Người Đô Thị tổ chức tọa đàm: Căn tính Việt

LTS: Chúng ta đã và đang cùng chứng kiến sự sa sút trong những hoạt động của người Việt Nam ít nhất ở hai cấp độ: Hành vi và Tư duy. Trong hành vi, vô vàn thói hư tật xấu (tự đầu độc nhau bằng thức ăn, ăn cắp trong nước, ngoài nước, bạo hành trong gia đình, nhà trường, dối trá, lừa đảo, tham nhũng…) tăng nhanh và ngày càng trầm trọng. Trong tư duy, đặc biệt tư duy tổng thể, hầu như chưa xây dựng được các chủ thuyết, chiến lược phát triển (cùng các mô hình vận hành) có tính quốc sách, khoa học, bền vững… Văn bản pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, chính sách thay đối quá nhanh, trên toàn lãnh thổ “63 tỉnh, 63 nền kinh tế” là đánh giá của ông Vương Đình Huệ (Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng) về tình trạng cát cứ, phân mảnh quyền lực, phân tán nguồn lực theo theo địa dư hành chính, theo từng ngành… đang làm suy yếu nội lực quốc gia, dân tộc.

Những yếu kém đó do đâu, căn tính “ tiểu nông” của người Việt hình thành từ xa xưa có vai trò gì? Cùng nhiều tiếng kêu trên các phương tiện thông tin: “Tại sao chúng ta lại ra nông nỗi này !”, “Chúng ta còn là người Việt không? ”… như những câu tự hỏi về năng lực thật sự của mình khi phải đối diện với các thách thức rất mạnh, cấp bách, để tìm cách vượt qua nó. Sự tự phê phán, kiểu như: người Việt ích kỷ, hay đố kỵ, thiếu đoàn kết…, hoặc ca ngợi các tính tốt: dũng cảm, yêu nước, tự trọng cao, v.v. thường được nêu có tính liệt kê như các biểu hiện của căn tính Việt, những biểu hiện ấy có thể thấy ở nhiều dân tộc, chúng tộc khác. Vậy có lẽ muốn thấy căn tính Việt, trước hết cần tìm những gì đã hình thành nên nó?

Vì những lẽ đó Người Đô Thị đã tổ chức buổi tọa đàm “Căn tính Việt” (ngày 1.4. 2016, tại Hà Nội). Ông Trần Trung Chính thay mặt Người Đô Thị đề xuất ba câu hỏi cho chủ đề này: Có căn tính không? Nguồn gốc của căn tính người Việt là những gì? Căn tính Việt đang vận hành thế nào và các điều kiện để thay đổi căn tính theo hướng tích cực? Buổi tọa đàm đã diễn ra sôi nổi với tranh luận của các nhà nghiên cứu lịch sử, tôn giáo, văn hóa học, xã hội học, nghiên cứu đô thị… và nhiều bạn trẻ quan tâm.

Chúng tôi cho rằng tự nhận thức về căn tính của cộng đồng, trong đó gồm cả bản thân mỗi người, luôn là một nhu cầu giúp cho sự phát triển mỗi cá nhân và cộng đồng, do vậy rất cần sự tham gia thảo luận của đông đảo bạn đọc của Người Đô Thị, nhất là các bạn trẻ – mà phần lược ghi các ý kiến tại buổi tọa đàm dưới đây chỉ là gợi ra, hay mở đầu cho cuộc thảo luận hứa hẹn sẽ thú vị.

Người Việt, anh là ai?

PGS. TS ĐỖ LAI THÚY

Căn tính/căn cước/bản sắc (identité/identity) của một tộc người nhằm chỉ một đặc tính hình thành từ thuở xa xưa và chi phối sự phát triển của tộc người ấy một cách lâu dài trong lịch sử. Căn tính ấy do bẩm sinh? Do vô thức tập thể? Do các điều kiện địa-văn hóa? Hay thuần túy chỉ do những đầu óc kiến tạo nên? Đây là những câu hỏi hầu như không có câu trả lời, hay nói khác có rất nhiều câu trả lời không giống nhau.

Riêng tôi, đáp trả câu Căn tính Việt là gì, hoặc Người Việt, anh là ai?, tôi xin đưa ra câu trả lời như một giả thuyết làm việc. Vấn đề không nằm ở chỗ đúng sai, mà ở chỗ tương thích với thực thể Việt và, quan trọng hơn, giải thích được nhiều điểm của tính cách Việt.

