Trao đổi xung quanh “Đèn Cù”

Tôi chưa đọc “Đèn Cù”

Ái Nữ

 

Đó là một cuốn tiểu thuyết hay tự truyện gì đấy, vì chưa đọc nên tôi cũng không rõ. Nhưng nó đang gây dư luận xôn xao khắp đó đây, không phải vì người ta đề cử giải Nôben cho nó. Dĩ nhiên bây giờ “Đèn Cù” đã là một từ khóa được tra tìm rất nhiều trên Google, song tôi lại nghe về nó từ trước qua miệng những người của “Bên Thắng Cuộc” trong lúc không phải “trà dư tửu hậu”, người ta có những khi háo hức gặp nhau vì sự nóng sốt của “Đèn Cù”. Chẳng là gần đây tôi có công việc mới: Chạy bàn cà phê. Công việc này làm cho thời gian đọc của tôi ít hơn, nhưng tôi lại nghe nhiều hơn.

Tôi cũng chưa đọc “Bên Thắng Cuộc”, dù blog của tôi có đường link dẫn tới nó. Trong email của tôi đã có một bản “Đèn Cù” năm trăm chín mươi chín trang, không rõ số chữ mỗi trang là bao nhiêu. Không những thế, tay tôi từng được cầm đến bản in sách giấy photocopy của “Đèn Cù”. Nghe nói tác giả đã đồng ý cho phát tán tác phẩm này mà không đặt nặng vấn đề bản quyền, lý do là “Đèn Cù” được xuất bản ở nước ngoài chứ không phải ở Việt Nam. Ở Việt Nam, có thể “Đèn Cù” sẽ bị cấm phát hành giống như số phận của nhiều tác phẩm khác. Như vậy là tôi có đầy đủ điều kiện để đọc “Đèn Cù” cùng lúc nghe những tin đồn giật gân về nó, nhưng đến giờ tôi vẫn chưa đọc.

Tôi không đói khát thông tin trong thế giới này, trong khi phải “bắt sóng” với nhiều thế giới khác nhau thì một cây đèn cù không đủ sức hâm nóng tôi được. Nhưng nhiều người quanh tôi thì đang nóng, đang lạnh, hoặc sững sờ, hoặc bức xúc và có nhu cầu tìm gặp những người bạn để giải tỏa. Cái “Đèn Cù” đó có bí mật gì ghê gớm vậy? Ồ không! Không phải chuyện ghê gớm. Họ bảo tác giả của “Đèn Cù” vốn là người chuyên viết hồi ký, tự truyện cho các chính trị gia Việt Nam, trong số các chính trị gia đó có ông Hồ Chí Minh. Rồi không hiểu có phải tình cờ không, trong bầu không khí hoang mang ấy, bỗng nhiên các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản tổ chức triển lãm về cuộc cải cách ruộng đất cách đây hơn nửa thế kỷ, mà cuộc triển lãm này không rõ tổ chức ra sao và trưng bày những gì mà khắp các trang mạng “lề trái” cũng như nhiều blog cá nhân dày đặc những bài viết thể hiện sự giận dữ. Trong lúc lang thang lướt mạng “sưu tập tin đồn” để chế biến thứ “cà phê” riêng cho blog này, tôi đã hít phải bầu khí nóng của tầng “khí quyển” đó.

