Đỗ Duy Ngọc
SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ BẢY MƯƠI BỐN
LAN MAN LẮM CHUYỆN 4
Buổi sáng còn ngủ nướng thì nghe chó sủa rần rần, chạy ra balcon nhìn xuống thấy một đoàn y tế đang đến phố chọc mũi. Xế trưa thì nghe khách sạn cách nhà ba căn đã phát hiện một F0, dây đã giăng cách ly tạo chỗ. Xem như chọc mũi cả dãy phố chỉ bóc được một con F0, không biết tốn bao nhiêu tiền cho bữa chọc ngoáy này. Khu này từ hổm rày được xem như là khu xanh mà, hai đầu vẫn giăng dây và kẽm gai gọi là bảo vệ vùng xanh, người ngoài không được vào, người ra phải có giấy. Đọc báo thấy có tin Doanh nghiệp tự mua kit test của Việt Nam được Bộ Y tế công nhận có giá từ 120.000 – 150.000 đồng một kit. Theo ghi nhận của báo giá test nhanh tại các cơ sở y tế tư nhân trên dao động từ 180.000 – 350.000 đồng/người, tùy thuộc vào loại kit test. Trong đó kit test của từng nước sản xuất, chẳng hạn Việt Nam: 180.000 đồng, Hàn Quốc: 280.000 – 300.000 đồng, Nhật Bản: 350.000 đồng. Tính ra thì mỗi nơi mỗi giá, chẳng có một giá thống nhất nào cả. Hiện nay, giá dịch vụ thường khi xét nghiệm test nhanh theo yêu cầu từ 238.000 – 350.000 đồng/mẫu và 734.000 đồng/mẫu đối với xét nghiệm PCR. Còn tại các bệnh viện tư nhân, xét nghiệm sinh học phân tử PCR có giá từ 1.500.000 – 4.000.000 đồng/mẫu tùy bệnh viện. Với giá lung tung như vậy, nhưng ngồi tính giá thấp nhất đi nữa thì khi ngoáy mũi ở khu phố tui ở như hôm nay tốn cũng khá bộn, nhưng rồi chỉ phát hiện có một F0. Tính ra như thế thì phí tiền quá! À, mà nghe mấy lãnh đạo từ trung ương đến địa phương đã bảo là sống chung với virus rồi, mà sao cứ xét nghiệm tùm lum mãi thế. Tui không phải dân chuyên môn về y khoa nhưng tui nghĩ chỉ nên tập trung xét nghiệm những khu vực có nguy cơ hoặc các đối tượng lớn tuổi có bệnh nền vì những người này nếu nhiễm bệnh dễ đưa đến tình trạng nặng. Còn lại, thành phố đã báo cáo chích mũi 1 gần như 100% và 80% người nhiễm đều là ít nguy hiểm, có thể tự chữa ở nhà. Thế thì sao cứ xét nghiệm trên diện rộng làm chi cho tốn tiền mất công vậy? Nói “sống chung với virus”, sao vẫn tung cả đống tiền tìm diệt F0? Khó hiểu thật. Phen này công ty nào chuyên cung cấp kit tha hồ mà kiếm bạc. Ông Vương Đình Huệ đã từng phát biểu là một kit test tương đương tiền mua một liều vaccine. Thế dùng tiền đấy mà mua vaccine không tốt hơn sao? Việt Nam đang cần vaccine lắm mà.
Mới đây, lãnh đạo thành phố kiến nghị Chính phủ phân bổ thêm vaccine. Theo đó, để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh và từng bước mở cửa lại nền kinh tế, Ban chỉ đạo Phòng chống, dịch TPHCM kiến nghị Chính phủ quan tâm phân bổ kịp thời và đầy đủ vaccine, thuốc điều trị cho thành phố và toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bởi muốn giảm giãn cách, sớm mở cửa thì yếu tố hàng đầu là phải tiêm đủ vaccine trong cộng đồng. Hiện nay số người tiêm đủ 2 mũi ở thành phố mới chỉ được 2.006.981 người, tức 20%. Con số còn thấp quá mà hết thuốc rồi, có muốn tiêm cũng chẳng có thuốc, kể cả thuốc Sinopharm. Oái ăm thế chứ. Giờ nhiều người quan niệm thôi thì có gì chích nấy, nhưng lỡ mũi 1 là thuốc Mỹ, thuốc Anh rồi, không thể mũi 2 chích thuốc Tàu. Mà lắm khi chuyện này cũng có thể lắm à nghen. Đến lúc cần thì lãnh đạo bảo được, báo chí cũng được lệnh bảo được thì dân cũng phải chịu thôi, biết làm sao?
Trong khi các nước nghèo, trong đó có Việt Nam đang thiếu vaccine thì Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown cảnh báo, hơn 100 triệu liều vaccine có thể sẽ hết hạn và bị vứt bỏ vào tháng 12 tới đây nếu chúng không được chia sẻ cho các nước nghèo.
“Chúng ta cần một kế hoạch phân phối vaccine ‘sử dụng ngay bây giờ’ để ngăn ngừa thảm họa lãng phí vaccine vì hết hạn sử dụng. Thật không thể tưởng tượng được và đó là vô lương tâm khi 100 triệu liều vaccine sẽ bị các nước giàu vứt bỏ trong khi người dân các nước nghèo lại phải trả giá cho sự lãng phí vaccine này bằng mạng sống”, ông Brown cho biết hôm 19/9.
Cựu Thủ tướng Anh cho biết, việc Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo EU không có kế hoạch về phân phối liều vaccine dự phòng sẽ đồng nghĩa với việc thế giới đang phải đối mặt với “thảm họa lãng phí vaccine”.
WHO cũng cảnh báo, nếu không cung cấp vaccine cho các nước chậm phát triển, đặc biệt là các nước châu Phi, thế giới sẽ trở về vạch xuất phát của đại dịch. Thành phố ta cũng thế thôi, nếu mở cửa mà thiếu vaccine, chúng ta cũng sẽ trở về vạch xuất phát. Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên: “Đến lúc TP phải tính đến mức độ giãn cách đảm bảo độ an toàn. “TP không thể không mở cửa lúc này” ông Nên đã khẳng định như thế. Bởi không sớm mở cửa thì doanh nghiệp chết, kinh tế sụp đổ, dân đói. Theo tính toán GDP của thành phố ước tính sẽ âm 2,8%, trong khi những năm trước đó là tăng khoảng 7 đến 8%. Nếu tiếp tục chống dịch kiểu này thì tốc độ tăng trưởng GDP so với GDP tiềm năng của thành phố giảm khoảng 80-90%. Mở cửa là giải pháp sống còn của thành phố, nhưng khổ thay lại chưa đạt những tiêu chí quy định của Bộ Y tế, lại chưa mạnh dạn và còn lắm điều khiến lãnh đạo rụt rè. Nếu đã mở thì mở hẳn chứ mở ra rồi đóng lại là sụp luôn, không cách gì cứu vãn. Kiểu đó giết chết cả nền kinh tế lẫn lòng tin của nhân dân.
