Kẻ Di Truyền Sách (kỳ 9)

Trần Vũ thực hiện

clip_image001

Tranh Terry Gilliam – The Man Who Killed Don Quixote

clip_image003

Trần Vũ: Chúng ta vừa bàn đến Siêu Thực mà Federico Garcia Lorca là tiếng thơ lớn của phái này, nên tôi muốn Ngu Yên giới thiệu những gì anh khám phá sau khi dịch gần 1400 trang thơ trong hai tập Tôi Học Được Bí Mật Của U SầuMộ Phần Tôi Ở Đâu của Lorca, mà anh vừa cho xuất bản.

Nhưng trước hết, vì sao các thi sĩ Việt không ai nhắc đến Horace và Homère, trong lúc đây là hai gương mặt chính đã ảnh hưởng sâu rộng lên thi ca Âu châu? Horace và Homère được trích dẫn thường xuyên trong văn học Pháp, thậm chí trong nhiều sách chiến tranh… Trong ký sự Phiêu lưu, Nhục nhã và Sa lầy, Lucien Bodard ghi lại giây phút Jean de Lattre xuất hiện: “Tôi chưa thấy một diễn viên nào bước ra sân khấu thành công như de Lattre ở Đông Dương. Lập tức sắm vai chính trong tấn tuồng bi kịch của Corneille – một Horace chưa luống tuổi và một đại tướng cũng đầy tàn khốc. De Lattre không diễn vai thù hận nhưng của kiêu ngạo. Giây khắc đầu tiên giẫm chân lên Đông Dương, de Lattre dành cho khinh bỉ, để chặt đứt hoàn toàn một quá khứ thảm bại, nhục nhã và tội tệ. Chưa ai biết, như de Lattre, biến nỗi yếm thế thành sức mạnh áp đảo. Khi ấy vua Jean sở hữu sự oai vệ ngạo mạn của một vương quyền.” [L’Enlissement, L’Humiliation, L’Aventure, Nxb L’Air Du Temps 1967]

Không duy nhất Tây nhắc đến Horace. Trong Nhật Ký Bá Linh, khi bị Cộng sản Nga vây hãm, để trốn thoát tuyệt vọng mỗi ngày một nhiều thêm lên dưới những thảm bom, Marta Hillers đã viết lên vách tường của căn chung cư mình sinh sống, những câu thơ La ngữ của Horace:

Si fractus illabatur orbis,
Impavidum ferient ruinae.


Vòm trời sẽ sập và những mảnh vụn sót lại,
đập vào con người không làm hắn ngạc nhiên.

(Une Femme à Berlin, Journal du 20 avril au 22 juin 1945, Nxb Gallimard, 2008)

Tôi biết đến Horace qua những trang sách chiến tranh ấy, vì Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa chỉ nhắc đến Jacques Prévert và Paul Valéry. Còn Homère, tên tuổi ông gắn liền với Ulysses. Phải hiểu là hai thánh tổ này không hề tác động đến thi ca Việt ngữ?

clip_image005Ngu Yên: Từ trước 75, đọc sách báo, tôi nhớ thường bắt gặp người viết nhắc về sử thi Odyssey của Homère (Homer). Thông thường, chỉ nhắc cốt truyện và ý nghĩa triết học về thân phận con người qua sử thi đó. Ít người dùng sử thi Lliad của ông. Càng ít người để ý đến Horace. Tôi nghĩ, các sinh viên Văn khoa về văn chương chắc phải học qua. Hai sử thi của Homère đã được dịch ra tiếng Việt, nhiều dịch giả khác nhau, hai bản đáng tin cậy, một của Đỗ Khánh Hoan, một của Hoàng Hữu Đản. Lại có dịch giả khác dịch sử thi bằng lục bát một cách tài tình. Theo tôi, bản chất lục bát có vần êm và nhịp cân phương. Trong khi sử thi chủ yếu diễn đạt ý nghĩa qua chiến tranh, máu lửa, tử vong. Tinh thần và thể xác của Lục Bát khó cưu mang. Cứ như một thiếu nữ Lục tỉnh rụt rè ra trước công chúng, vừa hò lơ vừa kể lại những trận chiến khủng khiếp ở Quảng Trị, Bình Long, Mậu Thân… Hai tác phẩm văn chương này không phải dễ dịch sang “văn hóa” Việt. Tôi đã từng thử dịch tác phẩm Nghệ Thuật Thi Ca (Ars Poetica) khoảng hơn 500 câu của Horace. Bản gốc La-tinh rất khó hiểu, theo nghĩa dịch làm sao cho người đọc có thể chia sẻ. Đã hơn ba năm, tôi vẫn chưa dịch ra bản Việt nào khả thể.

