Trần Dần ở giữa ngã tư (1)

Thái Kế Toại

Tôi đưa tay lên sọ. Không phải vì đau đầu. Tôi lại dừng chân bên một ngã tư: tôi rụt rè không định rẽ ngả nào. Biết đâu rẽ ngã tư kia tôi không gặp gió độc? Biết đâu ngả nào không gió thổi? Tôi đưa tay lên sọ. Tôi đứng im: hình như giữa một ngã tư. Tôi không có cả một ai để bắt chước. Tôi đến dưới một cột điện sáng đèn. Nhưng tôi nghĩ lung tung rồi. Tôi giẫm phải bóng tôi trong phố. Bóng tôi đêm nay lúc nào cũng im. Những ngã tư và những cột đèn, trang 274.

image

Chân dung nhà thơ Trần Dần với vết sẹo trên cổ do họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ năm 1956 và đăng trên Nhân Văn số 1.
(Nguồn: Tư liệu G. Boudarel)

 

Niên biểu

Trần Dần sinh ngày 23 tháng 8 năm 1926, nguyên quán thành phố Nam Định, trong gia đình một viên chức kho bạc tỉnh Nam Định. Ông học qua bậc Thành chung rồi lên Hà Nội học tiếp và đỗ bằng Tú tài.

Năm 1946, Trần Dần cùng Trần Mai Châu, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Địch, Vũ Hoàng Chương thành lập nhóm thơ tượng trưng Dạ đài.

Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông trở về Nam Định tham gia công tác thông tin tuyên truyền ở huyện Vụ Bản rồi làm việc ở Sở Tuyên truyền Khu IV.

Năm 1948, ông tham gia Vệ quốc quân, ở Ban Chính trị Trung đoàn 148 Sơn La (nay thuộc Sư đoàn 316), làm công tác tuyên truyền cùng Vũ Khiêu, Vũ Hoàng Địch, sau đó làm báo ở mặt trận Tây Bắc và phụ trách văn công Trung đoàn 148 Sơn La.

Trần Dần cùng Trần Thư, Hoài Niệm tham gia sáng lập nhóm văn nghệ quân đội đầu tiên – Nhóm Sông Đà. Thời gian này ông bắt đầu làm thơ bậc thang và vẽ tranh lập thể, bị cho là khó hiểu.

Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1949.

Năm 1954, cùng với Đỗ Nhuận, Tô Ngọc Vân, Trần Dần tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và viết truyện dài Người người lớp lớp. Chiến dịch kết thúc, ông được cử sang Trung Quốc cùng Hoàng Xuân Tùy viết thuyết minh phim Chiến thắng Điện Biên Phủ. Tuy nhiên do bất đồng với ông Tùy nên ông “nhường” cho người này viết thuyết minh. Tại thời điểm này, ở Trung Quốc, Hồ Phong, một nhà phê bình văn học và là đảng viên lâu năm, gửi một lá thư dài cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng Trung Quốc vào tháng 7 năm 1954 chỉ trích các lãnh đạo phụ trách lĩnh vực văn học nghệ thuật đã ép buộc giới văn nghệ sĩ phải theo xu hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa và có thái độ quan liêu trong công tác quản lý văn học nghệ thuật.

Tháng 3 năm 1955: Ông tham gia phê binh tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu. Trần Dần nhận định tập thơ Tố Hữu nhỏ bé nhạt nhẽo trước cuộc sống vĩ đại và mắc một sai lầm nghiêm trọng là sùng bái cá nhân, thần thánh hoá lãnh tụ.

Tháng 4 năm 1955: Ông cùng Đỗ Nhuận, Hoàng Tích Linh, Hoàng Cầm, Trúc Lâm, Tử Phác đệ trình Dự thảo đề nghị cho một chính sách văn hoá với các đề nghị yêu cầu tự do sáng tác, trả quyền lãnh đạo văn nghệ về tay văn nghệ sĩ, thủ tiêu hệ thống chính trị viên trong các đoàn văn công quân đội, sửa đổi chính sách văn nghệ trong quân đội. Ông cũng viết đơn xin giải ngũ và đơn xin ra khỏi Đảng, và quyết định kết hôn với bà Bùi Thị Ngọc Khuê bất chấp sự phản đối của các cấp lãnh đạo.

Từ ngày 13 tháng 6 đến 14 tháng 9 cùng năm: Ông bị cấm trại do chống lệnh theo kỷ luật quân đội để kiểm thảo cùng với Tử Phác ở đơn vị.

21/6/1955: Liền trong một tuần, từ thứ 2 đến thứ 7, chi bộ khai trừ Trần Dần và Tử Phác. Về Tử Phác, tổ chức quyết định đình chỉ công tác và sinh hoạt Đảng để kiểm điểm.

Từ 3/11/1955 đến giữa tháng 2/56 Trần Dần, Tử Phác phải đi “tham quan Cải cách ruộng đất đợt 5” ở Yên Viên (Bắc Ninh). Trong thời gian này, Trần Dần ghi lại bi kịch kinh hoàng Cải cách ruộng đất trong nhật ký, với những chi tiết, những con số, những màn đấu tố, những cảnh giết người.

Cùng trong thời gian này, Hoàng Cầm và Lê Đạt tổ chức Giai phẩm mùa xuân, có bàn với Trần Dần đưa bài thơ Nhất định thắng ra in, Trần Dần đồng ý.

Cuối tháng 1/56 Giai phẩm mùa xuân vừa ra đời, bị tịch thu.

Đầu tháng 2/56 Lê Đạt bị Tố Hữu gọi lên tuyên huấn kiểm thảo 15 ngày.

Tháng 2 năm 1956: Hội Văn nghệ tổ chức hội nghị phê bình bài thơ Nhất định thắng với 150 văn nghệ sĩ tham dự. Ông bị kết án là đồ đệ của Hồ Phong, mất lập trường giai cấp và đi ngược lại đường lối của Đảng.

Trần Dần lên tiếng đòi thay đổi quan điểm lãnh đạo văn nghệ trong quân đội, đòi xuất bản các tác phẩm mang tính cách tân của mình. Chỉ huy đơn vị nhiều lần cảnh cáo nhưng ông vẫn giữ quan điểm, ông liên tiếp cho ra đời các tác phẩm phê phán như Lão rồng và chuyện Anh Cò Lấm phê phán cải cách ruộng đất.

Trần Dần, Tử Phác bị bắt ở Bắc Ninh. Bị đưa giam ở một nơi kín. Trong tù ông lấy một lưỡi dao cạo râu cứa cổ dọa tự tử, được đưa đi bệnh viện cấp cứu. Sau đó ông được tướng Nguyễn Chí Thanh vào thăm và cùng với Tử Phác được thả về đơn vị.

Ngày 21/2/56, Trần Dần viết một lá thư dài 15 trang, phân trần với tướng Nguyễn Chí Thanh (Vũ Tú Nam, Sự thực về con người Trần Dần, Văn nghệ Quân đội số 4, tháng 4/1958).

24-2-1954 Đại hội lần thứ XXII Đảng Cộng sàn Liên Xô công bố tội ác của Stalin.

Ngày mùng 7 tháng 3 năm 1956: báo Văn nghệ số 110 có đăng bài Vạch trần tính chất phản động trong bài thơ “Nhất định thắng” của Trần Dần do Hoài Thanh viết.

Trần Thị Băng Kha, con gái đầu lòng của Trần Dần ra đời.

Ngày 26-5-1956 tại Trung Quốc Mao Trạch Đông phát động phong trào Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng.

Tháng 8 và tháng 9- 1956 Đảng Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị Trung ương 9 và 10 kiểm điểm sai lầm Cải cách ruộng đất, bàn về mở rộng tự do dân chủ cho nhân dân.

