Trục vớt quá khứ – nhà nghiên cứu phê bình văn học Lại Nguyên Ân trả lời phỏng vấn của Giáng Vân

indexCÂU HỎI
1/ Thưa nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân,
Nhiều năm nay ông đã làm một công việc hết sức nghiêm túc và cần mẫn là nghiên cứu và phát hiện các vấn đề văn học Việt Nam hiện đại thể hiện qua văn bản, và dường như chỉ qua văn bản. Một phương pháp vô cùng hiệu quả, khách quan, nhiều thông báo chính xác, không cần bàn cãi, các vấn đề của văn học các thời kỳ hiện lên như qua những tấm gương đa diện.
Đứng trên góc độ của việc đọc của mỗi cá nhân trong mỗi văn bản đó, cũng thông báo cho chúng ta nhiều điều.
Là người phát hiện và trực tiếp làm công việc này, ông có thể nói một vài điều gì đó xung quanh công việc đọc, và tiếp nhận nói chung hay không?
2/ Và trong một số trường hợp đặc biệt khiến ông lưu tâm nhiều hơn? Có câu chuyện về đọc và tiếp nhận hay còn xen vào đó những câu chuyện khác?
3/ Ông có đồng ý rằng, định kiến, thông qua các phương tiện truyền thông, qua các công cụ tuyên truyền, đã làm méo mó sự thật? Nó chính là thủ phạm ngăn cản sự tiến bộ, thậm chí còn đẩy con người trở lại mông muội?
4/ Ông phát hiện ra phương pháp nghiên cứu này khi nào? Có một lý do nào đặc biệt không?
5/ Ông có cảnh báo một điều gì trong lĩnh vực đọc và tiếp nhận này không, thưa ông?

Nhà thơ Giáng Vân

LẠI NGUYÊN ÂN TRẢ LỜI
Xin trả lời chung các câu hỏi, không phân chia từng ý như bảng câu hỏi của bạn.

Công việc nghiên cứu văn học Việt Nam mà tôi thực hiện kể từ đầu những năm 1990s đến nay, nếu nhìn khái quát ở phương diện mà bạn gọi là “phương pháp” đó, thì tinh thần của nó là tinh thần thực chứng, phương pháp thực chứng.
Cho rằng đây là “phương pháp vô cùng hiệu quả, khách quan, nhiều thông báo chính xác, không cần bàn cãi, các vấn đề của văn học các thời kỳ hiện lên như qua những tấm gương đa diện” – ấy là đánh giá của bạn Giáng Vân.
Nhưng xin bạn biết cho, nhiều vị có bằng cấp cao vẫn nói sau lưng tôi rằng, việc anh Ân anh ấy làm vài chục năm nay là tốt, là có ích, nhưng vẫn chưa phải là nghiên cứu đích thực đâu, chỉ mới là “làm tư liệu” thôi! Tư liệu ấy vẫn cần chờ những người có trình độ cao hơn nghiên cứu, phân tích, khái quát!
Tôi không muốn tốn thời gian tranh cãi với ai về ý nghĩa những công việc mình làm. Lưu ý bạn sự việc trên chỉ để thông báo rằng ngay trong giới nghiên cứu phê bình và có lẽ cả giới sáng tác nữa, thì công việc như tôi làm đã và sẽ được/bị nhận xét đánh giá khác nhau.
Liên quan đến phương diện đọc và tiếp nhận nói chung mà bạn hỏi, tôi có một số suy nghĩ như sau.
Suốt thời tôi đi học, từ các cấp phổ thông lên đại học, rồi sau đó trong môi trường giới giáo viên, giới cán bộ ở miền Bắc, tôi – và hiển nhiên là nhiều bạn khác nữa, giống như tôi – được “cung cấp” một hình dung về văn học Việt Nam từ xa xưa đến hiện tại khác hơn, nghèo nàn hơn so với những gì tôi hình dung được ngày nay. Điều cần lưu ý là trong cái hình ảnh “được cung cấp” đó thiếu vắng hàng loạt mảng văn học, hàng loạt tên tuổi thật ra là quan trọng của tiến trình văn học Việt Nam; trong cái hình ảnh “được cung cấp” đó lại còn có không ít những điều xuyên tạc bịa đặt về một số xu hướng, tác gia, tác phẩm.