Giãn cách quá lâu, dân đang đói. Đã có biết bao tiếng kêu than gián tiếp hay trực tiếp trên livestream với lãnh đạo thành phố. Các tổ chức từ thiện và thiện nguyện đang vắng dần, các gói an sinh và trợ cấp cũng đã dùng hết. Thành phố dự kiến chi hơn 7.000 tỷ để hỗ trợ 7,3 triệu dân gặp khó khăn đợt
2. Theo Phó chủ tịch Võ Văn Hoan, số lượng hỗ trợ dự kiến là hơn 7,3 triệu người, không phân biệt thường trú, tạm trú, lưu trú. Mức hỗ trợ dự kiến là 1 triệu đồng/người. Ông Hoan cũng lưu ý về nguyên tắc mới của gói hỗ trợ này là cả cán bộ nhà nước cũng như người dân không được lợi dụng gói này để trục lợi. Nhắc là nên nhắc cán bộ thôi, cái đám này mới có cơ hội để kiếm lợi chứ dân đen có quyền chi mà trục ông ơi!
Nhưng qua hết đợt này rồi sao nữa? Chắc ngân sách thành phố cũng sẽ cạn mà người nghèo, người thất nghiệp, người thiếu đói vẫn còn đó, cuộc sống của họ sẽ tiếp tục thế nào khi nền kinh tế chắc còn lâu mới phục hồi và khởi sắc.
Người bán hàng rong thì cụt vốn rồi, người buôn bán nhỏ, các cửa hàng, quán tiệm thì đã bị lấy lại mặt bằng hoặc trả mặt bằng, dựng lại cũng không dễ. Người lao động thì kiếm việc làm lại cũng lắm khó khăn. An ninh, trật tự xã hội rồi đây sẽ lắm chuyện vì trộm cướp, lừa đảo, ăn xin sẽ nhiều hơn.
Vừa rồi khi cho phép mở lại chợ Bình Điền, hàng tấn thủy hải sản được thương nhân trữ tại chợ bị hư hỏng phải đổ bỏ do tủ đông trữ hàng bị mất điện. Thương nhân cho rằng chợ không làm hết trách nhiệm trong việc bảo vệ, giám sát hàng hóa nên yêu cầu bồi thường. Hư hỏng hàng trăm triệu đồng, buôn bán lại cũng không biết kiếm vốn ở đâu. Nhiều tiểu thương ở các chợ cũng phát hiện hàng hoá hư hỏng, ẩm mốc rất nhiều. Lại có tin, Trung Quốc thông báo tạm dừng thông quan nhập khẩu quả thanh long từ Việt Nam trong thời gian 7 ngày do phát hiện virus trên bao bì mặt hàng này. Lắm chuyện để lo.
Việc có virus trên bao bì cũng là điều đáng sợ. Hiện nay người tiêu dùng toàn mua hàng online, qua bao nhiêu người mới được đến tay, nguy cơ lây nhiễm là rất lớn. Vì vậy, để bảo vệ sức khoẻ bản thân, nhiều người đã không ngừng nâng cao cảnh giác, nhận hàng là khử khuẩn ngay.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều trường hợp, việc phun khử khuẩn lên đồ ăn, thức uống ngay khi vừa nhận đồ từ bên ngoài không đúng lại gây hại cho sức khoẻ. Theo Hướng dẫn chăm sóc người mắc virus tại nhà của Bộ Y tế, trong đó khuyến cáo mọi người khi mở gói hàng tại nhà, tuyệt đối không phun chất khử trùng dùng cho khử khuẩn quần áo lên thực phẩm, kể cả là ở mặt ngoài. Thậm chí, việc sử dụng các sản phẩm tẩy rửa hoặc khử khuẩn cho thực phẩm cũng là điều không nên.
Thay vào đó, để đảm bảo an toàn, mọi người nên làm theo những cách do trang UNICEF Việt Nam đăng tải dưới đây:
– Loại bỏ mọi bao bì không cần thiết và bỏ vào thùng rác
có nắp đậy.
– Lấy thực phẩm ra khỏi hộp đựng mang đi, đặt lên đĩa sạch và vứt bỏ hộp đựng.
– Bao bì như lon có thể được lau sạch bằng chất khử trùng trước khi mở hoặc cất giữ.
– Rửa kỹ các sản phẩm không đóng gói, chẳng hạn như trái cây và rau quả dưới vòi nước.
– Rửa tay bằng xà phòng và nước, hoặc sử dụng chất tẩy rửa tay có cồn ngay sau đó.
– Rửa tay thật sạch bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây trước khi chế biến bất kỳ loại thực phẩm nào. Lặp lại điều này trước khi ăn.
– Nấu thức ăn ở nhiệt độ sao cho đúng tiêu chí “ăn chín uống sôi”.
Hôm nay là 14.8 âm lịch, một mùa Trung thu hiu hắt và lặng lẽ. Phố lồng đèn ở Quận 5 đóng cửa, phố xá vắng không một quầy bán bánh. Người ta lại nhìn thấy những chiếc lồng đèn bằng lon bia, lon sữa bò do các ông bố rảnh việc ngồi làm cho con. Những chiếc lồng đèn của một thời xa xưa, lâu lắm mới nhìn thấy lại chạy rổn rảng trên những con ngõ nhỏ vẫn còn giăng dây. Một Tết Trung thu khó mà quên.
20.9.2021
SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ BẢY MƯƠI LĂM
LAN MAN LẮM CHUYỆN 5
Hôm nay là Trung thu. Có lẽ là một cái Tết Trung thu buồn nhất ở đất Sài Gòn. Phố không đèn hoa, quầy bánh. Những ngõ nhỏ, những hẻm sâu nhà nhà khép cửa, đầu xóm dây vẫn giăng, kẽm gai vẫn kéo. Những đứa trẻ ngồi buồn, người lớn nằm lo. Trung thu năm nào thành phố này cũng có mưa, Sài Gòn khó mà được ngắm trăng rằm đêm thu. Nhưng mùa dịch này, còn được đông đủ cả nhà, còn được ngồi xem ti vi, còn được nghe tiếng cười của cháu con dù trong bụng đang lắm điều lo cũng là hạnh phúc rồi. Ngoài kia biết bao đứa trẻ đón Trung thu khi chẳng còn cha mẹ, ông bà. Biết bao bà mẹ, ông bố đang ở tuyến đầu chống dịch chưa được về với con. Và còn bao nhiêu bệnh nhân đang ở ranh giới sinh tử trong cơn dịch bệnh. Biết bao gia đình đêm Trung thu thắp nén nhang trên bàn thờ có thêm mấy hũ cốt.
