Ký ức sông Chu

Vũ Thư Hiên

Từ trường tôi ra tới sông Chu chỉ mấy bước chân.

Thanh Hoá có hai con sông lớn – sông Mã và sông Chu. Sông Chu gắn bó với tôi nhiều hơn sông Mã. Tôi yêu nó hơn vì nó để lại trong tôi những kỷ niệm. Sông Chu không rộng bằng sông Mã, không mạnh mẽ như sông Mã, thuyền bè xuôi ngược ít hơn sông Mã, nhưng nước trong vắt.

Tôi thường ra đê câu hoặc hóng mát. Mùa hè ngồi ở mép sông gió lồng lộng, rất thú vị, nhất là trong những ngày nóng bức, nhưng câu thì chán phè. Câu sông khác câu ao, nước chảy đôi khi cuốn phăng dây theo dòng, binh cả lưỡi lẫn mồi lên mặt nước. Chúng tôi cắm cần câu vào đất xốp. Cần câu im phăng phắc, đầu cần là chỗ nghỉ tiện lợi cho lũ chuồn chuồn kim mỏi cánh

Ngồi bên tôi hàng giờ không thấy tôi câu được con nào, cô ba Cường cười khinh khỉnh:

– Định làm Khương Tử Nha chắc. Nước thì trong thế kia!

Cô ba Cường không phải con gái. Cô đực rựa trăm phần trăm. Cốt cách yểu điệu, thân hình thanh mảnh, dáng đi hai tay phe phẩy, giọng kim nheo nhéo, đã sinh ra biệt hiệu ấy.

Khương Tử Nha câu bằng lưỡi câu thẳng. Ông câu để chờ thời. Tôi chẳng chờ cái gì.

Cá sông khác cá ao. Chúng lười. Có thể nhìn thấy chúng vô tư thả mình theo dòng nước. Tôi không thấy chúng kiếm ăn. Thế mà thỉnh thoảng tôi cũng câu được vài con cá bò đấy. Cá bò ít ở sông, chúng đến từ đâu không biết. Chúng khảnh ăn, ăn như chơi, như một sự chiếu cố. Tôi thích màu vàng phơn phớt và làn da bóng nhãy của chúng.

Tôi yêu những con sông và những bến đò. Ngồi chờ đò, tôi say sưa ngắm dòng nước êm đềm chảy, lặng nghe tiếng sóng nhỏ vỗ bờ. Những tiếng ộp oạp khe khẽ ấy rất dễ ru ta vào giấc ngủ.

Thời gian ấy, tôi bị lao. Tôi ho ra máu. Mẹ giục tôi đi khám bệnh.

Ở phố huyện Nông Cống có quân y viện. Phố dài, sau lưng quán xá là những bãi rộng. Quân y viện nằm trong một bãi ấy – vài mái tranh tạm bợ châu vào một cái sân hẹp.

Thanh Hoá là tỉnh duy nhất yên tĩnh, không có chiến sự, quân y viện toàn bệnh binh nhẹ, mà cũng không nhiều. Dân chỉ lác đác đến bệnh viện – không ai muốn nằm nhà thương, hai chữ nhà thương làm họ phát rét.

Trong bộ quần áo thùng thình, bác sĩ Hoàng Đình Cầu thấp bé lấy tay gõ còng cọc vào cái ngực gầy còm của tôi, dùng ống nghe rà soát mọi chỗ.

– Lao thời kỳ thứ hai – ông thở dài, đưa ống nghe cho tôi – Đồng chí tự nghe đi. Có thấy tiếng nổ lép bép như muối rang không? Sang thời kỳ thứ ba là toi. Đồng chí là thương binh, tôi nói thẳng: ta không có thuốc chữa, còn ăn được cái gì thì ăn, khỏi làm con ma đói.

Mẹ tôi mua một mảnh ruộng, dựng lều cho tôi ở riêng kẻo lây sang các em. Ngày hai bữa, mẹ xách giỏ cơm cho tôi ăn.

Tôi vẫn đi học. Tôi ý tứ ngồi một mình ở cuối lớp, cách xa các bạn.

Tôi không muốn chết. Tôi buồn. Mình mới mười bảy, chết uổng quá.

Nghĩ gần nghĩ xa, tôi thấy chỉ có tự mình cứu mình, không trông chờ vào đâu được.

