30/6/1963. Báo “Cứu quốc”: Nguyễn Bắc: Nhân đọc “Vào đời” của Hà Minh Tuân: Một bức tranh về Hà Nội và cách nhìn của chúng ta
Tôi đã đọc hai lượt quyển “Vào đời” của Hà Minh Tuân. Trong bài này tôi không có ý định phê bình toàn bộ cuốn truyện. Chỉ xin phát biểu vài cảm nghĩ sau khi đọc.
Bức tranh “Vào đời” của Hà Minh Tuân sao nó u ám thế! Cả người và cảnh vẽ trong tranh đều không đúng sự thật, không điển hình và có tính chất xuyên tạc.
Cô Sen vào đời trong xã hội ta mà tôi tưởng chính như Thúy Kiều của Nguyễn Du cách đây hai thế kỷ! Mai, Song chẳng khác nào Khuyển Ưng, Khuyển Phệ và Hiếu đích thị là một tên Sở Khanh. Trong xã hội ta, những tên côn đồ lưu manh như Mai, Song, Sở Khanh như Hiếu chưa hết, nhưng chúng không thể ăn nói và hành động ngang ngược trong một thời gian dài như thế được, vì ở đâu cũng có chi bộ đảng, cũng có quần chúng tốt. Tất nhiên bạn Hà Minh Tuân cũng có vẽ mấy người tốt là Lưu là Biền là Bổn… nhưng hình ảnh của họ rất mờ nhạt, không phải là những con người tiêu biểu cho Đảng và tích cực đấu tranh với cái xấu. Do đó tác giả đã để lại cho người xem một ấn tượng rất xấu về bộ đội phục viên và về công trường xí nghiệp của ta. Tại sao trong bức tranh “Vào đời” lại tập trung thể hiện với những nét rất sắc cạnh ba anh bộ đội phục viên xấu? Phải chăng đó là bộ mặt chân thực và điển hình về anh bộ đội phục viên? Cách vẽ của Hà Minh Tuân là sai sự thật, khách quan nó có ý nghĩa xuyên tạc.
Hai ông cán bộ lãnh đạo được mệnh danh “vua liêu” đã bắt công nhân và đuổi thợ. Những người tích cực đấu tranh với các ông “vua liêu” này lại là phần tử xấu. Còn đối với chính những phần tử xấu ấy như Mai, Song, Hiếu thì “các ông lãnh đạo hay bắt người, hay đuổi thợ” (như tác giả vẽ nên) nhẽ ra phải bắt, phải đưa ra một vài tên để làm gương cho kẻ khác lại không bắt, không đưa? Vậy thì các ông ấy bắt ai, đuổi ai? Ai sai? Ai đúng?
Trong công trường xí nghiệp, cán bộ làm bậy không phải là không có. Chúng ta đã phát hiện và trừng trị. Điều đó nhà văn có quyền phát hiện và mô tả. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là thái độ. Trong một tình huống rối ren như hồi 56-57, lúc bọn Nhân văn tác oai tác quái, tại sao mũi dùi của tác giả lại chĩa vào mấy ông lãnh đạo là chính mà không chĩa vào Mai, Song, Hiếu? Qua cách mô tả của Hà Minh Tuân, ta thấy anh căm ghét Cư, Chiến không kém gì Mai, Song, căm ghét Cư, Chiến hơn là căm ghét Hiếu. Đối với Hiếu, có thể nói là không căm ghét mà còn có sự thông cảm nữa là khác. Đó là một sự lầm lẫn bạn thù nguy hiểm trong tình thế gay go lúc bấy giờ.
Cảnh phố xá Hà Nội trong bức tranh “Vào đời” như thế nào? Theo tác giả thì đại để như thế này:
− Phố Tràng Tiền rất đông nhưng mọi người đều cảm thấy “kém vui” vì công an “một chút, một chút lại huýt còi”!
− Loa oang oang ở ngoài đường rức óc mà rất ít người nghe!
− Các cửa hàng, cửa hiệu thì “tiến bộ dật lùi”! Những người bán thịt, bán nước mắm… toàn làm bậy!