Bắt đầu từ địa lý

Người Việt dù anh ta ở đây hay đâu đến, nhưng một khi đã sinh sống trên mảnh đất này thì đều bị quy định bởi các điều kiện của môi trường sống. Hệ sinh thái tiền sử của Việt Nam và Đông Nam Á là phổ tạp, tức số lượng loài thì nhiều, nhưng số lượng cá thể cây con trong một loài thì ít. Hơn nữa, Việt Nam lại nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa nên thực vật nhiều hơn động vật. Từ đó phương thức sinh sống của con người thì hái lượm trội hơn săn bắt và về sau thì trồng trọt trội hơn chăn nuôi, đặc biệt không có chăn nuôi đại gia súc (cho thịt, sữa và da). Về trồng trọt tuy là đa canh, nhưng chủ yếu vẫn là lúa nước. Trồng lúa nước phải theo một quy trình phức tạp, nhưng nước vẫn là một yếu tố quan trọng nhất (nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống). Để giữ được nước, khi còn canh tác ở vùng thung lũng hoặc chân/trước núi, người ta phải làm ruộng bậc thang, còn khi đã tiến xuống đồng bằng, họ phải trồng cây trên những thửa ruộng nhỏ, vì địa hình không bằng phẳng một phần khác để giữ nước, nhiều gò, đầm, hoặc ngày càng nhỏ do sự phân chia tài sản của cha mẹ cho con cái, nhiều nơi kể cả con gái. Để tương thích với quy mô sản xuất này, đại gia đình (tứ, ngũ đại đồng đường) vỡ ra thành gia đình hạt nhân, hoặc gia đình hạt nhân mở rộng, cơ sở để sau này trở thành gia đình tiểu nông (Trên đồng cạn dưới đồng sâu/Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa).

Các chất liệu tạo căn tính

Tương ứng với sự hình thành sớm gia đình hạt nhân khi đang còn ở nền văn minh nông nghiệp, (trong khi quy luật chung của thế giới là ở làn sóng công nghiệp), là sự chuyển hóa trong lòng đơn vị tụ cư từ công xã nguyên thủy sang công xã nông thôn, rồi lại từ công xã nông thôn thành làng xã, tuy rằng làng xã vẫn bảo lưu một phần ruộng công để tạo thành yếu tố cố kết. Làng xã chỉ bắt đầu hình thành khi đồng bằng Bắc bộ được phù sa bồi đắp, các trũng thu hẹp, diện tích trồng cấy gia tăng, số ruộng tư gia tăng xấp xỉ ruộng công. Đó cũng là khi chế độ điền trang thái ấp nhà Trần tan rã, chính sách hạn điền hạn nô của Hồ Quý Ly giúp ra đời một tầng lớp địa chủ nhỏ. Tầng lớp này ủng hộ sự phát triển Nho giáo. Rồi hai mươi năm Minh thuộc đã dọn mật bằng cho Nho giáo để đến thời Lê Thánh Tông thì nó đã trở thành quốc giáo và độc tôn. Việt Nam tiếp thu Tống nho chủ yếu ở phần hình nhi hạ, tức các quy tắc đạo đức và lễ nghi, bỏ qua phần hình nhi thượng, tức phần triết học của nó. Bởi vậy, Nho giáo Việt Nam không có học thuật và trường phái, nên nhanh chóng bị xơ cứng. Thứ Nho giáo này một khi xuống đến nông thôn sẽ biến bộ máy làng xã thành một “tiểu triều đình”, còn bản thân làng xã thành làng xã tiểu nông.

Người nông dân đồng bằng Bắc bộ trở thành người tiểu nông trước hết vì họ có rất ít ruộng đất để cày cấy, rồi gia đình hạt nhân của họ tồn tại chủ yếu như một đơn vị sản xuất và cuối cùng là sống chủ yếu trong những ngôi làng thuần nông ít nhiều khép kín, tự cấp tự túc. Con người tiểu nông nổi trội ở tính cộng đồng, nhất là cộng đồng làng xã (tắt lửa tối đèn; bán anh em xa, mua láng giềng gần), ở sự duy tình để làm việc chung (Thuận vợ thuận chồng biển Đông tát cạn/thuận bè thuận bạn tát cạn biển Đông), yêu thích sự công bằng, tính thiết thực, tính ăn chắc… Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp những mặt mạnh nêu trên sẽ khắc chế mặt đối lập với nó hoặc trở thành biến tướng, như tính cộng đồng sẽ bóp nghẹt sự phát triển cá nhân, sự duy tình hạn chế duy lý, ý thức luật pháp, còn công bằng thành cào bằng, tính thiết thực thành thực dụng, thiển cận (nước đến chân mới nhảy, mưa lúc nào vuốt mặt lúc ấy), không dám phiêu lưu trong đi xa, trong thương mại. Đây chính là những tính cách của người nông dân làng xã, hay căn tính tiểu nông.