Những triết gia Hy Lạp như Plato, Aristotle… ca ngợi và diễn giảng tình tiết bên trong của sử thi. Nói về bi kịch của trí tuệ và phẩm hạnh của nhân vật chính. Sự phản kháng số mệnh và sai lầm của con người. Chính truyền thống triết lý này đã làm nhạt nhòa diện thẩm mỹ của thi ca. Hoặc nói một cách phê phán hơn, hai tác phẩm này có giá trị tư tưởng hơn là giá trị thơ. Trong khi tác phẩm Horace đạt sự cân bằng, tư tưởng sâu sắc và thơ mượt mà theo lối thơ “quí tộc” thịnh hành thời đó.

Người Việt có trích ý tưởng của Homère nhưng không sử dụng thơ của hai ông. Có lẽ vì không quen thuộc, có lẽ vì không cảm thích, có lẽ vì yêu thơ Việt hơn. Yêu Nguyễn Du hơn Homère và Horace. Thơ Kiều được trích dụng khắp nơi từ báo chí bình dân lên đến luận văn cao cấp. Đa số người đọc bình thường không biết Homère và Horace. Ít người cảm nhận được căn cước thơ của hai ông. Đọc thơ khó hơn đọc kinh. Đọc kinh, không cần hiểu, chỉ cần tin. Đọc thơ, nếu không hiểu, làm sao tin?

Là im lặng thuở tinh nguyên

Một vòng khủng khiếp luân phiên một vòng

Nơi tinh tú chạm số không

(Claro Del Rejloj. Đồng Hồ Ngưng Chạy. Lorca.)

Tập thơ dịch Tôi Học Được Bí mật Của U Sầu mà anh Vũ đang có là tập một. Cưu mang những bài thơ “Siêu Thực Lãng Mạn” của Lorca, thời chưa thay đổi. Lorca mê âm nhạc trước khi quen biết thi ca. Thơ của ông trong tập này, đặc thù là âm tiết, nhịp điệu của nhạc dân ca địa phương và nhạc Flamenco của Tây Ban Nha. Chính tôi cũng thất bại vì không thể dịch âm tiết và nhịp điệu này sang văn hóa Việt. Ví dụ, dân ca Việt hát: “Là đưa, ý a, đưa nàng. Đưa nàng, anh đưa nàng về dinh.” Câu này không khó dịch sang ngoại ngữ, nhưng làm sao dịch “ý a”, chất giọng luyến láy khiến cho người đọc, người nghe hưởng ứng, “đưa nàng”? Theo thể nhạc, ông viết bài Cueva (Hang Động.)

Từ hang động vang ra
tiếng nức nở rất lâu.
(Màu tím
trên màu đỏ)


Lãng tử kêu gọi
miền đất xa.
(Ngôi lầu cao
và người bí ẩn.)


Mắt hắn theo dõi
tiếng nói ấp úng.
(Màu đen
trên màu đỏ.)

[…]

Khó cho chúng ta chia sẻ bài thơ này, dù rất dễ hiểu, nhưng chúng ta không am tường nhạc dân ca địa phương, đành chỉ đọc cho biết. Cũng như Lorca cũng sẽ chỉ đọc cho biết: Xe chỉ (ố mấy kim bên) luồn kim (ố mấy kim bên) luồn kim, ngồi rồi… / Xe chỉ (ố mấy kim bên luồn kim) / Thêu ì vào tình chung tay áo tím í i song mấy ì i … / Gửi lên… gửi lên… chàng cho chàng (ù này sang, ù này sang, sáng ù ớ sê phàn sê lưu cộng tình thương, ố chàng) gửi lên cho chàng… (Xe Chỉ Luồn Kim. Dân ca Quan Họ.)

