Thảo luận mùa hè 2022 (4): Inrasara – Chẳng thời nào là thời của văn chương. Mặc cho số đông thờ ơ, mỉa mai, triết gia vẫn suy tư, kẻ hát rong vẫn kể chuyện, nhà văn vẫn cứ viết

Vào tháng sáu, Văn Việt đã bắt đầu thực hiện cuộc Thảo luận mùa hè 2022.

Thời điểm đó, cả nước (và nhứt là Sài Gòn), đã lựng chựng những bước đi đầu tiên, cố “bình thường trở lại” sau những tháng ngày kiệt quệ vì phong tỏa. Những nội dung chia sẻ trong thảo luận là từ trạng thái đó:

”Đang là thập niên thứ ba của thế kỷ 21, và nhân loại vừa ra khỏi một thảm họa cực kỳ khốc liệt khiến mỗi người phải nhìn lại mình và trả lời câu hỏi: Nếu được sống (tiếp) thì sẽ sống thế nào?

Còn các nhà văn thì hỏi: Nếu được sống (tiếp) thì sẽ viết thế nào?

Phải chăng nhà văn đã “chậm chân”, đã bị “bỏ-lại” so với sự phát triển của khoa học và công nghệ, những thứ đã giúp cho một người bình thường, chỉ với bàn phím và mạng xã hội, có thể nối kết cùng cộng đồng và được đón nhận một cách hiệu quả hơn so với trang viết của nhà văn?

Phải chăng sự thiếu vắng những nhà văn tên tuổi mà tư tưởng đủ sức gây ảnh hưởng lên toàn nhân loại khiến những tác phẩm hư cấu giờ trở nên “nhẹ-cân-hơn” ngay cả với thể loại văn chương phi-hư-cấu?

Và anh/chị có thể trả lời các câu hỏi sau hoặc mở rộng vô giới hạn theo ý của anh/chị”.

Xin giới thiệu bài của nhà thơ Inrasara.

VĂN VIỆT

………………………….

INRA 6

 

* Có phải cuộc sống lệ thuộc vào công nghệ đã khiến con người bớt quan tâm tới những vấn đề trước đây là “trọng điểm” của văn chương? Những vấn nạn về triết lý sống/chiến tranh-hòa bình/tình yêu nam nữ… có phải đã thay đổi?

-Từ cuốc bộ đến đi xe đạp, từ đi xe máy đến lên máy bay, từ máy bay siêu thanh đến phi thuyền lên không gian, nhân loại muôn đời vẫn đối mặt với bao vấn đề. Đói no, dịch bệnh, yêu ghét, chiến tranh và hòa bình, sống và chết. Vẫn bấy nhiêu ám ảnh đó, lặp đi lặp lại.

Dẫu bề mặt có thể thay hình đổi dạng đến đâu đi nữa, ở nền móng, nó vẫn thế. Bất cứ thời nào, cộng đồng dân tộc nào trong bất kỳ không gian văn hóa nào.

Chớ nghĩ ở một làng quê Cham không thể bật lên sinh linh tìm cải cách nông cụ, hay công dân thành phố Paris hiện đại vắng bóng người hát rong, hoặc tập thể nhỏ bé người Raglai vùng trung du không có kẻ ăn không ngồi rồi, cả ngày mơ mộng gió mây hay ưu tư về nỗi sống chết.

Có, nhưng hiếm.

Văn chương không khác.

Chẳng thời nào là thời-của-văn-chương cả. Mặc cho số đông kia thờ ơ, mỉa mai, triết gia vẫn suy tư, kẻ hát rong vẫn kể chuyện, nhà văn vẫn cứ viết.

* Người đọc đang trông chờ gì ở các nhà văn?

Sokrates ngồi đó, không ít kẻ rỗi hơi tìm đến nghe ông nói lý, mỗi chiều. Không phải mọi mọi công dân thành Athènes, mà chỉ cần mươi mạng cá biệt thôi cũng đủ gây cho ông cảm giác hứng khởi. Mỗi tối, vài chục bà nhà quê Chakleng réo nhau về nhà Klơng Phái nghe cổ tích, ông vui vẻ phục vụ. Mỗi năm, 0,1% dân số Việt Nam vẫn cứ chờ đợi tác phẩm hay ra đời.

Bộ phận nhân loại này không nhiều nhưng không bao giờ thiếu.

Với văn chương, người đọc chờ đợi gì?

Chờ đợi cái họ biết, họ cảm nhận nhưng không thể nói lên, không thể nói hay, nói bằng thủ pháp mới lạ – như nhà văn. Thời đại khác, thơ văn cũng phải khác, cách biểu hiện khác, giọng điệu khác. Họ chờ đợi điều đó.

* Nhà văn có thể làm gì để “cập nhật” mình, để không bị “bỏ lại”?

-Cập nhật chính mình với nhà văn – không khó. Tiếng Anh, vi tính, các vấn đề thời sự có mặt khắp xung quanh. Nhưng hỏi đâu là nền móng? Một nền giáo dục Theo-ism, chắp vá và èo uột hết cải cách đến cải cách sẽ dẫn dân tộc về đâu? Cả nhà văn với tài năng thiên phú…

Đám cây non vươn vội lên khoảng xanh

Mà rễ chưa được cắm sâu vào lòng đất

Chỉ cần cơn bão rớt

Cũng đủ làm chúng run bấn lên

(Inrasara, Lễ Tẩy trần tháng Tư)

* Liệu nhà văn Việt Nam có đủ tài năng và bản lĩnh văn hóa/nghề nghiệp để “chuyển tải/chuyển hóa” những thực tại nhức nhối trong cuộc sống hiện tại vào tác phẩm?