Xã hội Việt Nam truyền thống là một cái làng mở rộng, hoặc một tập hợp các làng tồn tại độc lập như những đơn vị. Đây là một xã hội thuần nông, hoặc toàn-nông: nông dân – nông nghiệp – nông thôn. Đành rằng mỗi làng đều có nghề thủ công, nhưng hoặc là mọi người làm thêm lúc nông nhàn, hoặc là có một đôi người chuyên làm để phục vụ dân làng như nghề mộc, nghề rèn… Đành rằng cũng có những làng chuyên thủ công Bát Tràng, Đồng Kỵ, Đại Bái, Chuông… nhưng sản phẩm của họ cũng chỉ để phục vụ trong vùng mang tính chất trao đổi, và chỉ khi có xuất khẩu thì mới thực sự trở thành hàng hóa, mới xuất hiện một thương nhân, hoặc con buôn. Cũng vậy, đô thị Việt Nam xuất hiện muộn và yếu, bởi đó chủ yếu là đô thị hành chính, chất đô mạnh hơn chất thị. Và cũng chỉ khi có buôn bán với nước ngoài thì mới nhất thời ra đời những đô thị thương nghiệp như phố Hiến, Hội An… Bởi vậy, đô thị luôn bị xâm thực bởi nông thôn, từ tín ngưỡng, lối sống, lối cảm, lối nghĩ. Người đô thị, hoặc thị dân, kẻ chợ chưa bao giờ là một tầng lớp mạnh. Nhân vật chính của thời đại chỉ còn lại là nông đuổi bắt và thay thế nhau như trong một chiếc đèn cù. Và, xét đến cùng, thì sĩ phục thuộc vào nông ngay cả những khi không hết gạo (Nhất sĩ nhì nông/hết gạo chạy rông/nhất nông nhì sĩ). Bởi vậy, có thể kết lại, căn tính của người Việt là căn tính của người nông dân làng xã, căn tính của người nông dân làng xã là căn tính tiểu nông. Vậy, căn tính Việt là căn tính tiểu nông.

Phôi pha trên vùng đất mới

Trên kia là xét người Việt ở pham vi đồng bằng Bắc bộ. Nhưng người Việt không ở mãi trong nôi của mình, mà có sự mở rộng, tiếp xúc. Bành trướng theo hướng đông thì gặp biển, hướng tây thì gặp núi rừng, nếu “tộc người đồng bằng” này, đúng hơn người tiểu nông Việt, rất e ngại. Chỉ còn bành trướng xuống phía nam dọc theo những đồng bằng ven biển. Vào đến Nam bộ người Việt được tiếp xúc với một môi trường tự nhiên và văn hóa hoàn toàn khác với Bắc bộ và Trung bộ. Đồng bằng sông Cửu Long, đủ đất đai và tôm cá để họ thoát kiếp tiểu nông (đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành). Làng Nam bộ cũng không khép kín, mà kéo dài theo những dòng sông hoặc con lộ. Nhà cửa thì quay mặt về phía sông rạch cho tiện giao thông, buôn bán, hoặc là sự tập hợp những chòm khóm cách xa nhau hàng một hai cây số. Sự sống chung với người Khmer và người Hoa với môi trường song/đa ngữ đã làm họ cởi mở hơn về văn hóa. Căn tính Việt, vì thế, cũng dần phôi pha với những cư dân trên vùng đất mới, đồng thời ở họ cũng xuất hiện những tập tính mới. Nhiều người gọi đó là cá tính Nam bộ. Nhưng liệu cá tính Nam bộ đã phải là một căn cước mới của người Việt ở đây?

Căn tính trước hai bước ngoặt

Một thử thách nữa của căn tính Việt chính là khi xã hội Việt Nam truyền thống bước vào thời hiện đại. Đây là một bước ngoặt lớn làm thay đổi hệ giá trị của người Việt. Nhiều giá trị hôm qua là tích cực thì hôm nay đã trở thành níu kéo, cản trở công cuộc hiện đại hóa, cụ thể là xã hội hóa và cá nhân hóa, như tính cộng đồng, thói duy tình (đã đưa đến trước cửa quan/ ngoài thì là lý song trong là tình) sự công bằng đến,thành cào bằng (xấu đều hơn tốt lỏi). Ngược lại nhiều giá trị trước đây là tiêu cực thì bây giờ lại là tích cực. Tuy nhiên, đó chỉ là giai đoạn khởi đầu của hành trình hiện đại hóa. Vậy, hiện căn tính Việt liệu đã thay đổi? Căn tính của một tộc người là thứ trầm tĩnh lắng đọng những trải nghiệm lâu dài trong lịch sử của một tộc người đó. Bởi vậy, nó đã trở thành tiềm thức, thậm chí vô thức tập thể của họ. Bởi vậy, trong thời kỳ hiện đại hóa xã hội vừa qua, chúng ta vẫn thấy thỉnh thoảng lại có hiện tượng “lại giống” của căn tính tiểu nông. Hoặc ở những tình huống bình thường thì một người nào đó rất hiện đại, nhưng trong những quyết định quan trọng thì bỗng chốc bộc lộ tư duy tiểu nông…