Người có gia đình đang được bình yên trong đại dịch là hạnh phúc, dù Trung thu héo hắt, lặng lẽ đang đến và đi qua, để lại một kỷ niệm buồn khó quên.
Giờ đây viết gì trên Facebook cũng thấy lo lo không biết có bị khoá không? Vì nghe tin nhiều tài khoản Facebook Việt Nam bị ‘xóa sổ’ trong rạng sáng 21.9. Facebook mở đợt truy quét quyết liệt, dù chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng một số chuyên gia ước tính có thể lên tới hàng chục nghìn tài khoản Facebook đã bị vô hiệu hóa. Đây là đợt truy quét không báo trước của mạng xã hội này. Khác với lần gần nhất được xác định do liên quan đến việc chia sẻ video đồi trụy trẻ em, đợt xử lý mạnh tay mới này chưa xác định rõ nguyên nhân. Trung tuần tháng 8 vừa qua, Facebook cũng tiến hành một đợt khóa tài khoản quy mô lớn tại Việt Nam chỉ sau một đêm. Nhưng ở thời điểm đó, mạng xã hội này có gửi thông báo lý do cụ thể khiến tài khoản bị khóa tới người dùng. Không biết các đợt truy quét này có sự tham gia ý kiến của hệ thống an ninh mạng của Việt Nam không? Nhiều người còn bảo với tui rằng, nếu đưa clip ông thầy tu Thích Nhật Từ cầu nguyện trong công ty Nanogen cho vaccine của hãng này sớm được công nhận và cho phép sử dụng là bị lock ngay. Tui có clip này định đưa lên vì hôm qua có người comment bảo rằng làm gì có chuyện đó, đấy chỉ là tin giả và ca ngợi hết lời ông Thích Nhật Từ. Nhưng nghe tin sẽ bị khoá trang facebook liền sợ không dám đưa lên. He…he đã bị treo giò một lần rồi nên cũng phải cảnh giác chứ. Trên thế giới có gần 2 tỷ người có tài khoản trên Facebook. Riêng Việt Nam tuy dân số gần 100 triệu người nhưng đã có khoảng 70 triệu người dùng nó. Ở Việt Nam, Facebook nhiều người dùng nó để nói lên suy nghĩ của mình trước thời cuộc, xem nó như là tờ báo nhỏ để xem tóm lược tin hàng ngày. Có người xem nó như là nhật ký ghi chép, lại có người dùng Facebook là chỗ vui chơi với bè bạn, có kẻ dùng làm nơi để bán mua, quảng cáo..mỗi người có một mục đích riêng. Thế nhưng Facebook đã nhiều lần bị người ta lên án vì tự ý đưa ra những cách xử lý không rõ ràng, độc tài với những lý do rất mù mờ. Bởi thế cho nên ứng dụng này bị đánh giá rất thấp trên 2 kho phần mềm Play Store và App Store tại thị trường Việt Nam. Chuyện vaccine là chuyện của khoa học, nếu đủ điều kiện thì sẽ được chấp thuận, cần chi phải cầu nguyện. Công ty sản suất ra Nanocovax đã tào lao mà ông thầy chùa đó cũng quá tầm xàm khi ê a lời kinh cầu nguyện. Vẫn biết làm ra sản phẩm mà không được duyệt thì cũng nóng ruột chứ. Vì nóng lòng nên đã một lần làm đơn gởi thẳng Thủ tướng để cầu cứu rồi. Đúng ra là đơn phải gởi Bộ trưởng Bộ Y tế mới phải. Đâu là chuyện chuyên môn sao lại kêu với Thủ tướng.
Hôm 26.6, Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm Công ty Nanogen đã cho thấy chính phủ cũng đang nỗ lực tìm thêm phương án cung cấp vaccine bên cạnh việc nhập khẩu vốn đang gặp khó khăn do khan hiếm nguồn cung. Và hôm đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu tháo gỡ ngay mọi khó khăn, vướng mắc và nghiên cứu lập tổ hành động để thúc đẩy sản xuất vaccine phòng chống dịch trong thời gian sớm nhất. Nhưng các nhà khoa học thì lại bảo không thể nôn nóng được vì nó gắn với sinh mạng con người.
Ngày 20.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện hỏa tốc gửi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị chỉ đạo lãnh đạo Bộ Y tế tham gia đoàn công tác ở Cuba ký kết hợp đồng mua vắc xin Abdala.
Nghe tin này, Nanogen lại thêm lo. Mà nghĩ cho kỹ thì công ty Nanogen lo cũng phải chứ. Kiểu này khi cả nước chích vaccine đủ rồi thì biết làm ra bán cho ai. Bởi nếu Việt Nam mai mốt có công nhận chăng nữa thì thế giới đã công nhận đâu? WHO đã công nhận đâu. Bỏ biết bao nhiêu tiền làm ra rồi để đó ngó chơi sao? Nhưng mà nghĩ cũng lạ, Vaccine Hayat – Vax do công ty Beijing Institute of Biological Products Co., Ltd. – Trung Quốc sản xuất với lại vaccine Abdala của Cuba đã được WHO công nhận đâu. Cũng không thấy hồ sơ báo cáo thử nghiệm lâm sàng gì đâu, cũng chưa biết hiệu quả thế nào. Thế mà Bộ Y tế duyệt khẩn cấp và chấp nhận khẩn cấp. Trong khi đó hàng vaccine của ta thì công nhận là cũng đạt rồi nhưng đề nghị nghiên cứu tiếp. Bụt nhà không thiêng chăng? Thế thì ông bà chủ Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen nên tiếp tục cầu nguyện tiếp đi nhé, ông thầy tu lại có thêm việc nữa rồi he..he.