Nghe nói trong vùng tạm chiếm có thuốc Tây chuyên trị lao, tôi ra Nga Sơn đáp thuyền vào khu tự do Nam Định. Chuyến đi gian nan, nhưng may mắn. Giữa đường bị ca nô Pháp rượt, thuyền tạt vào bãi sú vẹt. Chúng tôi lội vào bờ.

Biết đây thuộc vùng địch, nhưng chẳng còn cách nào khác. Tôi và cô gái đi cùng bảo nhau đóng vai vợ chồng trên đường hồi cư. Vào ngôi nhà đầu tiên, tôi phát run khi thấy trong khung ảnh trên tường rất nhiều hình chủ nhà: một sĩ quan Bảo chính đoàn.

Không tra hỏi chúng tôi là ai, đi đâu, làm gì, anh ta bảo:

– Cầm lấy cái này chặt chuối hoang làm bè, ở cuối bãi nhiều lắm – anh lững thững xuống bếp, mang lên một con dao rựa – Giờ cứ ở yên đây, đồn Tây ngay nách, chờ trời tối thì bám bè chuối mà vượt cửa Thần Phù.

Cửa Thần Phù rộng như biển, mênh mông, nhưng không có sóng.

Sang được bờ bên kia thì tôi bị du kích bắt. Nhằm nửa tháng trong trại giam với các vị hội tề… vì tôi bị tình nghi gián điệp, chán thế. Các vị có gia đình tiếp tế. Tôi chẳng có ai. Để được no hơn, tôi vẽ chân dung các cụ, được các cụ trả công sòng phẳng bằng hiện vật, bằng hoa quả.

Rút cuộc, tôi cũng được tha. Tôi khai thành thật, rồi nhờ trại giam liên lạc với tỉnh đội, có người biết tôi.

Trở về làng, tôi nhờ người lên Hà Nội mua thuốc PAS chuyên trị lao… Một chuyến đi gian nan và ly kỳ, nhiều chi tiết thú vị, nhưng thôi, để lúc khác kể.

Tôi học vì tôi không sợ làm ma đói, nhưng sợ làm ma ngu. Vì thế sau trận bị pháo bầy, phải nằm quân y viện, tôi một hai xin phép cho tôi được về nhà, đi học.

Lớp học đặt trong đình làng Ngò, rộng thênh thang. Học trò cắp bàn gỗ theo, đến lớp thì bung ra. Thời chiến, chúng tôi học đêm. Trong ánh đèn dầu lạc lờ mờ chúng tôi vẫn đọc được, viết được.

Thời gian này tôi đọc nhiều. Tôi giải sạch sành sanh năm trăm bài trong cuốn đại số học của Brachet, tôi đọc Hình nhi thượng học, Hình nhi hạ học, đọc Kiều, Cung Oán Ngâm Khúc, đọc Nhị Độ Mai. Tôi ngấu nghiến cuốn Trường Kỳ Kháng Chiến Nhất Định Thắng Lợi của ông tổng bí thư đảng, cuốn sách về sau mới biết là ông ta đạo văn của vua Tàu Mao Trạch Đông… Nói tóm lại, vớ được cái gì đọc cái nấy. Ích thì nhiều, nhưng vạ cũng có. Ông thầy dạy sử căm thù tôi tới mức nhiều năm sau không quên cho tôi vào cuốn hồi ký lãng nhách với rất nhiều bịa đặt tồi tệ chỉ vì tôi đã dám bẻ ông: “Không phải mười vạn quân cách mạng đã tiến vào điện Versailles như thầy nói, có một vạn thôi ạ”.

Tôi thích ngồi trên đê nhìn sang bên kia sông – một dọc dài ngút ngàn màu xanh đậm đặc thực vật và bên trên nó là bầu trời xanh ngắt với những vầng mây trắng lang thang.

Nếu không có mấy cái máy bay Hellcat hoặc Spitfire thỉnh thoảng lao ào ào xé toạc bầu trời ấy thì không ai có thể nghĩ rằng ở đất này đang có chiến tranh. Bầu trời sông Chu những ngày tôi ở đấy vắng bóng những cánh diều.

Trên đê có một cái điếm canh. Không giống những điếm canh đê sông Hồng nhỏ như một căn phòng bằng gạch không có cửa, nhếch nhác và đầy rác, điếm này to, cột kèo chắc chắn. Ván bên ngoài mốc thếch, nhưng gỗ bên trong đen xì vì khói và mồ hóng.

Trong điếm có một cư dân. Tôi thấy người đàn ông già này từ khi đặt chân tới đây. Tôi mà là hoạ sĩ, ắt phải làm vài ký hoạ ngay lập tức – một bức chân dung hoàn chỉnh chắc chắn sẽ rất ấn tượng.

