Một lá cờ hiệu đỏ và một chiếc rìu chờ đến giờ của nó (trích “Kết thúc của con người đỏ”)

Svetlana Alexievitch

Nguyên Ngọc dịch

 

Người mẹ

Aaaah… Tôi không thể chịu được nữa! Điều cuối cùng tôi nhớ, là một tiếng kêu. Ai đã kêu lên? Tôi không biết. Tôi, hay bà hàng xóm của tôi, bà đã nghe mùi hơi đốt trên chiếu nghỉ. Chính bà đã gọi cảnh sát. (Bà đứng dậy và đến gần cửa sổ.) Ấy là vào mùa thu. Cách đây không lâu, tất cả đã ngả vàng… Bây giờ thì mọi thứ đã đen, vì mưa. Ngay cả ban ngày, cứ như ánh sáng còn xa, rất xa, mới buổi sáng trời đã tối sầm. Ở nhà, tôi bật tất cả đèn lên, và để vậy suốt ngày. Tôi không bao giờ có đủ ánh sáng. (Bà trở lại và ngồi xuống cạnh tôi.)

… Tôi bắt đầu bằng cách nghĩ là tôi đã chết. Khi còn nhỏ, tôi đã thấy nhiều người chết, rồi tôi đã quên… (Bà lau nước mắt.) Tôi tự hỏi vì sao tôi khóc. Tôi đã biết tất cả về cuộc đời mình, tôi biết nó… Trong giấc mơ của tôi, đầy những con chim đảo tròn bên trên tôi. Chúng va vào cửa sổ. Tôi thức dậy với cảm giác có ai đó ở đầu giường tôi. Ai đó đứng ở đấy. Tôi muốn quay đầu lại để xem là ai… Và một thứ nỗi sợ, linh cảm không nên làm thế. Bị cấm. (Bà dừng lời.) Nhưng đấy không phải là điều tôi muốn nói… Không phải ngay bây giờ. Bà bảo tôi kể về tuổi thơ của tôi. (Bà vùi mặt vào hai bàn tay.) Thế này. Tôi nghe một mùi rất êm dịu, mùi của đất mẹ, đất mẹ ghẻ… Tôi thấy những ngọn núi, và một cái tháp canh bằng gỗ với một người lính ở trên đó, mùa đông thì mặc áo lót lông thú, mùa hè áo khoác. Và những chiếc giường sắt, đầy giường sắp hàng cạnh nhau… Trước đây tôi có cảm giác nếu tôi kể điều đó cho ai, tôi sẽ muốn trốn người ấy, không bao giờ gặp lại nữa. Quá ư riêng tư, tất cả những cái ấy… Đã chôn vùi rất sâu, ở nơi sâu nhất trong tôi… Tôi chưa bao giờ sống một mình, tôi đã lớn lên trong một trại giam ở Kazakhstan, nó có tên là Karlag, rồi sau trại, là ở khu an trí. Trong một trại mồ côi, rồi trong một trung tâm, và sau đó ở một nhà cộng đồng… Luôn luôn có những thân thể ở quanh tôi, nhiều đôi mắt. Tôi chỉ có một ngôi nhà cho riêng tôi năm bốn mươi tuổi. Khi chồng tôi và tôi, chúng tôi nhận một căn hộ hai phòng, các con tôi đã lớn. Tôi đã quen cuộc sống ở trung tâm, tôi đập cửa các nhà láng giềng để vay bánh mì, muối, diêm, họ không thích tôi về chuyện đó. Nhưng tôi chưa bao gờ sống một mình, và không thể quen được với chuyện ấy… Và tôi lại luôn thích nhận được thư. Tôi chờ thư. Đến giờ vẫn thế… Một trong những người bạn gái của tôi đã đi sang chỗ con gái bà ở Israel, bà viết thư cho tôi, hỏi những gì đã xảy ra bên này, cuộc sống sau chủ nghĩa xã hội ra sao… Cuộc sống thế nào ư? Chuyện là, khi người ta đi trên một phố ta đã biết, chỉ còn thấy những cửa hàng Pháp, Đức, Ba Lan. Tất cả đều được viết bằng tiếng nước ngoài. Tất, áo sơ mi, giày bốt, mọi thứ đều nhập từ nước ngoài… Bánh quy và xúc xích nhập khẩu… Không tìm thấy chút gì là xô viết nữa. Ở đâu tôi cũng nghe nói đi nói lại đời là một trận đánh, trong đó kẻ mạnh thắng người yếu, rằng đấy là quy luật của tự nhiên. Phải tự mọc lấy sừng và móng, tự làm ra một lớp giáp, kẻ yếu thì chẳng ai cần đến. Ở đâu cũng vậy, phải chen lấn, phải chiến đấu. Là chủ nghĩa phát xít! Là chữ thập ngoặc! Tôi, tôi ở trong trang thái bị sốc… và tuyệt vọng. Thế giới này không phải là thế giới của tôi. Ở đây, tôi không ở nhà tôi. (Bà im lặng.) Chỉ mong sao tôi có ai đó bên tôi… Chồng tôi ư? Ông ấy đã bỏ tôi. Tuy nhiên, tôi yêu ông (Đột nhiên, bà cười.) Chúng tôi cưới nhau vào mùa xuân, anh đào dại đang ra hoa và hoa đinh thì làm nụ. Và ông ra đi vào mùa xuân. Nhưng ông đến thăm tôi… Ông đến thăm tôi trong các giấc mơ của tôi, ông không thể nói với tôi lời vĩnh biệt… Ông nói với tôi, ông nói với tôi điều gì đó… Nhưng ban ngày, im lặng khiến tôi điếc và mù… Quá khứ, với tôi, nó như một con người, một sinh linh sống…Tôi nhớ, khi tạp chí Novy Mir đăng Một ngày của Ivan Denissovitch của Soljénitsyne, mọi người đều đọc. Tất cả đều bàng hoàng. Người ta chỉ nói đến chuyện đó. Tôi, tôi không hiểu vì sao cái đó khiến họ quan tâm đến thế, tại sao họ ngạc nhiên như vậy. Tôi đã quen với tất cả những cái đó. Là hoàn toàn bình thường đối với tôi… Những người bị giam ở các trại tập trung, chuồng phân. Và khu vực[1]

… Bố tôi bị bắt năm 1937, ông làm việc trong ngành hỏa xa. Mẹ tôi chạy khắp nơi, bà làm vung cả trời đất lên để chứng minh ông không có tội, đấy là một nhầm lẫn. Tôi, bà đã quên mất tôi. Khi bà nhớ đến sự tồn tại của tôi và bà muốn loại bỏ tôi đi, thì đã muộn. Bà đã nuốt đủ thứ tệ hại nhất, bà đã tắm nước bỏng… Và tôi đã được sinh ra trước hạn. Nhưng tôi đã sống sót. Tôi không biết vì sao, nhưng tôi đã thoát hiểm nhiều lần. Khối lần! Rồi mẹ tôi cũng bị bắt, và cả tôi, người ta không thể bỏ tôi một mình trong nhà, tôi bốn tháng tuổi. Mẹ tôi đã có đủ thời gian gửi hai chị tôi về quê, ở nhà một người dì, nhưng chúng tôi nhận được một giấy triệu tập của NKVD[2], và phải đưa các chị trở về Smolensk. Các chị bị bắt giữ khi vừa xuống tàu. “Bọn trẻ sẽ vào trại mồ côi. Có thể chúng sẽ trở thành Thanh niên Cônsômôn[3].” Thậm chí họ không cho chúng tôi địa chỉ của các chị. Khi chúng tôi gặp lại, các chị đã có chồng, có con… nhiều năm sau, rất nhiều năm sau… Ở trại, tôi sống với mẹ cho đến ba tuổi. Mẹ kể rằng những đứa trẻ ít tuổi thường chết. Mùa đông, người ta xếp những đứa trẻ chết trong những thúng tô nô lớn, và chúng nằm đó cho đến mùa xuân. Chúng bị chuột ăn. Mùa xuân, người ta chôn chúng… Người ta chôn những gì còn lại. Đến ba tuổi, những đứa trẻ bị tách khỏi mẹ và đưa vào những lán riêng. Các ký ức của tôi bắt đầu từ bốn tuổi… không, đúng hơn là năm. Đấy là những hình ảnh… Buổi sáng, qua dây thép gai, chúng tôi nhìn thấy các mẹ của chúng tôi bị điểm danh trước khi được đưa đi lao động ở bên ngoài khu vực, nơi chúng tôi không được phép đến. Khi người ta hỏi tôi: “Cháu từ đâu đến, cháu bé?”, tôi trả lời: “Từ khu vực”. Bên ngoài khu vực, là một thế giới khác, một cái gì đó không thể hiểu và khủng khiếp không tồn tại đối với chúng tôi. Sa mạc, cát, stipa[4] khô. Tôi tưởng sa mạc ấy lan đến vô tận, đến chân trời, và không có thế giới nào khác thế giới của chúng tôi. Những người lính của chúng ta canh giữ chúng tôi, và chúng tôi tự hào về họ. Họ có những ngôi sao trên mũ… Tôi có một người bạn, Roubik Tsirinski. Cậu ấy dẫn tôi đi thăm các mẹ bằng cách chui qua một lỗ trong dây thép gai. Trong khi những người khác sắp hàng để đi đến căng tin, chúng tôi nấp sau cửa. Roubik hỏi tôi: “Cậu không thích kacha[5] sao?”. Lúc nào tôi cũng đói và tôi thích kacha, nhưng tôi sẵn sàng làm tất cả để được gặp mẹ. Và chúng tôi lẻn vào lán của các mẹ. Lán trống, các mẹ đi lao động. Chúng tôi biết, nhưng cứ đi, và tôi ngửi mọi thứ. Những chiếc giường sắt, thùng tô nô bằng sắt để đựng nước uống, cái cốc ở đầu một dây xích… Mọi thứ đều có mùi của các mẹ… Chúng có mùi đất và mùi mẹ. Có những lần, chúng tôi gặp vài bà nằm, các bà ho. Một bà khạc ra máu. Roubik nói với tôi đó là mẹ của Tomotchka, đứa bé nhất trong chúng tôi. Bà mẹ ấy đã chết sau đó ít lâu. Rồi chính Tomotchka cũng chết, và rất lâu tôi tự nhủ phải nói chuyện đó với ai. Vì mẹ nó đã chết, cả nói nữa. (Bà im lặng.) Khi tôi kể lại cho mẹ nhiều năm sau, bà không tin. “Nhưng con mới bốn tuổi thôi mà!” Tôi nói với mẹ là bà ấy đi giày bằng vải đánh xi gót gỗ, và bà làm những thứ áo lớn với những mẩu vải. Điều ấy cũng khiến mẹ ngạc nhiên, và bà khóc. Tôi nhớ… Tôi nhớ mùi miếng dưa tây không lớn hơn chiếc cúc quần bà mang đến cho tôi gói trong một mảnh giẻ. Và cái lần bọn con trai gọi tôi để chơi với một con mèo, và tôi không biết đó là cái gì. Có ai đấy đã mang nó ở ngoài về bởi vì ở trong khu vực không có mèo. Chúng không sống sót được vì không có mẩu thức ăn thừa nào, người ta nhặt tất. Lúc nào người ta cũng nhìn xuống đất để tìm một thứ gì đó ăn được. Người ta ăn cỏ, vỏ cây, người ta liếm những hòn sỏi. Chúng tôi rất muốn cho con mèo một thứ gì đó ngon, chúng tôi chẳng có gì cả, chúng tôi bèn nuôi nó bằng nước miếng của chúng tôi sau bữa ăn, và nó ăn cái ấy! Nó ăn cái ấy… Tôi cũng nhớ ngày mẹ muốn cho tôi một cái kẹo. “Này, Ania, mẹ có một cái kẹo cho con!”, bà nói qua hàng rào dây thép gai. Bọn gác đẩy lui bà, bà ngã xuống… và chúng nắm lấy mái tóc đen dài của bà mà kéo bà trên mặt đất… Tôi khiếp sợ, tôi không có chút ý nghĩ thế nào là một cái kẹo. Không đứa nào trong chúng tôi biết nó thế nào. Tất cả chúng tôi đều sợ, những đứa khác hiểu rằng phải giấu tôi đi, và chúng đã đẩy tôi vào giữa. Bao giờ chúng cũng để tôi ở giữa… “Ania của bọn mình không đứng nổi trên đôi chân.” (Bà khóc.) Tôi không hiểu vì sao tôi khóc… Tôi đã biết tất cả chuyện đó… Tôi biết nó, cuộc đời tôi… Thôi, được… Tôi đang nói gì nhỉ? Tôi chưa xong những gì tôi muốn nói…

Những nỗi sợ, chúng tôi có rất nhiều, những nỗi sợ lớn và nhỏ… Chúng tôi sợ lớn lên, chúng tôi sợ đến năm tuổi. Đến năm tuổi, người ta đưa chúng tôi vào trại mồ côi, và chúng tôi biết là rất xa. Rất xa các mẹ… Tôi, tôi nhớ người ta đã đưa tôi vào trại số 8, ấp số 5. Ở trên ấy, toàn là số, và thay vì các đường, là các dãy. Dãy một, dãy hai… Người ta đưa chúng tôi lên một xe tải và mang chúng tôi đi. Các bà mẹ chạy theo sau, các bà bám lên lá chắn thành xe, các bà hét lên, các bà khóc. Tôi nhớ lúc nào các bà mẹ cũng khóc, còn trẻ con thì hiếm khi. Chúng tôi không bao giờ làm những chuyện thất thường và bậy bạ. Chúng tôi không cười. Chỉ ở trại mồ côi tôi mới học khóc. Ở đấy, họ đánh chúng tôi rất nhiều. Họ nói với chúng tôi: “Chúng mày, có thể cho chúng mày ăn đòn, thậm chí giết chúng mày, vì mẹ chúng mày là những kẻ thù!”. Còn bố chúng tôi, chúng tôi không biết các ông. “Mẹ mày là một con đàn bà độc ác!”. Tôi nhớ mặt cái bà cứ nói đi nói lại mãi câu đó. “Mẹ cháu tốt! Mẹ cháu đẹp! – Mẹ mày ác. Bà ấy là kẻ thù của chúng ta!”. Tôi không nhớ rõ có thật bà ấy nói từ “giết” không, nhưng là một thứ gì đó như thế… Những từ loại đó. Những từ khủng khiếp. Thậm chí tôi sợ nhớ những từ ấy. Chúng tôi không có những nhà giáo dục cũng không có các cô giáo, chúng tôi không biểt các từ ấy, chúng tôi có các bà chỉ huy. Bao giờ họ cũng cầm những chiếc thước dài trong tay, họ đánh chúng tôi để phạt chúng tôi, hay chỉ thế thôi, chẳng vì chuyện gì hết… Tôi muốn họ đánh tôi cho đến khắp người chỉ còn là lỗ và họ thôi cho tôi ăn đòn. Tôi không có lỗ, mà ngược lại toàn những mụn mủ. Tôi thích thế… Bạn tôi là Oletchka có những cái đinh ghép xương bằng kim loại trong cột sống nên người ta không được quyền đánh nó. Ai cũng thèm được như nó… (Bà nhìn rất lâu ra cửa sổ.) Tôi chưa bao giờ nói chuyện này với ai. Tôi sợ. Sợ gì? Tôi không biết… (Bà trở nên trầm tư.) Chúng tôi rất thích ban đêm. Cứ muốn vội cho đến đêm. Một đêm đen, thật đen. Đêm, Frossia canh chúng tôi. Bà tốt, bà kể cho chúng tôi chuyện tiên, chuyện cô bé quàng khăn đỏ, trong túi bà bao giờ cũng có những hạt lúa mì mà bà phát cho những đừa nào khóc. Lila là đứa khóc nhiều hơn cả, nó khóc buổi sáng, buổi tối. Chúng tôi đứa nào cũng có ghẻ và những cái nhọt to tướng trên bụng, nhưng Lila có những mụn rộp dưới cánh tay, chúng đầy mủ và chúng vỡ ra. Tôi nhớ bọn trẻ con tố giác lẫn nhau, người ta khuyến khích chúng làm chuyện đó. Lila là đứa báo cáo nhiều hơn cả… Khí hậu Kazakhstan khắc nghiệt, mùa đông dưới bốn mươi, mùa hè trên bốn mươi. Lila chết vào mùa đông. Giá mà nó sống được tới những ngọn cỏ đầu tiên… Mùa xuân, nó sẽ không chết. Nó không… (Bà không nói hết được câu.)