Vấn đề không phải ở “Đèn Cù” hay ở cuộc cải cách ruộng đất, vì đó là những chuyện xưa rồi. Mà là chuyện bỗng dưng người ta có cách nhìn mới khác cách nhìn trước kia về những người xưa cũ, những người đi đầu xây dựng nền móng chế độ của nước Việt Nam hiện nay. Vài lần tôi nhìn thấy gương mặt thẫn thờ của chủ nhà nơi tôi tá túc, ấy là mỗi khi ông đọc xong một đoạn của “Đèn Cù”. Ông ngang tuổi cha tôi, thật thà và tốt bụng. Thời còn trẻ ông hoạt động cách mạng trong phong trào sinh viên Sài Gòn. Ông nói trong cuốn sách ông đang đọc có những chuyện “thâm cung bí sử” mà ông chưa từng biết đến. Nếu tôi ở vào địa vị như ông, chắc cuốn sách ấy cũng làm tôi xáo động và khó có thể trì hoãn việc đọc nó. Nhưng tôi ở không gian tâm linh khác và sự ảnh hưởng của những “thần tượng” chỉ còn rất mờ nhạt đối với tôi, cho nên việc một cuốn sách viết ra những chuyện không phù hợp với hình ảnh thần tượng dân tộc một thời không làm tôi ngạc nhiên. “Thần tượng” tức là giả, không thật. Nếu người ta kể ra chuyện thật thì đương nhiên chuyện ấy không thể giống “thần tượng”.

Tôi chưa đọc “Đèn Cù”, nhưng tôi đã đọc thấy sự thất vọng và đổ vỡ trong những độc giả của nó. Họ đọc cuốn sách ấy không phải để thưởng thức văn chương mà là để đọc những câu chuyện về cuộc đời họ, hoặc liên quan đến cuộc đời họ do một nhân chứng sống kể lại. Mà cuộc đời họ thì in dấu ấn lên thế hệ chúng tôi.

Hồi còn nhỏ, tôi rất yêu quý hình tượng Bác Hồ. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ những ảnh hưởng tích cực của hình ảnh ấy đến tôi và không hề bực mình về bài hát “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ”, dù bài hát này ngày nay trong dư luận có nhiều người phê phán chỉ vì bất đồng chính trị. Một đứa trẻ rất khó có thể có định kiến về một bài hát trong đó có tên của một người mà mình chưa hề gặp, song đồng thời cũng hiểu rằng bài hát là chuyện “văn nghệ”. Chưa từng có ai được nghe tôi bày tỏ tình yêu của tôi với nhân vật Bác Hồ, ngoại trừ con mèo của tôi. Lúc ấy tôi khoảng mười tuổi, tôi có một con mèo mướp bé nhỏ khôn ngoan và giỏi làm nũng, tôi không bao giờ chán khi chơi với nó. Một lần nó nằm ngủ trong lòng tôi, tôi cảm nhận rõ thân mình nó rất mềm rất ấm, và nhận ra tôi quyến luyến nó vô cùng. Tôi thủ thỉ với nó thành lời: “Mày biết không, sau Bác Hồ thì tao yêu mày nhất”. Không hiểu sao tôi lại rất nhớ câu chuyện trẻ con đó, có thể vì tôi chưa bao giờ phân tích nổi logic tình cảm của đứa trẻ, cho dù tôi từng là đứa trẻ ấy. Nếu ông Hồ Chí Minh còn sống mà nghe thấy lời nói trẻ con như vậy, dù không tự hào thì ông ấy cũng không thiệt hại gì, còn loài mèo thì tất nhiên không kiện tụng tôi.

Từ nhiều năm nay tôi không còn là đứa trẻ nữa. Tôi đã biết phân biệt giữa hình tượng và con người thực tế. Con người thực rất nhỏ bé và yếu đuối trong vũ trụ. Một người có thể điều khiển thế giới, nhưng chỉ là thế giới nhỏ bé hữu hạn mà tạo hóa dành riêng cho từng người, chứ không thể điều khiển thế giới của cả nhân loại hay đại vũ trụ. Để bù đắp cho sự yếu đuối của mình, con người thích tin vào những thần tượng và muốn những thần tượng đó có thật để dẫn dắt và che chở cho họ. Nhưng một con người thật còn phải loay hoay với rất nhiều tình tiết trong đời sống của họ, làm sao có thể sống như một hình mẫu mà người khác mong muốn, cho dù chỉ là mong muốn của một người chứ chưa nói đến muôn người. Điều đó là không thể. Thật dễ khi ở ngoài cuộc và bình luận rằng một người phải hành động thế này và không được phép hành động thế kia. Nhưng nhìn vào sự thật cuộc đời chúng ta thì hành động đúng liệu có dễ không?

