (Hoa Kỳ), v.v.?

Chỉ nên dành cho NHT danh xưng Nhà văn thôi. Đó là cách bày tỏ lòng yêu mến và kính trọng đúng mực. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp; hay: Nguyễn Huy Thiệp, Nhà văn. (Trừ khi có ai đó định nghĩa nhà văn là… một số nhà văn trong Hội Nhà văn VN.)”

*

Nguyễn Hiệp

(Nhà văn; Bình Thuận – 2/6/2021)

“Mình không ý kiến.”

*

Trương Anh Tú

(Nhà thơ; Đức – 27/5/2021)

“Tác phẩm là căn cước của một nhà văn. NHT đã viết rằng nên xưng danh của mình bằng chính giá trị tác phẩm. Gọi ông là “văn hào”, “thiên tài”, đặt ông với “giải Nobel” là tấm lòng, sự ngưỡng mộ của bạn đọc, là sự vinh danh cần thiết của xã hội với đóng góp to lớn của ông.

Bất kể danh hiệu dành cho ông là gì, NHT trước sau đã làm tròn bổn phận của một nhà văn – “người thư kí trung thành của thời đại”. Trước khi mất, còn rất yếu trên giường bệnh, ông vẫn nhắn nhủ: “Muốn văn đàn VN có nhiều tác giả viết hay hơn nữa. Các bạn hãy dũng cảm lên và viết với Chân – Thiện – Mỹ“.

*

Bùi Công Thuấn

(Nhà nghiên cứu, phê bình, biên khảo, nhà văn; VN – 26/5/2021)

“NHT là một nhà văn tài năng (mà chưa xứng đáng với danh xưng văn hào, thiên tài; chẳng bao giờ có thể “bén mảng” đến giải Nobel văn chương.) Không nên đặt vấn đề như ở câu hỏi, bởi qua thời gian NHT đã “nhạt” dần, không nổi bật nữa (tức là NHT chỉ “nóng” trong thời đại của mình – thời đổi mới, không vượt thời gian).

Trong 2 bài viết về NHT từng đăng trên Văn Nghệ TP.HCM hồi 2012, tôi đã gọi NHT là nhà văn “tài, thâm, độc” nhất trong những người cầm bút đất Bắc Hà. Ngày nay đánh giá về NHT, tôi cho rằng ông có góp phần từ bỏ Chủ nghĩa hiện thực XHCN ở VN. Ông thành công ở truyện ngắn, nhưng không thành công với tiểu thuyết. Thấy văn chương VN thiếu tư tưởng và muốn viết kiểu tác phẩm tư tưởng, nhưng NHT chưa thành công.”

*

Ẩn danh 1

(Nhà thơ, giảng viên; Bắc Mỹ – 20/5/2021)

“Không ý kiến. Lý do lớn là tôi chưa đọc hết những tác phẩm NHT, và có lẽ vì không sống qua thời điểm nhà văn viết nên không cảm nhận được hết.”

*

Nguyễn Phạm Thúy Hương/ Aroma Profundo Thuy Huong

(Họa sĩ, nhà văn, nhà ngôn ngữ học; Tây Ban Nha – 26/5/2021)

“Vào ngày 20/3/2021, mạng xã hội xôn xao đưa tin “NHT nhà văn lớn nhất của VN” đã qua đời. Ngạc nhiên và tò mò, tôi đã tìm đọc truyện ngắn NHT nhưng thành thật mà nói, truyện ngắn của ông hơi dài và không hấp dẫn tôi lắm. Có lẽ vì cái văn phong kể truyện rất hiện thực không trừu tượng, hơi bình thường của ông.

Tôi nghĩ những nhà văn VN có phần hơi dễ dãi khi phong tặng danh hiệu “nhà văn lớn” cho nhà văn nào đó. Hay có thể cái chết được xem như phần thưởng lớn lao cho sự góp phần tạo nên tên tuổi của một nhà văn bình thường?

Những câu chuyện của ông mang tính địa phương trong không gian eo hẹp. Nếu so sánh với nhà văn “địa phương học” Quảng Nam Nguyễn Văn Xuân thì nhà văn NHT thua xa, không xứng tầm. Nguyễn Văn Xuân xứng đáng được phong tặng “nhà văn lớn” của VN, nhưng NHT thì không.”

*

Đỗ Trọng Khơi

(Nhà thơ; Thái Bình, VN – 22/5/2021)

“Tôi yêu giọng văn NHT. Rất yêu thích, tuy vậy tôi nghĩ danh sắc tôn vinh là thiên tài, văn hào có lẽ hơi quá, dù may mắn ông có thể được giải Nobel chăng nữa.”