Ở lớp, người ta chủ yếu dạy chúng tôi yêu đồng chí Stalin. Bức thư đầu tiên của tôi, là tôi viết cho ông, ở Kremlin. Chuyện diễn ra thế này: chúng tôi vừa biết viết, người ta phát cho chúng tôi những tờ giấy trắng, và người ta đọc cho chúng tôi viết cho Người Dẫn đường kính yêu của chúng ta. Chúng tôi rất yêu ông, chúng tôi tin chắc ông sẽ trả lời chúng tôi, và gửi quà cho chúng tôi. Đầy những quà! Chúng tôi ngắm ảnh ông, chúng tôi thấy ông thật đẹp! Người đẹp nhất trên trái đất. Chúng tôi thậm chí tranh nhau xem đứa nào được hiến bao nhiêu năm của đời mình cho chỉ một ngày sống của ông. Ngày 1 tháng Năm, người ta phát cho chúng tôi những lá cờ hiệu đỏ, và chúng tôi vừa diễu hành vừa phất cờ vui vẻ. Vì tôi là đứa bé nhất, tôi đi cuối hàng, và tôi luôn sợ sẽ không đủ cờ hiệu. Lúc nào người ta cũng lặp lại với chúng tôi: “Mẹ của các cháu, là Tổ quốc!”. Và chúng tôi hỏi những người lớn chúng tôi gặp: “Mẹ tôi ấy, ở đâu?”. Chẳng ai biết… Bà mẹ đầu tiên đến, là mẹ của Melnikova. Bà có giọng rất tuyệt, bà hát cho chúng tôi những bài hát ru: “Ngủ đi, con xinh của mẹ, ngủ đi! Đèn đã tắt, cửa không còn kêu, con chuột đã ngủ sau lò sưởi…”. Chúng tôi không biết những bài hát ru, và bài hát ấy đã khắc vào tâm trí chúng tôi. Chúng tôi nói với bà: “Nữa đi, hát nữa đi!”… Tôi nhớ khi bà ngưng hát, tất cả chúng tôi đã ngủ. Bà nói với chúng tôi rằng các mẹ của chúng tôi rất tốt, rẩt đẹp. Rằng tất cả các bà mẹ đều đẹp. Rằng tất cả các bà đều hát bài hát đó. Vậy nên chúng tôi chờ mẹ của chúng tôi… Rồi, nỗi thất vọng thật kinh khủng. Bà đã nói dối. Các bà mẹ khác đã đến. Họ xấu, bệnh tật, họ không biết hát. Và chúng tôi khóc… chúng tôi khóc nức nở. Không phải vì niềm vui được gặp mẹ, mà vì thất vọng. Từ đó, tôi ghét những lời nói dối. Tôi không thích những giấc mơ. Không nên an ủi chúng tôi bằng những lời nói dối. Không nên nói dối chúng tôi, nói với chúng tôi: mẹ cháu vẫn sống, mẹ cháu không chết. Sau đó, chúng tôi khám phá ra bà không đẹp, hay chúng tôi không hề có mẹ…

Chúng tôi rất im lặng. Tôi không nhớ những cụộc trò chuyện của chúng tôi. Tôi chỉ nhớ những tiếp xúc vật chất. Khi bạn Valia Knorina chạm vào tôi, tôi biết nó nghĩ gì, bởi vì chúng tôi đều suy nghĩ về cùng một thứ. Chúng tôi biết về nhau những chuyện rất riêng tư: đứa nào đái dầm trên giường, đứa nào la hét trong giấc ngủ, đứa nào nói đớt. Tôi, tôi không ngừng lấy thìa đẩy một chiếc răng lên. Bốn mươi cái giường sắt trong cùng một phòng… Buổi tối, người ta bảo chúng tôi: “Tay chắp lại đặt dưới má! Tất cả quay sang phải!”. Chúng tôi phải chấp hành cùng một lúc. Cùng nhau. Chúng tôi hợp thành một cộng đồng, có thể là một cộng đồng súc vật, cộng đồng những con gián, nhưng chúng tôi đã được nuôi lớn lên như thế đó… (Bà quay sang phía cửa sổ để tôi không nhìn thấy được mặt bà.) Đêm, khi đã đi nằm, chúng tôi bắt đầu khóc. Tất cả cùng nhau. “Những người mẹ tốt của chúng tôi đã đến…”. Một đứa con gái nói: “Mình không yêu mẹ mình! Tại sao bà không đến thăm mình?”. Tôi cũng thế, tôi giận mẹ. Và buổi sáng chúng tôi đồng ca: (Bà hát.)

Nắng dịu dàng

Âu yếm tường Kremlin cổ.

Đất nước rộng lớn chúng ta thức dậy

Trong dịu êm ban mai…

Một bài hát hay. Cho đến hôm nay, tôi còn thấy hay.

Ngày lễ ưa thích của chúng tôi, là Mồng một tháng Năm. Ngày hôm đó, người ta phát cho chúng tôi váy và áo khoác mới. Tất cả giống hệt nhau. Thế là chúng tôi cố chiếm hữu, chúng tôi làm một dấu hiệu nhỏ, dù chỉ là một cái nút thắt hay một nếp gấp, để chứng tỏ là của chúng tôi… là một phần của chúng tôi. Người ta bảo chúng tôi gia đình của chúng tôi, ấy là Tổ quốc, rằng nó nghĩ đến chúng tôi. Trước mặt bọn trẻ con sắp hàng trong sân, người ta kéo lên một lá cờ đỏ lớn và người ta đánh trống. Một lần, có một vị tướng đến chúc mừng chúng tôi. Thật tuyệt! Đối với chúng tôi, tất cả mọi người chia thành binh lính và sĩ quan, và ông này là một vị tướng! Với những cái sọc trên quần. Chúng tôi đã trèo lên bục cửa sổ để nhìn ông ngồi trong chiếc xe của ông và vẫy tay từ giã chúng tôi. “Cậu có biết thế nào là một ông bố không?”. Một buổi tối Valia Knorina hỏi tôi. Tôi không biết. Nó cũng không biết. (Bà im lặng.) Có Stiopka… Nó tự ôm ghì lấy mình bằng chính hai cánh tay nó và khiêu vũ trong hành lang như đang nhảy với ai đó. Nó tự nhảy với chính nó. Người ta thấy kỳ, nhưng nó, nó chẳng chú ý đến ai. Rồi một buổi sáng, nó chết, nó không ốm, và nó chết, đột ngột. Chúng tôi đã nghĩ đến nó rất lâu… Người ta bảo nó là con một cán bộ quân sự lớn, cũng là một vị tướng. Sau đó, tôi cũng vậy, tôi bắt đầu có mấy mụn rộp dưới cánh tay, khi chúng vỡ ra, rất đau đến nỗi tôi khóc. Igor Koroliov đã ôm tôi trong một cái tủ hốc tường. Chúng tôi học lớp sáu. Rồi tôi lành, tôi đã thoát ra được. Thêm một lần nữa… (Giọng bà vỡ ra. Bà gần như thét lên.) Bà nghĩ rằng ngày nay có ai quan tâm đến chuyện đó. Ai, nào? Cho tôi biết là ai? Đã từ lâu chẳng còn ai quan tâm đến chuyện đó, người ta cóc cần. Đất nước chúng ta không còn tồn tại và sẽ không bao giờ còn tồn tại, nhưng chúng tôi, chúng tôi vẫn mãi ở đó… Già cỗi, gớm ghiếc… Với những ký ức kinh tởm và những đôi mắt của những con thú bị săn đuổi của chúng tôi… Chúng tôi tồn tại! Còn lại chút gì của quá khứ chúng ta? Đúng là Stalin đã tưới máu đất này, là Khroutchev đã trồng ngô trên đó, và mọi người đã chế nhạo Brejnev. Còn những người anh hùng của chúng ta? Bây giờ trong các báo người ta nói rằng Zoïa Kosmodemianskaïa[6] bị chứng tâm thần phân lập do bệnh viêm màng não co thắt hồi bé, và rằng đấy là một cơn xung động đốt nhà. Một người bệnh tâm thần. Rằng Alexandre Matrossov đã lao mình vào trước mũi súng liên thanh của kẻ thù không phải để cứu các đồng chí của anh, mà do say rượu. Và Pavel Kortchaguine[7] không còn là một người anh hùng… Đấy là những ôn binh xô viết! (Bà hơi bình tĩnh lại.) Tôi, tôi vẫn tiếp tục mơ về trại. Hôm nay nữa, tôi vẫn không thể nhìn thấy một con chó béc giê Đức mà không run. Tôi sợ những người mặc quân phục… (Nói trong nước mắt.) Tôi không thể chịu được nữa… Tôi đã mở hơi đốt, tôi đã mở bốn vòi. Tôi đóng các lá cửa con, tôi kéo màn lại. Tôi chẳng còn có gì… có gì khiến tôi sợ chết… (Bà im lặng.) Khi người ta còn có một cái gì đó níu giữ mình lại… Như mùi một đứa trẻ, chẳng hạn… Tôi thậm chí không có cây dưới các cửa sổ của tôi, chỉ có các mái nhà… (Bà im lặng.) Tôi đã đặt một bó hoa trên bàn, tôi mở đài… Tôi thấy tôi ở dưới đất, tôi nằm trên mặt đất… và vẫn nghĩ đến một cái trại… Tôi vượt qua cửa, một cái cửa bằng sắt, và nó rít lên khi đóng lại sau lưng tôi. Tôi tự do, người ta đã thả tôi. Tôi bước đi tự nhủ đi nhủ lại không được nhìn lại phía sau. Tôi sợ đến chết có ai đó chạy theo tôi và bắt tôi trở lại. Phải trở lại nơi đó. Được mấy bước, tôi thấy một cây bạch dương bên đường. Một cây bạch dương bình thường… Tôi chạy đến nó, tôi ôm chặt nó trong hai tay tôi. Năm đầu tiên, mọi thứ đều làm tôi hạnh phúc đến thế! (Bà im lặng hồi lâu.) Một người láng giềng nghe mùi hơi đốt… Cảnh sát đã phá cửa… Tôi tỉnh lại ở bệnh viện, và ý nghĩ đầu tiên của tôi là: “Tôi đang ở đâu”. Trại giam? Cứ như là tôi không bao giờ có một cuộc đời khác, cứ như tôi không hề biết có cái khác. Trước tiên là các tiếng động trở lại và sau đó, tôi cảm thấy đau… Tất cả đều làm tôi đau: một chút cử động, thở, động bàn tay, mở mắt. Thế giới, là cơ thể tôi. Rồi, thế giới ấy lớn lên, nó được kéo giãn lên cao; tôi thấy một nữ y tá mặc bờ lu trắng, trần nhà trắng… Rất lâu tôi mới trở lại được. Bên cạnh tôi có một cô gái trẻ đang hấp hối, mấy ngày cô mới chết, người cô đầy những ống, cô có một ống ở trong miệng, cô thậm chí không thể kêu lên. Người ta đã không cứu được cô, tôi không biết vì sao. Tôi nhìn những cái ống ấy, và tôi hình dung chi tiết tất cả… Thế đấy, tôi nằm ở đấy… Tôi chết… Nhưng tôi không biết là tôi đã chết và tôi không tồn tại nữa. Tôi đã đi sang bên kia… (Bà ngừng lời.) Bà đã chán chưa? Không chứ? Cứ nói với tôi đi. Tôi có thể im lặng…