Đọc những đoạn như vậy ai thích? Theo bạn Nguyễn Xuân Bình trong số báo trước thì cách nói đó rất thích hợp với tâm tư của một số người! Số người đó là số người nào? Tôi đã được nghe họ phàn nàn là thành phố bây giờ “kém vui” vì thiếu mọi thứ hay nói cho đúng hơn là thiếu những cái mà họ ưa thích. Hàng Đào, Hàng Ngang bây giờ 9 giờ đêm đã đóng cửa! Họ kêu “kém vui” hơn trước! Ngày trước, sĩ quan Pháp, ngụy, rất đông, hay đi chơi khuya. Chẳng những Hàng Đào, Hàng Ngang mà Khâm Thiên, Cầu Giấy, Đội Cấn, Đường Thành, Phan Đình Phùng… nghĩa là tất cả những phố nào có tiệm nhảy, cô đầu, “đèn đỏ” đều mở cửa rất khuya.
Bây giờ ai cũng lao động để sống. Mười mấy vạn người thất nghiệp do chế độ cũ để lại đã được giải quyết. Hàng năm, chúng ta đưa vào sản xuất từ hai đến ba vạn người mới trong các công trường xí nghiệp, hợp tác xã thủ công. Đó là một lực lượng rất mới đang lớn lên vùn vụt, đang thay đổi hàng ngày hàng giờ bộ mặt của thủ đô trên bước đường công nghiệp hóa. Cả ngay những cô gái “làm tiền” do xã hội cũ để lại cũng đã trở thành những con người khác trong các công trường xí nghiệp của chúng ta. Nhà tư sản bây giờ cũng lao động. Con cái họ cũng cần dậy sớm để đi học. Cái thành phố tiêu phí, xa xỉ, phồn vinh bề mặt, đã lột xác. Bây giờ nếu không phải là ngày nghỉ, ngày lễ thì thức khuya để làm gì?
Hà Minh Tuân không phải là người “hoài cổ” như họ hoặc cố ý ca ngợi “cái thời buổi hoàng kim” ấy, nhưng vô hình chung cách nhìn của anh cũng hời hợt như họ và có phần nào bực dọc như họ. Cách nhìn của anh không phải là cách nhìn của nhân dân lao động. Bạn Hà Minh Tuân thử đi về các khu lao động mà hỏi xem. Bạn thử gỡ loa đem đi chỗ khác xem họ có kiện thấu trời không nào! Tôi không nói ngoa đâu. Đương nhiên loa mắc ở giữa đường phố nội thành là không nên. Trong nội thành nhiều người có báo, có đài. Nhưng ở các khu lao động rất cần. Sau tiếp quản một thời gian ta đã gỡ các loa trong phố cho ra ngoại thành và khu lao động. Mấy năm gần đây ta sản xuất được loa con và thay dần vào các loa to. Tại sao bạn Hà Minh Tuân lại bực dọc với cái loa như thế?
Ngày trước thịt nhiều là nhiều với ai cơ chứ đâu phải là nhiều với nhân dân lao động. Bây giờ hàng ngày số lợn mổ nhiều hơn trước mà chúng ta vẫn cảm thấy ít, thấy thiếu vì thành phố của chúng ta đông hơn trước rất nhiều, ai cũng ăn thịt.
Ngày trước, những cảnh tượng như thế này thường diễn ra luôn: Dưới chân những khách sang trong tiệm ăn ngày nào cũng đi hiệu, nuốt vào bụng hàng cân thịt, không cần phiếu, có hàng chục đứa trẻ đánh giầy bâu lấy, mấy chục người ăn mày xếp hàng đứng đấy “tự do” nhìn họ ăn. Có khi tự do nhìn cũng không được nữa. Các ông “phú-lít” sẽ đến và đuổi họ đi! Bây giờ những ngày tết nhất, các tổ phục vụ mang thịt về tận các khu lao động bán cho đồng bào kèm với từng lạng miến, cân mứt cho đến mấy chục lá gói bánh chưng, thật là chu đáo! Mà lại không phải giá đắt! Ngày xưa đâu có chuyện như vậy?
Tại sao bây giờ lại bảo “kém vui”? Chẳng nhẽ vì công an huýt còi mà mọi người “kém vui” sao? Công an có làm gì mà khiến mọi người kém vui? Đồng chí công an bây giờ khác với anh “cảnh binh” ngày trước đi “quây ráp” các phố, hống hách với dân, lùng vào tận các nhà bắt lính, công an của mình bây giờ đối với dân hiền lành như bụt (có khi hơi quá một chút cơ đấy!). Nữ công an viên còn bị thanh niên trêu nữa là khác! Người công an giữ trật tự ở ngoài đường để đề phòng tai nạn xe cộ đáng yêu lắm chứ! Vậy thì tại sao lại chĩa mũi dùi vào công an của ta?