Lorca là một trong vài nhà thơ tiền phong của Châu Mỹ La-tinh, đương thời chống đối những luật lệ hà khắc của tôn giáo đang ngự trị, chuyên chế tại các xứ sở này. Bênh vực việc giải phóng quyền phụ nữ, ông viết:

[…]

Tiết trinh che bởi váy đầm

Tiết trinh ấp ủ âm thầm cô đơn

nở tuyệt vời

Uất Kim Hương.

Cởi thuyền ánh sáng dặm trường

em đi

theo triều cường phố

cao kỳ,

giữa đời ám tiễn lạ gì ngàn tên

thấy chùm sao thủy tinh lên.

Em đi trinh tiết công kênh

váy đầm.

về đường sông nước mù tăm

mai kia ra biển than thầm đại dương!

(Bước chân.)

Phản đối tôn giáo, ông viết bài La Softera En Misa (Phụ Nữ Độc Thân Xem Lễ).

Trong hương trầm Môi-Sen

em hôn mê.

Ống nhắm đã nhìn em

chuỗi mân côi chảy nước.

Sâu trong áo lụa,

đừng nhúc nhích, Virginia.

Cho dưa hấu sậm trên ngực em

lan truyền tin thánh lễ.

Tập thứ hai Mộ Phần Tôi Ở Đâu? bắt đầu khí hậu âm u, xám dần vào chạng vạng. Ngôn ngữ và tứ thơ của Lorca có khuynh hướng va chạm mỹ thuật của sự chết. Nhất là khi ông sang ở New York. Cảm nhận được sự thống khổ, bạo loạn của dân da đen qua nhạc Blues, nhạc Jazz. Thơ của ông chuyển hướng: Khắc khoải, đen tối, bất thường và mang nhịp điệu nhạc Phi châu vào thơ. Chẳng những ông sử dụng lối sáng tác tự động của Siêu Thực, mà còn đưa vào tinh thần ứng biến, ngẫu hứng của nhạc Jazz. Ông viết:

Với chiếc muỗng gỗ
ông múc mắt con cá sấu,
rồi đánh bầy khỉ vào mông.
Với chiếc muỗng gỗ.


Lửa muôn đời ngủ trong đá lửa
Bầy bọ hung uống rượu say sưa
quên mất rong rêu trong làng xóm.


Ông lão giấu mình trong đám nấm
đến nơi người da đen khóc than
trong khi vua muỗng nhịp lắc cắc
và thùng nước dơ chở đến nơi.


Hoa hồng chạy trốn dọc theo lề
khúc quanh cuối cùng trong không gian,
trên một mô đất đầy hoa Nghệ
bầy trẻ vây bắt đám sóc con
mặt bừng bừng say mê ác khí.


Phải băng qua cầu
mới gặp người da đen nhiều chuyện
để mùi hương từ phổi họ
có thể chạm vào trán ta
hâm hấp thơm mùi dứa.

[…]

[Oda Al Rey de Harlem. Bài Ngợi Ca Vua Harlem.]

Phải đọc bài thơ này, ngập ngừng. ngúc ngắc. như điệu Jazz, dĩ nhiên trong tiếng Spanish, mới cảm được tâm sự của Lorca. Có một liên tưởng vô hình nào đó giữa mô hình Harlem và quê hương ông dưới chế độ độc tài của thủ tướng Miguel Primo de Rivera. Tình cảnh xã hội da đen nghèo nàn, đốn mạt, tội ác trong khu Harlem, giữa phố thị New York lộng lẫy văn minh, cạnh trung tâm tài chánh phố Wall, là hai thái cực, như tầng lớp nghèo đói ở vùng quê miền nam của Lorca dưới chế độ quí tộc thượng lưu xa hoa lúc đương thời (1928-1929). Lorca là một tâm hồn thơ phóng túng, thẩm thấu âm nhạc quê hương, đưa nhạc vào thơ, đòi hỏi một loại siêu cảm nhận (metacognition). Với khả năng này, ông nắm bắt tinh yếu “tùy hứng sáng tạo” và ” sáng tác tức thời” của nhạc jazz, đưa vào thơ trong tập Thi Sĩ ở New York.

