GS. TS. Nguyễn Văn Hạnh
(Phương Thuý ghi)
Tóm tắt
Việt Nam đổi mới đã gần ba mươi năm, một khoảng thời gian đủ để nền văn hoá, văn nghệ đất nước tiến thêm một quãng đường dài. Câu chuyện đổi mới văn hoá, văn nghệ không chỉ tính từ cột mốc đổi mới đất nước năm 1986 mà bước chuẩn bị đã được thực hiện từ trước đó nhiều năm. Buổi đầu đổi mới ấy là những năm tháng nhiều khó khăn nhưng cũng đầy niềm vui và hy vọng.
1. Thành lập Ban Văn hoá-Văn nghệ Trung ương
Trong quá trình thực hiện kế hoạch kiện toàn cơ quan tham mưu của Trung ương Đảng đã đề ra từ tháng 11/1980, Ban Văn hoá-Văn nghệ Trung ương được thành lập vào tháng 3/1981. Ban này tồn tại trong vòng tám năm, đến cuối năm 1989 thì sát nhập với Ban Tuyên huấn Trung ương thành Ban Tư tưởng-Văn hoá Trung ương.
Trong suốt tám năm tồn tại, hoạt động của ban có thể chia thành ba giai đoạn. Giai đoạn 1981-1983 do Trần Độ làm trưởng ban. Tôi khi ấy đang phụ trách Viện Đại học Huế và Trường Đại học Sư phạm Huế thì được cử tham gia đoàn cán bộ lãnh đạo và quản lý văn hóa văn nghệ sang Liên Xô dự bồi dưỡng chuyên đề về quản lý văn hoá, văn nghệ. Tôi quen Trần Độ trong dịp ấy. Khi ở Liên Xô về vào tháng 7/1981, tôi nhận quyết định cử làm phó Ban Văn hoá-Văn nghệ Trung ương Thế là tôi ra Hà Nội cộng tác với Trần Độ. Chúng tôi làm việc rất ăn ý. Những ý tưởng về một nghị quyết đổi mới quản lý, lãnh đạo văn hoá, văn nghệ đã manh nha từ dạo ấy.
Đến năm 1983, Trần Độ thôi làm trưởng ban, Hà Xuân Trường được cử lên thay. Hà Xuân Trường là cán bộ chính trị được cử sang phụ trách công tác văn hóa văn nghệ, nên suốt thời gian tại nhiệm từ 1983-1987 không lưu lại dấu ấn nào thật rõ rệt về đổi mới văn hóa văn nghệ. Thời kỳ này, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình tôi chuyển sang làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục.
Sau Đại hội Đảng lần VI, Trần Độ được tái bổ nhiệm làm trưởng ban Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương vào đầu năm 1987. Ông tha thiết mời tôi về ban, vì chúng tôi cùng chung quan điểm, tư tưởng, lại làm việc rất ăn ý. Vì quý mến ông, ngưỡng mộ phong cách làm việc của ông, tôi đã nhận lời. Thế là chúng tôi lại trở về làm việc cùng nhau ở cơ quan cũ. Hôm liên hoan tiễn trưởng ban cũ và đón tiếp trưởng ban mới, Trần Độ nói đùa rằng không phải “tống cựu nghênh tân” mà là “tống cựu nghênh nguyên”. Thời kỳ này, chúng tôi hồ hởi chuẩn bị cho công cuộc đổi mới văn hoá văn nghệ, mà cột mốc là sự ra đời của Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị về đổi mới lãnh đạo và quản lý văn hóa văn nghệ.
2. Củng cố và xây dựng Ban Văn hoá-Văn nghệ Trung ương
Việc đầu tiên Ban Văn hoá-Văn nghệ Trung ương thực hiện sau khi thành lập là củng cố và xây dựng ban. Cả Trần Độ và tôi đều nhất trí xây dựng một ban có cơ cấu gọn nhẹ, nhưng phải gồm những người thật sự am hiểu văn hóa văn nghệ. Trong khi các ban của đảng khá đông người, có ban hàng mấy trăm, chúng tôi bàn với ông Nguyễn Văn An là Phó Ban Tổ chức Trung ương lúc bấy giờ rằng biên chế Ban Văn hóa-Văn nghệ Trung ương sẽ chỉ trên dưới hai mươi người. Ban không thành lập vụ, chuyên viên của ban sẽ trực tiếp làm việc với lãnh đạo trung ương khi có việc cần. Cách tổ chức ban như thế thuận lợi cho công việc, nhưng có thể thiệt hại cho quyền lợi của cán bộ. Vì thế, chúng tôi đề nghị với Ban Tổ chức Trung ương là sẽ cử các chuyên viên có trình độ hàm vụ trưởng, vụ phó để anh em được hưởng các chế độ tương ứng về ăn ở, đi lại.