*

Trần Tuấn

(Nhà báo, nhà thơ; Đà Nẵng – 24/5/2021)

“Tôi xin đề cập đến ý số 2. Khi nhà văn NHT qua đời, việc một số nhà phê bình, báo chí, độc giả, bạn bè “gán” văn chương của ông với những cụm từ “văn hào”, “thiên tài”, “Nobel” là có thể hiểu được, phản ánh cảm xúc, sự trân trọng nhiều hơn lý trí. Bởi NHT là một trong số ít tác giả văn chương hiện đại được đọc nhiều nhất tại VN, với nhiều tác phẩm ấn tượng.

Thiên tài, văn hào là gì, có barem hay thang bậc nào xác định? Khái niệm ấy có được sử dụng trong phạm vi một quốc gia với những tác giả/tác phẩm nổi bật, phổ quát và có sức sống lâu bền, hay buộc phải quốc tế hóa?

Việc nhiều người Việt, trong đó có giới viết, tìm cách “giễu cợt” NHT hay những tác giả nào đó khi họ được “gán” với giải Nobel văn chương, tôi cho đó là thái độ rất thiếu văn minh. Tôi nghĩ giải này không chỉ là kết quả mà là một hành trình. Hành trình tự thân đầy khắc khổ, phụ thuộc tác phẩm của nhà văn đi ra thế giới xa đến đâu. Tất nhiên còn phụ thuộc không ít vào khuynh hướng chính trị trong ưu tiên chọn lựa của Hội đồng xét giải. Nhưng, hết sức bình thường khi người viết nào cũng có quyền theo đuổi hành trình sáng tạo khổ ải của mình.”

*

Vũ Trọng Quang

(Nhà thơ, Sài Gòn – 20/5/2021)

“Xin trả lời “Không” cho cả 4 câu hỏi trên.”

*

Nguyễn Khắc Nhượng

(Nhà báo, TP.HCM – 23/5/2021)

“NHT là một tài năng hiếm quí của văn học VN, nhưng gọi là văn hào/thiên tài trên bình diện văn học thế giới thì tôi thấy chưa đủ tầm. Lý do: Toàn bộ tác phẩm của NHT phản ảnh và đóng khung trong không gian của người Việt cùng thời đại với tác giả, chứ không chuyên chở được các vấn đề mang tính nhân loại phổ quát. Vì thế giải Nobel văn chương dành cho NHT cũng là điều khá cao xa.”

*

Võ Thị Như Mai

(Dịch giả, nhà thơ; Úc – 19/4/2021)

“Thực ra với giới chuyên môn (nhà văn) trong nước, nhất là những người viết văn xuôi/truyện ngắn chưa mấy ai nghĩ NHT là 1 trong số 3 danh xưng trên. Điều này là khẳng định. Danh xưng “Vua truyện ngắn” chỉ là câu cửa miệng ở một số người, chưa được nêu/ghi trong bất kỳ văn bản chính thống hay một tờ báo chính thống nào. NHT cũng chỉ được xem là người nổi tiếng, đứng đầu (có thể thế) những người viết truyện ngắn trong một giai đoạn lịch sử. Có thể nói – và không tranh cãi – ông là “văn tài” nhưng nghĩ là 1 trong 3 nhận định trên thì hơi thái quá.”

*

VIP ẩn danh

(VN – 23/5/2021)

“Tôi không thật sự thân nhưng tình cờ biết (chắc chắn) vài chuyện không hay về anh ấy, thành ra cũng e ngại phát biểu.

Về văn chương, anh ấy là cây bút truyện ngắn xuất sắc, và may mắn viết đúng giai đoạn chuyển đổi nên vai trò lại càng quan trọng. Nhưng anh là người chỉ hay bằng trải nghiệm cá nhân trực tiếp nên không thành nhà văn lớn được. Càng viết càng nhạt, càng cố gắng sâu sắc càng hoá làm dáng.”

[Nhận định trên được sử dụng theo đề nghị của ĐQ từ hồi âm riêng.]

*

Trần Ngọc Cư

(Nhà giáo, dịch giả; California – 2/6/2021)

“Rất cảm động được biên khảo hiểu lầm tôi như một “cây viết”. Sinh hoạt văn học không đáng kể, tôi cảm thấy mình không đủ tri kiến, tư thế để bàn về một nhà văn nổi tiếng như NHT.

Tôi nhớ có mua đọc cuốn Tướng Về Hưu, được ấn hành trong nước vào giai đoạn đổi mới. Sách được báo Đất Việt/ Hội Người Việt ở Canada phát hành ở nước ngoài. Hiện tôi còn giữ một bản in bằng giấy hùn, phẩm chất rất tệ, gần như giấy bổi thời xa xưa. Đặt cuốn sách này gần cuốn Thơ Tố Hữu mua cùng một lần từ đó, người ta có thể thấy sự phân biệt đối xử với tầng lớp văn học nghệ thuật của chế độ. Tôi còn giữ cuốn sách như món đồ cổ. Ngoài ra tôi không có gì hơn để phát biểu về NHT.”