Tình yêu là một trong chủ đề lớn của Lorca. Trong hai tập thơ cuối cùng: Tổ Hợp Thơ Cho Tamarit (Diván del Tamarit, 1934) và Tiểu Khúc Tình Yêu U uất (Los Amores Oscuros), viết dở chừng trước khi bị bắt trên đường đi và bị xử bắn bởi lệnh của nhà chức trách quân đội thiên hữu ở Granada. (Theo tài liệu mới nhất đăng trên The Telegraph ngày 23 tháng 4 năm 2015.) Lorca đã hài hòa được nhạc quê hương và nhạc da đen, đã hài hòa được tứ thơ Siêu Thực lãng mạn và Siêu Thực ám ảnh u uất. Nói một cách khác, cấu trúc của nhạc quê hương theo qui luật truyền thống, cấu trúc của nhạc Jazz theo cảm hứng ngẫu nhiên, hòa nhập vào thể thơ truyền thống như Casida, Gacela, Sonnet, với những bước đi của âm điệu ngôn ngữ ra ngoài giới hạn. Những tứ thơ khốc liệt, những hình ảnh mạnh bạo trong Thi Sĩ Ở New York được bình tâm hóa, trở nên u uẩn, ảm đạm. Chúng ta cảm nhận được sự đằm thắm sau một cơn nổi loạn.

Không ai hiểu được mùi hương

từ bụng em thơm Mộc Lan huyền hoặc.

Không ai biết được nỗi khổ tâm

em ngậm tình yêu như chim hút mật .

Ngàn con ngựa Ba Tư thiếp ngủ

trên trán em như trăng sáng quảng trường,

suốt bốn đêm ôm ấp lưng eo

ấm áp chống hàn băng tuyết lạnh.

Giữa thạch cao và hoa Lài, liếc mắt

cành kết hột xanh xao.

Tìm trong tim tôi dâng tặng em

những mẫu tự ngà, viết rằng “mãi mãi”,

Mãi mãi, mãi mãi, khu vườn sầu đau

thân thể em trốn lìa xa mãi mãi,

huyết mạch em chảy trên môi tôi,

còn môi em mịt mờ đưa tôi vào cõi chết.

[Gacela del Amor Imprevisto. Gacela Mối Tình Bất Ngờ.]

clip_image007Đọc thơ Lorca không chỉ thưởng thức tứ thơ và căn cước sáng tạo của ông. Còn đọc được tiến trình của một thi sĩ phải trải qua, phải thay đổi, phải lột xác, phải tìm thấy chất giọng riêng của mình. Hành trình này, không phải nhà thơ nào cũng có thể dấn thân, không phải nhà thơ nào cũng ý thức. Đa số nhà thơ Việt thường dừng chân bên đường, nghỉ lại rồi nghỉ luôn. Có thể vì mệt mỏi, có thể vì sự tung hô không nở bỏ đi, có thể vì hết sức.

Năm 1927-28 khi tập thơ Primer Romancero Gitano, Tình Ca Du Mục Gypsy, phát hành. Ông đã trở thành nhà thơ của công chúng. Người ta đọc thơ ông khắp nơi. Ở những vùng thôn quê, họ đốt đèn tụ tập, nghe đọc thơ, như đi xem hội. Danh tiếng của ông nổi như sóng dậy. Những bài thơ kể chuyện thần thoại, chuyện huyền thoại, chuyện tình dân gian, đã phổ biến và đi sâu vào tình tự quê hương. Salvador Dalí, người bạn thân thiết của ông, đã công khai chỉ trích tập thơ này như một sự về nguồn, thối lui của một nhà thơ tiền phong lạnh chân. Chuyện này đã làm sứt mẻ tình bạn, kéo dài cho đến cuối đời. Dalí lúc đó chưa hiểu nguyên tắc chung của tiến hóa, cũng không hiểu quy tắc parabol của tưởng tượng. Đây chỉ là lúc ngưng nghỉ, phản hồi những quá độ của Siêu Thực Lãng Mạn. Ông trở về với thể thơ kể chuyện của dân gian. Trong lúc danh tiếng lẫy lừng, Lorca hoảng sợ đã bỏ trốn. Chạy qua sống ở New York. Nơi đây, ông hầu như vô danh, tự do lột xác. Và tác phẩm thời danh Thi Sĩ Ở New York ra đời. Một thay đổi lớn của Lorca. Một thay đổi mới cho dòng thơ Tây Ban Nha. Một bài học cho tiến trình thi sĩ. Có bao nhiêu nhà thơ Việt đang được hoan hô mà bỏ chạy? Nếu Lorca không chết sớm, chúng ta sẽ được thưởng thức hành trình vào đoạn cuối của cậu bé câm đi tìm tiếng nói:

