Một ví dụ dịch thuật: Blog, blogger

Dũng Vũ

“Blog”, một hình thức sinh hoạt ngôn ngữ dưới dạng trang mạng cá nhân ra đời từ cuối thập niên 90 càng ngày càng trở nên phổ biến.

Người chủ trang “blog”, còn gọi là “blogger”, giới thiệu bạn đọc những ghi chép, ký sự mang tính cá nhân. Ví dụ những mẩu nhật ký, hoặc kể truyện về chuyến đi du lịch mùa hè vừa qua, hoặc chia sẻ kinh nghiệm làm một món ăn.

Người Việt cũng có “blog” riêng và thường dùng nguyên từ tiếng Anh “blog/blogger” để tự gọi mình, chẳng hạn như Blog X, Blogger Y, vì chưa có từ tiếng Việt tương ứng.

Vậy “blog/blogger”, tiếng Việt nên gọi là gì?

Bài viết này xin mời các bạn cùng đi khám phá nguồn gốc của từ “blog/blogger” và thử tìm tên gọi tương ứng cho tiếng Việt chúng ta.

“Blog” viết tắt của từ “Weblog”.

Khái niệm “weblog” lần đầu tiên xuất hiện trên trang nhà của Jorn Barger vào năm 1997, rồi sau đó, năm 1999, được nhà thiết kế mạng Peter Merholz gọi tắt là “blog” [1].

“Weblog” là một từ ghép của hai chữ “Web” và “Log”.

“Web” theo từ nguyên học (eymology) [2] có nguồn gốc:

Tiếng Anh cổ: “webb” hàm chứa nghĩa “dệt” như “xưởng dệt” (woven fabric), “công việc dệt” (woven work)”. Hoặc “webbe” (tiếng Hòa Lan), “weppi” (tiếng Đức chuẩn cổ), “Gewebe” (tiếng Đức thường) có nghĩa là mạng lưới (cấu trúc hình mạng lưới của vải dệt).

Khoảng thế kỷ 13, trong tiếng Anh xuất hiện khái niệm “spider’s web” (mạng nhện).

Năm 1992, “Web” là cách gọi tắt của “World Wide Web” (Mạng rộng khắp thế giới) (1990).

Ngày nay “Web” được hiểu như mạng (lưới).

“Log” có nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa: ghi chép, ghi chú.

Khái niệm “log” khá thông dụng trong lĩnh vực tin học dùng chỉ sự ghi chú một công việc gì đó vào sổ ghi chú (logbook) hay lập biên bản (protocol). Ví dụ: Một kỹ sư ghi chú vào sổ ghi chú của một máy tính dùng chung, mình đã cài những chương trình gì vào đó, đã làm gì để lưu ý đồng nghiệp, hoặc lập biên bản mọi hoạt động của một chương trình đang chạy vào một hồ sơ ghi chú (logfile) nhằm kiểm soát lỗi (errors).

Từ ngày có Blog, nghĩa của “log” được hiểu rộng hơn. Nó không chỉ là sự ghi chú sơ sài những hoạt động, dữ liệu mà có thể là sự biên chép thành một nhật ký, một bài ký sự có tính văn chương. Lối viết ấy người Việt cũng có và gọi là “ký”.

Theo Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh, “ký” có nghĩa là: “ghi nhớ, ghi chép, sách, sách biên chép sự vật, một thể văn ngày xưa” [3].

Nhiều từ điển tiếng Việt hiện tại cũng giải thích tương tự [4].

Những thể văn “ký” thường thấy như hồi ký, nhật ký, bút ký, ký sự, … Có những tên tác phẩm “ký” quen thuộc như “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Tây Du ký”, “Lộc Đỉnh Ký”, …

Tóm lại, “log” (tiếng Anh) có nghĩa tương đương với “ký” trong tiếng Việt.

Thế còn “blog”?

“Blog” là loại “ký” trên mạng. Mẫu tự “b” trong “Blog” được rút ra từ chữ “Web”, biểu thị nghĩa “mạng”.

Như vậy để bảo đảm tính tương đương ngữ nghĩa, người dịch phải kèm thêm yếu tố “mạng”. Có nghĩa “blog” phải được dịch chính xác là “mạng ký”.

Xin lưu ý, “mạng ký” là một từ Hán-Việt được ghép theo nguyên tắc “phụ trước chính sau”. “Mạng” có chức năng phụ nghĩa cho từ chính là “ký”. “Mạng ký” là một từ ghép (compound, compound word) có nghĩa là “ký trên mạng” (không thể hiểu như một ngữ đoạn danh từ (noun phrase) “mạng của ký”) [5].