*

Lê Anh Hoài

(Nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nghệ sĩ sắp đặt; Hà Nội – 4/6/2021)

“NHT có thể gọi là một văn hào của nước Việt, với người viết bằng tiếng Việt. Ông đã đưa ra được, bằng văn chương với giọng điệu riêng – sự phản tư với lịch sử và một số thần tượng. Từ đó, cùng một số cây bút nổi bật vào đầu thời kỳ đổi mới, NHT làm lung lay cái gọi là nền văn học hiện thực XHCN đến gốc rễ. Ông cũng có cách tiếp cận mới với đối tượng lớn của văn chương: Con người. Cách tiếp cận này đặc biệt quan trọng với nền văn chương miền Bắc, nơi bị ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng văn sĩ tải đạo mang màu sắc hiện thực XHCN.

Giọng điệu và cách tiếp cận độc đáo của ông khiến những tác phẩm riêng có sức sống lâu bền. Điều đó khiến tôi cho rằng ông có thể được định danh là một “văn hào”. Tuy nhiên là “thiên tài” e rằng quá sức.

Về giải Nobel: Giải này trao cho các nhà văn có sự nghiệp sáng tạo gây ảnh hưởng lớn trên thế giới theo tinh thần khai phóng mới mẻ (khai phóng nhưng phải mới mẻ); Và nghệ thuật độc đáo, đặc biệt! Sự nghiệp NHT chỉ là khoảng 50 truyện ngắn (ông có viết truyện dài và tiểu thuyết song rất không thành công). Sự khai phóng chỉ dừng lại trong phạm vi quốc gia, và phần nào mang tính thời điểm (điểm rơi đúng lúc tạo chú ý). Nghệ thuật của ông có nét đặc biệt nhưng chưa phải là độc sáng. (Ông sử dụng lối văn cô đọng, lạnh lùng; tiếc thay nó là lối văn kiểu Sử ký Tư Mã Thiên).

Một số ý kiến cho rằng NHT bị rơi vào vùng trũng văn hóa và ngôn ngữ. Chính NHT cũng bị ám ảnh bởi việc này, ông nỗ lực tìm cách dịch tác phẩm ra tiếng Anh. Tuy nhiên nỗ lực của ông là vô vọng. Thế giới có lẽ sẽ cần những tiếng nói khai mở về thân phận con người sống trong chế độ độc tài kiểu châu Á. Cần những phát hiện mới về con người hiện đại dù họ sống ở đâu. Tuy nhiên NHT chưa đạt được như vậy.

Và một vài người lại nhận xét NHT viết truyện ngắn hay hơn cả Alice Munro. Điều này không đúng. Sự nghiệp của Alice Munro rất dày dặn, bà phát hiện nhân tính con người, đặc biệt là người nữ, trong đời sống của họ và mối tương quan với đàn ông. Rồi kể cả những thân phận giống đực của con người cũng được bà soi sáng. Tất nhiên phải tính đến nghệ thuật văn chương của bà; gây rung động sâu sắc trên một phổ rộng với giải tần số lớn. Điều này thì NHT chưa làm được.”

*

Dương Thuấn

(Nhà thơ; VN – 29/5/2021)

Thiệp chưa biết viết tiểu thuyết, tôi chưa bàn đến. Tạ Duy Anh/ Cổ Viên hay hơn nhiều. Lão Tạ rồi sẽ được giải Nobel!”

*

Đỗ Kh.

(Nhà thơ, nhà văn, ký giả; Mỹ & Pháp – 20/5/2021)

“Về NHT với giải Nobel thì tôi chẳng có ý kiến gì. Riêng về giải này hay các giải quốc tế khác, mỗi năm mỗi trao và nếu thế này cũng có thì cũng có thế nọ. Các hội đồng chấm giải không sống lơ lửng lưng trời và giáng giải như sấm sét từ không trung, trúng đâu chết đó. Giải bao giờ cũng có môi trường, có hoàn cảnh; thí dụ anh ấy bước vào quán khi chiều xuống, mắt nhìn đăm đăm, vào lúc đó em vừa duỗi cẳng. Và như vậy mới nên duyên. Nói thành thật, tôi thấy giải bao giờ cũng xứng đáng cả, xứng đáng ít hay xứng đáng nhiều. Còn không được giải thì biết bao nhiêu, làm sao mà nói được. Làm sao bạn chắc được Nobel không vô tâm hay bất công với lại nhà văn nào viết bằng tiếng Nuer hay Luo?

Đêm nay ai đưa em về? Không ai đưa thì em ra ngoài gọi xe ôm thôi, về đến nhà em đun nước sôi nấu mì gói, việc gì mà ta phải trách ủy ban trao giải hay là trách trời gần trời xa?”