Có lẽ chính vì trong thâm tâm có sự thất vọng với cách hình dung “được cung cấp” sẵn ấy mà từ đầu những năm 1990s, tôi đã hăng hái tham dự các loại công việc đưa di sản văn học tiền chiến Việt Nam (1900-45) trở lại với công chúng, cả trong vai trò một biên tập viên tại một nhà xuất bản sách văn học (tôi làm việc ở Nxb. Hội Nhà Văn từ 1977 đến 2007), cả trong vai trò một người sưu tầm, biên soạn, phát hiện lại và tái công bố những tác phẩm từng xuất hiện thời trước 1945 nhưng đã bị lãng quên bởi nhiều loại sai lệch và khiếm khuyết của các giới nghiên cứu, xuất bản suốt nhiều năm dài. Những công việc loại này, trong một lần trò chuyện với một bạn nhà báo, chúng tôi đã gọi đó là “trục vớt quá khứ”.
Việc “trục vớt” ấy thật ra tôi không đóng khung chỉ ở văn học “tiền chiến”. Tôi đã làm công việc ấy với văn chương cách mạng và kháng chiến, bằng việc thực hiện 2 bộ sưu tập tạp chí Tiên phong 1945-1946 của Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam, và tạp chí Văn nghệ 1948-1954 của Hội Văn nghệ Việt Nam. Tiện đây xin lưu ý rằng không ít tác gia và tác phẩm của mảng văn học này cũng bị lãng quên; các nhà báo ngày nay khi viết về giai đoạn này thường thêm một dấu huyền vào tên tờ tạp chí của Hội Văn hóa Cứu quốc, bởi không nhớ tên nó là “Tiên phong” – “tiên” chứ không phải “tiền”! – kể ra đây một chi tiết nhỏ cho vui thôi, chứ chuyện nhà báo thời nay viết liều nói sai về văn chương báo chí thời xưa thì nhiều lắm!
Tất nhiên, bên cạnh các công trình kể trên, mảng văn chương được tôi chú ý “trục vớt” nhiều hơn cả chính là các tác gia, tác phẩm “tiền chiến”, trước 1945. Có những tác gia trước nay hầu như không được biết tới nhắc tới trên “bản đồ” văn học sử, sau khi tôi tái công bố tác phẩm của họ, tên tuổi tác gia ấy đã hiện diện trở lại, – chẳng hạn nhà phê bình Lê Thanh (1913 – 1944). Cũng có khi tôi tìm lại được tác phẩm của tác gia xưa, và đã chuyển cho nhà biên khảo khác tái công bố. Chẳng hạn tác gia Huỳnh Thị Bảo Hòa (1896-1982), sau các bài nghiên cứu của tôi (Tạp chí Văn học, 2001) và sưu tập do Trương Duy Hy thực hiện (2003, 2010), thì mục từ về tác gia này đã xuất hiện ở Từ điển Văn học, bộ mới (2004).
Có hai tác gia là hai “điểm nhấn” trong công việc này của tôi, là Vũ Trọng Phụng (1912-1939) và Phan Khôi (1887-1959). Đây là hai tác gia lớn của văn học Việt Nam thế kỷ XX, nhưng đều liên quan tới hiện tượng “Nhân văn – Giai phẩm” (1956-58) nên bị kỳ thị trong xã hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn 1957-1990: tác phẩm bị cấm in lại, bị hạn chế nghiên cứu hoặc chỉ cho phép sự thóa mạ, bôi xấu. Hậu quả là, đến thời Đổi Mới (1986), sự kỳ thị chính thức bị bãi bỏ, thì hoạt động tiếp nhận hai tác gia này đứng trước tình thế tuy khác nhau nhưng đều có vấn đề.
Với Vũ Trọng Phụng, một số sách tái bản vội vã lại nhanh chóng đến với công chúng và giới nghiên cứu phê bình; những phân tích đánh giá dựa trên một hiểu biết thiếu hụt về phạm vi tác phẩm, về con người và cuộc đời tác giả, về tình trạng dị bản qua các lần in lại tác phẩm, v.v. dẫn đến những suy luận, phán đoán có phần sai lệch.