Tháng 8-1956 từ 8-8 đến 26-8 Hội Văn nghệ mở lớp học tập dân chủ 18 ngày do Nguyễn Hữu Đang chủ trì. Bài tham luận của Nguyễn Hữu Đang về yêu cầu cải cách dân chủ trong văn nghệ được hội nghị hoan nghênh nhiệt liệt. Nguyễn Đình Thi và Tố Hữu đã phải thừa nhận những sai lầm nghiêm trọng và hứa hẹn sẽ sửa chữa.

Giai phẩm mùa xuân được tái bản trở lại.

Tháng 9 năm 1956: báo Nhân văn ra đời, do Phan Khôi làm chủ nhiệm, Trần Duy làm thư ký toà soạn, Minh Đức xuất bản, ban biên tập gồm Nguyễn Hữu Đang, Trần Duy, Lê Đạt, Hoàng Cầm. Trong số 1 có đăng bài Tiến đến xét lại một vụ án văn học: Con người Trần Dần của Hoàng Cầm.

Ngày 15 tháng 12 năm 1956: Ủy ban hành chính Hà Nội ra thông báo đóng cửa báo Nhân văn. Báo in được 5 số.

Cuối tháng 2 đến tháng 4 năm 1957: Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ 2 tại Hà Nội với gần 500 đại biểu. Nghị quyết chính thức đại hội không đặt vấn đề đấu tranh chống Nhân văn Giai phẩm. Nhiều nhân vật chủ chốt và ủng hộ Nhân văn Giai phẩm vẫn trúng Ban Chấp hành Hội Liên hiệp và Ban Chấp hành các hội văn học nghệ thuật.

Trường Chinh (vừa mới từ chức Tổng Bí thư) dự Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ hai với tư cách là đại diện cho lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam, sau khi đã đọc Thư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng gửi đại hội ông mời các đại biểu đến Nhà hát lớn vào ngày chủ nhật để nghe ông nói chuyện. Tên bài chính thức: Phấn đấu cho một nền văn nghệ dân tộc phong phú dưới ngọn cờ yêu nước và chủ nghĩa xã hội. Ông phát ngôn về Nhân văn Giai phẩm trái ngược với tinh thần của bức thư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam vì vậy cho đến thời điểm này có thể coi đây là phát ngôn cá nhân của Trường Chinh. Tiếc rằng suốt một thời kỳ dài các luận điểm của ông được coi là khuôn thước, mẫu mực để các nhà nghiên cứu lý luận phê bình cũng như các nhà văn vận dụng vào công việc của họ và phê phán nhóm Nhân văn Giai phẩm.

Đó là tín hiệu xấu báo hiệu sự đổi chiều trong đường lối của Đảng Lao động Việt Nam.

Tháng 3 đến tháng 4 năm 1958: Trần Dần tham dự lớp học chỉnh huấn tại ấp Thái Hà cùng với 304 cán bộ văn hoá văn nghệ tham dự.

Đầu tháng 6 năm 1958: Hội nghị Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật họp tổng kết cuộc đấu tranh chống Nhân văn Giai phẩm. Hơn 800 văn nghệ sĩ trong hội ra tuyên bố hoan nghênh kết quả thắng lợi của cuộc đấu tranh.

Tháng 7 cùng năm: Cùng với các nghệ sĩ khác tham gia Nhân văn Giai phẩm, ông bị kỷ luật. Trần Dần bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn 3 năm và treo bút trong thời hạn 3 năm.

Từ 22 tháng 8 đến tháng 2 năm 1959: đi thực tế lao động tại nông trường Chí Linh cùng với Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Tử Phác.

Tháng 11 năm 1959: Ông được phân công làm công tác dịch thuật tại ga ra Hội Nhà Văn cùng với Lê Đạt, Phùng Cung, Nguyễn Khắc Dực. Tại ga ra này xảy ra một vụ án hậu Nhân văn Giai phẩm về việc Phùng Cung bị bắt vì hơn chục truyện ngắn viết sau truyện Con ngựa già của Chúa Trịnh.

Năm 1960: Trần Dần có hai lần đi thực tế lao động tại khu gang thép Thái Nguyên. Đến tháng 8 thì ốm nặng và về Hà Nội. Từ đó sống âm thầm tại Hà Nội bằng nghề dịch sách và tô ảnh màu, đứng ngoài mọi sinh hoạt văn nghệ chính thống.

Năm 1988: Phục hồi hội tịch Hội Nhà văn Việt Nam

Tháng 5- 1988, Trần Dần được Phùng Quán tháp tùng vào Huế gặp gỡ đồng nghiệp và bạn đọc. In thơ trở lại trên tạp chí Sông Hương.

Năm 1987: Con trai út Trần Trọng Vũ đỗ thủ khoa Đại học Mỹ thuật Hà Nội, năm 1989 được đi Pháp do học bổng của Mỹ thuật Quốc gia Pháp.

Bài thơ Việt Bắc do Nhà xuất bản Hội Nhà văn in năm 1990 là tập thơ đầu tiên được in của Trần Dần sau thời Nhân văn Giai phẩm. Tên gốc của tập thơ là Ði! Ðây Việt Bắc!, một trường ca sáng tác năm 1957, gồm 13 chương mà chương thứ 13 là bài Hãy đi mãi đã được đăng trên báo Văn số 28 ra ngày 15/11/1957. Ở lần xuất bản năm 1990, bài Hãy đi mãi vẫn bị loại bỏ và tập thơ được đổi tên là Bài thơ Việt Bắc.

Năm 1994 tái bản tiểu thuyết Người người lớp lớp tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn.

Tập thơ tiểu thuyết Cổng tỉnh in năm 1994, đã đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn năm 1995.

Ông mất tại Hà Nội ngày 17 tháng 1 năm 1997.

Năm 1998 in Mùa sạch tại Nhà xuất bản Văn học.

Ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007.

Sau khi ông mất, người con trai thứ hai, họa sĩ Trần Trọng Vũ đã bỏ ra nhiều thời gian sắp xếp lại kho tàng di cảo mà Trần Dần để lại. Đến đầu năm 2008, Công ty Nhã Nam và Nhà xuất bản Đà Nẵng đã cho phát hành cuốn Trần Dần – Thơ, được coi là công trình đồ sộ nhất từng được xuất bản về Trần Dần.

Năm 2008, tập Trần Dần – Thơ được giải thưởng Thành tựu trọn đời của Hội Nhà văn Hà Nội.

Năm 2011 in tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn, đến nay cuốn này đã được tái bản nhiều lần.

Trần Dần có ba người con, hai trai một gái:

Con gái: Trần Thị Băng Kha, giáo viên dạy toán. Chồng là Giáo sư Tiến sĩ Viện Hán Nôm Đinh Bá Thuân.

Con trai: Trần Trọng Văn, nhà quay phim ở Đài Truyền hình Hà Nội.

Con trai: Trần Trọng Vũ, họa sĩ sống tại Pháp. Vợ của Trần Trọng Vũ là nhà văn Thuận (Đoàn Ánh Thuận).

Sự kiện phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu

Tháng 3/1955, Trần Dần, Tử Phác cùng Hoàng Cầm, Lê Đạt tổ chức phê bình tập Việt Bắc của Tố Hữu, với những bài của Hoàng Yến, Hoàng Cầm, Lê Đạt.