Trở lại chuyện gói hỗ trợ lần 3 mà nhà nước đang chuẩn bị phát cho dân khi kéo dài giãn cách thêm nửa tháng nữa. Và đã có một cuộc họp với một hội đồng xét duyệt gồm Đảng ủy, quân sự, công an, đoàn thể; ở khu phố có các tổ kiểm tra rà soát và sẽ lấy cơ chế tập thể để giải quyết các vấn đề dân sinh. Như thế thì xem như chính quyền địa phương không có quyền hành chi nữa. Cũng phải thôi, vì trước đây các ông các bà ở địa phương làm ăn luộm thuộm, sai sót, lại thêm tư lợi cho cá nhân, gia đình khiến dân kêu than dữ quá. Giờ để xem hội đồng này làm ăn ra sao. Dân chỉ muốn nói được là phải làm đúng, dân muốn có công bằng. Khó khăn chồng chất, kiếm ăn không được, ngồi chờ hỗ trợ mà kẻ có người không, lại bị ăn chận, hỏi sao không tức. Kýc bình thường thì chẳng thấy gì, lúc có việc mới thấy cán bộ ta khả năng kém quá, tư duy hạn hẹp, cách tổ chức thì vụng về, nhìn phát bực.
Cũng như cái chuyện thẻ chứng nhận tiêm chủng không thôi mà năm lần bảy lượt làm mãi không xong. Vừa rồi, làm việc với Phó thủ tướng, TP.HCM ‘hứa’ tuần này sửa xong dữ liệu tiêm chủng. Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM đang tổ chức sửa khoảng 700.000 thông tin phản ánh sai sót về tiêm chủng vaccine và cố gắng trong tuần này sửa xong.
Cũng nghe nói là tổ chức một ngày 3 tổ làm việc, với gần 200 người tham gia, chắc chắn sẽ xong. Chỉ sợ rồi lắm thầy thối ma. Làm quái gì mà tốn đông người thế. Thời đại công nghệ 4.0 rồi mà như thời 0.4 thế, chắc là ngồi chép tay từng người chăng? Một thành phố lớn thế này, là trung tâm của công nghệ, biết bao người có khả năng mà sao không tận dụng. Giao cho một công ty điện thoại phụ trách cái app thẻ xanh tiêm chủng làm hoài mà vẫn sai, sửa mãi mà vẫn sót. Sốt ruột thật!
Ông Phó Thủ tướng thì nói rất hay, rất bài bản như phải thống nhất xây dựng một app chung, không chỉ sử dụng riêng tại thành phố mà sau này còn phục vụ cho việc liên thông đi lại trong cả nước, thậm chí đi ra nước ngoài. Nào là “Dữ liệu thống nhất sẽ phục vụ thiết thực cho công tác chống dịch, với người dân phải thuận tiện, không bắt khai nhiều lần. Muốn như thế phải liên thông được. Để làm điều này phải có phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, trong đó bộ chủ chốt là Thông tin và truyền thông” rồi thêm ”trong khi chờ hoàn thiện nền tảng chung, TP.HCM cùng Bộ Thông tin và truyền thông và Tập đoàn Viettel tổ chức mảng dữ liệu riêng để TP cập nhật dữ liệu phục vụ cho việc điều hành chống dịch của TP, đồng thời làm sạch dữ liệu cập nhật lên hệ thống dữ liệu chung quốc gia”.
Tức là ông Đam yêu cầu rất chính xác, nhưng thưa với ông các cán bộ phụ trách lại không làm được. Ông bảo thì họ ok, hứa hẹn, nỗ lực, quyết tâm. Nhưng mà lực bất tòng tâm, sức người có hạn, họ không kham nổi. Cho nên chuyện tất cả dùng chung một app, hoàn thiện để dân tiện dụng trong cũng như ngoài nước xét cho cùng cũng chỉ là một khát khao. Tui có một khát khao như một bài hát gì đó thôi.
Chuyện tám cuối cùng hôm nay tuy không phải là chuyện ở Sài Gòn, chuyện ở Đồng Nai. Nhưng mà cái kiểu thì ở ta tỉnh thành nào cũng thế. Đó là chuyện bất ngờ nửa đêm ra văn bản. Sáng 20.9, nhiều người dân tại Đồng Nai bất ngờ trước Văn bản 11339 của UBND tỉnh, được ký ban hành lúc nửa đêm (23 giờ 32 ngày 19.9, có hiệu lực lúc 0 giờ ngày 20.9) về siết chặt kiểm soát đi lại giữa các vùng (xanh, đỏ, vàng, cam) trong trạng thái bình thường mới. Đúng là đùng một cái thật. Ban hành một văn bản có dính dáng đến cả triệu người dân mà có hiệu lực sau 30 phút chẳng khác chi một lệnh phá án khẩn cấp để giữ bí mật.
Chống dịch kiểu này dân cũng chẳng biết làm sao, cứ ngơ ngẩn nhìn các ông lãnh đạo bảo sao làm vậy dù chưa kịp hiểu gì. Ngay các đơn vị thi hành cũng chẳng có thời gian để hiểu nên mỗi chốt làm mỗi kiểu, ai hiểu sao làm vậy. Ớn quá chừng chừng!
21.9.2021
SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ BẢY MƯƠI SÁU
LAN MAN LẮM CHUYỆN 6
Đêm qua Tết Trung thu, thấy người Hà Nội đổ ra đường đông nghẹt mà ớn lạnh. Người Hà Nội dũng cảm quá. Nể thiệt. Dân chơi không sợ mưa rơi là đây chứ tìm đâu. Có lẽ họ đã được chích vaccine đầy đủ rồi mới gan thế chứ, mà toàn thuốc Anh, Mỹ thì ngon rồi. Theo các chuyên gia đánh giá nhiều người dân thủ đô đã quá khinh suất khi tràn ra đường chơi Trung thu trong khi toàn TP vẫn giãn cách theo Chỉ thị
15. Người ta nghĩ rằng nỗ lực chống dịch ở Hà Nội có thể đổ bể sau đêm Trung thu.
Đôi khi việc đổ ra đường kiểu này lại cho ta một phép thử. Nếu trong những ngày tới, Hà Nội không tăng người nhiễm dịch thì có thể kết luận là nếu được tiêm chủng đầy đủ thì chuyện bung ra đường không gây nguy hiểm gì. Các tỉnh thành khác có thể qua đó mà rút kinh nghiệm để giảm giãn cách. Còn ngược lại, số người nhiễm tăng thì là một bài học. Nhưng nếu thế thì bài học phải đổi lấy sinh mạng con người giá đắt quá.