Khi ấy, phụ trách theo dõi mảng văn học gồm có Từ Sơn, Bùi Công Minh, Nguyễn Nghĩa Trọng, Hoàng Trung Nho. Từ Sơn trước đó làm Tổng biên tập báo Văn Nghệ, về ban làm Chánh văn phòng Ban Văn hoá-Văn nghệ. Bùi Công Minh nguyên là giảng viên Khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội, thiếu tá Quân đội, làm phó văn phòng. Đoàn Đức phụ trách mảng sân khấu, Lương Xuân Đoàn phụ trách hội hoạ, Tú Ngọc phụ trách âm nhạc, Phạm Quang Thuận theo dõi mảng văn hóa, Phạm Ngọc Trương theo dõi mảng điện ảnh, Nguyễn Trung Thu phụ trách tạp chí của ban. Nguyễn Thanh, học ở Trung Quốc về, làm vụ trưởng vụ tổ chức của ban ngay từ thời Hà Xuân Trường.
Ban Văn hoá-Văn nghệ giữ mối liên hệ chặt chẽ với Bộ Văn hoá, các hội văn học nghệ thuật trung ương, ban tuyên huấn các tỉnh thành, các nhà văn hóa có tên tuổi trong cả nước.
3. Bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa văn nghệ
Ban đã tổ chức hai đoàn cán bộ lãnh đạo văn hóa văn nghệ đi bồi dưỡng ở Viên Hàn lâm Khoa học Xã hội (AON) ở Liên Xô. Đoàn thứ nhất đi Liên Xô từ tháng 4/1981 đến tháng 7/1981, gồm có Dương Đình Thảo (Trưởng Ban Tuyên huấn TP. HCM), Trần Hoàn (Trưởng Ban Tuyên huấn Bình-Trị-Thiên), Vũ Cẩm (Trưởng Ban Tuyên huấn Quảng Ninh), Hoàng Thao (Trưởng Ban Tuyên huấn Hải Phòng), Dương Viên (Tổng Thư ký Hội Mỹ thuật), Lý Thái Bảo (Tổng Thư ký Hội Điện Ảnh), Nguyễn Thụ (Cục trưởng Cục Điện ảnh), Hải Ninh (Cục phó Cục Điện ảnh, nghệ sĩ nhân dân), Lê Minh (Trưởng ban Văn nghệ báo Nhân dân), Nguyên Ngọc (Bí thư đảng đoàn, Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn), Dương Ngọc Đức (Bí thư Đảng-Đoàn, Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu), Huy Du (Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ), Vũ Khắc Liên (Thứ trưởng Bộ Văn hoá-Thông tin), Tạ Phong Châu (vụ trưởng, tạp chí Học tập, tức tạp chí Cộng sản sau này), Nguyễn Văn Nghi (Vụ trưởng Vụ Tổ chức Bộ Văn hoá). Trần Độ làm trưởng đoàn, tôi là lớp trưởng kiêm bí thư chi bộ.
Đoàn thứ hai đi vào năm 1988, do tôi làm trưởng đoàn, Vũ Hữu Ngoạn (Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội) làm bí thư chi bộ. Chuyến đi này có Ca Lê Thuần (Phó ban Văn hoá Văn nghệ phụ trách phía Nam), Nguyễn Khoa Điềm (Trưởng Ban Tuyên huấn Bình-Trị-Thiên), Tô Nhuận Vỹ (Tổng Biên tập tạp chí Sông Hương, Tổng thư ký Hội Văn nghệ Bình-Trị-Thiên), Trung Kiên (Thứ trưởng Bộ Văn hoá-Thông tin, nghệ sĩ nhân dân), Trọng Bằng (Giám đốc Nhạc viện Hà Nội), Hồ Ngọc (Phó Tổng thư ký Hội Sân khấu), Đặng Thị Khuê (Hội Mỹ thuật), Huỳnh Thị Xuân (Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Tỉnh Đak Lak), Nguyễn Ngọc Thung (Phó Ban Tuyên giáo Quảng Ninh), Trần Thanh Hải (Ban Tuyên huấn Tiền Giang), người trong Ban Văn hoá-Văn nghệ có Từ Sơn, Bùi Công Minh, Lương Xuân Đoàn, Nghiêm Hà và Vũ Hoà. Trần Đăng Tuấn (Tiến sĩ, sau này làm Phó Tổng giám đốc thường trực Đài Truyền hình Việt Nam), làm phiên dịch cho đoàn công tác này.