Lê Đạt kể lại: “Lúc đến, tôi đã thấy ông Nguyễn Chí Thanh ngồi đấy rồi. Hoàng Yến lên nói về thơ Tố Hữu và bảo rằng thơ Tố Hữu bây giờ “nhỏ” hơn thơ Tố Hữu thời trước, thì đó cũng là một cách nói thôi. Sau đó, khi anh Thanh lên diễn đàn thì tôi thấy không khí im lặng cả, không ai nói gì nữa. Trần Dần đá chân tôi bảo: “Thôi, thế cậu lên đi.” Tôi lên nói một bài về thơ Tố Hữu và tôi có nhắc đến sự sùng bái chủ tịch Hồ Chí Minh của Tố Hữu. Cuộc trao đổi ấy rất vui vẻ rồi ông Thanh cũng không nói gì nữa. Căn cứ trên cuộc thảo luận ấy thì anh em thấy là có thể có đủ bài để viết trên tạp chí Văn Nghệ mà lúc đó tôi là thường trực. Sau đó tôi có lên trình bày với anh Tố Hữu về tờ báo Văn Nghệ.

Buổi thảo luận chỉ là nói miệng, nhưng Lê Đạt muốn đưa lên Văn nghệ mới lên gặp Tố Hữu để bàn, không ngờ Tố Hữu lại “gợi ý” Lê Đạt nên viết bài phê bình tập thơ Việt Bắc, chắc ông chờ đợi một bài tâng bốc của đàn em. Đã có sẵn bài của Hoàng Yến trong túi, Lê Đạt bèn tập hợp thêm một số bài khác làm số báo đặc biệt về Việt Bắc. Tố Hữu không ngờ vụ việc xẩy ra trái hẳn ý mình, bởi vì, theo Lê Đạt: “Ở nước Việt Nam người ta chưa quen chê anh Tố Hữu bao giờ”.

Vụ phê bình Việt Bắc mở rộng và chuyển sang các báo khác, kéo dài nhiều tháng. Nhưng Tố Hữu cũng không vừa, ông ra lệnh cho Hội Văn nghệ tổ chức thêm hai buổi tọa đàm khác, có các vị chức sắc tham dự. Phía ca tụng Việt Bắc chủ chốt có các bài của Hoài Thanh, Nguyễn Đình Thi và Hoàng Trung Thông. Phía chê có: Hoàng Yến, Hoàng Cầm và Lê Đạt. Trần Độ trung dung: vừa khen, vừa chê.

Hoàng Yến muốn chê thơ Tố Hữu bịa nhưng lịch sự nói rằng Tố Hữu chưa nắm vững hiện thực: “Ta thấy thơ Tố Hữu ngày nay còn bé hơn thơ Tố Hữu trước kia. Bé vì Tố Hữu chưa thổi được vào thơ ngọn lửa hừng hực chiến đấu của thời đại để đốt cháy lòng người đọc. Bé vì chất sống chưa thật sâu sắc nên ý thơ nhiều đoạn còn giả tạo công thức”.

Hoàng Cầm chê thơ Tố Hữu “thiếu chất sống thực tế”, “nhạt nhẽo”, “hời hợt”, chỉ “lởn vởn ở bên ngoài chứ không đột phá vào một khía cạnh nào của tâm hồn”, “những câu văn đèm đẹp”, “rủ rỉ một lát rồi thôi”, “chỉ thấy những hình ảnh chung chung, gặp bất cứ ở chỗ nào”, khi ca tụng lãnh đạo thì “đao to búa lớn”, “bài “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” giống như một vại nước to, tràn đầy, pha loãng một màu sữa. Loãng quá”…

Lê Đạt, trong bài lý luận, cho rằng Tố Hữu “cố gắng đi tới công nông” nhưng trong thơ còn rơi rớt tính chất “ngậm ngùi, buồn buồn… nó là cơ sở điệu tâm hồn của Tố Hữu”… và tổng kết ý kiến của mình và các bạn: “Tính chất tiểu tư sản và xa thực tế là hai khuyết điểm căn bản, nó cản trở khả năng hiện thực của Tố Hữu. Nó là nguyên nhân của cái buồn, cái công thức, cái hời hợt rải rác trong tập thơ”.

Trần Dần không có bài trên báo, nhưng viết trong nhật ký “Tố Hữu nhìn sự vật nó chính trị quá, công thức quá, lười tìm tòi quá. Chỗ nào hay thì lại là lập lại Nguyễn Du, Tản Đà, ca dao… Tố Hữu chưa đem tới một cách nhìn mới mẻ gì”. Và trong buổi toạ đàm ngày 4/3/55, theo Vũ Tú Nam, Trần Dần bảo thơ Tố Hữu là “tí ti la haine, tí ti l’amour – tí ti căm thù, tí ti tình yêu”.

“Trần Dần ghi những điều mà mọi người thấy, nhưng không dám nói ra: Một người chuyên trị thơ kháng chiến như Tố Hữu, nếu ông chịu khó đọc lại thơ ông, thì ông sẽ thấy Trần Dần nói đúng. Thơ ông đầy những câu văn hoa ngớ ngẩn, lẩy Kiều một tý, ngược xuôi Mán Mường một tý, ươn ướt một tý, ca dao một tý, rất đúng ngữ điệu “chim gái”:

Mười lăm năm ấy ai quên

Quê hương cách mạng dựng nên cộng hòa

Mình về mình lại nhớ ta

Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào. (trích Việt bắc)

Bài Bầm ơi, vào loại rất hay của Tố Hữu cũng là một bài lẩy ca dao:

Bầm ra ruộng cấy bầm run,

Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non

Mạ non bầm cấy mấy đon

Ruột gan bầm lại thương con mấy lần.

Mưa phùn ướt áo tứ thân

Mưa bao nhiêu hạt thương bầm bấy nhiêu.

Cho nên khi bình thơ Tố Hữu, Trần Dần đã phê một câu chí lý: “Chỗ nào hay thì lại là lặp lại Nguyễn Du, Tản Ðà, ca dao… Tố Hữu chưa đem tới một cách nhìn mới mẻ gì.” (Thụy Khuê, Trần Dần, mỹ học khổ đau, http://thuykhue.free.fr/tk04/trandan1.html)

Quả thật nếu so với những câu của Trần Dần trong Ði! Ðây Việt Bắc! thì mức độ đẳng cấp thơ khác xa nhau.

Ở đây

Ta đã long đong

Chín mùa xuân xạm lửa,

Đạn

Như ruồi

Bâu kín

Gót chân đi!

Ở đây

Lên Bắc

Lại về Đông,

Vò võ

Chân trời

Khẩu súng,

Mỗi đêm

Từ biệt

Một quê hương!

Ở đây

Ta dấy nghiệp

Nhọc nhằn

Hai tay trắng

Mưu cơ

Tần tảo

Mới làm nên

Đất nước bây giờ

Chính

Cái nôi Việt Bắc

Bế bồng ta

Qua

Tất cả

Tháng năm đầy lửa

Nuôi ta

Nuôi cách mạng

Lớn khôn

Ta bầu bạn

Củ khoai môn

Nương sắn

Bạn

Con chim mất ngủ

Rừng già

Bạn

Sông Đà

Sông Mã

Chở đầy sao

Bạn hang núi

Lá vàng rơi

Khắc khoải

Trong những người tham gia phê bình tập thơ Việt Bắc có một người mà số phận cần phải nói đến là nhà văn Hoàng Yến.

Nhà văn Hoàng Yến (1922-2012), tên khai sinh Lê Hoàng Yến (bút danh: Thạch Tiễn, Hoàng Lan, Hoàng Đức Anh), quê An Thái, Hòa Vang, Quảng Nam, thường trú tại Q.3, TP.HCM, hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957.