Trong bức tranh “Vào đời”, người và cảnh đều xám xịt. Cô Sen là nhân vật chính. Thân phận của cô long đong quá, chẳng kém gì cô Kiều. Cuối cùng tác giả để cho cô vươn lên và tỏ vẻ lạc quan tin tưởng, nhưng kỳ thật là:
Rằng hay thì thật là hay
Xem ra ngậm đắng nuốt cay thế nào
Cái hoàn cảnh xã hội Hà Nội ngày nay là một bức tranh hoàn toàn mới. Nó tốt đẹp và tươi vui hơn bất cứ một thành phố nào của cái thế giới “tự do” mà đồng tiền là ngự trị và nhất định là hơn cái xã hội miền Nam dưới gót sắt của Mỹ-Diệm. Đó là cách nhìn hiện thực và biện chứng. Hà Minh Tuân đã không nhìn như thế. Dưới nét bút của anh, bức tranh về Hà Nội và con người Hà Nội đen tối quá. Những màu trong sáng tuy có nhưng rất ít lại không khỏe. Không có cách nhìn đúng của Đảng, không thể phản ánh đúng được hiện thực, thậm chí đi đến xuyên tạc hiện thực, rất có hại cho việc giáo dục tư tưởng trong lúc này. Đó là sai lầm chủ yếu của Hà Minh Tuân trong “Vào đời”.
NGUYỄN BẮC
Nguồn:
Cứu quốc, Hà Nội, s. 3126 (30.6.1963), tr.13.
30/6/1963: báo “Tiền phong”: Tuổi vào đời đọc cuốn “Vào đời”:
Đặng Minh Hân (Nghĩa Đàn, Nghệ An): Cái xấu choán cái tốt, bóng đen trùm lên ánh sáng trong tác phẩm “Vào đời”:
Người cho tôi mượn sách là cô L., nữ sinh lớp 7 vừa mới tốt nghiệp. Đưa cho tôi cuốn sách, cô lắc đầu nói: “Em sợ cuộc đời em sau này sẽ như chị Sen trong truyện lắm. Không biết rồi đây khi vào đời, em có phải trải qua tấn bi kịch đáng sợ như người trong truyện không?” Thấy tôi không nói gì vì tôi chưa xem nội dung “Vào đời”, cô ta lại nói tiếp: “Đời người con gái bao giờ cũng khổ anh nhỉ. Xã hội ta rất tốt đẹp, nhưng cũng còn những gợn bẩn đáng tởm như trong truyện đã viết hả anh?” Tôi chỉ có thể dùng một ít lý luận đã học được trả lời với cô ta: “Trong vườn hoa đẹp tránh sao khỏi có đôi hoa héo mà chúng ta có nhiệm vụ vứt bỏ cái héo đi để cho nẩy mầm hoa mới đẹp hơn xinh hơn. Anh chưa xem “Vào đời” nhưng anh nghĩ rằng: Cuộc sống của phụ nữ ngày nay phải khác xa ngày xưa chứ. Xưa tối, nay sáng, xưa vực, nay trời. Nhiều nữ anh hùng lao động đã xuất hiện trong các phong trào thi đua như chị Vách, chị Hiếu…đấy, đâu phải như em nói bao giờ cũng khổ?”
Là một người ít nhiều có tham gia công tác thanh niên, tôi không thể bỏ qua những sự ngờ vực lo âu của các chị em sắp bước vào đời, khi xem tập “Vào đời” này. Nhưng phản ánh với đâu? Tôi chỉ biết viết lên báo Đoàn, tờ báo thân yêu nhất của tuổi trẻ. Thú thật tôi không có khả năng để làm “nhà phê bình văn học”, nhưng dù thế nào đi nữa các bạn cho phép tôi tự tin rằng sự phản ánh của tôi là cần thiết trong khi thấy có điều gì chưa yên lòng lắm.