Mẹ… Mẹ đã đến tìm tôi khi tôi học lớp năm. Bà đã ở trong một trại mười hai năm, chúng tôi sống chung ba năm, và người ta đã chia cách chúng tôi chín năm. Bà bị đưa đi an trí, và bà được phép mang tôi theo. Đấy là một buổi sáng… Tôi đi trong sân thì có ai đó gọi tôi: “Ania! Anietchka!”. Không có ai gọi tôi như thế, người ta không bao giờ gọi chúng tôi bằng tên tục. Tôi thấy một người đàn bà tóc đen, và tôi hét lên: “Mẹ!”. Bà siết tôi vào hai tay bà, và cả bà cũng hét lên: “Cứ tưởng như là cha con!”. Khi tôi còn nhỏ, tôi rất giống cha tôi. Hạnh phúc bao nhiêu! Bao nhiêu xúc động! Bao nhiêu niềm vui! Trong mấy ngày, đầu óc cứ quay cuồng lên, không bao giờ tôi còn cảm thấy được một hạnh phúc như thế! Bao nhiêu cảm xúc ấy… Nhưng rồi rất nhanh… Rất nhanh, rõ ra là chúng tôi chẳng hề hiểu nhau. Chúng tôi xa lạ với nhau. Tôi muốn nhanh chóng được vào đoàn thanh niên Cônsômôn để đấu tranh chống những kẻ thù vô hình đang muốn phá hủy cuộc sống tuyệt vời đến thế của chúng ta. Mẹ nhìn tôi mà khóc… Bà không nói gì cả. Lúc nào bà cũng sợ. Ở Karaganda người ta phát cho chúng tôi giấy tờ và gửi chúng tôi đến an trí ở thành phố Biélovo. Rất xa, quá cả Omsk rất xa. Tận cùng Sibérie… Chúng tôi mất một tháng mới đến nơi. Những cuộc đi tàu lửa, chờ, chuyển đường. Trên đường đi, chúng tôi trình diện với NKVD, và người ta đưa chúng tôi đi xa hơn nữa: cấm cư trú ở những vùng biên giới, gần những cơ sở quân sự, gần các thành phố lớn. Có cả một danh sách dài những nơi bị cấm. Cho tới hôm nay, tôi vẫn không thể chịu được khi nhìn thấy ánh sáng ở các cửa sổ, buổi tối. Đêm, người ta đuổi chúng tôi khỏi các nhà ga và chúng tôi đi trên các đường phố. Những cơn lốc thốc tuyết, một cái lạnh tê người. Trong các nhà người ta thắp đèn, có những con người được sưởi ấm, người ta uống trà. Phải đập cửa thôi… Đấy là chuyện kinh khủng nhất… Không ai muốn cho chúng tôi trú qua đêm. Mẹ tôi bảo: “Chúng ta bốc mùi trại giam” (Bà khóc mà thậm chí không biết.) Ở Biélovo, chúng tôi ở nhà dân, trong một cái hầm đào ngầm dưới mặt đất. Sau đó chúng tôi lại ở trong một hầm khác, nhưng lần này, là chúng tôi ở nhà của chúng tôi. Tôi mắc bệnh lao, tôi yếu đến nỗi không đứng được trên hai chân mình, tôi có những cơn ho khủng khiếp. Tháng Chín… Là mùa tựu trường, nhưng tôi không thể bước đi. Tôi nằm nhà thương. Tôi nhớ ở nhà thương, lúc nào cũng có một ai đó chết. Sonia, Vania, Slavik… Những người chết không làm tôi sợ, nhưng tôi không muốn chết. Tôi thêu rất giỏi, tôi cũng vẽ, mọi người đều khen tôi: “Cháu thật có khiếu, cháu phải tiếp tục đi…”. Và tôi tự nhủ: “Vậy thì tại sao tôi phải chết?”. Và tôi khỏi bệnh, tôi không biết do phép lạ nào… Một hôm tôi mở mắt, và tôi thấy một cành anh đào dại trên chiếc tủ đầu giường của tôi. Tôi không biết ai đã mang nó đến, nhưng tôi hiểu rằng tôi sẽ sống… Tôi về nhà, trong cái hầm dưới mặt đất của chúng tôi. Trong thời gian đó, mẹ tôi lại bị một cơn đột quỵ nữa. Tôi không nhận ra mẹ… Tôi thấy một người đàn bà già. Ngay ngày hôm đó người ta đưa bà vào bệnh viện. Ở nhà chẳng có gì ăn, nhưng tôi không dám nói với ai… Khi người ta tìm thấy tôi nằm dưới đất, tôi chỉ còn thở thoi thóp. Ai đó đã mang đến cho tôi một cốc sữa dê ấm… Suốt đời tôi, suốt đời tôi, tôi chỉ còn cách cái chết hai ngón tay, và tôi đã sống sót (Bà lại quay về phía cửa sổ.) Khi tôi đã lấy lại được chút sức lực, Hội Chữ thập đỏ đã mua cho tôi một cái vé và đặt tôi lên một chuyến tàu… Họ cho tôi về quê tôi, ở Smolensk. Ở trại mồ côi. Tôi đã trở về nhà tôi (Bà khóc.) Tôi không biết vì sao tôi khóc. Tôi đã biết nó rồi, cuộc đời tôi… Tôi biết rõ nó mà…

Mười sáu tuổi, tôi bắt đầu có những người bạn, những người theo đuổi tôi… (Bà cười.) Có những cậu đẹp trai tán tỉnh tôi. Những người đã trưởng thành. Nhưng tôi có một điều gì đó rất kỳ: hễ tôi khiến một ai đó thích tôi, là tôi hoảng sợ. Tôi lo sợ khi thấy mình được để ý, được chú trọng. Không thể nào tán tỉnh tôi, bao giờ tôi cũng dắt theo một bạn gái đến các cuộc hẹn hò. Nếu người ta mời tôi đi xem phim, tôi đến rạp với một ai đó. Trong cuộc hẹn hò đầu tiên với người chồng tương lai của tôi, tôi đi cùng hai bạn gái. Về sau, nhiều lần anh ấy nhắc lại chuyện đó…

Ngày Stalin chết… Người ta bắt cả trại mồ côi sắp hàng và người ta hạ cờ đỏ xuống. Chúng tôi đứng nghiêm suốt thời gian tang lễ kéo dài sáu hay tám tiếng… Một số bị ngất. Tôi khóc… Tôi biết sống không có mẹ. Nhưng không có Stalin?… Tôi không biết vì sao, tôi sợ sẽ có chiến tranh… (Bà khóc.) Sau bốn năm, khi tôi đã học kiến trúc, mẹ từ nơi an trí trở về. Không phải về mãi. Bà đến với một chiếc va li nhỏ bằng gỗ đựng một cái cà mèn thiếc (tôi vẫn còn giữ ở đâu đó, tôi không thể ném nó đi), hai cái thìa bằng nhôm, và một đống bít tất thủng. “Con không phải là một người nội trợ giỏi”, bà bảo tôi. “Con không biết vá”. Tôi biết vá, nhưng tôi hiểu những cái lỗ ấy không thể vá. Không thợ may nào trên thế giới làm được… Tôi có một học bổng mười tám rúp, và mẹ có lương hưu mười bốn rúp. Đối với chúng tôi, thế là thiên đường: bánh mì tha hồ, và chúng tôi còn tiền mua chè. Tôi có một bộ quần áo thể thao và một chiếc váy hoa cà do tôi tự may lấy. Mùa đông và mùa thu, tôi đến trường trong bộ đồ thể thao. Và tôi thấy… Tôi cảm thấy chúng tôi đã có đủ những gì chúng tôi cần. Khi tôi đến một nhà bình thường, của những người bình thường, tôi choáng: có lắm thứ thế để làm gì nhỉ? Bao nhiêu là thìa, nĩa, cốc. Tôi kinh hãi vì những thứ đơn giản nhất… Chẳng hạn, tại sao lại có đến hai đôi giày? Cả tới hôm nay, tôi thờ ơ với chuyện quần áo và vật dụng trong đời sống hằng ngày. Hôm qua, cô con dâu của tôi gọi cho tôi bảo nó tìm một cái lò nấu màu hạt dẻ. Nó đang làm lại nhà bếp của nó toàn màu hạt dẻ – và đồ gỗ, rèm, chén bát. Như trong một cửa hiệu ngoại quốc. Và nó nói hàng giờ trên điện thoại. Nhà nó đầy những quảng cáo và báo, nó đọc tất cả các mục rao vặt. Con muốn cái này! Cả cái kia nữa! Ngày trước, tất cả các nhà đều bày biện giản dị, nói chung người ta sống giản dị. Còn bây giờ? Con người đã trở thành một cái bụng… Một cái dạ dày. Tôi-muốn-tôi-muốn-tôi-muốn!… (Bà khoát một cử chỉ bất lực.) Tôi ít đến nhà con trai tôi. Ở nhà chúng nó, mọi thứ đều mới và sang trọng. Như trong một văn phòng. (Bà im lặng.) Chúng tôi xa lạ với nhau. Những người thân xa lạ… (Bà im lặng.) Tôi thích có những ký ức về mẹ hồi còn trẻ. Nhưng tôi không có… Tôi chỉ nhớ mẹ ốm. Mẹ con tôi chưa hề bao giờ hôn nhau, chưa bao giờ trao cho nhau những cái hôn, những lời âu yếm… Các bà mẹ của chúng tôi đã mất chúng tôi hai lần: lần thứ nhất khi người ta bứt chúng tôi còn bé khỏi tay mẹ, lần thứ hai khi mẹ tìm lại được chúng tôi đã trưởng thành. Chúng tôi là những kẻ xa lạ đối với các bà, người ta đã đổi khác con của các bà… Chúng đã được nuôi dưỡng bởi một bà mẹ khác. “Mẹ của các cháu, là Tổ quốc! – Bố của cháu đâu, cháu bé? – Ông ấy luôn ở tù. – Còn mẹ cháu? – Mẹ cháu đã ở tù rồi.” Chúng tôi chỉ hình dung bố mẹ chúng tôi ở trong tù. Đâu đó, rất xa… Không bao giờ gần chúng tôi. Có một lúc tôi đã muốn trốn khỏi mẹ tôi để trở lại trại mồ côi. Bà muốn gì… Họ không đọc báo và không đi dự các cuộc biểu tình, họ không nghe đài. Họ không thích những bài hát làm bừng cháy trái tim tôi. (Bà hát.) “Kẻ thù không bao giờ làm ta cúi đầu, Moskva, tình yêu của tôi, niềm say mê của tôi…”. Tôi, đường phố lôi cuốn tôi. Tôi yêu những cuộc diễu binh, tôi yêu những cuộc trình diễn thể thao lớn. Tôi vẫn còn nhớ niềm hứng khởi đó! Ta nhịp bước cùng mọi người, ta là một bộ phận của một cái gì đó lớn lao, mênh mông… Ở đấy, tôi hạnh phúc. Nhưng với mẹ thì không. Và cái đó, tôi sẽ mãi mãi không thể tìm bắt lại được. Mẹ mất rất nhanh, tôi chỉ âu yếm bà và ôm hôn bà có một lần. Khi nhìn thấy mẹ trong quan tài, tôi bỗng nghe thức dậy trong mình biết bao trìu mến, và tình yêu! Bà nằm đấy, với đôi bốt dạ cũ của bà… Bà không có giày, cũng không có dép mềm, và tôi không thể đi cho bà giày dép của tôi, chân bà phù lên quá to. Tôi đã nói bao nhiêu lời trìu mến với bà, bao nhiêu thổ lộ cùng bà…Tôi cảm thấy bà vẫn còn đó… Tôi tin điều đó!

(Bà đi vào bếp, rồi gọi tôi: “Bữa ăn đã dọn. Tôi luôn cứ phải ăn một mình, ít ra một lần tôi muốn ăn với một ai đó”.)

Không bao giờ nên quay về quá khứ… Mà tôi thì cứ trở lại đó thường xuyên. Tôi muốn quá… Suốt năm mươi năm. Tôi trở về đó suốt năm mươi năm… Ngày thì trong suy tưởng, đêm thì trong giấc mơ.

Tôi thường mơ nhất là về mùa đông… Khi trời giá đến không thấy một con chó, một con chim. Không khí giòn như thủy tinh, và khói từ các ống khói dựng thẳng lên trời như một cái cột. Hay, vào cuối mùa hè, cỏ không mọc nữa, phủ một lớp bụi nặng. Và cuối cùng, tôi… tôi đã quyết định đi về đó. Đang cải tổ, Gorbachev, các cuộc mít tinh… Biểu tình ở ngoài đường, mọi người đều rất bằng lòng. Có thể viết những gì mình muốn, hét lên những gì mình muốn. T-ự d-o! Không quan trọng gì tương lai nào chờ chúng ta, quá khứ, phần nó, đã đi qua. Người ta chờ một điều gì đó khác… Trong không khí có sự sốt ruột… Và cả nỗi sợ. Đã lâu, tôi sợ mở đài phát thanh buổi sáng: nếu người ta đã chấm dứt mọi sự? Tôi không thể tin. Họ sẽ ào đến trong đêm, họ lôi mọi người đến sân vận động. Như đã diễn ra ở Chilê… Chỉ một sân vận động đã đủ cho tất cả bọn “láu cá bé con” rồi, nhưng đứa khác tự chúng sẽ câm mồm. Nhưng không có ai đến… không có ai lùa chúng tôi đi… Các báo bắt đầu đăng ký ức của những người tù Goulag. Với những bức ảnh của họ. Những đôi mắt ấy! Những đôi mắt của những con người đó! Cứ như họ nhìn chúng ta từ thế giới bên kia. (Bà im lặng.) Và tôi quyết định rằng tôi muốn… rằng tôi phải đi đến nơi đó. Để làm gì? Tôi không hề biết. Nhưng phải đi… Tôi đã xin nghỉ. Một tuần qua, hai tuần… Tôi không quyết định được. Tôi tìm ra đủ lý do: đến chỗ nha sĩ, sơn lại cái bậu cửa sổ ở hiên. Những chuyện vớ vẩn… Và một buổi sáng… Tôi đang sơn bậu cửa sổ và tôi tự nhủ “Ngày mai, tôi đi Karaganda.” Chấm hết. Là gì vậy, Karaganda? Một thảo nguyên trống rỗng và trơ trụi kéo dài hàng trăm cây số, toàn bộ bị thiêu cháy về mùa hè. Dưới thời Stalin, người ta đã xây hàng chục trại giam trên thảo nguyên đó: Steplag, Karlag, Aljir… Pestchanlag… Người ta đã đưa đến đó hàng trăm nghìn zek[8]. Những người nô lệ xô viết. Khi Stalin chết, người ta đã phá các lán, gỡ dây thép gai, và nơi đây đã trở thành một thành phố. Thành phố Karaganda… Là thế đó, nơi tôi đi đến… Một chuyến đi dài. Trên tàu, tôi làm quen với một phụ nữ, một nữ giáo viên đến từ Ukrain. Bà đi tìm mộ bố, đây là lần thứ hai bà đi Karaganda. “Bà đừng lấy làm phiền, bà bảo tôi. Ở trên ấy, họ đã quen thấy đổ đến từ khắp thế giới những con người kỳ quặc nói chuyện với đá.” Bà có một bức thư, bức thư duy nhất bà nhận được từ trại giam “… dẫu sao không có gì trên thế giới đẹp hơn lá cờ đỏ của chúng ta…”. Bức thư kết thúc như vậy. Bằng những từ đó. (Bà trở nên tư lự.) Người phụ nữ đó… Bà kể cho tôi bố bà đã đã ký những lời thú tội của ông như thế nào và ông nhận ông là một gián điệp Ba Lan. Viên dự thẩm đã lật ngược một cái ghế đẩu, y cắm một cái đinh vào một trong các chân ghế, và bắt bố bà ngồi lên đó và quay ông trên cái trục ấy. Y đã có được lời thú tội như thế đó. “Đồng ý, tôi đúng là một tên gián điệp…”. Viên dự thẩm muốn biết là gián điệp cho ai. Bố bà đã hỏi thế thông thường thì người ta làm gián điệp cho ai. Người ta cho ông chọn giữa Đức và Ba Lan. Ông đã chọn Ba Lan… Ông biết bốn từ Ba Lan: dziękuję bardzowszystko jedno[9]. Bốn từ. Tôi… Tôi, tôi không biết chút gì về bố tôi. Một lần, mẹ tôi có lỡ miệng nói rằng ông đã bị điên vì tra tấn… Hình như ông cứ hát suốt… Có một người đàn ông trẻ cùng toa với chúng tôi. Chúng tôi đã khóc, khóc suốt đêm. Sáng ra người đàn ông trẻ nhìn chúng tôi và nói: “Thật tàn bạo, các câu chuyện của các bà! Cứ như trong một phim kinh dị!”. Anh ta mười tám hay hai mươi tuổi. Lạy Chúa! Tất cả những gì chúng tôi đã trải qua… Và chúng tôi không thể kể những cái đó với ai hết. Chỉ đúng giữa chúng tôi thôi.