Nhà văn Hoàng Yến tham gia cách mạng từ 1942, sau toàn quốc kháng chiến năm 1946, ông làm thư ký tòa soạn Báo Khu 4 và tham gia công an, quân đội. Ông có tham gia Nhân văn Giai phẩm với một số bài viết và xuất bản tập thơ Tình người soi dặm đường. Trước khi quyết định kỷ luật những người tham gia Nhân văn Giai phẩm ông bị quân đội khai trừ đảng và đưa đi cải tạo tại Nông trường Vân Lĩnh ở Phú Thọ 3 năm. Điều đáng ngạc nhiên là ông vẫn do quân đội quản lý cho tới năm 1967, không rõ có phải ông đã từng làm thư ký cho ông Nguyễn Chí Thanh hay không?

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (Hoàng Yến đã về “Ngã ba mây”, https://vonga1153.wordpress.com/2012/03/02/hoang-y%e1%ba%bfn-da-v%e1%bb%81-nga-ba-may-nguyentrongtao/) kể: “Năm 2006, nhà thơ Hoàng Cầm giao 53 cuốn băng cassete cho tôi để nghe, sau này làm tư liệu để viết về ông. Vì số băng quá lớn, tôi nhận 11 cuốn băng (đánh số từ 1 đến 11) về nghe. Tôi thường nghe về đêm khuya khi mọi công việc của ngày đã tạm ổn. Mỗi băng phải nghe đến 90 phút mới hết. Với một giọng kể đều đều, chân thành và chua xót, Hoàng Cầm cứ kể như bất tận về cuộc đời ông xoay quanh những câu chuyện bạn bè văn nghệ và những sự kiện mà ông trải qua. Trong 11 băng tôi nghe có nhiều chuyện rất lạ. Trong đó có chuyện nhà văn Hoàng Yến đi tù, có người vợ trẻ đẹp hiền lành bị các tổ chức vận động bỏ chồng vì chồng tham gia nhóm NV-GP “phản động”. Vợ Hoàng Yến thấy chồng hiền lành chả có tội gì, nhưng vì sức ép của tổ chức nên phải đưa đơn ra tòa li dị chồng. Khi ra tòa, tòa hỏi: Tại sao chị đưa đơn li dị chồng? Chị vừa khóc vừa trả lời: Anh ấy rất tốt với vợ con, cả họ ngoại nhà tôi đều quý anh ấy, nhưng vì tổ chức nói anh ấy phản động nên tôi không được chung sống với kẻ phản động. Đó là một bi kịch mà gia đình vợ chồng Hoàng Yến phải gánh chịu”.

Chuyện ly dị của vợ chồng Hoàng Yến ban đầu tưởng là giả vờ nhưng sau thành thật. Sau khi hết lao động cải tạo được biệt phái về Bộ Văn hóa, Hoàng Yến sống gá nghĩa với một nhà thơ người Hà Nội vốn đã sống ở nội thành trước 1954 là Thùy Linh. Hai ông bà viết chung một số vở kịch đứng tên chung. Bà Thùy Linh đã được Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật lĩnh vực Sân khấu năm 2007. Rất tiếc là ông đã không thể trở lại với gia đình đầu tiên của mình.

Trường hợp ly dị giả vờ hóa thật của Hoàng Yến – Lan Châu không phải là độc nhất vô nhị mà khá phổ biến ở xã hội Bắc Việt Nam trước đổi mới với nhiều người liên quan đến các vụ án chính trị trong đó có trường hợp Huy Vân – Tuệ Minh mà tác giả chứng kiến.

 

Bản dự thảo đề nghị cho một chính sách văn hoá

Tháng 4/1955, Trần Dần, Tử Phác, Hoàng Cầm, Đỗ Nhuận, Hoàng Tích Linh, Trúc Lâm… ký bản Dự thảo đề nghị cho một chính sách văn hoá, nội dung yêu cầu cải cách chính sách văn nghệ trong quân đội, chủ yếu đòi quyền tự do sáng tác của văn nghệ sĩ.

Hoàng Cầm viết: “Bản dự thảo sắp được thông qua. Một vài cán bộ cao cấp trong quân đội tỏ ý tán thành những điểm chính trong bản đề nghị đó, và nhất là hoan nghênh tinh thần xây dựng của bản đề nghị. Nhưng: “Đột nhiên trong không khí hào hứng của gần ba mươi anh em văn nghệ sĩ đang sẵn sàng cởi mở hết để xây dựng một trong những chính sách lớn của Đảng, bỗng có một câu quật lại:

“Tinh thần bản đề nghị này chính là một thứ tư tưởng tự do của tư sản. Nó chứng tỏ tư tưởng tư sản đã bắt đầu tấn công vào các đồng chí!”

Giá câu nói ấy ở mồm một người thường thì cũng sẽ thường thôi. Nhưng lại ở một cán bộ có đủ thẩm quyền xét lại hay bác bỏ những đề nghị của văn nghệ sĩ, thì bắt đầu có một sự động cựa lớn. Những người trước kia tán thành bản dự án thì bắt đầu trở nên hoang mang”.

Trong bài viết này, Hoàng Cầm không thể nói rõ những người ủng hộ là ai, người “thẩm quyền bác bỏ” là ai. Nhưng ông thuật lại bối cảnh buổi họp đó trong băng ghi âm Hoàng Cầm nói chuyện với bạn bè như sau: Nhân buổi họp mặt khoảng trên 20 văn nghệ sĩ, trong nội thành ở Cửa Đông với tướng Nguyễn Chí Thanh. Đây là một trong những buổi họp mặt thường xuyên, được tổ chức theo lời ông Thanh, để chúng tôi giảng cho ông về văn nghệ. Trần Dần lợi dụng dịp này để đọc bản điều trần cho ông nghe, nhưng mới đọc được độ non nửa bài, thì ông Thanh đập bàn quát: “Tôi không ngờ các đồng chí đã ăn phải viên đạn bọc đường của giai cấp tư sản… tôi thấy sặc cái mùi tư sản, nào là tự do sáng tác, tự do đi lại… thôi tôi không nghe nữa”, rồi ông đứng dậy đi về.

Trong bài Sự thực về con người Trần Dần trên Văn nghệ Quân đội tháng 4-1958, Vũ Tú Nam cho biết:

Hôm đó, Trần Dần nêu lên ba đòi hỏi chính:

1- Trả lãnh đạo văn nghệ về tay văn nghệ sĩ.

2- Thành lập trong quân đội một chi hội văn nghệ trực thuộc Hội Văn Nghệ, không qua Cục Tuyên Huấn và Tổng Cục Chính Trị.

3- Bỏ mọi “chế độ quân sự hiện hành” trong văn nghệ quân đội…

Nghe xong đồng chí Nguyễn Chí Thanh dặn dò anh em phải coi chừng, đó là quan điểm tư sản, phi Đảng, phi giai cấp, phi chính trị. Hồi đó, anh em chưa vỡ lẽ, còn ấm ức, cho là cấp trên không thông cảm. Trần Dần và vài người khác thì lồng lộn, chửi bới, reo rắc hoài nghi, chán nản, muốn giải ngũ.

Vẫn theo Vũ Tú Nam, Trần Dần viết:

Biểu hiệu cao nhất của trách nhiệm người viết là thái độ tôn trọng, trung thành với sự thực. Đó là tiêu chuẩn cao nhất đánh giá tác giả và tác phẩm… tôn trọng, trung thành với sự thực vừa là trách nhiệm, vừa là lập trường, vừa là phương pháp làm việc của người viết”.

Sự thực lớn gấp triệu triệu lần bất cứ chỉ thị, lý luận nào… Nếu như sự thực ngược lại chính sách chỉ thị, thì phải viết sự thực chứ không phải là bóp gò sự thực vào chính sách”.