Ở các lớp học này, các học viên được nghe giảng về vị trí và đặc điểm của văn hóa văn nghệ, kinh nghiệm về lãnh đạo và quản lý văn hóa văn nghệ ở Liên Xô và một số nước khác, đi tham quan nhiều cơ sở văn hóa văn nghệ ở Liên bang Nga và một số nước cộng hòa.
Qua kinh nghiệm thực tế trong nước và từ những thu hoạch ở các lớp học này, chúng tôi cũng trao đổi với nhau về những việc cần làm để đổi mới văn hóa văn nghệ sau này.
4. Tham gia xử lý một số sự kiện văn hóa văn nghệ “có vấn đề”
Một trong những việc mà ban Văn hoá-Văn nghệ phụ trách là tham gia xử lý một số sự kiện văn hoá văn nghệ “có vấn đề”. Có thể kể ra đây một vài sự kiện. Trước hết là câu chuyện về hai bộ phim tài liệu Hà Nội trong mắt ai và Chuyện tử tế của đạo diễn Trần Văn Thuỷ. Trần Văn Thuỷ là một đạo diễn có tài, về sau được phong nghệ sĩ nhân dân. Hai phim này lúc mới làm đều bị cấm chiếu, vì có môt cái nhin khác lạ về thực trạng xã hội, đề cập đến nhiều tiêu cực trong cuộc sống. Cả hai bộ phim chỉ được công chiếu sau khi có sự can thiệp của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh vào năm 1987. Ban Văn hoá-Văn nghệ đã đề nghị Bộ Văn hoá đưa bộ phim Chuyện tử tế đi Đức tham dự Liên hoan phim Quốc tế Leipzig. Bộ phim đã đạt giải thưởng Bồ câu bạc và được nhận định là “Quả bom đến từ Việt Nam làm nổ tung thành phố Leipzig”. Trần Văn Thủy qua các tác phẩm và hoạt động trong điện ảnh đã làm cho đất nước Việt Nam gần gũi hơn với thế giới.
Trong lĩnh vực điện ảnh cũng không thể không nhắc đến đạo diễn Đặng Nhật Minh với bộ phim Cô gái trên sông. Bộ phim cũng bị nhiều cấp lãnh đạo ngày ấy phê phán, dù không có văn bản cấm, nhưng nhiều nơi cũng hoang mang không dám chiếu. Phim kể về cô gái điếm trên sông Hương trong những ngày Huế bị kẻ thù chiếm đóng đã hết lòng che chở cho cán bộ cách mạng, nhưng khi hoà bình thì người thọ ơn cô năm xưa lại không nhận là đã quen biết cô, vì giờ đây anh ta đã là cán bộ cao cấp của thành phố. Suy nghĩ ấy của Đặng Nhật Minh cũng gặp gỡ Nguyễn Minh Châu trong truyện ngắn Mùa trái cóc ở miền Nam, kể chuyện một sĩ quan ở Bắc vào Nam không dám liên hệ với mẹ ruột của mình vì bà mê tín dị đoan. Ban đã đánh giá cao phim của Đặng Nhật Minh, khuyên đạo diễn nhận đề cử vào Ban chấp hành Hội Điện ảnh và làm Tổng thư ký của Hội. Trong văn học có thể kể đến Thu Bồn, cũng là một người tài năng và trong sạch, nhưng tác phẩm cứ bị phê bình thế nọ, thế kia. Tác phẩm Miền hoang tưởng của Đào Nguyễn (Nguyễn Xuân Khánh) cũng bị công kích ghê gớm, rồi Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh… Tất cả những sự kiện trên, ban Văn hoá-Văn nghệ của chúng tôi đều góp phần che chở, giúp tác phẩm vượt qua những trở ngại kiểm duyệt và phê bình để đến được với công chúng.
5. Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị về lãnh đạo, quản lý văn hoá văn nghệ
Một việc rất đáng kể mà Ban Văn hoá-Văn nghệ Trung ương đã làm được là chuẩn bị và thúc đẩy cho sự ra đời của Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị ngày 28/11/1987, với tên gọi đầy đủ là “Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hoá, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hoá phát triển lên một bước mới”.
Ngay khi trở lại vị trí Trưởng ban Văn hoá-Văn nghệ, trước sự mở đường của Đại hội VI, Trần Độ đã nghĩ ngay đến một nghị quyết riêng dành cho việc đổi mới văn hoá, văn nghệ. Ông trình bày ý kiến với Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và được ông Linh đồng ý. Trần Độ báo ngay với tôi với tâm trạng hết sức hồ hởi, bởi đây là điều mà chúng tôi đã từng bàn với nhau trong lớp học nghiên cứu văn hoá, văn nghệ ở Liên Xô năm 1981. Ngay lập tức, chúng tôi triển khai việc lấy ý kiến anh em văn nghệ sĩ. Tôi nhận nhiệm vụ thu thập và chưng cất ý kiến của anh em để soạn dự thảo nghị quyết. Các cuộc họp văn nghệ sĩ được tổ chức khắp trong Nam ngoài Bắc, anh em được khuyến khích thoải mái trình bày những quan điểm, trăn trở, và bức xúc của mình. Chúng tôi chủ trương để anh em nói nói hết ý của mình một cách công khai, vì chỉ có công khai thì người tài mới xuất hiện, mới tránh được chuyện đặt điều, vu khống. Không khí ngày ấy vô cùng sôi nổi, đầy tin tưởng vào một giai đoạn mới cởi mở của nền văn hoá, nghệ thuật nước nhà. Trụ sở của ban ở 49 Phan Đình Phùng tấp nập anh em vào ra trò chuyện.
Trong thời gian ấy, theo đề nghị của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Ban Văn hoá-Văn nghệ đã tổ chức một cuộc họp văn nghệ sĩ để Tổng bí thư trực tiếp lắng nghe ý kiến của anh em. Cuộc họp diễn ra trong hai ngày 6 và 7 tháng 10 năm 1987. Trong lịch sử chưa từng có một Tổng bí thư nào ngồi với văn nghệ sĩ suốt hai ngày liên tục như thế, không phải ngồi để dạy, mà là ngồi để nghe. Tôi còn nhớ rõ những câu ông nói: “Giờ không phải là lúc bón phân cho lúa, phải nhổ cỏ để lúa có sức mọc lên”, “Không được bẻ cong ngòi bút”, “Các anh nghĩ thế nào, thích thế nào thì viết thế ấy, có bị tù thì tôi bới cơm cho”, “Phải tự cứu mình trước khi trời cứu”. Cuộc họp quy tụ hơn một trăm văn nghệ sĩ thuộc tất cả các lĩnh vực. Nguyên Ngọc, Lưu Quang Vũ nói rất nhiều về tình hình bao cấp tư tưởng tồn tại suốt một thời gian dài, đó là tình trạng một người suy nghĩ cho mọi người, một cái đầu suy nghĩ cho mọi cái đầu. Nguyễn Đình Thi ví con người là hạt bụi lấp lánh tư tưởng, bị Dương Thu Hương chỉ trích gay gắt. Nguyễn Đăng Mạnh than phiền lãnh đạo đã khinh bỉ văn nghệ sĩ, quản lý văn nghệ theo lối chăn vịt đàn, và cho rằng con người mà bị khinh bỉ mãi thì tự nhiên thấy mình nhỏ bé, mà nếu được tôn trọng thì sẽ tự thấy mình cao lớn hơn. Ông cũng ví văn nghệ như con chim, nhốt lại thì không hót, hoặc hót không ra gì, thả ra thì hót hay hơn nhưng lại sợ nó bay mất, người quản lý phải biết làm thế nào để cánh chim văn nghệ có thể hót hay trên bầu trời tự do của chúng ta. Trần Độ gọi cuộc gặp gỡ này là “Hội nghị Diên Hồng” của văn nghệ.