Theo tôi, làm cho tác phẩm hấp dẫn là một trong nhiều điều kiện thiết yếu của nhà văn. Hà Minh Tuân đã thành công về mặt này. Song, sự hấp dẫn cũng cần phải phân biệt rõ tác dụng tốt và tác hại của nó. Ví dụ những tác phẩm ưu tú của ta như Truyện Kiều, Nhật ký trong tù, Gió lộng, Đất nước đứng lên, v.v. đã đem lại cho người đọc biết bao nhiêu điều bổ ích, nâng cánh họ bay, nâng chân họ bước. Sau khi đọc xong một tiểu thuyết tốt, một truyện ngắn hay, họ thấy như tâm hồn họ thêm luồng gió mới. Nhưng ngược lại, cái hấp dẫn của “Vào đời” thì thật đáng trách.
Chúng tôi, những độc giả, không phản đối cái ý định của nhà văn nêu mặt xấu còn tồn tại trong xã hội để tiếp tục quét sạch nó đi làm cho bầu trời trong sáng của chế độ ta càng sáng thêm lên. Nói như nhà văn Nguyễn Đình Thi trong bài tham luận đọc tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ ba: “Một số tác phẩm của chúng ta đã mạnh bạo nêu lên những hiện tượng xấu còn rớt trong đời sống và dành nụ cười châm biếm hoặc dành lời khuyên bảo đúng đắn để răn người đọc hãy tránh những cái xấu ấy và sửa chữa đi. Đó là việc làm đầy thiện ý và có tác dụng tốt”.
Nhưng trái lại “Vào đời” đã gây trong đa số độc giả không ít những ấn tượng bi quan phức tạp trong cuộc sống của mình. Nhất là chị em mới bước vào đời liên hệ lại cảnh sống của chị Sen mà hãi hùng khiếp đảm. Cái cuộc sống gì mà con gái bị bắt cóc, hãm hiếp, có mang, rồi chịu đựng những hành động phũ phàng giả dối của một người chồng vũ phu, bất mãn?
Cái vẻ vô cùng bi thảm, hắn ám, mù mịt trên kia, chúng tôi nghĩ, chính là do từ những tình cảm sai lầm của tác giả. Tác giả đã dẫn người đọc đến hiểu khác đi cái cảnh sống tươi vui, sôi nổi lao động xây dựng thủ đô thân yêu của chúng ta, cái thủ đô mà nhân dân và các nhà máy đang kết thành hoa thành lá để hương thơm ngát tỏa muôn nơi. Cái công trường nào đó ở thủ đô thật là vô phúc được “Vào đời” miêu tả như thế!
Là một quân nhân chuyển ngành, tôi không khỏi trách anh Hà Minh Tuân đã không thận trọng với ngòi bút của mình khi tả nhân vật đại đội trưởng, chồng Sen. Sự thật, chúng tôi không chối cãi là cũng có một số rất cá biệt quân nhân chuyển ngành đã phản lại cái ý tốt của mình trong những ngày cuối cùng của cuộc đời bộ đội. Nhưng với đa số, cái phẩm chất cao quý và truyền thống tốt đẹp được rèn luyện qua thử thách trong lò lửa chiến đấu và rèn luyện trong quân đội cách mạng sẵn có trong tâm hồn họ, không cho phép họ ngoan ngoãn tuân theo cái “mệnh lệnh” của phỉnh nịnh, tiền tài, mua chuộc, dụ dỗ… của tên lưu manh như trường hợp của anh đại đội trưởng Hiếu trong truyện.
Là một sĩ quan trong quân đội cách mạng, chuyển ngành, anh ta có thể sa đọa đến nỗi giả làm “đại tá” đi tống tình con gái nhà tư sản, lôi cuốn công nhân phản đối giám đốc, chống lại lãnh đạo, phá hỏng máy móc, nghi ngờ vợ giết con… được không? Tôi nghĩ rằng: đây là vấn đề pháp luật chứ không phải là một vấn đề sinh hoạt bình thường. Chỉ chừng đó người đọc có thể thấy cái xấu choán cái tốt, bóng đen trùm lên ánh sáng trong tác phẩm “Vào đời” của Hà Minh Tuân.
Tôi đã cất kỹ cuốn “Vào đời” trong tủ, tuyệt đối không cho các bạn trẻ của tôi xem, mặc dù họ biết tôi có quyển “Vào đời” theo tiếng đồn “hay lắm”! Nó hay thật! Hay đối với thị hiếu không lành mạnh của một số người, hay với những tình tiết éo le, ly kỳ, mạo hiểm… nhưng thật không hay cho cuộc sống lành mạnh đang tiến lên trong phong trào xung phong tình nguyện của chúng ta.