Bản dự thảo do chính tay Trần Dần viết trong tháng 2/55, dài 12 trang đánh máy bị Cục Tuyên huấn bác bỏ.

Nhưng về mặt “chính thức”, Trần Dần bị kỷ luật vì lẽ khác: về chuyện tình cảm, yêu một người con gái có đạo – cô Khuê, vợ Trần Dần sau này – cha mẹ đã đi Nam, không được Đảng cho phép cưới, tự ý bỏ trại, về với người yêu ở phố Sinh Từ và không chịu lên trình diện. Tử Phác cũng không chịu lên trình diện.

Về việc này, Boudarel một hàng binh làm địch vận trong quân đội, cũng là chỗ quen biết các ông, trong cuốn Trăm hoa nở trong đêm Việt Nam bằng tiếng Pháp có phân tích: “Đối với Trần Dần, trận bút chiến trong ba tháng đầu năm 1955 đi đôi với sự tranh đấu không cân bằng trong Cục Chính Ủy quân đội về vấn đề lý thuyết chính trị và nhân sự, cả hai đan cài khó gỡ. Việc bản dự thảo bị hủy bỏ đối với Trần Dần là một thất bại, nhưng cũng không đau đớn bằng việc bị các bạn đồng hành bỏ rơi, chạy sang phe bên kia. Vì lý do sức khỏe, Trần Dần xin nghỉ một thời gian để thoát khỏi trại binh. Mãi không thấy cấp trên trả lời, anh tự ý bỏ trại về nhà người bạn gái ở phố Sinh Từ. Hai lần cấp trên gọi về chờ lệnh, anh đều từ chối. Bị kiểm thảo vắng mặt, và có lẽ bị trừng phạt nữa, bởi vì trong lần gọi thứ ba, anh đòi hủy bỏ những quyết định chống lại anh. Những phê phán Trần Dần phạm quân kỷ đi đôi với việc trật tự trở lại trong văn nghệ quân đội. Mãi không thấy gì mới, đến giữa tháng 5/1955, Trần Dần viết hai lá đơn xin ra khỏi đảng và ra khỏi quân đội (một cho đảng và một cho quân đội) trong đó anh trình bày những lý lẽ của mình với một sự thẳng thắn, đến độ ngây thơ lạ lùng”.

Đúng ra có thể nói Bản dự thảo là phát súng đầu tiên của Nhân văn Giai phẩm.

Đây là lần thứ nhất Trần Dần, Tử Phác bị giam, thật ra bị cấm trại. Trong thời gian này, Trần Dần viết bài thơ dài Nhất định thắng trao bản thảo cho Lê Đạt giữ. Hết cấm trại, Trần Dần và Tử Phác được về nhà, và hơn tháng sau, cả hai bị gửi đi tham gia Cải cách Ruộng đất tại Yên Viên, Bắc Ninh, từ 2/11/1955 đến giữa tháng 2/1956. Trong khi ấy Hoàng Cầm và Lê Đạt ra Giai phẩm mùa xuân. (Xem Thụy Khuê, Nhân Văn Giai Phẩm phần II: Nguyên nhân phát xuất, http://www1.rfi.fr/actuvi/articles/114/article_3704.asp)

Bị bắt

Tháng 1/1956, Giai phẩm mùa xuân xuất hiện, đăng bài thơ Nhất định thắng của Trần Dần. Sách vừa phát hành, Lê Đạt bị gọi lên Tuyên huấn để kiểm thảo. Giai phẩm mùa xuân bị tịch thu.

Lê Đạt kể lại trên RFI:

In ra được một tuần thì thấy ảnh hưởng của nó ghê gớm quá, tôi với anh Trần Dần cũng không ngờ. […] Nhưng mà đồng thời dông bão cũng đã bắt đầu thấy xuất hiện ở trên vòm trời rồi. Hôm tôi đến Hội, tôi gặp cụ Phan Khôi. Cụ Phan Khôi bảo: “Này, gay go đấy nhé!” Tôi bảo: “Cái gì mà gay go hở cụ?” Hôm nọ Tố Hữu đến đây phê phán Giai Phẩm Mùa Xuân nặng lắm và nói rằng: “Lũ này là lũ phản động”, thì tôi (Phan Khôi) có nói rằng: “Phản động hay không phản động chưa biết, cứ biết rằng người ta nói mình không bằng lòng thì mình viết, rồi để cho người ta trả lời”, thì Tố Hữu nói ngay rằng: “Thừa giấy cho chúng nó viết à?” Phan Khôi bảo tôi: “Cẩn thận!” Rồi chúng tôi chia tay nhau. Lúc đó đi đâu cũng thấy người ta nói đến Giai Phẩm Mùa Xuân. Bấy giờ là gần Tết rồi và hôm ấy, vào khoảng độ 28 Tết (9/2/1956) trên đường đi tôi gặp một người liên lạc của tôi, đang đi tìm tôi, bảo rằng:Anh Tố Hữu có điện đi tìm anh và nói rằng mời anh lên Tuyên Huấn để kiểm thảo”. […] Tôi bảo với cậu liên lạc: “Bây giờ em về, em cứ nói với cơ quan là không tìm thấy anh, rồi sau Tết anh sẽ lên”. Tôi nghỉ ăn Tết xong, mùng 5 Tết (16/2/1956) tôi lên gặp Tố Hữu. Lên, thì lúc ấy Tố Hữu ở trên gác, một anh chánh văn phòng xuống gặp tôi, nói rằng: “Anh đợi một lúc, anh Tố Hữu sẽ xuống!” […] Trong lúc ngồi ghế đợi, tôi thấy quyển Giai Phẩm Mùa Xuân để trên bàn, bài Nhất định thắng của Trần Dần với rất nhiều câu hỏi của anh Lành (Tố Hữu) đánh bằng bút bi đỏ, ở chung quanh. Nói ghê lắm. Còn bài Mới của tôi, thì bên cạnh câu: Bay cho cao, bay cho xa, anh Tố Hữu có đề câu hỏi: Bay đi đâu? Có phải bay vào miền Nam không? […] Lúc đó, anh Tố Hữu đi trên gác xuống […] Câu đầu tiên anh nói với tôi rất lạnh lùng: “Các anh muốn gì?”. Tôi hơi bực mình, tôi trả lời: “Chúng tôi chẳng muốn gì cả, chúng tôi chỉ muốn làm văn nghệ. Anh Tố Hữu này, chúng ta vẫn còn là đồng chí với nhau, cho nên anh không thể xử sự với tôi như người ngoài được. Có gì anh cứ nói một cách bình tĩnh.” Lúc ấy anh Tố Hữu nghĩ thế nào, mới rút một điếu thuốc lá mời tôi và chúng tôi bắt đầu nói chuyện. Câu đầu tiên mà anh Tố Hữu nói là: “Tôi rất lo cho tương lai chính trị của anh. Anh thì còn là người ở trong nội bộ, còn Trần Dần hỏng rồi. Chúng tôi đã có tài liệu rằng Trần Dần là có bàn tay của địch dúng vào. Vì anh còn là người của nội bộ cho nên chúng tôi mời anh đến đây kiểm điểm. Anh phải ở lại đây 15 ngày để kiểm điểm và để anh thấy rõ bộ mặt phản động của Trần Dần.”