Cậu bé đi tìm tiếng nói của mình

(Vua loài dế cất giữ)

Theo giọt nước rơi

cậu bé tìm kiếm giọng nói.

Tôi không dùng tiếng nói để phát thanh,

Tôi sẽ quấn âm thanh thành chiếc nhẫn

cho câm lặng bản thân

mang vào ngón tay nhỏ.

Theo giọt nước rơi

Cậu bé tìm kiếm cho mình giọng nói.

(Giọng nói bị giam cầm

trên cánh dế rất xa.)

[El Nono Mudo. Cậu Bé Câm.]

Thơ của Lorca bị ngăn cấm dưới thời Francoist Spain, do nhà độc tài Francisco Franco Bahamonde cai trị từ 1939-1975, vì họ cho rằng ông thuộc vào phe chính trị đối lập. Lý do tiềm ẩn hơn, có lẽ vì ông đồng tính luyến ái. Thơ của Lora có thể đả phá tệ đoan xã hội, có thể ủng hộ thể chế tự do, nhưng Lorca không bao giờ có thể là chính trị gia. Thời Hậu-Franco (Post-Franco) người ta đã khôi phục địa vị hàng đầu của ông trong thi ca Tây Ban Nha và xây cất đài tưởng niệm nơi ông bị xử bắn.

Đọc thơ dịch đã khó. Đọc thơ Siêu Thực dịch lại càng khó hơn.

Hầu hết người đọc có thể đồng ý với nhau, đọc thơ dịch khó hấp dẫn. Thông thường cảm thấy dở. Nếu người ta ca tụng tài thơ của tác giả, thì nhất định “dở” là lỗi tại dịch giả. “Bản sắc của thơ dịch như ông Terry Teachout đã chỉ ra: ‘Không có bản dịch nào có thể đạt sự hoàn hảo. Mỗi văn bản dịch và mỗi phương pháp dịch là lối đi khác nhau lên ngọn núi, và chưa bao giờ có ai leo đến đỉnh.’ Có nghĩa, đọc thơ dịch là đọc bài thơ không hoàn hảo. Đã không hoàn hảo thì không đạt được hiệu quả tối đa. Chỉ có thể chấp nhận hiệu quả tương đối. Sự tương đối có ý nghĩa: Dịch thuật như một phụ nữ. Nếu là mỹ nhân, sẽ khó có thể tin cậy. Nếu có thể tin cậy, nhan sắc sẽ tầm thường. (Ý của Yegeny Yevtushenko.)

Những bài thơ được xem là di sản văn chương của nhân loại, những bài thơ nổi tiếng được sưu tập như bảo ngọc đưa vào văn học thế giới, những bài thơ lãnh giải Nobel, hoặc những giải văn chương lớn, khi được dịch ra tiếng ngoại, kể cả tiếng Việt, dường như đa số người đọc không thỏa mãn. Những gì báo chí, sách vở khen ngợi, dường như không thể hiện một cách thỏa đáng trong văn bản dịch. Độc giả nghi ngờ khả năng dịch giả, thậm chí nghi ngờ khả năng đánh giá của các cơ quan giám định giải thưởng. Tại sao?