Ông lão ngồi xếp bằng tròn đúng một chỗ, tựa lưng vào một cây cột. Tứ thời, ông vận bộ nâu sồng khuy vải, đã có vài mụn vá, nhưng không bẩn thỉu. Trùm lên bộ nâu là cái áo dạ lính màu cứt ngựa bợt bạc, có nhiều chỗ rách không được vá. Khi có gió, từ chỗ ông ngồi bay ra mùi nước tiểu khô.

Ngày này qua ngày khác, ông lão ngồi nguyên chỗ ấy, vẫn tư thế ấy, vẫn gương mặt bất động ấy. Râu ba chòm, tóc bạc lưa thưa, vầng trán bóng nhãy nổi bật trong bóng tối mờ mờ.

Dưới chân ông, gác đầu lên đùi ông, là một con mèo già, loại mèo mướp cực kỳ đông đảo ở mọi nơi. Nhìn thấy tôi, nó gừ gừ trong họng, hai con mắt thuỷ tinh trợn lên, vẻ không hài lòng. Với cung cách ấy, lẽ ra nó phải là một con chó.

– Một ông ăn mày – cô ba Cường nhận xét.

– Có lẽ không phải – tôi lắc.

Nhìn bề ngoài thì thấy ông lão không thuộc bất cứ loại ăn mày nào. Ông không đi xin ở chợ, trong làng, ở bất cứ đâu. Cứ như thể ông ngồi chờ thiên hạ mang bố thí đến. Mà đúng thế thật, trước mặt ông, ngày lại ngày, luôn có khi thì mo cơm nhỏ với con cá khô, khi thì mấy bắp ngô trong áo xanh. Đáp lại lời chào của chúng tôi, ông khẽ gật đầu. Không một thớ thịt cử động trên gương mặt bằng gỗ quang dầu.

Khi hoàng hôn xuống, những vạt sáng cuối cùng của ban ngày biến ông thành tượng.

– Ông lão không phải ăn mày – anh bạn tôi, cháu nội cụ cử nổi tiếng Nguyễn Thượng Hiền, bảo – Nhà nho cuối cùng của một thời chữ nghĩa. Cái tử ngữ đã tạo ra những ông thầy không học trò. Không vợ, không con, nhà cửa bán hết cho những kỳ lều chõng, ông trở thành người bất đắc chí.

Tôi có một sai lầm không thể cứu chữa là coi thường chữ nho. Khi còn nhỏ, tôi thuộc vanh vách tam thiên tự nhưng không biết mặt chữ. Tôi ngán những con chữ loằng ngoằng nhiều nét của thứ văn tự đã chết. Tôi bị một roi quắn đít khi ông hương sư sai tôi viết chữ “phẩm”:

– Chữ ấy dễ nhớ ạ. Nó là ba cái hòm chồng lên nhau.

Rốt cuộc, tôi bỏ học vì chán cả thầy lẫn chữ – quốc ngữ đã lên ngôi, còn ai thiết cái chữ nho hấp hối.

Về sau, tôi ân hận. Những từ gốc Hán có đầy rẫy trong các sách. Gặp những từ ấy tôi hiểu lơ mơ, chỉ đoán được ý xấu ý tốt của chúng trong văn cảnh.

Sực nhớ ông lão trên đê từng là thầy đồ, tôi và cô ba Cường bàn nhau: tại sao không đem những chữ không hiểu ra hỏi ông.

Chúng tôi đến, ngồi xổm trước mặt ông.

Ông lão đang lim dim ngủ. Tôi đánh bạo, khẽ đụng vào người ông, khai mào

– Cụ ơi, chúng cháu muốn hỏi cụ mấy câu.

Ông lão lười biếng mở cặp mắt kèm nhèm:

– Hỏi cấy chi?

Cô ba Cường đằng hắng:

– Chúng cháu muốn cụ giảng nghĩa chữ “phiến diện”. Nó có nghĩa là gì ạ?

Ông lão không trả lời ngay. Hai con ngươi mờ đục chiếu vào mặt chúng tôi, quan sát:

– Hừm, chúng bay nỏ hiểu thực chớ?

Giọng nói đầy ngờ vực, pha chút khinh khi.

Mếch lòng về hai tiếng “chúng bay”, nhưng chúng tôi nhịn – ông lão từng là thầy đồ, ông có coi kẻ đem chữ nghĩa hỏi ông là học trò cũng là phải lẽ.