*

Nguyễn Thị Liên Tâm

(Giảng viên, nhà thơ; Bình Thuận, VN – 25/5/2021)

“Văn hào/thiên tài là danh xưng dành cho người viết văn xuất chúng, hơn hẳn người viết khác về nhiều góc độ văn chương: đề tài, tư tưởng, phong cách, cách đặt vấn đề độc đáo, ngôn ngữ xuất sắc trong một tác phẩm hay chuỗi tác phẩm. Ngư Ông Và Biển Cả, Truyện Kiều… những kiệt tác cho văn hào/thiên tài E. Hemingway, Nguyễn Du…

Để gọi NHT là văn hào/thiên tài ta phải xét kỹ tác phẩm của ông, theo quan niệm trên; Và theo sức lan tỏa trong-ngoài nước từ đó xứng đáng được đề cử giải Nobel văn học hay không? Bảo Ninh từng được đề cử giải này với tác phẩm Nỗi Buồn Chiến Tranh, nhưng chưa nghe người đọc xưng tụng là thiên tài!”

*

Nguyễn Trọng Chức

(Nhà báo, nhà phê bình mỹ thuật; TP.HCM – 6/6/2021)

“So với mỹ thuật, tôi không thuận tay lắm và hiểu biết rành rẽ để nhận định về văn chương, song theo tôi NHT là nhà văn tài năng mà nhiều thập niên nền văn học VN mới có được một người như vậy. Sự xuất hiện của NHT cách nào đó đã góp phần quan trọng để văn học VN bước sang giai đoạn mới về chất.

Một yếu tố quan trọng của văn chương NHT, đó là nó không bị “lỗi nhịp” theo thời gian: Sau nhiều năm đọc lại NHT vẫn thấy không cũ, không nhạt, điều mà nhiều nhà văn các thế hệ trước ông không dễ có được.”

*

Trịnh Sơn

(Nhà thơ; Hoa Kỳ – 30/5/2021)

“Đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần NHT. Thiệp có gì, Sơn đọc hết. Không để tìm kiếm gì mà đọc kỹ vậy. Cũng không phải hay ho hoặc cuốn hút ám ảnh nữa. Đọc. Đọc, đọc nữa, đọc mãi. Mong hiểu ra, sao người ta lại ca tụng văn Thiệp tới nông nỗi vậy. Trong khi, mình thấy bình thường. Hay là cái sự cảm nhận ở mình lệch lạc gì?

Tạm kết (Tạm, nếu ai chỉ ra văn Thiệp hay chỗ nào, thuyết phục được mình, xin sẽ xem xét lại cái tạm): Không phải Thiệp sinh ra đúng giờ lành tháng tốt. Mà, Bắc Kỳ (rất thân thương của Sơn) đã quá thiệt thòi với văn chương XHCN, và Thiệp là món quà trên trời (not thiên đường) rớt xuống. Không chai nước hoa, cục xà bông quý. “Có còn hơn không” (Nguyễn Tất Nhiên & Phạm Duy)

Sơn quý mến những người yêu văn Thiệp. Mà yêu văn chương còn là tính người. Nhưng dồn Thiệp vào chỗ Nobel, hề quá! Trả lời thiệt thà, không cần phân tích thêm.”

*

Nguyễn Anh Tuấn

(Nhà thơ; Nghệ An – 20/5/2021)

“Nguyên lí “cho chộ”/ nhìn thấy rõ (tiếng Nghệ) sẽ hồi đáp thói ảo tưởng của nhà văn VN rằng, Hội đồng hàn lâm Thụy Điển chưa từng để ý đến tác giả này.”

*

Viet Pham

(Dịch giả, công chức về hưu; Ottawa, Canada – 1/6/2021)

“Tôi không phải là người đọc truyện nhiều và cũng chỉ biết một cách giới hạn về tác phẩm và sự nghiệp của nhà văn NHT. Về văn chương ngoại quốc, tôi có đọc 10-20 tiểu thuyết cổ điển Anh, Pháp (bản dịch Anh)… Theo thiển ý tôi nếu ông NHT có được trao giải Nobel văn chương thì cũng không phải là điều không thể nghĩ tới. Nói cả về lượng lẫn phẩm, tôi nghĩ NHT có đủ ngang tầm vóc với các nhà văn quốc tế.

Vấn đề chính, theo tôi, vẫn là ngôn ngữ và tầm quan trọng của ngôn ngữ đó trên thế giới. Ðây là sự nan giải cho các nhà văn VN muốn tác phẩm của mình có tiếng nói trên trường quốc tế. Có người cho rằng trong thế kỷ này, các nhà văn VN phải làm sao để sáng tác và trình làng tác phẩm của mình bằng ngoại ngữ Anh, Pháp, Ðức, Tây Ban Nha, v.v. Sống ở Canada hơn 2/3 đời tôi thấy đó là ảo tưởng, điều không thể thực hiện.”