Phải chăng căn tính Việt đã thay đổi, hay chỉ thay đổi khi cấu trúc xã hội Việt Nam hoàn toàn thay đổi? Rồi đến thời thị trường hóa và toàn cầu hóa hiện nay (như bước ngoặt mới), khi mà tài sản duy nhất còn lại là con người, là bộ óc, là tư duy, liệu người Việt có phát huy được tính dễ thích ứng của mình để mà thay đổi, mà tồn tại trong nền văn minh trí tuệ?

I. CÓ CĂN TÍNH KHÔNG?

TS. Nguyễn Mạnh Tiến: – Các hành vi xã hội của một tập thể, của một tộc người nào đó (lặp lại nhiều lần) khi được rọi phóng lên, thì có thể đó gọi là căn tính.

– Cái gọi là căn tính hay bản sắc hay truyền thống chứa những ghi dấu cố định từ xa xưa và kéo dài tới ngày nay. Và ngày nay là hệ quả của những cái từ xa xưa. Chuyện này đúng, nhưng cũng vừa không đúng. Bởi vì, như các nhà phân tích tâm lý tập thể, mặc dù nó (căn tính) rất ổn định, nhưng sẽ biến đổi theo thời gian, và còn có thể bị đảo lộn cấu trúc của nó.

TS. Phùng Ngọc Kiên: – Câu chuyện về căn tính thường được đặt ra khi mà họ (một cộng đồng nào đó) đối diện với kẻ khác mạnh hơn, hay do họ có nhu cầu tái dựng bản sắc của chính mình. Căn tính thực chất là khí chất. Nhu cầu nhận ra mình là một nhu cầu rất thường trực. Nhưng chừng nào chúng ta chưa có nền triết học tự phê phán chính mình thì chúng ta dễ sa vào hiện tượng vụn vặt, cụ thể, và sẽ khó mà lý giải được căn tính của mình.

TS. Trần Trọng Dương: – Bản thân hai từ này (căn tính) đã là một diễn ngôn về căn tính. Người Việt luôn luôn phải xoay sở xem mình có căn tính như thế nào?

– Nói về căn tính thì chúng ta nên xuất phát từ thời điểm đương đại để phóng chiếu về quá khứ (mọi nghiên cứu cần phục vụ cho mục tiêu hiện tại). Nên tìm xem, những yếu tố gì khiến chúng ta trở thành chúng ta như bây giờ? Như việc phóng chiếu bản thân mình để xem cuộc đời mình nó xảy ra do đâu? Do chế độ xã hội, do đặc điểm của con người Việt Nam? Nên xuất phát từ hiện tại để tìm về chủ đề này.

II. NGUỒN GỐC CỦA CĂN TÍNH NGƯỜI VIỆT LÀ NHỮNG GÌ?

TS. Nguyễn Mạnh Tiến: – Trả lời câu hỏi căn tính Việt là gì, theo tôi cần từ nhìn hành vi văn hóa. Vì tâm lý là văn hóa thu vào bên trong, còn văn hóa là tâm lý rọi phóng ra ngoài. Thế thì cần phải xem trong lịch sử có bao nhiêu hằng số lặp đi lặp lại theo nguyên tắc tái lập chất liệu. Và tùy vào điều kiện bối cảnh của nó mà căn tính thể hiện ưu điểm hay nhược điểm.

– Căn tính Việt theo tôi trong một nghĩa nào đấy nó chặt hơn căn tính Việt Nam. Mặc dù lâu nay trong quán tính của số đông và diễn ngôn chính trị thường không phân biệt rõ hai khái niệm này (Việt và Việt Nam là thực thể gồm nhiều dân tộc). Quán tính này được thúc đẩy bởi một quán tính văn hóa thuộc về tộc người trung tâm luận, thường khi tiếp xúc với một tộc người khác, họ quyết định tính dân tộc của mình là gì. Nhưng khi xã hội phát triển thì một tộc người nào đó nắm toàn bộ quyền lực kiến tạo quốc gia sẽ dần dần phản tỉnh. Họ quay lại lắng nghe những tộc người xung quanh định nghĩa mình như thế nào.