– Dạ – tôi và cô ba Cường ấp úng – Chúng cháu không hiểu thực ạ.

Lông mày cụp xuống, mắt nheo, ông lão suy nghĩ.

Lát sau, ông thủng thẳng:

– Ờ, chúng bay không hiểu thực thời choa giảng cho mà nghe: “phiến diện” có nghĩa là cái mặt quạt.

– Sao lại là cái mặt quạt ạ?

– Bay thử xoè cái quạt ra coi – ông làm một cử chỉ xoè cái quạt giấy bằng mấy ngón tay cong queo – Hắn trải ra thì bèn bẹt rứa đó.

– Dạ. Nhưng sao lại là mặt quạt ạ?

– Là người ta nói về cái chỉ có bề mặt, không có bề sâu.

Tôi đánh bạo:

– Nghĩa là nó mang ý chê bai, phải không ạ?

Ông lão gật:

– Phải. Không ai nói “phiến diện” khi khen.

Tôi đặt câu hỏi tiếp:

– Còn “quá độ”, thưa cụ, có phải là sự thái quá, là sự đi quá một cái gì lẽ ra là đã đủ?

– Cái ni thời không phải – lần này ông lão bật cười, mặt giãn ra, những nếp nhăn nhoè đi – Ai nói với chúng bay rứa hả? “Quá độ” có nghĩa đen là qua đò, đồ khỉ.

– Tức là sao ạ? – tôi hỏi.

– Muốn qua sông thì chỉ có hai cách, hoặc bơi qua, hoặc đi đò. Nghĩa đen của “quá độ” là rứa, qua đò. Phàm khi dùng chữ “quá độ” là người ta nói cái nghĩa bóng của nó, là ý chỉ cái tạm bợ để đi tới cái chi khác, để đạt được cái khác, chớ không phải cái mục đích. Nói rứa đủ rõ chưa?

Chúng tôi ồ lên.

Riết rồi ông không ngờ vực lòng thành của chúng tôi nữa, chúng tôi dốt thật sự, chúng tôi hỏi thật sự, chứ không phải đặt những câu hỏi để chọc ông.

Chúng tôi còn đặt cho ông nhiều câu hỏi. Nhờ những câu hỏi mà giữa chúng tôi và ông lão nảy sinh mối giao tình. Ông lão không lạnh nhạt với chúng tôi nữa. Những cuộc trò chuyện trở nên thoải mái.

Một đêm trăng, trời nóng, chúng tôi lên đê hóng gió. Đúng vào lúc ông lão đang ngâm thơ.

Chúng tôi đến như thường lệ, ngồi bó gối trước mặt ông. Chúng tôi nghe rồi đòi ông ngâm lại.

Chiều chúng tôi, ông ngân nga:

“Trung thu dạ, nguyệt tối minh. Đăng lâu viễn vọng, nguyệt quang như trú. Vạn lý vô vân, thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc”.

– Nghĩa là thế nào ạ? – Cường giật cánh tay áo ông, nhõng nhẽo.

Ông lão lườm chúng tôi, nhưng mặt ông vui:

– Lại cũng không hiểu hả?

– Dạ – chúng tôi đồng thanh.

– Nghĩa là ri: “Đêm giữa thu, trăng vằng vặc. Trèo lên lầu nhìn ra xa thấy ánh trăng tựa ban ngày. Ngoài vạn dặm không mây, nước thu cộng với bầu trời hoà thành một màu”.

– Hay, thơ cụ hay quá! – chúng tôi reo lên.

– Bậy nào – ông lão nghiêm giọng – Không phải thơ của choa. Lúc còn trẻ choa cũng võ vẽ đôi câu, nhưng thơ chẳng ra thơ. Mần thơ, chúng bay ạ, không phải ai cũng mần được. Có vần đấy, có điệu đấy, tứ cũng có đấy, nhưng không phải thơ. Bài tả cảnh trung thu chúng bay vừa nghe không phải thơ mà là phú.

– Người làm bài phú ấy tên gì ạ?

Ông lão nghiêm giọng, xướng lên một cái tên:

– Vương Bột.

Cường ngẩn người:

– Là người Thanh Hoá ạ? Chúng cháu không nghe tiếng.

Ông lão cười, nhưng môi bĩu:

– Tiên sinh ni người Tàu, thời nào choa không nhớ, lâu lắm lắm rồi. Chúng bay có học, nay không biết thì mai sẽ biết tiên sinh là ai sống vào thời nào. Người quê choa không phát về thơ, không có thi nhân.