*

Lý Đợi

(Nhà thơ, ký giả, giám tuyển; Sài Gòn – 1/6/2021)

“Theo tôi, NHT là tài năng truyện ngắn của thời đổi mới, nhưng so với suốt lịch sử truyện ngắn của VN, ông chưa phải là hạng nhất. Vì vậy, tầm cỡ ông với Nobel văn chương còn một khoảng cách. Ông viết truyện ngắn mới chỉ hay về ý tưởng, về câu chuyện bản địa, chứ chưa mang tầm vóc nhân loại.

Hơn nữa, về nghệ thuật viết truyện ngắn, ông không có nhiều đóng góp về quan niệm, cấu trúc và thẩm mỹ cho lịch sử truyện ngắn. Các truyện của ông khá giống nhau về thủ pháp, cách đặt vấn đề, ít đột biến và đổi mới về nghệ thuật. Nói chung, khi dịch sang các ngôn ngữ khác, chỉ còn lại chất hương xa, chứ không đủ sức gây ngạc nhiên, suy ngẫm.”

*

Vũ Tuấn Hoàng

(Nhà văn, dịch giả; Moskva, Nga – 3/6/2021)

“Một việc làm rất hay và có ý nghĩa để vinh danh một nhà văn VN. Theo thiển ý tôi, các chức danh ở trên chẳng có một tổ chức nào đóng dấu xác nhận cả. Song có lẽ, Thời gian mới là người quan trọng nhất thẩm định giá trị đích thực của một văn tài. Chúng ta cũng chẳng có gì phải hấp tấp vội vàng; nếu chỉ vì những hô danh trên mà làm cho NHT sống lại thì tôi đề nghị tất cả! Thời gian chẳng thiên vị một ai.”

*

Đặng Huy Giang

(Nhà thơ, nhà biên tập; Hà Nội – 5/6/2021)

“Tôi nghĩ Nguyễn Huy Thiệp là một văn tài hiếm có, có thế xếp chung bảng với Vũ Trọng Phụng và Nam Cao. Đặt vấn đề đế đánh giá về NHT lúc này là đúng. Ông có khoảng 10 truyện ngắn thật hay, xuất sắc nhất là Không Có Vua. Nhưng NHT chưa phải thiên tài, chỉ là nhân tài. Nhìn chung nhà văn xứ ta chưa nên nghĩ đến Nobel văn chương.”

*

Trọng Khang

(Nhà văn, nhà biên tập; TP.HCM – 4/6/2021)

“Với tôi, dù chỉ viết vài chục truyện ngắn, NHT đã khuấy đảo được một nền văn học trước đó, trong một quãng dài, rơi vào tù đọng. Còn về Nobel, nếu xem như một giá trị tối hậu thì sẽ làm hạn hẹp quá đi ý nghĩa văn chương. Tôi nghĩ nên đánh giá sự nghiệp NHT dựa trên di sản ông để lại cho văn học VN, hơn là cố gắn ông vào một giải thưởng để rồi xem đó như thước đo duy nhất.”

*

Võ Thị Xuân Hà

(Nhà văn, nhà báo, nhà biên tập; Hà Nội – 6/6/2021)

“Quan điểm cá nhân tôi, ở đây, không quan tâm giải Nobel. Vì văn NHT dịch ra tiếng Anh rất khó, các dịch giả bên các nước cho biết. Tôi theo triết lý đạo Phật; cao nhân thường ở ẩn phục vụ thế nhân, danh tiếng không làm nên đức hạnh, tài năng thực sự. Dĩ nhiên, nếu đoạt giài danh giá thì việc phổ biến tác phẩm sẽ được nhân rộng. Nhưng đời luôn thử thách những tài năng và phẩm giá.

Hồi ấy nhắc đến NHT thì thôi rồi… Có bao nhiêu viên kim cương trên đời để đánh dấu những lời tụng ca Thiệp; chắc cái giỏ của ông là to nhất, nhiều kim cương nhất so với tất cả các nhà văn “thơ phú lăng nhăng” xứ Việt suốt mấy chục năm ròng từ chớm và sau đổi mới. Cái ác được đem ra mổ xẻ. Ác chưa từng thấy. Giọng văn thản nhiên mô tả ác một cách lạnh lùng. Vậy mà đọc vẫn như có bùa mê. Hồi chuông cảnh tỉnh Nguyễn Huy Thiệp vang xa và sâu, ảnh hưởng mạnh mẽ đến ý thức hệ của tầng lớp trí thức VN thời đó.

Được mệnh danh vua truyện ngắn, sống giữa những tràng vỗ tay, đóa hoa rực rỡ, lời tụng ca ngập báo chí truyền thông, ông không bị điên bị “tẩu hỏa” mới lạ – đó là điều tôi phục ông không kém phục văn ông.