Khi chúng tôi đến Karaganda, ai đó nói đùa: “Tất cả ra ngoài! Mang theo đồ đạc!”[10] Một số người cười, những người khác khóc… Ở ga… Những từ đầu tiên tôi nghe; là: “Đĩ rạc… Điếm… Đồ đểu…”. Ngôn ngữ quen thuộc của các trại. Các từ lập tức trở lại với tôi. Tức khắc. Tôi rùng mình. Tôi không khống chế được những cơn run bên trong. Có gì đó cứ run lên bên trong tôi những ngày tôi ở đó. Tôi không nhận ra được thành phố, tất nhiên, nhưng vừa ra khỏi những khối nhà cuối cùng, thì bắt đầu một cảnh quan quen thuộc. Tôi đã tìm thấy lại tất cả… Vẫn là vùng stipa khô cằn ấy,… bụi trắng ấy… Và một con diều hâu, rất cao trên nền trời… Các làng đều có những tên quen thuộc… Volny, Sangorodok… Đấy đều là những trại xưa. Tôi tưởng tôi đã quên, nhưng hóa ra tôi nhớ hết. Trong xe buýt, một cụ già ngồi cạnh tôi, cụ biết tôi không phải người ở đây. “Cô tìm ai? – Ơ… Có đúng đã có một trại ở chỗ này? – Cô muốn nói các lán? Người ta đã phá các lán cuối cùng cách đây hai năm. Gạch đem làm các kho chứa dụng cụ, các nhà tắm. Đất đã được bán để xây nhà nghỉ. Dây thép gai dùng ngăn vườn. Con trai tôi có một khu đất ở đây. Mà, cô biết không, chẳng dễ chịu lắm đâu… Mùa xuân, tuyết tan và mưa xuống, xương trồi lên chen với khoai tây. Chẳng ai khó chịu vì chuyện đó, người ta quen rồi. Ở đây, xương ấy à, cứ như sỏi, khắp nơi… Người ta ném chúng dọc các đám đất, người ta bước lên trên. Người ta giẫm lên. Người ta quen! Vừa đào xuống, cứ là lúc nhúc…”. Tôi đứt hơi, tôi tưởng tôi sắp ngất đi. Cụ già quay về phía cửa sổ: Kia, ngoài kia, đằng sau cái cửa hàng này, người ta đã lấp một nghĩa trang. Và ngoài kia nữa, đằng sau các nhà tắm.” Tôi không còn thở được. Tôi đã chờ đợi những gì? Được thấy những kim tự tháp? Những đài tưởng niệm? Dãy một đã trở thành chẳng biết là cái gì… Dãy hai cũng thế… Tôi nhìn qua cửa xe, nhưng tôi không trông thấy gì hết, nước mắt khiến tôi mù. Ở chỗ dừng xe buýt người ta bán dưa chuột, cà chua… từng xô đầy nhục quế. “Cây nhà lá vườn của tôi đây! Tôi hái ngay vườn nhà!” Lạy Chúa… Tôi phải nói rằng… Tôi không còn thở được, một cách vật chất. Có một điều gì đó diễn ra trong tôi, da tôi khô khốc, và móng tay tôi trở nên giòn. Một điều gì đó đã xảy ra trong cơ thể tôi. Tôi muốn nằm ra đất và cứ ở đó, không động đậy. Không bao giờ trở dậy nữa. Thảo nguyên… Cũng giống như biển… Tôi bước đi, tôi bước đi hàng giờ và cuối cùng tôi đổ sụp xuống bên cạnh một cây thập tự nhỏ bằng sắt chôn sâu vào đất. Tôi hét lên. Tôi bị một cơn động kinh. Không có ai ở quanh đó… Chỉ có những con chim. (Dừng một lúc ngắn) Tôi ở một khách sạn. Buổi tối, ở nhà ăn, ầm ĩ như địa ngục… Tôi đã ăn tối ở đấy một lần… Ở bàn ăn của tôi, hai người đàn ông bắt đầu tranh cãi, họ hét đến vỡ tiếng. Người thứ nhất nói: “Tôi luôn luôn là cộng sản. Phải xây dựng chủ nghĩa xã hội! Không có Magnitka và Vorkouta[11], thì ai đánh gãy cổ Hitler?”. Người thứ hai: “Tôi, tôi đã thảo luận với các người già ở đây, tất cả bọn họ đã làm việc hay phục vụ, tôi không biết nói thế nào, phục vụ trong các trại… Nấu bếp, canh gác, hay trong các đội đặc biệt… Ở đây không có công việc gì khác, và cái sự đó nuôi sống khá con người ta: có lương bổng, có các khẩu phần và có trang thiết bị. Trại giam, đối với họ, là một công việc! Họ là những viên chức. Và anh vừa nói với tôi về tội ác! Về tâm hồn và về tội lỗi. Những người bị giam, là nhân dân. Và những người tống họ vào trại giam và canh gác họ, cũng là nhân dân, không phải những bọn chiếm đóng hay người ở đâu tới, không. Cũng nhân dân ấy cả. Nhân dân của chúng ta. Bây giờ, mọi người đều mặc một bộ áo tù nhân. Tất cả bọn họ đều là nạn nhân. Thủ phạm duy nhất, là Stalin. Những, hãy suy nghĩ lại một chút… Chỉ là một vấn đề toán học đơn giản. Hàng triệu những zek ấy, phải vây đuổi họ, bắt họ, tra hỏi họ, vận chuyển họ, bắn bỏ họ nếu họ rời khỏi hàng. Phải có người làm những việc đó chứ! Người ta đã tìm được những người đó, hàng triệu người thực thi…”. Người phục vụ mang đến cho họ một chai, một chai nữa… Còn tôi, tôi nghe họ. Họ uống nhiều, nhưng họ không say. Tôi như tê liệt, tôi không thể bỏ đi… Người thứ nhất: “Người ta kể với tôi về đêm, khi các lán đã trống không và đóng kín, người ta nghe những tiếng kêu thét và những tiếng rên rỉ từ trong ấy…”. Người thứ hai: “Nói mê đấy thôi! Có cả một huyền thoại đang được sinh ra… Bi kịch của chúng ta, là ở ta, nạn nhân và đao phủ là cùng những con người ấy.” Và nữa: “Stalin đã tìm thấy nước Nga với một cái cày, và ông đã để lại nước Nga với bom nguyên tử…”. Tôi đã không chợp mắt ba ngày ba đêm. Tôi đã bước đi, bước đi trên thảo nguyên suốt ngày, cho đến tối, cho đến những ánh đèn đầu tiên.

Một lần, tôi được một một người đàn ông cho đi nhờ xe, ông khoảng năm mươi hay có thể hơn, ông đã uống rượu và rất lắm lời. “Bà đi tìm mộ phải không? Tôi hiểu, ta sống trong một cái nghĩa trang, có thể nói thế! Nhưng chúng ta, chúng ta không thích nghĩ quá nhiều đến quá khứ. Kiêng! Những người già đã chết, đấy là bố mẹ chúng ta, và những người còn sống thì im lặng. Họ đã tiếp nhận một nền giáo dục kiểu Stalin, bà biết đấy. Gorbachev, Elsine… Cái đó, là hôm nay. Nhưng ai biết ngày mai sẽ có những gì? Sự thể rồi sẽ ra sao…”. Dần dần tôi biết rằng bố ông là một sĩ quan “có cỡ”. Dười thời Khroutchev, ông đã muốn đi khỏi nơi đây, nhưng người ta không cho phép. Mọi người đều phải cam kết bằng văn bản viết không tiết lộ các bí mật Quốc gia, những người đã ở tù cũng như những người đã tống người khác vào tù và canh giữ họ. Không thể cho phép ai được đi hết, tất cả họ đều đã biết quá nhiều chuyện. Ông còn nghe nói người ta không cho những người đã áp tải các đoàn tù đến đây được trở về. Ừ, quả đúng thế, ở đây, họ thoát khỏi chiến tranh, nhưng chiến tranh, người ta có thể trở về, còn ở đây, thì không bao giờ… Khu vực, hệ thống, vùi lấp họ mãi mãi. Những kẻ duy nhất có thể rời khỏi cái chốn đáng nguyền rủa này sau khi đã thi hành xong án là những tên vô lại, những tên giết người. Những tên cướp. Tất cả những người khác sau đó sống chung, đôi khi trong cùng một ngôi nhà, cùng một khối nhà. Họ không ngừng lặp lại: “A, ta thề với ngươi, cuộc sống không phải là cái bánh phủ kem!”. Ông đã gợi lại những ký ức tuổi thơ… Những cựu tù nhân đã cùng mưu tính để cắt cổ một người cai tù cũ từng tàn bạo như dã thú như thế nào. Khi say, họ tổ chức những cuộc đánh nhau chính quy thật sự. Bố ông uống như hũ chìm, ông ấy rên rỉ: “Đ.m…! Cả cuộc đời ta, họ đã bắt ta câm mồm! Ta chỉ là hạt cát…”. Đang là đêm. Hai chúng tôi chạỵ trên thảo nguyên, tôi, con gái một nạn nhân và ông, con trai một… Gọi cái đó thế nào? Một đao phủ? Một đao phủ nhỏ… Những đao phủ lớn không thể thiếu những tên nhỏ. Cần nhiều đao phủ nhỏ để làm cái công việc bẩn thỉu. Và thế đấy. Chúng tôi đã gặp nhau, và chúng tôi đã nói về những gì? Khi chúng tôi không biết chút gì về bố mẹ chúng tôi, họ đã nín câm cho đến chết. Họ đã mang bí mật của họ theo họ. Nhưng hẳn là tôi gây một ấn tượng nào đó đối với người đàn ông ấy, tôi đã khuấy lên một điều gì đó trong ông. Ông đã kể với tôi rằng bố ông không bao giờ ăn cá bởi vì cá có thể ăn thịt người. Khi người ta ném một con người hoàn toàn trần truồng xuống biển, sau vài tháng, chỉ còn những khúc xương rất sạch. Rất trắng. Làm sao ông ấy biết chuyện đó? Khi ông tỉnh, ông không nói, nhưng khi ông uống, ông thề có trời cao đất dày rằng ông chỉ làm việc bàn giấy. Rằng bàn tay ông sạch… Không một vết máu… Con trai muốn tin ông. Nhưng vậy thì, tại sao ông không ăn cá? Nó khiến ông buồn nôn… Sau khi bố ông chết, ông đã tìm thấy những giấy tờ chứng minh ông ấy đã làm việc nhiều năm ở gần biển Okhotsk. Ở đấy nữa, cũng có những trại giam… (Bà lặng im.) Ông tài xế của tôi đã nhậu, nó khiến ông không giữ lời… Rồi ông nhìn tôi, ông nhìn tôi kỹ đến mức ông tỉnh rượu, và ông sợ. Tôi biết rằng ông sợ. Đột nhiên, ông trở nên gây gổ, ông đã hét lên một điều gì đó: “Thôi, đủ rồi! Đừng có đào xác chết lên nữa!”. Và tôi hiểu… Những đứa con, không ai bắt chúng phải ký giấy tờ, nhưng tự chúng hiểu phải nín lặng. Khi chia tay, ông chìa bàn tay của ông ra cho tôi. Tôi không nắm lấy… (Bà òa khóc.) Tôi đã tìm, tôi đã tìm cho đến ngày cuối… Và ngày cuối ai đó đã nói với tôi: “Đi thăm bà già Katérina Demtchouk đi. Bà ấy sắp chin mươi tuổi rồi, nhưng vẫn còn nhớ mọi chuyện đấy”. Người ta đã đưa tôi đến nhà bà. Một ngôi nhà gạch, với một hàng giậu lớn. Tôi gõ cửa. Bà ra. Một bà cụ rất già, gần như mù. “Người ta bảo tôi bà có làm việc ở trại mồ côi? – Vâng, tôi đã là giáo viên. – Chúng tôi không có giáo viên, chỉ có những nữ chỉ huy.” Bà không trả lời. Bà đi ra và bắt đầu tưới vườn rau bằng một ống tưới. Tôi ở lại đó… Tôi không đi… Bà bèn đưa tôi vào nhà, bất đắc dĩ. Có một cây thập tự ở lối vào và một tượng thánh ở một góc nhà. Tôi nhớ giọng bà… Không phải khuôn mặt, mà giọng nói… “Mẹ mày là một kẻ thù. Người ta có quyền cho mày ăn đòn, thậm chí giết mày!”. Tôi đã nhận ra bà… Hay là tôi muốn nhận ra bà? Tôi đã có thể không đặt câu hỏi với bà, nhưng tôi đã làm: “Có thể bà nhớ tôi? – Không, không… Tôi không nhớ ai hết… Các cô còn nhỏ, các cô không lớn lên. Và chúng tôi, chúng tôi nhận được những chỉ thị.” Bà đã pha trà, bà dọn bánh quy giòn. Tôi đã nghe bà than thở: con trai bà nghiện rượu, các cháu bà cũng nhậu. Chồng bà chết đã lâu, bà có một món lương hưu nhỏ nhoi. Bà bị đau lưng. Già thì chẳng hay ho gì. Và tôi tự nhủ: thế đấy, chúng tôi lại gặp nhau sau năm mươi năm… Tôi tưởng tượng là chính bà… Và tôi hình dung ra cảnh ấy… Chúng tôi đang đối diện với nhau. Rồi sao đây? Tôi cũng vậy, tôi đã mất chồng, lương hưu của tôi cũng ít ỏi, tôi cũng đau lưng… Chúng tôi đều già, và đấy là tất cả. (Bà im lặng hồi lâu.)