– Quán tính Việt Nam luận lấy người Việt làm trung tâm vẫn tiếp tục quán tính tiền hiện đại và chi phối người Việt đến tận bây giờ. Và trong tất cả các ngành thường vẫn lấy chuẩn của Kinh tộc để áp dụng lên toàn bộ lãnh thổ quốc gia. Ví dụ như người ta xây dựng những ngôi nhà khép kín cho các tộc người miền núi phía Bắc (trường hợp di dân ở các vùng thủy điện) đang ở trên các sườn đồi của các tộc người thiểu số, những họ vẫn quy hoạch thành các dãy nhà hai mặt phố ốp lưng vào nhau, giữa có rãnh nước… Nói thế không có nghĩa là họ không có ý tốt khi làm thế với đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng rõ ràng quán tính đó đã phóng chiếu hành vi của họ mà bất chấp các logic khác.

TS. Trần Trọng Dương: – Cần tránh làm nhòa cái khái niệm dân tộc và khái niệm quốc gia. Và chủ đề hôm nay đề cập đến diễn ngôn của người Việt (Kinh) chứ không phải diễn ngôn của người Việt Nam (theo nghĩa quốc gia có nhiều dân tộc).

– Về căn tính Việt, thì chúng ta nên đứng ngoài câu hỏi để đi tìm nó. Và theo tôi câu trả lời sớm nhất là của vua Trần Nhân Tông, khi ông bày tiệc mời ông sứ Nguyên trong đó có món Xuân thái Bính (là cái bánh cuốn lá rau) và nói đây là phong tục của người An Nam. Đây là câu trả lời về vấn đề căn cước. Hai là diễn ngôn của Nguyễn Trãi trong Bình Ngô Đại Cáo, diễn ngôn của người vừa chiến thắng rằng dù phong tục Bắc- Nam có khác nhưng vẫn chung một nền văn hiến. Đây là diễn ngôn khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Và đến khi ta tiếp xúc với Pháp, lần đầu tiên ta tiếp xúc một thứ ngoài Trung Hoa. Chúng ta đặt ra câu hỏi lớn sau 1000 năm chúng ta gần Trung Quốc, chúng ta có vị trí như thế nào với thế giới. Và ông Phạm Quỳnh đẩy truyện Kiều lên thành bản sắc văn hóa: Truyện Kiều còn thì tiếng Việt còn, tiếng Việt còn thì nước ta còn. Sau đó, chúng ta cần đặt ra bản sắc để phục vụ cách mạng. Trong mọi góc nhìn luôn có một diễn ngôn của quyền lực. Hiện nay chúng ta vẫn trăn trở với câu hỏi này, bởi vì chúng ta đến nay vẫn chưa thoát khỏi bao trùm về mặt chính trị lên đời sống văn hóa.

4. Ths. Lê Nguyên Long: – Tiêu đề đã có hai tranh cãi lớn: Căn tính/Việt. Việt như một tộc Việt hay như một thực thể, công dân Việt Nam? Căn tính hay là căn cước, xác lập cộng đồng này phân biệt với cộng đồng khác? Cách tiếp cận của tôi là phải vượt qua chủ nghĩa cấu trúc, liên quan chặt chẽ tới chủ nghĩa bản chất. Nó thể hiện ở việc lâu nay ta luôn tìm cái hằng số bất biến, cái Việt nhất. Trong tư duy của con người luôn luôn có nhu cầu tìm hằng số, cấu trúc ổn định nào đấy để định nghĩa. Đây là tư duy của nhân loại, không chỉ của riêng Việt Nam. Chủ nghĩa cấu trúc và cấu trúc bản chất có quan hệ chặt chẽ với chủ nghĩa dân tộc, vị chủng, luôn luôn lấy một tộc người làm trung tâm, luôn định nghĩa tộc người này trong thế đối kháng với dân tộc khác để tìm ra cái gì là bản chất nhất của mình. Như vậy cần phải giải cấu trúc, tìm cái gì hình thành nên cấu trúc ấy?

– Có căn tính Việt hay không? Nếu chúng ta nói người Việt là thế này là thế kia, thì người Mông, người Dao… rõ ràng thuộc về thực thể của đất nước Việt Nam, vậy tiếng nói và gương mặt của họ ở đâu? Đây là chính là diễn ngôn đại tự sự mà chúng ta cần phê phán. Chẳng hạn nói tà áo dài là vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, vậy người Dao, người Ê Đê, người Mông, người Ba Na… có biết tới tà áo dài ấy không? Rõ ràng tà áo dài ấy như một kiểu đại tự sự muốn bao trùm tất cả, muốn có một diễn ngôn thống nhất..