Nhà văn Hà Minh Tuân cần có thái độ nghiêm khắc đối với những lệch lạc, thiếu sót trong tác phẩm “Vào đời” của mình trước khi bước vào sáng tác tác phẩm mới.
ĐẶNG MINH HÂN
(Nghĩa Đàn, Nghệ An)
30/6/1963: báo “Tiền phong”: Nguyễn Việt Hùng (hòm thư 5856 Hà Nội): Tác phẩm “Vào đời” trái ngược hẳn với cuộc sống lành mạnh tươi vui của chúng tôi
Năm tôi 16 tuổi thì người cha kính mến của bốn anh em tôi từ trần. Từ đấy tôi bước những bước chân chập chững đầu tiên vào đời. Từ cuộc sống êm đềm trong gia đình sung túc mà bước vào cuộc sống lao động thực sự thì làm gì mà chẳng vấp phải những khó khăn. Nhưng qua mưa nắng của mùa hè, giá lạnh của mùa đông, tôi đã dần quen với cuộc sống của những người lao động thực sự. Bàn tay từ chỗ trắng trẻo mền yếu đã xạm đen vì nắng và sần sùi lớp chai cứng. Tôi sung sướng và vui mừng vì bàn tay tôi đã vinh dự được góp sức nhỏ bé của nó trong sức mạnh vĩ đại của toàn dân nhất là của thanh niên xây dựng miền Bắc, xây dựng thủ đô XHCN.
Qua công trường Ba Đình đến công trường Quần Ngựa và tới khu xây dựng nhà cửa Kim Liên, ở đâu có bàn tay lao động, có những lớn người trẻ, những con người trẻ hăng say thì ở đó có những tòa nhà đồ sộ mọc lên, những ống khói vút trời, những công viên tươi đẹp và con đường rộng rãi mát mẻ.
Thế rồi từ một công nhân xây dựng, tôi được đi học lớp cơ khí khóa 4 của Sở công nghiệp Hà Nội, bàn tay tôi rời gạch, ngói, xi măng, để làm quen với máy móc, kỹ thuật công nghiệp. Tôi tin tưởng rằng mình đã có cơ sở vững chắc khi có ý định xây dựng cuộc sống sau này. Song khi nghề nghiệp của tôi tương đối vững vàng, tôi sắp thi ra thì tôi được vinh dự đi làm nghĩa vụ quân sự quang vinh của tuổi trẻ. Tôi vui vẻ, tạm rời những bác, anh chị em công nhân mà không hề tính toán suy nghĩ về tiền đồ của mình, dù lúc đó tôi biết là sau khi thi ra tôi sẽ được lên lương, được sống sung túc hơn. Tôi vui sướng cùng các bạn thanh niên thủ đô lên đường nhập ngũ vì được vinh dự là một quân nhân trong quân đội cách mạng của một dân tộc anh hùng.
Bài báo của bạn Thanh Bình đã làm cho tôi liên tưởng ngay tới bước vào đời của tôi. Bước vào đời của tôi cũng giống như rất nhiều bạn thanh niên khác. Nhưng tác phẩm “Vào đời” đã mô tả một cách lệch lạc cuộc sống, thực tại của lớp người trẻ. Hà Minh Tuân đã dựng đứng một câu chuyện không có sự thực và đã ngụy trang rất khéo câu chuyện ấy bằng một cái tên rất kêu và hấp dẫn là “Vào đời”. Tác giả đã không nêu được cái tốt đẹp, những ý nghĩ và hành động xứng đáng, anh dũng, lành mạnh của lớp trẻ vào đời. Hà Minh Tuân đã đưa ra một câu chuyện lệch lạc, dùng những lời văn mô tả phiến diện làm cho lớp người trẻ dễ run sợ khi bước vào đời, nhất là các bạn nữ càng thêm lo lắng về tương lai, tiền đồ và hạnh phúc của mình và có thể có những ý nghĩ không tốt với những người quân nhân phục viên.
Hà Minh Tuân đã dựa vào câu chuyện lao dộng dũng cảm của hàng bao con người nhưng lại gán cho họ những ý nghĩ tiêu cực lệch lạc theo cái nhân sinh quan tiểu tư sản vụn vặt yếu hèn của bản thân nhà văn.