Hôm sau tôi ra đi… Còn lại những gì cho tôi? Rối loạn và hận thù… Tôi không biết nhằm vào ai? Và tôi tiếp tục mơ về thảo nguyên, khi vùi dưới băng tuyết, khi phủ đầy hoa mào gà đỏ. Nơi từng là các lán, nay có một quán cà phê, xa ngoài kia là các nhà nghỉ nông thôn. Những con bò gặm cỏ. Lẽ ra tôi đã không nên trở lại nơi này. Không! Biết bao nhiêu nước mắt đắng cay, bao nhiêu đau khổ… Để làm gì? Tất cả những cái đó đã từng có để làm gì? Hai mươi hay năm mươi năm nữa, rồi tất cả sẽ bị dẫm đạp lên, nghiền thành bụi, cứ như chúng tôi không hề tồn tại. Còn lại hai dòng trên một trang sách giáo khoa. Một đoạn. Mốt Soljénitsine, lịch sử theo cách nhìn của ông, đang đi qua. Ngày trước người ta đi tù vì Quần đảo Goulag[12]. Người ta đọc lén, người ta đánh máy, người ta chép tay. Tôi đã tin… Tôi tin chắc nếu hàng nhiều nghìn người đã đọc nó, thì mọi thứ đã khác. Rằng sẽ đến thời của hối lỗi và nước mắt. Mà điều gì đã xảy ra? Người ta đã xuất bản tất cả những gì đã được viết bí mật, người ta đã nói to tất cả nhưng gì đã nghĩ thầm. Rồi sao? Những cuốn sách ấy đã phủ bụi ở các hiệu sách. Người ta không chú ý đến chúng nữa… Ngay cả con đường tôi ở ngày xưa cũng không còn. Đấy là đường Lénin. Bây giờ, mọi thứ đã khác: quần áo, con người, tiền. Những từ mới. Từng có những các đồng chí và, bây giờ, là các ngài, nhưng ở ta, khó mà quen được. Mọi người đều tìm những nguồn gốc quý tộc. Là mốt lớn! Những ông hoàng và những bá tước không biết chui ở đâu ra. Trong khi ngày trước, người ta tự hào vì thuộc gia đình nông dân hay công nhân. Mọi người đều làm dấu chữ thập và ăn chay. Người ta tranh cãi hết sức nghiêm túc xem chế độ quân chủ có thể cứu được nước Nga không. Người ta yêu Sa hoàng, cái ông Sa hoàng hồi năm 1917 là trò chế diễu của bất cứ cô nữ sinh nào. Đất nước này xa lạ với tôi. Hoàn toàn xa lạ! Ngày trước, khi bạn bè ngồi lại với nhau, người ta bàn về sách, về sân khấu… Bây giờ, người ta nói về những thứ mới mua được. Về giá hối đoái. Và người ta kể chuyện khôi hài. Chẳng nể gì tất, có thể cười tất cả. “Bố ơi, Stalin là ai thế? – Là sếp của chúng ta. – Con tưởng chỉ những người man dã mới có sếp chứ!”. Ở đài phát thanh Arménie, ai đó hỏi Stalin còn để lại những gì? Và đài trả lời: “Hai cái quần đùi, một đôi ủng, vài cái áo lính, có một cái rất oai, bốn rúp và bốn mươi cô pếch tiền Liên Xô. Và một đế chế khổng lồ.” Câu hỏi thứ hai: “Làm thế nào mà những người lính Nga có thể đến được Berlin?”. Trả lời: “Vì họ quá sợ nếu tháo lui”. Tôi đã ngưng đi thăm mọi người. Gần như tôi không còn ra đường. Ra đường thì thấy gì? Triều đại Mammom! Giá trị duy nhất còn lại là giá trị của cái ví tiền. Mà tôi, tôi nghèo.Tất cả chúng tôi đều nghèo, thế hệ chúng tôi. Những người xô viết cũ… Chúng tôi không có tài khoản ở ngân hàng cũng chẳng có bất động sản. Tất cả những gì tôi có đều là xô viết, những thứ đó không đáng giá một xu. Tư bản của chúng tôi là nỗi đau khổ của chúng tôi, những gì chúng tôi đã sống qua. Tôi có hai giấy chứng nhận, viết trên giấy vở học trò: “… phục hồi danh dự…” và “… phục hồi danh dự…”, “… do không cấu thành tội phạm…”. Cho bố và cho mẹ. Trước đây… trước đây, tôi tự hào về cậu con trai của tôi… Nó là phi công trong quân đội, nó đã tham gia chiến tranh ở Afganistan. Bây giờ nó là người bán hàng ở chợ. Một vị chỉ huy có hai huân chương. Ngày trước người ta gọi là đầu cơ, bây giờ là dịch vụ. Nó bán rượu vodka và thuốc lá ở Ba Lan, và nhập quần áo. Vải len thô! Hay nó bán hổ phách ở Ý, và nhập đồ ngũ kim: bồn vệ sinh, vòi nước, ống giác. Xì! Khi tôi nghĩ rằng trong gia đình không bao giờ có người làm nghề buôn bán! Chúng tôi khinh bỉ loại người đó. Có thể tôi là một tàn tích của homo sovieticus[13], nhưng còn hơn những thứ buôn gian bán lận thảm hại ấy…

… Bà biết không, tôi phải thú thật với bà trước đây, tôi thích mọi người hơn… Những con người đó, họ giống tôi… Tôi đã sống cái đất nước này với toàn bộ lịch sử của nó. Nhưng cái đất nước hôm nay, nó chẳng là gì đối với tôi cả, nó không phải là đất nước tôi. (Tôi thấy bà đã mệt. Tôi tắt máy ghi âm. Bà cho tôi số điện thoại của con trai bà.) Này, bà đã hỏi tôi… Con trai tôi sẽ kể cho bà phiên bản của nó… Câu chuyện của nó… Tôi biết giữa chúng tôi có một vực thẳm, cứ như bao nhiêu thế kỷ chia cách chúng tôi… (Trong nước mắt.) Bây giờ, bà để tôi nghỉ. Tôi muốn ngồi một mình.

Người con trai

Rất lâu, ông cấm tôi mở máy ghi âm. Rồi đột ngột, chính ông tự đề nghị: “Cái này, bà có thể ghi… Không phải chuyện gia đình nữa, những xung đột bố mẹ – con cái, mà là Lịch sử với một chữ L hoa. Đừng kể tên tôi. Tôi không sợ, nhưng cái đó khiến tôi khó chịu.”

… Bà đã biết tất cả… Nhưng có thể nói gì về cái chết? Chẳng nói được gì có ý nghĩa đâu. Đấy là một điều hoàn toàn không ai biết…

Cả hôm nay nữa, tôi vẫn rất thích các phim xô viết, chúng có một điều gì đó không tìm thấy trong các phim hôm nay. Và tôi rất yêu cái “một điều gì đó”, từ khi tôi còn rất bé. Nhưng tôi không xác định được đó là cái gì. Tôi say mê lịch sử và tôi đọc nhiều, thời đó mọi người đều đọc nhiều… Những cuốn sách về Tchéliouskine và Tchkalov… Về Gagarine và Koroliov[14]. Nhưng rất lâu tôi không hề biết chút gì về năm 1937[15]. Một hôm tôi hỏi mẹ ông nội tôi ở đâu. Bà đã ngất đi. Và bố tôi đã bảo tôi: “Đừng bao giờ đặt câu hỏi đó cho mẹ”. Tôi là một đoàn viên tháng mười nhỏ, một thiếu niên tiền phong[16]. Chẳng quan trọng gì chuyện tôi có tin tất cả những thứ ấy hay không. Có thể tôi tin. Rõ là tôi không bao giờ suy nghĩ về chuyện đó… Tôi đã là Cônsômôn. Những bài hát quanh một lửa trại: “Nếu bạn anh không còn là bạn anh nữa, nếu người ấy trở thành kẻ thù của anh…”. Và cứ thế (Ông đốt một điếu thuốc.) Ước mơ của tôi? Tôi muốn làm lính. Bay! Thật tuyệt vời, thật huy hoàng. Tất cả các cô gái đều mơ lấy một người lính. Nhà văn yêu thích của tôi là Kouprine[17]. Là sĩ quan! Với một bộ quân phục đẹp… Chết anh hùng… Những cuộc chơi giữa đàn ông, tình bạn. Thật hấp dẫn, chúng tôi nhìn cái đó với niềm hăng hái của tuổi trẻ. Và bố mẹ khuyến khích chúng tôi. Tôi được nuôi lớn bằng những cuốn sách xô viết… “Con người là vĩ đại hơn cả”, “Con người, hai tiếng ấy vang lên kiêu hãnh[18]!” Người ta nói với chúng tôi về một con người không tồn tại… Nó không có trong tự nhiên. Không, không bao giờ hiểu vì sao thời ấy lại lắm người lý tưởng chủ nghĩa như vậy. Bây giờ họ đã biến mất. Thế hệ Coca-Cola thì có thể có lý tưởng gì? Họ là những người thực dụng. Sau khi tốt nghiệp trường quân sự, tôi đã phục vụ ở Kamtchatka. Trên biên giới. Nơi chỉ có tuyết và núi. Điều duy nhất tôi luôn yêu trên đất nước tôi là tự nhiên. Phong cảnh… Cái đó thì được! Sau hai năm, người ta gửi tôi đến Viện Hàn lâm quân sự, và tôi đã ra trường hạng ưu. Lại lên sao. Một con đường công danh trước mắt tôi. Quyền được an táng với nghi lễ quân đội. (Giọng thách thức.) Còn bây giờ? Thay cảnh rồi… Vị đại tá quân đội đã trở thành con buôn. Tôi bán đồ ngũ kim Ý… nếu ai đó tiên đoán cho tôi như thế mươi năm trước, tôi sẽ chẳng thèm trả lời cái vị Notradamus ấy, tôi sẽ cười vào mũi anh ta! Tôi đã là một người Xô viết hoàn hảo: yêu tiền bạc, là xấu hổ, cái phải yêu, là các giấc mơ. (Ông đốt một điếu thuốc.). Có lắm điều người ta quên… Thật tiếc… Người ta quên vì người ta đi nhanh quá. Như trong một ống kính vạn hoa. Lúc đầu, tôi mê Gorbachev, rồi sau đó ông làm tôi thất vọng. Tôi đã đi biểu tình, và tôi đã hò hét với mọi người: “Eltsine, vâng! Gorbachev, không!”. Tôi hét: “Đả đảo điều 6[19]!”. Thậm chí tôi còn dán áp phích. Người ta chỉ làm mỗi chuyện nói và đọc, đọc và nói. Bố mẹ chúng tôi, phần họ, họ muốn nói tất cả và đọc tất cả. Họ mơ ước một chủ nghĩa xã hội nhân bản… có khuôn mặt người… Còn chúng tôi, những người trẻ? Chúng tôi cũng vậy, chúng tôi mơ tự do. Nhưng ý tưởng về tự do của chúng tôi thuần túy là lý thuyết. Chúng tôi muốn sống như ở phương Tây. Nghe nhạc, ăn vận như họ, đi du lịch khắp thế giới. “Chúng tôi muốn những thay đổi… Những thay đổi…” Victor Tsoï hát. Người ta không biết người ta đang cắm cổ phóng đến đâu. Mọi người đều mơ ước… Nhưng trong các cửa hàng thực phẩm, chỉ còn những liễn đựng đầy nhựa bạch dương và bắp su muối. Những bó lá cây thắng. Phiếu cung cấp để mua bột nhão, dầu ăn, mì hột… thuốc lá… Người ta có thể giết nhau ở chỗ sắp hàng mua vodka! Nhưng người ta xuất bản các nhà văn bị cấm, Platonov, Grossman… Người ta rút khỏi Afganistan. Tôi còn sống, và tôi nghĩ chúng ta đã chiến đấu ở bên đó, chúng tôi đã là những người anh hùng. Khi chúng tôi trở về trong đất nước của mình, chúng tôi không còn Tổ quốc. Thay vào đó, một đất nước mới không còn biết dùng chúng tôi làm gì. Quân đội tan rã, người ta chửi những người lính, coi họ là những kẻ sát nhân. Chúng tôi không còn là những người bảo vệ, chúng tôi trở thành sát nhân. Người ta đổ mọi thứ lên lưng chúng tôi: Afganistan, Vilnius, Bakou. Tất cả máu đã đổ xuống. Buổi tối, ở thành phố, tốt nhất là đừng ra đường, có nguy cơ bị đánh vỡ mặt. Người ta giận dữ vì người ta không có gì ăn, không có gì để đặt trên lưng. Không ai hiểu gì hết. Trong trung đoàn chúng tôi, máy bay không bay: không còn chất đốt. Các đội bay ở dưới mặt đất, đánh bài và nốc. Với một suất lương sĩ quan, có thể mua mười khoanh bánh mì. Một trong các bạn tôi đã tự bắn một phát vào đầu. Tôi, tôi có hai đứa con, một con chó và một con mèo… Làm sao để sống? Chúng tôi nuôi con chó bằng phô mai trắng thay vì thịt, còn chúng tôi, chúng tôi ăn mì hột suốt nhiều tuần… Tất cả những cái đó đã xóa nhòa trong ký ức… Vâng, phải ghi lại, khi còn có người nhớ chuyện ấy. Chúng tôi, những sĩ quan… Chúng tôi dỡ hàng ở các toa xe lửa, chúng tôi làm gác dan… Chúng tôi rải nhựa đường. Cùng tôi có những nhà khoa học, những bác sĩ, những nhà phẫu thuật. Và cả một nghệ sĩ dương cầm của dàn nhạc giao hưởng. Tôi đã học xây các lò sưởi bằng gốm và bọc sắt các cánh cửa… Và cứ thế. Sau đó người ta đã bắt đầu lao vào kinh doanh… Một số đi nhập khẩu máy tính, số khác gột rửa quần jean (Ông cười.) Hai người thỏa thuận: một người đi mua một bồn rượu vang, người kia đem bán lại. Giao ước đã ký. Và người thứ nhất đi tìm tiền, trong khi người kia tử hỏi anh ta có thể tìm ra cái bồn rượu vang ấy ở đâu… Có vẻ như một chuyện đùa, nhưng là thực tế. Tôi đã thấy những con người như vậy, họ mang giày bát két thủng và họ bán những chiếc trực thăng… (Dừng một lát.)