– Vậy ở nước ta đất nào phát về thơ ạ?

– Hà Tĩnh.

– Còn Nghệ An? – cô ba Cường tò mò.

– Đất Nghệ phát về dạy học, phát về quan.

– Thế còn câu: “Xứ Thanh cậy thế, xứ Nghệ cậy thần” có nghĩa là sao ạ?

Lại vẫn Cường. Anh hơn hẳn tôi về những cái biết như thế. Anh nhớ nhiều ca dao tục ngữ hơn tôi.

– Đất Thanh Hoá ni là đất “đế vương chung hội”. Triệu nữ vương là người Thanh, vua Lê cả hai triều Tiền, Hậu đều là người Thanh, vua Hồ cũng người Thanh, chúa Nguyễn, chúa Trịnh cũng là người đất ni hết.

– Ra là vậy.

– Nói xứ Thanh cậy thế là nói người Thanh vênh váo, kiêu hãnh. Nhưng chỉ kiêu suông, chứ cậy thần như dân xứ Nghệ thì mới có lợi.

Ông lão triết lý. Khi triết lý, ông ngước mắt nhìn lên cái thượng lương đen xì với những vết mốc trắng.

Tình bạn của chúng tôi với ông lão kéo dài không lâu. Nó kết thúc đột ngột.

Một buổi sáng đầu đông, Cường xộc vào lều tôi, dựng tôi dậy:

– Ông ấy chết rồi.

Tôi chưa tỉnh giấc, ngơ ngác:

– Ai kia?

– Còn ông nào nữa. Ông lão của chúng mình ấy.

Buổi sáng, Cường chạy lên đê để hít thở không khí như thường lệ thì thấy người ta xúm đông xúm đỏ quanh điếm.

– Ông lão “đi” từ đêm. Cứ ngồi thế mà “đi” – Cường bặm môi – Không ngã xuống, lạ thế.

Tôi mặc vội quần áo chạy theo Cường.

Khi tôi tới nơi thì ông lão đã được đặt trên một cái chiếu đậu mới. Họ đã dùng rượu bóp cho chân tay ông duỗi ra rồi đặt ông nằm.

Ông lão được mặc quần áo mới, hai tay đặt trên bụng, hai ngón cái được buộc vào nhau bằng dây vải xô.

Tôi không nhận ra ông. Mặt ông sáng hẳn ra, bình thản như chưa bao giờ bình thản như thế. Quanh ông người trong làng đến mỗi lúc một đông.

Anh cháu cụ cử Ngò cũng có mặt:

– Ông lão từng có nhiều học trò trong làng. Nhiều người sau làm chức lớn. Con cháu biết thì thay mặt cha chú lo chuyện ma chay cho ông thầy. Nhất tự vi sư, bán tự vi sư, ơn ấy không thể bỏ.

Trong đám đông vây quanh, tôi nghe nhiều tiếng sụt sịt, tiếng nấc kìm nén.

Lát sau, một cái quan tài được khiêng tới. Ván thô, không bào, nhưng chắc chắn.

– Chúng mình sẽ đưa ông lão chứ? – cô ba Cường ghé vào tai tôi.

Tôi lắc.

– Sao vậy?

– Tớ không thích đưa ma. Cảnh hạ huyệt sẽ xoá nhoà mọi hình ảnh của người gần gụi với ta khi còn sống.

Cường bặm môi, hất hàm:

– Không cần cậu đi cùng. Tớ sẽ đi.

Lần đầu tôi thấy anh bướng bỉnh theo cách đàn ông. Mặt câng câng, mắt chớp liên hồi, cố ngăn một giọt lệ trào ra:

– Ông là người thầy của chúng ta.

Tôi giật mình, nhớ lời cha tôi dạy: “Hãy coi mọi người quanh ta là thầy mình”.

Tôi đặt tay lên ngực:

– Là người thầy, ông mãi ở đây, Cường ạ.

Chúng tôi ôm lấy nhau.

Đúng vào lúc ấy một câu hát bỗng từ đâu văng vẳng:

“Rồi đến, rồi đi, rồi khuất bóng…”

Nó là câu hát trong một bài hát khác, nói về người khác, về chuyện khác, tôi nhớ là bài hát về một cô gái hái mơ.

Nhưng sao mà nó hợp với cảnh này thế.

Có thể tôi nhớ nhầm.

Đời con người là thế.

Rồi đến, rồi đi, rồi khuất bóng.

2000

Comments are closed.