Là một thanh niên của xã hội mới, là một công dân của một nước đang xây dựng XHCN, là một quân nhân trong quân đội nhân dân, tôi hoàn toàn phản đối cuốn “Vào đời” của Hà Minh Tuân và đề nghị với các bạn thanh niên nam nữ xa gần trong mọi ngành mọi nghề hãy viết những câu chuyện vào đời của mình để làm rạng rỡ và sáng tỏ thêm sức mạnh phi thường của thanh niên và cũng để nhà văn Hà Minh Tuân thấy rõ rằng: “Vào đời” của ông là một tác phẩm rất xấu, trái ngược hẳn với cuộc sống lành mạnh vui tươi của thanh niên chúng tôi.
NGUYỄN VIỆT HÙNG
(Hòm thư 5856 Hà Nội)
Nguồn:
Tiền phong, Hà Nội, s. 1056 (30.6.1963), tr.3.
3/7/1963. Báo “Tiền phong”: Ý kiến của thanh niên công nhân nhà máy cơ khí Hà Nội: Hà Minh Tuân đã mô tả lệch lạc bước vào đời của chúng tôi
Đọc xong cuốn tiểu thuyết “Vào đời”, tôi cảm thấy cần phải phát biểu một số ý kiến về cuốn truyện đó:
“Vào đời” đã lấy bối cảnh là một nhà máy cơ khí mang tên “Tháng Tám”, “một nhà máy cơ khí hiện đại nhất Đông Nam Á được Liên Xô giúp ta xây dựng” nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội chưa đầy 10 cây số, có đường xe điện chạy qua, có “sông Tân hai bờ hình như thu hẹp lại”. Nhà máy đó sản xuất các loại máy công cụ như tiện, phay, bào, khoan… Tất nhiên con người và bối cảnh trong sáng tác văn nghệ đều là điển hình do nhà văn xây dựng nên. Nhưng điển hình cũng là đã rút ra từ thực tế cuộc sống xã hội. Nên đọc qua cuốn truyện nhiều người đã liên tưởng tới nhà máy cơ khí Hà Nội, đứa con đầu lòng của ngành công nghiệp nặng nước ta. Là những thanh niên công nhân làm việc ở nhà máy cơ khí Hà Nội, chúng tôi không yêu cầu ông Hà Minh Tuân phải tô son điểm phấn cho nó vì trong thực tế chúng ta còn gặp nhiều khó khăn, còn có nhiều khuyết điểm. Nhưng qua câu chuyện của mình, ông Hà Minh Tuân đã thể hiện con người, cuộc sống của cái nhà máy cơ khí này như thế nào?
Cô Sen nhân vật chính của câu chuyện “Vào đời” đã vào đời với đầy rẫy khó khăn, với những cạm bẫy chông gai như thế không?
Trong câu chuyện, ngay từ đầu tác giả đã cho ta thấy cuộc sống lao động chân tay vất vả quá sức tưởng tượng trên công trường làm cho Sen trở nên tiều tụy. Bằng những tình tiết và hình ảnh, tác giả đã làm cho người đọc sợ cái đòn gánh trốc vai, sợ và ghét những người lao động trên công trường toàn có những lời châm chọc thô lỗ, chua chát, rồi đi đến chỗ khiếp sợ lao động. Thực ra, đối với thanh niên chúng tôi, lao động chân tay tuy có vất vả, nhưng chúng tôi đã vượt qua được những thử thách trong buổi đầu không đến nỗi khó khăn lắm. Và khi đã qua rồi thì mọi việc đều bình thường, nếu không như thế thì làm sao chúng tôi có thể làm việc được hết ngày này qua tháng khác với một niềm vui thú, say sưa. Cô Sen trong truyện đã phải trải qua không biết bao nhiêu khó khăn trắc trở, những đau đớn về thể xác, những dày vò về tinh thần khi bước vào đời. Một số anh em chúng tôi khi đọc xong cứ hỏi nhau mãi không hiểu ông Hà Minh Tuân tìm ở đâu ra nhân vật “điển hình” ấy? Có lẽ ông đã chắp vá toàn những chuyện ảm đạm đen tối ở mọi nơi tập trung lại để xây dựng nên nhân vật điển hình ấy chăng? Bước vào cuộc sống đầy rẫy khó khăn, rất ít thuận lợi, điều đó có đúng với thực tế xã hội ta ngày nay không? Có thật là lớp thanh niên chúng tôi bước vào đời chỉ gặp toàn khó khăn mà không có lấy một chút thuận lợi như Hà Minh Tuân mô tả không? Hoàn toàn là không phải thế. Ông Hà Minh Tuân đã tả Sen vào đời như ở trong xã hội cũ trước kia, xã hội mà quan hệ giữa người và người là chó sói. Tác giả không nhìn thấy rằng những thanh niên ngày nay như Sen bước vào đời tuy còn gặp khó khăn do xã hội cũ để lại, nhưng tình thương yêu, sự dìu dắt giúp đỡ của tập thể, trình độ giác ngộ, tinh thần lạc quan cách mạng đã giúp họ vượt qua tất cả.