Nhưng chúng tôi đã sống sót… Chúng tôi đã thoát ra được! Và đất nước đã thoát ra được! Chúng ta biết gì về tâm hồn? Chỉ chính xác là nó tồn tại… Đối với tôi và các bạn tôi, sự thể khá tốt. Một người có một xí nghiệp xây dựng, người khác có một cửa hàng thực phẩm, anh ta bán phô mai, thịt, xúc xích. Người thứ ba bán đồ gỗ. Một số có vốn ở nước ngoài, những người khác có nhà ở Síp. Một người nguyên là nhà khoa học, người kia là cựu kỹ sư. Đấy là những người thông minh, có văn hóa. Trên các báo, người ta kể rằng những người Nga mới đeo dây chuyền vàng nặng mười ký lô và đi xe có chắn bùn bằng vàng khối và bánh bằng bạc. Tất cả, đều là chuyện văn hóa dân gian! Những người thành đạt trong kinh doanh là tất cả những gì ai đó muốn, trừ là những tên ngu xuẩn. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau… Chúng tôi mang đến rượu cô nhắc ngon, nhưng chúng tôi uống vodka. Đến tảng sáng, tất cả đều say mèm, chúng tôi ôm nhau và chúng tôi hát vang những bài ca Cônsômôn: “Cônsômôn tình nguyện, tình bạn làm nên sức mạnh chúng ta…”. Chúng tôi nói về thời chúng tôi là sinh viên, khi chúng tôi đi thu hoạch khoai tây[20], hoặc giả những khúc đoạn kỳ cục trong cuộc sống quân đội của chúng tôi. Tóm lại, chúng tôi nhắc lại thời xô viết. Bà hiểu không? Và các cuộc trò chuyện kết thúc bằng: “Hôm nay, là cái thứ giả trang lố lăng. Chúng ta cần một Stalin!”. Và tuy nhiên, như tôi đã nói với bà, chúng tôi đã thoát ra tốt. Vậy thì, thế nào? Này nhé, đối với tôi… Ngày 7 tháng Mười, là ngày hội. Tôi kỷ niệm một cái gì đó vĩ đại. Và tôi tiếc cái gì đó ấy, tôi tiếc vô cùng. Nói đúng ra… Một mặt có tiếc nuối, mặt kia là sợ. Mọi người muốn rời đất nước, ra đi. Kiếm được tiền, và thoát thân. Còn con cái chúng tôi? Tất cả bọn chúng đều mơ ước đi học để làm trong ngành tài chính. Nếu ta hỏi chúng về Stalin, thì là khoảng trống hoàn toàn. Chúng chỉ có một ý tưởng mơ hồ… Tôi đã cho con trai tôi đọc Soljénitsine, nó cứ cười bò ra! Tôi nghe nó nói đùa… Đối với nó, kết tội một người là gián điệp làm việc cho ba tổ chức bí mật, là lố bịch. “Bố ơi, không một viên dự thẩm nào trong số này biết viết cho đúng! Cứ mỗi từ lại sai chính tả. Ngay cả từ “bắn” y cũng viết sai, họ không biết viết từ đó…”. Chúng sẽ không bao giờ hiểu được chúng tôi, mẹ tôi và tôi, bởi chúng không sống dù chỉ một ngày ở Liên xô. Con trai tôi… Mẹ tôi… Tôi… Chúng tôi sống trong những đất nước khác nhau, dù tất cả chúng đều có tên là nước Nga. Chúng tôi được kết nối với nhau bằng những mối dây lệch lạc. Quái dị. Tất cả, chúng tôi cảm thấy bị phản bội.

… Chủ nghĩa xã hội, là thuật giả kim. Một ý tưởng giả kim… Người ta lao tới nhanh nhẹn, và người ta đã tới có Trời biết là đâu. “Phải thưa với ai khi vào Đảng cộng sản? – Với một thầy thuốc tâm thần.” Cả phòng phá lên cười. Nhưng còn họ… Bố mẹ tôi… Mẹ tôi… Họ muốn hiểu rằng cuộc đời họ đã sống là quan trọng chứ không thảm hại, họ đã tin ở một điều gì đó đáng để mà tin. Song người ta đã nói gì với họ? Bất cứ lúc nào người ta cũng lặp đi lặp lại với họ rằng chỉ là cứt đái và họ chẳng có gì sất ngoài những tên lửa ghê tởm và những chiếc xe tăng của họ. Họ sẵn sàng đẩy lui bất cứ kẻ thù nào. Và họ sẽ làm thế thật! Nhưng tất cả đã sụp đổ mà chẳng có chiến tranh. Và không ai có thể hiểu vì sao. Chuyện đó, phải suy nghĩ… Nhưng người ta không dạy chúng tôi làm việc đó. Mọi người chỉ nhớ duy nhất có nỗi sợ… Người ta chỉ nói đến chuyện đó. Tôi đã đọc ở đâu đó rằng nỗi sợ, ấy là một hình thức của tình yêu. Tôi ngờ chính Stalin đã nói thế… Hôm nay, các bảo tàng trống không, nhà thờ thì đầy người, bởi vì người ta cần những nhà tâm lý liệu pháp, những buổi liệu pháp tâm lý. Bà tưởng Tchoumak và Kachpirovski[21] chữa trị cơ thể? Họ chữa trị tâm hồn. Hàng trăm nghìn người ngồi trước tivi nghe họ, như bị thôi miên… Đó là ma túy! Có một cảm giác cô đơn, bơ vơ khủng khiếp… Ở mọi người, từ người lái taxi và nhân viên văn phòng cho đến nghệ sĩ nhân dân và viện sĩ hàn lâm. Họ cảm thấy kinh khủng cô độc… Cuộc sống đã thay đổi toàn bộ. Bây giờ, thế giới không còn chia thành Trắng và Đỏ, người đi tù và kẻ tống họ vào tù, hay giữa người đã đọc Soljénitsine và người không đọc ông, mà thành kẻ có thể mua được và người không thể mua được. Và cái đó có khiến bà thích không? Không, rất đương nhiên rồi… Tôi cũng không, cái đó tôi không thích. Bà và tôi, chúng ta là những người lãng mạn… Và cái thế hệ ngây thơ những năm 1960 ấy? Cái giáo phái những con người thanh liêm ấy… Họ tưởng một khi chủ nghĩa cộng sản biến đi rồi, người Nga sẽ làm ngay việc học hỏi tự do… Nhưng cái đầu tiên họ muốn học, là sống. Học sống! Thử tất cả, liếm tất cả, nếm tất cả… Ăn ngon, mặc mốt… Du lịch… Họ muốn được thấy cây cọ và sa mạc. Lạc đà. Chứ không đốt cháy và tự thiêu hủy nữa, luôn lao tới một nơi nào đó, vung một ngọn đuốc và một chếc rìu lên. Không… Sống, đơn giản thế thôi… như những người khác… ở Pháp, ở Monaco… Bởi vì không bao giờ có thể biết rồi sẽ xảy ra những gì! Người ta đã cho chúng ta đất, nhưng rồi người ta có thể lấy lại, người ta đã cho phép chúng ta làm thương nghiệp, nhưng người ta sẽ có thể tống ta vào tù… Tịch thu các nhà máy của chúng ta, các cửa hiệu của chúng ta. Nỗi sợ ấy vẫn mãi ở đó, xoắn vào óc ta. Nện vào nó. Vậy nên phải kiếm tiền, nhanh nhất có thể… Không ai còn nghĩ đến bất cứ cái vĩ đại, cao cả nào nữa. Cái vĩ đại, ta đã xực khá rồi đó! Người ta muốn một cái gì đó con người bình thường, hằng ngày… cái bình thường, bà hiểu không? Cái vĩ đại, người ta có thể nghĩ đến nó khi có dịp, lúc người ta đã nhậu đôi chút… Chúng ta đã là những người đầu tiên bay vào vũ trụ… Chúng ta chế tạo những xe tăng tốt nhất, nhưng chúng ta không có bột giặt và giấy vệ sinh. Và những phòng vệ sinh chết tiệt cứ rò rỉ suốt ấy! Người ta giặt các bao ni lông và phơi trên ban công. Có được một cái đầu đọc vidéo, cứ như là có một chiếc trực thăng riêng! Một cậu con trai mặc quần jean không gây ham muốn, chỉ khiến tò mò. Rất trang trí. Lạ lẫm. Thế đấy, cái giá trả cho các tên lửa và các tàu vũ trụ của chúng ta! Vì một Lịch sử lớn. (Nghỉ một lúc.) Tôi làm chi bà say vì những thứ ấy, đúng không? Mọi người đều muốn nói lúc này, nhưng chẳng ai muốn nghe ai…

Ở bệnh viện, mẹ tôi có một bà nằm cạnh… Khi tôi đi vào phòng, bà là người tôi nhìn thấy trước tiên. Một lần, tôi nhận thấy bà định nói gì đó với cô con gái bà nhưng không làm được, Mmm… Chồng bà bước vào, bà cố nói với ông, cũng không được. Bà quay lại phía tôi…. Mmm…Bà chụp lấy cây nạng của bà và phang lên đồ truyền máu, lên giường của bà… Bà không ý thức là bà đang phang, đang đập vỡ. Bà muốn nói… Nhưng nói với ai hôm nay? Với ai, nào, bảo cho tôi xem? Và là một con người thì không thể sống trong một sa mạc…

Tôi luôn yêu bố tôi. Ông lớn hơn mẹ tôi mười lăm tuổi. Ông đã tham gia chiến tranh. Nhưng chiến tranh không nghiền nát ông như những người khác, ông không gắn với nó như với sự kiện quan trọng nhất trong đời ông. Ông tiếp tục đi săn, đi câu. Ông là người khiêu vũ đẹp. Ông cưới vợ hai lần, và cả hai lần đều với những người đàn bà đẹp. Này nhé, một kỷ niệm ngày bé: chúng tôi đi xem phim, và bố tôi dừng tôi lại: “Nhìn xem mẹ con đẹp quá!”. Ông không bao giờ có cái kiểu kiêu căng thú vật và gây gổ của những người đã qua chiến tranh. “Tôi bắn. Hắn gục. Hắn phun máu khắp.” Về chiến tranh, ông kể những chuyện vô hại. Những chuyện ngốc ngếch. Ngày chiến thắng, ông đi vào một làng cùng một cậu bạn để tìm gái, và họ bắt được hai tên Đức trốn trong một cái hố vệ sinh, chúng ngập trong ấy đến cổ. Dù sao họ đã không giết chúng! Chiến tranh đã chấm dứt, đã có khối người chết như thế. Nhưng không thể đến gần chúng… Bố tôi đã gặp may, ông đã có thể bị giết trong chiến tranh, ông đã không bị. Với người anh trai ông, sự thể đã khác… Khi Iéjov cầm đầu NKVD, trong những năm 1930, ông bị đưa đến khu mỏ ở Vorkouta. Mười năm không được phép thư từ. Vợ ông bị đồng nghiệp của ông quấy rối, và bà đã gieo mình từ tầng bốn. Con trai của họ đã lớn lên ở nhà bà ngoại. Nhưng bác Vania đã trở về… Không còn răng, với một bàn tay khô kiệt và một lá gan cường phát. Ông đã bắt đầu làm việc lại trong nhà máy của ông, ở vị trí cũ, trong phòng cũ, ở bàn giấy cũ… (Ông đốt một điếu thuốc nữa.) Và người đã tố giác ông ngồi đối diện với ông. Mọi người đều biết chuyện, và bác Vania cũng biết… Họ đi họp và đi biểu tình, như trước. Họ đọc báo Pravda, họ tán thành đường lối của Đảng và chính phủ. Những ngày lễ, họ ngồi cùng bàn uống vodka. Và cứ thế. Đấy là cuộc sống của chúng ta. Bà có tưởng tượng một tên đao phủ và một nạn nhân Auschwitz cùng làm việc trong một văn phòng và lĩnh lương ở cùng một quầy? Đeo cùng một loại huân chương sau chiến tranh, và hôm nay cùng lĩnh một lương hưu… (Ông im lặng.) Tôi chơi thân với con trai bác Vania. Anh không đọc Soljénitsine, và ở nhà anh không có cuốn sách nào về các trại giam. Anh đã chờ bố anh, nhưng một con người khác đã trở về. Một tàn tích con người. Hoàn toàn bị thắng cương và lạc điệu… Ông mất rất nhanh. “Con không biết người ta có thể sợ đến thế nào đâu, ông nói với con trai. Con không biết điều đó…”. Ông đã tận mắt thấy một viên dự thẩm, một tay cường tráng cao lớn, dúi đầu một người vào một cái xô phân và chận xuống cho đến khi anh ấy sặc sụa… Bác Vania, phần bác, họ đã treo bác hoàn toàn trần truồng lên trần nhà, và họ rót nước ammoniac vào mũi, vào miệng, vào tất cả các lỗ trên thân thể bác… Viên dự thẩm đái vào tai bác vừa rống lên: “Nói đi, khai ra cho ta tên tuổi bọn ranh con đó đi!”. Và bác Vania đã khai. Bác đã ký mọi thứ họ muốn. Nếu bác không làm thế, thì cả bác, họ cũng sẽ dúi đầu bác vào xô phân của bác. Về sau, ở các lán của trại giam, bác đã gặp một vài người trong số những người bác đã khai tên ra… Họ tự hỏi ai đã tố giác họ… Tôi không thể phán xét. Bà cũng không, bà không thể. Bác Vania đã được đưa về xà lim trên một cái cáng, người tắm trong nước đái và máu của mình. Trong cứt của mình. Tôi không biết con người kết thúc ở đâu. Bà có biết không?

… Ôi, họ thật đáng thương, những người già của chúng ta, đương nhiên rồi… Họ nhặt các chai rỗng trên các sân vận động, họ bán thuốc lá trong tàu điện ngầm. Họ bới các thúng rác. Nhưng họ không vô tội đâu, tất cả những người già ấy. Thật kinh khủng khi nghĩ đến điều đó. Chướng tai. Chính tôi, cái đó khiến tôi sợ. (Ông im lặng.) Nhưng tôi không bao giờ nói chuyện đó với mẹ tôi… Tôi đã thử. Bà lên cơn…

(Ông muốn dừng câu chuyện của chúng tôi lại, nhưng rồi thay đổi ý kiến.)