Với Phan Khôi, việc bị kỳ thị dẫn đến chỗ hầu như toàn bộ ký ức về tác gia này trong cộng đồng văn học Việt Nam đã bị đánh mất. Một số cây bút giữ được một số ghi nhận lờ mờ về Phan Khôi, đến những năm 1990 cũng đành tạm kết luận: đây là tác giả có tên tuổi nhưng không có tác phẩm! Ghi nhận này sẽ tự chứng tỏ là sai, nhưng lại cho thấy chỗ thành công của bộ máy cấm đoán và xuyên tạc đối với tác gia này suốt những năm 1958-1990!
Như ta biết, đối với một đời sống văn học bình thường thì một tác gia, sau khi qua đời, sẽ luôn luôn được giới văn học hậu thế làm các việc sưu tầm hệ thống hóa tác phẩm, soạn thành những sưu tập (dạng tuyển tập, toàn tập, v.v.), nghiên cứu phân tích đánh giá ý nghĩa, giá trị sự nghiệp tác gia ấy để lại. Phan Khôi mất năm 1959, ngay sau lúc “Nhân văn – Giai phẩm” bị trấn áp, ông lại chưa hề được làm một sưu tập tác phẩm nào, toàn bộ trứ tác của ông đều chỉ còn trong các chồng báo cũ. Bằng biện pháp duy trì lệnh cấm tái xuất bản, cấm nghiên cứu nghiêm túc (cấm đọc, tiếp nhận) liên tục trên ba chục năm, mục đích “xóa sổ” một tác gia như Phan Khôi đã gần đến lúc hoàn thành!
Những người có thiện chí đã phải bắt đầu gần như từ số 0.
Năm 1995, sưu tập 13 năm tranh luận văn học 1932-1945 của Gs. Thanh Lãng được xuất bản, trong đó có chừng 200 trang các bài của Phan Khôi trên một số tờ báo trước 1945. Năm 1996, sách Chương Dân thi thoại (1936) của Phan Khôi được tái bản lần đầu; năm 1997 sách Việt ngữ nghiên cứu (1955) của Phan Khôi được tái bản lần đầu.
Nối theo quá trình đánh thức ký ức ấy về tác gia Phan Khôi, từ 2003 đến 2010, tôi đi tìm hiểu, sưu tầm, biên soạn, xuất bản được 5 sưu tập các Tác phẩm đăng báo của Phan Khôi, góp thêm được khoảng 5.000 trang thuộc di sản báo chí, văn chương, học thuật của tác gia này, những năm từ 1928 đến 1932 và hiện còn đang tiếp tục. Mỗi khi ra mắt các sưu tập này, đã có những cuộc giới thiệu sách, trao đổi, tọa đàm về tác gia này, v.v. khiến một phần giới nghiên cứu và công chúng dần dần không còn xa lạ Phan Khôi như trước nữa. Từ dăm năm nay, không ai trong các giới sáng tác hay nghiên cứu còn có thể bảo đây là tác gia không có tác phẩm được nữa. Hơn thế, người ta thấy rằng đây là một columnist (người viết chuyên mục) vào loại phong phú, đa dạng và thành công nhất ở làng báo làng văn Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, rằng đây là người đã châm ngòi khởi động cho không ít phong trào sáng tác hoặc tranh biện học thuật những năm 1929-40; rằng đây là người cựu nho sĩ Việt Nam đầu tiên lên tiếng phê phán học thuyết Nho giáo, chỉ ra sự lạc hậu, thoái bộ của hệ tư tưởng Nho giáo từng khống chế xã hội người Việt hàng ngàn năm, khiến xã hội này trì trệ trong vòng quân chủ chuyên chế.
(Chỉ xin nói về một trường hợp Phan Khôi; nếu nói thêm việc tôi làm về tác gia Vũ Trọng Phụng nữa, sẽ quá dài)
Vậy là, tôi đi tìm đọc lại, tiếp nhận lại những tác phẩm của một số tác gia cũ, bị lãng quên, rồi soạn thành các sưu tập để tái công bố những tác phẩm ấy. Do hoạt động “đọc”, “tiếp nhận” này của một người là tôi, qua các sưu tập được xuất bản, những sự “đọc”, “tiếp nhận” của riêng tôi về những tác gia xưa cũ ấy đã dần dần lan sang cộng đồng văn học chung (gồm giới sáng tác, giới nghiên cứu phê bình và bộ phận công chúng quan tâm). Cái mà tôi đưa lại cho cộng đồng ấy chỉ là những văn bản tác phẩm mà tôi gắng giữ cho nó sự nguyên vẹn như khi được in trên báo (đôi khi có sứt sẹo bởi thời gian). Mỗi người trong cộng đồng ấy “đọc” “tiếp nhận” các tác phẩm ấy theo những cách không giống nhau; nhưng rõ ràng mọi người đều thấy tác gia kia – dù một thời bị thóa mạ thế này thế khác – đã có những tác phẩm như thế đấy; chính các tác phẩm ấy thông báo về tác gia, về giai đoạn văn chương báo chí mà họ can dự và đã viết ra những tác phẩm như thế đấy. Tôi, như vậy, có thể là kẻ đã khơi mào một sự “đọc mới”, “đọc khác” về cái di sản tưởng như quá cũ, quá quen biết, đã từng bị “phán xét”, bị chà đạp và loại bỏ.