Cảnh chen chúc đó gợi nhớ Sài Gòn những ngày cuối tháng tư, đầu tháng năm năm nay. Cũng tụ họp vui chơi 30.4, rồi 1.5, rồi bầu cử, rồi thi tốt nghiệp, rồi lấn nhau xét nghiệm ở sân Phú Thọ, chợ Bình Điền. Kết quả bây giờ là 14.000 người đã chết. Biến chủng Delta chỉ cần lướt ngang là dính, tụ tập đông như thế nguy hiểm thật. Kể ra dân Sài Gòn nhát gan, đêm qua im ru bà rù, đường vắng hoe, im ắng không tiếng dế, tiếng xe và cũng ít tiếng hú còi của xe cứu thương. Sài Gòn vẫn còn hắt hiu và lặng lẽ. Ngày hôm qua vẫn là 6.521 ca nhiễm và 184 người tử vong. Dịch vẫn còn ở con số cao, dây còn giăng, kẽm còn dựng, phố vẫn cửa đóng, ngày mở cửa vẫn còn trong mong đợi.
Thành phố vẫn tiếp tục kế hoạch chọc ngoáy mũi. Đã phân chia được vùng xanh, vàng, cam, đỏ. Theo thông báo của thành phố phân loại như sau:
– Huyện Củ Chi, Cần Giờ và Q.7 là vùng XANH.(Bình thường mới)
– TP. Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Phú Nhuận là vùng VÀNG.(Nguy cơ). – 14 đơn vị gồm các Quận: 1, 3, 5, 6, 8, 10, 11 và các huyện: Nhà Bè, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Hóc Môn, Bình Tân, Tân Phú là vùng CAM. (Nguy cơ cao)
– Quận 4, Quận 12 là vùng ĐỎ.(Nguy cơ rất cao).
Bộ Y tế cho biết, toàn thành có 24.330 tổ dân phố với
1.782.203 hộ dân, trong đó có 14.034 tổ dân phố (58%) đạt bình thường mới, có 6.098 tổ dân phố (25%) đạt mức nguy cơ, có 1.962 tổ dân phố (8%) đạt mức nguy cơ cao, vẫn còn 3.091 tổ dân phố (13%) ở mức nguy cơ rất cao (vùng đỏ). Thành phố hiện đã tiêm được 8,83 triệu liều vaccine trên tổng số 9,49 triệu liều đã được phân bổ.
Tại các “vùng đỏ”, “vùng cam” lực lượng y tế thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên đơn cho toàn bộ người dân, trừ các trường hợp F0 đã được xác định trong 14 ngày gần đây và các F0 đã xuất viện, khỏi bệnh. Việc lấy mẫu cần lặp lại sau mỗi 2 ngày, làm liên tục 3 lần trong 7 ngày. Như vậy vẫn tiếp tục chọc ngoáy 2 ngày một lần. Kiểu này sau dịch mũi của dân thành phố toét loét toè loe mất thôi. Cứ mỗi lần thấy đội quân này xuất hiện ở phố, bà con ai nấy đều ngán tới óc. Nhưng rồi không tránh được. Một phần sợ cái que chọc vào nhưng sợ nhất là bị dính bệnh khi xét nghiệm. Báo chí, dư luận, dân chúng, chuyên gia y tế nói hoài mà mấy khi nhân viên xét nghiệm thay găng hay sát trùng đâu. Cứ thế mà làm tới, nhiều khi nhìn bàn tay ấy mà rùng mình. Và để xúc tiến việc xét nghiệm này nhanh chóng và rộng khắp, chính phủ sẽ điều thêm 4.000 lính quân y đến thành phố. Quân số tăng cường đến từ Học viện Quân y và lực lượng y tế tại các quân khu. Họ sẽ giúp nâng công suất xét nghiệm tại TP.HCM lên 1,2 triệu mẫu/ngày.
Chiều 21.9, 800 cán bộ, chiến sĩ quân y đã di chuyển bằng đường hàng không từ Hà Nội vào thành phố.
Theo đại tá Nguyễn Vân Giang, Phó cục trưởng Cục Quân y, cho biết 4.000 quân nhân được điều động bao gồm 800 người từ Hà Nội và 3.200 người từ các địa bàn phía Nam. Số quân nhân này đều có trình độ y khoa và sẽ được tập huấn thêm kỹ năng kiểm soát nhiễm khuẩn, lấy mẫu test nhanh. Thành phố cũng vừa đề xuất Bộ Y tế cấp thêm 10 triệu kit test nhanh.
Test kiểu này tiền đâu mà chịu thấu, hèn chi ông Bộ trưởng Tài chính kêu thiếu tiền cũng phải. Ngân sách nhà nước rất khó khăn, số thu thuế giảm gần 50% mà đem tiền mua kit test liên tục và rộng khắp thì thua rồi. Ngày hôm qua, Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế phát biểu trong cuộc họp báo cho rằng việc bắt các F0 đi cách ly tập trung là “do hiểu nhầm”.
Theo ông Châu thì chính quyền một số nơi trên địa bàn thành phố đã hiểu sai rằng “bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng” thì đồng nghĩa với việc đưa đi cách ly tập trung toàn bộ các ca mắc virus. Trong khi chủ trương của thành phố là để cho các F0 cách ly tại nhà nếu đủ điều kiện.
Xin thưa với ông, làm gì có chuyện hiểu nhầm ở đây. Ngay từ khi có dịch, chính các ông chủ trương cách ly tập trung F0 và cả F1. Các ông nhốt vào một chỗ thiếu mọi phương tiện sinh hoạt. Không thuốc, không người chăm sóc đưa đến lây nhiễm chéo khiến con số người nhiễm bệnh tăng nhanh và tăng cao. Kết quả là chết hàng ngàn người. Thế rồi các ông đưa ra lệnh “bóc, tách”. Con người chứ phải rau củ quả đâu mà bóc với tách. Dùng từ dễ sợ thiệt. Lại còn bóc ra khỏi cộng đồng. Các ông chủ trương như thế rõ ràng là cách ly tập trung chứ gì nữa, hiểu nhầm là sao? Nếu cách ly tại nhà thì cứ ra văn bản ghi rõ những trường hợp F0 không hoặc chưa có triệu chứng thì tự chữa ở nhà có theo dõi của cơ quan y tế. Đằng này các ông chơi cái chữ “bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng” khiến các đơn vị phía dưới thực hiện như nhổ mang đi là đúng rồi, hiểu nhầm chi mấy cha.