… Nếu tôi đọc chuyện này ở đâu đó, hay nghe người ta kể, tôi sẽ không tin. Nhưng trong cuộc sống, có những điều… Như trong các tiểu thuyết trinh thám tồi. Tôi đã gặp một ông Ivan D. nào đó… Bà muốn có tên ông ấy? Để làm gì? Ông ấy, ông ấy chết đã lâu, nhưng con cái ông… Những đứa con trai không phải trả lời về bố chúng, một tục ngữ xưa đã nói thế. Vả chăng chúng cũng đã già, cả chúng nữa. Cháu, chắt của ông ấy? Đối với những đứa cháu, tôi không biết nói sao, chứ còn với những đứa chắt, chúng nó, thậm chí chúng không biết Lénin là ai… Ông nội Lénin đã bị quên. Đã là lịch sử xưa. (Ngừng một lúc.) Được rồi, tôi muốn nói với bà về cuộc gặp ấy… Tôi vừa lên trung úy, và tôi sắp cưới cháu gái ông. Chúng tôi đã mua nhẫn cưới và váy trắng cô dâu, Anna… Tên cô ấy như thế. Đấy là một cái tên đẹp, phải không? (Ông lại đốt thêm một điếu thuốc nữa.) Đấy là cháu gái ông, cháu gái cưng. Ở nhà, mọi người đều gọi cô là “Adobée”. Chính ông đã tìm ra cái tên ấy… Có nghĩa là “cưng”. Và về hình thức, cô giống ông, thậm chí rất giống. Tôi, tôi đến từ một gia đình xô viết bình thường bao giờ cũng sống khó cho trọn tháng, trong khi nhà họ, họ có đèn chum pha lê, đồ sứ Trung Hoa, thảm, những chiếc xe Jigouli mới keng… Đại sang. Họ còn có một xe Volga cũ mà ông già không muốn bán. Và vân vân… Tôi đã ăn ở ở nhà họ. Buổi sáng, người ta uống trà trong phòng ăn, với những cái giá ly bằng bạc. Đấy là một đại gia đình, với các dâu rể… Một trong những người rể của ông là giáo sư. Khi ông già nổi giận với anh ta, ông lặp đi lặp lại mãi câu: “Những người như nó, ta bắt nó ăn cứt của nó”. Một cách nói kỳ quặc… Nhưng lúc đó, tôi không hiểu… Tôi không hiểu! Mãi về sau tôi mới nghĩ lại. Về sau. Ông tiếp những thiếu niên tiền phong đến ghi các ký ức của ông và tìm ảnh cho các bảo tàng. Hồi tôi ở đấy, ông ốm và không đi ra ngoài nữa, nhưng thời gian trước, ông diễn thuyết ở các trường, ông thắt khăn quàng lên cổ cho các học sinh giỏi. Một cựu chiến binh đáng kính. Mỗi ngày lễ, có một tấm giấy chúc mừng lớn trong thùng thư của ông, và tất cả các tháng, ông nhận một bưu kiện thực phẩm đặt biệt. Một lần, tôi đi nhận bưu kiện ấy cùng ông… Trong một nhà hầm, người ta phát cho chúng tôi xúc xích ngắn, một lọ dưa chuột và cà chua muối của Bulgarie, cá ướp nhập khẩu, jambon Hungarie đóng hộp, đậu Hà Lan, gan cá tuyết… Thời đó, đấy là những sản phẩm khan hiếm. Của ưu đãi! Tôi, ông chấp nhận tôi ngay. “Ta rất thích quân nhân và ta chẳng ưa gì đám thường dân!”. Ông cho tôi xem khẩu súng săn quý báu của ông và hứa sẽ di tặng nó cho tôi. Tất cả các bức tường trong căn hộ mênh mông của ông treo đầy những bộ sừng tuần lộc, có những con vật nhồi rơm trên các giá. Những chiến lợi phẩm của các cuộc săn. Ông là người say mê săn bắn, ông từng là sếp hiệp hội săn bắn và câu cá của thành phố trong mười năm. Còn gì nữa? Ông nói nhiều về chiến tranh… “Bắn một mục tiêu xa trong một trận đánh, là một chuyện. Ai cũng làm được… Nhưng bắn một người nào đó… Khi con người ấy đứng đó, cách cậu ba mét…”. Ông luôn tuôn ra những câu như vậy. Ngồi với ông không chán. Tôi rất thích ông, ông già ấy.

Tôi đến vào kỳ nghỉ. Ngày cưới đến gần. Đang giữa mùa hè, và tất cả chúng tôi đều ở datcha[22] lớn của ông. Một trong những datcha xưa ấy… Không phải ba trăm mét vuông đất theo quy định. Tôi không nhớ chính xác là bao nhiêu, nhưng thậm chí có cả một khu rừng nhỏ. Những cây thông già. Loại datcha cấp cho viên chức cao cấp dùng vào những công việc đặc biệt. Cho các viện sĩ hàn lâm, các nhà văn. Khi tôi thức dậy thì ông đã ở ngoài vườn. “Tôi có một tâm hồn nông dân. Tôi đã đi bộ từ Tver đến Moskva, đi dép vỏ lanh.” Buổi tối, ông thường ngồi một mình trên hiên, hút thuốc. Người ta không giấu tôi rằng ông đã ra viện về nhà để chờ chết, ông bị ung thư phổi không thể mổ. Ông không ngừng hút thuốc. Ông từ bệnh viện trở về với một cuốn Kinh Thánh. “Tôi, kẻ suốt đời là người duy vật, vậy mà tôi đã quay về với Chúa trước khi chết.” Cuốn Kinh Thánh ấy là do các bà nữ tu chuyên chăm những người ốm nặng ở bệnh viện cho ông. Ông mò đọc với một cái kính lúp. Buổi sáng ông đọc báo và sau giấc ngủ trưa, đọc các hồi ký chiến tranh. Loại sách ấy ông có cả một tủ: Joukov, Rokossovski… Ông rất thích kể ông đã được thấy tận mắt Gorki, Maïakovski, những người anh hùng của Tchéliouskine như thế nào… Ông hay lặp lại: “Điều nhân dân muốn, là được yêu mến Stalin và ăn mừng ngày 9 tháng Năm!”. Tôi tranh luận với ông… Cải tổ đã bắt đầu, mùa xuân của dân chủ Nga… Tôi là một thằng nhãi con! Một hôm, chúng tôi ngồi riêng với nhau, mọi người đã đi vào thành phố. Hai người đàn ông trong một datcha trống, với một bình vodka. “Ta cóc cần các ông bác sĩ! Ta đã sống cuộc đời ta! – Một chút vodka chăng? – Thì đi! Và ông thả phanh… Tôi đã không hiểu ngay… Tôi đã không biết rằng cái cần có ở đây là một ông linh mục. Khi một con người nghĩ đến cái chết… Sự thể bắt đầu bằng một cuộc trò chuyện. Chúng thông thường những năm ấy: chủ nghĩa xã hội, Staline, Boukharine… Di chúc của Lénin, mà Stalin đã giấu Đảng… Tất cả những chuyện vẫn bàng bạc trong không khí, trên báo chí. Chúng tôi đã uống. Tự ông hăng lên. “Cậu chỉ là một thằng nhóc thò lò mũi! Câu chưa thấy gì sất! Ta sẽ nói với cậu một điều hay: người Nga, không được trao cho họ tự do. Họ sẽ làm hỏng tất. Cậu hiểu không?”. Và một tràng tục tĩu. Một người Nga không thể cố thuyết phục một người Nga khác mà không chửi tục như một lão đánh xe ba gác. Tôi phải kiểm duyệt. “Nhét cái đó cho tốt vào trong sọ…”. Tôi, đương nhiên rồi… Tôi đang sốc. Ông bị kích động: “Phải tóm hết chúng nó và tống chúng đến các lò mổ, tất cả cái bọn to mồm ấy! Với xẻng và cuốc! Cái cần đối chúng, là một trận Khủng bố ra trò. Không có Khủng bố, mọi thứ sẽ đổ nhào trong nháy mắt.” (Dừng một hồi lâu.) Người ta cứ tưởng quái vật phải có sừng và móng. Vậy mà trước mắt ta đấy một con người… một con người bình thường… Ông xì mũi, ông ốm, ông uống vodka… Và tôi tự nhủ… Lúc đó, là lần đầu tiên tôi nghĩ đến chuyện ấy… Bao giờ cũng là những nạn nhân còn lại để làm chứng, còn những tên đao phủ, chúng, chúng im lặng. Chúng bốc hơi trong thiên nhiên, chúng chìm trong một vực thẳm vô hình. Chúng không có tên, không tiếng nói. Chúng biến mất không để lại dấu vết. Ta không biết chút gì về chúng.

Trong những năm 1990, còn có những đao phủ còn sống… Chúng sợ… Tên một viên dự thẩm đã tra tấn viện sĩ Vavilov đã xuất hiện trên báo, tôi còn nhớ, y tên là Alexandre Khvat. Người ta còn đăng vài tên nữa. Và chúng đã hoảng sợ khi nghĩ rằng người ta sẽ công bố các tài liêị lưu trữ và giải mật. Chúng hoảng hốt. Không ai tiến hành các nghiên cứu và làm các thống kê, nhưng đã có hàng chục vụ tự sát. Trong cả nước. Người ta đổ lỗi tất cả những chuyện đó cho sự sụp đổ của đế chế, cho tình trạng khốn khổ… Nhưng tôi đã nghe nói về những vụ tự sát của những người hoàn toàn sung túc và tuyệt đối được trọng vọng. Không có lý do rõ ràng. Họ chỉ có một điểm chung duy nhất: họ đều đã làm việc cho các cơ quan mật vụ. Hoặc lương tâm họ đã thức dậy, hoặc họ sợ gia đình họ biết sự thật. Họ sợ sệt, họ hoảng hốt. Họ không hiểu nổi điều gì đang xảy ra, tại sao lại sinh ra cái khoảng trống rỗng quanh họ… Họ là những con chó trung thành! Những tên tay sai tốt… Đương nhiên, không phải tất cả đều run. Có thể tôi nhớ nhầm, nhưng trên báo Pravda, hay trên Ogoniok, đã đăng lá thư của một tên cựu bảo vệ có vũ trang của các trại giam. Tên ấy, nó không sợ! Y kể ra tất cả các thứ bệnh y đã mắc phải khi làm việc ở Sibérie, nơi y canh giữ những “kẻ thù của nhân dân” suốt mười lăm năm. ÔI, y đã khó nhọc bao nhiêu… Y than thở… Công việc thật nặng nề, chúng bị muỗi ăn thịt và phải chịu đựng cái nóng, và mùa đông, rét buốt da. Người ta phát cho lính những cái áo khoác nhỏ mỏng tang (chính xác là ngôn ngữ của y “những chiếc áo khoác nhỏ mỏng tang”), trong khi đám thượng cấp dạo chơi với áo lông lót và bốt dạ. Và bây giờ thì, những kẻ thù của nhân dân mà người ta không loại trừ đến tận gốc đang ngóc đầu dậy… Đấy là phản cách mạng! Bức thư của y tràn ngập hận thù… (Ngừng một lúc.). Có nhưng cựu tù nhân đã trả lời y. Họ không còn sợ, họ dám nói. Họ kể rằng, trong các trại giam, chúng trói tù nhân trần truồng vào các cây và trong hăm bốn tiếng họ bị ruồi ăn thịt đến mức chỉ còn những bộ xương. Mùa đông, những “người yếu lả” không hoàn thành đủ suất việc thường nhật bị dội nước. Và hàng chục bức tượng nước đá cứ đứng đó trước cổng trại, cho đến mùa xuân. (Ngưng một lúc.) Không ai bị phán xử! Không ai cả! Những tên đao phủ đã kết thúc cuộc đời của chúng với danh nghĩa hưu trí được trọng vọng… Bà có muốn tôi nói với bà? Chẳng nên bỏ công kêu gọi người ta hối cải. Đừng có mà đi kể những chuyện về nhân dân của chúng ta và trái tim vĩ đại của nó…Không ai sẵn sàng hối cải hết. Đấy là một công việc thiêng liêng, sự hối cải! Tôi, này nhé, tôi đi nhà thờ, nhưng về chuyện thú tội, tôi không quyết được. Thật khó khăn… Nói cho đúng, người ta chỉ thương xót chính mình. Chứ không cho ai khác. Ừ, vậy là… Ông già cứ loanh quanh trên hiên. Ông rống lên… Nghe những chuyện ông nói, tôi dựng tóc gáy. Hồi đó tôi đã biết không ít chuyện. Tôi đã đọc Chalamov… Nhưng ở đây, trên bàn có một cái bát đựng sôcôla… Một bó hoa… Một khung cảnh hoàn toàn an bình. Và sự đối lập ấy càng khiến mọi thứ dữ dội hơn. Thật khủng khiếp, và thật hay. Nói cho trung thực, thậm chí tôi tò mò hơn là sợ. Bao giờ người ta cũng muốn… ghé nhìn xuống vực. Vì sao? Thì con người là thế…

“Khi được nhận vào NKVD, tôi tự hào kinh khủng. Với món lương đầu tiên, tôi mua một bộ com lê đẹp…”

“Đấy là một công việc thiêng liêng… Có thể so sánh nó với chiến tranh. Nhưng chiến tranh, thì thư thái. Khi ta giết một tên Đức, nó hét lên bằng tiếng Đức. Trong khi bọn này, chúng hét bằng tiếng Nga… Đấy là, có thể nói, những chàng trai của chúng ta… Bắn bọn Lituanie hay Ba Lan dễ hơn. Còn bọn này, chúng rống lên bằng tiếng Nga: “Đồ súc sinh ngu xuẩn! Lũ đần độn đáng thương! Làm nhanh lên!”. Đ.m. nó…! Và chúng tôi, chúng tôi đẫm đầy máu, chúng tôi chùi tay lên chính tóc mình. Có những lần, người ta phát cho chúng tôi những tạp dề bằng da. Đấy là công việc của chúng tôi… Chúng tôi là viên chức. Cậu, cậu còn trẻ… Cải tổ, cải tổ…! Cậu tin những kẻ đánh cuộc dẻo mồm ấy… Cứ để mặc chúng hò hét “Tự do! Tự do!”. Cho chúng đùa ngịch đôi chút trên các quảng trường… Chiếc rìu vẫn còn đấy. Một chiếc rìu, nó phục vụ chủ nó. Đừng quên điều đó! Đ.m…! Ta, ta là một người lính! Người ta ra lệnh cho ta, và ta vâng lệnh. Ta hạ sát những con người. Nếu người ta ra lệnh cho cậu, cậu cũng sẽ vâng lời, cậu cũng thế. Cậu-sẽ-làm, mẹ kiếp! Ta giết những kẻ thù. Những tên phá hoại. Có một công văn chính thức viết rõ: “Án ở mức tối cao vì an ninh xã hội”… A, đấy là công việc, ta không nói với cậu sao! Nếu tên ấy không bị bắn chết ngay, nó sẽ đổ xuống, nó rống như một con lợn… Nó khạc ra máu… Khó chịu nhất, là bắn một tên cứ đùa vui. Hoặc giả nó đã thành điên, hoặc nó khinh anh. Những tiếng rú và những lời chửi rủa như mưa cả hai phía. Không được ăn trước khi làm việc đó. Ta, ta không thể… Và lúc nào cũng khát. Muốn uống cả một lít nước, như sau một cuộc say rượu. Đ…m…! Cuối ngày, người ta mang đến cho bọn ta hai cái xô, một xô vodka, một xô nước hoa. Vodka, người ta cho bọn ta sau, không phải trước. Cậu đã đọc ngược lại ở đâu đó phải không? Ối giào, bây giờ người ta nói bất kể thứ gì! Bọn ta rửa bằng nước hoa đến thắt lưng. Mùi máu rất dai, là mùi đặc trưng, như mùi… Nó hơi giống mùi tinh dịch… Ta có một con chó béc giê, vậy đó, khi ta đi làm về, nó không đến gần ta! Mẹ kiếp đ.m.…! Nhưng tại sao cậu không nói gì hết? Cậu là một thằng nhóc, cậu chưa nhìn thấy gì hết… Cậu biết không, rất hiếm, nhưng có khi ta vớ được một tên lính thích giết người… Người ta rút nó khỏi toán hành hình và chuyển nó đi nơi khác. Người ta không thích những tên như vậy. Nhiều đứa là trai tráng nông thôn, như ta. Chúng vững hơn dân thành phố. Chịu đựng tốt hơn. Và quen với cái chết hơn: có những đứa đã chọc tiết lợn ở nhà, hay giết bê. Còn gà, thì mọi người đều đã làm… Cái chết, phải tập dượt với nó… Những ngày đầu, người ta cho bọn ta nhìn. Lính thì chỉ dự các cuộc hành quyết, hay đi theo những người bị án. Có nhưng cậu bị điên ngay, họ không chịu được. Đương nhiên rồi! Ngay giết một con thỏ, cũng phải có thói quen nhất định, không phải ai cũng làm được. Đ.m…! Người ta bắt người đó quỳ xuống, và bắn bằng súng ngắn gần như đặt sát vào thái dương trái… gần tai. Cuối ngày, bàn tay ta thòng xuống như một cái giẻ cũ. Nhất là ngón tay trỏ cứ nhừ ra. Bọn này cũng vậy, bọn này có một kế hoạch phải hoàn thành, như mọi nơi khác. Như ở nhà máy. Lúc đầu, bọn này không đạt được. Không đạt được về mặt cơ thể. Bọn này bèn triệu các bác sĩ tới, một hội đồng bác sĩ, và họ quyết định làm mát xa cho những người lính, mỗi tuần hai lần. Mát xa bàn tay phải và ngón trỏ tay phải. Ngón trỏ là bắt buộc, nó bị nhừ nhiều nhất khi ta bắn. Tôi, tôi chỉ hơi bị điếc tai phải, vì người ta bắn bằng bàn tay phải.