– Có một căn tính Việt tồn tại xuyên suốt, nhưng đấy là cái nhìn hiện tại, trong quá khứ người ta có nhìn như vậy không? Trải qua hàng nghìn năm tiếp biến, giao lưu văn hóa, người phương Bắc tràn xuống có sự pha trộn huyết thống, vậy liệu có thể tìm ra cái Việt thuần nhất hay không? Cái này là bất khả, và nó không có ý nghĩa trong thuật ngữ hiện đại. Trong một nền văn hóa của quốc gia bao giờ cũng có những bộ phận được cất lên những tiếng nói quyền uy. Đó là nơi phát xuất, minh xướng ra những diễn ngôn để khẳng định bản sắc cộng đồng. Nhưng trong một nền văn hóa bao giờ cũng có những dòng đối lưu. Phải quan tâm dòng đối lưu ấy, bởi đó là nơi tạo ra những động lực để thay đổi nhận thức của cộng đồng. Vậy đâu là tiếng nói chính thống? Nếu tiếp cận được vấn đề này sẽ phơi mở ra rất nhiều vấn đề khác, và giành được tiếng nói, tìm được gương mặt cho những cộng đồng lâu nay ở bên lề trong một thực thể,trong phạm vi quốc gia dân tộc.

PGS.TS. Đỗ Lai Thúy: – Theo tôi trong phần lớn các diễn ngôn chính trị, báo chí đã có sự nhầm lẫn giữa người Việt và người Việt Nam, hay tôi không loại trừ một sự cố ý đánh đồng nào đó. Nhưng trong giới khoa học có sự phân biệt rõ. Vì thế trong trình bày của tôi là căn tính tộc người Việt, chứ chưa bàn đến căn tính người Việt Nam nói chung.

– Sau nữa chúng ta không coi Việt như một thứ chủng tộc đặc biệt, mà như một tộc người, và nhằm mục đích khoa học, nên khi chúng ta đặt vấn đề nghiên cứu nó không ảnh hưởng đến dân tộc khác. Cho đến nay căn tính có nhiều cách tiếp cận, kể cả cách tiếp cận cấu trúc học. Ở Việt Nam, liệu đã có căn tính của người Việt Nam chưa? Với ý nghĩa rằng, trong đó nó có sự cố kết của cả 54 dân tộc? Và nếu có, nó sẽ giúp giải thích, là cơ sở để giải thích nhiều hiện tượng hôm nay. Thí dụ trong các hoạt động dự kiến cho tương lai dài hạn, Việt Nam thường không có chiến lược, còn chiến lược (mà ta gọi thế) chẳng qua là sự cộng lại của những sách lược. Vậy nên chúng ta cần tìm các cơ sở để giải thích hiện tượng đó, dù có thể không đúng hoàn toàn, nhưng chí ít nó là cơ sở để giải thích những cơ chế, những hiện tượng trong đời sống đời sống hôm nay.

TS. Phùng Ngọc Kiên: – Bàn về căn tính việt, có lẽ chúng ta cần phân cấp cách tiếp cận nó. Chúng ta sẽ nói về căn tính Việt trong từng trường hợp cụ thể, hay như một hằng số? Và khi nào nó là một hằng số, khi nào nó biến thiên? Căn tính việt là một khái niệm rất đa diện. Và cần nhìn nhận thái độ của người Việt với thế giới tinh thần như thế nào, qua đó chúng ta mới có thể miêu tả được những nét của căn tính Việt.

TS. Nguyễn Quang Hưng: – Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khi bàn luận tới căn tính của một cộng đồng, của một nền văn hóa, một quốc gia, luôn gây ra rất nhiều bàn cãi. Ở nước Đức người ta cũng tranh luận rất nhiều về chủ đề này, thậm trí kêu: Có thì sao? Không có thì sao? Nếu coi căn tính thuộc phạm trù văn hóa (theo một số thuyết của phương Tây, thì tôn giáo là hạt nhân của văn hóa), tôi sẽ tiếp cận nó từ hướng tôn giáo học, để trả lời câu hỏi: – Văn hóa Việt Nam có căn tính hay không?

Việt Nam chúng ta thuộc một trong những nước khó xác định căn tính văn hóa. Bởi nhiều lý do, nhưng dễ thấy nhất do chúng ta không nằm trong nền văn minh lớn, chúng ta nằm ngoài rìa, nằm giữa hai nền văn minh lớn là Trung Hoa và Ấn Độ. Nhiều nhà nghiên cứu xếp văn hóa chúng ta thuộc khối Đông Á, dù địa lý thuộc Đông Nam Á. Khó thứ hai, từ khoảng hơn thế kỷ nay nhân loại chứng kiến sự suy yếu của văn hóa Trung Hoa, và điều này cũng ảnh hưởng tới Việt Nam. Ba là, nếu các nền văn minh lớn dựa trên những tôn giáo chủ lưu, ví dụ như phương Tây là Ki Tô giáo, Ấn Độ là Hindu,… thì tôn giáo chủ lưu chúng ta chịu ảnh hưởng bản chất tôn giáo Trung Hoa.