Một người bạn của tui dính dương tính đang bị cách ly ở Gò Vấp trong một trường học vừa than trên Facebook của anh là suốt cả tuần lễ nay toàn cho ăn chay. Hộp cơm mỗi bữa chỉ có miếng tàu hũ ky chiên cứng ngắc,vài cái ngó sen dai và chút nước tương. Ăn như thế mà bảo tiêu chuẩn 80.000 đồng một ngày thì phi lý quá. Bệnh mà ăn như vậy thì có sức đâu mà chống chọi, có sức đâu mà đề kháng. Nếu thấy bệnh nhẹ thì cứ cho ở nhà tự theo dõi may ra cứu được họ. Cách ly kiểu này chỉ sớm chết mà thôi.
Ông Phó Giám đốc Sở Y tế đã nói hiện có một số địa bàn gom F0 đi cách ly tập trung. Vừa qua, các trường hợp này đã được Sở Y tế đã ghi nhận và chấn chỉnh. Vậy thì ông làm ơn cho mấy người như anh bạn tui về nhà đi, gom họ lại mần chi mà cho ăn uống như thế thì nguy to rồi. Và rồi ai sẽ chịu trách nhiệm việc tập trung chết người ấy đây? Mấy ông biết cách ly tập trung là hiểu nhầm, sao bây giờ để chết không thiêu kịp mới lên tiếng?
Đã trễ mất rồi.
Phó Thủ tướng Việt Nam Lê Văn Thành vừa ký ban hành Chỉ thị 26 ngày 21.9, cho phép người dân đã tiêm đủ hai mũi vaccine được tham gia các hoạt động duy trì sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hoá. Như vậy, chính phủ đã cho phép người tiêm đủ hai mũi vaccine tham gia hoạt động kinh tế. Chỉ thị này lại do ông Phó Thủ tướng ký. Tui cứ thắc mắc là văn bản về việc phòng chống dịch sao nhiều người thay phiên nhau ký thế. Có thể chia đều trách nhiệm thì phải. Cho phép thế nhưng đến giờ vẫn chưa hoàn chỉnh cái gì để người dân chứng minh đã tiêm đủ 2 mũi ngoài cái mảnh giấy mỏng của chỗ tiêm chích ghi cho. Cái giấy này mà xài ba ngày là nát, chưa kể đưa qua đưa lại có thể truyền con virus. Không hiểu một nước như thế này, một thành phố lớn như thành phố này mà làm mãi một cái app cũng không xong. Thế mà lúc nào cũng nói chuyện 4.0 với 5.0. Chán ơi là chán! Tui chích mũi 2 đã hơn hai tuần rồi mà mở sổ ra vẫn một màu vàng khè. Ông Đam hối dữ lắm mà sao vẫn chẳng thấy thay đổi chút nào. Viết lan man chỉ mong có chuyện vui để tăng thêm tinh thần lạc quan khi bị giam hãm quá dài, giãn cách quá lâu mà chẳng có được tin vui. Thôi thì lấy cái tin chiếc máy bay Boeing 787 chở 30.000 bánh trung thu vượt 1.300km, tặng bác sỹ đang căng mình chống dịch ở thành phố và các tỉnh phía Nam xem như là tin vui vậy. Những chiếc bánh trung thu đặc biệt này do đơn vị chuyên cung cấp những suất ăn hàng không cao cấp đạt chuẩn quốc tế cho các hãng bay toàn cầu, thiết kế và sản xuất. Mà nghĩ cũng kỳ, Sài Gòn có biết bao công ty, bao cơ sở sản xuất bánh Trung thu, sao không đặt ở đây mà phải dùng một chuyến bay từ Hà Nội mang bánh vào cho tốn kém thế? Chắc cũng để tạo tiếng vang thôi. Chơi thế thì tiêu hoang quá. Lực lượng y tế đã tổn hao công sức trong cuộc chiến đấu chống dịch dài ngày. Những chiếc bánh nhỏ cũng cho thấy sự quan tâm của xã hội đối với họ. Họ cũng sẽ có được một chút an ủi trong mùa Trung thu phải xa gia đình, cha mẹ, vợ chồng và con cái. Cũng chỉ là một chút an ủi thôi!
22.9.2021
SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ BẢY MƯƠI BẢY
LAN MAN LẮM CHUYỆN 7
Mở đầu chuyện lan man hôm nay cũng lại là chuyện chọc ngoáy. Ông bạn nhà báo về hưu của tui vừa đưa lên trang của anh về chuyện anh đã được ngoáy lần thứ 5, nghe hãi thật. Lại thêm đọc tin này lại ngơ ngác tự hỏi tại sao thế? Tin có tít như thế này: Người TP HCM được xét nghiệm như thế nào đến 30.9. Theo đó, học sinh, giáo viên, cán bộ công nhân viên tại trường học sẽ được xét nghiệm Realtime PT-PCR mẫu gộp tần suất 7 ngày một lần. Nhân viên y tế và bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện, cán bộ công nhân viên các đơn vị thường xuyên lưu trú đông người như doanh trại quân đội, công an, trại giam…cũng ngoáy theo tần suất thế. Nhân viên, người phục vụ sân bay, bến xe, bến tàu, ga, đường sắt được test nhanh kháng nguyên mẫu gộp tần suất 3 ngày/lần.
Tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhóm nhân viên, tiểu thương được test nhanh kháng nguyên mẫu gộp tần suất 3 ngày/lần. Riêng lái xe, phụ xe hàng sẽ được test nhanh kháng nguyên mẫu gộp cho toàn bộ người theo xe mỗi ngày.
Tại bệnh viện, bệnh nhân trước khi vào khám sẽ xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên mẫu đơn. Lực lượng thường trực tại các chốt giao thông, lực lượng shipper giao hàng được test nhanh kháng nguyên mẫu gộp từ 1 đến 3 ngày/lần tùy theo đặc điểm dịch tễ khu vực.
Khối cơ quan hành chính sự nghiệp, khu công nghiệp, các đơn vị sản xuất kinh doanh, toàn bộ công nhân viên xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên mẫu gộp.
Thành phố cũng triển khai xét nghiệm thần tốc cho đến 30.9. Theo đó, các “vùng đỏ, cam” sẽ lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên đơn toàn bộ người dân, tần suất lấy mẫu lặp lại 2 ngày, liên tục 3 lần trong 7 ngày.