Ở nhà máy chúng tôi, hàng ngũ công nhân ngày càng được bổ sung thêm, trong đó có những học sinh mới rời ghế nhà trường làm quen với lao động chân tay, có những anh chị em nông dân rời tay cày tay cuốc, có người từ các công trường về hay cũng có người từ bộ đội chuyển sang. Tất cả họ đều bước vào cuộc sống với lòng nhiệt tình hăng hái. Được sự giúp đỡ của Đảng, sự dìu dắt của Đoàn, cuộc sống nói chung tuy còn gặp khó khăn về mặt này hay mặt khác, nhưng chưa một ai đã trải qua bước vào đời khủng khiếp như cô Sen trong truyện.
Thực tế bước vào đời của thanh niên ở nhà máy chúng tôi khác hẳn với bước vào đời của cô Sen của ông Hà Minh Tuân trong “Vào đời”. Điều đó chứng tỏ rằng Hà Minh Tuân đã không nhìn nhận được đầy đủ thực tế cuộc sống. Cái nhìn lệch lạc của ông còn thể hiện trong một số nhân vật của cuốn truyện đã làm cho người đọc, nhất là những người thanh niên mới bước vào cuộc sống, hiểu sai hẳn về thực tế của xã hội ngày nay.
Những quân nhân phục viên trong “Vào đời” ngoài Trần Lưu ra còn bị Hà Minh Tuân mô tả một cách sai lệch, biến họ thành những tên lưu manh bịp bợm.
Trong thực tế những thành tích ưu điểm của anh em quân nhân chuyển ngành không thiếu gì, bất cứ ở đâu cũng thấy rõ điều đó. Vai trò và truyền thống của quân đội ở đây đã bị Hà Minh Tuân làm lu mờ và thay thế nó bằng hình ảnh của nhóm Mai, Hiếu, Song. Nếu chúng ta thấy trong truyện một quân nhân chuyển ngành có ít nhiều mặt tích cực như Trần Lưu thì Hà Minh Tuân cũng đã miêu tả anh ta chỉ biết làm hùng hục, gánh mỗi bên 4 thùng vữa. Còn trong sinh hoạt thì anh ta khô khan, cứng nhắc và cuối cùng cũng phát biểu linh tinh như kêu ca về công an, mậu dịch, về chất lượng phở, v.v.
Trong toàn bộ câu chuyện, người đọc chỉ thấy một không khí bi quan, lo ngại, chúng tôi có cảm tưởng rằng tác giả chỉ đi tìm những khó khăn, những cái xấu, những mặt tiêu cực tập trung lại để xây dựng nên một câu chuyện “điển hình”. Còn phần tích cực là cái chính, là bản chất của cuộc sống thì lại thấy rất ít. Cuốn truyện cũng đã làm cho người đọc thấy sợ cuộc đời, thấy cuộc đời đầy rẫy những khó khăn, những hang hùm miệng rắn, và như thế là tác giả đã xuyên tạc sự thật. Câu chuyện nêu lên không có ích mà trái lại đã làm cho nhiều thanh niên hoài nghi, ngần ngại đi vào cuộc sống. Tôi là một thanh niên công nhân làm việc ở nhà máy cơ khí Hà Nội, vào đời cùng một thời kỳ với cô Sen trong “Vào đời”. Nhưng bước đường tôi đã đi qua, thực tế tôi đã sống cho phép tôi kết luận rằng tác phẩm của Hà Minh Tuân phản ánh không trung thực cuộc sống, mô tả lệch lạc về những bước đường vào đời của chúng tôi.
NGUYỄN BÌNH
(nhà máy cơ khí Hà Nội)
Nguồn:
Tiền phong, Hà Nội, s.1057 (3.7.1963), tr.3.