Thế là tôi ở lại đấy ăn cái Tết kiểm thảo 15 hôm […] Trong 15 ngày thì có một cuộc Hội Nghị rất lớn, hầu hết các nhân vật sừng sỏ nhất của Tuyên Huấn, nào là anh Kỉnh này, Kỉnh là Trung ương Ủy viên và là phó ban Tuyên Huấn, Nguyễn Chương này. Nguyễn Chương, anh em quen gọi là Xứ Chương, là một cán bộ kỳ cựu sừng sỏ về lý luận (sau này cuộc tranh luận giữa Xứ Chương và Nguyễn Hữu Đang trên báo được rất nhiều độc giả lưu ý). Cả thiếu tướng Lê Chưởng… nhiều, nhiều lắm. Cuộc họp rất to, mà ở bên này chỉ có tôi thôi (cười). Một người thì không thể nào cãi lại được tất cả mọi người. Nhưng tôi cãi được một điểm duy nhất mà tôi có thể cãi lại, và tôi cho là đúng, đó là: “Tôi không thể nào căn cứ vào một văn bản mà kết luận một người (tức Trần Dần) là phản động được”. […]

Tóm lại, cuộc đấu tranh rất căng thẳng. Sau đó, tôi được thả về vì đến đấy coi như đã xong và anh Dần cũng đã bị bắt rồi. Tức là cùng lúc tôi bị gọi lên kiểm điểm ở Tuyên Huấn thì anh Dần bị bắt ở chỗ cải cách ruộng đất. Trần Dần bị bắt cùng với Tử Phác. […] Ba hôm sau, anh Dần cứa cổ tự tử”.

Theo Thụy Khuê (xem http://nhanvangiaipham.free.fr/Ch02-LichTrinh.html), Hoàng Cầm trong băng ghi âm cho biết:

“Ít ngày sau khi tịch thu Giai Phẩm Mùa Xuân, Tố Hữu triệu tập đại hội toàn thể các cán bộ Tuyên Huấn miền Bắc để phê bình Giai Phẩm Mùa Xuân, họp từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Trong hội nghị này, vai trò của Chế Lan Viên nổi bật. Trần Đĩnh làm việc trong báo Nhân Dân, đi dự hội nghị kể lại với tôi: Tố Hữu khai mạc, Chế Lan Viên “nổ phát súng đầu tiên” lên án – không phải lên án tập sách mà lên án một bài thơ của Trần Dần thôi – rằng nó đã bôi ra một bức tranh u ám của miền Bắc. Trong khi chúng ta đang phấn khởi, tưng bừng đón chế độ mới, mà lại nói “mưa sa trên mầu cờ đỏ” là thế nào? Rõ là mầu cờ cách mạng. Đem quệt một cái màu hết sức u tối lên trên cờ Đảng, là bôi nhọ thành tích của Đảng, của nhân dân. Rõ ràng là một câu thơ hết sức phản động… Tiếp theo Chế Lan Viên, mọi người ào ào lên phát biểu đả kích Trần Dần…, không ai bênh vực.

Vẫn theo lời Hoàng Cầm kể lại lời Trần Đĩnh, đến 5 giờ chiều, tan họp, chỉ còn lại độ 5,7 người, Tố Hữu mới hỏi Văn Phác: Thế bây giờ chúng nó đâu? Văn Phác trả lời: “Báo cáo anh, hai anh ấy đang đi cải cách ruộng đất ở bên kia huyện Gia Lâm”. Trần Đĩnh cũng chỉ nghe đúng sáu tiếng: “Gọi nó về, giam nó lại!.

Đại hội Văn nghệ họp ở 51 Trần Hưng Đạo lập lại kịch bản đánh Trần Dần đã tập dượt trong Đại hội Tuyên huấn. Phan Khôi tham dự Đại hội Văn nghệ và trong bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ, ông cảnh cáo các lãnh đạo văn nghệ như sau:

“Hội Văn Nghệ khai hội từ 7 giờ tối đến 1 giờ sáng để phê bình bài thơ Trần Dần, mà kỳ thực là hỏi tội Trần Dần, một mầm non văn nghệ. Hỏi độc tội một Trần Dần thôi là cái ngón chính trị tài tình lắm đấy, để cô lập Trần Dần và phân hóa lũ người trong Giai Phẩm, cái ngón ấy đã thành công”.

Trần Dần và Tử Phác bị bắt. Bị giam dưới hầm, Trần Dần dùng dao cạo cứa cổ, được đưa vào bệnh viện. Trần Dần viết thư cho tướng Nguyễn Chí Thanh ngày 21/2/56 và được tha ngày 5/5/56.

Hoàng Cầm viết trong bài Con người Trần Dần trên Nhân văn số 1 như sau:

Giai Phẩm Mùa Xuân bị kết tội, bài thơ “Nhất định thắng” bị kết tội. Người ta cho rằng cái bè phái độc quyền trong giới văn nghệ bị công kích (bắt đầu từ cuộc phê bình thơ Việt Bắc) đã tìm cách trả thù:

Trần Dần, Tử Phác đều bị tống giam”.

Từ những ngày Tết mưa lã chã, cái bè phái độc quyền trong văn nghệ bắt đầu họp đứng họp ngồi để tìm cách đối phó với cái Giai phẩm. Một không khí ngạt thở đè nặng lên những anh em có bài trong tập sách đó. Rồi đến một đêm, bài thơ “Nhất định thắng” bị đem ra luận tội”.

Nguyễn Chí Thanh đọc bài Con người Trần Dần, cử Lê Quang Đạo triệu Hoàng Cầm lên để giải thích. Theo lời “thú nhận” của Hoàng Cầm, sau khi nghe Lê Quang Đạo, ông đã viết bài đính chính rằng có nhìn thấy công lao của quân đội đối với Trần Dần, nhưng ông vẫn thêm vào đoạn cuối: “Việc bỏ tù Trần Dần là quá đáng, đến nỗi Trần Dần phải tự tử, và tôi vẫn viết một câu đại ý: Đồng chí Tố Hữu là người phụ trách toàn bộ công tác lãnh đạo văn nghệ, phải chịu trách nhiệm về việc này”. Bài đính chính của Hoàng Cầm không đăng trên Nhân văn.

Và đây là lời buộc tội của Tố Hữu:

Như lời thú nhận của Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, cuộc phê bình tập thơ Việt Bắc là do cái bè phái ấy sắp đặt, để đánh vào sự lãnh đạo và đường lối văn nghệ của Đảng, đường lối phục vụ chính trị cách mạng, phục vụ công nông binh, và để đề xướng cái “điệu tâm hồn” ruỗng nát của chủ nghĩa cá nhân tư sản, mở cửa cho lối sống tự do sa đọa.[…]

Đối với chúng, đời sống trong quân đội cách mạng chỉ còn là “những sợi dây xích trói buộc phải phá mà ra”. Được tiêm thêm ít nhiều chất phản động của Hồ Phong, Trần Dần gióng lên “tiếng trống tương lai” chửi cán bộ chính trị là “người bệnh”, “người ròi” [dòi], “người ụ”. Cùng Tử Phác, khiêu khích những anh em khác, hắn tổ chức một cuộc đấu tranh “buộc lãnh đạo thực hiện mọi yêu cầu” của họ.

Họ đòi thực hiện những gì? “Trả quyền lãnh đạo văn nghệ về tay văn nghệ sĩ. Thủ tiêu chế độ chính trị viên trong các đoàn văn công quân đội. Thủ tiêu mọi chế độ quân sự hiện hành trong văn nghệ quân đội. Thành lập trong quân đội một chi Hội Văn Nghệ trực thuộc Hội Văn Nghệ, không qua Cục Tuyên Huấn và Tổng Cục Chính trị”. Tóm lại là thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng và kỷ luật của quân đội đối với họ”.