Ở văn phòng Hội Nhà văn VN số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội, các nhà văn thường nhắc tới NHT với một sự đáng tiếc, khi vào thời kỳ rực rỡ nhất của sự nghiệp văn chương, khi bao năm đã trôi qua, Hội đã để tuột không hề trao giải nào xứng đáng cho ông.

Tôi nghĩ văn ông không để trao giải, vì những ý tưởng luôn đi ngược tư duy đám đông. Dĩ nhiên đám đông không phải khi nào cũng đúng. Tôi tin bản thể linh hồn tài năng văn chương ấy vẫn lưu giữ sự thanh khiết, để chọn cho mình thời khắc hạnh phúc mà từ giã cõi sống đầy mê đắm như văn ông; và sẽ tái sinh ở một đời sống khác với một hình hài khác. Nhưng NHT thì chỉ có một, duy nhất. Nhưng NHT thì chỉ có một, duy nhất.”

*

Ẩn danh 2

(Nhà nghiên cứu, giảng viên; Huế – 6/6/2021)

“Tôi vốn không có ý kiến gì về NHT. Ổng giỏi, tài, nhưng chưa xứng là một tác gia, một văn hào bởi không có sự nghiệp văn học đồ sộ và bền bỉ. Nên cũng không quan tâm và không đặt vấn đề Nobel hay không.”

*

Nguyễn Trương Quý

(Nhà văn, nhà báo, họa sĩ; Hà Nội – 7/6/2021)

“Tôi không thấy những danh xưng được nêu có ý nghĩa lắm với sự tiếp nhận tác phẩm NHT. Tác phẩm của ông đụng chạm đến những mối bận tâm của người đọc VN, cho họ các câu trả lời về những băn khoăn ở đời, theo cách riêng ông. Là người đọc say mê những truyện ngắn của ông khi còn trẻ, tôi thấy tác phẩm của ông là số ít những thứ “khai nhãn” cho tuổi trẻ của mình, trong khi nhiều tác phẩm của các tác giả nhiều giải thưởng lớn không làm được điều đó.

Rất dị ứng nếu người ta dùng từ “văn hào” cho các nhà văn, thú thực tôi rất sợ nhìn thấy những từ như “đại thi hào dân tộc” hay “đại văn hào” – chúng đã bị lạm dụng đến sáo mòn trong những bài viết không mấy gây được cảm tình với tôi. Các danh xưng to tát ấy là sản phẩm của lối tư duy phân loại nằm trong trường thẩm mỹ ưa các đại tự sự, mau chóng khiến chính các tác giả bị xếp vào thư mục khó mà đọc lại, vì nghiễm nhiên thành kinh điển (tôi nghĩ đến khái niệm của Roland Barthes). Mấy từ “một nhà văn Việt Nam” cũng đã chẳng dễ đạt được, mà NHT còn làm được điều rất ít người làm được – đó là không cần danh xưng nghề nghiệp, nêu tên là đã đủ.”

*

Trần Lê Hoa Tranh

(Nhà nghiên cứu, giảng viên; TP.HCM) – 6/6/2021)

“NHT có lẽ là một nhân vật nổi bật của VN nửa sau thế kỷ 20, ở vị trí đánh dấu giai đoạn chuyển tiếp của văn học VN sau đổi mới. Tác phẩm NHT có nhiều thành tựu nghệ thuật và tư tưởng, như con người hậu chiến, cảm thức mất mát (lost generation), sang chấn tâm lý… Tuy nhiên, do vấn đề dịch thuật và giới thiệu chưa được nhiều trên thế giới, nên việc gọi NHT là “văn hào”, “thiên tài” e là hơi thổi phồng. Vì nhận định về một nhân vật bây giờ không phải chỉ dựa vào phê bình nội bộ, con hát mẹ khen hay nữa; phải có những nghiên cứu, đánh giá từ bên ngoài.”

*

Hồ Sĩ Bàng

(Giảng viên IT; Hà Nội – 23/5/2021)

“NHT là một nhà văn lớn của đất nước này. Trong bối cảnh xã hội phức tạp, dòng chảy văn học nghệ thuật có xu hướng xuôi chiều, nhưng NHT bằng con mắt nhìn sâu sắc và bút pháp mạnh mẽ đã chỉ ra được nhiều điều chưa nói được trong hoàn cảnh đó. Ông xứng đáng là người dám phản biện xã hội, mang rất nhiều sinh lực tới người cầm bút cùng thời.”