Tóm lại là cho đến cuối tháng, toàn dân thành phố sẽ tiếp tục được chọc ngoáy liên tục nhằm tìm diệt F0. Anh chị em sẵn sàng chuẩn bị nhé. Cứ ngước mặt lên và chịu chọt, ai chịu không thấu thì cứ la cho hả giận, thế thôi. Lực lượng này vừa được tăng cường thêm 4.000 quân nhân. Nghe nói 800 người từ Bắc vào và 3.200 là của các quân khu trong Nam. Cũng nghe nói là lực lượng này đã có kiến thức về y tế và cũng đã được tập huấn nên hi vọng tránh được những điều đáng tiếc khi xét nghiệm. Chỉ có băn khoăn là đã có lắm người có chuyên môn phát biểu không nên xét nghiệm rộng và dài hơi như thế. Dân cũng nghĩ thế. Nhưng rồi chẳng có ai nghe. Công cuộc chọc ngoáy vẫn tiếp tục, liên tục và thần tốc he…he.
Theo các chuyên gia y tế, để mở cửa trở lại sau thời gian dài giãn cách, có 2 tiêu chí quan trọng cần lưu tâm là tỷ lệ người chích vaccine và số người nhập viện, tử vong vì nhiễm dịch. Chuyện xét nghiệm để tìm F0 chỉ thực hiện trong khu vực có nguy cơ và những người già có bệnh nền. Trên thế giới, kể cả những nước giàu không ai bỏ tiền ra để test rộng như ở ta vì nó vô ích, chẳng giúp gì trong việc phòng chống dịch. Bởi khi đã chấp nhận sống chung với virus, không còn lý do gì quan tâm đến con số ca mắc mới nữa. Cơn đại dịch do bệnh truyền nhiễm sẽ không còn đáng quan tâm khi phần lớn đã có kháng thể đặc hiệu với bệnh sẽ làm giảm đáng kể số ca mới, và giảm hẳn số ca tử vong.
Do vậy, để có thể mở cửa sớm cứu nền kinh tế đang suy thoái và lòng dân đang bất ổn vì giản cách kéo quá dài. Chính quyền nên tập trung và cố gắng tăng tỷ lệ phủ vaccine để nhiều người có kháng thể. Bên cạnh đó, phải tăng cường các biện pháp để số ca tử vong và nhập viện ở mức thấp hay mức chấp nhận được. Khi con số tử vong hàng ngày chỉ là một con số, chúng ta vẫn chấp nhận xã hội vẫn có người nhiễm bệnh nhưng giảm người phải vào bệnh viện. Một đại dịch gọi là kết thúc khi căn bệnh không gây nhiều tử vong, số người nhập viện giảm và không còn ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của toàn xã hội.
Trong thông báo 256/TB-VPCP ngày 23.9 kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp với các nhà khoa học về phòng, chống dịch có yêu cầu nghiên cứu đề xuất, góp ý với việc thực hiện việc cách ly, giãn cách xã hội nhanh nhất có thể, ở phạm vi nhỏ nhất có thể với các giải pháp linh hoạt, mềm dẻo.
Thế nhưng hiện nay, dù ông Phó Giám đốc Sở Y tế bảo rằng đưa F0 cách ly là “hiểu nhầm” của các cán bộ địa phương, nhưng thành phố vẫn còn những trung tâm cách ly thiếu thốn mọi phương tiện. Điển hình như khu cách ly ở Trường Nguyễn Trãi, Phường 13,Gò Vấp. Tại đây, rất nhiều người già, trẻ con đang được đưa vào đây trong tình trạng thiếu thốn mọi phương tiện sinh hoạt. Tất cả trải chiếu nằm dưới sàn nhà, ăn uống kham khổ, cũng chẳng được chăm sóc. Thế tại sao không cho họ tự cách ly và chữa trị tại nhà theo ý kiến của Sở Y tế và của cả Thủ tướng lẫn các nhà khoa học. Như thế, để thành phố có thể giảm giãn cách vào cuối tháng này, vẫn là chuyện vaccine. Hiện giờ để chích mũi 2 cho có một tỷ lệ nhất định có thể chấp nhận, thành phố lại thiếu vaccine. Cả nước cũng thiếu vaccine. Ngay từ đầu, nhà nước đã thiếu chuẩn bị nên đưa đến tình trạng này. Và bây giờ lại cuống cuồng tìm mọi cách để kiếm xin lẫn mua, nhưng cũng chẳng dễ. Vừa rồi ông Vương Đình Huệ cùng đoàn tuỳ tùng đi Châu Âu chỉ xin được 200.000 liều. Cũng trong chuyến đi đó, Tập đoàn T&T Group đã ký kết một loạt biên bản và hợp đồng hợp tác với các đối tác tại châu Âu để thử nghiệm lâm sàng, mua và nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng virus Vũ Hán, kit xét nghiệm Covid-19 Realtime RT-PCR.
Cụ thể, Công ty TNHH Dược phẩm T&T (T&T Pharma – đơn vị thành viên của Tập đoàn T&T Group) và Công ty HIPRA Human Health S.L.U của Tây Ban Nha đã ký thỏa thuận hợp tác thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng Covid-19 HIPRA SARS- CoV-2 (do Công ty HIPRA sản xuất) tại Việt Nam.
Đồng thời, T&T Pharma ký hợp đồng mua 50 triệu liều vaccine HIPRA SARS-CoV-2, với tổng giá trị là 375 triệu Euro (tương đương với 10.500 tỷ đồng) sau khi loại vaccine này được Bộ Y tế phê duyệt đưa vào sử dụng khẩn cấp tại Việt Nam.
Công ty HIPRA cũng cam kết sau khi vaccine được cấp phép tại Việt Nam, sẽ chuyển giao toàn bộ công nghệ sản xuất, bản quyền; cung cấp dây chuyền và máy móc, trang thiết bị, nguyên liệu, và đào tạo nhân lực để T&T Group có thể tự sản xuất được loại vaccine này với quy mô tối thiểu 50 triệu liều/ năm, bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn châu Âu.
HIPRA SARS-CoV-2 là loại vaccine protein tái tổ hợp, được thiết kế để tạo ra phản ứng trung hòa mạnh cùng với hệ miễn dịch tế bào tốt phản hồi, có mức độ an toàn cao, cung ứng thuận lợi, không yêu cầu bảo quản lạnh sâu mà chỉ cần bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C. Vaccine đã được Công ty HIPRA nghiên cứu và thử nghiệm đạt kết quả tốt ở giai đoạn 1 và 2, đặc biệt có hiệu quả với biến chủng Delta.
Hiện vaccine đang được tiếp tục thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2a tại Tây Ban Nha; tới tháng 10-2021 sẽ triển khai thử nghiệm giai đoạn lâm sàng 2b, 3 tại các quốc gia khác ở châu Âu và sau đó dự kiến sẽ được Cơ quan quản lý dược châu Âu (EMA) cấp giấy phép.