Sau cuộc gặp gỡ ấy, đời sống văn học nghệ thuật còn sôi nổi và vui hơn nữa với những cuộc tranh luận rất dân chủ trên báo Văn nghệ do Nguyên Ngọc làm Tổng biên tập. Những cuộc hội thảo văn nghệ vẫn được tiếp tục tổ chức. Công cuộc chuẩn bị cho Nghị quyết 05 kéo dài gần một năm trời và không hề ngơi nghỉ. Tôi đã gần 65 năm tuổi Đảng, nhưng chưa bao giờ thấy gần Đảng như buổi đầu đổi mới ấy. Sự cởi mở về đường lối của Đảng thật sự đã thổi một luồng gió mới vào đời sống văn hoá văn nghệ và nhiệt huyết cống hiến của anh chị em văn nghệ sĩ. Không phải ngẫu nhiên mà thời ấy chúng ta nghe được những ý kiến đầy tâm huyết và sáng suôt về văn hóa văn nghệ của Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyễn Khắc Viện, chứng kiến sự xuất hiện những tài năng văn học như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài…
Bộ Chính trị Trung ương Đảng khoá VI đã họp vào ngày 28/11/1987 để thông qua Nghị quyết 05. Trước tiên, nghị quyết đánh giá tình hình văn hoá văn nghệ suốt thời gian qua, khẳng định nền văn nghệ cách mạng có công lao to lớn, đặc biệt đối với hai cuộc kháng chiến của dân tộc, nhưng cũng đã bộc lộ những bất cập trong bối cảnh mới. Thứ hai, nghị quyết yêu cầu các nhà lãnh đạo, quản lý văn hóa văn nghệ phải hiểu rõ vị trí, đặc điểm của văn hoá văn nghệ, rằng giá trị của văn hoá văn nghệ là đơn nhất. Không ai có thể thay một người nghệ sĩ cụ thể trong một thời điểm cụ thể sáng tạo ra một tác phẩm nghệ thuật cụ thể. Nếu không phải Nguyễn Trãi đã viết Bình Ngô đại cáo ngay sau khi thắng quân xâm lược Minh thì dân tộc ta sẽ không có bản “thiên cổ hùng văn” đó. Vì vậy, tài năng văn hoá văn nghệ có một giá trị đặc biệt cần phải giữ gìn. Tài năng nghệ thuật cũng có thể xuất hiện rất sớm, cho nên ông cha ta nói “Thầy giáo già, con hát trẻ”. Tài năng văn nghệ cần được quý trọng và nâng niu chứ không nên trừng phạt. Trên cơ sở đó, nghị quyết đặt ra vấn đề tự do sáng tác, xem tự do sáng tác là điều kiện sống còn để tạo nên giá trị đích thực trong văn hoá, văn nghệ, để phát triển tài năng. Tự do sáng tác đi đôi với tự do phê bình. Nghị quyết cũng đề xuất thành lập các hội đồng nghệ thuật địa phương để đánh giá văn nghệ, tránh sự can thiệp không phù hợp của các cơ quan sở, bộ văn hoá vào lĩnh vực đặc thù này Rất tiếc là chủ trương này cuối cùng chỉ có Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện được. Nghị quyết cũng nói qua về nền văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa, mà không nói phương pháp, vì phương pháp rất đa dạng và tùy thuộc vào sở trường của từng nghệ sĩ.
Cuộc họp hôm ấy có rất đông thành viên Bộ Chính trị, cả ba cố vấn là Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ cũng có mặt đầy đủ. Phạm Văn Đồng bảo đừng nói đến chuyện làm lính gác văn nghệ. Người góp ý rất kỹ về nghị quyết này là ông Trường Chinh. Lê Đức Thọ thì bảo trước đây ông cũng muốn làm, nhưng không làm được vì phải một cấp cao hơn. Buổi chiêu hội nghị bàn thêm ba tiếng nữa rồi thông qua nghị quyết,
Về sau, có người không thích nghị quyết này, nhưng đại tướng Võ Nguyên Giáp thì cho đó là “nghị quyết hay nhất của Trung ương từ xưa đến nay”.