Nhiều người Việt Nam yêu thần tượng Hồ Chí Minh của dân tộc, tình yêu của họ hẳn là ít ngây thơ hơn tình yêu của tôi khi còn là đứa trẻ. Nhưng giờ đây tôi vẫn được chứng kiến sự đổ vỡ trong tâm hồn họ khi sự kết nối giữa hình ảnh thần tượng và hình ảnh con người trong đời thực bị lung lay. Họ có đủ sức hình dung ra việc ông Hồ Chí Minh, một con người bình thường như mọi người, phải sống cuộc sống khác thường để không làm hỏng sức mạnh của thần tượng?

Tôi không biết các nhà lãnh đạo của nước Việt Nam có ngây thơ thật không khi họ muốn toàn dân phải học hỏi tư tưởng Hồ Chí Minh. Bất kể tư tưởng của ông Hồ Chí Minh có tốt đẹp đến thế nào đi chăng nữa thì cũng chỉ là tư tưởng của một cá nhân, làm sao có thể áp đặt nó cho cả một dân tộc? Ấy là chưa nói đến chuyện người ta có khả năng biết được chính xác tư tưởng của ông Hồ Chí Minh hay không mà học hỏi? Nếu một người đủ sức hiểu được tư tưởng của ông Hồ Chí Minh rồi thì chắc gì họ cần phải học nữa, còn nếu không hiểu thì họ làm sao mà học? Chả nhẽ ngoài ông Hồ Chí Minh ra thì nhân loại không còn ai xứng đáng để người dân Việt Nam học hỏi hay sao?

Có phải các nhà lãnh đạo Việt Nam muốn biến ông Hồ Chí Minh thành hình tượng của một tôn giáo – “tôn giáo cộng sản”? Nếu quả thật họ muốn thế thì họ không thể thành công, đơn giản vì đó là bài học đã lỗi thời. Ngay bản thân các tôn giáo còn muốn đổi mới cho phù hợp thời đại, lẽ nào “chủ nghĩa xã hội khoa học” dùng lại bài cũ của tôn giáo? Cách đây mấy ngày, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, vị lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, tuyên bố ông muốn là nhà lãnh đạo tâm linh cuối cùng của định chế Lạt Ma hóa thân. Hành động này chứng tỏ ông là người thật sự muốn mang lại tiến bộ cho dân tộc.

Tôi chưa đọc cuốn sách của tác giả Trần Đĩnh nhưng có ấn tượng với tên truyện. Người dân Việt Nam có thể đổi mới thật sự để xây dựng một xã hội tiến bộ hơn hay không? Nếu con người không đổi mới, dù có thay đổi mô hình xã hội bao nhiêu lần thì chỉ là những hình ảnh thay nhau chạy vòng quanh như các hình vẽ trên chiếc đèn cù mà thôi.

13 – 9 – 2014.

Nguồn: http://hoithocuavutru.blogspot.com/2014/09/toi-chua-oc-en-cu.html#more)

 

Phản hồi bài viết: “Tôi chưa đọc Đèn cù”

Hạ Đình Nguyên – 14-9-2014

 

Tôi bất ngờ một cách thú vị khi đọc bài viết: “Tôi chưa đọc Đèn Cù” của Ái Nữ – rất lạnh lùng với tác phẩm, trong khi tôi là người đang bị hít vào nó.

Tôi biết tác giả đang ở vào lứa tuổi giữa 30 và 40, là thế hệ mà tôi ít có điều kiện để hiểu nhiều, đặc biệt về nhân sinh quan và thái độ chính trị, thông qua những bộc lộ công khai, ít nhất là bằng các bài viết, ngoài những câu ngắn gọn trên facebook. Vì thế tôi rất nhiệt tình đọc bài viết và tự hỏi, liệu rằng bài viết này có thể được gọi là tiêu biểu về suy nghĩ của một bộ phận thanh niên (nhiều ít không biết) ở thế hệ sinh ra sau chiến tranh này, và không dính líu nhiều đến cuộc chiến chống xâm lược của những năm 1979, 1984, 1988, và cả chiếc giàn khoan HY 981?