T&T Pharma cũng đã ký hợp đồng hợp tác sản xuất và nhận chuyển giao công nghệ sản xuất kit xét nghiệm Covid-19 Realtime RT-PCR từ Công ty GERBION GmbH&Co.KG của Đức.
Theo đó, đối tác sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất kit xét nghiệm Realtime RT-PCR Virella SARS-CoV-2 seqc và hợp tác với T&T Pharma để sản xuất loại kit xét nghiệm này tại Việt Nam. (Tin báo)
Trong tháng 8 vừa rồi, Vingroup nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vaccine của Arcturus Therapeutics (Mỹ) là đơn vị nghiên cứu phát triển vắc xin phòng dịch theo công nghệ mRNA. Theo thoả thuận Arcturus sẽ cấp giấy phép độc quyền và Công ty CP Công nghệ Sinh học VinBioCare (công ty thành viên của Vingroup) sẽ tiến hành sản xuất vaccine có tên VBC-COV19-154 (dựa trên sáng chế vaccine ARCT-154 của Arcturus).
Đồng thời, Arcturus sẽ tiến hành chuyển giao cho VinBioCare quy trình sản xuất, bao gồm: Bí quyết công nghệ; Đào tạo, chuyển giao, thực hành và kiểm định sản phẩm; cung cấp nguyên liệu đầu vào theo công nghệ độc quyền của Arcturus. Tiến độ chuyển giao dự kiến từ đầu tháng 8.2021.
VinBioCare cũng được Arcturus cấp quyền sản xuất tất cả vaccine khác của hãng như ARCT-021 (1 mũi) và các vaccine trong tương lai để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam.
Theo lộ trình, tháng 8.2021, VinBioCare sẽ phối hợp với Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo của Bộ Y Tế Việt Nam đưa vắc xin VCB-COV19-154 vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Việt Nam trên quy mô 20.000 người. Tháng 12.2021, VinBioCare dự kiến sẽ hoàn thiện hồ sơ và gửi Bộ Y tế xin cấp phép khẩn cấp có điều kiện để sử dụng VCB-COV19-154 tại Việt Nam. Dự kiến, lô vaccine đầu tiên sẽ được xuất xưởng vào đầu năm 2022.
Như vậy, cộng thêm vaccine Nanocovax của Công ty Nanogen, sơ sơ Việt Nam ta chuẩn bị có thêm 3 loại vaccine nữa góp mặt thêm 8 loại vaccine đã được phép sử dụng. Có lẽ trên thế giới, chưa có nước nào xài nhiều chủng loại vaccine như ở ta. Đồng thời cũng cho thấy cuộc chiến vaccine của các đại gia Việt. Nanogen với Nanocovax lo tới độ phải mời thầy cúng là phải rồi. Trong đại dịch kit test với vaccine là 2 món hái ra tiền. Trên thế giới cũng vậy mà. Cho nên cuộc chiến vaccine là một cuộc chạy đua, ai đến đích trước là thắng. Cũng có điều hơi băn khoăn là ngoại trừ vaccine sản xuất trong nước, mấy loại vaccine bỏ tiền ra mua sao không mua các loại có sẵn, đã được thử nghiệm và sử dụng toàn thế giới rồi. Vì lý do gì lại chơi canh bạc mạo hiểm đặt cọc mua loại vaccine đang thử nghiệm chưa có kết luận và cũng chưa được công nhận như vaccine HIPRA SARS-CoV-2 của Tây Ban Nha. Lỡ như kết luận thử nghiệm không đạt kết quả thì sao? Ta lại lỡ cuộc không mua được các loại khác cho kịp lúc. Đã nghèo lại chơi phiêu lưu. Mà cũng có điều lạ nữa là ở ta vaccine cũng như kit test đều do công ty, tập đoàn tư nhân mua là sao nhỉ? Sao nhà nước không đứng ra mua trực tiếp mà phải ủy quyền cho doanh nghiệp mua? Cái này cũng hơi lạ so với các nước. Còn nếu nhà nước mua thì toàn mua của Nga hay của Trung Quốc. Vừa rồi, Chính phủ đồng ý áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, theo Luật Đấu thầu, để mua 20 triệu liều vắc xin Vero Cell của Sinopharm Trung Quốc. Thế là sắp tới ta lại có thêm 20 triệu vaccine Tàu. Tha hồ xài nhé, anh chị em nào chưa chích hoặc chích mũi 1 là Sinopharm thì an tâm nhé. Không có bị chích trộn như Moderna với Pfizer đâu mà lo hão.
Mối lo bây giờ là kinh tế. Giãn cách vì đại dịch kéo dài đã khiến cho sản xuất đình trệ. Năm ngoái, nhờ kiểm soát dịch tốt, giúp Việt Nam trở thành một trong những trung tâm đón làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc. Nhờ đó, Việt Nam cũng lần đầu lọt vào danh sách 20 nền kinh tế nhận vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất với 16 tỷ USD đổ vào. Nhưng rồi dịch kéo vào, bùng phát mạnh ngay tại những tỉnh thành trọng điểm khiến cho việc mất đơn hàng FDI vào tay nước bạn không còn là nguy cơ, mà là thực tế đang xảy ra.
Khảo sát từ giữa tháng 8 của Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam cho thấy, 20% trong số này đã chuyển một phần đơn hàng ra khỏi Việt Nam, 14% đang ở bước dự định. Bên cạnh đó, 13% đã ngừng hoạt động, 50% hoạt động dưới 50% công suất.
Tương tự, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu cũng cho biết 20% doanh nghiệp đã chuyển một số hoạt động sản xuất tại Việt Nam sang các thị trường khác.
Trong tình hình đó, nếu thành phố và các tỉnh lân cận không mở cửa sớm, kinh tế sẽ thiệt hại nặng nề và khó kéo lên được. Đã có lắm người chết vì đại dịch, đã có hàng triệu người lâm vào cảnh khó khăn cũng vì đại dịch. Không thể lại hi sinh kinh tế khi tiếp tục phong toả. Dân cũng đã đến lúc sức tàn lực kiệt, thành phố cũng đã cố gắng tận cùng. Lối thoát duy nhất bây giờ chỉ là mở cửa càng sớm càng tốt. Chấm dứt ngay việc xét nghiệm rộng khắp, củng cố lại nhân lực và thiết bị tại các bệnh viện. Tập trung để giảm con số tử vong và tăng tỷ lệ tiêm chủng. Đó là những việc phải làm để trả lại bình thường cho thành phố này. Chỉ có lối thoát đấy thôi.
23.9.2021
(Còn tiếp)