Những gì thất lạc trong một bản dịch đúng hoặc xuất sắc là những gì hay nhất [của văn bản gốc] (Karl Wilhelm Friedrich Schlegel.) Như vậy, khó tìm thấy những gì hay nhất của văn bản chính, chỉ có thể gặt hái những gì hay ở cấp bậc thấp hơn. Nhưng thơ khác với văn xuôi, chính những gì hay nhất mới tạo ra giá trị của bài thơ. Vì vậy, đọc thơ dịch, chưa kể khả năng của người dịch, đã có vấn đề thất vọng từ căn bản.” (Trích Đọc Thơ Dịch trong Tập Một.)

Thơ Siêu Thực trong bản gốc đọc đã khó hiểu. Sang bản dịch còn khó hiểu hơn và nhiều lầm lẫn. Lý do. Vì thơ Siêu Thực được sáng tác theo quan niệm và học thuật khác với sáng tác thơ truyền thống. “Sáng tác tự động là sáng tác vào lúc tác giả say mê, chập chờn giữa thức và mơ. Lúc ra lúc vào trong chìm ngập hình ảnh chữ nghĩa ý tưởng cảm xúc. Lúc vào cơn say cạn, lúc vào cơn say sâu. Trạng thái chập chờn cho phép ý thức đóng một vai trò “thông dịch” những hỗn loạn, phi lý, vô nghĩa từ vô thức đưa ra trong những lúc chìm vào chiêm bao mà vẫn thức.

Những gì từ vô thức chuyển ra được ý thức thông dịch vào câu cú. Thông dịch có nghĩa là làm cho tác giả hiểu được mà không sai ý, trật nghĩa của vô thức. Dù thông dịch giỏi cách mấy cũng vô phương diễn đạt những điều “thần bí” của vô thức. Do đó, văn chương Siêu Thực rất khó hiểu, khó cảm nhưng không phải là hoàn toàn không thể hiểu, không thể cảm.

Trong những lối sáng tác khác, thông thường ý thức giữa vai trò chủ yếu. Ý thức hướng dẫn và dàn dựng. Cho dù cảm xúc tuông trào, chữ nghĩa vẫn theo một lề lối sẵn có. Nhất là hình ảnh, ý tứ được ý thức trình bày để tác giả tự nhận thức được. Từ đó viết ra và người đọc sẽ hiểu được và sẽ cảm được.” (Trích Cơ Cấu và Sinh hoạt trong thơ Lorca. Tập hai.)

[…]

Thời khô hạn,

bông lúa mọc trong mắt, con mèo bị cán mỏng,

thời đại khủng hoảng, những chiếc cầu rét rỉ

và niềm chết lặng của nút chai.

Thú vật chết bầy bầy chất đống

bởi ánh sáng như lưỡi gươm đâm qua.

Niềm vui vô tận đàn hà mã với chân hai móng đầy tro

và đàn linh dương có hoa cúc trường sinh mọc trong cổ.

Trong héo úa, cô đơn im lìm,

chiếc mặt nạ méo mó nhảy múa.

[…]

(Danza de la Muerte, Nhảy Múa với Nỗi Chết.)

Sáng tác khó, đưa đến việc đọc thơ khó. Người đọc thơ Siêu Thực cần kiên nhẫn và thả lỏng tâm trí ra khỏi những quy định thường hằng, những ý nghĩa quen thuộc, để từ từ chất siêu thực thành hình. Thơ Siêu Thực là thơ “Thấm và Thấu”, cần thời gian để tiêu thụ. “Về khuynh hướng siêu thực trong thơ Lorca, cũng như Siêu Thực nói chung, nhà phê bình Carlos Bousofio giải thích qua ba giai đoạn:

1- Giai đoạn đầu, nhà thơ trình bày những điều, người đọc thoạt nhìn, cảm thấy phi lý hoặc ý nghĩa bất bình thường. Về ý thức văn chương, chỉ là những tượng trưng.

2- Giai đoạn thứ hai, người đọc kinh nghiệm khoảng cách hoặc sự đứt đoạn của luận lý giữa những điều trình bày với ý nghĩa thơ cưu mang bên trong.

3- Sau cùng, người đọc nhận thức được ký hiệu thể hiện của cả hai: tứ thơ và ý nghĩa. Người đọc phải giải thoát ngôn ngữ và hình ảnh ra khỏi những lề lối thông dụng, để những liên kết ý nghĩa được tự do và mở rộng. Về sau, Giải Cấu Trúc xác nhận bản chất tùy tiện của ngôn ngữ, có thể phủ định bất kỳ ý nghĩa cố định nào của nó.