Với tôi, tôi hiểu đây là tiếng nói nổi bật tính “độc lập” tư duy với bản lĩnh riêng của mình, trung thực và sắc sảo. Tuy nhiên tâm tư này đã bộc lộ sự cách biệt thế hệ là quá rõ. Chơi với mèo, đương nhiên là nữ, nên “cô bé” ấy đã say mê hát và cảm xúc bới bài “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ”, mà tâm tình cụ thể là thể hiện với con mèo âm ấm và mềm mại trên tay. Tôi cũng xin thú thật, tôi không hiểu gì về “tâm lý học trẻ em”, và tôi cho rằng cô ấy mô tả thật trạng thái của mình, không hề có ẩn ý nào về sự khinh trọng trong so sánh. Thế rồi lớn lên, cô bé quên đều cả hai, không có cả trọng khinh, hay yêu ghét. Nó qua đi cùng với tháng ngày và sự trưởng thành của bộ não, khi nhớ lại cũng tự nhiên và thanh thàng, rằng đó là “chuyện văn nghệ”. Và, “nếu ông Hồ mà còn sống nghe thấy… dù không tự hào thì cũng không thiệt hại gì (với ông ấy)”. Thế mới biết cách giáo dục trẻ em thật là khó, trừ phi phải nhồi nhét liên tục với đòn roi và mồi nhử, cho đến tuổi trưởng thành, thì cũng có chút ít kết quả.

Bây giờ thì cô bé đã không còn bé nữa, cô sồng bằng tư duy của chính mình, cô đã nói khá nhiều và không tán thành gì chủ nghĩa “thần tượng”, rằng đem tư tưởng của một cá nhân làm khung sườn tư duy cho người khác hay cho cả dân tộc là chuyện không cần thiết. Vả, lại hồ nghi sự hiểu biết và lòng trung thành có thực của những kẻ đã nhân danh và đại diện hình bóng và tư tưởng của ông ấy để mà ca tụng. Lãnh tụ chính trị được đồng hóa và nâng cao thành thần tượng thật sự đã chấm dứt trong thế hệ trẻ, và thay vào đó là các thứ thần tượng khác, như thần tượng ca nhạc, thần tượng đá bóng,…, là thần tượng của niềm vui và nghệ thuật, chẳng trúng trật đúng sai gì đáng kể, vì nó vô hại. Tôi nhớ cách đây hơn 10 năm, báo Tuổi Trẻ đã làm cuộc thăm dò thần tượng trong thanh niên, kết quả vị lãnh tụ có phiếu bầu rất thấp, mà mấy anh ca sĩ, tài tử gì đó lại cao phiếu bất ngờ. Thay vì qua đó, người ta quan tâm đến ngành Xã hội học, thì người ta lại làm kỷ luật Ban Biên tập tờ báo, vì thế mà lịch sử trở thành một món lẩu khó ăn… Tôi độ rằng cô không yêu ý thức hệ, cũng không chống lại nó, vì cho rằng cả hai đều vô nghĩa, và vô ích. Vậy cái gì để thay vào đó, và có cần thiết phải có cái gì để thay? Thế mà quá khứ thì lại cần nó? Và cần cho cả hôm nay? Không! Chỉ cần sự tự do, thoải mái và lương thiện. Làm thế nào để đạt được mục đích trên là chuyện của mỗi người, và một thể chế nào tạo điều kiện cho mục đích trên được phát triển là thể chế tốt. Loài người đã trải qua nhiều ý thức hệ, sau đó nó lại trở thành tội đồ, sự trung thành theo chiều dài của lịch sử với cách nào đó lại hóa ra phản động.