Về việc Trần Dần cứa cổ, chỉ có Hoàng Cầm kể lại, trong bài cải chính – không in – mà Hoàng Cầm nhắc đến ở trên. Trong buổi nói chuyện với RFI, ông thuật lại ít nhiều chi tiết. Đặc biệt trong hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh, đoạn ghi lời của Hoàng Cầm về việc Trần Dần, rõ hơn:

Hồi Hoàng Cầm cho in tập Giai Phẩm Mùa Xuân, có đăng bài của Trần Dần, Tử Phác. Tố Hữu triệu tập mấy người đến họp: Hoàng Cầm, Văn Phác, Chế Lan Viên … Tố Hữu cầm cuốn Giai Phẩm Mùa Xuân, hỏi mọi người: “Các anh thấy tập sách này thế nào?” Không ai dám trả lời, vì không đoán được ý Tố Hữu. Chế Lan Viên nhanh trí, đoán trúng ý thủ trưởng. Anh nói: “Cuốn sách đại phản động!”.

Tố Hữu hỏi Văn Phác:”Hiện nay chúng nó đang ở đâu?” Văn Phác: “Thưa, các anh ấy đang đi thực tế ở Yên Viên”.

Tố Hữu ra lệnh – Hoàng Cầm nhớ đúng sáu tiếng: “Gọi nó về, bắt lấy nó!”.

Thế là Văn Phác làm giấy tờ để bắt Trần Dần, Tử Phác.

Hoàng Cầm nói, Trần Dần là tay thần kinh rất vững. Anh ta bình tĩnh lắng nghe để đoán xem xe đi đâu. Qua một cái cầu dài. Thế là vào Hà Nội. Nhưng xe lại chạy tiếp khá lâu. Thế là đi quá Hà Nội. Đến một chỗ nào đấy, xe đỗ lại. Người ta dắt Trần Dần, Tử Phác, đi xuống một địa điểm ở sâu dưới đất – vì cứ thấy xuống nhiều bậc, xuống mãi. Đến một độ sâu nào đấy, họ dừng lại và đẩy Trần Dần vào một căn hầm, đóng cửa lại. Trần Dần nghĩ bụng, chắc bị thủ tiêu. Thủ tiêu ở đây thì ai biết được? Coi như mất tích. Anh nghĩ phải tìm cách lên được mặt đất.

Sáng ra, thấy đây là một cái hầm đào sâu dưới đất. Ánh sáng lọt xuống từ nóc hầm qua một ô cửa có chấn song, ở trên thoáng thấy có bóng một anh lính gác.

Trần Dần thấy trong hầm có một cái phản gỗ và một bình nước. Anh kéo cái phản ra chỗ ánh sáng từ trên nóc hầm rọi xuống, cởi áo ngoài, để phơi áo sơ mi trắng bên trong ra, lấy một cái mince lame trong túi, nằm ngửa lên phản, dùng lưỡi dao cứa vào cổ cho máu phun ra ngực áo, rồi giẫy đạp ầm ĩ, cốt cho anh lính gác nghe thấy. Anh lính gác nhìn xuống thấy thế hoảng quá: Nó tự tử, phải đưa cấp cứu ngay! Một lát sau, cửa hầm mở, người ta đưa Trần Dần đi cấp cứu ở một bệnh viện gần đó. Té ra là bệnh viện Hà Đông. Ở đây, Trần Dần may vớ được một người quen bèn viết mẩu giấy nhờ đưa đến Tổng Cục Chính Trị nơi anh công tác. Nguyễn Chí Thanh lập tức đến bệnh viện và ra lệnh tha ngay cả Trần Dần và Tử Phác.

Hoàng Cầm rất phục Trần Dần. Thằng cha thần kinh rất vững. Hoàng Cầm cũng từng bị bắt giam. (Ông nghe Hoàng Hưng, định đưa tập thơ Về Kinh Bắc sang Pháp in). Ông nói: “Tôi nhát lắm, mọi tội tôi xin nhận hết” (Hết hạn tù, người ta cho ra, còn xin ở lại viết kiểm thảo. Tô Hoài cho tôi biết thế). Sợ nhất là trong tù cứ thấy tiếng phát ra đều đều không biết từ đâu: Khai thật đi! Khai thật đi! Khai thật rồi về với vợ con!

Chuyện nghe khá sợ. Một hình thức khủng bố về tâm lý. Chẳng biết Hoàng Cầm có thêm thắt gì vào sự thật không. Nhưng quả là đáng sợ. Hoàng Cầm cũng hay tưởng tượng thêu dệt thêm ra nữa”.

Trong băng ghi âm Hoàng Cầm nói chuyện với bạn bè, ông kể rõ nhiều chi tiết hơn:

Việc này Trần Dần kể lại với tôi và Lê Đạt như sau: “Khi ấy tao đang đi cải cách ruộng đất, tao và Tử Phác mỗi người ở một nhà. Một đêm ra ngoài Tết, vào khoảng 12 giờ khuya, tao đang ghi chép, thì thấy đèn pin lấp loá ngoài sân, rồi có tiếng quát: Trần Dần đâu? Có người sập cửa liếp, tao ra mở thì có người hỏi: Anh là Trần Dần phải không? Rồi đọc lệnh bắt, ký tên Ngô Minh Loan, cục trưởng Cục Quân Pháp. Họ bảo tao sắp hết đồ đạc vào ba lô, rồi ra sân. Ra sân thì họ bịt mắt rồi đẩy lên thùng xe, tao nghe tiếng vũ khí tuốt trần chạm nhau. Xe đi độ một lúc, thì qua cái cầu, tao đoán là cầu Yên Viên, sông Đuống. Đi lúc lâu nữa thì đến một con đường phẳng phiu, tao đoán là quốc lộ số 1, rồi qua một cái cầu rất dài, chắc là cầu Long Biên. Đi khoảng một tiếng nữa thì xe dừng, họ nhấc tao xuống, dẫn đi độ dăm phút thì bắt đầu đi xuống, chân chạm các bậc đá, khá cao, tao đếm đúng 37 bậc, vai vẫn đeo ba lô. Xuống đến nơi thì nghe họ mở xích sắt, rồi họ đẩy tao vào. Đến lúc họ tháo băng ra thì mình vẫn thấy tối mù, hai người lính đi lên, lại khoá xích lách cách. Tao nhìn tít lên cao thấy một khoảng sáng mờ độ bằng bàn tay, thỉnh thoảng có ánh đèn pin chiếu xuống, nhờ đó mà tao thấy cái hầm nhốt mình rộng độ hai mét vuông, có cái phản làm bằng hai tấm ván kê trên hai mễ gỗ, một bình nước và cái bô vệ sinh. Tao thấy mệt, nằm xuống ngũ đã. Tỉnh dậy trời đã sáng, qua cái lỗ bé tý trên đỉnh, vẫn thấy đèn pin thỉnh thoảng chiếu xuống. Tao nghĩ mãi không biết mình bị bắt vì tội gì, thằng nào bắt, mà nó giam kiểu này thì tội nặng lắm. Bấy giờ ở Phòng Văn Nghệ quân đội cũng nhiều đứa ghét mình, như loại Vũ Tú Nam, Vũ Cao… Thôi, cứ nghỉ một ngày cho thoải mái đã, tao nằm một lúc thì thấy trên lỗ ném xuống một gói, mở ra thấy hai nắm cơm, kèm gói muối. Tao thấy đói, ăn ngon lắm, lại nằm, lại nghĩ, cứ bình tĩnh, cố giữ tâm hồn thanh thản… Qua hai đêm sau, tao điểm tên những người có thể ra lệnh bắt, trong quân đội thì chỉ có thể là ông Nguyễn Chí Thanh, không thì ông Lê Quang Đạo, hay ông Lê Chưởng. Có thằng Văn Phác, là chính ủy trung đoàn lên làm trưởng Phòng Văn Nghệ nó cũng ghét tao lắm. Ngô Minh Loan chỉ là cục trưởng Quân Pháp thì ký lệnh thôi, chủ trương bắt đến từ người khác.