Đã tìm được cách dịch thỏa tính tương đương ngữ nghĩa, kế tiếp, chúng ta thử xét về tính tương đương hình thức.

“Blog” nguyên thủy là “Weblog”, viết tắt thành “Blog” (B + log). Nếu người dịch cũng phải thỏa cách viết tắt như thế thì phải chọn một chữ cái trong chữ “mạng” để ghép vào chữ “ký” (giống trường hợp chữ “blog” tiếng Anh). Hữu lý nhất là chọn “m”. Kết quả ta có là “M-ký” (M + ký).

Kết quả này lạ quá, người Việt không chấp nhận. Tiếng Việt không có kiểu từ ghép ấy.

Sở dĩ người đẻ ra chữ “blog” chọn mẫu tự “b” trong “Web” để ghép vào chữ “log” là vì “blog” chứa âm tố [bl] mà người Anh chấp nhận. Âm tố [bl] rất thường gặp trong ngôn ngữ Âu Châu, như tiếng Anh: blue, black, block, blank, …, tiếng Đức: blau, blöd, blind, …, tiếng Pháp: blue, blanc, bloc, …

Tác giả của chữ “blog” là một người “chơi chữ” điệu nghệ. Người dịch khó tìm đâu ra một hình thức tương đương có thể chấp nhận được để mô tả đúng kiểu từ gốc.

Thực ra vấn đề này có thể xảy ra khắp nơi chứ không riêng gì trong giới dịch thuật Việt Nam [6]. Chẳng hạn một câu đối của Đoàn Thị Điểm:

“Da trắng vỗ bì bạch”

Một dịch giả người Anh tài tình cách mấy cũng chịu thua khi đi tìm một hình thức tương đương trong tiếng Anh để mô tả hai chữ “bì bạch” (vừa có nghĩa là “da trắng”, vừa mô tả một tiếng động “đặc biệt”).

“Blog/Blogger” vốn chỉ tồn tại trên Internet, nay cũng thấy trên báo giấy mặc dù rất ít. Có thể từ từ sẽ nhiều hơn và khái niệm “blogger” không còn đơn thuần là người viết “ký trên mạng” mà nói chung là người viết “ký”. Chữ nghĩa thay đổi theo thời gian, không ai biết trước được.

Gần đây còn xuất hiện thêm một hình thức mới: “Vlog/Vlogger”. V viết tắt của Video. Vlog cũng là một hình thức “ký” thay vì viết thì dùng phim ảnh. Nếu thích, chúng ta cũng có thể dịch “Vlog” thành “ảnh ký”.

Tổng kết lại, chúng ta đã dùng từ nguyên học để tìm hiểu nguồn gốc của từ “blog” và có thể dịch là “mạng ký”, nói ngắn gọn là “ký”.

“Blogger” có thể dịch là “ký sĩ”. Gọi vậy cho thống nhất với cách gọi những người hoạt động chuyên môn khác như nhạc sĩ, ca sĩ, họa sĩ, văn sĩ, thi sĩ, v.v.

Từ “ký sĩ” gợi cho chúng ta nhớ tới từ “ký giả”. “Ký giả” là nhà báo, cũng hoạt động tương tự như một nghề nghiệp cho một tờ báo nào đó, còn “ký sĩ” chỉ là một người bình thường.

“Ký sĩ” là từ Hán-Việt chỉ “blogger” nhưng người Trung Hoa không gọi thế. Họ gọi “bloger” là “bác chủ” (博主).

Stuttgart, 07.01.2017

Chú thích:

[1] xem https://de.wikipedia.org/wiki/Blog

[2] tìm “Web” trong trang http://www.etymonline.com

[3] Hán-Việt Từ-Điển của Đào Duy Anh (Sài Gòn, 1957, nxb Trường Thi)

[4] xem:

· Từ điển tiếng Việt của Minh Tân, Thanh Nghi, Xuân Lãm (1998, nxb Thanh Hoa), “ký” có nghĩa là: ghi chép, thể văn tự sự viết về người thật, việc thật, có tính chất trung thành với hiện thực đến mức cao nhất.

· Từ điển tiếng Việt của Quang Hùng và Khắc Lâm (Hà Nội, 2007, nxb Từ Điển Bách Khoa Hà Nội), “ký” có nghĩa là: ghi chép, ghi nhớ.

[5] xem giải thích cấu trúc ngữ pháp: Dũng Vũ – Tiếng Việt và Ngôn Ngữ Học Hiện Đại – Sơ khảo về Cú pháp. Stuttgart, 2003, VIET. http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=3244&rb=08

[6] xem chi tiết: Dũng Vũ – Sơ lược về vấn đề dịch thuật. http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=1648&rb=07

Comments are closed.