-Tài năng cần được lộ bày. Ít ra người viết cũng cần hé cho độc giả nhận ra tiềm năng, để mà tin tưởng. Ở đây, mươi năm qua hợp tác xã Văn chương chữ nghĩa Việt Nam vẫn còn đìu hiu quá.

Ba giai đoạn phê bình của tôi, [1] Phê bình Lập biên bản như cách đặt nền móng khoa học cho phê bình, trong đó hình thức thứ ba là phê bình đi vào trong hệ mỹ học của sáng tác để nhận diện cái hay của nó. Tại đây tôi không phân biệt đối xử với hệ mỹ học nào bất kỳ. [2] Tiếp đến là Hồ sơ biên bản so sánh, tìm ra sự khác biệt để làm bật lên cái độc đáo của sáng tác mới với đủ đầy chứng cớ. [3] Giai đoạn cuối cùng là Phê bình như là khai phóng, chỉ bàn về tác phẩm lớn, hay và mang ý hướng tự do.

Buồn là, tôi chưa hay không nhìn ra tác phẩm nào xứng tầm. Và phê bình tôi cũng tắt nắng, từ ấy.

Ngay giờ phút này, chiến sự Ukraina đang nóng. Hãy tưởng tượng cặp tình nhân trẻ kia, vừa thoát qua biên giới Ba Lan với ảo tưởng mình tài năng, có lý tưởng khoa học – sẽ trở lại phục vụ đất nước hiệu quả hơn ở thì tương lai. Trong khi đồng tộc đang chết, người thân yêu, cả bạn học cũ đang bị giết hại ngày qua ngày.

Buổi tối, nàng tự hỏi, có nên làm tình không, có nên hỏi anh tối nay mình có nên làm tình không. Mặc cảm giằng xé, họ quyết không, nhưng rồi họ đã. Như là “con” không khác mọi mọi con khác. Sau đó, họ tiếp tục đi hay quay trở lại, là chuyện của mỗi nhà văn.

Thực tại và lý tưởng, cá nhân và cộng đồng, tình yêu và tình dục, sự sống và cái chết… Đấu tranh nội tâm của hai nhân vật này đủ làm nên tác phẩm lớn.

Ai, nhà văn Việt Nam làm được chuyện đó?

Nói đâu xa, ngay trong nhà ta thôi, sự kiện Hoàng Sa-Trường Sa ta vẫn cứ là chưa.

* Anh/chị có tin rằng văn chương tiếng Việt sẽ khởi sắc, bởi cuộc sống đang đầy xáo trộn cũng đồng thời tạo ra nhiều gợi ý và cảm hứng/thách thức cho nhà văn?

-Không, hay chưa.

Cứ nhìn vào sinh hoạt văn học mươi năm qua cũng đủ thấy. Trào lưu – không, tranh luận – không, tự do càng không.

Sau Nhóm Mở Miệng – chưa bàn hay dở – không có bất kỳ trào lưu nào xuất hiện. Có mặt thôi cũng chưa, nói chi đến chuyện làm xôn xao văn đàn.

Tranh luận, không. 20 năm trước, eVan giai đoạn đầu bày ra loạt khuôn mặt mới với lối viết mới, tạo dư luận đáng kể; nay thì không. Tiếp đến Talawas và Tiền Vệ tạo đất đáng kể cho trao đổi, thảo luận về học thuật lẫn văn học; sau khi hai web này nghỉ, văn học Việt hết đất diễn.

Việt Nam chưa có diễn đàn tranh luận đúng nghĩa. Tranh luận vụn vặt dễ biến thành tranh cãi, đẩy tới thành cãi cọ, cả chửi bới cũng không chừa.

Trang web của Hội Nhà văn Việt Nam như thể báo Văn nghệ chuyển khẩu qua, không gì hơn, không gì khác; chỉ còn kỳ vọng vào Văn Việt. Thế nhưng ở đây, người cầm chịch vừa ít vừa quá tuổi, khó kham nổi toàn cảnh sinh hoạt văn học, điều mà chỉ cánh trẻ mới gánh vác được.

Mà tuổi trẻ Việt Nam bị nhá xèng cái, là run.

Tự do ư?

Tự do, kiểu cách nghĩ của nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn ấy!(*). Chuyện đã qua thì cho qua, dẫu sao lối nghĩ độc hại này vẫn tạo ảo tưởng cho không ít nhà văn Việt Nam, rằng ta hoàn toàn tự do.

Tự do văn học là gì – nếu không có tự do viết, tự do phát hành, tự do đọc, thảo luận, giảng dạy?

Không có tự do thì không có văn học đúng nghĩa.

Với cuộc chơi văn chương chữ nghĩa, chỉ có tài năng lớn cộng với dũng cảm lớn mới hạ sinh tác phẩm lớn.

………………………….

(*) Nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn trả lời phỏng vấn: “Bây giờ người viết hoàn toàn tự do. Chỉ trong một tích tắc, người viết hoàn toàn có thể xuất bản tác phẩm của mình ở bất cứ một blog nào hoặc gửi cho các trang mạng văn chương khắp nơi… Bây giờ mọi người đổ lỗi cho không có tự do sáng tác, không có tự do nghệ thuật. Điều đó không hẳn” (báo Thể thao – Văn hóa, ngày 8-2-2011).

Comments are closed.