6. Hậu Nghị quyết 05
Cao trào đổi mới kéo dài không được bao lâu. Năm 1989, Liên Xô sụp đổ, không khí tự do, dân chủ của văn nghệ trong nước cũng theo đó mà gặp sóng gió. Nếu như trước kia, Nguyễn Văn Linh do bức xúc nhiều điều đã gửi gắm cả vào văn nghệ thì giờ đây ông lại bối rối, lo sợ, tìm cách tắt “cái đài” Trần Độ đi. Năm 1989, Trần Độ thôi chức Trưởng Ban Văn hoá-Văn nghệ Trung ương. Tôi làm ở đó thêm một thời gian rồi cũng chuyển công tác. Nguyên Ngọc bị buộc thôi chức Tổng biên tập báo Văn nghệ. “Cánh” đổi mới bị đánh dồn dập. Hồi chuẩn bị cho Nghị quyết 05, Nguyễn Khải có bảo rằng: “Đất nước có minh quân, văn nghệ có Trần Độ, tình hình tốt như vậy, nhưng nếu lùi thì lùi to”. Nói thế mà hoá ra lùi thật.
Như vậy, câu chuyện về đổi mới văn hoá văn nghệ đã kéo dài suốt cả thập kỷ 1980 và tạm kết lại một giai đoạn bằng Đại hội Nhà văn lần thứ IV tổ chức vào cuối năm 1989. Đại hội triệu tập gần như tất cả nhà văn trong cả nước, và thể hiện sự phân hoá rất quyết liệt giữa phe bảo thủ và phe cấp tiến. Trong cuộc họp các đảng viên trong khuôn khổ đại hội, có người còn đồn Trần Độ muốn làm đảo chính. Tôi nghĩ đó là chuyện vu khống. Khi Ban Văn hóa-Văn nghệ đã giải thể, tôi chuyển sang làm phó ban Ban Tư tưởng-Văn hoá Trung ương. Tôi cũng đã nói trước đại hội rằng: “Rồi đây, tôi có thể tiếp tục làm hoặc không làm công tác này. Nếu tiếp tục làm, tôi sẽ vẫn làm hậu cần cho văn nghệ sĩ, nhưng nếu không còn làm nữa thì lương tâm tôi cũng hoàn toàn thanh thản, vì những gì chúng ta đã làm được với nhau là không thể đảo ngược được”. Sau vụ đó, tôi bị kiểm điểm rút kinh nghiệm. Thế rồi tôi viết đơn từ chức, lấy lý do là tôi không được chuẩn bị để làm chính trị.
Trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, văn học có tầm quan trọng đặc biệt. Có thể có nhiều cách nói vè bản chất của văn học, nhưng tôi cho rằng văn học có ba thành tố quan trọng, đó là tư tưởng, nghệ thuật, và ngôn ngữ. Phê bình có lúc chỉ tập trung nói về tư tưởng, có lúc chỉ nói về nghệ thuật, hoặc về ngôn ngữ, nhưng về nguyên tắc và về lâu dài phải chú ý cả ba thành thố đó.
Trong nghiên cứu, lý luận, phê bình, trong nhiều năm gân đây, có thể nói chúng ta đã quá tôn sùng lý luận văn học hiện đại phương Tây. Lý luận văn học hiện đại phương Tây có mặt được, nhưng có mặt không được. Đáng chú ý là nhà phê bình văn nghệ nổi tiếng Todorov trong Văn chương lâm nguy đã nhận xét rằng phê bình lý luận văn học hiện đại phương Tây càng ngày càng xa văn chương.
Trong thời gian tới, chúng ta phải dành nhiều công sức để nghiên cứu về di sản của ông cha ta và của phương Đông, nhát là Trung Quôc, Ấn Độ, Nhật Bản. Để bảo đảm tự do tư tưởng, trong văn hóa văn nghệ cũng như trong cuộc sống, tôi nghĩ chúng ta phải đề cao quan niệm lẽ phải. Gandhi đã từng nói: “Quy luật của loài vật là bạo lực, quy luật của loài người là lẽ phải”. Từ hơn hai trăm năm trước trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng đã từng khẳng định: “Rằng trong lẽ phải có người có ta”. Biết lẽ phải “có người có ta” sẽ biết tôn trọng những ý kiến khác mình, tránh được nhiều cuộc đấu đá vô bổ, dành thì giờ để khám phá, sáng tạo. Ở đây không bao giờ nên quên lời khuyên thấu tình đạt lý của Lê Quý Đôn: “Văn chương là của chung của thiên hạ, ý kiến mỗi người mỗi khác, phân tích thì được mà không nên chê mắng”.
Bài đã đăng tạp chí Nghiên cứu văn học, số 6, 2014, tr. 25-32.