Gần đây chúng ta dần dần có những thông tin về giới văn hóa ở một số nước Đông Âu từng đứng trong phe xã hội chủ nghĩa đang nhận thức lại và khắc phục hậu quả của thời kỳ toàn trị ra sao. Được biết, người ta nhận ra rằng ở hầu khắp các nước đó, khi thiết lập nền chuyên chính của những người cộng sản thì sớm muộn gì cũng đều xảy ra cái việc viết lại quốc sử, viết lại văn học sử; cái diện mạo “quốc sử”, “văn học sử” được viết lại ấy bao giờ cũng chỉnh sửa những gì vốn có, đề cao một số yếu tố, một số lực lượng, một số nhân vật, hạ thấp thậm chỉ phủ nhận vai trò của một số yếu tố, một số lực lượng, một số nhân vật khác.
Vậy thì những gì từng xảy ra với văn hóa, văn học của ta cũng không nằm ngoài tình trạng chung. Những nhà văn như Phan Khôi hay Vũ Trọng Phụng đều trải qua thời kỳ bị thóa mạ, bị lăng nhục, di sản bị dìm ếm hàng ba chục năm trời nhằm xóa khỏi ký ức văn hóa cộng đồng.
Điều mà bạn Giáng Vân gọi là những “định kiến làm méo mó sự thật, ngăn cản sự tiến bộ, thậm chí còn đẩy con người trở lại mông muội” ấy, theo tôi nghĩ, ngày nay đã có thể xác định rõ những “định kiến” ấy là gì. Nói cho gọn thì đó là việc đưa ý thức hệ Mác-Lê – mà thực chất là chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Mao – vào xem xét văn chương, đưa lý luận đấu tranh giai cấp áp dụng thô thiển vào phân tích văn học, nhân danh một tinh thần “quốc tế” nào đó để hạ thấp giá trị các thành tựu văn hóa dân tộc. Họ dựng tượng đài vinh danh một số tên tuổi thuộc phe phái họ, họ đưa ra những cấm đoán vô lý nhằm trong dài hạn xóa khỏi ký ức văn hóa dân tộc những tên tuổi có công lao thành tựu thực sự, bởi nếu còn những ký ức đó thì những vinh danh do họ ngụy tạo sẽ sớm muộn lộ ra tầm thấp của chúng.
Chính những định kiến loại đó, nếu phát tác hết tác hại của chúng, sẽ đẩy cộng đồng người chúng ta trở lại trạng thái mông muội, nhiều ác cảm vô lý, nhiều thành kiến ngu muội, nhiều phấn khích vớ vẩn, nhiều thù hận không đáng có, nhiều sợ hãi tăm tối, mất niềm tin vào chính mình, cam tâm cảm xúc và suy nghĩ theo chỉ dẫn của lãnh đạo, của cấp trên.
Bạn Giáng Vân đề nghị tôi cảnh báo một điều gì trong lĩnh vực đọc và tiếp nhận. Tôi chỉ thấy rằng càng sống trên đất này sẽ càng thấy cộng đồng mình còn lạc hậu lắm, mà các thế lực hữu quyền càng lúc càng thấy chỉ có thể tồn tại trong chừng mực cộng đồng mình còn lạc hậu lâu chừng nào hay chừng nấy. Vậy thì sự đọc, sự tiếp nhận cần đi theo hướng soi sáng, khai sáng, giúp người ta tiếp cận lẽ phải và sự thật, tránh thoát những lừa mị đang bủa vây mỗi lúc mỗi khác.
Hà Nội, 26/3/2013
LẠI NGUYÊN ÂN

Người phỏng vấn gửi Văn Việt

Comments are closed.