Chắc tại mình bướng làm bản kiến nghị 36 điều, tại thế chăng? Bây giờ phải làm sao thoát được chỗ này, phải lên được mặt đất, chứ nằm dưới hầm, mỗi ngày nó ném cho hai lần, hai nắm cơm, không ai hỏi han gì, không ai biết ở đâu, chắc vài tháng thì chết. Đây là âm phủ rồi. Phải làm sao lên được trần gian. Nghĩ ngợi tính toán, nằm thêm một đêm nữa, sáng hôm thứ ba tao nghĩ ra: nó bắt giam thế này là tội to, mà tội to thì còn phải hỏi cung, nó không thể để cho mình chết. Nó bảo cô Khuê vợ mình là gián điệp cài lại, thì chắc nó cho mình đã đi theo địch, hay ở trong tổ chức nào của địch gài lại chăng? Vậy nó phải để cho mình sống để moi móc tài liệu. Tao mới nghĩ cách lên mặt đất bằng giả chết, bắt buộc nó phải cho lên mặt đất, giữ mình sống để còn điều tra. May trong ba lô của tao còn hộp dao cạo, có hai mince lame, một còn mới, vậy tao phải đổ máu tại đây. Tao lấy trong ba lô cái chemise trắng mặc vào, nằm thẳng trên ván, kéo hết sức da cổ ra, cắt đứt, cho máu tứa ra cái áo chemise trắng, rồi tao đập chân đập tay vào ván, thế thì trên nó quét ngay đèn pin xuống, thấy máu trên nền chemise trắng, nó nghĩ ngay tên tù này định tự tử. Quả nhiên chỉ một phút sau là cửa xích sắt mở và 2, 3 thằng xuống khiêng tao lên. Tao giả vờ chết đến nơi, xỉu đi, thế là chúng nó đưa ngay vào bệnh viện cấp cứu, Viện 103, là một trong những quân y viện lớn nhất của quân đội, cách thị xã Hà Đông 3, 4 cây số.

Tên đại đội trưởng ra lệnh cho bác sĩ cấp cứu ngay: “Đây là một tên tội phạm tội to lắm, trên giao cho chúng tôi bảo vệ nó, mà để nó tự tử thì chúng tôi bị kỷ luật”. Tao được ưu đãi lắm, trưa hôm ấy họ cho ăn cháo gà. Nghĩ lại mình quá may, nếu không có mince lame thì làm sao lên được mặt đất. Đến chiều thì người bác sĩ trực mới lân la hỏi chuyện: “Anh là Trần Dần chứ gì, tôi đã gặp anh ở Sơn La, anh không nhớ à?”. Lại hỏi: “Sao anh xử sự thế này, ai bắt anh?”. Tao chỉ trả lời vắn tắt: “Chuyện nó dài lắm, lúc khác anh em mình nói chuyện”. Anh bác sĩ kể, lúc họ đưa anh vào đây, tôi có điện thoại cho anh Phạm Văn Đồng, tôi nói: “Thưa thủ tướng, tại sao anh Trần Dần đi chiến dịch Điện Biên, viết Người người lớp lớp mới đây, mà lại bị bắt, lại tự tử?”. Tôi nghe đầu kia ông Đồng hét lên: “Cái gì? Làm sao? Ai bắt?”. Rồi tôi nghe trong máy có giọng ông Nguyễn Chí Thanh, ông Thanh hơi gắt: “Sao thế nhỉ? Sao chuyện ấy tôi lại không biết? Thôi được rồi, anh cứ để tôi giải quyết ngay lập tức”. Thế là ông Thanh điện thoại lại Quân y viện, căn dặn chúng tôi là tên tội phạm to thì phải chữa cho thật khỏe lên, sáng mai 9 giờ tôi sẽ xuống bệnh viện. Hôm sau ông Thanh xuống, mang theo một nải chuối và hai cân cam, ông nói với tao: “Anh Dần buồn cười nhỉ, tại sao lại phải tự tử? Anh là đảng viên, có gì thì phải viết thư cho tôi, phải ở trong tổ chức, nếu tôi không giải quyết được thì đề đạt lên Bộ Chính Trị, mà trên nữa còn Hồ Chủ Tịch”. Tao trả lời: “Nếu tôi không tự tử thì làm sao gặp được anh hôm nay?” – “Thế anh giả vờ chứ gì?” – “Vâng, tôi giả vờ, nhưng nếu không làm thế thì tôi chết ở đâu anh cũng không biết”. Ông Thanh dịu giọng: “Thôi nằm tĩnh dưỡng đi rồi còn về làm việc”.

Thoại của Hoàng Cầm, theo ông, là do Trần Dần kể lại, chắc gần sự thực hơn cả nhưng không thấy ông nói đến việc Trần Dần viết thư cho tướng Nguyễn Chí Thanh. Vậy có thể hiểu: Khi tướng Nguyễn Chí Thanh xuống bệnh viện thăm, có thể chính ông Thanh đã căn dặn Trần Dần phải viết lá thư trần tình để ông dễ bề can thiệp.

Trong thời gian này bà Bùi Thị Ngọc Khuê bắt đầu ốm nghén người con đầu lòng của hai người, là Trần Thị Băng Kha. Nhà văn Hoàng Cầm trong bài viết về Trần Dần trên báo Nhân văn số 1 có vài dòng nói về giai đoạn này: “Người yêu anh bỗng thấy anh không về nhà nữa. Nhưng trận ốm nghén đầu tiên đã quật chị xuống như một con bệnh nặng. Mặt choắt lại, người chỉ còn da với xương. Một mình ở một căn nhà bừa bộn với một con chó gầy còm, không cha mẹ, không anh em, không bạn bè, chỉ có bà hàng xóm bán guốc thỉnh thoảng chạy đi chạy lại nấu cho bát cháo. Tôi đến gặp chị mếu máo, trông già đi hàng chục tuổi. Chị hỏi: “Sao anh Dần không về với tôi nữa hở anh?”

Tôi giải thích: “Anh ấy bận công tác ít lâu thôi. Chị đang ốm, có cần gì, chúng tôi sẽ giúp chị.”

Chị oà lên khóc: “Bộ đội có cho tôi lấy anh ấy không?”

Tôi lại khuyên nhủ: “Có chứ! Ai cấm đâu!”

Chị bỗng khóc to hơn: “Phải rồi, không ai cấm tôi và anh ấy lấy nhau. Bộ đội người ta không cấm nhưng anh Dần bỏ tôi rồi! Tôi bụng mang dạ chửa thế này, anh ấy bỏ tôi trốn rồi!”

Rồi chị gào lên: “Bạc như vôi ấy giời ơi! Anh ấy không muốn ăn ở với tôi nữa thì cứ bảo tôi biết, việc gì phải lấy cớ công tác này công tác nọ.”

Tôi thấy chua chát lạ lùng, nhưng chỉ nói tránh đi:

“Anh ấy bận công tác thật đấy mà!”

Chị vẫn một mực: “Anh ấy nói dối! Cả anh nữa cũng nói dối. Thôi tôi chết đi! Tôi chết đi cho anh ấy đỡ bận! Mà đỡ phiền cả các anh…”

Một số bạn thân của Trần Dần phải cắt nhau đến canh ở đấy, giải thích an ủi, giúp đỡ một người con gái mới yêu lần đầu mà đã bị dao cắt ruột gan.

Comments are closed.