Văn hóa và tôn giáo hiểu theo nghĩa rộng nhất, thì có bốn mô hình quan hệ: 1. Tôn giáo và văn hóa không liên quan gì với nhau. 2. Tôn giáo là văn hóa. 3. Tôn giáo là một thành tố của văn hóa. 4. Tôn giáo là hạt nhân của văn hóa. Tôi ủng hộ mô hình 4 (tôn giáo là hạt nhân của văn hóa). Tôn giáo chi phối hầu hết hành vi cuộc sống của người ta hàng ngày. Vậy để tìm căn tính Việt, đậm hơn là căn tính của văn hóa Việt, phải tìm trong tôn giáo. Thuyết này đúng ít nhất trong hai trường hợp: 1. Khi một nền văn hóa dựa trên nền tôn giáo chủ lưu. 2. Đối với tộc người ảnh hưởng nặng của tâm thức tôn giáo nguyên thủy.

Quay trở lại đề tài thảo luận, cần trả lời câu hỏi, vậy người Việt chúng ta có sùng tôn giáo hay không? Về mặt hình thức, nhiều người ngộ nhận chúng ta không sùng tôn giáo. Theo tôi không hẳn vậy, vì bệ đỡ của văn hóa Việt Nam vẫn dựa trên ba tôn giáo lớn là Khổng giáo, Phật giáo và các tôn giáo tín ngưỡng bản địa. Điều này đã làm cho chúng ta quá khó định nghĩa về căn tính Việt, nhưng tôi vẫn cho rằng nên đi tìm căn tính của văn hóa Việt Nam trong tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt Nam.

III. CĂN TÍNH VIỆT ĐANG VẬN HÀNH THẾ NÀO VÀ CÁC ĐIỀU KIỆN ĐỂ THAY ĐỔI CĂN TÍNH THEO HƯỚNG TÍCH CỰC?

TS. Phùng Ngọc Kiên: – Trong quan sát của tôi về người một số nhóm người Việt định cư ở nước ngoài, thấy họ vẫn giữ nguyên cấu trúc sinh sống của người Việt trong nước. Nghĩa là họ vẫn duy trì cách tổ chức nhà cửa, cách cưới xin, giỗ chạp, cách nấu các món ăn Việt trong những điều kiện có thể, mặc dầu họ ở vào một hoàn cảnh sống đã thay đổi hoàn toàn….

PGS. TS. Nguyễn Hồng Thục: – Căn tính Việt hình thành chủ yếu trong thời kỳ văn minh nông nghiệp. Thời kỳ rất dài và khá yên tĩnh, theo nghĩa không có các biến cố quá lớn để có thể đảo lộn, hay phá vỡ các mô hình định cư truyền thống của người Việt, như tổ chức sản xuất theo hộ gia đình, cư trú theo làng xã… Thông qua không gian ở, không gian sản xuất, không gian thương mại nhỏ, hệ thống dịch vụ công cộng… trong các làng xưa, có thể thấy những tập quán sống và văn hóa của người Việt. Tức những gì làm nên căn tính Việt.

Nhưng khoảng vài chục năm qua, khi kinh tế công nghiệp bắt đầu phổ biến ở Việt Nam, thì người nông dân buộc phải tiến ra đô thị, bởi các nguồn sống ở nông thôn không còn đủ. Người ta phải khai thác cái khác ngoài những hoa lợi thu được trên đất đai. Tình trạng bình quân khoảng hơn một triệu người nhập cư đô thị mỗi năm trong vài thập kỷ qua là chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử Việt Nam, phản ánh hiện thực này. Nôm na sự dịch chuyển ấy, với hầu hết dân số vốn sống ở nông thôn sang môi trường định cư đô thị, là sang một trạng thái văn minh khác (dù tự giác, hoặc không tự giác), văn minh công nghiệp, văn minh hậu công nghiệp. Cũng tức là căn tính Việt được sinh từ văn minh nông nghiệp, đang chịu những thử thách ghê gớm.

Căn tính thực ra là nội lực của một dân tộc. Nó có tính nhị nguyên, là nội lực nhưng cũng là cản trở, nhất là khi nhưng người mang căn tính đó lâm vào tình thế buộc phải thay đổi. Vì vậy theo tôi, chúng ta nên tập trung tìm xem nội lực của người Việt có khả năng chống chọi, vượt qua các thách thức để gia nhập nền kinh tế thị trường toàn cầu hóa hay không? Chúng ta đều biết sau văn minh công nghiệp thì tất cả tài nguyên cạn kiệt, do thế chính sách ở các quốc gia phát triển thời hậu công nghiệp đang hướng đến việc kích thích từng cá nhân con người sáng tạo, dùng đến từng bộ não, coi sức sáng tạo là tài nguyên. Chẳng hạn, muốn phát triển thị trường công nghệ cao trước hết phải giải phóng con người cá nhân đã. Nhưng dấu ấn con người cá nhân đã có những gì từ trong căn tính Việt?