Về hình ảnh siêu thực, điều mà người đọc thường xuyên gặp gỡ và bỡ ngỡ vì sự thiếu luận lý của nó. Những hình ảnh này nằm kề bên nhau, liên tục, nhưng thiếu sự kết hợp rõ ràng, hợp lý. Thay vào đó, ý nghĩa của nó đến từ sự liên hệ giữa các yếu tố ngôn ngữ và sự dàn trải của thi sĩ. Bằng cách sử dụng những học thuật của chủ nghĩa Siêu Thực, trong Primer Romancero Gitano, Lorca đã thoát ra phạm vi của Hiện Thực và lập luận truyền thống của thi ca.” (Trích Giới Thiệu Tình Ca Du Mục. Tập Hai.) Thơ của Lorca sâu thẳm, không phải vì tư tưởng to tát, mà vì những suy tư đưa đến cảm nhận được tinh ròng của đau khổ. Sự bạc đãi tài năng vì ông là người đồng tính, bị xã hội đương thời kết án. Nhưng chính sự đồng tính này đã nẩy sinh tài hoa. Một tâm hồn lãng mạn, thẩm thấu tận cùng khổ hạnh đã thốt lên:

[…]

Hãy phủ khăn lên mặt tôi lúc bình minh

vì mặt trời sẽ ném xuống một nắm kiến lửa

hãy tẩm nước tốt lên giày tôi thật ướt

cho nắng bò cạp nhe càng trơn trợt qua.

Tôi xin ngủ giấc chiêm bao trái táo

học bài điếu ca tẩy sạch đất trên thân

Tôi xin sống với đứa bé âm phủ

mơ moi tim mình để thả vào đại dương.

(Gacela de La Muerte Oscura. Gacela Cõi Chết Tối Tăm.)

Đó là một số điều tôi học được từ Lorca.

(Còn tiếp)

(*) Tranh Jérôme Oudot-Trez và Alecjandro D’Marco.

(**) Áp phích phim Little Ashes về Federico Garcia Lorca và Salvador Dalí.

Thư mục bộ sách Ý thức Sáng tác của Ngu Yên

Trên Kệ Sách Amazon: Amazon.com. Search: Gõ vào tựa đề sách, không dùng dấu. Type in the title.

1. “Ý Thức về Dịch Thuật”. Biên khảo về dịch thuật, dịch thơ.

2. “Độc Quạnh” Thơ. Từ giã dòng thơ cũ.

3. “Tôi Không Biết”. Tập 1 &2. Giới thiệu, nhận định, dịch toàn bộ thơ Wislawa Szymborska. Nobel 1996.

4. “Học Thuyết Truyện Ngắn Hiện Đại”. Cuốn 1 của bộ sách Ý Thức Sáng Tác Truyện.

5. “Học Thuật Truyện Ngắn Hiện Đại”. Cuốn 2 của bộ sách Ý Thức Sáng Tác Truyện.

6. “Văn Học Truyện Hậu Hiện Đại”. Cuốn 3 của bộ sách Ý Thức Sáng Tác Truyện.

7. “Văn Học Truyện Đương Đại”. Cuốn 4 của bộ sách Ý Thức Sáng Tác Truyện.  (Chưa phát hành)

8. “Ý Thức Sáng Tác Truyện Ngắn Hiện Đại”. Bộ 1.

“Ý Thức Sáng tác Truyện Hậu Hiện Đại và Đương Đại.” Bộ 2. (Chưa phát hành.)

9.  “Tôi Học Được Bí Mật Của U sầu. Tập 1.  Thơ Federico Garcia Lorca.” Tái tác và tái bản.

“Mộ Phần Tôi Ở Đâu?. Tập 2.  Thơ Federico Garcia Lorca.” Tái tác và tái bản.

https://www.amazon.com/s/ref=sr_st_date-desc-rank?rh=n%3A283155%2Cp_27%3ANgu+Yen&qid=1514468153&sort=date-desc-rank

Comments are closed.