*

Bùi Văn Phú

(Nhà báo, giảng viên báo chí; California – 6/6/2021)

“NHT được biết đến như là một nhà văn có tiếng vào thời kỳ cởi trói văn nghệ, nổi tiếng nhất là truyện Tướng Về Hưu, rồi đến Vàng Lửa, Kiếm Sắc, Con Gái Thuỷ Thần. Những truyện đó có nội dung khá hấp dẫn và phản ánh xã hội VN với những đè nén, bất cập, dối trá qua các nhân vật. Hay nỗi buồn thực tại của nhà văn, nhà thơ trong xã hội qua Chú Hoạt Tôi. Lại có những truyện như Không Khóc Ở California hay Mưa, tôi đọc đi đọc lại mà không nắm bắt được nội dung hay ý tác giả muốn nhắn gửi gì. Vì thế để đặt NHT vào đúng chỗ đứng trong văn học VN cần phải thêm thời gian và có những phê bình nghiêm túc không bị giới hạn.

Còn về việc giải Nobel văn chương thì cũng chỉ là ai đó có thể đề nghị. Được giải hay không, có lẽ xa vời, vì ngay cả trong nước VN, các tác phẩm NHT vẫn có số in giới hạn, quanh 1000 bản. Chưa có nhiều truyện của ông được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp để được thế giới biết nhiều đến. Trong vài thập niên qua, được đề nghị giải Nobel văn chương đã có tác phẩm của thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, nhà văn Dương Thu Hương. NHT nổi lên nhờ cởi trói văn nghệ, sau đó buộc lại thì sáng tác của ông cũng không còn mang tính đột phá nữa.”

*

Đỗ Anh Vũ

(Nhà nghiên cứu, nhà biên tập; Hà Nội – 1/6/2021)

“NHT, với tôi, là một văn tài, một trong những cây bút truyện ngắn xuất sắc nửa cuối thế 20, người có nhiều đóng góp cho những biểu đạt mới mẻ của thể loại truyện ngắn. Gọi ông là văn hào hay thiên tài thì hơi quá.”

*

Nguyễn Thị Thanh Bình

(Nhà thơ, nhà văn; Hoa Kỳ – 11/6/2021)

“Theo tôi NHT là nhà văn lớn trong ý nghĩa văn chương của anh chứa khá nhiều tư tưởng, và anh xứng đáng nổi lên như một hiện tượng hiếm hoi, độc đáo và độc sáng của thời kỳ văn học XH hiện thực đổi mới.

Tôi rất thích bút pháp và không khí truyện của một số truyện ngắn của anh; và điều này chúng ta phải hiểu là không dễ lọt vào mắt xanh trong cái nhìn của những giám khảo phương Tây như chính anh và nhất là nhà xuất bản ở Pháp mong mỏi. Có lẽ sự ra đi khá sớm của một nhà văn phải gác bút vì bạo bệnh trước đó đã gây xúc động trong lòng giới cầm bút và độc giả, nên họ chợt thấy hụt hẫng tưởng tiếc như thể VN vừa hụt mất giải Nobel văn chương. Tiếc là NHT không thành công và viết quá ít trong lãnh vực tiểu thuyết như Mạc Ngôn, Cao Hành Kiện…”

*

Trần Đức Tiến

(Nhà văn, nhà báo; Vũng Tàu – 4/6/2021)

“Về những điều phỏng vấn đặt ra, tôi xin phép không có ý kiến gì.”

*

Võ Công Liêm

(Nhà nghiên cứu triết học, nhà thơ, nhà văn; Canada – 5/6/2021)

“NHT (1950-2021) là nhà văn tên tuổi cuối thế kỷ thứ 20, một thứ văn chương mới. Những tập truyện của NHT là tiểu thuyết lớn được coi như Thời Của Lý Do / L’Âge de raison (1954) là chủ đề truyện của Jean-Paul Sartre; mà NHT có truyện Tướng Về Hưu (1987). Trước có Sartre và sau có Nguyễn làm những tác phẩm bị gác bỏ hoặc không ‘đụng tới’ sau khi vãn hồi chiến tranh thế giới II và thống nhứt đất nước ở VN (1975).

Truyện mang màu sắc ‘tố cáo’ hơn là ngợi ca trong ‘linh hồn sắt thép /Iron in the Soul’ do đảng và nhà nước đề ra. NHT nhắm tới tiêu đề để dựng truyện là giai đoạn của cuộc đời mà tác giả đã nhận biết qua vai trò của người giã từ vũ khí, là một hàm chứa trên đe dưới búa mà tác giả đã sống và chứng kiến trong cuộc đời.