TS. Nguyễn Mạnh Tiến: – Ngày nay người Việt vẫn luôn duy trì một đặc điểm trong cư trú, sinh hoạt của mình là có tính khép kín rất cao. Trong các nghiên cứu lớn nhất về Việt học cho thấy, người Việt dù đi đâu làm ăn, thì dường như sự ra đi đó là để để trở về. Ra đi nhưng cuối cùng họ vẫn quay về quê hương, dù họ đã rất thành đạt ở những vùng đất khác, quốc gia khác. Sự mong chờ ngày trở về được trù liệu bằng việc nhờ cậy người thân ở quê nhà giành mộ phần cho họ, giữ cho họ mảnh đất tổ tiên để lại… Đó là điểm khác biệt về căn tính so với nhiều tộc người khác

– Những tính chất khép kín được bảo lưu, tính chất quy hồi, tâm lý định cư nặng nề như vậy… trước giai đoạn toàn cầu hóa có những ưu điểm, do nó đã tạo ra sức mạnh cho những khối tự trị trong một xã hội tự cấp tự túc. Nhưng ngày nay toàn cầu hóa mạnh, thì nó lại trở thành sự ràng buộc rất nặng nề với người Việt. Nghĩa là làm cho họ khó bứt ra khỏi những quán tính quen thuộc để hòa nhập vào xu thế toàn cầu hóa.

– Quan sát các cuộc di dân đến một nơi nào đó ta có thể thấy, với quán tính của mình (nếu có thể được) một cách tự nhiên, họ bèn tái cấu trúc nơi ở mới như một làng quê cũ của họ. Bởi vậy mới có chuyện các đô thị của chúng ta, trong quá trình hình thành, luôn có nguy cơ bị tái cấu trúc thành các làng, từ đường ngang ngõ tắt, cách xây nhà manh mún… Đó là cách họ đem nguyên cái làng của mình ra đô thị. Sự ra đi của nông dân Việt là bất đắc dĩ do quỹ đất nông nghiệp đã hết, nhưng khi đến chỗ mới họ vẫn có thể tái cấu trúc cả không gian sống mới – thì đấy chính là căn tính người Việt..

– Nhưng bước vào thời hiện đại, các hoạt động xã hội chủ yếu thông qua thị trường, thì lập tức cái đó (tự cấp tự túc) vỡ ngay, bởi xã hội bây giờ cần sự phân công sản xuất. Người Việt không quen với nó, nhưng căn tính ấy vẫn là căn tính, khi dịch chuyển qua các khung phát triển của thời gian, cho ta thấy nó bộc lộ những ưu điểm và nhược điểm. Tức là để xác định căn tính ưu hay nhược, thì cần đặt vào trục thời gian, cần phải có tư duy lịch sử về căn tính.

– Căn tính của một tộc người luôn trong xu thế phát triển và đến một lúc nào đấy, hình ảnh mới sẽ định dạng và định nghĩa cho hình ảnh mới về căn tính. Căn tính Việt là câu chuyện phức tạp, lý thú… nên không chỉ người Việt miền Nam, người Việt miền Bắc, mà tôi thấy đến tất cả các tỉnh bây giờ cũng đều có nhu cầu tìm ra đặc trưng của mình.

PGS.TS. Đỗ Lai Thúy: – Sự bảo thủ của làng xã thì ta đã biết, một trong những nguyên nhân là nó mang đến tính chất cố kết giữa các thành viên với nhau, khiến trong số họ rất ít ai chịu thay đổi. Vai trò đất ruộng công là ví dụ (mọi thành viên của làng đều được chia ruộng, góp phần làm họ gắn bó chặt với cộng đồng) đã kìm giữ sự thay đổi của con người cá nhân nào đó, nếu anh ta muốn thay đổi. Và hiện nay chế độ ruộng công đó vẫn tiếp tục được áp dụng, làm cho cấu trúc của xã hội – dù đã là xã hội hiện đại – vẫn không khác xã hội phong kiến xưa là bao. Nói cách khác, điều kiện để con người cá nhân được giải phóng, sáng tạo cũng chưa xuất hiện.

Nhóm PV thực hiện

Nguồn: T.T.C. gửi cho Văn Việt

Comments are closed.