Tôi nghĩ rằng, bài viết trên có thể nói là tiêu biểu của phần lớn các thế hệ ngày nay. Họ không quan tâm đến quá khứ quá phức tạp và u ám, như một thứ “gia tài của mẹ để lại cho con là nước Việt buồn” (Trịnh Công Sơn). Họ đang ngoảnh mặt, bỏ lại sau lưng và không tranh cãi cái quá khứ đầy lẫn lộn của vinh và nhục, để vươn tới tìm kiếm giá trị mới của thời đại. Có lẽ thái độ này là một đáp án chân chính nhất và đúng nhất của thời đại, cũng là lẽ sống của những thế hệ tương lai? Thái độ lờ đi quá khứ không đồng nghĩa với sự thờ ơ thời cuộc, họ quan tâm ưu tiên cho cái cần thiết và cốt yếu nhất, họ đã cập nhật nhanh chóng và thông minh những cái đang diễn ra, như tấm gương Đạt Lai Lạt Ma đã tách rời và hủy bỏ vai trò “Chủ tịch nước” kiêm Giáo chủ, huống chi còn biết bao người đang mải mê việc biến một học thuyết chính trị trở thành một thứ “tôn giáo” vô thần, dù rất bầm dập và vô vọng, hay biến con người cụ thể thành siêu nhân!

Cái khoảng cách giữa các thế hệ cũ và các thế hệ mới là mênh mông, và cũng mênh mông nhưng đầy cay nghiệt của khoảng cách giữa tri thức thời đại @ với tư duy quán tính của bầu khí mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang nén chặt.

Nhưng liệu rằng các thế hệ trẻ có dứt khoát quay lưng được với quá khứ? Và làm thế nào để có thể sống bình yên, thoải mái và lương thiện? Và một thể chế lương thiện có thể tự nhiên mà có, hoặc có sẳn do ai đem tới? Không phải họ không nghĩ đến những điều này, họ muốn có một cách tiếp cận khác, không trên lối mòn của đường ray lịch sử của thế hệ cũ lắp đặt.

Vả chăng, cũng vì lẽ ấy đã làm cho các thế hệ sau không giấu nổi cái nhìn bi quan, ám ảnh chỉ bởi cái tựa đề “Đèn Cù” dù chưa đọc đến, chỉ nhác thấy là nó gợi nên ngay sự “chạy vòng quanh” của các thuật ngữ khô khốc không chứa nội dung, diễn ra một năm nhiều kỳ, rất nghiêm trang mà cũng rất nghiêm trọng.

Tuy nhiên, bài viết trên có thể vì quá ấn tượng với chữ “thần tượng” mà quên đi rằng, qua cái Đèn cù, ngoài một số người có thể “thẫn thờ” vì thần tượng bị sứt mẻ gì ấy, nhưng có những người khác lại “thẫn thờ” vì “thanh thản” đã giải tỏa được những mối hoài nghi lịch sử từ lâu bị ẩn khuất. Và thế hệ trẻ cần “thông cảm” với thế hệ cũ đã từng cần đến thần tượng để góp máu xương, sinh mạng của mình, của một thời kỳ trong cái trường kỳ của dân tộc. Tháo gỡ không phải là chuyện dễ dàng bởi nó được bao bọc bởi các quyền lợi hữu hình và vô hình, và bởi tư duy đã thành nếp gấp.

Dư luận đã từng lên tiếng “cám ơn” cái giàn khoan HD 981, thì vừa rồi người ta lại “cám ơn” cuộc triển lãm Cải cách ruộng đất, cùng ý nghĩa như “cám ơn” cái “Đèn Cù” vì nó rọi sáng lên sự thật từ một phía khác../.

H. Đ. N.

Nguồn: http://saigondiemtin.blogspot.com/2014/09/phan-hoi-bai-viet-toi-chua-oc-en-cu.html

Comments are closed.