“Người ta phát cho bọn này những tấm bằng danh dự “Vì đã hoàn thành những công cán đặc biệt của Đảng và chính phủ”… “Vì lòng trung thành với lý tưởng của Đảng của Lénin và Stalin…”. Những tấm bằng in trên giấy rất đẹp ấy, ta đầy một tủ. Mỗi năm một lần, người ta đưa gia đình ta đến một nhà nghỉ. Thực phẩm tuyệt hảo… nhiều thịt, chăm sóc y tế… Vợ ta không biết chút gì về công việc của ta. Chỉ biết là một công việc bí mật và trách nhiệm cao. Ta cưới vợ vì tình yêu.”

“Trong chiến tranh, người ta tiết kiệm đạn. Nếu ở gần biển, người ta chất đầy một sà lan, nhét đầy như một thùng tô nô cá mòi… Chỉ nghe những tiếng thét vang lên từ dưới hầm, đấy là tiếng gầm của thú vật”…, “Variag kiêu hãnh của chúng ta sẽ không bao giờ đầu hàng, không ai cầu xin” [23]… “Người ta cột tay họ bằng dây thép gai hay cột vào chân họ một hòn đá. Nếu trời tốt và biển lặng, ta thấy chìm xuống rất lâu… Sao cậu cứ nhìn ta thế, cái thằng thò lò mũi xanh kia? Hả? Đ.m…! Cùng rót thêm một ly nữa đi! Đấy là công việc của bọn ta. Bọn ta là viên chức… Nếu ta kể cho cậu những cái ấy, là để cậu hiểu nó thật đắt giá với chúng ta, chính quyền xô viết ấy! Vậy nên, phải bảo vệ nó, giữ lấy nó… Buổi tối, bọn ta trở về, trong những xà lan trống. Trong cái im lặng chết. Mọi người đều tự nhủ: khi ta đã lên bờ, họ sẽ… ta… Chết tiệt…! Suốt nhiều năm, ta đã giữ dưới gầm giường của ta một chiếc va li nhỏ luôn sẵn sàng, với quần áo để thay, một cái bàn chải đánh răng, một cái dao cạo râu. Và một khẩu súng ngắn dưới gối… Ta sẵn sàng tự bắn một phát vào đầu. Ta sống như vậy đó, thời ấy. Lính cũng như nguyên soái. Về mục này, bằng nhau cả.”

Khi chiến tranh nổ ra, ta lập tức xin ra mặt trận. Chết trận thì chẳng có gì ghê gớm. Ta biết ta chết vì Tổ quốc. Đơn giản và rõ ràng. Ta đã giải phóng Ba Lan, Tiệp Khắc… Chết tiệt! Ta đã kết thúc chiến tranh ở Berlin. Ta có hai huân chương và các huy chương. Chiến thắng! Sau đó, ta bị bắt. Họ có những danh sách đen đâu vào đó… Có hai cách chết đối với một người tchéka[24]: do bàn tay kẻ thù, hay bàn tay NKVD. Ta xơi bảy năm. Ta đã thụ án trọn vẹn. Này nhé, tới hôm nay nữa, ta dậy từ sáu giờ sáng, như trong tù… Vì sao họ bắt ta? Họ không nói với ta… Đ.m….!”.

(Ông vò bao thuốc rng một cách kích động.)

Có thể ông nói dối. Không, không, ông không nói dối… Tôi không tin. Sáng hôm sau, tôi bịa một cái cớ nào đó và tôi ra đi. Tôi vắt chân lên cổ mà chạy. Và không có đám cưới. Không còn chuyện đám cưới… Tôi không thể đặt chân trở lại trong ngôi nhà đó. Tôi không thể. Tôi trở về đơn vị. Vị hôn thê của tôi không hiểu gì cả. Cô viết nhiều thư cho tôi. Cô đau khổ… Còn tôi… Nhưng không phải tôi đang nói về chuyện tình yêu của tôi. Đấy là một chuyện khác. Tôi muốn hiểu… và bà cũng vậy, bà muốn hiểu những con người ấy là ai. Có phải đúng thế, không? Dẫu sao… Một tên sát nhân, là chuyện đáng nghĩ, người ta đã nói bao nhiêu, đấy không thể là một con người bình thường. Rất hấp dẫn… gợi tò mò. Cái ác, nó thôi miên… Đã có hàng trăm cuốn sách về Hitler và về Staline. Về tuổi thơ của họ, đời sống gia đình họ, về vợ họ… Rượu vang và thuốc là họ ưa thích… Mỗi chi tiết nhỏ đều khiến ta quan tâm. Ta muốn biết họ là ai… Tamerlan, Gengis Khan. Và những bản sao của họ… những bản sao nhỏ. Đám này nữa, chúng cũng làm những việc kinh tởm, chỉ có đôi đứa đã trở thành điên. Tất cả những người khác đều có một cuộc sống bình thường, họ ôm hôn vợ, họ chơi cờ… Họ mua đồ chơi cho con… Và mỗi người trong số họ tự nhủ: đấy không phải là tôi. Không phải là tôi kẻ đã treo người ta lên trần nhà, làm phụt não họ ra, không phải là tôi kẻ đâm những cây bút chì vót nhọn vào bầu vú đàn bà. Không phải tôi, đấy là hệ thống. Ngay cả Staline cũng nói thế: “Không phải ta quyết định, đấy là Đảng.” Ông nói với con trai ông: “Con tưởng rằng Staline, là ta? Không! Staline, là ông ấy!”. Và ông chỉ chân dung ông trên tường. Không phải ông, mà chân dung ông. Guồng máy chết đã vận hành toàn lực trong nhiều chục năm… Aaa, đấy là một lô gích thiên tài! Những đao phủ, những nạn nhân, và cuối cùng, đao phủ cũng trở thành nạn nhân. Cứ như những cái ấy không phải do những con người sáng chế ra… Một sự tinh xảo đến thế, chỉ có thể tồn tại trong tự nhiên. Bánh xe quay, và không có kẻ có tội. Không! Mọi người đều muốn được người ta thương cảm. Rốt cục, tất cả họ là nạn nhân. Tất cả!… Hồi đó, tôi còn trẻ, tôi sợ, và tôi đã câm nín. Hôm nay, tôi sẽ đặt cho ông ấy những câu hỏi… Tôi cần biết… Tại sao? Với tất cả những gì tôi biết về những con người, tôi sợ chính tôi. Tôi khiến tôi sợ. Tôi là một kẻ nào đó bình thường, yếu đuối… Tôi vừa đen vừa trắng… và tất cả các màu… Trong các trường học xô viết, người ta dạy chúng tôi con người căn bản là thiện. Nó tuyệt đẹp. Cả hôm nay nữa, mẹ tôi tin rằng những hoàn cảnh ghê tởm làm cho con người ghê tởm. Nhưng con người là tốt. Nhưng không phải thế… Không, không phải thế! Suốt đời mình, con người đu đưa giữa thiện và ác. Hoặc là mày đâm một cây bút chì vào bầu vú, hoặc mày bị người ta làm điều đó. Chọn đi! Nào, chọn đi! Bao nhiêu năm đã qua, mà tôi không sao quên được cảnh ấy… Ông rống lên: “Ta xem tivi, ta nghe đài phát thanh… Có những người giàu mới và những người nghèo mới! Những người này ăn trứng cá hồi, họ mua các hòn đảo và máy bay, những người kia không đủ tiền mua bánh mì trắng. Nhưng chuyện đó sẽ không kéo dài lâu! Người ta sẽ quay lại đó, quay về với Staline. Chiếc rìu vẫn ở đó, nó chờ giờ của nó… Đừng quên điều ấy! Cậu đã hỏi ta (tôi đã hỏi ông) một con người còn là một con người trong bao nhiêu lâu, cái đó kéo dài bao lâu… Thế thì, ta sẽ nói với cậu: một cái chân ghế vào lỗ đít, hay một chiếc đinh vào bìu dái, là không còn con người! Ha, ha! Không còn nữa!Chỉ còn cứt!”.

(Để ngừng chuyện.)

Xong, chúng ta đã lục tung Lịch sử… Hàng nghìn phát hiện, hàng tấn sự thật. Quá khứ, với những người này, là một cái hòm đầy thịt người và một thùng tô nô đầy máu, với những người khác, là một thời đại lớn… Ngày nào chúng ta cũng làm chiến tranh với nhau trong các nhà bếp của chúng ta. Nhưng, chẳng bao lâu nữa, bọn trẻ sẽ lớn lên. Những con sói nhỏ, như Staline nói. Chẳng bao lâu, chúng sẽ lớn…

(Ông từ biệt tôi lần nữa, rồi đột ngột lại nói.)

Cách đây không lâu, tôi đã xem những bức ảnh tài tử trên internet. Những bức ảnh chiến tranh, sẽ tầm thường nếu ta không biết đó là về chuyện gì. Đấy là một toán SS ở Auschwitz… Những sĩ quan và những lính thường. Có rất nhiều cô gái. Họ chụp vào buổi tối, trong các cuộc dạo chơi. Họ trẻ và vui (Dừng một lúc.) Và những bức ảnh các nhân viên Tchéka của chúng ta, trong các bảo tàng. Một hôm nào đó, hãy nhìn họ thật kỹ: ta sẽ thấy có những người có khuôn mặt đẹp… Đầy thần cảm… Thời gian khá dài, người ta đã bảo chúng ta đấy là những vị thánh…

Tôi rất muốn đi khỏi đất nước này, hay ít ra cho các con tôi đi khỏi nơi đây. Chúng tôi sẽ đi. Chiếc rìu của ông chủ chờ giờ của nó… Tôi không quên gì hết…

Vài ngày sau, ông gọi điện thoại cho tôi để cấm tôi công bố lời chứng của ông, và từ chối không giải thích vì sao. Sau đó tôi biết ông đã di cư sang Canada cùng gia đình. Tôi gặp lại ông mười năm sau, và lần này, ông đã cho phép tôi. Ông bảo tôi: “Tôi vui lòng vì đã ra đi đúng lúc. Có một thời mọi người đều rất thích người Nga, nhưng bây giờ, người ta lại đã bắt đầu sợ. Điều ấy có khiến bà sợ không, bà ấy?”.


[1] Trong bản tiếng Pháp là zone “khu vực”. Đây là từ chỉ vùng được khoanh lại quanh các trại giam, nằm trong sự kiểm soát của các trại giam ấy. (ND)

Những chú thích có (ND) là của người dịch. Những chú thích khác là của tác giả.

[2] NKVD: Cơ quan Mật vụ Liên xô. (ND)

[3] Cônsômôn: Đoàn thanh niên cộng sản Liên xô.(ND)

[4] Stipa: Dạng cây dương xỉ. (ND)

[5] Kacha: Cháo tấm.(ND)

[6] Nữ thanh niên Cônsômôn bị phát xít Đức treo cổ trong chiến tranh lúc 18 tuổi, được coi là anh hùng Liên Xô. Alexandre Matrossov cũng là một thanh niên anh hùng Liên xô trong chiến tranh năm 1940.

[7] Nhân vật nổi tiếng trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” xuất bản năm 1932, của Nicolaï Ostrovski (1904-1936). Bị mù vì những vết thương khi chiến đấu trong binh đoàn kỵ binh của Boudionny, ông đã viết cuốn sách của mình dù bị mù. Là hình tượng người cộng sản kiên định trước mọi thử thách.

[8] Zek: Cách viết tắt trong tiếng Nga từ năm 1922, chỉ một người tù.

[9] “Cám ơn” và “thế nào cũng mặc”.

[10] Công thức quen thuộc để xua tù nhân ra khỏi khám. Đối với một người Nga, nó lập tức gợi nhớ đến các trại giam.

[11] Magnitka: Tên nhà máy thép ở Magnitogorsk, do tù nhân xây dựng. Trại tù ở Vorkouta cũng nổi tiếng xấu xa.

[12][12] Quần đảo Goulag: Tác phẩm nổi tiếng của Soljénitsine viết về các trại tù của Stalin ở Sibérie. (ND)

[13] Con người xô viết. (ND)

[14] Tchéliouskine là một chiếc tàu bị kẹt trong băng, bị đắm năm 1934. Thiên anh hùng ca về những người phi công đã cứu sống thủy thủ đoàn đã trở thành truyền thuyết. Valérie Tchkalov (1904- 1938) là một phi công nổi tiếng. Sergueï Koroliov (1907-1966), một kỹ sư, là một trong những người tham gia thiết kế súng Katioucha nổi tiếng, rồi chuyến bay của Gagarine vào vũ trụ.

[15] Tức năm đại khủng bố, đỉnh cao đàn áp của Stalin.

[16] Những đoàn viên tháng Mười, thiếu niên tiền phong và Cônsômôn là tương đương (theo lối cộng sản) của đoàn viên sói con và hướng đạo.

[17] Alexandre Kouprine (1870-1938): Tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông, Cuộc đấu (xuất bản năm 1905) viết một cách hiện thực về cuộc sống trong quân đội Sa hoàng (chính ông là sĩ quan trong quân đội này trước khi tập trung vào nghề văn). Sau mấy năm lưu vong ở Pháp, ông trở về Liên Xô năm 1936.

[18] Câu này là của Gorki.

[19] Điều luật về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

[20] Mùa thu hoạch, nói chung sinh viên được gửi về nông thôn để giúp công việc đồng áng, không nhận tiền công.

[21] Thầy pháp nổi tiếng hồi đầu những năm 1990.

[22] Nhà nghỉ nông thôn ở Nga. (ND)

[23] Bài hát nổi tiếng viết năm 1917 ca ngợi tuần dương hạm Variag, đã đối mặt với nhiều tàu Nhật trong chiến tranh Nga-Nhật, và đã tự đánh chìm để không rơi vào tay quân thù.

[24] Nhân viên mật vụ Liên Xô. (ND)

Comments are closed.