Bản thân NHT đã nhận ra những cơn biến động chính trị trong nội bộ cũng như ở quần chúng là những dự tính bất ngờ đến với Nguyễn từ một thứ triết lý nhân văn đưa vào văn chương sáng tác; thay thế vào đó để nói lên thảm trạng của chính trị với vô số chịu đựng khác nhau. Những Ngọn Gió Hua Tát, Muối Của Rừng… cho dù đó là lưỡng phân chủ nghĩa (có tốt, có xấu) nó nằm trong tâm lý đời thường qua chuyện cũ, chuyện mới được gán ép vào nhau; những gì đeo đẳng mãi, một ám ảnh của cuộc chiến, Nguyễn lấy văn chương như một gián tiếp chống lại. Tác phẩm NHT trước sau đều sáng giá cả hai mặt tình và lý. Thế nhưng chưa coi đó là một luận đề để bàn tới, hay coi đó là mô thức trong văn chương để xác quyết tác phẩm đáng để đời hay chỉ là bàng quan như những tác phẩm khác.

Khi đưa ra nước ngoài nhất là ở Pháp – người ta, ngay cả tác giả, cũng hy vọng Nobel sẽ để mắt tới; do có một số nhà văn lớn cũng như những nhà báo, nhà xuất bản ở Pháp cố công vận động hoặc ký giao kèo in ấn những tác phẩm của Nguyễn. Nhưng, tất cả chưa đạt yêu cầu trên bình diện thời sự cũng như tâm lý quần chúng. Nhớ cho: với Nobel phải là luận thuyết có tính nhân bản, có tính hoà bình hơn chiến tranh thì may ra để ý đến. Ngay cả với J. P. Sartre từng được bình chọn của hội đồng giải văn chương Nobel 1964 (và Sartre đã từ chối giải thưởng). Hơn thế nữa Nobel nghiêng về truyện dài, truyện lý luận hơn truyện ngắn. Do đó đề xuất truyện ngắn Tướng Về Hưu để chọn vào Nobel là không đúng tiêu chuẩn của hội đồng văn hóa quốc tế Thụy Điển. Đấy là điều đưa tới tuyệt vọng cho NHT. Là vì, mơ ước đó chưa hẳn phải là tuyệt đối của đại đa số hoặc có thể người ta cho đó là tham vọng chủ nghĩa (?). Vấn đề được xác quyết có hay không có nó thuộc về hiện hữu thời gian. Tuy nhiên, không phải lý do đó đã làm cho tác giả mất sáng tác, NHT viết vững hơn xưa qua kinh nghiệm tư tưởng vốn có về sau này.

Nhưng, chúng ta phải có cái nhìn sâu hoáy vào những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn NHT một cách sáng tỏ. Văn chương xưa nay thường là ẩn ngữ hay ẩn dụ cho một bày tỏ kín đáo trong truyện. Truyện của NHT được lồng vào chuyện xưa nay đều có tính cách ‘ví von’ giữa ‘phong kiến quan liêu/ bourgeois morality’ và ‘phép vua thua lệ làng/ decent behaviour’, đặc biệt trong tập truyện ngắn Tướng Về Hưu và Muối Của Rừng. Mổ ra xem thì hẳn nó chống kịch liệt, cái kiểu ‘mượn đầu heo nấu cháo’ ra phết! Độc giả ngày nay khôn ngoan và thông minh thậm tệ. Mượn câu nói này của Sartre trong tác phẩm Thời Của Lý Do: “Nói gọn, nó có một nửa nhân tính cái đó khó hiện hữu cho tôi – thực ra, nó không phải là từ chối, một nửa khác là trong thế đơn độc của tôi và để tâm theo đuổi nó… Anh bày tỏ một cảm tình trừu tượng với đảng Cọng sản, nhưng, anh để dạ vào đó mà chẳng mấy khi mắc phải lỗi lầm và anh chẳng bao giờ ủng hộ tới nó…’ Tướng Về Hưu và những truyện khác là thứ chính trị đặc sau hậu trường, nó không thể khuấy trộn ở chính tác giả để hành động công khai. Nhà văn NHT có miệng mồm trong chữ nghĩa, một lối hành văn tinh thông ‘dương Đông kích Tây’ rất khéo léo và rất hiếm thấy ở những nhà văn khác. Nguyễn thích đổi cái tự do trống rỗng đó bằng một âm vang đúng nghĩa của nó và, nhờ đó mà Nguyễn thấy được tự do một cách đích thực. Tự do viết lách và hành động như tâm tính người lính già về vườn sau những trận chiến mệt mỏi.

Trong lời nhắn với bạn bè một cách chân tình, văn chương đã chuyên chở những gì tuyệt vời nhất, một tự giác và một ít những gì mà NHT bỏ vào đó như một dự cuộc rộng lớn; hẳn không phải việc làm đó là một hội nhập với thế giới ngay tức khắc, nhất là thế giới văn chương ngày nay.”

(Trích nhận định mang tên Con Đường Đi Tới Tự Do Của Nhà Văn NHT do tác giả viết cho biên khảo Tiểu truyện NHT; toàn bộ bài được giới thiệu trong bản đầy đủ của biên khảo.)

Comments are closed.